Wednesday, November 4, 2015

168. TRẦN HUỀN ÂN Động vật trong ca dao


Photo by Thanh Tien

             

Đi tìm “động vật trong ca dao” chúng tôi sưu tầm được 1072 câu ca dao và 23 bài đồng dao, mỗi câu hay bài ít nhất có một động vật được nói đến, tạm chia ra các loại: gia súc – gia cầm, tứ linh, dã thú – ác thú, chim, cá, các loài lưỡng thê, côn trùng…  Số lần động vật được nói đến tất cả là 2025 lần.

Chi tiết như sau:

       *Các loại gia súc gia cầm được nói đến 449 lần.
Trong đó: 

-Trâu                           127 lần         
-Gà                               95 lần          
-Ngựa                           69 lần                           
-Heo                             44 lần           
-Bò                               31 lần         
-Chó                              29 lần           
-Mèo                             28 lần         
-Vịt ngỗng                     19 lần          
-Dê                                 7 lần.

*Các loại trong tứ linh được nói đến 152 lần.
Trong đó:  

-Rồng (long)                     79 lần     
-Phụng/Phượng hoàng       64 lần           
-Quy                                  6 lần          
-Lân                                   3 lần.

*Chim (nói chung) được nói đến                530 lần
Trong đó, có nêu tên từng loại  chim          380 lần.

*Cá (nói chung) được nói đến                    329 lần
Trong đó, có nêu tên tên từng loại cá         161 lần.

*Dã thú, ác thú được nói đến                     123 lần
Trong đó voi được nói đến                           26 lần
                cọp được nói đến                        18 lần.

*Các loài lưỡng thê, thủy tộc khác, bò sát được nói đến 225 lần

*Các loài côn trùng được nói đến                217 lần.

       Theo các con số ấy thì số ca dao nói đến loài chim nhiều hơn cả, trong đó số câu nói đến từng loại chim cũng nhiều hơn cả, thứ hai là nói về gia súc gia cầm, thứ ba là cá, thứ tư là các loài lưỡng thê + bò sát, giáp xác, thứ năm là côn trùng, thứ sáu là các loài thuộc tứ linh, ít nhất là số câu nói đến dã thú và ác thú.

Có một số câu chỉ nói đến một động vật mà thôi.

       Tậu voi chung với đức ông
       Vừa phải đánh cồng vừa phải hốt phân
       
       Rủ nhau đi bắt chuồn chuồn
       Khi vui nó đậu khi buồn nó bay
       
Én bay thấp mưa ngập bờ ao
       Én bay cao mưa rào lại tạnh

 Phần nhiều câu mở đầu gặp động vật này nhưng tiếp theo còn nói đến một hay các động vật khác.

       Làm nhà ở cạnh bờ sông
       Sáng xem  lội chiều trông chim 
       
       Ví dầu... cá bống hai mang
       Cá trê hai ngạnh, tôm càng hai râu

Cả một tập thể đông đảo như nhóm họ, nhóm làng.

       Chiều chiều con quạ lợp nhà
       Con cu chẻ lạt, con gà đưa tranh
       Chèo bẻo nấu cơm nấu canh
       Chìa vôi đi chợ mua hành về nêm
       
       Con  mắc dò mà chết
       Mẹ con cái diệc giã nếp làm chay
       Ếch kêu ộp oạp mời thầy
       Bồ câu mở sách xem ngày làm ma
       Cà cuống uống rượu la đà
       Con cua trong lỗ bò ra chia phần
       Chào mào mà đánh trống quân
       Chim chích ở trần vác cuốc đi chôn
       Tôi trình ông xã ông thôn
       Ông uống chén rượu cho chôn con cò  
         
Loài chim được nói đến nhiều hơn cả, tiếp theo là gia súc gia cầm, rồi đến loài cá. Gia súc, gia cầm được con người nuôi dưỡng, chúng sống dưới mái nhà của con người, quen thuộc bên con người, nếu được xếp hàng đầu cũng là việc bình thường. Điều đáng lưu ý là con người ít nói đến những động vật có vú, máu nóng, sống trên mặt đất, gần gũi hơn mà lại hướng đến “chim trời cá nước”?

Phải chăng các loài dã thú không hơn ta nhiều về khả năng đi lại, không biết bay cao, không biết lặn sâu, ít cho ta nhiều những ước mơ để thăng hoa hoài bão sống?

       Có lẽ là thế.
     
     Loài chim và loài cá không quá gần gũi con người nhưng cũng không quá xa cách con người. Con chim nghệ vàng đậu ngay trên cành cây trước ngõ, con sao sáo đi theo chân con người bên luống cày, bầy se sẻ sà xuống nhảy nhót trong sân. Con cá lội tung tăn dưới làn nước ngay tầm tay con người. Con mang, con chồn, con thỏ rừng không dám làm như vậy. Vì chỉ một cái chớp cánh là con chim đã bay vù lên cao ra xa, chỉ một cái quấy mình, vẫy đuôi con cá đã thoắt đến chỗ khác. Chúng dễ tạo cho con người sự say mê, con người đưa chúng vào ca dao để thể hiện những ước vọng hướng thượng và hướng thiện. Con chim quyên phải xuống đất ăn trùn khác nào người anh hùng lỡ vận, con chim phụng hoàng sống với đàn gà là người quân tử thất thế, con cá vượt vũ môn hóa rồng, con rồng thành danh đến thăm con tôm lạc đệ. Toàn chuyện thế nhân cả. Con chim quyên, chim phụng, con cá lý ngư, con tôm v.v... đều là con người. Không chỉ một số ca dao nói đến động vật dùng mỹ từ pháp nhân cách hóa mà phần lớn, hầu hết ca dao đã nhân cách hóa động vật khi nói đến chúng.

       Giữa môi trường thiên nhiên mênh mông con người dù muốn dù không vẫn phải sống chung với muôn loài. Chim và cá là hai loài đối với loài người sự s sệt nhau ít hơn các loài khác và sự ghê tởm nhau gần như không có. Làm sao con người có thể nói nhiều về cọp beo, trăn rắn, những động vật chúng ta không hề muốn đối diện. Trừ các nhà động vật học hiện đại do nhu cầu nghiên cứu, chắc chẳng mấy ai chịu vuốt ve con ếch, con nhái, con thằn lằn, động tác chúng ta vẫn thường làm với loài chim. Trong loài chim cũng có những con không được ưa chuộng như con cú, con dũ dĩ, con kênh kênh, nhưng do họ hàng nhà chúng đông quá và các loài vừa kể không xuất hiện thường xuyên nên không gây ảnh hưởng quan trọng với đa số. Loài cá, tiếc rằng chúng không thể sống được khi rời khỏi nước, nếu không người ta cũng cầm nó lên trìu mến vui đùa. Đó là lý do thứ hai để ca dao ghi nhận nhiều hình ảnh chim trời cá nước. Cũng là lý do để hiểu vì sao số lần nói đến chim chiếm hơn 26% số lần nói đến động vật (trong phạm vi 1072 câu ca dao tập họp được), số lần nói về cá chiếm hơn 16%, trong khi “con trâu là đầu cơ nghiệp” số lần nói đến chỉ đạt hơn 6%, con gà thật gần gũi hàng ngày số lần nói đến chỉ đạt hơn 4,6% và con rồng đứng đầu tứ linh số lần nói đến chỉ đạt hơn 3.9%.

       Một điều thiết tưởng nên nghĩ đến là: Ca dao thuộc dòng văn học truyền miệng, nó ra đời trước dòng văn học viết chữ để xem và đọc, đáng lý khi có chữ viết thì ca dao phát triển mạnh mẽ hơn, một số người bình dân đặt ca dao, một số nhà văn nhà thơ viết ca dao, khối lượng sẽ đồ sộ biết bao nhiêu và nội dung diễn đạt sẽ bội phần hay ho. Nhưng, ngược lại ca dao chỉ ngưng lại với khối lượng vốn có, mai một dần, không được bổ sung. Các nhà thơ nhà văn không mấy người sáng tác ca dao, cho rằng nó nôm na quá chăng, không xứng tầm chăng? Họ bận tâm theo đuổi từ lãng mạn đến hiện đại rồi hậu hiện đại, họ chú trọng đến viễn mơ, ảo tưởng rồi dấn thân, hiện sinh, càng ngày họ càng nói thẳng mọi việc của con người, gọi là phản ảnh thực tế, bóc trần sự thật, chẳng cần ẩn dụ bằng chuyện con chim, con cá, con hùm, con rắn chăng? Tác phẩm của họ phần lớn không đến được với quần chúng nông thôn vì hai bên không hiểu nhau nhiều. Con chim nghệ vàng được gọi là chim hoàng anh, con chim chiền chiện được gọi là chim sơn ca, còn con chim họa mi tên nôm na là gì nào biết được! Vậy thì, ca dao nhìn chung và ca dao nói đến động vật không phát triển, bị mai một, phải trách cứ các nhà thi sĩ bình dân của đồng quê. Ngày xưa cha ông chúng ta đặt ra nhiều câu, nhiều bài thế, sao lớp con cháu ngày nay không sáng tác bổ sung?

       Hay là do sự thay đổi trong thị hiếu, trong nhu cầu thẩm mỹ, cách thưởng thức cái đẹp từ thiên nhiên đã khác hẳn.

Ngày trước, người ta nhìn ngắm động vật trong khung cảnh thiên nhiên, buổi sáng mưa bay lất phất thấy con chìa vôi trên ngọn măng vòi cao, buổi trưa đi qua đồi sim lũ bồ chao bạc má đánh vang như chào đón, con sóc đỏ dạ kêu tọt tọt thoăn thoắt chuyền cành, khi chiều nắng nhạt băng ngang trảng gò chợt gặp bầy công xòe đuôi múa, đêm sáng trăng con nai vàng ra ngửi mùi tranh cháy, ta là khán giả không có giấy mời, không bỏ tiền mua vé, được trời cho cái giây phút thư nhàn ấy, làm sao không xuất cảnh sinh tình, đặt ra mấy câu tâm đắc, cho dù vần điệu không được đúng đắn, sít sao. Ta đọc cho nhau nghe và truyền miệng cùng nhau.

Bây giờ, tận những chỗ ngày xưa gọi là hang cùng ngõ hẻm, đã được ngọn đuốc văn minh rọi soi ánh sáng, nào truyền hình, phát thanh, trò chơi điện tử, mới lạ và hấp dẫn, máy cày đã thay con trâu, xe nổ đã thay con ngựa, bò nuôi ở các nông trại để lấy thịt, lấy sữa, ta không còn tình cảm đậm đà với lũ gia súc hàng ngày chung cảnh nắng sương, điện thoại cầm tay gọi nhau hẹn nhau, cần gì nghe con chim khách mách tin mà phỏng đoán, đợi chờ.

       Chốn thị thành thì con chim khướu đứng trong chiếc lồng đáng gọi là lồng son, con chốc mào đội mũ cũng ở trong chiếc lồng xinh xắn. Những con cá mang tên đài các bơi lội quanh quẩn trong hồ kính, bên dưới lấp lánh nhiều viên bì đủ màu sặc sỡ. Và con người ngồi ngả lưng trong ghế bành nơi nhà hàng sang trọng nghe tiếng chim hót, xem cá bơi. Có thể ngoài sân quán, trên vách quán cũng có hoa lá thật đẹp, cây cảnh bị uốn cong, bẻ ngoặc tạo nhiều hình dáng dị kỳ, đứng bên con suối giả nước chảy róc rách và bọt trắng tung cao vài ba tấc, khác hẳn thiên nhiên, bởi vì là hoa chăm cỏ xén lối phẳng cây trồng, khách nhìn giọt cà phê khoan thai rơi nhẹ, ngửi hương trà phảng pht lan tỏa, nói chuyện chạy mánh, áp phe, lên lương, thăng chức. Khung cảnh đã thành khung cảnh hí trường, con chim con cá là diễn viên trên sân khấu, có hiểu đâu thân phận cá chậu chim lồng?

       Ca dao tuy còn chỗ đứng nhưng không giữ được tư thế vững vàng là điều tất nhiên.

      Chắc chẳng ai quan tâm. Ai đây là con người, chứ con vật ắt là từ ngàn đời nay chúng đã không hề quan tâm. Xin quý vị thông cảm đừng bắt bẻ rằng: Ông (tác giả) đâu phải là chim, là cá, mà biết chúng không hề quan tâm!

TRẦN HUỀN ÂN