ĐI
VÀO CÕI TẠO HÌNH
VỚI ĐINH CƯỜNG
Phan Tấn Hải
Hãy hình dung thế này về họa sĩ Đinh Cường: trong khi chúng ta
đang sống trong không gian 3 chiều, hay nếu kể thêm thời gian, sẽ gọi là không
gian 4 chiều, Đinh Cường sống trong một không gian tâm thức của rất nhiều
chiều: hễ bước chệch đi một tí, là đã bước sang cõi khác… nơi đó, ông hiện ra
với những màu sắc và đường nét không còn dính gì tới cõi này của chúng ta.
Và như thế, Đinh Cường như dường đang bay trong những cõi của n
chiều, với n lớn hơn rất nhiều lần con số 4. Tác phẩm “Đi Vào Cõi Tạo Hình” (ĐVCTH)
là một cõi dị thường như thế do tác giả Đinh Cường hiển lộ ra, nơi đó 16 họa sĩ
là những cõi riêng, và từng trang mở ra đọc là những không gian nhiều chiều độc
đáo, rất riêng từng người.
Viết như thế cho sách này, không dễ ai cũng có thể làm như Đinh
Cường.
Làm thế nào để nhìn thấy Đinh Cường cho trọn vẹn? Nếu họa sĩ họ
Đinh là một tấm tranh, tôi có thể đừng nhìn từ xa để thâý tổng thể bố cục, rồi
từ từ tới gần để xem các chuyển đổi những mảng màu, những đường nét vi tế hơn,
và rồi lùi lại xa, nghiêng chệch qua trái, rồi qua phải – tôi đã nhìn tranh
Đinh Cường như thế, một họa sĩ tôi ưa thích.
Nhưng cũng với tôi, Đinh Cường đã xuất hiện như một con voi khổng
lồ, chỉ có thể nhìn ông từ một phía, và rồi nói về ông từ một phía. Như dường
không thể nói đủ, về những Đinh Cường xuất hiện trước chúng ta, hoặc như một
họa sĩ, hoặc như một nhà thơ. Hay đúng ra, nên nhìn ông như một ống kính vạn
hoa, nơi đó ông xuất hiện đa dạng, một cách tài hoa.
Đinh Cường là một họa sĩ phức tạp. Ông là một nhà thơ của màu sắc,
nơi các tảng màu, các đường nét qua tay ông đã trở thành một thi ca mới. Chúng
ta vẫn luôn luôn kinh ngạc về Đinh Cường: Ông làm đẹp hơn những góc phố mà
chúng ta đã thấy, làm thơ mộng hơn những góc núi, những vầng mây…
Thí dụ, thử nhìn về một góc San Francisco, qua bài thơ “Chiều từ
San Francisco về lại San Jose ghé thăm chị Thịnh” (ĐVCTH, trang 81), Đinh Cường
đã viết với nhiều màu, và nhiều hình thể hiện ra trước mắt người đọc, như một
bức tranh, trích:
“… nhìn giống
chị Thịnh quá, Dưy Thanh nói
người con gái mong manh ấy
ở giữa lòng phố thị, lên building nhiều tầng
qua mấy cầu thang máy, qua hai khoảng sân vườn
những ly rượu chat trắng buổi trưa trên cao
nhìn xuống thành phố San Francisco
như muôn vàn hình vuông xám lấp lánh
mây như sóng biển trắng đứng im
rất nhiều cánh chim hải âu chao nghiêng…”
(ngưng trích)
Tôi đọc những dòng trên hệt như xem một tấm tranh, đọc chậm, đọc
nhanh, đọc từng chữ, với những ngắt câu… và đoán rằng khi cầm bút làm thơ, Đinh
Cường cũng tự ông bước ra một thế giới tạo hình riêng, là một họa sĩ của ngôn
ngữ.
Và bây giờ, tác phẩm “Đi Vào Cõi Tạo Hình” của ông đã cho thấy một
Đinh Cường mới: người viết về hội họa, về những họa sĩ. Đây là tập 1, viết về
các họa sĩ thành danh trước 1954. Do nhà xuất bản Văn Mới, California ấn hành.
Sách đang bán ở www.Tuluc.com.
Tuyển tập dày 160 trang, in trên giấy dày để giữ trọn vẹn màu sắc
của tranh, với 16 bài Đinh Cường viết về 16 họa sĩ/điêu khắc gia: Lê Phổ, Lê
Văn Đệ, Mai Thử, Nguyễn Gia Trí, Tôn Thất Đào, Nguyễn Đỗ Cung, Điềm Phùng Thị,
Trương Thị Thịnh, Tạ Tỵ, Văn Đen, Nguyễn Văn Phương, Võ Đình, Bùi Xuân Phái,
Thái Tuấn, Duy Thanh, Ngọc Dũng.
Mỗi họa sĩ là một thế giới riêng của hội họa. Đinh Cường đã viết
về 16 thế giới đó bằng ngôn ngữ riêng, rất mực Đinh Cường, như thực, như mộng.
Thí dụ, chúng ta hãy đọc nhan đề bài đầu tiên viết về Lê Phổ, và
nhan đề này cũng là một nhận định từ đôi mắt nhìn suốt qua các cõi:
“Lê Phổ: Những Đóa Hoa Hái Từ Một Giấc Chiêm Bao.”
Có ai nhìn về Lê Phổ và về tranh Lê Phổ như thế chăng? Phải chăng
Đinh Cường khi nhìn tranh Lê Phổ đã tự thấy mình như bước vào một giấc chiêm
bao lạ?
Hay là, khi Đinh Cường chọn tựa đề bài viết:
“Văn Đen, Tiếng Vĩ Cầm Trong Chiều Tà và Màu Nâu Đất Buồn.”
Hay là, nhan đề bài: “Nguyễn Văn Phương, Lễ Hội Như Một Nỗi Hoài
Nhớ.”
Hay là, “Họa sĩ Ngọc Dũng, Vì Sao Rơi Vào Bất Tận.”
Thế đó, ngay cả khi viết về hồi ký, về sử hội họa, về những thế
giới hội họa ông từng nhìn ngắm và thân cận… Đinh Cường cũng viết bằng thi ca
như những nét vẽ.
Tuyển tập “Đi Vào Cõi Tạo Hình” hoàn toàn đứng riêng, trên một
không gian riêng là như thế. Không ai viết như Đinh Cường, và không mấy ai có
nhiều kỷ niệm như ông đã có với những họa sĩ trong sách này.
Chỉ riêng nói về phương diện tài liệu, sách ĐVCTH là một kho rất
hiếm: sưu tập nhiều tranh hiếm, hình lạ, và chuyện kể hay kỷ niệm riêng tư về
các họa sĩ.
Thí dụ, tấm hình chụp Lê Phổ đứng ở Sài Gòn năm 1953, hay tấm
tranh của Lê Văn Đệ về một cảnh quê ở Ý năm 1933… Tất cả đều từ các sưu tập kỷ
niệm của gia đình các họa sĩ.
Không chỉ về phương diện tài liệu, Đinh Cường cũng kể lại kỷ niệm,
hay đưa ra nhận định riêng trong cương vị họa sĩ.
Thí dụ, Đinh Cường viết trong bài “Hoạ sĩ Ngọc Dũng, Vì Sao Rơi
Vào Bất Tận” vừa kể kỷ niệm, vừa nhận định về phong thái tranh của Ngọc Dũng,
và cũng có thể dùng làm tư liệu cho nhà nghiên cứu lịch sử mỹ thuật sau này,
trích
“…Trở lại hội họa và thơ của Ngọc Dũng, còn in trong trí tôi là
những thiếu nữ mắt tròn to, những tranh phố màu xanh sẫm, những tĩnh vật bình
hoa trên chiếc khăn ca-rô. Là thế giới riêng của anh. Không nhầm vào đâu được.
Một bức tranh lớn, tôi mê và ám ảnh tôi nhất, là bức “Nu Campuchia” của anh.
Bạn anh thường gọi đùa là “Khỏa thân Mọi”. Tranh này vẽ thời kỳ qua làm cố vấn
Văn Hóa Thông Tin tại Campuchia. Thiếu nữ nằm dài từ hai góc chéo của tấm toile
với gam màu nâu sẫm, vàng sậm và đỏ, không gian màu trắng ngà, với chiếc xà
rông của cô gái Campuchia lửng lơ. Làm nhớ Gauguin với những thiếu nữ ở đảo
Tahiti, nhưng với anh là một rung động gần gũi. Bức tranh này gần đây, nghe nói
bán rất đắt giá cho một người sưu tập (thuộc một sưu tập khác ở Sài-gòn bán
lại). Anh thích căng một tấm toile lớn để vẽ, những lần như vậy tôi thường đến
phụ anh để căng. Tấm tranh lớn gần đây của anh là bố cục những thiếu nữ. Những
thiếu nữ trong tranh anh vẫn thắm tươi một mùa xuân hạnh phúc…”(trang 154)
Khắp trên các trang sách, là những dòng chữ tương tự của Đinh
Cường.
Trong phong thái viết như thế, Đinh Cường đẩy xa hơn vào một chiều
khác, xa hẳn cách viết của những người khác: ông viết như vẽ, làm hiển lộ ra
nơi các dòng chữ những tảng màu, những đường nét…
Trong một điển hình khác, Đinh Cường đã viết như vẽ trong bài “Về
Trong Phố Xưa, Bùi Xuân Phái,” khi kể về căn phòng nơi họa sĩ Bùi Xuân Phái vẽ,
uống rượu, tiếp bạn, trích:
“…Làm sao quên được căn phòng nhỏ treo đầy tranh, với chiếc ghế
nệm dài màu đỏ sậm, gần như duy nhất, đặt cạnh cửa sổ không đủ ánh sáng, nơi
anh ngồi vẽ, đọc sách, uống rượu, trò chuyện cùng bạn bè – cũng như chiếc divan
duy nhất, nơi ngồi, nằm, rít thuốc lào, uống rượu sảng khoái cùng bạn bè của
anh Văn Cao ở phố Yết Kiêu, anh Phái thì ở ngõ 87 phố Thuốc Bắc. Những lần ra
Hà Nội, đi với Thái Bá Vân đến thăm, uống ly rượu cùng anh, hay cùng nhau ra
ngồi uống bia hơi bên chân cầu, góc phố nào tôi không nhớ tên, từ Ô Quan Chưởng
đi thẳng đến…”(trang 118)
Viết như vẽ… tuyệt vời là Đinh Cường. Căn phòng của Bùi Xuân Phái
và những góc phố Hà Nội hiện lên trang giấy.
Không gian Đinh Cường đưa ra trên trang giấy không chỉ là hình
ảnh, chuyện kể, anh còn viết bằng rung cảm. Những âm thanh thiết tha tự sâu
lắng trong hồn cũng được họa sĩ họ Đinh ghi lên trang giấy, khi viết bài “Văn
Đen, Tiếng Vĩ Cầm Trong Chiều Tà và Màu Nâu Đất Buồn,” trích:
“Văn Đen, người nghệ sĩ tài hoa, người sống hết mình cho hội họa,
yêu thích âm nhạc, anh mê đàn vĩ cấm, anh quý cây violon của anh như nguời bạn,
trong đêm khuya, với những Tristesse Chopin, Sernade Schubert …anh đủ thả hồn
mình bay bổng cùng với những vết cọ bệt màu lên bố vẽ …
Những bức tranh nổi tiếng của anh, ngoài Cái siêu đất, còn có Thổi
chai, Rước đèn, Tam nhân ẩm tửu… Ngoài những bức tĩnh vật, phong cảnh đồng quê,
anh còn vẽ nhiều về Mẹ, anh thương yêu mẹ vô cùng. Tôi càng quý anh thêm về
tình gia đình, anh sống nghiêm túc, giản dị, luôn đứng về phiá những người lao
động – thế giới nghệ thuật đầy nhân tính của anh. Một nhân cách lớn.”(trang 99)
Một nghệ sĩ luôn đi tìm cái mới — Tạ Tỵ, một nghệ sĩ lớn của Việt
Nam – đã được mô tả quả bài “Tạ Tỵ, Người Họa Sĩ Luôn Ưu Tư về Những Cái Mới”
trong đó Đinh Cường ghi lại trên giấy một khát khao sáng tạo cháy bỏng (xin mời
đọc chậm rãi, vì chữ có thể bốc cháy với đam mê sang tạo), trích:
“…Có thể nói Tạ Tỵ, với tranh chân dung văn nghệ sĩ độc đáo, với những
nét sáng tạo bén nhạy ở từng khuôn mặt, tranh vẽ nét cũng như có màu sắc đều
mang tính cách một Tạ Tỵ tài hoa, thượng thừa, khó ai so sánh…
… viết về Tạ Tỵ thật khó, bởi vì anh là một vóc dáng lớn, một cuộc
đời âm thầm mà gần như ngoại hạng. Từ viết văn, làm thơ, viết nhận định văn
học, trình bày sách báo, vẽ ký họa chân dung văn nghệ sĩ… tất cả là một kho
tàng lớn chưa ai khai thác kỹ. Anh là một Nghệ Sĩ đích thực, sống hết cuộc đời
mình cho Nghệ Thuật…” (trang 90-94)
Họa sĩ cũng có khi sống như một thiền sư, một đạo sĩ… Đó là trường
hợp Đinh Cường nhìn về Duy Thanh, người họa sĩ cô quạnh giữa đất trời San
Francisco, hệt như một con chim trốn tuyết. Bài viết “Duy Thanh, Trái Tim Đang
Cười” qua lời kể của Đinh Cường, trích:
“…Anh thuê căn phòng dưới hầm hẹp cỡ 2m x 3m, trả 200 đô một
tháng, cách chỗ ở bảy khối nhà. “Với cái ghế tôi ngồi giữa những lùm xùm vây
quanh, không có chỗ len chân,” anh ghi sau mấy tấm ảnh như vậy. Anh đi bộ từ
nhà đến đó ngồi vẽ. Thời gian sau này anh vẽ vô số những vung bút nhỏ trên
giấy, nét bút mạnh, rất thiền, như một đạo sĩ…
…Anh đã hít hà vô lượng sóng trùng khơi, mây xám thấp trên thành
phố San Francisco đã in dày dấu chân anh cuốc bộ, như con chim cô đơn trốn
tuyết anh đã ngồi trên chiếc ghế đó, căn phòng đó mà vẽ, vẽ đắm đuối bao nhiêu
là tranh trên giấy, với chất liệu sơn dầu, acrylic, mực đen… Những chất liệu ấy
đôi khi hòa quyện lại như núi lửa như sóng biển gầm, và đôi khi tịnh yên như
trở về Không, những nét bút phóng túng ấy luôn tài hoa, những nét bút qua “những
ngón tay bắt được của trời” như Mai Thảo đã viết về anh.”(trang 140)
Có một chữ nào ngắn gọn để nói về tuyển tập “Đi Vào Cõi Tạo Hình”
hay không? Xin thưa, sẽ không có chữ nào đầy đủ cả. Nhưng nếu phải tìm chữ, có
lẽ chữ “thơ mộng” là thích nghi nhất: Đinh Cường viết về 16 họa sĩ, bằng ngôn
ngữ của thơ, của hội họa, của âm vang nhạc tính, và của những rung cảm tinh tế.
Từng trang giấy một đã có những điện đài riêng.
Chúng ta chờ đợi tuyển tập thứ nhì, khi Đinh Cường viết về các họa
sĩ thế hệ trẻ hơn, trong đó có ông.
Phan
Tấn Hải