Tháp Bánh Ít (Tháp Bạc) huyện Tuy Phước tỉnh Bình Định
- Ảnh Wikimapia
( Doanh trại đơn vị Thám kích của Trần Quí Sách nằm
phía sau tháp chính)
1.
Cây đa bên cầu
Cây đa bên cầu Bồng Sơn ấy từng
được nhiều nhà văn nhà báo biết đến. Do vị trí không thể loại trừ khi chụp ảnh
chiếc cầu trên QLI qua sông Lại Giang bị giật sập một nhịp sát bờ bắc, cây đa mặc
nhiên xuất hiện trong ảnh, không hậu cảnh là tiền cảnh. Ký giả Lê Minh đã nhiều
lần cho đăng những bức ảnh chụp chiếc cầu có cây đa này trên nhật báo Tự Do,
Quyết Tiến những tháng cuối năm 1966 đầu năm 1967 kèm theo ký sự của Lê Ký,
Chàng Âu, Kim Hùng, Văn Phúc.
Nhưng phải đợi đến khi giáp mặt với
Trần Hoài Thư cây đa bên cầu ấy mới đi vào trong thơ, bật lên thành thơ.
Cây đa đứng bên trái QLI, bờ bắc
sông Lại Giang cuối thị trấn Bồng Sơn, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định.
Thị trấn Bồng Sơn thời điểm ấy buồn
thảm như thế này đây:
Thị
trấn nằm hai bờ quốc lộ
Vỉa
hè loang lở đường mương cong
Những
quán bên đường nghèo trống gió
Những
cô hàng buồn như tản cư
Làm sao thị trấn trung tâm có được
chút sinh khí khi mà tình hình chung trong cả quận Hoài Nhơn không có gì sáng sủa:
Bồng
Sơn mùa nước dâng sông Lại
Ngày
sũng loang trên những mảng dừa
Mặt
trận đổ theo bìa Đệ Đức
Nghe
cận kề lửa hướng Tam Quan
Bồng
Sơn, mây ám toàn tin dữ
Chiều
chưa buông, quận đóng năm giờ
Giặc
chiếm cận sơn, người chạy loạn
Còn
lại bên cầu, trơ trọi cây đa.
Cây đa đứng trơ trọi một mình bên
cầu, đối diện với quận đường quận Hoài Nhơn. Do tình hình căng thẳng, vừa hết
giờ hành chánh, năm giờ chiều là quận đóng cửa. “Quận đóng năm giờ” không đơn
giản chỉ là đóng cửa không tiếp dân mà đóng cổng vào bằng những khung sắt căng
thép gai và cả một hệ thống phòng thủ, mìn claymore quay mặt ra ngoài.
Chỉ với tám câu thơ thôi mà tường
trình chi tiết tình hình của cả một quận cực bắc tỉnh Bình Định thời chiến
tranh ác liệt. Cái hay xuất thần trong hai khổ thơ này là sự xuất hiện của cây
đa với vị trí và dáng vẻ đặc biệt của nó: Đứng một mình bên dòng Lại Giang,
ngay nơi đầu cầu trống trải, không đình miếu, đến cái thủ kỳ cũng không, nhưng
bên gốc vẫn có ông táo, bếp lò, tro than, bình vôi, lư hương tàn lạnh như những
cây đa thường thấy ở đầu làng quê Việt Nam. Cây đa cao lớn nhưng không rậm rạp
cành nhánh này theo phát hiện của thi sĩ vừa là chứng nhân của chiến cuộc vừa
là niềm an ủi, là chỗ dựa tâm linh của những người dân đang khốn đốn.
Họ là những thường dân, phần lớn
là ông già bà cả, đàn bà trẻ con, nạn nhân chính của chiến cuộc. Đã đành, họ ở
giữa làn tên mũi đạn mà còn là đối tượng giành giật của cả đôi bên. Họ luôn được
khuyến dụ “một tấc không đi, một ly không rời” hoặc “về với tình thương, về với
quốc gia”.
Cây
đa. Có mặt khi nào nhỉ
Có
phải nơi này là quê hương
Có
phải mỗi con người trôi dạt
Cất
trong tim: bóng mát thiên đường.
Tình hình như dầu sôi lửa bỏng,
dân chúng tối tăm mặt mũi dắt díu nhau chạy loạn, không biết nương tựa vào đâu
thì cây đa xuất hiện: bóng mát thiên đường.
Cái hay của bài thơ còn ở chỗ: khổ
sau bổ nghĩa cho khổ trước, khổ trước đẩy cảm xúc dồn nén xuống khổ sau. “Giặc
chiếm cận sơn người chạy loạn” ở khổ thứ ba giúp các bạn đọc chưa trải qua chiến
tranh hiểu được câu cuối của khổ đầu: “Những cô hàng buồn
như tản cư”.
Rồi toàn bộ tình hình căng thẳng,
sục sôi lửa đạn, cuối cùng ập lên số phận của một người phụ nữ:
Cây
đa. Vươn giữa trời bi lụy
Những
thổ thần hoang lạnh lư nhang
Lửa
cháy Trường Lưu, đò đã chặn
Chị
ra sông, ơi ới đoạn trường.
Trên kia tôi có dùng chữ “tường
trình” tuy phục tài thi sĩ làm thơ với cái nhìn sắc sảo của người viết văn
xuôi, nhưng cũng có ý nói: tác giả tuy nhập cuộc nhưng chưa thực sự là người
trong cuộc. Tới đây, với tiếng “chị” thân thương thì thi sĩ đã là người trong
cuộc. Thi sĩ cùng đau với cái đau của chị mình, của đồng bào mình ruột thịt. Với
tiếng “chị” thân thương, bài thơ đã mang tính nhân bản rộng lớn.
Cây đa tuy trơ trọi nhưng vươn
cao, đứng sừng sững bên kia quốc lộ trước quận đường. Tuy quận đường và chi khu
ở hầu hết các quận thời chiến cùng đặt chung trong một khuôn viên, nhưng chi
khu là quân sự, quận là đơn vị hành chánh. “Quận đóng năm giờ” cũng có nghĩa là
chi khu bắt đầu phòng thủ trước khi trời tối, và đây cũng là khía cạnh tế nhị của
bài thơ.
Cây đa đứng trước quận (chi khu),
vươn cao nên “chứng kiến” mọi diễn biến tình hình chiến sự đang căng thẳng sục
sôi và cảnh ngộ khốn cùng của những thường dân (civilians).
Những thường dân nạn nhân chiến
cuộc này phải rời bỏ nhà cửa ruộng vườn chạy loạn, những “cô
hàng buồn như tản cư” và cuối cùng là:
Lửa
cháy Trường Lưu, đò đã chặn
Chị
ra sông, ơi ới đoạn trường.
Đây chính là đỉnh điểm của bi kịch,
là hình ảnh đau thương, là tiếng kêu thống thiết làm nên cái đẹp nghẹn ngào của
toàn bài thơ, một bài thơ đáng ra đã đi vào lòng nhân loại vì tính nghệ thuật
và tính nhân bản của nó.
Cây
Đa Bên Cầu
Thị
trấn nằm hai bờ quốc lộ
Vỉa
hè loang lở đường mương cong
Những
quán bên đường nghèo trống gió
Những
cô hàng buồn như tản cư
Bồng
Sơn mùa nước dâng sông Lại
Ngày
sũng loang trên những mảng dừa
Mặt
trận đổ theo bìa Đệ Đức
Nghe
cận kề lửa hướng Tam Quan
Bồng
Sơn, mây ám toàn tin dữ
Chiều
chưa buông, quận đóng năm giờ
Giặc
chiếm cận sơn, người chạy loạn
Còn
bên cầu trơ trọi cây đa
Cây
đa, có mặt khi nào nhỉ
Có
phải nơi này là quê hương
Có
phải mỗi con người trôi dạt
Cất
trong tim: bóng mát thiên đường.
Cây
đa vươn giữa trời bi lụy
Những
thổ thần hoang lạnh lư nhang
Lửa
cháy Trường Lưu, đò đã chặn
Chị
ra sông, ơi ới đoạn trường
Cây
đa. Ngàn rễ đâm lòng đất
Như
tấm lòng người với Bồng Sơn
Đa
bám làng, tôi đi bám đất
Đất
và làng, thương quá quê hương.
Trần
Hoài Thư
(Ô
CỬA - Thi tuyển toàn tập, Thư Ấn Quán tái bản, 2011)
2. Đêm tiếp cứu Chợ Huyện
Trong
một bài tự thuật kể lại những ngày cầm súng ngủ bờ ngủ bụi ở tỉnh Bình Định,
nhà văn Trần Hoài Thư có nêu tên các
thi sĩ gốc tỉnh này, nhưng không thấy nói đến hai câu thơ gọi đò nổi
tiếng của Quách Tấn và hai câu thơ về
người chị gánh thóc dọc bờ sông của Hàn
Mặc Tử:
Nửa
đời khói mây chìm bóng mộng
Gọi
đò một tiếng lạnh hư không
Hai
câu thơ mà âm vang còn vọng mãi trong thi ca Việt Nam này của thi sĩ Quách Tấn,
trong cảnh chiến tranh ác liệt, đã trở
thành huyễn mộng, khi mà:
Lửa
cháy Trường Lưu, đò đã chặn
Chị
ra sông, ơi ới đoạn trường
Gần
gũi chăng là hai câu thơ về người chị gánh thóc của Hàn Mặc Tử:
Chị
ấy năm nay còn gánh thóc
Dọc
bờ sông trắng, nắng chang chang.
Cho
dẫu Trần Hoài Thư không đề cập thì hai câu thơ về người chị “ơi ới đoạn trường” ở bến đò Trường Lưu sông Lại Giang vẫn được xem như là câu trả lời. Trả lời
cho cả Quách Tấn lẫn Hàn Mặc Tử.
Nhưng,
điều đáng nói ở đây là: người chị nạn nhân chiến cuộc của thi sĩ Trần Hoài Thư
và người chị gánh thóc trong thời bình của thi sĩ Hàn Mặc Tử đều là một người
phụ nữ Bình Định. Phải chăng đây là cuộc hội ngộ kỳ diệu của định mệnh?
Mà
cần gì phải viện đến Quách Tấn, Hàn Mặc Tử. Sao không dẫn chính thơ Trần Hoài
Thư. Tiếng kêu đoạn trường của người chị ở bến đò Trường Lưu làm nhớ đến người
chị trong “Khi Chị Về” để rồi hai hình ảnh đối lập làm ta đau nhói tâm can:
…Chị
có về trăng mười sáu trăng lên
Một
giọt sương cũng lạnh mình lóng lánh
Hay
giọt lệ của một thời con gái
Hay
giọt vui của tuổi chớm hoa xuân
Mười
sáu trăng tròn hồn chị bâng khuâng
Đêm
ra tắm ngoài bến sông im vắng
Chiếc
gáo dừa múc trăng. Trăng động
Dòng
suối trăng lai láng cả bình nguyên
Ai
khỏa thân lồ lộ cả trăm miền
Chị
có thẹn khi trăng nhìn trên lá
Khi
chị về gió len bờ khe hạ
Mơn
man từng nụ thắm. Mơn man
Khi
chị về em quá ngẩn ngơ
Cho
em gửi theo vầng trăng kỷ niệm.
Chao ơi, những câu thơ vừa lung
linh diễm tuyệt vừa gợi cảm đến mê hồn. Dù là “khỏa
thân lồ lộ cả trăm miền” mà vẫn trinh bạch, tinh khiết không
chút bợn xác thịt. ( Mượn nhóm từ Bửu Ý - Đỗ Long Vân tặng cho tranh lõa thể của Đinh Cường.)
Đã có thi sĩ nào viết về “bờ
khe hạ”, viết
về “nụ thắm” của con gái tuổi chớm xuân mà hồn
nhiên, trong sáng và vô vị lợi như Trần Hoài Thư chưa?
Khi
chị về gió len bờ khe hạ
Mơn
man từng nụ thắm. Mơn man.
Sao gọi là vô vị lợi? Thi sĩ nhà
ta cận thị nặng, từ bờ nhìn ra chỉ thấy bao la trăng động, lóng lánh trăng xao,
có thấy gì cho rõ đâu? Vô vị lợi vì chỉ là tưởng tượng, không mang tội nhìn trộm
con gái tắm truồng! Tưởng tượng thôi đã đủ ngẩn ngơ:
Khi
chị về em quá ngẩn ngơ
Cho
em gởi theo vầng trăng kỷ niệm.
Rõ ràng chỉ là trăng gió mông
lung, đến kỷ niệm cũng mơ hồ.
Mà nào chỉ riêng một mình thi sĩ
ngẩn ngơ. Đã nói “trăng nhìn trên lá” thì cây cỏ cũng ngẩn ngơ. Biết
đâu chừng chim đêm cũng ngừng bay, cá sông ngừng lội, chim te te im tiếng, bìm
bịp ngưng kêu dù con nước đương ròng, vì tất cả đều ngẩn ngơ. Hãy cứ ngẩn ngơ
mà bồi đắp niềm đam mê cho thêm phong phú tâm hồn.
Tiện đây lan man một chút. Không
biết Trần Hoài Thư và Lưu Nguyễn có quen nhau không, nhưng thấy hai thi sĩ có
những mối rung cảm gần như trùng hợp:
Muốn
là gió len qua từng sợi tóc
Nhè
nhẹ mơn man phiến má hồng
(Lưu Nguyễn - Bài Thơ Cho Em)
Khi
chị về gió len bờ khe hạ
Mơn
man từng nụ thắm. Mơn man.
(Trần Hoài Thư - Khi Chị Về)
Biết đâu chẳng có mối quan hệ nào
mà chỉ là sự gặp gỡ của hai tâm hồn mẫn cảm
để cùng cống hiến cho thi ca Việt Nam những câu thơ trữ tình ướt át và
mê đắm.
Nhưng, đau thương xiết bao khi những
nhan sắc mà các thi sĩ ngưỡng mộ đã hoặc đang đứng trước nguy cơ bị chiến tranh
và bạo lực bức hại. Không riêng gì người chị “gánh thóc” của Hàn Mặc Tử, người
chị tắm sông trong đêm trăng huyễn hoặc của Trần Hoài Thư hay người em với “phiến
má hồng” của Lưu Nguyễn mà biết bao người phụ nữ xinh đẹp nhưng yếu đuối đều rất
dễ bị đẩy vào cảnh ngộ thương tâm của người chị trong “Cây Đa Bên Cầu”:
Lửa
cháy Trường Lưu, đò đã chặn
Chị
ra sông, ơi ới đoạn trường
Phải gấp lên. Phải dóng lên tiếng
nói cảnh báo bằng những dòng thơ vừa mượt mà nhan sắc phụ nữ vừa thấm đẫm tình
người, những dòng thơ tuy không phải là lá chắn che chở trực tiếp những người
chị, người em yếu đuối, nạn nhân của chiến tranh và bạo lực, nhưng là một trong
những cách thế phòng vệ từ xa, là tiếng chuông đánh động lương tâm nhân loại.
Phải gấp lên, đừng để thảm cảnh ở
Chợ Huyện xảy ra lần thứ hai:
Ta
đã về nhìn bầy chim nhỏ cút côi
Chúng
ủ rũ, như lòng ta ủ rũ
Lũ
bé quỳ bên xác người cô trẻ
Đặt
chùm hoa, mếu máo gọi cô về
Cô
không về, cô bỏ dạy, cô đi
Cô
bỏ chúng con cô về xứ khác
Ta
cắn bầm môi, em ơi, ta khóc
Em
không về em cũng bỏ thanh xuân
Em
bé quê ơi, cho ta nhành bông
Một
nhành bông quỳ vàng như màu áo
Ta
đặt lên em. Trống trường ảo não
Như
những hồi mặc niệm em tôi
Ta
đã về, và đã trễ, em ơi…
(Đêm tiếp cứu chợ Huyện - Ô CỬA, Thi
tuyển toàn tập - Thư Ấn Quán tái bản 2011)
Chưa từng có bài thơ nào mà khi đọc
tim tôi nhói đau, lòng tôi quặn thắt như bài thơ đẫm nước mắt này của Trần Hoài
Thư. Khi biết cô giáo trẻ chết thảm ấy là một nữ giáo sinh Sư phạm Quy Nhơn về
huyện Tuy Phước - Bình Định thực tập, ngủ nhờ trong khuôn viên quận đường và bị
bức hại, tôi cũng “cắn bầm môi” và tôi nhận được thông điệp toát
ra từ nội dung bài thơ. Thông điệp khá rành mạch: đừng để bị trễ. Đừng chậm trễ!
Hãy cứu lấy những cô gái, cô giáo trinh trắng, những em bé và những thường dân
không có khả năng tự vệ. Đừng để bị chậm trễ!
Làm sao để không phải thốt lên tiếng
kêu tuyệt vọng: “Ta đã về, và đã trễ, em ơi!”.
May 2013 - Feb 2015