Wednesday, December 2, 2015

185. TRẦN HUIỀN ÂN Trời đất trong ca dao (3. Nhìnxuống đất)


TRỜI ĐẤT 
TRONG CA DAO
T r ầ n  H u i ề n  Â n


Ảnh PCH - Scibilia 2015


3.
NHÌN XUỐNG ĐẤT


Hình dung “Đất” từ xưa
       
Có lẽ cho đến khi tiếp xúc với khoa học Âu Tây ta mới có các từ địa cầu, quả đất, trái đất. Gọi là địa cầu bởi vì ta đã công nhận là nó tròn. Gọi là quả đất, trái đất gợi ra ý niệm trong hằng hà sa số tinh tú nó không lớn, nó chỉ là một “trái”, mà đã là trái thì có thể nằm trong tầm tay con người.
       
Ta cho rằng trời tròn đất vuông, nhưng không lý giải trời và đất có liền với nhau không. Làm sao liền nhau được, vì nếu đem trời úp xuống thì bốn cạnh của đất sẽ có bốn khoảng trống hình bán nguyệt. Không liền nhau thì chỗ ấy là chỗ gì? Là đường lên trời với chiếc thang dây, đường xuống âm phủ với những bậc cấp chăng? Nếu vậy, đất giống như một khối lăng trụ đáy vuông chăng? Đừng hỏi dưới khối lăng trụ ấy, tức là phía dưới âm phủ là gì, cũng như đừng hỏi phía trên bầu trời, trên cả muôn ngàn tinh tú là gì? Sẽ không có câu trả lời, nếu không trả lời một cách bâng quơ: Chuyện đó họa có trời biết! Giỏi thì bắc thang lên hỏi ông Trời.
       
Ta cũng hay nói thương nhau thì dẫu đi đến cùng trời cuối đất, gội tuyết tắm mưa cũng chẳng quản. Cùng trời là chân trời, nơi Trời đánh lừa ta, ta bước tới một bước thì chân trời lùi lại một bước, không bao giờ tới được.  Thuở thanh niên tôi đã có lần lầm tưởng:
              
Ta đến chân đồi hoa chắn rơi              
Ngây thơ tưởng đã tới chân trời

Còn cuối đất, ta có đi tới không? Người dân Miền Nam Trung Bộ chẳng hạn, bước đầu giới hạn tầm mắt trong phạm vi Thuận Quảng, rồng chầu ngoài Huế, ngựa tế Đồng Nai đã là xa xôi lắm. Rồi được nghe nói đến những là Cao Bằng gạo trắng nước trong, những là Hà Tiên thập cảnh, cơm mắm ra hòn Phú Quốc. Xa hơn nữa, phía bắc nghe nói đến nước Tàu, đọc truyện thấy chuyện cống nạp mỹ nhân sang nước Hồ, nước Phiên, coi hát bội diễn tuồng cười ông Cáp Tô Văn (8) bị vây khốn, phía tây nghe nói đến chuyện nước Lào, nước Xiêm, phía đông nghe nói ngoài biển xa có quần đảo Ma Ní, phía nam nghe nói còn có quần đảo Nam Dương… Đất rộng mênh mông là thế. Chẳng rõ có ai đặt câu hỏi: Hết mấy nước đó là tới “bìa đất” chưa, hay còn nước nào nữa, nước nào nằm ngay “bìa đất”? Thật lạ, tại sao chúng ta mãi bằng lòng như thế, không thấy có nghi vấn gì?
       
Cho đến một ngày nào, học trò quốc ngữ được dạy cho biết về ngũ đại châu và ngũ đại dương, trên ngũ đại châu có tứ chủng: người hoàng chủng (da vàng) ở châu Á, bạch chủng (da trắng) ở châu Âu, hắc chủng (da đen) ở châu Phi và hồng chủng (da đỏ) ở châu Mỹ. Thế nhưng, những đại châu và đại dương ấy không dính dáng gì đến hình tượng Đất, từ ngàn xưa đến nay không hề thay đổi, Đất đi đôi với Trời, thành ra Trời Đất, trời cao đất dày, con người ai ai cũng đầu đội trời chân đạp đất, trời che đất chở. Trời có quyền uy, đất cũng có quyền uy, trời có lòng nhân hậu đất cũng có lòng nhân hậu.


Diện mạo mặt đất
       
Ta sống ngay trên mặt đất nên diện mạo ấy dễ nhận thấy hơn là diện mạo bầu trời xa cách. Ai không muốn thấy vẫn cứ nhìn thấy, phải thấy. Diện mạo mặt đất chỗ cao chỗ trũng, chỗ gồ ghề chỗ bằng phẳng, tóm lại là có núi non, cao nguyên, bình nguyên, sông biển. Chuyện xưa thường kể về những ông Khổng Lồ gánh núi non đi rải khắp nơi, có khi ông trượt chân vấp ngã văng tứ tung, thành ra hòn này hòn nọ. Nhưng đó là những ngọn núi lẻ loi, thấp nhỏ, loại núi một, núi ngang,  chứ hùng vĩ như Hoàng Liên sơn, Hy Mã Lạp sơn châu Á, Bạch sơn bên Tây, hay mấy dãy Thạch sơn chạy dọc châu Mỹ e cả một đội quân Khổng Lồ cũng không đủ sức. Chỉ có trời. Vạn sự do trời. Thi sĩ Quách Tấn tả chùa Ông Núi (ngôi chùa cổ ở lưng chừng núi nên mang tên này) cũng xác quyết:
              
Chùa vua cất, núi trời xâY             
Nước nước non non khí vị nầy…
       
Con người đã đặt tên cho những hình dáng của mặt đất để tiện bề chuyện trò giao dịch. Có thể phân thành ba dạng, một dạng là núi non, một dạng là sông nước và một dạng là biển khơi.
       
- Núi non, chỉ là một từ để gọi chung những chỗ mặt đất nhô cao lên. Trên thực tế có núi cụ thể mà không có non cụ thể, không nơi nào được chỉ định là non. Non là hình ảnh bổ sung hoặc dùng thay cho núi. Chẳng hạn: Lên non mới biết non cao… Lội suối trèo non… Nước non ngàn dặm… trong các cách nói ấy non đều được hiểu là núi.
       
Cụ thể những núi chạy dài là dãy núi, rặng núi, những núi đứng gần như độc lập là hòn núi, cho nên từ dãy và từ hòn nhiều khi dùng thay cho từ núi đặt trước danh từ riêng. Thông thường núi lớn luôn luôn là dãy, còn khi gọi là hòn đã biết núi nhỏ. Núi có đỉnh núi là nơi cao nhất, sườn núi (hay triền núi) là chỗ từ đỉnh thấp dần, lài xuống đến chân núi là nơi tiếp giáp với vùng đất bằng phẳng. Một dãy núi có nhiều đỉnh núi. Hai bên sườn một hòn núi còn gọi là vai núi. Riêng từ ngọn núi, có khi dùng với nghĩa là đỉnh núi, có khi dùng với nghĩa là hòn núi.
       
Đàn em của núi là đồi. Đồi thấp hơn núi, nhỏ hơn núi, đỉnh đồi tròn hoặc phẳng, có khi liên kết thành dãy, triền đồi ít dốc, dưới cùng cũng là chân đồi. Thấp hơn đồi, hình dáng không tròn mà tương đối dài gọi là giồng. Đồi với giồng là anh em, người ta thường nói giồng đồi, cũng như nói núi non.
       
Những chỗ thấp nằm giữa các dãy núi, các hòn núi hay đồi, gọi là thung lũng, hay lũng. Từ lũng cũng hay đặt trước một danh từ riêng (như núi, hòn, dãy) và nó là một bộ phận không thể bỏ qua trong tên gọi nơi đó.
       
Những vùng đất cao nằm giữa biển hay gần bờ biển, gọi là đảo. Nhiều đảo liền kề bên nhau gọi là quần đảo. Đảo có hình dáng dài hoặc hơi dài, có chỗ liền với đất bên trong, gọi là bán đảo. Đảo nhỏ gọi là cù lao. Vùng đất nằm giữa lòng sông hay hai nhánh sông cũng gọi là cù lao. Chỗ cuối một dãy núi đâm ra biển gọi là mũi.
       
Những vùng đất cao nhưng trên đỉnh bằng phẳng, diện tích rộng, gọi là cao nguyên. Trên cao nguyên có những mảng bị chia cắt, không liên địa, gọi là trảng hay bằng. Vùng đất thấp, bằng phẳng, diện tích rộng, gọi là bình nguyên. Bình nguyên nằm hai bên hạ lưu một con sông lớn gọi là châu thổ (của sông ấy). Các bình nguyên, châu thổ thường được khai thác thành những cánh đồng trồng trọt và gọi là đồng bằng. Do đó có khi người ta dùng từ đồng bằng cho nghĩa bình nguyên, châu thổ.
       
Những chỗ đất thấp nằm bên bờ sông, bờ biển tùy mỗi địa phương có cách gọi khác nhau. Thông thường gọi là bãi. Có khi là một bãi hoang, chỉ có cát và cây bụi, có khi được khai thác cho một lợi ích nông nghiệp hay mặt kinh tế nào đó. Ở Phú Yên, chỗ đất thấp bên bờ sông có khi nước ngập, có khi nước cạn trồng trọt được, gọi là soi.
       
Đó là tên gọi một số nét mặt của đất dưới dạng núi non.
       
- Sông nước, là cách gọi bao gồm cả sông suối, sông ngòi, ao hồ, đầm vũng… những nơi từ đó có nước, tại đó nước đi qua hoặc đọng lại, quan trọng hơn hết là những dòng chảy, tức là sông suối.
       
Không kể từ kiếp trước trong đời luân lưu của nước thì buổi ban đầu của dạng này là các ngọn nguồn, nơi dòng nước bắt đầu từ mạch ngầm chảy ra. Trong ý niệm tri ân tiền nhân ta thường nói đến “nguồn cội” tức là điểm phát xuất của nước và phần gốc của cây.
              
Cây có gốc mới nở cành xanh ngọn              
Nước có nguồn mới biển cả sông sâu
       
Từ nguồn, nước chảy ra các khe, nhiều khi len lỏi trong rừng hoang đá núi, tạo nên những âm thanh róc rách vui tai. Khi có một lưu lượng lớn hơn ta gọi nó là suối. Suối chảy trên cát, trên bùn, trên đá. Suối lớn là suối cái, đã bắt đầu có những gành, những thác, ngày đêm ào ào, đến mùa đông cũng hung hãn cuồng nộ như ai. Suối nhỏ quá nước không che kín lòng, khi nắng hạ thì khô cạn, gọi là suối rách.
       
Suối đổ vào sông, sông nhỏ là sông con, sông lớn là sông cái, còn được gọi bằng những mỹ tự như trường giang, đại giang. Chữ Nho sông còn gọi là hà. Hồng hà, Hoàng hà, Ấn hà, Cửu Long giang, Dương Tử giang. Vùng Mésopotamie (trung tâm nước Iraq) nằm giữa hai con sông Euphrate và Tigre, ngày trước có tên là Lưỡng Hà châu (Pays des deux fleuves). Sông là dòng nước sâu và rộng chảy từ nguồn ra biển. Có con sông hợp nhiều suối và sông con, Có con sông khi về hạ bạn chia ra nhiều nhánh, mỗi nhánh là một cửa sông.  Cửa sông có khi đồng thời là cửa biển, cũng có khi nơi cửa biển không có sông. Các nhà văn ví von: Dòng suối đổ vào sông, sông đổ vào trường giang, trường giang hiên ngang đi ra biển. Cũng như tình yêu nước bắt đầu từ tình yêu làng xóm, yêu cây đa già bên con đường lớn, yêu dòng suối nhỏ đổ ra bờ sông.
       
Những nơi dòng nước đổ thẳng đứng xuống gọi là thác, dòng nước chảy ở mức nghiêng khoảng trên dưới 45gọi là gành (Miền Bắc: ghềnh). Những nơi đất lõm sâu, nước ngưng đọng lại không chảy là ao, hồ, bàu, vũng, đầm, đìa… Những hồ lớn gọi là biển hồ. Con sông có đoạn phình ra, nước như không chay cũng gọi là vũng, bàu. Vũng giữa sông và vũng trong đồng ruộng thì nhỏ, khác với vũng của biển. Ao hồ bàu vũng đầm đìa… mỗi nơi có cách phân biệt hơi khác, chỗ này coi ao lớn hơn hồ, chỗ kia coi hồ lớn hơn ao. Đây là nơi sinh sống của các loại thủy tộc nhỏ, các loài chim ăn dưới nước, nhiều chỗ con người chiếm dụng trồng sen, thả bèo, nuôi cá… không còn là cảnh trí hoàn toàn của thiên nhiên nữa.
       
Nơi eo biển hay cửa sông lớn có doi đất chặn phía trước ngăn cản triều nước thường gây nên sóng to gọi là phá. Một thời phá Tam Giang nổi tiếng là nơi nguy hiểm:
              
Thương em anh cũng muốn vô              
Sợ truông nhà Hồ sợ phá Tam Giang
       
Những dòng nước nhỏ chảy thông nối sông này với sông kia hay hồ này với đầm nọ, mang sắc thái yên bình gọi là lạch hay rạch. Tuy nhỏ nó vẫn trường tồn cùng sông nước để làm nhân chứng cho những lời thề hẹn:
              
Chừng nào cạn lạch Đồng Nai              
Nát chùa Thiên Mụ mới sai lời nguyền
       
(Lạch Đồng Nai là một đoạn phân lưu của sông Đồng Nai. Tin tưởng vào lạch nước Đồng Nai có lý hơn, tuy rằng đến hôm nay việc bạt núi lấp sông không còn là chuyện  khó, còn tin tưởng vào sự bền vững của chùa Thiên Mụ mang tính tâm linh của thời bình nhiều hơn, bởi vì trong can qua chiếc cuộc chuyện một ngôi chùa bị xóa mất thật dễ dàng).
       
- Biển khơi cũng là một cách nói mang tính mỹ từ. Biển là nơi trăm sông đổ về, biển là mẹ, sông là con, nhưng con ngọt mà mẹ mặn. Trong phạm vi không rộng lắm, không xa bờ lắm, người ta gọi chỗ gần là lộng, chỗ xa là khơi, trong lộng ngoài khơi, con tàu nhổ neo ra khơi. Trên địa cầu có 4 biển lớn, gọi theo chữ Nho là dương: Thái Bình dương, Đại Tây dương, Ấn Độ dương, Bắc Băng dương. Ở bìa các dương hoặc xen với đất liền, nằm giữa đất liền là hải: Địa Trung hải, Hoàng hải, Hồng hải, Hắc hải, Lý hải. Đông hải… Hiện giờ thấy chưa thống nhất cách gọi, hải hay biển. Hắc hải cũng gọi biển Đen, Hồng hải cũng gọi biển Đỏ, Đông hải cũng gọi biển Đông, những chưa thấy gọi biển Địa Trung, biển Trong Đất, biển Vàng…
       
Những nơi biển ăn lõm vào đất liền là vịnh hoặc vũng. Có khi trong vịnh có nhiều vũng nhỏ. Có khi vũng cũng em em, xem xem như vịnh, một tám một mười chẳng kém bao nhiêu.
       
Căn cứ vào địa danh thì không ít chuyện lộn xộn. Nước ta trước dùng chữ Nho, đến chữ Tây, rồi sau mới Việt hóa hoàn toàn. Do đó có nơi đến hai ba tên. Chỉ kể vài nơi ở Phú Yên đã thấy. Vũng Rô, chữ Nho viết là Ô Sô đàm, dịch ra tiếng Việt phải là đầm Ô Sô. Tây viết chữ Rô = Ro với hai dấu chấm trên đầu chữ o khiến cho một thi sĩ tưởng lầm là Vũng Rò (làm câu thơ: Từ đảnh Cù Mông đến Vũng Rò. Con đường thiên lý chạy quanh co). Đảo nhỏ nằm giữa Vũng Rô có tên Hòn Nưa, các cụ viết chữ Nho trong sách Đại Nam nhất thống chí là Trụ tự, một bản dịch viết Đảo Trụ, một bản dịch viết Hòn Cột. Ven sông Ba có chỗ gọi là Bãi Công, sách Đại Nam Nhất thống chí viết Khổng Tước uyên, một bản dịch Bãi Khổng Tước (Bãi là đúng, nhưng dân quê đâu biết khổng tước là con công), một bản dịch viết Vực Công (công là đúng, nhưng đây là bãi không phải vực). Hoặc mũi Kê Gà, nguyên là Khe Gà, Tây coi nhữ chữ h-muet (h “câm”, không đọc) viết thành Ké Ga rồi ta là Kê Gà, nay nhiều người thắc mắc: đã Kê còn Gà!


Đất nước: Xứ Sở - Ông Bà
       
Qua khảo sát, nhận thấy trên mặt đất có nước. Nước khe suối, bàu vũng, sông hồ… Và nước biển nữa. Tạo thành hình tượng Đất Nước. Con người sống nhờ Đất Nước. Làng xóm phải lập ở gần suối, gần sông hay chỗ có thể đào xuống lấy nước. Hai tiếng Đất Nước thể hiện một vùng cộng đồng dân cư, con người gắn bó với nơi ấy và gọi là Xứ Sở. Xứ Sở không phải mang nghĩa đơn thuần là phạm vi ranh giới cư trú của sắc tộc, của một cộng đồng, đoàn nhóm, hoặc về sau hợp thức hóa thành ranh giới hành chánh. Xứ Sở được tồn tại qua thời gian lâu dài để cho bao lớp lớp tiền nhân được con cháu hậu sinh tôn vinh bằng cách gọi trân trọng và thân mật là Ông Bà. Người ta thành tâm kính nhớ Xứ Sở Ông Bà (hoặc: Ông Bà Xứ Sở). Người đi rừng đi núi, lội suối, trèo dốc, sẩy tay trợt chân, không ít lần nhờ Ông Bà Xứ Sở che chở cho mới không bị tai nạn nặng nề. Đứa trẻ chơi đùa trên sân, biết bao nhiêu lần vấp ngã, được Ông Bà Xứ Sở nâng đỡ chỉ u đầu sướt tay qua loa, phủi phủi vài cái là xong.
       
Đất không có diện mạo nhân cách hóa như trời (Ông Trời), không có triều đình ban bệ, người ta nghĩ về đất với cảm tưởng mông lung nhưng gần gũi. Người ta không muốn rời bỏ Xứ Sở, xa cách Ông Bà. Ở nơi đã thành quen thuộc thì tiếng con chim cu cườm giọng kim giọng đồng trên cành cây, tiếng con cá quẫy mình nơi ao nhỏ bên bờ ruộng nghe sao trìu mến:
              
Ở nhà quê vui cái thú nhà quê              
Một tiếng cá vẫy mình trong ruộng lúa              
Tiếng con cu cườm gáy gióng giữa bờ tre                            (Đỗ Chu Thăng)
       
Nhưng đến một nơi ban đầu hoàn toàn xa lạ thì khác hẳn. Người lưu dân đi đến Miền Tây Nam Bộ thấy mình bơ vơ lạc lõng và sợ:
              
Tới đây đất nước lạ lùng              
Con chim kêu cũng sợ, con cá vùng cũng kinh!
       
Thật sự không phải người ta sợ tiếng chim kêu, tiếng cá quẫy, mà sợ những gì ẩn đàng sau các âm thanh ấy. Sợ tiếng nói của Xứ Sở Ông Bà mình chưa có dịp bày tỏ lòng tôn kính, sợ mình đang mắc phải một lỗi lầm gì chăng, biết đâu một sự quở trách đang chìm đắm đâu đó trong không gian vắng lặng. Nỗi sợ ngàn đời truyền kiếp ấy khiến ta nhìn thấy đâu đâu cũng có mặt các vị thần linh. Trên mặt đất, nơi núi cao sông dài, những cổ thụ tỏa trùm bóng mát và dưới lòng đất, ngay cả dưới lòng nước có biết bao vị thần linh. Bởi vậy khi việc định cư chưa hoàn tất người ta đã dâng lễ bái xin tuân phục, phụng thờ, và khi chỗ ở đã yên ổn thì có các lệ cúng sông, cúng núi,  làng xã cúng, các quan huyện cúng, các quan tỉnh cúng.
       
Năm Canh Tý, Minh Mạng thứ 21 (1840) triều đình chuẩn định lễ tế tại các nơi núi cao sông lớn trong nước như sau:

- Lễ tế tam sinh (trâu, dê, lợn) tại 7 nơi:
Núi Nhuệ, núi Ngự Bình, sông Hương (Thừa Thiên)
Núi Đâu Mâu, sông Gianh ( Quảng Bình)
Núi Thiên Tôn, sông Mã (Thanh Hóa)

- Lễ tế dùng 1 trâu 1 lợn tại 16 nơi:       
Núi Ngũ Hành, núi Chiên Đàn, sông Thu Bồn (Quảng Nam) 
Núi Đại Lãnh, sông Đà Diễn (Phú Yên) (9)       
Núi Cẩm Thạch, núi Đậu Khấu, Biển Hồ (Trấn Tây) (10)       
Núi Kim Nhan, sông Lam (Nghệ An)       
Núi Tản Viên, núi Hùng Vương (Sơn Tây)       
Núi Yên Tử, sông Hàn (Hải Dương)       
Núi Tam Đảo, núi Độc Tôn (Thái Nguyên)
       
- Lễ tế dùng 1 bò 1 lợn tại 8 nơi:       
Núi Long Đầu, sông Trà Khúc (Quảng Ngãi)       
Núi Chiêu Thái, sông Phước Long (Biên Hòa) (11)            
Núi Lôi Am, sông Bạch Đằng (Quảng Yên)       
Núi Hùng Nhị, sông Đà (Hưng Hóa)
       
- Lễ tế dùng 1 trâu tại 4 nơi:       
Sông Bến Nghé (Gia Định)       
Các sông Tiền giang, Hậu giang (An Giang)
Núi Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh)

- Lễ tế dùng 1 bò tại 9 nơi:
Núi Chủ (Bình Định)
Núi Tam Phong (Khánh Hòa)
Núi Diên Sơn (Bình Thuận)
Núi Nguyệt Thường, sông Nguyệt Đức (Bắc Ninh)
Sông Vị (Hoàng) ( Nam Định)
Núi Lão Quân (Tuyên Quang)
Núi Công Mẫu (Lạng Sơn)
Núi Khâu Sầm (Cao Bằng) (12)
       
Cộng là 44 nơi.

Đây là những cuộc tế hàng năm có tính quốc gia, do các quan chức đầu tỉnh làm chủ lễ. Tại từng địa phương cơ sở còn thờ nhiều vị thần khác do một làng, một xã, có khi là một ấp lo việc cúng tế.

Ngoài ra, năm 1771 núi Đá Bia ở Phú Yên một lần bị sét đánh, khối đá biến thành sắc trắng, Định vương Nguyễn Phước Thuần cử quan đến tế.
Nữ thần chủ đất
       
Đất nước ta mở rộng dần theo từng giai đoạn. Các cuộc nội chiến phân rẽ thành Đàng Ngoài – Đàng Trong, Miền Nam – Miền Bắc. Sự ngăn cách ấy, chưa nói đến việc nhân tâm ly tán, đã  khiến cho một số phong tục thay đổi, do giao thoa với các sắc tộc bản địa, do cần thích nghi với hoàn cảnh mới. Khảo sát phong tục Xứ Đàng Trong (Miền Nam) thấy rằng vị thần làm chủ đất đai luôn luôn là một phụ nữ.

Thiết tưởng có hai yếu tố trong cách giải thích. Một, đây là tình trạng chung, dấu ấn còn lại của một thời lượm hái. Thuở ấy, người phụ nữ với sự chuyên cần, chăm chỉ, khéo léo đã giữ vai trò chính trong đời sống kinh tế gia đình, xã hội. Đến khi chuyển sang trồng trỉa, ban đầu họ vẫn còn giữ một phần công việc quan trọng (như cấy, trỉa, làm cỏ, cắt gặt, đạp lúa, lột bắp, hái đậu…), họ đương nhiên giữ vai trò chủ đất. Đến lúc công việc canh tác tiến bộ hơn, đòi hỏi nhiều sức mạnh trong lao động, họ mới nhường vai trò chủ đất cho nam giới. Nhưng về mặt tín ngưỡng đời sau vẫn không quên ơn họ nên địa vị chủ đất tượng trưng trong cộng đồng không thay đổi.

Hai, người Việt Xứ Đàng Trong chịu ảnh hưởng của văn hóa ChămPa, sống trên vùng đất mới phải tuân thủ tập tục bản địa, thờ vị nữ thần chúa đất được gọi bằng những mỹ danh như Người Mẹ Xứ Sở hay Bà Chúa Xứ.

Do đó khắp cả Xứ Đàng Trong từ nguồn chí biển nơi nào cũng thờ phụng Thiên Y A Na, từ các chúa Nguyễn đến các vủa Nguyễn đều có sắc phong tôn vinh Bà là thượng đẳng thần bảo quốc hộ dân.

Người cai quản đất đai từng khu vực cũng là một phụ nữ. Miền Bắc có những câu ca dao nói đến Ông sao Thần Nông, chỉ bảo thời tiết nông vụ. Miền Nam chỉ gọi sao cày, vẽ ra hình tượng người đi cày, thế thôi!

Một số nơi, như đồng bằng Tuy Hòa có lệ cúng đất, hay cúng tá thổ (thuê đất). Họ cho rằng đất này do ta chiếm dụng của người Chiêm Thành, không có sự thỏa nhượng, vậy về mặt pháp lý âm chủ vẫn là người Chiêm Thành, các dương chủ đang canh tác phải có văn tự thuê mướn, thời hạn 1 năm, 3 năm, hay 5 năm, 10 năm, cúng đất tức là thanh toán các khoản thuê mướn ấy. Lễ vật dùng heo, gà hay chè xôi tùy theo việc cúng là do cả làng, một ấp hay một nhà đảm đương.

Những nơi ngoài đồng bằng Tuy Hòa, ruộng đất do người Việt theo Lương Văn Chánh vào tự khai khẩn, không có cái mặc cảm chiếm dụng thì cúng đất không phải là cúng tá thổ. Ba năm hay sáu năm một lần người ta cúng Bà Hậu Thổ để tri ân công đức Bà cũng như Đất Nước Xứ Sở đã phù hộ cho gia đạo yên vui, cây già trái chín, mùa màng thu hoạch tốt đẹp. Lễ vật bày thành 3 cấp, cấp cao cúng bà Hậu Thổ, cấp giữa cúng các hàng tay chân hai bên, cấp thấp cúng các Bác, các Đẳng – thành phần không thể  bỏ quên trong mọi dịp cúng tế.

Đi vào Nam Bộ thì Bà Chúa Xứ là vị thần nơi nào cũng tôn trọng thờ kính.


Các vị thần núi sông
       
Có những vị thần ở ngay trên mặt đất. Nói như vậy có nghĩa là các vị ấy không ở dưới lòng đất hay giữa lòng nước. Người ta cho rằng những đôi mắt phàm trần không nhìn thấy được chứ các vị định trú tại nơi thờ phụng (đền, miếu) hoặc nương nhờ nơi cây cao bóng cả có sự tương giao khiến cho cả hai cùng linh thiêng: Cây đa cậy thần, thần cậy cây đa.
       
Vị thần gần gũi với con người hơn hết là Ông Địa (Thổ Địa). Nhiều nơi có miếu thờ Thổ Địa, đồng thời người ta thờ trong nhà. Ông am hiểu mọi việc trong làng xóm, trong vùng, cả mọi chuyện nhỏ nhặt trong nhà. Ai đánh mất vật gì, van vái là ông chỉ cho, tìm thấy ngay. Lễ vật dâng cúng Ông Địa rất đơn giản, chỉ một nải chuối là đủ! Có lẽ Ông Địa là vị thần từ nơi thờ phụng hoang sơ đưa vào gia đình nên tính chất khác với Thổ Kỳ, Thần Tài và cả những tướng đá đặt quanh vườn tược ruộng đồng, được thờ phụng sau khi gia chủ đã có cơ nghiệp.     

Có một nhà sư nói với chúng tôi rằng: Ta thờ Ông Địa dưới chỗ thấp là không đúng. Đó là Ông Địa Tàu. Khi Càn Long du Giang Nam dẫn bầu đoàn vào quán ăn, chật quá, hết chỗ ngồi, vua ngó quanh ngó quất, rồi bê tượng Ông Địa đặt xuống đất, phán: “Xin ngài ngồi tạm chỗ này một chút”. Ăn xong vua tôi kéo nhau đi, quên mất Ông Địa, lúc chủ quán bê tượng trả lại chỗ cũ thì bê không nổi. Đêm đó chủ quán nằm mộng, thấy Ông Địa về báo: “Hoàng thượng đã chỉ định ta ngồi chỗ này, không có lệnh vua ta đâu dám đi”. Thế là từ đó người Tàu thờ Ông Địa dưới đất. Ông Địa Việt Nam không bị bắt buộc tuân lệnh vua Tàu, nên ta phải thờ Ông Địa một nơi trang trọng hơn.
       
Vị thần được nể sợ hơn hết là Sơn Thần. Nhiều nơi ở vùng rừng núi, cao nguyên có miếu thờ Sơn Thần. Nhiều nơi không có miếu thờ nhưng luôn luôn có lệ hàng năm vào dịp tết nguyên đán cúng khai sơn tại một cây đa lớn. Cúng xong cái đầu heo tươi sống đặt ngay gốc cây ấy. Đến đêm một Ông Cọp đến hưởng. Cọp được đồng hóa vào Sơn Thần hoặc cọp là kẻ thể hiện uy quyền của Sơn Thần. Rừng núi thâm nghiêm, âm u, nơi chứa không biết bao nhiêu chuyện kinh dị, con người đi trong rừng núi luôn luôn cảm thấy mình bé nhỏ, yếu ớt. Thế nên đến một nơi Đất Nước lạ lùng, làm sao không giật mình khi buổi trưa nghe tiếng con ó rừng bay tận trên cao kêu “kin kít kin kít”, con chim lịnh kêu “khỏi khỏi” báo tin có thú dữ. Ở miền núi, trước đây nhiều xóm làng có lệ rất ngặt là từ mồng một tết không ai được vào rừng, phải đợi sau tết, hạ nêu, cúng khai sơn rồi mới đi quơ củi, bứt mây… Chỉ có một biệt lệ dành cho trẻ mục đồng chăn trâu bò. Chúng được quyền lùa gia súc vào rừng núi ngay từ buổi nguyên đán, có quyền kêu hú gọi nhau vang rền, không kiêng kỵ gì.
       
Trên con đường Nam tiến có không ít những đứa trẻ yểu vong, những người bất đắc kỳ tử, đoàn người vẫn cứ phải đi tới, đi tới, thể xác kẻ mệnh một vùi nông đâu đó, linh hồn không có ai thờ phụng, vương vất nơi đầu gành cuối bãi, nương theo ngọn cỏ bóng cây, được gọi chung là “Các Bác”. Các Bác sống nhờ lòng tốt của thập phương trong những ngày sóc vọng, những ngày gia đình có cúng giỗ. Các Bác là những kẻ biết nhớ ơn, ăn của người vưng trợ cho người, mỗi khi gặp chuyện chẳng lành ta vái Các Bác phù hộ cho tai qua nạn khỏi.
       
Dưới lòng nước thì có Thủy Thần, Hà Bá. Thủy Thần là tương nhiệm với Sơn Thần. Các vị này không hung dữ như Sơn Thần, nên sông nước không có lệ cúng “khai giang, khai thủy” như lệ cúng khai sơn. Có nơi gọi là miếu thờ Thủy Quan. Thần hay quan cũng không khác nhau mấy, khác là có khi gọi là vua Thủy Thần, như trong một truyện thơ bình dân:
              
Này sự… con vua Thủy Thần              
Thái tử đi tuần đội lốt lý ngư
       
Có thể nghĩ cách tổ chức bộ máy cai trị của Ngọc Hoàng là theo chế độ phong kiến. Dưới Thượng Đế có các vị thần, bá (cũng như vương, công…), mỗi vị một lãnh địa độc lập hoặc một ngành công vụ, ai lo phần nấy. Như thế, trên mặt đất không có một triều đình như trên Trời hay Âm phủ. Hình như tất cả họ đều chịu sự điều hành và nhận lệnh từ Trời, do đó mỗi vị đều có quyền hành khá rộng lớn, chuyện sinh sát nhân loại do họ nắm giữ, Ngọc Hoàng Thượng Đế bận trăm công ngàn việc đâu kiểm soát hết, Nam Tào Bắc Đẩu thường vui chơi trà rượu, có khi quá chén nhận hối lộ cho qua sự việc, thành ra các vị thần núi sông dễ lộng quyền, lạm quyền. Trên trời chỉ có một Ông Thiên Lôi, năm khi mười họa mới đánh người, cái chết đến nhanh chóng, nếu có khô cháy thì cũng coi như ngày nay hỏa thiêu. 

Do tình trạng chấp hành đức trị hay lộng quyền đã xảy ra những trường hợp trớ trêu. Con người từng ra ơn cứu con Thủy Thần, hơn nữa Thủy Thần là bậc hiền nhân, nên dưới nước người ta chỉ sợ lũ ma da, là oan hồn những kẻ bị chết đuối, luôn luôn chờ đợi tìm kiếm người hạp tuổi xuống thế chân để đi đầu thai kiếp khác. Người ta thường căn dặn trẻ vị thành niên đi qua sông suối đề phòng “ma da lên bờ kéo cẳng”, chớ có chủ quan coi khinh chỗ cạn, gặp ma da kéo cẳng thì nơi nào cũng là chốn tử vong. Mà con ma da nào có tài cán gì cho cam, có khi bị bắt hiển hiện chỉ là một mớ rong bầy nhầy, vậy mà cũng giết người được. Không thấy chuyện quở phạt nào!
Long Vương
Dưới lòng biển có tiểu triều đình của Long Vương. Điều này cho thấy cách điều hành có phần chồng chéo. Long Vương điều khiển một đội ngũ rồng. Long Vương ở dưới biển. Rồng ở trên trời, trong chín từng mây phủ. Trời ra lệnh trực tiếp cho rồng xuống biển hút nước lên làm mưa hay lệnh được ban qua Long Vương, Long Vương truyền lại cho rồng? Chả trách vì thế mà không ít khi lệnh thành lạc, năm thì trời nắng khô hạn, con người phải làm lễ cầu đảo xin mưa, năm thì hết mưa đến lụt, nhà trôi người chết, biết bao cảnh khổ đau tang tóc.

Nhiều nơi còn bị họa lây khi Long Vương cho quân sĩ đi lấy gỗ về xây dựng cung điện. Gỗ quý được khai thác từ đại ngàn, phương tiện chuyên chở là dòng nước. Long Vương cho mưa dầm liên tiếp dai dẳng, cả mươi ngày, nửa tháng rồi dâng nước lên. Gỗ theo mưa trôi xuống đồng bằng rồi theo lụt trôi ra biển cả. Có khi một đợt lũ lụt chưa lấy đủ gỗ hay chưa vận chuyển hết số gỗ đã lấy, Long Vương chơi tiếp cây lụt thứ hai, thứ ba! Thế thì còn gì lũ dân đen là con đỏ của Trời!


Âm phủ

Âm phủ (cõi âm) bên dưới mặt đất, không biết cách sâu bao nhiêu, người sống không biết đường xuống, có biết đường cũng không dám xuống, khi chết thì tất cả đều về đây. Âm phủ có một triều đình do Diêm Vương cai trị, nhân sự đông đảo, tổ chức chặt chẽ.

Âm phủ còn có những cách gọi khác nghe nhẹ nhàng hơn như: nơi chín suối, chốn suối vàng, cửu tuyền, huỳnh tuyền v.v…

Ngày xưa người ta tin chắc là có một cõi âm như thế, bề tôi nếu không làm trọn đạo thần tử, con cháu nếu không biết ăn ở theo nếp nhà, thì sẽ rất xấu hổ, không biết ăn nói làm sao khi xuống suối vàng gặp tiên vương hay ông bà cha mẹ.

Trong chuyện xưa tích cũ có ông Mục Liên một lần được viếng thăm âm phủ, gặp mẹ đang bị giam giữ tra khảo dưới ấy, tìm mọi cách chuộc tội cứu mẹ. Và ông Thủ Huồn cũng một lần được viếng thăm âm phủ, thấy có cái gông to đề sẵn tên phạm nhân chính là ông: Gia Định Nam Việt Thủ Huồn. Về lo tu nhân phát đức, sau được làm vua bên Tàu.

Người chết, xuống Âm phủ  được dẫn giải qua con sông Nại Hà. Nơi đây có một bầy chó ngao hung dữ canh chừng. Ai ở trần gian từ bi đạo đức thì bầy chó nếu không vẫy đuôi chào mừng cũng im lặng để cho đi qua. Ai bất nhân bất nghĩa, nhất là những ai từng ăn thịt chó, thì bầy chó ngao hùng hổ sủa vang, những thuồng luồng thủy quái dưới sông vùng dậy khiến cho người ấy run sợ té nhào xuống sông, tắm bùn tắm máu thất điên bát đảo.

Bọn quỷ sứ đầu trâu mặt ngựa dẫn người có tội đến chỗ tạm giam, có khi phải trải qua không biết bao nhiêu nhục hình tàn khốc, đau đớn nhất là cưa xẻ thân thể bỏ vào vạc dầu sôi. Phụ nữ ngoại tình bị liệt vào hạng trọng tội:
       
Có chồng mà lại lấy trai       
Chết xuống âm phủ cưa hai nấu dầu

Sau khi Âm tòa cứu xét thấy là người tốt, hoặc người xấu đã chịu đủ hình phạt thì được đầu thai cho kiếp sau, đủ tư cách thì lại làm người, giàu hay nghèo, sướng hay khổ tùy từng trường hợp, không đủ tư cách thì làm con trâu, con chó, con heo v.v… tiếp tục trả nợ trần gian. Điều quan trọng là trước khi đi đầu thai qua một quán cháo lú, ăn bát cháo đó vào sẽ quên hết tiền thân.

Tóm lại Âm phủ là nơi phán xét cuối cùng cho một kiếp người. Ngọc Hoàng thượng đế, các vị thần trên cõi cao cũng như các vị thần trên mặt đất có thể khoan dung, nương nhẹ, chứ tòa án cõi âm cứ thẳng băng luật pháp thi hành. Không có sự xuề xòa của Nam Tào, Bắc Đẩu, không có sự dễ dãi của Thiên Lôi, không có tràng cười hồn nhiên của Thổ Địa, không chỉ có những mặt sắt đen sì mà còn những đầu trâu mặt ngựa nữa!


Đất và Người
       
Một người bị vây khổn, bị tẩy chay, thiên hạ bảo rằng “không còn đất sống”. Như vậy, có đất là được sống còn. Khi ta đến một nơi nào đó, hay mua một miếng ruộng miếng vườn, làm ăn tiến triển, thu hoạch khấm khá, đó là “đất cũ đãi người mới”. Đất vốn là một loại tài nguyên thiên nhiên, mỗi con người do tài sức của mình tạo thành của riêng. Sự khó nhọc ấy được miêu tả bằng các hình ảnh đào đất lật cỏ, bán mặt cho đất bán lưng cho trời. Có người sở hữu một diện tích đất mênh mông ruộng cò bay thẳng cánh, đất chó chạy ngay đuôi, trái lại có người một tấc đất cắm dùi cũng không thủ đắc nổi.
       
Đất lành chim đậu. Những trảng gò xanh mướt bông cỏ may, hoa tai bèo, những đầm bãi xăm xắp nước, những bờ doi mép vịnh quyến rũ từng bầy chim. Tương tự như thế, đất dồi dào màu mỡ nuôi sống cây trồng, đất nằm ở vị trí nước ngọt gió lành… sẽ là nơi cho con người quần tụ thành lập xóm làng. Đối với con người còn thêm một yếu tố nữa là người cầm quyền tại quốc gia ấy, địa phương ấy. Vua quan có biết thương yêu dân, lãnh đạo, cán bộ có biết quý trọng dân thì đất mới lành. Nếu trái lại, thành ra đất dữ, đất nghịch, khác nào sống nơi đất trích!
       
Con người sống trên mặt đất được trời che đất chở, nhưng trừ những ai được thừa hưởng gia tài kếch sù ông bà cha mẹ để lại thì dù được che chở bao dung thế nào vẫn phải làm việc để sống, bằng không chỉ có nước cạp đất mà ăn. Tiếc rằng, đất chỉ tạo điều kiện cho ta có cái ăn để sống chứ đất không là thức ăn dành sẵn cho ta cạp mà ăn để sống được.
       
Trăm năm trong cõi người ta chỉ là cõi tạm, sống là gởi trong thời gian thấm thoắt, chết mới là về chốn vĩnh hằng: về với đất. Về với đất, điều thật sự đương nhiên là cát bụi trở lại cát bụi, xương trắng máu đào của ta hòa tan vào lòng đất, lúc sinh ra và lúc chết đi ai cũng chỉ có hai bàn tay trắng. Vàng bạc châu báu không đem theo được. Mồ cao mả lớn chưa hẳn trường tồn trước cuộc bể dâu. Chưa về với (ba tấc) đất khó giữ tấm thân trăm tuổi thì về với (ba tấc) đất rồi cũng khó giữ nấm mồ trăm năm!

TRẦN HUIỀN ÂN    
(Còn tiếp...)