TRỜI
ĐẤT
TRONG CA DAO
TRONG CA DAO
T r ầ n H u i ề n
 n
Ảnh
PCH - Scibilia 2015
2.
NHÌN LÊN TRỜI
Hình ảnh “Trời” tự ngày xưa:
Mỗi con người, đố ai nhớ được lần đầu
tiên nhìn thấy trời vào lúc nào. Hẳn là khi ấy còn quá bé nhỏ, không hình dung
được cái khoảng xanh vô tận trong tầm mắt ấu nhi và chưa hình thành một ý niệm
gì trong bộ óc non nớt.
Cũng không thể nào nhớ được lần đầu tiên
nghe người lớn nói và nghĩ theo đó là trời tròn. Vâng, trời tròn thật, đỉnh cao
nhất ngay trên đầu ta, rồi thật đều đặn, từ từ hạ xuống thấp dần, đến khi gặp
ruộng đồng, núi non, biển đảo hay làng xóm, đó là chân trời. Thế nhưng chân trời tưởng là thật mà không thật, ta hăng
hái đi đến nghĩ rằng chân trời liền với mặt đất, sẽ chống tay hay dựa lưng lên
cái màu xanh ấy thanh thản nghỉ ngơi, tiếc rằng chân trời cứ lui lại và lui
mãi.
Còn cái màu xanh gọi là da trời có thật hay không? Có khi nó
được đồng hóa với mây để được gọi là mây xanh. Tận trên mây xanh là chỗ tột
cùng. Mây xanh bao bọc lấy mây trắng, mây vàng, làm bức nền khổng lồ cho mây
trắng mây vàng tạo nên bức tranh mỹ thuật:
Trên trời có đám mây xanh
Chính giữa mây trắng, chung quanh mây
vàng…
Phía
trong da trời, chín từng mây phủ, là thiên đường chăng? Ít nhất cũng là đất
hứa, là ước mơ cho những sĩ từ mười năm đèn sách làm con cá quyết vượt vũ môn
thành rồng:
Một
mai con cá hóa long
Chín
từng mây phủ nằm trong da trời.
Trời và đất cách nhau một khoảng xa, cái
vùng trống không ấy là lưng trời.
Trong tầm mắt con người thì đó là nơi những cánh chim bay lượn, những con diều
vẫy vùng theo gió ngân nga tiếng sáo.
Và quan trọng hơn cả, chỉ trừ ban đêm và
những lúc mưa dầm gió bấc, ta luôn luôn nhìn thấy mặt trời. Thật ra chỉ trừ ban đêm còn lúc mưa dầm gió bấc có khi
vẫn nhận ra mặt trời, chỗ ấy quang hơn chung quanh. Mà nếu không nhận ra thì
ánh sáng dàn trải khắp nơi đủ chứng tỏ sự hiện diện của mặt trời.
Người xưa cho rằng mặt đất, nơi ta sống,
đứng nguyên một chỗ. Mặt trời bắt đầu lên từ hướng đông, ấy là lúc mặt trời mọc, buổi trưa ở trên đỉnh là
lúc mặt trời đứng bóng, mặt trời đi dần về phương tây rồi chìm khuất là mặt trời lặn. Giữa lúc mặt trời mọc và
mặt trời đứng bóng là nửa buổi, giữa
lúc mặt trời đứng bóng và mặt trời lặn là xế.
Chuyện xưa kể lại… Hồi đó có đến 10 mặt
trời, cõi nhân gian suốt ngày nóng như lửa thiêu không sống nổi, mới rước một
nhà thiện xạ đến, ông ta bắn rơi được 9 mặt trời, mặt trời thứ 10 sợ quá trốn
biệt, bây giờ cõi nhân gian là một đêm dài u tối. Nhà vua (?) hỏi ý kiến hết
thảy sinh linh, được biết chỉ có gà trống mới có thể gọi mặt trời trở lại,
nhưng mặt trời trốn bên kia biển, mà gà trống không biết bơi. Vịt biết bơi thì
vịt đang ấp trứng. Nhà vua liền nhờ gà mái ấp trứng thay vịt, vịt chở gà trống
qua biển gọi mặt trời. Từ đó có giao hẹn, khi gần hết đêm gà trống gáy 3 lần,
lần thứ nhất nhắc nhở mặt trời chuẩn bị,
lần thứ hai lên đường và lần thứ ba vừa sáng, mặt trời hiện diện. Để ban thưởng
công lao của vịt, nhà vua ban cho một khăn choàng cố, vịt quấn vào, thích quá,
vừa chạy vừa reo “đẹp…đẹp… đẹp…” và quên mất chuyện ấp trứng. Do đó gà mái lại
tiếp tục ấp trứng và xảy ra cảnh “mẹ gà con vịt”.
Ban đêm, nhìn lên trời, nếu trăng tỏ sẽ
thấy mặt trăng, những đám mây và vô
số những ngôi sao. Mặt trăng khác với
mặt trời ở chỗ ánh sáng có màu vàng nhạt, nhẹ nhàng, mát mẻ. Về hình dáng,
trong chu kỳ một tháng mặt trăng trải qua nhiều thay đổi, nào trăng non, trăng lưỡi liềm, trăng tròn, trăng khuyết. Đêm trăng mờ hay không
trăng thấy nhiều sao hơn, và có những đêm trời đất hoàn toàn tối tăm.
Trăng
kia chớ tưởng mình cao
Ba
mươi mồng một trăng nào thấy đâu
Những
ngôi sao, tùy theo mùa, có khi là dải ngân hà vắt ngang qua nền trời, sao bò
cạp, sao vịt, có sao giữ nguyên vị trí như sao bắc đẩu trong chòm tiểu hùng
tinh bên cạnh chòm đại hùng là sao bánh lái. Sao bắc đẩu cho ta định vị hướng
bắc hay sao nam tào cho ta định vị hướng nam.
Trên trời có vịt có công
Có
sao bánh lái có sông ngân hà…
...
Có
hôm rồi lại có mai
Kìa
ông sao vượt chờ ai giữa trời?
Đó chỉ là những gì khi nhìn lên trời ta
thấy được bằng mắt. Về phương diện siêu hình, bằng tâm linh con người hiểu rằng
trời là một đấng quyền uy tối thượng.
Quyền uy và đức độ của trời
Đúng như lời mời gọi có phần thách đố của
ông Lê Văn Siêu, không ai vẽ được chân dung trời. Mặt trời không phải là mặt
của ông trời, chân trời, lưng trời không phải là chân, lưng của ông trời. Gọi
ông trời bằng các danh hiệu ngọc hoàng, thượng đế, là chuyện của văn chương chữ
nghĩa, ông trời đội mũ mang hia, thiết triều, có bá quan văn võ chầu hầu, là
chuyện của sân khấu, hát tuồng, cải lương, ca kịch, của các vở tấu hài, không
có trong tâm thức dân gian. Đối với người phàm ông trời không có dung nhan,
không có cả một hình tượng ảo, nhưng là bậc quyền uy vô hạn, sáng suốt, đức độ
và rất gần gũi với những kẻ nghèo khó,
khốn cùng.
Trời bất tử, sống lâu, sống mãi, nên cũng
có lúc bị người nào đó bất mãn một chuyện riêng tư thành bất kính, gọi là trời
già. Cũng có người tuy chẳng phải bất kính nhưng xét theo công việc y như một
công nhân theo khuôn mẫu đúc ra vật này vật nọ, gọi là hóa công, tạo hóa, thợ
tạo, thậm chí mấy ông nhà nho còn gọi là trẻ tạo hóa hoặc là con tạo! Con tạo?
(Không phải thằng tạo). Vậy trời thuộc loại “lưỡng tính”. Hóa ra các bậc cõi
trên là thế. Quan Thế Âm Bồ Tát là một “thiện nam tử” mượn sự tướng của thế đạo
để dẫn dắt nhân gian hướng thượng quay về chánh đạo.
Tác giả Lục súc tranh công viết:
Trời
hóa sinh muôn vật
Đất
dong dưỡng mọi loài (4)
Ta thường nghe lời an ủi: “Trời sinh voi,
trời sinh cỏ”. Hoặc ít nhất cũng là: “Cha mẹ sinh con, trời sinh tính”. Những
người phải trải qua cơn khổ sở ngặt nghèo, rồi có khi: “Trời thương khiến cho
được giỏi giang, làm ăn no đủ”. Đôi bạn xa cách, mỗi người một phương, gặp
nhau, yêu thương, xây dựng một gia đình hạnh phúc, ấy là nhờ duyên trời. Đến
khi mãn kiếp làm người thì trời kêu. Có thể người trẻ đi trước người già, người
mạnh khỏe đi trước người ốm yếu, bởi tại số mạng trời định: “Trời kêu ai nấy
dạ!”
Trời nắm giữ kỷ cương cả vũ trụ, có lưới
trời lồng lộng, không cho kẻ gian manh nào lọt tội, dẫu cho biết được đường
trời để chạy cũng không thoát nổi. Tùy mức độ phạm pháp trời xử phạt, trời đày,
trời hành, trời hại, nặng nữa thì trời đánh, quá nặng thì phạt đến quả báo kiếp
sau. Phụ tá cho trời có Bắc Đẩu, Nam Tào, Thiên Lôi. Theo nhà nghiên cứu Nguyễn
Tử Quang miêu tả cảnh hai ông đang ngồi đánh cờ thì : Bắc Đẩu ngồi quay mặt về nam, mặc áo trắng, dung mạo dữ tợn, giữ
việc ghi sổ tử, Nam Tào ngồi quay mặt về bắc, mặc áo hồng, dung mạo rất đẹp,
giữ việc ghi sổ sinh. Dư luận đàm tiếu rằng hai ông có ít nhất một lần nhận hối
lộ sửa đổi sổ sinh sổ tử. (5). Thiên Lôi rất nổi tiếng trong dân
gian, không ai không nghe danh, đó là là người thi hành án, tuyệt đối phục tùng mệnh lệnh, trời chỉ đâu đánh
đó. Ông này tính khí nóng nảy, đôi khi làm việc không đến nơi đến chốn. Gặp đứa
tráo trở quá, gian manh quá, nó lừa cho ông đánh hụt để trời mang tiếng và nó
thành ra “thứ trời đánh trật búa, đồ trời đánh không chết”.
Ngẫm nghĩ thấy làm trời không dễ. Quyền
uy lớn thì trách nhiệm lớn. Trời có mắt sáng suốt, nhìn xa trông rộng. Trời còn
có ngọn đèn để soi xét khắp nơi, trời không binh ai, không bỏ ai.
Trời
còn phải gần dân và có tấm lòng nhân hậu bao dung. Cửa nhà quan sâu như biển,
lính canh lớp lớp từ ngoài vào trong, đã khó vào mà vào rồi khó ra. Hầu môn nhất nhập thâm như hải nhớ nhau
lắm cũng chỉ như ông Vũ Hoàng Chương nghiêng
chân rốn biển mà xem lửa bùng. Cửa nhà trời không thế, giống như cửa chùa
(ngày xưa) rộng mở, đến lũ trẻ con có thể dắt nhau:
Dung
dăng dung dẻ
Dắt
trẻ đi chơi
Đến
cửa nhà trời…
Lòng
nhân hậu của trời thấy rõ khi có kẻ gọi trời là thợ tạo, trẻ tạo… trời chẳng
chấp nê gì. Khi sử dụng hình phạt thì trời đánh tránh bữa ăn, Thiên Lôi không
được thi hành án khi phạm nhân đang ăn. Nghe nói hồi xưa có người bị tội tìm
cách lách luật, thấy ông Thiên Lôi xuống là bưng chén cơm lên ăn, ngồi nhơi
nhơi mãi. Thiên Lôi chờ không được, bỏ về, sau lại xuống, thấy phạm nhân vẫn
ăn. Năm lầm bảy lượt như vậy, Thiên Lôi mỏi mệt, lặng lẽ… cho qua, mới có việc
trời đánh hụt.
Những
ai có lỗi mà biết phục thiện, lo tu tỉnh thì sau một thời gian trời ngó lại, có
khi xóa án cho. Những ai đói rách lang thang, đêm nằm trên chiếu đất nơi đồng
không mông quạnh, thì trời cũng đâu có hẹp hòi, dù thật cao xa, vẫn đưa màn
trời cho đắp tạm.
Trời
rất giàu có. Của trời là kho vô tận. Trời cho ai thì người ấy hưởng. Có khi do
tu nhân tích đức mà được, có khi tự nhiên thấy thích thì trời cho, có khi phải
van xin. Người ta tin tưởng trời không phụ kẻ có nhân, trời không đóng cửa ai.
Một vài trường hợp trời có biểu lộ hơi… nhỏ nhen một chút. Cho rồi lấy lại,
chẳng ai dám cãi, dám chống:
Của
trời trời lại lấy đi
Giương
đôi mắt ếch làm chi được trời! (6)
Trời
cũng biết hưởng thụ chứ! Đâu chỉ “Trời
đất hương hoa, người ta cơm rượu”.
Lệ tế ở đền Xã đền Tắc phải là vua đứng tế và phải dâng đủ tam sinh. Làm trời
khó quá, đồng thời sướng quá. Thiên hạ vẫn nói: “Sướng như trời”. Trời sướng
thì con trời cũng sướng: “Sướng như ông trời con”.
Những hiện tượng thiên nhiên
Trời sinh ra thời tiết bốn mùa ấm lạnh,
sinh ra nắng mưa sương gió, tạo thành những vùng khí hậu khác nhau. Con người
và vạn vật nương theo đó mà định cư hay di trú, bố trí cuộc sống tạo thành nếp
bình ổn. Con người mong sao nắng mưa gió vừa phải để thuận tiện việc cấy cày:
Ơn
trời mưa nắng phải thì
Nơi
thì bừa cạn nơi thì cày sâu
Công
lênh chăng quản bao lâu
Ngày nay nước bạc ngày sau cơm vàng
Hay
ít nhất cũng được thảnh thơi thoải mái:
Lạy
trời đừng nắng đừng mưa
Râm
râm gió mát cho vừa lòng tôi
Gió thuận mưa hòa cũng là thời điểm trời
ngó lại với kẻ sa cơ lạc bước:
Phượng
hoàng đậu chốn cheo leo
Sa
cơ thất thế phải theo đàn gà
Bao
giờ gió thuận mưa hòa
Thay lông đổi cánh lại ra phượng hoàng
Tuy
biết rằng nắng mưa cũng đem lại không ít vất vả gian lao:
Nắng
mưa sương tuyết bấy chầy
Cho
đau lòng cuốc cho gầy mình ve
...
Thương
anh dãi nắng dầu mưa
Hết
khơi ruộng thấp cày bừa ruộng cao
Người ta chấp nhận đó là sự đương nhiên
của lòng trời cũng như lòng người:
Mai
mưa trưa nắng chiều nồm
Trời
còn luân chuyển huống mồm thế gian
Những
hiện tượng này xảy ra trên bầu trời và cả trên mặt đất, mặt biển, tùy mức độ
gia tăng đã tạo ra hạn hán, lũ lụt, sấm chớp, sóng thần, dông bão, động đất…
con người gọi là thiên tai. Trước các cơn cuồng nộ của trời vạn vật từ con
người đến các loài động vật lớn nhỏ, những cây cổ thụ, những cộng cỏ non thảy
thảy đều kinh hãi, run sợ, khép nép, đau khổ và chết chóc.
Nhiều khi núi non sạt lở, sông suối đổi dòng,
cửa biển lấp chỗ này xé chỗ kia. Sách vở gọi đó là những cuộc tang thương
(ruộng dâu biến thành biển xanh và ngược lại). Trên bình diện xã hội cũng từng
có các cuộc tang thương, mọi trật tự thế gian đều đảo lộn!
Trời
làm một trận lăng nhăng
Ông
hóa ra thằng thằng hóa ra ông
Gia đình của trời
Họ
hàng của trời xem ra cũng ít lắm! Không nghe nói có bác chú cô dì. Chỉ có một
ông cậu là con cóc, hình dáng xấu xí (đó là theo quan niệm thẩm mỹ đã thành nếp
của riêng chúng tôi, hỏi lấy tiêu chuẩn nào phân định đẹp/xấu để khen chê thì
xin chịu), quanh năm ngồi trong hang trong hóc, thỉnh thoảng mới nhảy ra, thế
nhưng mở miệng ra kêu là động lòng trời
ngay trong khi tiếng kêu từ bạn
đồng lớp của nó là ếch chẳng có giá trị:
Cóc kêu một tiếng thấu trời
Ếch
kêu ì oạp mấy đời hơn ai!
Một
số tư liệu nói rằng trời có hai cô con gái (hoặc cháu gái) là Chức Nữ và Hằng
Nga. Chức Nữ được nói nhiều về sự liên hệ với cha hơn. Cô ấy lấy một chú mục
đồng rồi mải mê yêu đương bỏ quên canh cửi bị trời đày mỗi người phải sống một
bên sông Ngân Hà, hàng năm chỉ một lần gặp mặt. Điều này chứng tỏ tính nghiêm minh
của trời, dẫu là con gái cưng khi phạm lỗi vẫn cứ phạt, chẳng bao che, chẳng nương tay.
Không
nghe nói trời có con trai. Mấy chàng uống rượu khi đã xỉn xỉn hát nghêu ngao:
Hiu
hiu gió thổi đầu non
Mấy
thằng uống rượu là con ông trời
Đó
chỉ là rượu nói. Không đáng tin chút nào. Mấy ông vua Tàu ngày trước tự xưng là
thiên tử (con trời) triều đình của họ là thiên triều, bốn bên đều là Hồ, Phiên,
Nhung, Địch thấp kém. Xin nhờ ông Lê Văn Siêu – nhà văn và nhà nghiên cứu lịch
sử, văn học Miền Nam trước năm 1975 - cho ý kiến về việc này:
“Mấy
anh vua Tầu khoe mình là con Giời thì chả qua là khoác lác láo và nhận vơ mà
thôi. Hoặc giả ông Giời Tầu nhà họ như thế thì biết đâu được? Cho nên khi có
những kẻ hống hách và bắng nhắng hão, ta thấy người ta nói: làm như ông Giời con ấy! Tỏ rằng người Việt Nam
cổ không ngửi được các thứ Thiên Tử Tầu đâu! Và nước Việt Nam bị trong vòng đô
hộ của Tầu hơn một ngàn năm mà vẫn thoát ra để nghênh ngang riêng mình một cõi
được, chỉ là nhờ ở cái tinh thần kỳ lạ trên đời đây thôi”. (7)
Ôi, con trai của trời chỉ
là những thằng uống rượu (theo ca dao) và những kẻ hống hách và bắng nhắng hão
(như ý kiến ông Lê Văn Siêu) sao? Bởi vậy trời cứ làm trời mãi, không truyền
ngôi cho ai, trời mà truyền ngôi là chết hết muôn loài!
Trời
luôn luôn là đấng toàn năng vĩnh cửu. Vì, không có trời ai ở với ai?
Trăng và Sao:
Cách gọi thông thường là mặt trăng. Một
mặt đơn giản vì trong ngôn ngữ trăng không hàm ý bao trùm tất cả như trời, một
vầng trăng là đủ, không có chân trăng, lưng trăng… Nhưng một mặt trăng có nhiều
tên hơn trời. Ngoài cái tên nguyệt đã
dược Việt hóa (cũng như thiên trời địa đất) còn những Hằng Nga và thỏ ngọc sống
trong cung Quảng Hàn vân vân. Những chuyện xưa tích cũ trong dân gian có nhiều
khi na ná giống chuyện Tàu, mọi người cứ kể, cứ nghe, cứ hiểu nhưng không quan
tâm mấy đến phần điển tích bác học. Trời đã già. Trăng cũng đã già, dù không ai
biết trăng bao nhiêu tuổi:
Trăng
bao nhiêu tuổi trăng già?
Núi
bao nhiêu tuổi gọi là núi non?
Khác
với trời là có trăng non (không có trời non):
Chàu
rày đã có trăng non
Để
anh lên xuống có con em bồng
Trăng cũng lưỡng tính như trời, khi là ả,
khi là con, khi là ông.
Nhất
cao có một ả trăng
Đến
khi trụt xuống cũng bằng ngọn tre
...
Đợi chờ đã mấy con trăng
Thề
xưa ai nhớ ai rằng đã quên!
...
Đứng xa hỏi với ông trăng
Duyên
chàng nợ thiếp bén chăng hay lìa?
Nhưng trăng nghiêng về nữ tính hơn, vì vậy cũng mang nhiều điều
tiếng hơn. Một câu hỏi thẳng tuy có hơi sỗ sàng:
Trăng
rằng trăng chẳng nguyệt hoa
Sao
trăng chứa Cuội trong nhà hỡi Trăng?
Đã
là trăng, đương nhiên có chuyện nguyệt hoa rồi. Nên thơ biết bao nhiêu, trước
cảnh:
Vì
mây cho núi lên trời
Vì
cơn gió thoảng hoa cười với trăng
...
Ra
về dặn nguyệt thề hoa
Hoa
cười nguyệt tỏ tình ta càng nồng
Trăng là một hình tượng đẹp, dù trăng
thanh, trăng tròn hay trăng khuyết. Cho nên khi yêu nhau người ta mặt trăng làm
chứng cho lời thề chung thủy chứ không mượn mặt trời. Chưa có trăng thì phải
đợi chờ, gác mái chèo lên và neo con thuyền lại:
Em
về sao được mà về
Mái
chèo chưa ráo trăng thề chưa soi
Những đêm không trăng người ta phải dùng
đèn. Bởi vậy nảy sinh ra sự cạnh tranh giữa trăng và đèn, sự cạnh tranh không
đáng có, dù sao trăng cũng là một thành phần trong vũ trụ, là vệ tinh của địa
cầu, còn đèn chỉ là vật dụng nhỏ trong bao nhiêu phương tiện của con người:
Đèn
khoe đen tỏ hơn trăng
Đèn
ra giữa gió còn chăng hỡi đèn?
Trăng
khoe trăng tỏ hơn đèn
Sao
trăng lại phải chịu luồn đám mây?
Điều
so sánh này hoàn toàn khập khiễng, mỗi bên có sở trường sở đoản khác nhau, và
tác dụng được phát huy tối đa trong một phạm vi không gian khác nhau, với điều
kiện khách quan khác nhau.
Mặt trời, mặt trăng, trái đất chỉ có một,
sao thì hằng hà sa số:
Đố
anh đếm hết sao trời
Để
em kết tóc ở đời với anh
Người
ta biết về sao rất ít, chỉ là một phần trong ức triệu. Người ta chỉ chú ý đến
những ngôi sao, chòm sao xác định phương hướng, hay dự báo thời tiết để theo đó
sắp xếp công việc làm nông, đi biển, bày tỏ sự vui mừng hoặc lo lắng đối trước
những hiện tượng thiên nhiên nhìn thấy và mượn những ngôi sao cho lời tỏ tình
rồi làm chứng cho cuộc tình. Ca dao thường nhắc đi nhắc lại những sao hôm, sao
mai, nam tào, bắc đầu, thần nông, sao sâm, sao thương, bờ sông ngân hà với công
múa, vịt lội…
Sao ở xa quá, không sáng bằng trăng,
nhưng cũng đủ soi rọi phần nào. Đêm đêm ngồi ngoài sân, thường nhìn thấy một
lằn sáng xẹt qua rồi tắt mất, có khi dài, khi ngắn, đó là sao băng. Có người
tin rằng vào lúc đó ta có ngay một điều ước nói lên với không gian cao rộng thì
sẽ được trời xanh đáp ứng. Tất nhiên phải là một điều ước nhỏ, có phần lãng
mạn, tình tứ vui tươi, yêu thương thân mật chứ không phải là điều ước vụ lợi
chuyện cửa nhà giàu có.
Người
ta sợ nhất là khi sao chổi xuất hiện. Dân gian nhìn xem đuôi sao chổi chỉ về
hướng nào, rồi quay về hướng nào. Những vùng đất nằm trong tầm quét của nó sẽ
bị mưa bão, nắng hạn, lũ lụt, cảnh đói khổ chết chóc sợ khó bề tránh khỏi…