Sunday, November 22, 2015

179. PHẠM CAO HOÀNG Chia tay Phùng Nguyễn


PHẠM CAO HOÀNG
Chia tay Phùng Nguyễn

Nhà văn Phùng Nguyễn  (1950-2015)
Ảnh Phạm Cao Hoàng  - Virginia, May 2014



Chiều thứ ba, 17.11.2015. theo thói quen, tôi đi bộ lang thang qua những con đường làng trong xóm. Bây giờ là giữa mùa thu, trên những cành cây xơ xác vẫn còn một ít lá vàng, chỉ cần một cơn gió mạnh là tất cả sẽ rụng xuống. Khi leo lên con dốc ở thung lũng Fox, điện thoại đổ chuông. Anh Đinh Cưởng gọi, giọng nghẹn ngào, “Phùng Nguyễn mất vào sáng hôm nay do bệnh tim”. Tôi choáng váng vì quá bất ngờ. Tôi điện cho anh Trương Vũ, chưa kịp hỏi gì thì anh đã nói, giọng gần như khóc, “Mình tính vào bệnh viện xem thực hư thế nào nhưng không kịp. Người ta đã mang xác đi rồi”. Phùng Nguyễn bị bệnh tim từ mấy năm qua nhưng chuyện anh ra đi là điều tôi chưa bao giờ nghĩ đến, và tôi chắc bản thân anh cũng chưa bao giờ nghĩ đến. Lần sau cùng tôi gặp anh là cách đây ba tuần, hôm 24.10.2015, tại buổi họp mặt ở studio anh Trương Vũ. Hôm ấy, khi về nhà, Cúc Hoa nói với tôi, “Lúc nãy em thấy anh Phùng Nguyễn không uống một ly rượu nào cả. Chắc là bệnh tim đang tái phát”. Thật ra, Phùng Nguyễn cũng như chúng tôi không ai mê rượu, lúc nào họp mặt thì uống một chút rượu chát đỏ cho vui, cho câu chuyện thêm râm ran, cho cuộc đời thêm ấm áp; chưa bao giờ uống say. Theo kinh nghiệm của bản thân từ những lần gặp gỡ, tôi hiểu ngay rằng hôm ấy tim anh bị mệt. Mệt nhưng vẫn cố gắng lái xe gần một tiếng đồng hồ từ Maryland sang để gặp bạn bè, trong đó có các bạn đến từ Châu Âu, từ Việt Nam, từ California, từ Massachusetts… Anh đến các buổi họp mặt không phải để trà dư tửu hậu, mà vì quí trọng  bạn bè và đồng thời anh thu thập  thông tin để phục vụ cho các bài viết. Gặp các anh Đinh Cường, Trương Vũ, Nguyễn Trọng Khôi, anh tìm hiểu về hội họa. Gặp anh Nguyễn Tường Thiết, anh tìm hiểu về Tự Lực Văn Đoàn. Gặp anh Nguyễn Quốc Thái, anh hỏi về chuyện làm báo Trình Bày. Gặp anh Nguyễn Xuân Thiệp, anh hỏi về chuyện làm báo Phố Văn. Gặp anh Trần Hoài Thư, anh hỏi về chuyện văn học miền nam. Gặp anh Nguyên Minh, anh hỏi về chuyện làm báo Ý Thức. Gặp các anh Nguyễn Đinh Vinh, Trương Vũ anh bàn luận về tình hình văn học trong và ngoài nước.  Đó là những nguồn tư liệu sống nên anh không muốn bỏ lỡ những cơ hội gặp gỡ và tìm hiểu. Với tính cách như vậy, từ mấy chục năm qua, Phùng Nguyễn làm việc một cách nghiêm túc ở cả lĩnh vực sáng tác lẫn lĩnh vực lý luận, có những đóng góp đáng kể trong việc hình thành dòng văn học Việt Nam hải ngoại. Mỗi khi nghĩ về anh, tôi hình dung đến một con người có vóc dáng nhỏ nhưng mang trên đôi vai một gánh nặng văn chương rất lớn. Và tôi rất đồng cảm với nhà văn Trần Hoài Thư khi anh phác họa chân dung Phùng Nguyễn: …”Từ Ô Thước rồi đến Talawas rồi Da Màu, những diễn dàn văn học luôn luôn thấy bóng Phùng Nguyễn. Ngày xưa Phùng Nguyễn mang súng thì bây giờ Phùng Nguyễn mang laptop đến mọi nơi mọi chốn. Tôi theo dõi ngườii lữ hành ấy  và cảm phục vô ngần”.

Khi biết tin anh qua đời, với tình cảm đối với người bạn tử tế Phùng Nguyễn, với lòng quí trọng đối với con người văn học Phùng Nguyễn, nhóm thân hữu của Phùng Nguyễn ở Washington DC – Virginia – Maryland thực hiện một trang đặc biệt để chia tay Phùng Nguyễn gồm các bài viết của Đinh Cường, Trương Vũ, Lữ Quỳnh, Trần Hoài Thư, Luân Hoán, Trần Doãn Nho, Nguyễn Trọng Khôi, Hoàng Xuân Sơn, Nguyễn Vy Khanh, Nguyễn Minh Nữu, Nguyên Minh, Nguyễn Quang Chơn, Trương Văn Dân, Phạm Cao Hoàng, Lãm Thúy, Nguyễn Thị Khánh Minh, Nguyễn Quang, Nguyễn Thị Thanh Bình.

Chúng tôi chia sẻ với nhau những ưu tư về văn học Việt Nam, trong lẫn ngoài nước. Chia sẻ với nhau về những đóng góp cần có của người cầm bút, của người làm nghệ thuật, vào những sinh hoạt liên hệ đến sáng tác và phẩm chất của tác phẩm. Họp mặt bạn bè thường bao gồm những nhận định, những bàn thảo, hay những tranh cãi về văn chương. Chẵng hạn, tranh cãi về ảnh hưởng của Gabriel Garcia Marquez trong một số tác phẩm nổi tiếng của văn học Việt Nam hiện nay. Rất khó quên cách diễn đạt trầm tĩnh và sâu sắc của PN trong những họp mặt như vậy.
(Họa sĩ Trương Vũ, Virginia)


Không thể viết gì về cái chết
quá bất ngờ sáng nay
của người bạn hiền lành
tôi yêu quý. tôi đau đớn
tôi lạnh người
lấy chai dầu gió xanh
quẹt vào hai bên màng tang

chảy nước mắt.
(Họa sĩ Đinh Cường,  Virginia)


Tôi thích tính cách trầm lặng và chỉ cần nói những điều cần phải nói của Phùng Nguyễn. Khi nói về một vấn đề nhạy cảm, Phùng Nguyễn luôn đứng trên bình diện sự việc mà nhận thức, không chạy theo xu hướng, không ve vuốt lấy lòng; tôi thấy đây là một tính cách chuẩn trong thái độ, tư cách của một nhà văn… Phùng Nguyễn ơi !Trong những câu chuyện trà dư tửu hậu, chúng ta hay nói đến những chuyến đi vào vĩnh cửu mỗi người đều có những chuyến đi khác nhau, nhưng nếu buộc phải ra đi xin được ra đi lặng lẽ và nhẹ nhàng. Biết thế, nhưng sao chuyến đi này mọi người vẫn thấy bàng hoàng, choáng váng vì bất ngờ quá chăng hay vì lòng quý mến nhau chưa được tỏ bày cặn kẽ.
(Họa sĩ Nguyễn Trọng Khôi, Boston)





Phùng Nguyễn ơi
xa
mà không cách
lần hồi rủ nhau về chung cuộc
ừ thôi bạn muốn đi trước
ở ngã ba đường một starbucks nào đó
nguyễn xuân hoàng vẫn ngồi chờ
(Nhà thơ Hoàng Xuân Sơn, Canada)


Tôi muốn gửi tới quý vị bài viết XUOI DÒNG KÝ ỨC của Phùng Nguyễn, bởi vì thú thật, buổi tối hôm nay, khi còn đang bàng hoàng về sự ra đi bất ngờ Phùng Nguyễn, Tôi đọc lại bài viết này cũa Phùng Nguyễn mà ứa nước mắt vì thương tưởng và lạnh sống lưng vì đoạn kết bài viết này. Phải chăng Phùng Nguyễn vừa thực hiện lời hẹn với Nguyễn Xuân Hoàng, và họ đang ngồi bên nhau bên ly cà phê  Starbucks?
(Nhà văn Nguyễn Minh Nữu, Virginia)


Trưa nay gió mịt mù.
Bay bay những lá vàng cuối thu
Đường vào bệnh viện chênh vênh
Vẫn không tin anh không còn cười nói …
(Nhà thơ Nguyễn Quang, Virginia)


Buổi sáng sớm hôm nay, nghe tiếng gà gáy canh ba từ phía nhà ai rất xa, từ bên kia bờ thành của bãi đáp phi trường Tân Sơn Nhất, tôi chợt thức giấc, mở cái iPad, vào Gmail thấy Phạm Cao Hoàng báo hung tin. Cứ tưởng mình còn trong giấc mơ, phải dụi mắt thật kỹ, những dòng chữ cứ chạy loạng choạng trước mặt. Phùng Nguyễn đã qua đời… Tôi bật khóc nức nở. Vợ tôi không hiểu gì nhưng vẫn ôm lấy vai tôi như vỗ về an ủi.
(Nhà văn Nguyên Minh, Sài Gòn)



Anh hẹn cuối năm về Việt Nam. Đà Nẵng
Tôi hẹn sẽ vẽ chân dung anh
Sắp cuối năm rồi anh
Sao anh đi mãi...

Bao giờ mới gặp lại anh
Đôi mắt cười hiền lành
Hay nhìn thẳng vào người đối diện
Ấm áp và phảng phất chút buồn...

Ngủ ngon nhé anh Phùng Nguyễn
Thôi những giấc mơ chữ nghĩa
Thôi những đau nhói trong tim
Thôi những chiều lái xe từ Maryland qua Virginia thăm bạn...

Sao tôi thấy lạnh và bóng đen mênh mông. trời vẫn tối đen chưa sáng
Làm sao thắp một nén nhang...
(Họa sĩ Nguyễn Quang Chon, Đà Nẵng)


Khi xe dừng ở cột đèn đỏ, tôi chăm chăm nhìn vào một chiếc lá vẫn còn xanh đang rơi bên lề đừng, chưa chạm đất đã được gió thốc lên,  rồi như bị những giọt nước mưa rơi trúng, nặng nề thêm, đột ngột rớt nhanh xuống đất.Giờ nhớ lại cảnh ấy. Tôi giật mình đánh thót. Xương sống buốt lạnh. Chiếc lá còn xanh ấy là anh sao, Phùng Nguyễn?
Xin thắp một nén nhang tiễn anh về nơi cuối trời….Và cầu nguyện cho linh hồn anh ra đi thanh thản, Phùng Nguyễn ơi!
(Nhà văn Trương Văn Dân, Sài Gòn)


Dẫu biết vô thường là thường
Mà trái tim vẫn như thắt lại
Tôi bàng hoàng ngồi sững
mắt mở lớn mà không thấy gì
hình như có tiếng sét đánh ngang
ở cõi vĩnh hằng Phùng yên giấc nhé
xin tiễn đưa anh bằng một thời kinh

nam mô Vô lượng thọ Như lai!
(Nhà thơ Lữ Quỳnh, San Jose)


Thôi trái tim đau treo trên cành lá mỏng
Thôi tháng ngày là ký ức tìm nhau
Người đã đưa. Người đã chờ. Và Người đã đến
(Nhà thơ Nguyễn Thị Khánh Minh, Santa Ana)


phùng đi đâu đi đâu
không thèm mua chiếc vé
chẳng cần ai tiễn đưa
một mình phùng lặng lẽ
phùng đi đâu đi đâu
“rừng và cây” chết đứng
email buồn ngơ ngẩn
bàn phím gõ run tay
(Nhà văn Trần Doãn Nho, Boston)


Từ Ô Thước rồi đến Talawas rồi Damau, nhữnng diễn dàn văn học luôn luôn thấy bóng Phùng Nguyễn. Ngày xưa Phùng Nguyễn mang súng thì bây giờ Phùng Nguyễn mang laptop đến mọi nơi mọi chốn. Tôi theo dõi ngườii lữ hành ấy  và cảm phục vô ngần.
(Nhà văn Trần Hoài Thư, New Jersey)


Để lại đời bao nhiêu tiếc thương
Bao nhiêu hoài bão của văn chương
Bỏ cô tóc cột tình như mộng
Bỏ lại đời sau chữ nghĩa buồn

Thì thôi, yên nghỉ giấc nghìn thu
Điểm hẹn bên đời chỉ trước sau
Tài hoa yểu mệnh , xưa nay vậy
Chớ để nhân gian thấy bạc đầu!
(Nhà thơ Lãm Thúy, Virginia)

Phùng Nguyễn ơi,

Bạn bè khắp nơi thương tiếc anh là như vậy. Những lần gặp gỡ sắp tới đây, chiếc ghế anh thường ngồi chỉ còn là chiếc ghế trống. Đời sống  sẽ thiếu đi nụ cười hiền hòa của anh. thiếu đi đôi mắt buồn nhưng ấm áp nghĩa tình của anh. Chiều hôm nay chúng tôi nhìn anh lần cuối. Ngày mai anh chỉ còn là hạt bụi bay về cõi vô cùng. Thôi, anh đi nhé. Bình yên. Bạn bè sẽ mãi mãi nhớ thương anh.

Phạm Cao Hoàng
Virginia, 22.11.2015