MỘT BỨC TRANH
CHƯA CÓ TỰA
Nguyên Minh
Phác thảo chân
dung Nguyên Minh
dinhcuong
Mấy
ngày nay, không hiểu sao lòng tôi cứ bồn chồn, lo lắng. Sáng dậy sớm việc đầu
tiên là mở máy vào trang Blog Phạm Cao Hoàng xem có thơ đăng của Đinh Cường
chưa. Đây rồi. Nhìn trên kệ sách một. Nhìn trên kệ sách hai. Rồi ba. Rồi bốn.
Rồi năm vẫn xuất hiện đều đều mỗi ngày. Bỗng tắt. Lữ Quỳnh báo tin: tình hình
sức khỏe Đinh Cường hiện giờ rất xấu, các bạn đừng gọi điện thoại cho Đinh
Cường, nhà không có ai bắt máy. Như một thông tin báo động. Liên tiếp các bạn
khác như Nguyễn Xuân Thiệp, Nguyệt Mai, Duyên gởi email cho bạn bè cùng nhau
đọc kinh cầu nguyện cho Đinh Cường thoát
cơn hoạn nạn.
Trong
tòa soạn Quán Văn, một căn phòng nhỏ chỉ trên mười mét vuông, Đoàn Văn Khánh,
Nguyễn Sông Ba cùng tôi đang duyệt bài lần cuối trước khi lên khuôn để in Quán
Văn số Mùa Xuân, tôi đề nghị đưa mấy bài thơ Nhìn lên kệ sách của Đinh Cường vào trang đầu tiên. Nguyễn Sông Ba nói
sẽ lấy tranh tư họa của anh Đinh Cường với cái đầu trọc lóc kèm theo. Chùm bài
thơ nhớ về bạn bè như: Bùi Giáng, Trịnh Công Sơn, Bửu Chỉ, những người bạn đã
ra đi. Đinh Cường nhớ những người bạn thân thiết đó. Những câu thơ đó làm tôi
lại nhớ về Đinh Cường da diết, nhớ về những ngày chúng tôi gặp nhau mùa thu ở miền
đông nước Mỹ. Dù lúc đó anh vẫn quằn quại trong cơn đau sau những lần làm chemo.
Hẹn nhau rồi cùng ngồi trên mấy chiếc ghế cao ngồng, uống mấy ly cà phê Starbucks
nóng tuột lưỡi hay uống vài cốc rượu vang đỏ, khai vị cho một buổi ăn ở một nhà
hàng Việt Nam tại thủ đô Hoa Kỳ. Đinh Cường nhìn tôi đang mơ màng như nhớ ai
đó. Rồi Đinh Cường lấy tờ giấy trắng cùng cây bút đen ký họa chân dung Nguyên
Minh, chú trọng vào đôi mắt u hoài đó. Bức ký họa thứ nhất của Đinh Cường vẽ về
tôi tại Thân Trọng điền trang ở Đà Lạt trong buổi họp mặt sau lần triển lãm
chung giữa Đinh Cường – Thân Trọng Minh – Hoàng Trọng Bân năm 2012. Sau đó Đinh
Cường thường về Việt Nam triển lãm tranh riêng hoăc chung với các họa sĩ thân
tình tại Sài Gòn, Đà Lạt, Huế. Bao giờ cũng có tôi tham dự. Nói thật ra, ngoài
tình bạn, tôi còn là người mê tranh hội họa. Nhất là tranh của Đinh Cường về thiếu
nữ, về các khuôn mặt nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ nổi tiếng như Doãn Quốc Sỹ,
Thanh Tâm Tuyền, Tô Thùy Yên, Bùi Giáng, Nguyễn Xuân Hoàng, Bửu Ý, Trịnh Công
Sơn…, tất cả đều toát lên đúng cái hồn của họ. Những bài thơ của Đinh Cường,
chân thật, như một nhật ký viết bằng văn vần về những buổi gặp gở với anh em
bạn bè, những hoài niệm một thời đã qua, những tình cảm xót xa, những nỗi niềm
thương nhớ. Chính vì những điều đó mà tôi cùng Nguyễn Sông Ba âm thầm chọn lọc và
xuất bản tập thơ TÔI VỀ ĐỨNG NGẨN NGƠ
với sự tiếp sức của Phạm Cao Hoàng và Trần Thị Nguyệt Mai như một món
quà chúng tôi tặng cho người bạn quý – Đinh Cường. Trong chuyến qua Mỹ lần thứ
hai, hành lý của anh em mang theo đầy ắp sách tặng Đinh Cường, ngoài tập thơ TÔI
VỀ ĐỨNG NGẨN NGƠ , còn thêm Tập San Quán
Văn số 14 ra tháng 4 năm 2013, chủ đề: Đinh
Cường, thi sĩ của hoài niệm. Người in sách để tặng và tác giả được tặng
sách đều ôm nhau, xúc động.
Những
ngày gặp nhau, chia sẻ vui buồn trên đất Mỹ với anh em văn nghệ cũng đến lúc
chia tay. Chính giây phút biệt ly này đã làm cho chúng tôi quyết định làm Quán
Văn số đặc biệt Bên dòng sông Potomac,
dù chưa đủ trả hết nợ tình. Tình bằng hữu. Tình văn chương.
Khi
làm Quán Văn số Mùa Xuân, chúng tôi đự định dành một số trang Thơ và Họa của
Đinh Cường. Và đặc biệt hơn hết, Nguyễn Sông Ba tuyển chọn những bức tranh mới
sáng tác và mấy bài thơ minh họa để làm một món quà tinh thần, đón mừng ngày
triển lãm tại Đà Nẵng vào tháng 3 như Đinh Cường đã cho chúng tôi biết khi còn
ở Mỹ. Thân Trọng Minh cũng như Đỗ Hồng Ngọc là những bác sĩ giỏi, cho tôi biết
bệnh tình của Đinh Cường đã đến hồi chuẩn bị kết thúc nhưng với nghị lực kiên
cường, Đinh Cường đến với cái chết chậm hơn.
Chậm
hơn. Chậm hơn.
Như
một điềm báo trước, những bức ký họa của Đinh Cường về Nguyên Minh, Trương Văn
Dân, Elena, Nguyễn Sông Ba đã gần hai tháng mà tôi chưa đem làm khung treo. Tôi
có thể quên nếu không có ai hối thúc.
Nguyễn Sông Ba chở tôi đi tìm nơi đã từng làm khung tranh cho tôi lúc
trước. Đến 3 ngày sau, vào buổi chiều tôi mang về, còn đặt trên kệ sách, buổi
tối đang thiếp ngủ, điện thoại reo báo tin Đinh Cường cừa mới ra đi, không hẹn
ngày về. Chết.
Cả
đêm tôi cứ thao thức, và ray rứt về những dự định chưa thành. Cùng một ám ảnh
về một nụ cười đôn hậu. Cùng một ánh mắt chưa chan tình cảm.
Cậu
em tôi, từ quê gọi điện vào, hỏi tôi xác định tin mới nhất về anh Đinh Cường.
Tôi trả lời. Đi rồi. Tôi hỏi lại: Sơn có thấy anh Đinh Cường giống ai không? –
Ai vậy anh? – Ba mình. Bên kia đầu giây im bặt. Bên này, tôi bật khóc nức nở. Tôi
nhận ra từ ánh mắt của người bạn thân yêu đó trước lúc chia tay nhau. Đinh
Cường lủi thủi đứng trước khuôn viên một quán cà phê, đưa tay vẫy chào. Tôi
giật mình, mơ hồ, ánh mắt này tôi đã nhận được từ một ai đó, từ lâu. Hình ảnh
ba tôi, những ngày ông đang mang cơn bệnh, thân xác tiều tụy, nhưng đôi mắt vẫn
tinh anh, và cái nhìn về tôi, biểu lộ một tình cảm thương yêu. Tôi biết ngày ấy
em tôi quá nhỏ nên chưa nhận ra.
Trong
gia đình tôi, mỗi người mang một niềm đam mê khác nhau. Ba tôi mê bóng đá, ông
đã tửng nuôi cả một đội bóng trong nhà. Mẹ tôi mê chơi tứ sắc. Tôi mê làm báo,
viết văn. Cô em kế mê âm nhạc. Cô hát rất hay, truyền cảm. Em trai út mê hội
họa và sưu tầm đồ cổ. Chuyến qua Mỹ lần này, em tôi đế thăm và mua một bức
tranh của Đinh Cường, mặc dù những lần triển lãm tại Việt Nam tôi đã mua hộ cho
em tôi 2 tấm rồi. Đinh Cường phải tháo khung ra, cuốn tròn bỏ vào một ống nhựa,
như một khẩu B 40, để tôi mang về. Cả hai anh em tôi chưa hỏi Đinh Cường tựa đề
của bức tranh. Về Việt Nam, tôi sẽ email hỏi sau. Tôi có tật hay quên, hay hẹn
lần hẹn lữa. Bây giờ. Đinh Cường mất rồi. Biết hỏi ai đây.
Tôi
viết những dòng chữ này trong cơn xúc động, về nỗi mất mát quá lớn đối với một người
bạn tài danh cùng một nhân cách bao la, đầy tình người.
Đinh
Cường ơi. Vĩnh biệt.
Nguyên Minh
January
10, 2016
Họa sĩ Đinh Cường - Bức tranh – Nguyễn Chí Sơn
Ảnh Nguyên Minh – Virginia, 27.10.2015
Đinh Cường – Nguyên Minh