Friday, November 13, 2015

173. TRẦN HUIỀN ÂN Thời gian trong ca dao


Photo by PCH - Scibilia, November 2015



I. CON NGƯỜI TRONG THỜI GIAN

1). Sự ban phát công bằng của Thượng Đế:

       Mỗi con người, cho dẫu tuyên bố rằng vô thần, thực tế trong cuộc sống vẫn tin, cho dẫu một cách hoài nghi, mơ hồ, có một Đấng Tối Cao. Đấng ấy, tùy theo tín ngưỡng thờ phụng, tùy theo tôn giáo, với người này là Đức Chúa, với người kia là Đức Phật, với người nọ là Ông Trời, có thể gọi bằng một danh từ chung dễ hiểu là Thượng Đế.
       Thượng Đế ban phát sự sống cho con người, cả về thể xác, tinh thần của chính ta, các nhu cầu nuôi dưỡng và phát triển cho bản thân, đồng thời để cộng sinh cộng tồn cùng đồng loại và vạn vật. Những người thờ kính Trời Đất khi nhìn lại quá khứ chẳng hạn nói: “Nhờ ơn Trời mấy năm nay gia đình tôi làm ăn cũng khấm khá…”, khi dự định tương lai chẳng hạn nói: “Nhờ ơn Trời nuôi mạnh giỏi, sang năm tôi sẽ sửa lại cái nhà…”. Những người theo Đạo Tin Lành trước bữa ăn thường đọc lời bày tỏ lòng biết ơn Đức Chúa Trời đã cho chúng con hàng ngày dùng đủ v.v…
Thượng Đế của các tôn giáo, như Đức Chúa, Đức Phật… hữu hình hơn, mang vóc dáng con người hơn, sự ban bố ân đức thường được cảm thấy cụ thể hơn, thêm vào đó tổ chức sinh hoạt của các tôn giáo chặt chẽ hơn, nên mỗi khi gặp sự khó khăn, nguy hiểm thì con chiên, Phật tử thường cầu nguyện Chúa, Phật, khi vượt qua rồi thì tạ ơn Chúa, Phật, các tín đồ của tôn giáo không bày tỏ sự than trách, giận hờn, phẫn nộ với Thượng Đế toàn năng của họ, trừ khi họ bỏ đạo.
       Đối với những người thờ kính Trời Đất thì Thượng Đế là Ông Trời, hoàn toàn siêu hình, không ai biết vóc dáng Ông Trời ra sao, Mặt Trời không phải là Ông Trời, Ngọc Hoàng cũng chưa hẳn là Ông Trời, Ngọc Hoàng chưa bao giờ hiện hữu như Chúa, Phật. Tín ngưỡng này là tín ngưỡng mở, hoàn toàn tự do thoải mái, không có sự ràng buộc khắt khe của luật lệ, cho nên không ít khi con người giận hờn, trách móc, oán hận Ông Trời, kêu Trời, than Trời, bảo rằng Trời xét không minh bạch, Trời ở không công bằng. Tại sao người này thọ mạng người kia yểu vong, người này giàu có người kia nghèo khổ, người này sang trọng người kia hèn mạt, người này thông minh người kia ngu đần, người này con cháu đông đảo người kia tuyệt tự? Bao nhiêu câu hỏi đặt ra về sự thiếu công bằng của Ông Trời, không nghe không thấy Ông Trời trả lời, chỉ có con người tự giải đáp để an ủi nhau.
       Duy có một điều phải công nhận Thượng Đế rất công bằng. Đó là mỗi  con người khi đang có, đang còn sự sống, đều được thụ hưởng số đơn vị thời gian hàng ngày bằng nhau. Dù gọi là ban ngày, ban đêm, dù chia ra năm canh sáu khắc hay hai mươi bốn giờ, Ông Trời không cho người này có ngày dài hơn người kia. Đêm hạ chí ngắn thì đã có phần ban ngày bù lại, đêm đông chí dài thì phần ban ngày đã bớt đi, có thể ở nơi này vào mùa tiết ấy khoảng thời gian còn sáng lâu hơn, ta nói là ban ngày dài hơn ban đêm, có thể ở nơi kia mưa gió khiến cho ta thấy mặt trời mọc muộn hơn, lặn sớm hơn, bảo rằng đêm dài hơn ngày. Chẳng hạn như:
                      Tháng năm chưa nằm đã sáng
                      Tháng mười chưa cười đã tối
Nhưng hiện tượng này chung cho mọi người, ít nhất là trong một khu vực,  chứ không riêng cho một người, không ai được nhận sự ưu tiên, không ai bị thiệt thòi, trừ khi với lý do đặc biệt con người phải rời khỏi trái đất như các phi hành gia vũ trụ. Sự công bằng này đáng để cho mọi người tự hào và cảm ơn Ông Trời. Còn như khi sinh ra và khi chết đi, có người bảo rằng ai ai cũng vậy, sinh ra đều trần truồng, chết đi đều không đem theo gì, nhưng con nhà giàu sinh ra trong nhung lụa, kẻ hầu người hạ ngay phút lọt lòng, khi chết đi thì nghi lễ linh đình, chôn theo châu báu, vua chúa chôn theo tì thiếp, mồ mả nguy nga, không thể nói là như nhau được.
Vậy có thể nói sự ban phát chiều dài trong giới hạn một ngày, đơn vị cơ bản của thời gian, là sự công bằng duy nhất của Thượng Đế mà con người được nhận, một kẻ cùng đinh, thất phu, tàn phế cũng được thụ hưởng như bậc vương tôn, công tử, như người đầy quyền lực, tài sản, nhan sắc. Cả thế giới này họa may chỉ còn đây là sự công bằng duy nhất, tương đối.

2). Sự thụ hưởng tùy nghi của từng người:

       Với sự ban phát như thế, mỗi con người có một cách thụ hưởng phần thời gian mình được sở hữu. Bởi thời gian được Thượng Đế cho không, chẳng tốn đồng xu cắt bạc nào để mua, chẳng tốn chút công lao sức lực nào để làm ra, nên một số người có cảm tưởng rằng được tự do sử dụng thời gian của mình. Chỉ là có cảm tưởng thôi, vì trên đời này làm gì có tự do, không ai có thể hoàn toàn hành động theo ý muốn của mình, tất cả mọi người bị trói buộc trong xã hội, làm một con ốc trong guồng máy, mọi công việc đều lệ thuộc vào cơ chế, từ cộng đồng nhỏ bé là gia đình đến cộng đồng lớn hơn là xóm làng, đất nước quê hương.
       Tuy vậy, có thể chia việc sử dụng tháng ngày, tức là sự thụ hưởng thời gian của con người theo mấy cách sau đây:
       1- Đông đảo nhất là những người bình thường với những công việc bình thường của đời sống, của nghề nghiệp. Họ biết rằng “thời giờ ngựa chạy tên bay”, đã qua rồi không bao giờ có lại được nên luôn luôn thu xếp sao cho công việc được kịp thời, tháng ngày có ích và không bị lãng phí. Đây là những người hiểu rõ giá trị của thời gian, tương đối chủ động trong việc thụ hưởng thời gian, theo lịch trình đã vạch ra, có làm việc chuyên cần chăm chỉ, cũng có nghỉ ngơi thoải mái:
       Ví dụ:
                     Quanh năm cấy hái cày bừa
                      Vụ chiêm thì hạ, vụ mùa thì đông
                      Ai về nhắn chị em cùng
                      Muốn cho no ấm nhà nông phải cần
       Hoặc:
                      Tháng giêng ăn tết ở nhà
                      Tháng hai cờ bạc, tháng ba hội hè
                      Tháng tư đong đậu nấu chè
                      Ăn tết đoan ngọ trở về tháng năm
                      Tháng sáu buôn nhãn bán trâm
                      Tháng bảy ngày rằm xá tội vong nhân
                      Tháng tám chơi đèn kéo quân
                      Trở về tháng chín chung chăng buôn hồng
                      Tháng mười buôn thóc bán bông
                      Tháng một, tháng chạp nên công hoàn toàn
       Hoặc:
                      Ngày đêm may vá kiếm tiền
                      Trước nuôi cha mẹ sau tuyền đạo con
       Họ thường cố gắng nhưng sự cố gắng không đi đến thái quá:
                      Làm người ăn tối lo mai
                      Việc mình hồ dễ để ai lo giùm
                      . . .
       2- Một số người cố tận dụng thời gian, lúc nào cũng thức khuya dậy sớm, bị thế gian coi là “tham công tiếc việc”, một ngày đêm chỉ có 24 giờ, họ thấy thiếu thốn, nếu có 100 giờ họ cũng sẽ thấy không đủ. Nhưng phần lớn những người lạm dụng thời gian là bởi lý do tình cảm, vì thương nhớ nhau mà lo lắng, đợi chờ, đau khổ, như cảnh người con gái đang yêu sau đây:
                      Canh một thơ thẩn vào ra
                      Chờ trăng trăng xế, chờ hoa hoa tàn
                      Canh hai thắp ngọn đèn loan
                      Chờ người quân tử thở than đôi lời
                      Canh ba sương nhuộm cành mai
                      Bóng trăng em ngỡ bóng ai mơ màng
                      Canh tư  xích cửa then vàng
                      Một mình vò võ đêm trăng xế lần
                      Canh năm mê mẩn tâm thần
Đêm tàn, trăng lụn, rạng đông lên rồi!
       Hoặc:
                     Đêm nằm ruột rã gan rời
                      Thức thời thương nhớ, ngủ thời chiêm bao
                      vân vân
                      . . .
       3- Một số người khác thụ hưởng thời gian một cách buông thả, có thể khởi sự từ tư tưởng bi quan:
                      Đời người như cánh phù du
                      Sớm còn tối mất, công phu lỡ làng
       Nên mới suy nghĩ:
                      Đời người được mấy gang tay
                      Hơi đâu cặm cụi cả ngày lẫn đêm!
       Cũng có khi vì sắp xếp công việc thiếu khoa học:
                      Ban ngày vác bụng đi chơi
                      Tối lặn mặt trời đổ thóc vô xay
       Cho nên lời khuyên cuộc sống đưa ra với họ là:
                      Giàu đâu đến kẻ ngủ trưa
                      Sang đâu những kẻ say sưa tối ngày!
       Và:
                      Đời người có một gang tay
                      Ai hay ngủ ngày còn có nửa gang
                      vân vân
                      . . .
       4- Đó là những người còn có phần nào tự do. Có những người hoàn toàn không được tự do khi thụ hưởng thời gian. Họ là những người lính, vì việc công quên việc tư, vui lòng chấp nhận số phận, không oán trách, không phàn nàn:
                     Ba năm trấn thủ lưu đồn
                      Ngày thì canh điếm tối dồn việc quan
                      Chém tre đẵn gỗ trên ngàn
                      Hữu thân hữu khổ phàn nàn cùng ai
       Họ là những thân phận hẩm hiu, hạng lẽ mọn:
                      Tối tối chị giữ mất buồng
                      Chị cho manh chiếu nằm suông nhà ngoài
                      Sáng sáng chị gọi bớ Hai
                      Mau mau thức dậy thái khoai đâm bèo
                      Vì chưng bác mẹ tôi nghèo
                      Cho nên tôi phải đâm bèo thái khoai
       Kẻ tôi tớ:
                     Ngày thì đem thóc ra phơi
                      Tối lặn mặt trời đổ thóc vô xay
                      Một đêm là ba cối đầy
                      Một tay xay giã, một tay giần sàng
       Người làm thuê làm mướn:
                      Thân tôi xơ xác thân tằm
                      Ngày ăn cơm chợ tối nằm sàn xe
                      . . .

3). Cách phân chia đơn vị thời gian của con người:

       Thời gian vô thủy vô chung mà đời người thì có giới hạn, quá ngắn ngủi, không biết cái thời mông muội u u minh minh con người tính đơn vị thế nào, đã biết hay chưa? Dẫu sao, may mắn là có chuyện trái đất quay chung quanh mặt trời và tự quay để có lúc thấy mát, có lúc thấy nóng, có lúc thấy ấm, có lúc thấy lạnh, có lúc thấy sáng, có lúc thấy tối… đều đặn nhau. Căn cứ vào đó con người đặt ra các đơn vị thời gian.
       Lúc sáng là ban ngày, lúc tối là ban đêm, ban ngày và ban đêm chung lại thành một ngày. Ngày là đơn vị căn bản của thời gian.
       Chỉ nói đến lịch phổ thông hiện nay chúng ta đang dùng là dương lịch và âm lịch thì 28, 29, 30, 31 ngày thành một tháng.
       Cũng theo 2 loại lịch phổ thông trên thì 12, 13 tháng thành một năm.
       Năm cũng là đơn vị thời gian dùng cho cách tính toán lâu dài hơn.
Ban ngày chia ra 12 giờ, ban đêm chia ra 12 giờ, trọn một ngày có 24 giờ. Ngày trước thì đêm chia ra 5 canh, ngày chia ra 6 khắc. Thay vì đồng hồ lên giây, chạy pin như ngày nay, xưa có đồng hồ cát, đồng hồ nước chỉ dẫn giờ khắc.
Trong một năm lại chia ra 3 tháng là một mùa, 15 ngày là một tiết, cả năm có 24 tiết. Ngày nay, cơ quan, xí nghiệp… còn chia năm thành 4 quý, mỗi quý 3 tháng (gọi là tam cá nguyệt). 
Đơn vị bậc cao thường dùng trong khoa lịch sử là thế kỉ, có 100 năm. 10 năm tuy không là đơn vị thường được gọi là thập niên, 1.000 năm là thiên niên kỉ. Đối với các nhà cổ học nghiên cứu các địa tằng thì các thời kỳ lấy đơn vị là hàng triệu năm. Nhưng những thập niên, thế kỉ… đã không nằm trong phạm trù dân gian.
Dân gian dùng những đơn vị gọi một cách nôm na nhưng chính xác là 100 năm, 1.000 năm, 10.000 năm. Khi nói đến sự bền chắc lâu dài người ta thề hẹn trăm năm, ngàn năm. Xưa tung hô các vị đế vương là vạn tuế, vạn tuế, nay tung hô lãnh tụ là muôn măm, muôn năm. Tại sao lại vạn tuế, muôn năm? Tại sao không nhiều hơn là ức tuế (100.000 năm), triệu tuế (1.000.000 năm), đã tung hô thì sao tung hô hết mức, mà chỉ giới hạn 10.000 năm? Ngược lại, sao không tung hô ngàn năm, 1.000 năm đã là con số không tưởng rồi!

4). Thời gian trong ca dao:

       Con người sống trong một giới hạn không gian và thời gian. Thử tưởng tượng nếu chẳng có không gian và thời gian thì con người dẫu nhỏ như lời ví dân gian là một hạt bụi, hay nhỏ như định nghĩa toán học là một điểm cũng chẳng có được. Bởi vậy khi ta mở miệng thốt ra một câu nói trong đó đã có những từ ngữ có ý nghĩa về không gian và thời gian, bằng cách trực tiếp hay gián tiếp. Ngôn ngữ được thăng hoa thành thơ, thành nhạc. Bởi cũng như không gian, thời gian đóng một vai trò quan trọng trong cuộc sống, cho nên lục lại kho tàng ca dao thấy có rất nhiều bài nhắc đến thời gian, nói một cách khác là thời gian có mặt rất nhiều trong ca dao.
       Ngày và đêm là hai phần chính trong đơn vị thời gian căn bản,  bởi năm tháng, thế kỉ, vạn tuế… cũng gồm ngày và đêm ghép lại mà thành. Thời gian ngày thường dùng cho công việc, thời gian đêm thường dùng cho nghỉ ngợi suy tưởng, nên ngày, đêm là hai điểm thời gian gặp nhiều nhất trong ca dao.
       Những đơn vị khác là: tháng, năm, mùa, tiết, buổi, giờ, khắc, canh
Rồi năm ba năm, trăm năm, ngàn năm, tháng này tháng khác, bốn mùa, sáu khắc, năm canh, mấy buổi v.v…
       Ca dao cũng nhắc đên đời  kiếp, hàm ý trọn vẹn cuộc sống: một đời, năm bảy mười đời, một kiếp, năm ba kiếp, trọn đời, mãn kiếp.
       Những đơn vị trên có khi là chính xác, rõ ràng, có khi chỉ có nghĩa tượng trưng. Thời gian cũng được nhắc đến bằng những đơn vị chung chung, nhất là khi nói về quá khứ như ngày xưa, đời xưa… khi nói về tương lai, như: mai sau, sau này…
       Nhìn rộng hơn ta thấy đơn vị thời gian được phát triển theo ngôn ngữ tạo ra ý mới, nghĩa mới. Từ ngày, dẫn đến: một ngày, ngày ngày, ngày nay, ngày qua, ngày xưa, ngày mai, ngày sau… Từ đêm, dẫn đến: một đêm, năm bảy đêm, đêm đêm, đêm nay, đêm qua, đêm xưa, đêm mai, đêm sau… Rồi, những: sáng sáng, chiều chiều, tối tối, ngày tháng, tháng ngày, năm tháng, tháng năm, năm năm, năm nay, năm này, năm qua, năm xưa, sang năm, năm sau… vân vân và vân vân, làm cho thời gian trong ca dao cũng như ca dao thật phong phú.
       Có thể lấy một ví dụ, đơn vị thời gian : ngày.
                      - Phận em con gái xuân xanh
                      Ngày thời buôn bán, đêm cửi canh trong nhà
       Ngày : ở đây là ban ngày, cùng với đêm là ban đêm, hợp thành đơn vị một ngày.
                      - Nghĩa nhơn ngày mỗi một xa
                      Làm chi tội nghiệp bỏ ta sao đành
       Ngày : ở đây là mỗi ngày, từng ngày cứ dần dần nối tiếp.
                      - Ngày thì ba bữa ăn no
                      Đến khi đói bụng lại mò đến niêu
       Ngày : là một ngày, cũng hàm ý hàng ngày, thường ngày.
                      - Chẻ tre bện sáo cho dày
                      Ngăn ngang sông Mỹ có ngày gặp em
       Ngày : đồng nghĩa với khi, lúc, có ngày là đến một lúc nào đó.
                      - Ruộng đồng nước cả bùn sâu
                      Suốt ngày cùng với con trâu cày bừa
       Suốt ngày : là thời gian từ sáng tới chiều, nhưng cũng hàm ý nhiều ngày liên tục.
                      - Ngày ngày em đứng em trông
                      Trong non non ngất, trông sông sông dài
       Ngày ngày : có nghĩa là thường thường, hàng ngày, tất nhiên mang ý thăng hoa, không bắt buộc phải chính xác tính từng ngày liên tục, điểm danh có mặt trăm phần trăm.
                      - Một ngày dựa mạn thuyền rồng
                      Cũng bằng muôn kiếp sống trong thuyền chài
       -Một ngày : Nói có vẻ chính xác, nhưng không hẳn là một ngày, có thể hiểu là một lần, một dịp, một cơ hội may mắn.
                      - Trèo lên cây khế nửa ngày
                      Ai làm chua xót lòng mày khế ơi!
       -Nửa ngày : Có thể hiểu là lúc nửa buổi, cũng có thể hiểu là thời gian dài nửa ngày. Nửa ngày ở đây không chính xác bằng một ngày ở câu trên. Có thể là phần thể hứng cho toàn câu là thể tỉ.
                      - Chữ rằng: Xuân bất tái lai
                      Ngày nay hoa nở, ngày mai hoa tàn
       -Ngày nay : Không hẳn là hôm nay mà là hiện tại, tất nhiên có cả hôm nay. Ngày mai : Không hẳn là ngày liền sau hôm nay mà là tương lai, tất nhiên có ngày liền sau, vì có những loài hoa đúng là ngày hôm nay nở, ngày hôm sau tàn – có khi sớm nở trưa tàn, sớm nở chiều tàn là khác. Xuân là mùa xuân, cũng là tuổi trẻ, tuổi thanh xuân. Bài này được hiểu cả hai nghĩa: nghĩa thật và nghĩa bóng.
       Một bài khác:
                      Năm năm, tháng tháng, ngày ngày
                      Lần lần, lữa lữa, rày rày, mai mai
       Năm, tháng, ngày, rày, mai là thời gian, lần, lữa là hẹn hò lây lất, có liên hệ với thời gian. Năm, tháng, ngày vừa là đơn vị thời gian, vừa là chuỗi thời gian. Năm tháng ngày vừa có tính chính xác vừa là độ dài nối tiếp liên tục kéo ra từ rày đến mai, mà mai lại là từ không có định điểm.
       Có thể  xem thêm vài ba bài có đơn vị năm
                      - Một năm được mấy tháng vui?
                      Tháng sáu là một, tháng mười là hai
       Một năm : Có thể hiểu là đơn vị thời gian tương đối chính xác.
                      - Ngó lên hòn tháp Cánh Tiên
                      Cảm thương ông Hậu thủ thiềng ba năm
       Ba năm : Thời gian Hậu quân Võ Tánh tử thủ ở thành Qui Nhơn.
                      - Ba năm trấn thủ lưu đồn
                      Ngày thì canh điếm tối dồn việc quan
       Ba năm : Thời gian người con trai phải đi lính thú theo pháp lệnh.
                      - Ba bốn năm ăn ở trong rừng
                      Chim kêu vượn hót nửa mừng nửa lo
       Ba bốn năm : Khoảng thời gian ước tính, có thể là 3 năm, 4 năm, 5 năm, tượng trưng cho thời gian khá lâu.
                      - Trăm năm bia đá thì mòn
                      Ngàn năm bia miệng tiếng con trơ trơ
       Trăm năm : Không phải là 100 năm, 1 thế kỉ mà là thời gian lâu dài. Ngàn năm : Không phải là 1.000 năm, thiên niên kỉ, mà là thời gian nhiều hơn trăm năm rất nhiều lần, không nhất thiết là 10 lần, chỉ ngụ ý tồn tại mãi mãi.

  II.- KHẢO SÁT  NỘI DUNG CA DAO NÓI VỀ THỜI GIAN

Tìm hiểu nội dung, tức là những điều được phản ánh qua các bài ca dao nhắc đến thời gian, có thể nhận ra những điểm sau đây:

1). Nêu cao giá trị đức hạnh, khuyên răn con người biết sống cho phải đạo:
       Có lẽ trong dân gian ý thức trung quân ái quốc không được thường xuyên đưa lên hàng đầu của quan niệm đạo đức. Vua chúa và nhà nước xa cách quá nên hàng ngày người ta ít nghĩ đến, nói đến, mà chỉ thường nghĩ đến, nói đến một quê hương với xóm làng gần gũi, bà con quen thuộc, vượt lên trên hết là Ông Bà của Xứ Sở. Do đó, những bài ca dao có ghi nhận thời gian chỉ thấy tôn vinh một Đức Ông và đề cao vai trò anh hùng của con người đối với sự nghiệp chung:
                      Một đời được mấy anh hùng?
                      Một nước được mấy Đức Ông trị vì?
       Đức Ông là người lãnh đạo tối cao của đất nước, hội đủ điều kiện của một bậc minh quân, không phải là kẻ cai trị tầm thường được kế thừa giang sơn mà không hoàn thành sự nghiệp, hoặc là hạng hôn quân vô đạo chỉ biết sống trên xương máu, mồ hôi, nước mắt của muôn dân, bởi vậy người ta mới hỏi nhau “một nước được mấy Đức Ông”?
       Trong bài dưới đây ý thức về vai trò bậc anh hùng trong xã hội càng rõ ràng hơn, là khẳng định chứ không còn nghi vấn như câu trên:
                      Người đời muôn sự của chung
                      Hơn nhau một tiếng anh hùng mà thôi!
       Gia đình là nơi con người sinh ra, lớn lên, làm chủ, chung sống với những người cùng huyết thống, cùng hoàn cảnh, vui buồn sướng khổ chia sẻ với nhau. Phần lớn thời gian một đời con người sống trong gia đình, cho nên ca dao nói về đạo đức gia đình nhiều hơn hết. Gia đình là nền tảng của xã hội, nền tảng vững chắc mới xây dựng một xã hội yên ổn. Hạ tầng cơ sở và thượng tầng kiến trúc gắn bó với nhau thành một khối đồng nhất. Cho nên trung và hiếu là hai bổn phận người con trai phải lo giữ trọn:
                      Đã sinh ra kiếp ở đời
                      Trai thời trung hiếu đôi vai cho tròn
                      Gái thời trinh tịnh lòng son
                      Sớm hôm gìn giữ kẻo còn chút sai
                     Trai lành gái tốt ra người
                      Khuyên con trong bấy nhiêu lời cho chuyên       
Đạo đức gia đình nói nhiều đến cách cư xử với các bậc cha mẹ sinh thành:
              Chim trời ai dễ đếm lông
              Nuôi con ai dễ kể công tháng ngày
       Cho nên, khi cha mẹ còn tại thế, già yếu,  thì ta:
                      Ngày đêm may vá kiếm tiền
                      Trước nuôi cha mẹ sau tuyền đạo con
       Nếu mẹ già không chung sống với ta mà ở với anh, chị, em khác thì:
Mẹ già ở chốn lều tranh
                      Sớm thăm tối viếng cho đành lòng con
       Khi cha mẹ đã qua đời, đạo làm con nên nhớ:
Công cha ba năm sinh thành tạo hóa
              Nghĩa mẹ chín tháng cực khổ cưu mang
              Lấy chi đền nghĩa báo ân
              Lên non gánh đá xây lăng phụng thờ
 Thế nhưng thực tế nhiều khi:
Cha mẹ nuôi con biển hồ lai láng
              Con nuôi cha mẹ tính tháng tính ngày
Phải thấu triệt hết các mặt để lấy đó làm bài học hữu ích.
Đối với chị em tình thương yêu nhau thật là cần thiết:
              Chị về dựa bóng sao mai
              Đêm khuya em biết lấy ai bạn cùng!
 Cho dẫu cuộc sống muôn vàn khó khăn:
              Chị em đã chín mười đời
              Chị khó em khó không rời nhau ra
Và sự kính trọng dưới trên không thể coi thường:
              Chẳng khôn cũng chị lâu ngày
              Chị đái ra váy cũng tày khôn em.
Trong sinh hoạt thôn quê tình nghĩa lân lý rất thân mật, tối lửa tắt đèn có nhau, cho nên khi có tang chế thì chia sẻ cùng nhau, không câu nệ theo những quy định của sách vở:
              Hàng xóm để tang ba ngày
              Chồng cô vợ cậu một ngày cũng không
Bạn bè là người từng biết nhau, hiểu nhau về hoàn cảnh sống, từng cùng nhau tâm sự, cho nên:
              Bạn bè là nghĩa tương tri
              Sao cho sau trước một bề mới nên
Với những người trong cộng đồng làng xóm thì căn cứ vào tuổi tác để có cách đối xử thích hợp:
              Trẻ thì miếng nạc miếng xương
              Già thì thịt mỡ xắt vuông con cờ
Câu này nghĩa gần chỉ nói đến việc mời mọc thù tiếp khi ăn uống. Người còn đang tuổi trẻ khác với người đã đến tuổi già, miếng xương quá cứng, miếng nạc cũng dai, với hàm răng đã rụng hết hoặc chiếc rụng chiếc lung lay, các cụ đành chịu thua, cho nên phải chọn miếng thịt mỡ xắt con cờ, vừa không lớn vừa mềm, mới vừa miệng. Suy rộng ra là tất cả ngôn ngữ, cử chỉ, hành động đều phải biết linh động tùy đối tượng ta tiếp xúc.
Một kẻ khiêm tốn, biết mình biết người, hiểu rằng những gì ta có chỉ là có trong thời gian hiện tại, ở quá khứ ngàn trăm năm trước nào biết đã là của ai, ở tương lai ngàn trăm năm nào biết sẽ là của ai:
              Đến ta mới biết của ta
              Ngàn trăm năm trước biết là của ai?
Người ta rất coi trọng dư luận, tuy chỉ là tiếng đời, không ghi chép vào sử sách, không khắc vào biển đồng, không tạc vào bia đá:
              Trăm năm bia đá thì mòn
              Ngàn năm bia miệng tiếng còn trơ trơ

2). Nói về thế thái nhân tình:

       Thế thái nhân tình, chuyện đời, là chuyện thường ngày, khi gặp nhau người ta nói với nhau. Biết bao nhiêu câu chuyện. Có thể dưới hình thức nói chơi, tán gẫu, nói cho vui, nghe qua rồi bỏ. Có thể dưới hình thức nói thật, phân tích giải bày cho nhau, truyền đạt kinh nghiệm cho nhau, người lớn dạy bảo người nhỏ, người già khuyên răn người trẻ. Dù dưới hình thức nào, biết bao nhiêu câu chuyện này đều mang một nội dung sâu sắc, và  nó đã đi vào ca dao, trong đó có ca dao nhắc đến thời gian. Điều đáng lưu ý là chuyện thế thái nhân tình ở đây thường kinh nghiệm sống được ghi nhận làm bài học thực tiễn, không có oán hờn giận trách quá nặng nề, sự mỉa mai cũng cốt cho vui nhiều hơn là chê bai.
       Trước hết là tinh thần trách nhiệm cá nhân của ta với đời sống của chính ta. Công việc của ta, không ai có thể lo lường thay cho ta, bởi vậy không nên ỷ lại vào tha nhân:
                      Làm người ăn tối lo mai
                      Việc mình há dễ để ai lo lường
       Trong cõi nhân sinh đông đảo, trong cái thế giới ta bà này, những người khôn ngoan được coi là hiếm hoi. Ẩn ngữ trong bài ca dao sau đây xét cả đến tương lai, một mai nào xa lắc vẫn khó tìm thấy, như vậy hàm ý phủ nhận cả quá khứ và hiện tại, cũng đều khó tìm thấy:
                      Một mai trống lủng khó hàn
                      Dây giùn khó dứt, người ngoan khó tìm
       Dây giùn khó dứt là đúng, ai đã đi rừng bứt dây đều biết. Nhưng trống lủng khó hàn chỉ là ẩn dụ vì mặt trống bằng da thuộc, khi lủng không thể hàn được, không thể hàn được chứ chẳng phải là khó hàn.
       Người ngoan khó tìm, vì sự khôn ngoan này có khi mặc dù đã tích lũy nhiều năm lâu dài bỗng biến mất chỉ vì một sai lầm nhỏ trong khoảng thời gian ngắn ngủi, nên phải luôn luôn nêu cao cảnh giác:
                      Thôi thôi em chẳng ỡm ờ
                      Khôn ba năm, dại một giờ mà thôi!
       Các con số ba năm, một giờ, là con số tượng trưng, tuy vậy cái ngắn ngủi là một giờ có thể đánh tan cái lâu dài là ba năm, không nên xem nhẹ chuyện nhỏ bé, vốn bị ta coi là tầm thường.
Ở góc độ tích cực, thế thái nhân tình coi khinh kẻ tiểu nhân:
                      Lạ gì cái thói tiểu nhân
                      Ăn bám buổi sáng, ăn bần buổi trưa
       Ăn bám là ăn theo, ăn thâm vào khẩu phần của người khác chớ còn gì, ăn bẩn còn tệ hơn, là thói đe tiện, ăn cắp, ăn lường, dối trá lừa gạt.
Những kẻ tham lam, tìm cách gởi thân vào gia đình giàu sang cũng bị coi khinh. Ca dao không mạt sát thẳng cái “thói tiểu nhân” như câu trên, mà đưa ra hình ảnh “mưa tháng mười” nói về nước mắt thật là sinh động:
                      Ham giàu đã thấy giàu chưa?
                      Hay là nước mắt như mưa tháng mười?
       Rồi những kẻ ỷ cậy vào nhan sắc, kiêu căng, nói theo ngôn ngữ hôm nay là “chảnh”:
                      Còn duyên kẻ đón người đưa
                      Hết duyên đi sớm về trưa một mình
       Chảnh quá đi chứ, ở tuổi còn duyên!  Và buồn lắm ở tuổi hết duyên.
Những kẻ trong việc ăn ở không nghĩ đến mai sau, lúc tuổi già bóng xế được thế thái nhân tình đưa ra lời khuyên nhẹ nhàng nhưng không kém sâu sắc:
                      Còn đời người đấy người ơi
                      Nào người đã bảy tám mươi người già
       Khi gặp phải sự lừa đảo, tráo trở của tha nhân, thì đó là dịp để ta thấm thía kinh nghiệm đắng cay, phải nhắc nhở mình, hứa hẹn không bao giờ để lặp lại:
                      Một lần cho tởn tới già
                      Đừng đi nước mặn mà hà ăn chân
       Đúc kết về thế thái nhân tình, ca dao nói:
                      Thức khuya mới biết đêm dài
                      Ở lâu mới biết lòng người bạc đen
       Chính vậy, không thức khuya sao biết đêm có những đến năm canh, không sống gần nhau lâu dài sao biết lòng người thế nào, sắt son hay đen bạc.
Chen chúc trong khối sinh linh đông đảo, một bộ phận nhân quần đầu óc có phần hài hước pha trộn chút chua chát, nhếch nụ cười nửa miệng thoáng mỉa mai bảo rằng:
                      Một đời đánh sáp đeo hoa
                      Một đời ỉa trịn cũng qua một đời
       Bài này bên cạnh đó còn có ý nghĩa lịch sử xã hội nữa. Các bạn trẻ hôm nay chắc không thể nào hình dung được. Ngày xưa người dân thôn quê đi đại tiện ngoài thiên nhiên, hoang dã, nơi ruộng đồng (gọi là đi đồng), nơi bờ bụi (gọi là đi bụi), nơi bờ sông (gọi là đi sông) v.v... có người bảo là thú lắm (nhất quận công, nhì ỉa đồng), có người dùng lá cây lau hậu môn, có người xong rồi ngồi trịn lên đá, cũng là một cách lau. Bởi vậy từ ngữ ỉa trịn dùng chỉ kẻ nghèo khó, hà tiện, vài ba cái lá cũng không có, hoặc không dám dùng vài bà cái lá để chùi đít. Đánh sáp đeo hoa là thành phần giàu sang, có phương tiện điểm trang, ỉa trịn là loại cùng căn mạt kiếp. Rồi cũng qua cả, cũng một đời mà thôi!
Bộ phận nhân quần khác tưởng như đạt đạo thoải mái hơn, nhưng nghe ra phản ứng mỏi mệt buồn nản hơn:
                      Đời người như cánh phù du
                      Sớm còn tối mất công phu lỡ làng
       Những cánh phù du lao mình vào ánh sáng nhanh chóng kết liễu cuộc đời khiến cho con người cảm thấy cuộc đời dù chói lòa ánh sáng vẫn là nơi đầy cạm bẫy phỉnh phờ, sớm đưa ta vào chỗ hủy diệt và tiếc rẻ cho bao nỗi công phu!

3). Phản ánh tình yêu đôi lứa - vợ chồng:

       Tình yêu đôi lứa, vợ chồng hiện diện rất nhiều trong ca dao có nhắc đến thời gian, dưới ba chi tiết nội dung:
1- Sự thương mến nhớ nhung khi đang yêu,
2- Lòng chung thủy khi gặp trở ngại,
3- Nỗi đau khổ vì yêu thương đơn phương hoặc bị phụ phàng.
Trong tình yêu và nhân duyên, “trai tài gái sắc” gặp nhau:
                      Trăm năm xe sợi chỉ hồng
                      Buộc người tài sắc vào trong khuôn trời
       Hai tiếng “tài sắc” tất nhiên ở nghĩa tương đối, tài nào sắc ấy, xứng đôi vừa lứa với nhau, khi người ta đã yêu thì không tài sắc cũng thành tài sắc.
                      Rượu ngon cái cặn cũng ngon
                      Thương em chẳng luận chồng con mấy đời
Tình yêu trong trường hợp này thật là hiện đại. Ai bảo người xưa không dám mạnh dạn vượt qua sự đàm tiếu tầm thường.
Lúc này người ta nhìn đâu cũng thấy hình ảnh bạn lòng yêu quý, tạo ra nỗi nhớ thương:
                      Ngó lên đám bắp trổ cờ
                      Lòng ta thương bạn bao giờ cho nguôi
       Đám bắp trổ cờ một phần là cái cớ để nói, hoặc do nó ở trong tầm mắt đang nhìn. Nếu không có đám bắp trổ cờ thì đám bắp vàng bẹ, đám ruộng mới cấy, đám đậu ra hoa.
Có khi nhìn đám bắp trổ cờ, đám dưa ra nụ là nhìn dự báo cho sự kết quả với cả nghĩa thật và nghĩa rộng, người ta cảm thấy bâng khuâng:
                      Ngó lên đám bắp trổ cờ
                      Đám dưa ra nụ, bao giờ thành đôi?
Người ta quyết tâm, khẳng định:
                      Sông dài cá lội biệt tăm
                      Phải duyên chồng vợ mấy năm cũng chờ
       Trên đời này không ai tin chuyện “chim trời cá nước”. Nguyễn Văn Vĩnh dịch thơ La Fontaine cũng viết: Biết đâu cá nước chim trời mà tin.  Đúng vậy, sông dài mà cá lội thì nhất định biệt tăm. Người đi xa phương biết bao giờ trở lại. Trong văn học cũ có những bạch y công tử không về, trong văn học nay có cô lái đò mòn mỏi đợi chờ cuối cùng đành bỏ thuyền, bỏ lái, bỏ dòng sông… Thế nhưng có không ít những con người trong ca dao nói chắc một lời như đinh đóng cột, vững lòng chờ đợi và đây là phải duyên chồng vợ.
       Sự vững lòng này còn thấy trong câu:
Trăm năm đá nát vàng phai
                      Đá nát mặc đá, vàng phai mặc vàng.
       Thông thường nhiều chỗ vẫn dùng hình ảnh “vàng đá” để nói về sự chung thủy, lâu bền. Trong truyện Kiều 8 lần Nguyễn Du nhắc đến vàng đá – đá vàng: Thì đem vàng đá mà liều với thân - Những điều vàng đá phải điều nói không – Là nhiều vàng đá phải tìm trăng hoa - Một lời vâng tạc đá vàng thủy chung – Mây mưa đánh đổ đá vàng – Đá vàng sao nỡ ép nài mưa mây - Trước còn trăng gió sau ra đá vàng – Đá vàng đã quyết phong ba cũng liều. Ca dao khi nói về sự chân thành bảo rằng: Thiệt vàng chẳng phải thau đâu. Đừng đem thử lửa mà đau lòng vàng. Ở đây thấy rằng vàng đá thật thua xa tấm lòng.
       Vàng đá như thế? Bạc vàng thì sao? Lại thấy người bình dân, là cái anh ít có bạc vàng mà coi thường bạc vàng. Ta thường nói thì giờ là vàng bạc, một khắc ngàn vàng, nhưng cái giây phút gần nhau trước khi xa cách quý hơn cả bạc vàng. Người ta tiếc những khi ngồi kề, sẽ chẳng bao giờ tìm lại được, chứ không tiếc bạc vàng, có thể làm ra:
                      Còn đêm nay nữa mai đi
                      Bạc vàng không tiếc, tiếc khi ngồi kề
       Cũng có thể hiểu phút gần gũi là cái mà người bình dân có nên họ quý, họ tiếc, còn bạc vàng họ không có thì chẳng quý, chẳng tiếc.
Nếu vì một lý do khách quan nào đó kiếp này không thể chung sống với nhau thì cái tình của họ cũng cứ tồn tại, họ tin tưởng ở một tương lai xa xôi là kiếp sau khi tái sinh trở lại làm người:
                      Kiếp này đã lỡ chữ đồng
                      Tình duyên gắn bó còn hòng kiếp sau
Con người khi thương yêu hình như dành hết thời gian để nhớ nhung, bất luận ngày đêm, nhất là ban đêm một mình:
              Đêm nằm ruột rã gan rời
              Thức thời thương nhớ, ngủ thời chiêm bao
Người ta lại so sánh xem ai buồn hơn ai, cái buồn nào làm cho kẻ trong cuộc cô quạnh hơn:
              Anh buồn có chốn thở than
              Em buồn như ngọn nhang tàn thắp khuya
       Khi đã thành gia thất thì:
                      Gái thương chồng, đương đông buổi chợ
                      Trai thương vợ, nắng quái chiều hôm
       Sự chờ đợi mỗi khi chờ đợi cũng không khác thuở mới yêu nhau:
                      Đêm qua ngỏ cửa trông chồng
                      Đêm nay ngỏ cửa, gió đông lọt vào
       Thế nhưng cũng có khi người con gái gặp phải cảnh ngộ không vui, trơ trọi ở một nơi luôn luôn phải khóc thầm:
                      Ai đưa em tới chốn này
                      Thức khuya dậy sớm, mắt cay như gừng
Trường hợp người con gái gặp phải ông chồng không ra gì thì cái đêm dài của họ thật đắng cay, không hề có chất ngọt ngào của thương nhớ:
                      Đêm nằm nghĩ lại mà coi
                      Lấy chồng đánh bạc như voi phá nhà
Bên cạnh đó có rất nhiều mối tình không thành tựu với rất nhiều lý do khác nhau. Người con trai bực tức, giọng không tránh khỏi ấm ức:
Tiếc công anh đào ao thả cá
Năm bảy tháng trời nậu lạ tới câu
Hoặc trách móc:
                      Công anh đắp nấm trồng chanh
                      Ăn quả chẳng được vin cành cho cam
                      Xin em đừng ra dạ bắc nam
                      Nhất nhật bất kiến như tam thu hề
                      Huống tam thu nhi bất kiến hề
                      Đường kia nỗi nọ như chia mối sầu
       Hoặc một bên tiếc nuối, một bên phân trần:
                      Trèo lên cây bưởi hái hoa
                      Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân
                      Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc
                      Em có chồng rồi anh tiếc lắm thay
                      -Ba đồng một lá trầu cay
                      Sao anh không hỏi những ngày còn không
                      Bây giờ em đã có chồng
                      Như chim vào lồng như cá cắn câu
                      Cá cắn câu biết đâu mà  gỡ
                      Chim vào lồng biết thuở nào ra!
       Đây là một câu ca dao rất hay. Nó có cái ngôn ngữ của Đường thi, bài Tiết phụ ngâm của Trương Tịch: Quân tri thiếp hữu phu. Tặng thiếp song minh châu. Cảm quân triền miên ý. Hệ tại hồng la nhu. Chàng biết rằng thiếp đã có chồng, mà vẫn tặng thiếp hai hạt minh châu. Cảm kích vì tấm lòng lưu luyến của chàng, thiếp đeo minh châu trong áo ngắn lụa hồng. Thế nhưng làm sao có thể giữ lại được, đành phải: Hoàn quân minh châu song lệ thùy. Hận bất tương phùng vị giá thì. Trả lại chàng đôi minh châu, hai hàng lệ chảy, thiếp tiếc rằng không gặp nhau khi chưa xuất giá! Nó cũng có cái hơi hướm của một câu ca dao khác, theo giai thoại, một số người cho rằng sau khi Đào Duy Từ bị Chúa Trịnh bạc đãi, vào nam   được Chúa Nguyễn trọng dụng thì Chúa Trịnh mới nhận ra sai lầm, mấy lần sai người vào mời ông về bắc, Đào đã trả lời: Có lòng xin tạ ơn lòng. Đừng đi lại nữa mà chồng em ghen!
Cũng có người tỏ ra bình tĩnh trước chuyện đen bạc ấy, tự bảo và bảo cho đối tượng biết:
                      Có quán thì phụ cây đa
                      Ba năm quán đổ cây đa vẫn còn!

4). Nói về công việc - đời thường:

       Mọi công việc của con người, xét theo tứ dân ngày xưa là sĩ nông công thương. Người Việt Nam nói chung, nhất là ở thôn quê rất trọng sĩ. Sĩ phu là những người có chí làm trai, quyết lập thân và tạo nên danh phận. Hình ảnh những kẻ làm trai gặp được hội phong vân thi thố tài năng thật đẹp:
                      Làm trai cố chí lập thân
                      Rồi ra gặp hội phong vân có ngày
                      *
                      Làm trai quyết chí lập thân
                      Công danh chớ vội nợ nần chớ lo
                      Khi nên trời giúp công cho
                      Làm trai năm liệu bảy lo mới hào
                      Trời sanh trời chẳng phụ nào
                      Phong vân gặp hội anh hào ra tay
                      Trí khôn sắp để dạ này
                      Có công mài sắt có ngày nên kim 
       Kẻ sĩ được ưu đãi ngay từ khi còn là học trò, dành hết thời gian lo việc bút nghiên. Cha mẹ khuyên con:
                      … Trai thì đọc sách ngâm thơ
                      Dùi mài kinh sử để chờ kịp khoa
                      Mai sau nối nghiệp việc nhà
                      Trước là đẹp mặt sau là ấm thân
Người vợ thì phải lo lắng chu toàn mọi công việc nhà cửa canh cửi, ngoài ra còn có bổn phận nhắc nhở chồng trong việc đèn sách nữa:
                      Canh một dọn cửa dọn nhà      
                      Canh hai dệt cửi canh ba đi nằm
                      Canh tư bước sang canh năm
                      Trình chàng dậy học chớ nằm làm chi
                      Nữa mai vua mở khoa thi
                      Bảng vàng sáng chói kia đề tên anh
       Cũng có người chê học trò, nhưng chỉ là nói vui, lời đùa thôi:
                      Ai ơi chớ lấy học trò
                      Dài lưng tốn vải ăn no lại nằm
                      Ban ngày cắp sách đi rong
                      Tối về cứ giữ đèn chong một mình
       Giới sĩ được tôn trọng: “nhất sĩ nhì nông”, nhưng đời sống vật chất thôn quê lấy nông làm căn bản, khi hết gạo chạy rông thì nhất nông nhì sĩ. Hơn nữa mười năm đèn sách, những kinh thư sử truyện không dễ cho mọi người tiếp thu. Sách vở vẫn nói “ngu tắc canh hiền tắc độc”, người ngu cày bừa, người hiền đọc sách cho nên thiết thực nhất vẫn là:
                      Quanh năm cấy hái cày bừa
                      Vụ chiêm thì hạ vụ mùa thì đông
                      Ai về nhắn chị em cùng
                      Muốn cho no ấm nhà nông phải cần.
       Có những cặp không muốn mỗi canh ba người vợ phải nhắc chồng đèn sách, đã tỉ tê hơn thiệt:
                      Công danh đeo đuổi mà chi
                      Sao bằng chăm chỉ giữ nghề canh nông
                      Sớm khuya có vợ có chồng
                      Cày sâu cuốc bẫm mà mong được mùa
       Có những ông chồng tự đánh giá được tài trí, biết rằng nếu theo đuổi mãi bút nghiên thì cuối cùng kết quả sẽ là ôm nỗi buồn lạc đệ, nên thay đổi hướng sống:
                      Văn chương phú lục chẳng hay
                      Trở về làng cũ học cày cho xong
                      Sáng ngày vác cuốc thăm đồng
                      Hết nước ta lấy gàu sòng tát lên
                      Hết mạ ta lại quảy thêm
                      Hết thóc ta lại mang tiền đi đong
                      Nữa mai lúa tốt đầy đồng
                      Gặt về đập sảy bõ công cấy cày.
       Người dân thôn quê dùng nhiều thời gian vào công việc cày cấy gặt hái, cho nên thời gian đồng áng có mặt rất nhiều trong ca dao. Người phụ nữ của gia đình nông tang cũng nhắc nhở chồng không khác người phụ nữ của gia đình đèn sách:
                      Mặt trời tang tảng rạng đông
                      Chàng ơi thức dậy ra đồng kẻo trưa
                      Phận hèn bao quản nắng mưa
                      Cày sâu bừa kỹ được mùa có khi
       Làm nông ngày xưa phụ thuộc vào thời tiết, người phụ nữ cầm cây mạ cấy xuống ruộng mà trong lòng biết bao nhiêu lo lắng trông chờ:
                      Người ta đi cấy lấy công
                      Tôi nay đi cấy còn trông nhiều bề
                      Trồng trời, trông đất, trông mây
                      Trông mưa, trông gió, trông ngày, trông đêm
                      Trông cho chân cứng đá mềm
                      Trời yên bể lặng mới yên tấm lòng
       Người dân thôn quê tin tưởng vào sự cố gắng của họ với bao nhiêu “công lênh” đổ ra, nhưng trước hết người ta tin tưởng ở Ông Trời ban cho mưa nắng thuận hòa:
                      Ơn trời mưa nắng phải thì
                      Nơi thì bừa cạn, nơi thì cày sâu
                      Công lênh chẳng quản bao lâu
                      Ngày nay nước bạc ngày sau cơm vàng
       Họ xem mây xem sao để biết thời tiết, vụ mùa. Ngôi sao tượng trưng cho nghề nghiệp là sao thần nông, tùy lúc nhìn thấy hình dáng khác nhau, suy ra đó là lời nhắc nhở của thiên nhiên:
                      Trên trời có ông sao thần
                      Bốn mùa chỉ lối cho dân ăn làm
                      Sang xuân thần cúi lom khom
                      Là mùa trồng đậu dân làng biết chăng
                      Bước sang tháng chín rõ ràng
                      Lưng thần hơi đứng là đang gặt mùa
       Công việc ở nông thôn nói chung là “làm nhà quê”, là bức tranh tứ bình “canh-mục-ngư-tiều”, gồm trồng trọt, chăn nuôi, đánh cá (nước ngọt) và hái củi, làm đủ các việc ấy đương nhiên là được no ấm. (Sau này có nêu lên “phương thức vườn-ao-chuồng”, thật ra chỉ là một phần phương thức xưa). Làm nhà quê được mùa, mùa nào thức ấy có đủ  thì cuộc sống yên vui lắm:
                      Nhờ trời mưa gió thuận hòa
                      Nào cày nào cấy trẻ già đua nhau
                      Chim : gà, cá : nhệch, cảnh : cau
                      Mùa nào thức ấy giữ màu nhà quê
       Người dân quê rất yêu thương trâu bò, những con vật giúp họ có đời sống yên vui. Họ nói với vật cũng thân tình như nói với người:
                      Bao giờ cây lúa còn bông
                      Thì còn ngọn cỏ ngoài đồng trâu ăn
       Khi lúa dưới ruộng đã gặt xong, đỗ trên thổ đã hái xong, trâu bò có bữa ăn ngon lành no nê thoải mái:
                      Trâu bò được ngày phá đỗ
                      Con cháu được ngày giỗ ông
Chăn nuôi chính là để phục vụ canh tác, người dân thôn quê biết tuổi tác sức vóc của trâu bò để lựa việc thich hợp: 
Trâu năm sáu tuổi còn nhanh
                      Bò năm sáu tuổi đã tranh về già
                      Đồng chiêm xin chớ nuôi bò
                      Mùa đông tháng giá bò dò  làm sao
       Ai bảo rằng làm nhà quê không có cảnh thanh nhàn?  Hình ảnh trong bài ca dao dưới đây đúng là “phong lưu đồng ruộng”, thật thú vị:
                      Ao ta ta thả cá chơi
                      Hồ rộng nuôi vịt, vườn khơi nuôi gà
                      Quanh năm khách khứa đến nhà
                      Ao vườn sẵn đó lọ là tìm đâu
       Công việc đôi khi có vẻ là chơi chơi, chơi mà thiệt, làm chơi ăn thiệt như:
                      Ẵm em đi dạo vườn cà
                      Trái non ăn mắm trái già làm dưa
                      Làm dưa ba bữa dưa chua
                      Mẹ mày xách chén đi mua từng đồng
       Tục ngữ có câu: Bồng em thì khỏi xay lúa, như vậy bồng em (ẵm em) là một công việc, thế nhưng ẵm em còn hái cà nữa thì hái cà là công việc làm thêm mà thôi. Sau đó mới làm dưa và ba bữa sau thì dưa chua. Câu cuối là một lời nói tắt, có lẽ phát ngôn đầy đủ là:  Ta đã có công việc ẵm em, ta còn hái cà làm dưa, ba bữa sau ta có dưa để ăn, không như mẹ mày, chẳng chịu làm gì hết để phải xách chén đi mua từng đồng! Bởi vậy còn có đoạn sau, nài nỉ: Từng đồng ít quá chị ơi! Cho thêm chút nữa ăn rồi bữa cơm. Phải chăng ngụ ý của bài này mắng khéo: mẹ mày là hạng lười biếng?
Đời sống nhà quê với xã hội nông nghiệp không có nhiều cách biệt giai tầng (có thể do trưởng thành trong khung cảnh địa lý hạn hẹp, chúng tôi chỉ sống và biết ở khu vực Nam Trung Bộ nên nghĩ như thế), những kẻ từng theo sách đèn lều chõng bị lạc đệ, những người có học hành chút ít hàng ngày gần gũi với bà con nông dân đã đem cái thú tứ thời được mô tả bằng chữ nghĩa (xuân du phương thảo địa, hạ thưởng lục hà trì, thu ẩm hoàng hoa tửu, đông ngâm bạch tuyết thi) diễn nôm ra để cùng nhau thưởng thức:
                      Nhân sinh thích chí ở đời
                      Lặng yên tôi kể tứ thời cùng mong
                      Mùa xuân chơi hội thong dong
                      Mùa hè tắm mát ở sông Lục Hà
                      Mùa thu uống rượu hoàng hoa
                      Mùa đông ngâm thơ bạch tuyết chúng ta vui cùng
       Nghe cũng hay, “rằng hay thì thật là hay”, nhưng bởi có sự tham gia của văn chương bác học vào một cách lộ liễu nên không dễ thương bằng cảnh tự nhiên:
                      Làm nhà ở cạnh bờ sông
                      Sáng xem cá lội, chiều trông chim gù.
       Phần lớn ở thôn quê các nghề làm thợ và buôn bán chỉ là nghề phụ. Có nơi cả làng không một ai làm thợ mộc, thợ rèn, có nơi một vài người làm thêm khi rảnh vụ mùa, hoặc làm có tính cách vần công, đổi công, giúp đỡ nhau. Thời gian dành cho công việc này ít nên ca dao cũng ít, như một vài câu sau đây.
                      Em ơi đừng phụ mẹ già
                      Một hai năm nữa lo nhà cho anh
                      Em thời buôn bán cho lanh
                      Để anh chăm chỉ học hành cho thông…
       Buôn bán chỉ là việc làm sau khi đã cấy lúa, trồng đậu, trồng ngô, làm vườn, lúc rảnh rỗi:
                     Đất màu trồng đậu trồng ngô
                      Đồng lầy cấy lúa, đất khô làm vườn
                      Ngày rỗi em lại đi buôn
                      Quanh năm no ấm em buồn nỗi chi
       Buôn bán đồng thời với canh cửi. Buôn bán ít nên chỉ dùng thời gian ban ngày, ban đêm không cần lo sắp xếp, tính toán sổ sách mà lo việc canh cửi, công việc được coi là quan trọng của phụ nữ ngày xưa:
                      Phận em con gái xuân xanh
                      Ngày thời buôn bán, đêm cửi canh trong nhà.
       Nghề thợ cũng ít được nhắc đến. Chỉ có ít câu, như:
                      Muốn ăn cơm trắng cá thèn
                      Thì về Đa Bút đi rèn với anh
                      Một ngày ba bữa cơm canh
                      Tối về quạt mát cho anh ngồi rèn
       Theo Nguyễn Xuân Kính trong sách Kho tàng ca dao người Việt (đã nêu ở phần mở đầu) trang 1430, thì Đa Bút thuộc tỉnh Thanh Hóa, nơi trước đây là căn cứ chống Pháp của Tống Duy Tân. (Từ đây về sau khi trích dẫn sách này chúng tôi chỉ ghi tắt NXK tr… Sách của Vũ Ngọc Phan nêu trên thì ghi tắt là VNP).
       Một câu khác:
                      Cây đa trốc gốc
                      Thợ mộc đang cưa
                      Gặp em đứng bóng ban trưa
                      Trách trời vội tối phân chưa hết lời.

 5). Ghi nhận lịch sử - phản ánh các lễ hội định kỳ:

       Một  số bài ca dao ghi nhận các di tích hoặc sự kiện lịch sử, như:
        Nói về di tích Cổ Loa:
                      Ai về qua huyện Đông Anh
                      Ghé thăm phong cảnh Loa Thành Thục Vương
                      Cổ Loa hình ốc khác thường
                      Trải bao năm tháng nẻo đường còn đây
 Đông Anh trước thuộc tỉnh Phúc Yên cũ, sau là ngoại thành Hà Nội. Cổ Loa là kinh đô nước Việt ta dưới thời Thục An Dương Vương khoảng nửa sau thế kỉ thứ ba trước công nguyên, nay còn dấu vết ở xã Cổ Loa, huyện Đông Anh, Hà Nội, là một di tích lịch sử nổi tiếng (NXK tr.86).
       * Nói về việc Võ Tánh bị vây ở Qui Nhơn thời chiến tranh giữa hai lực lượng của nhà Nguyễn Tây Sơn và Nguyễn Gia Miêu:
                      Ngó lên hòn tháp Cánh Tiên
                      Cảm thương ông Hậu thủ thiềng ba năm
       Tháp Cánh Tiên, tên chữ là Tiên Dực, người Pháp gọi là Tour de cuivre, nằm trong phạm vi thành Đồ Bàn cũ (thành Qui Nhơn, sau đổi là Bình Định), thuộc huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định. Ông Hậu là Hậu quân Võ Tánh, tướng của Nguyễn vương (Nguyễn Ánh), thủ thiềng là biến âm của thủ thành: giữ thành. Năm 1799 quân của Nguyễn vương lấy được Qui Nhơn giao cho Võ Tánh và Hiệp trấn là Ngô Tòng Châu đóng giữ, năm 1800 hai tướng nhà Tây Sơn là Trần Quang Diệu vào vây thành Qui Nhơn một cách cẩn mật, quân tiếp viện bên ngoài không đánh nổi mà quân trong thành cũng không thể nào phá ra được, lương thực ngày một cạn và có nguy cơ bị tiêu diệt. Nguyễn vương cho người lẻn vào thành bảo Võ Tánh và Ngô Tòng Châu bỏ thành mà ra, nhưng Võ Tánh phúc thư lại rằng: Tinh binh của Tây Sơn đang ở cả Qui Nhơn, vậy xin đừng lo việc giải vây vội, hãy nên gấp ra đánh lấy Phú Xuân thì hơn. Nguyễn vương nghe theo lời ấy để một lực lượng ít do Nguyễn Văn Thành chỉ huy ở lại đối địch vớiTrần Quang Diệu và Vũ Văn Dũng, đem đại quân ra đánh chiếm được kinh đô Phú Xuân. Trong khi ấy quân của Võ Tánh tại Qui Nhơn hết cả lương thực, không thể nào chống cự được nữa. Võ Tánh gửi thư cho Trần Quang Diệu yêu cầu khi vào thành không giết hại quân sĩ bởi họ chỉ biết vâng lệnh thượng cấp, rồi lên lầu bát giác tự thiêu, Ngô Tòng Châu cũng uống thuốc độc tự tử. Đó là năm 1801. Ba năm ông Hậu thủ thiềng (Theo Trần Trọng Kim, Việt Nam sử lược, quyển II, trang 160-162).
Bài ca dao nói lên nỗi niềm thương cảm của dân chúng trước tấm gương  trung nghĩa của Võ Tánh, lời lẽ giản dị mà thấm thía, khiến chúng ta cũng nên suy nghĩ về tư cách người làm tướng. Đã làm tướng thì không thể đầu hàng, tướng phải chết theo thành như Võ Tánh, chết giữa trận tiền như Châu Văn Tiếp, Võ Di Nguy v.v…hoặc là bị bắt, bị tử hình như Trần Bình Trọng, mới xứng đáng với vinh dự và trách nhiệm. Làm tướng dù có dày công hãn mã khi chiến tranh mà đến lúc hòa bình cón cố nắm quyền thì trước sau gì cũng bị thiệt thân, như Nguyễn Văn Thành, Lê Văn Duyệt, Đặng Trần Thường… chẳng hạn. Nếu còn được mạng sống thì cũng chỉ kéo dài chuỗi ngày tàn để mơ về một thời oanh liệt mà thôi.
* Nói về chuyện nhà Nguyễn cấm phụ nữ mặc váy;
              Tháng tám có chiếu vua ra
              Cấm quần không đáy người ta hãi hùng
              Không đi thì chợ không đông
              Đi thì phải mượn quần chồng sao đang!
              Có quần ra quán bán hàng
              Không quần đứng nấp đầu làng trông quan
Đọc lại lịch sử ta thấy, Chúa Nguyễn từ khi muốn biệt lập một phương  luôn mong muốn phải làm sao cho Nam Hà có một diện mạo khác hẳn Bắc Hà, cả về vấn đề y phục. Theo những sự kiện chép trong Đại Nam thực lục tiền biên  Đại Nam thực lục chính biên do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn thì: Năm 1744 chúa Nguyễn Phước Khoát chính thức lên ngôi vương, châm chước chế độ các đời ra những quy định thay phong tục, dựng tôn miếu, phong quận công, định triều phục, đổi phong tục, chia đặt cả cõi làm 12 dinh… Về sau, trrong quan niệm “thống nhất” các vua Nguyễn vẫn noi theo ý tưởng ấy. Năm 1802 cùng các quan bàn về phong tục, vua Gia Long nói: Dân Bắc Hà thì quần áo kiểu cũng không đẹp, phải nên một phen sớm định mới có thể đồng nhất phong tục, nhưng sửa đổi phong tục cũng phải dần dần. Đến năm 1828 vua Minh Mạng cho đổi lối quần áo tự sông Gianh ra Bắc, hẹn dến đầu mùa xuân năm sau phải thay đổi một loạt. Như vậy việc thay đổi y phục đã bắt đầu từ thời Võ vương Nguyễn Phước Khoát, vua Gia Long khi mới lên ngôi cho thực hiện dần dần và đến năm Minh Mạng thứ 9 có quyết định dứt khoát. Và nhà vua đã bị người dân làm ca dao nửa oán trách nửa bêu riếu.
 * Chuyện dân gian khu vực Nam Trung Bộ có kể về Chú Lía, một thảo khấu sống vào thời chúa Nguyễn (không biết cắc chắn chúa nào), dựng sơn trại tại Truông Mây, (còn có tên là Hóc Sâu) thuộc xã Ân Đức, huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định, tung hoành khắp chốn khiến cho giới quan lại và trọc phú khiếp sợ. Rồi cũng vì tham nhan sắc, bắt cóc nàng hầu của quan Tuần phủ về làm vợ, bị cô ta nội ứng, hẹn với quan quân, phục rượu cho Lía và đồng bọn say mèm, trói Lía lại trên tấm phản lớn. Lúc quan quân từ vòng vây bên ngoài tiến vào giết hết đám tay chân thì Lía vừa tỉnh rượu, mang cả tấm ván chạy thoát, may gặp một cụ già giúp đỡ và Lía đền ơn bằng cách tặng cụ cái thủ cấp để về trình quan lãnh thưởng. Nhưng cụ già vốn đã nghe tiếng hào hiệp của Lía, mến mộ Lía,  chôn cất tử tế. Và dân chúng cũng ngậm ngùi cảm thán:
              Chiều chiều én liệng Truông Mây
              Cảm thương Chú Lía bị vây trong thành
(Theo Quách Tấn trong Nước non Bình Định tr.279 và nhớ lại truyện đọc trong Giáo Dục tạp chí của Nha Học Chánh Đông Dương hồi trước năm 1945 chúng tôi học lớp Sơ đẳng - lớp Ba).
Một bài vè truyền khẩu khác kể về Lía lúc nhỏ, hoang đàng, trốn học, gọi Lía là thằng, nhưng vui vẻ, không có ác ý: Thằng Lía là thằng Lía hoang. Nào ai dám chứa hổ mang trong nhà. Thằng Lía là thằng Lía cồ. Bẻ gai thồ lồ chích đít thằng Lía.  
* Những bài ca dao có nói đến các lễ hội truyền thống, những phiên chợ nhiều người biết hầu hết là ở Miền Bắc vì Miền Trung ít có lễ hội, lễ hội ở Miền Nam thì cũng ít, lại sôi động hơn, có lẽ vì vậy người ta không mượn ca dao để nhớ và nhắc nhở nhau.
Kể về các lễ hội Miền Bắc thì có:
              Đến ngày mồng sáu tháng ba
              Ăn cơm với cà đi hội chùa Tây
Là người Miền Trung, thật tình tôi chưa hiểu ý nghĩa việc ăn cơm với cà thế nào.
Tiếp theo:
              Nhớ ngày mồng bảy tháng ba
              Trở vào hội Láng, trở ra hội Thầy
              *
              Ai ơi mồng chín tháng tư
              Không đi hội Gióng cũng hư một đời
              *
              Dầu ai buôn đâu bán đâu
              Mồng mười tháng tám chọi trâu thì về
              Dầu ai buôn bán trăm nghề
              Mồng mười tháng tám thì về chọi trâu
Cứ như thế, hình như luôn luôn người ta nghe văng vẳng đâu đây hoài hoài trong tâm trí tiếng trống hội hè xuân thu mấy bận. Theo ngày tháng được nêu rõ ràng trong niên lịch, người ta chờ đợi, trông mong và nhắc nhở nhau, nhắn nhủ nhau. Như thế cũng thú vị lắm.
Lai có những ngày hội trong truyền thuyết:
              Mồng bốn cá đi ăn thề
              Mồng tám cá về cá vượt vũ môn
              *
              Nay là mồng tám tháng tư
              Cái cua cái cáy cái lư ăn thề
* Thời gian trong những bài ca dao nói đến chợ phiên cũng ở Miền Bắc:
              Mồng một chơi cửa chơi nhà
              Mồng hai chơi xóm, mồng ba chơi đình
              Mồng bốn chơi chợ Quả Linh
              Mồng năm chợ Trình, mồng sáu non Côi
              Qua ngày mồng bảy nghỉ ngơi
              Bước sang mồng tám đi chơi chợ Viềng
              Chợ Viềng một năm mới có một phiên
              Cái nón em đội cũng tiền anh mua
Theo NXK (tr.1378) các chợ trên thuộc huyện Vụ Bản, Nam Hà.
Hoặc:
              Mồng bốn chơi chợ Cửu Linh
              Mồng năm chợ Đình, mồng sáu chợ Gôi
              Nghỉ ngày mồng bảy em ơi
              Đến ngày mồng tám lên chơi chợ Giềng
Cũng như câu trên, câu này cho ta biết những ngày phiên chợ. Rất tiếc tác giả NXK (sđd) không ghi chú địa điểm các chợ này. Có điều các ngày phiên mồng bốn, mồng năm, mồng sáu, mồng tám giống nhau, mồng bảy nghỉ, các tên chợ nghe cũng gần gần, khiến cho những người ở xa như chúng tôi còn có phân vân: các phiên chợ trong hai câu trên là một hay là hai.
Một số ngày họp chợ khác:
              - Chợ Keo ngày một, ngày ba
Ngày sáu ngày tám quả là vui chưa
Theo NXK (tr.654) chợ Keo là chợ làng Giao Tất, nay thuộc xã Kim Sơn, huyện Gia Lâm, Hà Nội.
              - Mồng sáu đi chợ Chìa chơi
              Rạng ngày mồng tám xem bơi cửa Hàn
Chợ Chìa ở xã Triêu Dương, Tĩnh Gia, Thanh Hóa, phiên đầu năm vào ngày sáu tháng giêng âm lịch. Cửa Hàn: cửa sông Ghép ở xã Hải Châu, Tĩnh Gia, Thanh Hóa (NXK tr.1379). Nếu không có chú thích này người Nam Trung Bộ và Nam Bộ dễ lầm Cửa Hàn là Đà Nẵng.
- Chợ Bưởi một tháng sáu phiên
Ngày tư ngày chín như duyên đèo bòng
       Ngày trước, chợ Bưởi thuộc làng Yên Thái, quận Ba Đình, Hà Nội (NXK tr.651).
       Ở Phú Yên vùng châu thổ sông Cái (Tuy An) những chợ họp phiên như chợ Đèo, chợ Giã, chợ Mới, chợ Thành…, ở vùng châu thổ sông Đà Rằng (Tuy Hòa) thì chợ Bàu Đục, chợ Lò Tre, chợ Phong Niên, chợ Núi Sầm… cũng họp phiên. Người dân trong vùng hôm nay đi chợ này, mai chợ kia, mốt chợ khác… cứ thế giáp vòng, thuận tiện cho sinh hoạt mua bán, rất tiếc không có những câu ca dao ghi nhớ tương tự.
                     
6). Một số địa phương:

       Trong ca dao có thời gian còn nêu lên một số dịa danh, rải rác từ Bắc vào Nam, không chỉ địa danh mượn để thương nhớ mà còn giới thiệu một đôi nét đặc biệt về địa phương đó.
       Như:
                      - Chiều chiều mây phủ Sơn Trà
                      Lòng ta thương bạn nước mắt và lộn cơm
       Sơn Trà là bán đảo nay thuộc thành phố Đà Nẵng. Tên chữ Hán cả núi và vịnh đều là Trà Sơn. Bán đảo Sơn Trà có ba đỉnh núi. Phía đông bắc vịnh Đà Nẵng còn có đảo nhỏ, nhô lên khỏi mặt nước khoảng 20m. Dân gian thường phát âm Sơn Trà thành Sơn Chà.  Do đó thường nghe hát là “Chiều chiều mây phủ Sơn Chà". Câu bát có khi là: Thương cha nhớ mẹ nước mắt và lộn cơm. Đều là thương nhớ người thân yêu.
                      - Kể từ ngày Tây lại Cửa Hàn
                      Đào sông Câu Nhí đãi vàng Bồng Miêu
                      Dặn lòng ai dỗ đừng xiêu
                      Ở nuôi phụ mẫu sớm chiều có nhau
       Cửa Hàn trong bài này là vịnh Đà Nẵng, ngày xưa còn có tên là vũng Thùng, cũng dùng để gọi thành phố Đà Nẵng. Sông Câu Nhí là một nhánh của sông Thu Bồn, nối Thu Bồn với Cẩm Lệ, chảy ra cửa Hàn. Theo Đại Nam nhất thống chí (tỉnh Quảng Nam) Câu Nhí vốn là dòng sông tự nhiên, sông ấy khuất khúc, lâu ngày bị bồi lấp, năm Minh Mạng thứ 3 (1822) nhân khai sông cũ mà  đào từ xã Câu Nhí đến xã Cẩm Sa. Như vậy thì đâu phải từ ngày Tây lại cửa Hàn mới đào sông Câu Nhí? Hay đây là một lần đào nữa? Bồng Miêu thuộc xã Tam Lãnh, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam, nơi có một hệ thống quặng vàng ở Núi Kẽm, Hố Gần, Hố Ráy, trước đây đã được người Chăm Pa rồi người Pháp khai thác khá thành công. Câu cuối có người đọc là: … đắp đàng Bồng Miêu Là con đường để khai thác vàng chăng?
                      - Bao giờ cạn nước Đồng Nai
                      Nát chùa Thiên Mụ mới sai lời nguyền
       Sông Đồng Nai ở miền đông Nam Bộ, còn có tên Phước Long giang, sông Cam Lộ, sông Hòa Quý, từ cao nguyên Trung Bộ chảy qua Biên Hòa ra cửa Sói Rạp. Tên sông cũng là tên một vùng đất rộng lớn, gồm cả Bà Rịa, Biên Hòa, Gia Định, Sài Gòn. (Theo Lê Văn Đức, Việt Nam tự điển). Trước tháng 8/1945 một tỉnh đầu nguồn mang tên Đồng Nai Thượng (người Pháp viết Haut Donnai), sau nhập với Lâm Viên thành Lâm Đồng. - Chùa Thiên Mụ được chúa Tiên Nguyễn Hoàng xây dựng trên một ngọn đồi thuộc xã An Ninh, bên sông Hương phía tây thành phố Huế, Trung Bộ. Vua Gia Long xây dựng lại năm 1815 (theo Lê Văn Đức sđd). Nay là di tích lịch sử và thắng cảnh.
                      - Chiều chiều mây phủ Đá Bia
                      Đá Bia mây phủ chị kia mất chồng
       Nuí Đá Bia trên dãy Đèo Cả thuộc tỉnh Phú Yên, trên đỉnh có một tảng đá cao chót vót, hiện tượng thiên nhiên ở đây là mỗi buổi chiều thường bị mây che khuất, thành ra đi qua Đèo Cả buổi sáng thì nhìn Đá Bia rất rõ mà buổi chiều thì hiếm khi trông thấy.  Phan Thanh Giản có thơ vịnh núi Đá Bia, Việt Ngâm dịch: Mảnh đá đầu non dựng. Tầng cao ngất một phương.
                      - Chiều chiều quạ nói với diều
                      Cù lao Ông Chưởng có nhiều cá tôm
       Cù lao Ông Chưởng tức là cù lao Cây Sao, nằm bên hữu ngạn Tiền Giang, thuộc sông Cửu Long ở Nam Bộ, nay trong địa phận tỉnh An Giang. Ông Chưởng là Chưởng doanh Nguyễn Hữu Cảnh, người có công mở đất Nam Bộ.
                      - Ăn trầu chọn lấy cau khô
                      Trèo lên Ba Dội có cô bán hàng
                     Cô bán hàng lòng cô buồn bã
                      Bóng xế chiều bóng ngã về tây
                      Đợi cô ba bảy hai mươi mốt năm nay
       Ba Dội : đèo Tam Điệp giữa Thanh Hóa và Ninh Bình (Lê Văn Đức - Việt Nam tự điển).
                      - Chẻ tre bện sáo cho dày
                      Ngăn ngang sông Mỹ có ngày gặp em
       Sông Mỹ là đoạn Tiền Giang chảy qua Mỹ Tho. Trong Tìm hiểu đất Hậu Giang 1959 Sơn Nam đặt câu hỏi: “Câu ca dao trên đây phải chăng xuất hiện từ khi mất ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ?”.
                      - Tháng năm cơm mắm ra Hòn
                      Muốn ăn trứng nhạn phải lòn Hang Mai
                      Mặc tình ai dễ ép ai
                      Muốn ăn trứng nhạn Hang Mai phải lòn.
       Hòn : Đảo Phú Quốc thuộc tỉnh Kiên Giang, nơi nổi tiếng về nước mắm ở Nam Bộ. Nhiều nơi có địa danh Hang Mai, Hang Mai trong câu này thuộc tỉnh Kiên Giang.
                      - Mười giờ tàu lại Bến Thành
                      Xúp lê vội thổi bộ hành lao xao
       Bến Thành là bến tàu Sài Gòn, vì vậy chợ gần đó mang tên chợ Bến Thành. Sau này gọi là bến Bạch Đằng. Ngày trước ga xe lửa Sài Gòn cũng  ở  gần chợ  và bến tàu.
                      - Anh về Bình Định ba ngày
                      Gởi mua chiếc nón lá dày không mua
       Tỉnh Bình Định có loại nón lá dày và tốt, nổi tiếng, sản xuất tại Gò  Găng, xã Nhơn Thành, huyện An Nhơn.
                      - Mẹ em buôn chỉ bán tơ
                      Buôn ngọn sông Bờ bán ngọn sông Thao
                      Nước sông Thao biết bao giờ cạn
                      Núi Ba Vì biết vạn nào cây
       Sông Bờ : tức sông Đà (NXK tr.419), sông Thao : tức sông Hồng quãng phía trên Bạch Hạc (NXK tr. 201), núi Ba Vì : tức núi Tản , còn gọi là Tản Viên sơn, ở tỉnh Hà Tây, có 3 ngọn, ngọn ở giữa dưới thắt cổ bồng, trên xòe ra như cái tán. Núi cao 1281m, có đền thờ Sơn Tinh (NXK tr.80).
* Còn một số bài khác cũng có địa danh Miền Bắc đã trích dẫn ở mục 5, chương  này, đoạn nói về di tích, lễ hội.     
                                            
7). Trào phúng – Châm biếm:   
       Những bài ca dao có nội dung trào phúng, châm biếm  thường nói về tình dục, những điều ngày xưa cho là lẳng lơ, hoặc chuyện không xứng đôi vừa lứa, nhưng qua đó cũng đưa ra phần nào sự thật mà người ta thường né tránh. Như:
 Chuyện một cô gái đến tuổi dậy thì, nói thẳng với mẹ rằng ngày xưa bằng tuổi con mẹ cũng như vậy thôi:
                      Con gái mười bảy mười ba
                      Đêm nằm với mẹ khóc la đòi chồng
                      Mẹ đập cái roi nơi mông
                      -Không nằm mà ngủ chồng chồng mà chi
                      -Ranh càng nó bắt mẹ đi
                      Khi xưa mẹ nhỏ cũng thì như con.
        Nói về tình trạng tảo hôn:
                      Lấy chồng từ thuở mười lăm
                      Chồng chê tôi bé không nằm với tôi
                      Đến năm mười tám đôi mươi
                      Tôi nằm dưới đất chồng lôi lên giường
                      Một rằng thương, hai rừng thương
                      Có bốn chân giường gãy một còn ba.
       * Nói về tình trạng trùng hôn:
              Con chim mà đậu móc chùa
              Năm nay được mùa một mụ hai ông
              Tưởng là thiên hạ nói không
              Nào hay một mụ hai ông rõ ràng
* Nói về đôi lứa chênh lệch tuổi tác, chồng già vợ trẻ, không phải vì tình yêu mà vì của cải vật chất:
                      Con cu nó đỗ chuồng heo
                      Ông già có của nó theo ông già.
       Nhưng nếu ông già này thuộc vào hạng:
                      Càng già càng nhẹ phao câu
                      Càng lên xuống tận càng mau nhịp nhàng
       Thế thì cô gái vẫn yêu đời được chứ?
* Ngược lại, là trường hợp chồng trẻ vợ già:
                      Chàng bao nhiêu tuổi năm nay
                      Chàng rày mười tám, thiếp rày bốn ba
                      Mồ cha đứa chê thiếp già
                      Thiếp còn gánh nổi một và trăm kim
       Ngày nay, người phụ nữ bốn ba vẫn còn hấp dẫn. Ngày xưa ( tuy gái ba mươi tuổi như đùm mắm nêm) cũng đôi khi có trường hợp cá biệt, người phụ nữa này chắc vẫn còn mặn mà, cho nên “thiếp” mới giận đời chửi đổng: Mồ cha đứa chê thiếp già…
        Trường hợp dưới đây mới đúng là già thật sự và thật sự là một bà già đáng nể hơn ai:
                      Bà già đã tám mươi tư
                      Ngồi trong cửa sổ viết thư kén chồng.
       Ngồi trong cửa sổ, thế mới  thật điệu nghệ tiểu thư khuê các.
       * Có khi người con gái chấp nhận tiếng cười nhân thế cho là lẳng lơ. Đáng trách hay đáng thương?
                      Lẳng lơ chả một mình tôi
                      Làng trên tổng dưới cũng đôi ba người
                      Nói ra sợ chị em cười
                      Lấy chồng tháng chín, tháng mười có con
       * Có khi người con gái coi thường dư luận, diễu cợt cả dư luận. Đáng trách hay đáng buồn?
       Đoạn đầu bài ca dao này nói về “mười thương”, đến: Mười thương em bậu chưa xong lẽ nào, bỗng nhiên chuyển ý:
                      … Mười một thiếp hãy còn son
                      Mười hai vú dậy nó tròn như vung
                      Mười ba thiếp đã có chồng
                      Đến năm mười bốn trong lòng thọ thai
                      Mười lăm sinh đặng con trai
                      Bước qua mười sáu đã hai đời chồng
                      Mười bảy thiếp còn ở không
                      Mười tám thiếp lại lấy chồng quan viên
                      Mười chín lấy anh chèo thuyền
                      Hai mươi lấy lính cửa quyền hầu vua
                      Hăm mốt lấy thằng câu cua
                      Hăm hai lên chùa lại lấy thầy tu
                      Hăm ba lấy thợ đóng dù
                      Bước qua hăm bốn lấy phu trong làng
                      Thiếp than than thiếp ngỡ ngàng
                      Thiếp về lấy hết trai  làng thời thôi…
       * Một số câu có nội dung châm biếm mấy ông “thầy bói nói dựa”, nói theo cách hiểu sao cũng được, hiểu thế nào cũng đúng:
       Ban đầu, sau khi xem quẻ thầy bói nói:
                      Chồng chị số chết ban ngày
       Thân chủ bảo là sai, thầy chữa ngay:
                      Thương con nhớ vợ chết rày ban đêm
       Hoặc:            
Chồng chị số chết ban đêm
                      Thương con nhớ vợ nuối thêm  ban ngày
       Một câu khác:
Số cô không giàu thì nghèo
                      Chiều ba mươi tết có thịt heo trong nhà.
       Đương nhiên là vậy. Đối với người dân thôn quê việc sắm sửa trong ngày tết rất quan trọng, có nghèo cũng ngày tết, có hết cũng ngày mùa, ngày cuối năm không nhà nào không có ít thịt heo để ăn tết.
       * Một số câu chê bai những kẻ giả vờ đạo đức, che giấu thói tật của mình lừa người, lòe đời, nhưng gặp cơ hội thì không ngần ngại lộ rõ tính cách:
                      Ban ngày quan lớn như thần
                      Ban đêm quan lớn tần mần như ma
                      Ban ngày quan lớn như cha
                      Ban đêm quan lớn rầy rà như con!   

TRẦN HUIỀN ÂN