Ảnh: internet
Quốc biết gốc gác của “lão Tú Khùng” bởi nhà anh ở kế bên nhà trọ của lão khi lão còn đang học Trung học ở tỉnh thời tuổi trẻ. Bẵng đi một thời gian dài, khi Quốc vừa lên lớp đệ tứ, anh gặp lại lão Tú ngoài phố với bộ âu phục thẳng cứng, có đeo cravate, cùng dạo phố với một cô gái xinh xắn, cổ đeo xâu chuỗi dài xuống giữa ngực. Thuở ấy anh nghĩ, ốm nhom như lão mà cũng có cô gái đẹp mê, chắc là lão có chức tước gì hay giàu có lắm!
Sau năm 75, Quốc tiếp tục học năm cuối của trường Sư phạm, ra trường được phân về dạy ở một ngôi trường tiểu học ngoại ô thị xã, là một xã nghèo vừa được khai hoang, san lấp dấu vết đạn bom, đang ổn định dần đời sống và mọi sinh hoạt, bởi hơn 10 năm mảnh đất cằn khô và con người nheo nhóc ở đây đã bị dằn xé bởi thù hận…
Ngày Quốc nhận được giấy gọi đi dạy, mẹ anh đã mua lại chiếc xe đạp cũ được treo lên sà nhà của người hàng xóm cũng hơn mười năm, cho anh có phương tiện đi dạy, và về thăm gia đình vào những ngày nghỉ! Chiếc xe đạp cũ sét mốc meo dày bụi đã trở thành gia tài hiếm có của anh. Tiền lương gọi là “bồi dưỡng”, cộng với mười ba ký gạo và mấy cái tem phiếu mua hàng của giáo viên cấp một cũng chỉ đủ để anh tự túc cơm rau mắm qua ngày mà đến lớp.
Một buổi sáng, Quốc ghé vào chiếc quán bên sông trước khi đến lớp để ăn một dĩa bánh xèo, sau khi đã bán lại số tem phiếu cho người chủ nhà trọ là phụ huynh của một học sinh lớp anh đang day. Mỗi lần qua cầu đến trường, anh đều ngửi thấy mùi dầu phụng từ hai khuôn bánh xèo của bà Tám đẹt đang bốc khói tỏa mùi thơm gợi nhớ nhưng chưa lần nào ghé vào ngồi ở chiếc bàn gỗ tạp thấp duy nhất kê giữa nhà để ăn một dĩa. Nhìn vào, Quốc thấy có một người đàn ông ăn mặc tươm tất đang cắm cúi xuống dĩa bánh xèo, có vẻ vội vàng.
Quốc bước vào: “Bà Tám cho cháu một dĩa, rau sống nhiều nhiều nghen!”
- Thầy ngồi đi – bà cười, rau sống dạo nầy đắt quá, thầy ơi!
Một thoáng, dĩa bánh xèo vỏ nhưn giá được bày ra trước mặt với dĩa rau sống tươi ngon. Quốc lấy chiếc dĩa nhỏ, mở nắp thẩu chứa nước mắm ớt tỏi làm sẵn trên bàn, múc một muỗng. Ăn bánh xèo, nhất là bánh xèo vỏ, cái ngon phần lớn nằm ở dĩa rau sống và chén nước chấm. Quốc nếm thử một tí nước mắm, cảm thấy tiếng đồn bánh xèo quán bà Tám đẹt “hạng nhất” xã, không sai. Anh gỡ một lát bánh cho vào dĩa, gắp rau bỏ vào giữa, cuốn lại. Anh ăn chậm, thư thả để có thời gian nhớ lại những ngày mùa đông được ăn bánh xèo do mẹ đúc lấy cho cả nhà quây quần, ăn thế bữa cơm chiều, lúc nhỏ…
Người đàn ông ngồi cùng bàn bước lại trả tiền cho bà Tám rồi vụt biến mất trước hiên. Lại có người khách mới bước vào. Một thoáng ngạc nhiên, Quốc nhìn người khách ốm o, cao lênh khênh kia, rất giống người học trò năm xưa ở trọ gần nhà anh. Mái tóc hơi quăn, khuôn mặt nhỏ, dáng gầy ốm, nhất là bộ áo quần ka ki màu xanh dù đã sờn cũ, chắp vá.
Lão nói với bà Tám đẹt mà mặt vẫn hướng nhìn đâu đâu lên trần nhà: “Bà cho một dĩa, bánh nhưn giá hành, rau sống nhiều vào!”.
- Không có bánh giá hành, ông ăn một thứ thôi! Giọng bà hơi cao, nặng.
- Vậy thì giá…
- Hôm nay kiếm được tiền ở đâu mà ăn vậy ông Tú? Bà nhếch cười.
- Tiền ở đâu bà tra gạn làm gì? Giọng lão tỉnh bơ, không phải tiền “đút lót” thì thôi…
- Ông Tú hôm nay nói hay nhỉ…Bà liếc xéo lão, cười nhe hàm răng gãy, móm.
- Ông nào nói mà chẳng được, cần gì Tú - Cử, bà?
- Dạo này tui thấy ông ngày mỗi ốm nhom – bà lại cười, như con còng gió rồi!
- Được như còng gió còn tốt – lão cười khà khà, tôi như con gián bạc phước bị nằm ngửa rồi, có chân cẳng mà coi như không, mặc cho lũ kiến chúng bu!
- Ông nghèo rách mồng tơi, ốm nhom vậy, ai mà bu?
- Bà đừng lầm mà chết sớm! Lão kéo chiếc ghế đẩu định ngồi, dừng lại – ngước lên nhìn bà Tám bằng đôi mắt như ánh chớp đèn pin, chỉ còn cái cánh mỏng thôi, chúng cũng vẫn bu…
- Chỉ có ba con kiến đói, mới đến bu ông thôi…
- Lũ kiến đói nhiều lắm, bà ơi…
- À! sao không chịu sống với vợ con ở Saigon mà về nằm chèo queo giữ cái từ đường xiêu vẹo vậy, ông?
- Đèn nhà ai nấy sáng, bà tọc mạch làm gì? Tiếng lão hằn học – còn bà sao không về sống với ông chồng cán bộ mới về dưới phố?
Bà Tám đẹt cười sượng, mặt xám lại.
Lão Tú ngồi chắc chắn xuống chiếc ghế thấp, hai chân trụ phía trước, kéo hai ống quần lên, lộ rõ đôi ống chân khẳng khiu và một sẹo to dài đến cả gang tay. Dĩa bánh bốc hơi và dĩa rau sống xanh tươi đã được bà Tám dằn lên mặt bàn. Lão nhìn thẳng đứng vào dĩa bánh giây lát…
Quốc vừa ăn, vừa liếc nhìn sang: Lão ăn một miếng bánh xé nhỏ, nhưng đến mấy gắp rau sống! Dĩa bánh năm cái, mà mới hết hai cái bánh đã sạch trơn dĩa rau. Lão đến bên rổ rau sống đặt gần chỗ ngồi của bà Tám, thản nhiên hốt thêm rau vào đầy dĩa, như ở nhà. Bà Tám đẹt dừng tay đúc bánh, quay nhìn, đôi mắt như hai cục than hồng.
Một lát, lão lại cầm dĩa không đến bên rổ rau, cúi xuống.
- Thôi, chứ cha! Bà Tám hích mặt lên, la lớn.
- Tôi ăn bánh mới ăn rau, tôi đâu ăn rau không của bà? Lão Tú cười, tỉnh bơ.
- Ông ăn vậy, cả rổ rau mấy ngàn đồng, chỉ lấy ông một ngàn dĩa bánh sao?
Quốc gặp lại lão Tú của buổi sáng mấy năm trước khi còn dạy ở xã K tại quán bánh xèo bên sông của bà Tám đẹt sau gần tám năm. Lần nầy Quốc trông thấy lão ngồi co ro trong một góc phòng của cửa hàng ăn uống thị trấn; mặt lão tốp khô, đen điu, hốc hác với đôi mắt sâu mở lớn, với chiếc áo sơ mi tay dài rộng thùng, và chiếc quần pỵjama rằn lạ lẫm. Cô ngồi quầy bán vé gọi lão là “lão Ròm khùng”: “Không ai biết lão Ròm khùng ấy ở đâu mà ngày nào cũng vào ngồi trong góc phòng, đuổi hoài không chịu đi!”.
Quốc mở nắp chai Xá Xị, rót nhẹ vào ly đá. Anh có cảm giác như lão Tú đang chăm chú nhìn theo từng cử chỉ của anh. Quốc thản nhiên, bưng ly nước uống một hơi dài cho đỡ nóng, khát.
Một ông già tay xách cặp vịt, nách cắp chiếc dù đen cũ, khệnh khạng bước vào, dáo dác tìm một chỗ trống. Cửa hàng ăn uống ngày chủ nhật đông khách gần, xa tìm đến, bởi trong thị trấn, chỉ có cửa hàng duy nhất này mà thôi. Người ra kẻ vào chen nhau mua vé, và ăn uống vội vã, như chưa từng được ăn. Ông già để cặp vịt và chiếc dù ngay phía dưới cột nhà, gần bàn còn chỗ trống, bên cạnh góc phòng. Ông bước đến quầy bán vé…
Ông già hớn hở trở lại bàn với chai nước ngọt và ly đá trên tay.
Rót nhẹ nước ngọt vào ly đá đầy.
Ông hớp từng ngụm nhỏ.
Quốc chợt để ý đến lão Tú trong góc phòng, sát cạnh bàn chỗ ông già, đầu nhướn cao lên, đôi mắt nhìn đăm đắm vào ly nước trên tay ông già. Lão dõi theo từng hớp nước ông già uống, mỗi lần ông hớp vào, là mỗi lần lão Tú nghích mặt lên, chép miệng, tưởng như lão cũng đang uống ngụm nước ngọt! Sau cái chép miệng, Quốc thấy rõ phần dưới cổ lão rung động, mấy đường gân căng ra.
Ông già điềm nhiên rót phần nước ngọt còn lại trong chai vào ly. Ông vừa cầm ly đưa lên miệng, thì lão Tú đã đứng dậy, vụt chòm tới, lấy tay đè lên tay ông già, nhìn vào mặt ông ta như khẩn khoản. Ông già cố dằn tay lão ra, lại đưa ly vào miệng. Lão Tú lại đè chặt hơn vào cánh tay ông – đầu gật gật lia lịa. Ông lão đứng lên nhìn mặt lão Tú mấy giây – đặt mạnh ly nước xuống bàn, vội vã đứng dậy, vói tay xách cặp vịt, bước vội ra cửa…
Lão Tú chộp lấy ly nước, uống ừng ực một hơi. Ly nước ngọt còn hơn một phần tư, thì lão chợt nhìn thấy chiếc dù của ông già còn để dựng dưới chân cột nhà, liền đặt ly xuống bàn, lao tới – cầm dù chạy vụt ra ngoài, miệng há hốc: “Ới..ới ơi…”. Lão đuổi kịp ông già ngay tại trụ điện đường rẽ xuống xóm nhà trong khu chùa Bà Hỏa. Lão phóng ngay chiếc dù cho ông già, vội vã chạy về…
Lúc lão Tú vừa mệt nhọc chạy về đến cửa hàng ăn uống, ào đến chiếc bàn có ly nước ngọt thì các cô phục vụ đã dọn dẹp hết rôi! Đứng tần ngần, ngó nhìn quanh quất giây lâu, lão Tú bước lại bàn đặt những chiếc ly trống vừa được rửa, lấy một cái. Lão tự đến thùng chứa đá vốc mấy cục, bỏ vào ly…
Lão đứng giữa phòng, ngửa mặt, uống từng giọt nước lạnh…
MANG VIÊN LONG