Saturday, November 28, 2015

182. PHÙNG NGUYỄN Tháp Ký Ức


Ảnh: internet

Năm đó tôi mười một tuổi. Sau mấy năm ròng rã mài đũng quần ở ngôi trường tiểu học dột nát ở làng trên, thuộc nát bấy cuốn Quốc Văn Giáo Khoa Thư, và lãnh những trận đòn thừa sống thiếu chết vì tội trốn học đi bẫy chim đá dế ngoài đồng, tôi may mắn trúng tuyển vào trường trung học công lập cấp tỉnh duy nhất của tỉnh Quảng Nam, trường Trần Quý Cáp.

Hôm đi coi bảng, tôi chẳng có hy vọng gì mấy. Tỉnh Quảng Nam có đến hàng trăm xã ấp, mỗi xã có một trường Tiểu Học, mỗi trường Tiểu Học có một lớp Nhất, tức là lớp Năm sau này. Mỗi lớp Nhất có khoảng năm chục đứa học trò mà trong đó có tới bốn mươi đứa tham gia cuộc thi tuyển, tính ra không dưới năm ngàn thí sinh. Trường Trần Quý Cáp có sáu lớp đệ Thất, cao lắm khoảng ba trăm học sinh được tuyển vào mỗi năm, còn mấy ngàn đứa kia thì có nhiều hy vọng về nhà… chăn trâu trừ phi được cha mẹ cho vào bán công hoặc tư thục. Lúc còn học tiểu học, tôi thích chơi nhiều hơn thích học, những con cá rô cá cấn, chim giồng giộc chim sâu trông hấp dẫn hơn những bài địa dư sử ký, bị thầy bắt quỳ gai mít hoài mà vẫn chứng nào tật nấy. Tuy nhiên, bà nội tôi tin tưởng mãnh liệt vào câu học tài thi phận, vả lại chuyện thi cử là chuyện thiên kinh địa nghĩa nên cuối cùng mẹ tôi vắt cho tôi một mo cơm nắm, dúi vào tay tôi mấy đồng bạc để đi ‘xe điện’ – danh từ địa phương dùng để chỉ xe đò - xuống Hội An dự thí.

Chen lấn mãi mới đến gần được tấm bảng gỗ có dán danh sách thí sinh trúng tuyển, tôi dự định sẽ đọc cái danh sách từ dưới lên, chừng năm mươi hàng mà chưa thấy tên mình thì tốt hơn chui trở ra cho đỡ mất thì giờ. Ai dè mới đọc được có mấy hàng đã thấy tên mình. Tôi dụi mắt hai ba lần, đọc lại cho kỹ vẫn thấy tên mình còn sờ sờ ở đó bèn mừng rỡ mở một đường máu chui ra khỏi cái đám con nít đang xô đẩy nhau, chửi mắng nhau, la hét, cười khóc ồn ào như cái chợ nhỏ. Thằng bạn cùng làng cũng vừa mới thoát ra khỏi cái đám đông hỗn tạp, mặt mày tái mét, thở hổn hển hỏi tôi:




‘Bộ mày đậu rồi hay sao mà nhảy tưng tưng vậy?’
‘Đậu rồi. Còn mày?’
‘Tao đậu bình thứ. Còn mày?’
‘Tao không biết. Tên tao ở hàng thứ năm.’

Thằng bạn tròn mắt ngạc nhiên:
‘Thứ năm? Vậy là mày đậu ưu rồi.’

Hắn gãi đầu có vẻ suy nghĩ, nói tiếp:
‘Hồi nãy tao xem bảng kỹ lắm mà tại sao không thấy tên mày.’

Tôi bỏ mặc thằng bạn đứng ngẩn ngơ, đi bộ ra bến xe đón xe đò về nhà.

Việc tôi đậu vào đệ Thất trường công lập, dù đậu hạng bét, là một sự kiện đáng kể cho gia đình tôi, vốn gồm có bà Nội, Mẹ tôi, tôi và ba đứa em gái còn nhỏ xíu. Mấy năm về trước, sau khi đã chán công việc sản xuất và dưỡng dục nhi đồng, Ba tôi quay lưng lại người vợ đáng thương và bầy con nheo nhóc, bỏ đi giang hồ vặt, lâu lắm không nghe tin tức. Mẹ tôi ở lại một mình tảo tần buôn bán, nuôi nấng bầy con. Bây giờ thằng con lớn được vào trường tỉnh học, bà vừa mừng lại vừa lo bởi vì chỉ còn vài tuần nữa là thằng con phải đi xa trọ học.

Làng tôi cách thị xã Hội An -còn được gọi là Phố hay Faifo- khoảng gần ba chục cây số. Muốn đến thị xã, tôi phải đi bộ bốn năm cây số, băng qua chiếc cầu xe lửa dài ngoằng bắc ngang qua con sông Thu Bồn nuớc trong veo, rồi leo lên cái ‘xe điện’ duy nhất của tuyến đường Kỳ Lam-Hội An để kết thúc cuộc hành trình. Gần đến Vĩnh Điện, quận lỵ Điện Bàn, xe đi ngang qua tháp Chàm Bàng An, một di tích lịch sử. Ngôi tháp cổ xây bằng gạch nung, lâu ngày rêu phong bám đầy, đứng im lìm, sừng sững nhìn xuống con đường trải đá lầm bụi chạy dài từ quận lỵ về đến vùng núi non tiếp cận dãy Trường Sơn. Cây tháp chứng nhân của một triều đại đã suy tàn mà mỗi khi nhìn thấy đã gợi trong tôi những ấn tượng mạnh mẽ, những cái tên như Chế Mân, Chế Cũ, những Lý Thường Kiệt, Trần Khắc Chung, những câu chuyện huyền hoặc về những người dân của một quốc gia đã bị xoá tên.

Vậy là tôi bắt đầu cuộc đời trọ học từ lúc còn rất trẻ. Cứ mỗi vài tuần tôi lại đáp xe đò từ tỉnh lỵ về, băng qua chiếc cầu xe lửa bằng sắt, sải những bước chân nôn nao trên con đường đất khi thì nứt nẻ mấp mô, khi thì lầy lội trơn trợt, bỏ lại sau lưng những ruộng lúa nghèo nàn, những bãi dâu tươi tốt, rặng tre xào xạc, tiếng rầm rập của những máy dệt vải bằng gỗ, tiếng sè sè của những chiếc trục ươm tơ, lòng hớn hở khi nhìn thấy cái hàng rào quen thuộc có những bông hoa dâm bụt đỏ chói. Rồi có tiếng con chó Vàng sủa ăng ẳng mừng rỡ, tiếng mấy đứa em kêu réo om sòm ‘Mẹ ơi anh Hai về’, rồi bà Nội đứng ở ngưỡng cửa đưa bàn tay nhăn nheo có dính những vệt vôi ăn trầu lên xoa đầu đứa cháu nhỏ hỏi han ‘Con đi đường xa có mệt không’, rồi Mẹ đôi má ửng hồng bên ánh lửa rơm nhìn tôi mỉm cười dịu dàng ‘Mẹ biết thế mô con cũng về bữa ni, cái con mắt trái hắn giựt giựt hồi sáng tới chừ’.

Rồi trong bữa ăn tối thế nào cũng có hoặc là nồi canh cá diếc nấu rau răm, hoặc là ‘trã’ cá đồng kho khô, những món ăn mà tôi ưa thích. Dưới ánh đèn dầu, gia đình tôi quây quần vui vẻ bên nồi cơm độn bắp bốc khói, nói chuyện không ngừng. Mấy đứa em tôi hỏi tôi hàng trăm lần về những chiếc ‘xe điện’, xe ‘bình bịch’ mà họa hoằn lắm chúng mới có dịp thấy, những con khỉ đá, chó đá ở chùa Cầu, những đoàn hát bội nổi tiếng chúng chưa bao giờ được xem. Mẹ tôi bận rộn suốt buổi cơm, la đứa này, nạt đứa kia ‘Con gái chi mà cái miệng xon xỏn’, hỏi tôi về chuyện học hành, ăn ở ‘Họ có cho con ăn uống đàng hoàng không? Tối mi ngủ có treo mùng không hay là cứ làm biếng ngủ trần để muỗi cắn mi chết.’ Tôi biết Mẹ đang vui bởi vì tôi và mấy em tôi cũng đang vui. Thỉnh thoảng tôi bắt gặp trong mắt Mẹ long lanh một nụ cười lặng lẽ hiếm hoi kể từ khi bà phải một mình gồng gánh gia đình trong đơn chiếc, từ khi ‘Vai xuân thì bánh mật ngã màu đen’ (1) bởi cái gánh hàng nặng trĩu bà mang đi mang về hàng vài mươi cây số mỗi ngày để kiếm tiền nuôi nấng bầy con. Rồi hôm sau tôi lại quay về tỉnh lỵ nơi có căn nhà nhỏ mà tôi và những thằng bạn đồng cảnh ngộ đang ở trọ.

Trường có sáu lớp đệ thất thì hết năm lớp dành cho học sinh với ngoại ngữ chính là Pháp văn. Tôi được đưa vào đệ thất 3, ngồi ngay sau lưng đám học trò con gái. Học trò nhà quê lên tỉnh học dễ bị ăn hiếp. Chỉ cần nhìn cái mặt ngơ ngáo, quần áo lôi thôi, đôi dép râu thô kệch để lòi đôi bàn chân sứt sẹo vì lội ruộng bắp, đánh banh bòng banh bưởi là biết ngay. Trong lớp tôi có mấy đứa chuyên môn đi bắt nạt mà đứng đầu là thằng Bạo. Thằng này tên giống như người, mặt mày bặm trợn, lỗ mũi lúc nào cũng đỏ bóng như trái cà chua. Nó thích bắt nạt tôi, chẳng biết vì lý do nào. Nạn nhân kế tiếp phải kể đến Phạm Dó. Thằng này đáng lẽ tên Phải Gió hay Trúng Gió thì mới phù hợp với câu tên sao người vậy. Phạm Dó người nhỏ xíu, ốm tong ốm teo, nhà ở bên kia sông, nơi gọi là Cẩm Giàng Cẩm Phả gì đó. Tôi đã nghèo mà thằng này còn nghèo hơn, đi học mang đôi dép làm bằng mo cau kéo lệt xệt dọc hành lang nghe muốn điếc con ráy. Mỗi lần thấy đám thằng Bạo là mặt mày nó tái mét, tay chân giật đùng đùng như mắc phong, mắt lác xệch đi, ngay cả thằng Bạo trông thấy cũng phát ớn, bỏ đi tìm tôi hay Vĩnh Hoành để trêu ghẹo. Vĩnh Hoành dòng dõi hoàng tộc, vai vế ngang hàng với công dân Vĩnh Thụy, vị hoàng đế cuối cùng của triều Nguyễn. Đám thằng Bạo tước đoạt của thằng này khá nhiều tư trang vật dụng, ngay cả cây viết ‘pilot’ mới toanh cũng đổi chủ ngay từ lúc Vĩnh Hoành mang tới trường lần đầu. Tôi vốn nhát gan, thấy đám cô hồn là lo kiếm đường dông trước, vậy mà cũng không thoát tay tụi nó. Có lần thằng Bạo làm quá, đẩy tôi té dập đầu vào vách tường thiếu điều long óc. Tôi giận quá quên cả sợ, vác chiếc ghế dựa của ông thầy rượt nó chạy lòng vòng cái hành lang dài ngoằng của sáu lớp đệ thất. Sau lần đó, tôi có biệt danh là ‘Trừ… Bạo’, và không còn bị ăn hiếp nữa.

Giáo sư Việt văn kiêm hướng dẫn lớp đệ thất 3 là thầy Kham, Tôn Thất Kham. Theo chỗ tôi biết, thầy là người nhạy cảm và rất thương học trò. Vài tháng sau khi trường khai giảng, vùng tôi ở bị mấy cơn lụt lội, hoa màu bị tàn phá, chợ búa đóng cửa cả tháng. Mẹ tôi không đi buôn bán được, thiếu tiền trả tiền trọ học cho tôi. Tôi nhờ người quen giới thiệu đến một lò bánh mì dưới phố để xin lãnh bánh mì đi bán buổi tối phụ với Mẹ trả tiền cho chủ trọ. Mỗi đêm tôi hăng hái vác cái bao tải chứa những ổ bánh mì thơm tho nóng hổi đi vào các khu xóm rao bán. Có lần tôi đang ngoác miệng rao inh ỏi ‘Bánh mì nóng dòn đây’ bỗng có tiếng ai nghe quen quen gọi lại hỏi mua. Đến gần, tôi nhận ra thầy Kham. Thầy trò nhìn nhau ngỡ ngàng. Hình như mắt thầy hơi ươn ướt. Cuối cùng thầy dành mua hết những ổ bánh mì còn lại của buổi tối. Tôi còn nhỏ, đầu óc khờ khạo nhưng cũng biết là thầy muốn giúp mình, chứ thầy cũng ở trọ đi dạy học làm gì mà một mình có thể ăn hết chừng ấy bánh mì trong một vài hôm. Từ đó thầy có vẻ quan tâm đến tôi một cách đặc biệt, và đáp lại, tôi cũng chịu khó học hành đàng hoàng trong giờ Việt văn.

Chiếc bàn học dành cho học trò con gái phía trước tôi có đến hai chị lớn ngồi. Chị lớn là danh từ chung lũ học trò con trai dùng để gọi những nữ học sinh lớn tuổi mà không biết vì lý do nào lại được sắp vào cái lớp con nít này. Chị Bích Ngọc và chị Thuận là hai nhân vật ưa thích của tôi. Hai chị đều lớn hơn tụi tôi năm, sáu tuổi, vào khoảng mười sáu hay mười bảy gì đó trong khi đám còn lại cả trai lẫn gái mới có mười một, mười hai tuổi. Chị Bích Ngọc tóc dài, chị Thuận tóc quăn, hai người đều… dễ thương. Tôi biết được điều đó qua miệng mấy anh lớn học trên đệ nhị cấp hay lảng vảng ngoài hành lang nhìn vào. Riêng tôi và mấy thằng quỷ sứ ngồi cùng bàn đồng ý là mấy chị rất tốt bụng. Trong giờ học, thay vì… thả hồn ra cửa sổ, chúng tôi để hết tinh thần vào việc chọc phá mấy chị lớn, từ việc cột mấy vạt áo dài lại với nhau cho đến việc dán những tờ giấy vẽ hình nhăng nhít vào tóc vào áo của mấy chị, chúng tôi đều thực hiện với một lương tâm chức nghiệp rất cao. Kết quả vô cùng vẻ vang. Hai chị dắt chúng tôi ra cái quán nước nhỏ xíu của vợ chồng bác gác trường, mua cho chúng tôi kẹo mè xửng và kẹo ‘nougat’ sau khi bắt chúng tôi long trọng thề thốt sẽ không bao giờ tái diễn những hoạt động có tính cách phản nghệ thuật như vậy nữa.

Niên học đầu tiên rồi cũng qua đi, đánh dấu bởi những chuyến đi cắm trại ở Cửa Đại, ở đó chúng tôi đốt lửa trại thi đua văn nghệ. Cũng trong niên học này, tôi quen biết Thước, người bạn cùng lớp mới mười hai tuổi đã biết làm thơ, biết đọc Ngàn Khơi và Tiểu Thuyết Thứ Bảy, nhũng tạp chí văn chương dành cho người lớn. Rồi những lần theo Phạm Dó qua bên kia sông thăm gia đình hắn, cái gia đình nghèo rách mùng tơi mà vô cùng hiếu khách. Rồi những trò đùa nghịch ngợm, độc ác một cách vô tội của tuổi thơ, những con sâu đo gớm ghiếc làm lũ học trò con gái khóc thét, cuống cuồng sợ hãi. Rồi những buổi tối lang thang dọc bờ sông Phố, nơi có cái rạp chiếu bóng duy nhất của thị xã, để xem nguời lớn câu cá hanh bằng những cây cần trúc dài ngoằng. Và khi những chùm hoa phuợng rực rỡ nở ra trên những tàn cây xanh ngắt trong sân trường, chúng tôi tặng nhau lưu bút, hẹn sẽ gặp lại vào mùa Thu tới.

Thầy Kham không còn là thầy hướng dẫn của chúng tôi. Thầy ở lại với đám học trò mới của lớp đệ thất 3. Giáo sư Việt văn kiêm hướng dẫn của đệ lục 3 là đàn bà, đàn bà đẹp. Cô giáo tên Tố Quyên, nguời Bắc. Lúc thầy giám thị đưa cô vào để giới thiệu cho cả lớp, đám học trò con trai đứa nào đứa nấy im thin thít, trống ngực đập còn hơn trống làng. Bởi vì cô trẻ quá, đẹp quá, giọng Bắc Kỳ êm quá, và trông cô… dễ thương quá. Sau buổi học đầu tiên, thằng Thước, thi sĩ nhi đồng, về nhà làm ngay mười mấy bài thơ tình ướt át gọi gió than mây.

Vào giữa niên học, cô Tố Quyên cho chúng tôi bình giảng truyện ngắn Vàng Tháp Hời của Vũ Hạnh. Đã hơn ba mươi năm, những chi tiết của câu chuyện tôi không còn nhớ nữa, chỉ nhớ đại khái là có hai anh em nhà kia rủ nhau đi tìm vàng trong một ngôi tháp cổ của dân tộc Chiêm Thành, cuối cùng vì một trong hai người nghe lời xúi dục của ngoại nhân mà gây nên cảnh huynh đệ tuơng tàn. Vào thời điểm đó, đối với tôi câu chuyện chỉ có tính cách ngụ ngôn kiểu tục ngữ ‘Một giọt máu đào hơn ao nước lã’ hoặc Quốc Văn Giáo Khoa Thư ‘Bó Đũa’. Sau này biết ra Vũ Hạnh đã hoạt động cho phía bên kia, tôi thấy tội nghiệp cho ông ta vì chính truyện ngắn này đã có thể dùng để chỉ trích, phê phán cái chế độ mà ông ta đã chọn lựa để phục vụ. Riêng cô Tố Quyên, tôi có thể đoan chắc mục đích của cô là thuần túy văn học, và một trong những mục tiêu của cô là giúp chúng tôi định nghĩa và phân tích hai chữ hy vọng.

‘Hy vọng luôn luôn hướng về tương lai’, cô Tố Quyên giải thích, ‘hai anh em trong bài viết này hy vọng rằng họ sẽ tìm được kho vàng chôn giấu trong cái tháp Chàm cổ kính’. Tôi đưa tay lên phản đối. ‘Hy vọng không nhất thiết phải hướng về tương lai! Trước khi đi tìm vàng, hai người hy vọng đã có một kho tàng trong cái tháp Hời. Có vàng hay không có vàng trong cái tháp Hời là chuyện quá khứ. Do đó, trong trường hợp này, hy vọng đã hướng về quá khứ’. Đám học trò con trai, ngoại trừ thằng Thước, vỗ tay tán thành ầm ĩ. Hơi ngạc nhiên về cái lý luận… bá láp của tôi, cô Tố Quyên bắt cả lớp im lặng rồi giải thích rằng có vàng trong tháp Hời, đối với hai anh em trong câu chuyện là một niềm tin, không phải hy vọng. Với lối lý luận cù nhầy, lũ chúng tôi vẫn khăng khăng cho rằng hy vọng có tính cách… hai chiều, không phải một chiều như cô khẳng định. Không còn ‘hy vọng’ thuyết phục chúng tôi, cô Tố Quyên trong lúc ‘tuyệt vọng’ bèn… khóc. Sau này, trong cuộc đời ba chìm bảy nổi của mình, tôi cũng đã có dịp chứng kiến đàn bà khóc, có khi vì tôi, có khi vì tình địch của tôi, có khi vì một lý do nào khác, cũng có khi không vì một lý do nào hết. Nói chung đàn bà trông đẹp và dễ thương hơn khi họ khóc, nhưng tôi chưa thấy ai khóc… đẹp bằng cô Tố Quyên. Lúc đó bao nhiêu hùng tâm tráng chí của lũ chúng tôi xẹp xuống như bánh xe đạp cán đinh, nếu cô có bảo hy vọng nằm ở… hướng Tây chúng tôi cũng chịu nữa. Nhưng đã trễ. Cô khóc, rồi bỏ đi. Bỗng dưng tôi trở thành tên tội phạm hàng đầu. Đám học trò con gái nhìn tôi với những cặp mắt giận dữ. Thằng Thước từ mãi dưới cuối lớp chạy lên đòi ăn thua đủ với tôi, ngay những đứa mới cách đây mấy phút đã mạnh mẽ ủng hộ lập luận ‘hy vọng hai chiều’ cũng quay ra đả kích tôi dữ dội. Phần thì băn khoăn không biết rồi cô Tố Quyên có còn trở lại dạy chúng tôi nữa hay không, phần thì lo lắng vì bỗng dưng trở thành chính danh hung thủ, tôi buồn bã ngồi tẩn mẩn cột tóc của hai chị lớn ngồi bàn trên lại với nhau.

Cuối cùng rồi cô Tố Quyên cũng trở về, với một đạo binh. Cho đến giây phút đó, và ngay cả sau này trong cuộc đời đi học của mình, chưa bao giờ chúng tôi được chứng kiến một cuộc phô trương lực lượng quy mô như vậy. Ngoại trừ thầy Hiệu Trưởng, từ thầy Hiệu Phó, thầy Tổng Giám Thị, cho đến các thầy đang dạy lớp chúng tôi, và ngay cả các thầy dạy các lớp đệ nhị cấp, đều hiện diện. Lũ học trò nhìn nhau, mặt cắt không còn hạt máu. Trước mặt chúng tôi là cái tập hợp chọn lọc của ngành giáo dục quốc gia, lò đào tạo nhân tài và niềm kiêu hãnh của tỉnh Quảng Nam, người nào người nấy trông đằng đằng sát khí. Các thầy lần lượt lên phát biểu, nói cho đúng hơn, sỉ vả chúng tôi. Cô Tố Quyên là người phát biểu sau cùng. Cô không sỉ vả chúng tôi, cô chỉ nói nhẹ nhàng, ‘Cô hy vọng rằng từ nay về sau các em sẽ thảo luận các nghi vấn với cô một cách nghiêm chỉnh hơn’. Chúng tôi đều ghi nhận cái tín hiệu cô gởi, từ nay về sau, future tense, thì tương lai, hy vọng chỉ hướng về tương lai!

Cái biến cố đáng ghi nhớ đó rồi cũng qua đi, năm học thứ hai ở ngôi trường tỉnh lỵ rồi cũng qua đi. Trong những năm tháng còn lại ở phố Hội, tôi có thêm nhiều bạn bè, nhiều kỷ niệm. Vào mùa lũ lụt, tôi thường ra bờ sông để xem người ta kéo vó. Đôi khi tôi theo chủ nhà trọ xuống biển Cửa Đại, cái bãi biển hoang vắng với rừng phi lao xanh ngắt, để câu cá hồng cá hanh. Thỉnh thoảng tôi lại đạp xe qua chùa Cầu, chiếc xe nhảy lộc cộc trên những thanh gỗ lót đường. Hoặc ra xóm Mới -bây giờ chắc đã cũ lắm rồi- với những con đường lầm cát, nơi có nhà thằng Thước. Hắn vẫn chưa chịu cho tôi xem mấy bài thơ hắn làm cho cô Tố Quyên.

Năm thứ ba ở truờng Trần Quý Cáp đánh dấu những biến động lịch sử mà cái tuổi non nớt của tôi không đủ kiến thức để nhận định. Cuộc đảo chánh tháng mười một năm sáu mươi ba đối với tôi là cơ hội để được nghỉ học đi biểu tình, đón nguời hùng cách mạng Tôn Thất Đính, và những điều tuơng tự. Cũng trong thời gian đó, làng tôi càng ngày càng trở nên mất an ninh. Đã có những cuộc ám sát, khủng bố thực hiện bởi phía bên kia, những cuộc hành quân lùng sục của phía bên này. Đã có những lần về thăm nhà. giữa đêm khuya tôi giật mình thức giấc bởi tiếng đạn tầm xa gầm rú bay ngang qua nóc nhà hoặc tiếng súng vang rền từ phía bên kia sông.

Cơn lụt khủng khiếp năm sáu mươi bốn đẩy tôi lìa xa vĩnh viễn ngôi trường tỉnh lỵ. Nhà chúng tôi đã sập bởi cơn bão mấy tháng trước đó, những cây cột tre tạm bợ không chịu nổi giòng nước lũ, lại một lần nữa tan tành trong cơn Hồng Thủy. Cơn lụt vô tiền khoáng hậu kéo đến từ những dãy núi xa bên kia sông Cái, cày xới những sườn đồi, bật tung cây cối, ào ạt tràn xuống khu đồng bằng nghèo nàn của miền Trung, cuốn đi những bãi dâu xanh, những nong tầm vàng óng, những mái nhà tranh, những căn nhà ngói, những vườn cây trái, những mạng người. Cũng may là gia đình tôi đều được an toàn. Trong những ngày tháng kế tiếp, gia đình tôi sống qua ngày bằng lu bắp khô còn sót lại, những hạt bắp khô cứng, nhạt nhẽo cày xới cuống họng của bầy con đói khát và trái tim người mẹ đơn chiếc. Mẹ tôi quyết định đưa chúng tôi vào miền Nam tìm kế sinh nhai.

Chia tay với cái thành phố càng ngày càng trở nên quen thuộc không phải là chuyện dễ dàng. Tôi luyến tiếc nhìn hàng phượng vĩ với những chùm hoa đỏ nở muộn, những con sâu đo gớm ghiếc, cái quán nuớc nghèo nàn của bác gác trường. Tôi còn nhớ cái mùi khăm khẳm đặc biệt của những con ruốc làm mắm phơi trên những vỉ tre dọc lề đuờng, tô bún bò Huế có miếng thịt đùi thơm tho, những cây ‘sê-ri’ với chùm trái chín mọng trồng dọc con đuờng khu tôi ở trọ. Tôi còn nhớ mối tình con nít vụng dại với đứa em gái của thằng bạn cùng lớp, lá thư viết hai tháng chưa dám gởi đi, nụ hôn đầu tiên trên môi đứa con gái mười ba tuổi bởi thằng con trai mười bốn tuổi suớng tê người.

Rất lâu sau này tôi có một lần về thăm chốn cũ. Cái thành phố ngày xưa bỗng như nhỏ lại. Cỡi chiếc xe gắn máy mượn của đứa cháu, tôi dừng lại trước cổng trường. Những cây phượng ngày xưa vẫn còn đó, cằn cỗi hơn, thiếu vắng những chùm hoa rực rỡ. Có lẽ vì trái mùa, mà cũng có lẽ vì ‘nhân khứ tận’. Đám bạn học ngày xưa cũng đã tản lạc phương nào, những cái tên của dĩ vãng, thầy Hoàng Trung, thầy Kham, cô Tố Quyên, thằng Bạo, Phạm Dó, Vĩnh Hoành, Huỳnh Bá Thước, Tường Vi,… bỗng dưng nghe buồn như thơ Vũ Đình Liên. Cuộc viếng thăm Hội An của tôi rất ngắn ngủi. Trên đường về thăm làng cũ, tôi có dịp thấy lại ngôi tháp Chàm Bàng An. Vẫn sừng sững, vẫn rêu phong, nhưng cái âm u, bí ẩn đã không còn. Chỉ còn là một nhân chứng u sầu với tiếng thở dài phiền muộn mỗi khi ngọn gió đồng thổi qua đỉnh tháp dột nát.

Bây giờ là sáu giờ sáng. Tôi có thói quen dậy sớm, ngồi một mình ở chiếc bàn ăn nhỏ. Truớc mặt tôi là ly cà phê nóng với cái hương vị lai căng -cà phê bột của Mỹ và sữa đặc có đường hiệu Ông Thọ- và điếu thuốc lá đầu ngày. Có lần tôi đọc một truyện ngắn, hình như của Võ Phiến, về ngọn đèn vàng ở một góc cầu thang nào đó đã nhắc nhở tác giả về ánh đèn vàng ở một nơi chốn khác trong quá khứ. Ngọn đèn đã như chiếc chìa khóa thần diệu mở ra một ngăn kéo của ký ức, ở đó tác giả tìm thấy lại hình ảnh của nguời tình chìm khuất. Còn tôi? Chìa khóa nào đã mở ra cho tôi tuổi hoa niên, ngôi tháp Chàm đổ nát, mái trường thân yêu, những cái tên đã tưởng không bao giờ còn nhớ nỗi, nụ hôn đầu sướng tê người, chùm hoa phượng đỏ rực, và những con sâu đo gớm ghiếc? Tôi không biết. Tôi chỉ biết cám ơn cái quyền lực huyền nhiệm nào đó đã cho tôi khả năng sống lại những kỷ niệm xa xưa.

Tôi mong một ngày nào đó được gặp lại Thước để xin hắn tập thơ hắn làm cho cô Tố Quyên vào năm mười hai tuổi, nếu hắn còn sống và còn giữ tập thơ. Tôi cũng rất mong gặp lại cô Tố Quyên để hỏi cô một lần nữa ‘Phải chăng hy vọng chỉ hướng về tương lai?’ Nếu phải thì buồn quá, bởi vì chẳng lẽ những ngăn kéo ký ức tôi mở ra cùng với ly cà phê lai căng và điếu thuốc lá đầu ngày chỉ chứa có mỗi một niềm tuyệt vọng thôi sao?

Phùng Nguyễn
Tháng 12/94 
Nguồn: Da Màu