Tuesday, March 1, 2016

207. TRẦN HUIỀN ÂN Nhất nhì tam tứ trong ca dao (Phấn 1)


Ảnh PCH - 2015



Trong cuộc sống người ta thường sợ miệng lưỡi thế gian lắm điều chê trách. Chê trách kẻ khác, có lẽ là việc rất dễ làm, nhất là với những ai không cần suy nghĩ, không cần uốn lưới dù một lần trước khi nói. Nhưng miệng lưỡi thế gian cũng không tiếc lời khen. Khi chê, chê đến tàn mạt sát đất, khi khen thì khen tận trời xanh. Bởi vì sự khen chê này xuất phát từ đông đảo những người không hề có thẩm quyền phán xét, hoặc nhìn ở góc độ khác đa số ấy có thẩm quyền một cách rộng rãi mà lỏng lẻo, gọi là dư luận.

Dư luận thích điều gì thì điều ấy là nhất. Có khi có nhì, ba, tư…. song nhiều khi chỉ nhất mà thôi. Nhất, với lối nói như thế có thể hiểu là nhất thiên hạ rồi, không còn đâu bằng nữa, song cái thiên hạ này có thể hiểu là một thiên hạ thu nhỏ, một vùng đất, một loại công việc, một nhóm người chỉ năm bảy anh em bè bạn.

Đọc văn học viết, buổi cựu học các cụ ưa dùng chữ Hán, sau đó chuyển sang tân học thì ưa xen chữ Tây, rồi chữ Anh. Ngôn ngữ dân gian tất nhiên cũng ít nhiều chịu ảnh hưởng qua từng chặng của bước đường hội nhập. Hồi Pháp thuộc thỉnh thoảng nghe người dân thôn quê khen chê nhau: ré-biềng, mẹc-xà-lù, lúc Nhật sang thì dô-tô, dô-tô-nai lan đến hang cùng ngõ hẻm, rồi nâm-bờ-oan, nâm-bờ-then, năm nào đó có một số từ hỗn hợp như  số-dách… vân vân. Tuy vậy, những từ này chỉ sống được một thời gian ngắn rồi biến mất, chưa đủ độ lắng, độ nhuyễn để có sức bền đi vào ca dao tục ngữ. Thứ bậc trong tiếng khen dân gian tự đời nào đến giờ vẫn bằng tiếng Việt: nhất - nhất/nhì - nhất/nhì/ba v.v… (Miền Bắc nói nhất, Miền Nam nói nhứt).

Điểm lại những lời khen (nhất/nhì…) trong ca dao tục ngữ thấy có hai nội dung chính. Một là hướng về thiên nhiên, khen ngợi nơi núi cao sông sâu, phong cảnh đẹp đẽ hữu tình. Hai là hướng về xã hội, ca ngợi một sự việc, một góc cạnh nào đó trong cuộc sống. Cũng có trường hợp vừa khen ngợi phong cảnh thiên nhiên vừa khen ngợi cuộc sống của cộng đồng nơi ấy. Hoặc tuy xếp hạng nhất/nhì nhưng không hẳn là khen ngợi mà chỉ đưa ra nhận xét khách quan hay nói đến thứ tự của công việc. Cũng có khi chỉ là thuận miệng, bỏ bớt các tiếng nhất/nhì câu ca dao, tục ngữ vẫn đủ nghĩa.

Đánh giá các cảnh, tình nêu trên, có khi ca dao tục ngữ chỉ đưa ra một nơi, một sự việc và gọi là nhất, duy nhất. Có khi đưa ra hai nơi, hai sự việc xếp hạng: thứ nhất, thứ nhì… nhất thời, nhì thời… Một số trường hợp mở rộng hơn: nhất – nhì – ba và nhất – nhì – tam - tứ.


Phần 1: NHẤT THIÊN HẠ ĐÂY CHĂNG

-Phong cảnh thiên nhiên
                             
1- Nhất sâu là Thái Bình Dương                             
Nhất dài là dãy Trường Sơn chập chồng

Đây là một nhận xét theo tầm nhìn dân gian Việt Nam, đặt Trường Sơn ngang hàng với Thái Bình Dương. Đúng ra phải nói đến Hy Mã Lạp Sơn. Nhưng trong kiến thức phổ thông ngày xưa, nhiều người chưa biết Hy Mã Lạp. Và có một thời, nhiều người gọi Biển Đông là Thái Bình Dương.
                            
2- Nhất cao là núi Tản Viên                                 
Nhất sâu là vũng Thủy Tiên cửa Vường

Núi Tản Viên: Sách Kho tàng ca dao người Việt do Nguyễn Xuân Kính và Phan Đăng Nhật chủ biên (NXB Văn Hóa Thông Tin Hà Nội 1995) chú thích: “Còn gọi là Tản Viên Sơn, núi Tản, núi Ba Vì ở tỉnh Hà Tây, có 3 ngọn, ngọn ở giữa phía dưới thắt cổ bồng, trên xòe ra như cái tán. Núi cao 1281m, có đền thờ Sơn Tinh”. Sách này (sẽ ghi tắt là NXK+PĐN/KTCD) nêu thêm một bản khác câu bát là: “Nhất sâu thì vịnh Thủy Tiên cửa Hoàng”, nhưng không có chú thích về vũng Thủy Tiên (trang 80).

Có lẽ đây là một lời khen vừa phải, khi cho núi Tản Viên là cao nhất, vũng Thủy Tiên là sâu nhất ta hiểu ngay phong cảnh câu này giới hạn trong phạm vi đồng bằng Bắc Bộ.
                                    
3- Nhất cao có một ả trăng                                 
Đến khi trụt xuống cũng bằng ngọn tre

Câu này vừa thể phú, tả hiện tượng thiên nhiên, vầng trăng cao ấy dần dần di chuyền đến khi trụt xuống cũng thấp bằng ngọn tre. Hình ảnh trăng tà này rất đẹp, được nói đến khá nhiều trong ca dao cũng như thơ, nhạc. Vừa là thể tỉ, từ chuyện ả trăng ở nơi cao nhất đến khi trụt xuống ngang bằng ngọn tre tầm thường là một bài học nên ghi nhớ để ứng xử với đời. Không dùng từ ông trăng mà dùng từ ả trăng là có ý muốn nói đến những người đẹp kiêu sa đỏng đảnh.

-Sinh hoạt xã hội
             
4- Nhất nghệ tinh nhất thân vinh
       
Có một nghề tinh xảo là có được một thân vinh hiển. Tức là làm nghề gì mà lành nghề, thạo nghề thì được giàu có. Ngược lại:

Bá nghệ bá tri vị chi bá láp
Trăm nghề trăm biết sẽ chẳng ra sao cả, chỉ là biết qua loa, một cách bá láp mà thôi.

5- Nhất trong là nước giếng Hồi                  
Nhất béo, nhất bùi là cá rô câu

NXK+PĐN/KTCD-tr.1648 nêu thêm 3 bản khác, câu lục là: Nhất trong là giếng nước Hồi - Nhất trong nhất ngọt là nước giếng khơi - Nhất trong nhất mát là nước giếng Hồi.
Câu này có vẻ như khen ngợi phong cảnh thiên nhiên, nhưng chính là nói về sinh hoạt xã hội. Giếng nước do người đào lập để phục vụ cho nhu cầu sống của con người. Cá rô béo và bùi, không phải là cá rô sống dưới nước mà đã chế biến thành món ăn, thuộc về văn hóa ẩm thực.
Nước giếng Hồi trong nhất vùng nào đó. Cá rô câu béo nhất, bùi nhất chắc là được sự đồng tình của đông đảo nhiều người ở nhiều nơi Nam Bắc.
              
6- Nhất đẹp là gái Làng Cầu                  
Khéo ăn khéo mặc khéo hầu mẹ cha

Làng Cầu: tức làng Lam Cầu huyện Duy Tiên tỉnh Hà Nam . (NXK+PĐN/KTCD-tr.1647).
              
7- Nhất ngon là mía Lan Điền                  
Dâu ngoan ngồi đấy, rể hiền ngồi đâu?

NXK+PĐN/KTCD-tr.1647 ghi thêm các bản khác, câu lục: Nhất ngon là mía Lam Điền, câu bát: Dâu ngoan ngồi đấy, rể hiền ngồi đây.

Nhất trong 2 câu này: nhất đẹp, nhất ngon… giới hạn trong một vùng không xác định ranh giới rõ rệt, có thể là năm bảy làng, một tổng, một hay vài huyện, một hay vài tỉnh… người dân có sự liên hệ thường xuyên gần gũi với nhau, hiểu biết nhau khá rõ về phong tục, tập quán.
              
8- Nhất xinh con gái Lam Cầu               
Đói nghèo cay đắng đổ  đầu Quan Nha

Lam Cầu: xem câu 5. Quan Nha: cũng thuộc Duy Tiên tỉnh Hà Nam. (NXK+PĐN/KTCD-tr.1650). Nếu không có chú thích này những người ở xa có thể hiều lầm quan nha là người làm việc quan, nha lại.
Câu này tuy chỉ nói một cái nhất ở câu lục (nhất xinh), nhưng câu bát được hiểu cũng là nhất (đói nghèo cay đắng nhất).
              
9- Nhất vui là chợ Ma Phường                  
Lắm hàng mọi chốn tìm đường đến mua                  
Hàng cau, hàng quýt, hàng dừa                  
Hàng mơ, hàng mận, hàng dưa, hàng hồng                  
Ai lên Yên Thái mà trông                
Trẻ già trai gái vợ chồng dắt nhau

Ma Phường: góc chợ Bưởi giáp với sông Tô Lịch hiện nay, tương truyền xưa kia là bãi tha ma đồng thời là pháp trường nên có tên là  Đống Ma. Làng Yên Thái do đó cũng có người gọi là Đống Ma phường. Một số kẻ mê tín cho rằng chợ Bưởi vào phiên cuối cùng trong năm có cả những người âm phủ lên đi lại lẫn lộn với người trần mua bán nên gọi là phiên chợ Ma Phường (NXK+PĐN/KTCD-tr.1649). Yên Thái: thuộc vùng Bưởi quận Ba Đình Hà Nội. Ở đầu làng Yên Thái có giếng xưa kia nổi tiếng là giếng nước trong. (NXK+PĐN/KTCD-tr.76).

Sinh hoạt của chợ Ma Phường như vậy cũng đáng kể là vui nhất trong vùng. Ở Phú Yên có chợ Ma Liên, theo tương truyền, hồi trước (không biết hồi nào) là chợ kết hợp hai cõi dương âm. Các phu nhân sang trọng của cõi âm đi chợ có kẻ hầu cắp rổ bưng nhiều tiền theo sau. Người trần thế nhận tiền cõi âm, về đến nhà chỉ còn là giấy có in hình đồng tiền hay vàng mã, cho nên phải đặt thau nước một bên, bỏ tiền vào đó thử. Tiền chìm là tiền thật của dương gian, tiền nổi là tiền ma nơi âm phủ. Ca dao Phú Yên có câu:
              
Ma Liên là ma liên tiên              
Đi chợ đem tiền có kẻ theo bưng              
Nhận rồi bỏ nước xem chừng              
Tiền nổi thì chớ, chỉ ưng tiền chìm…
              
10- Nhất ngon là mía Lam Điền                  
Trai khôn kẻ Tó, gái hiền Từ Trung                  
Đôi bên một dải một sông                  
Cùng qua một bến, cùng chung một cầu                  
Muốn cho chim thước bắc cầu                  
Đôi ta phải liệu cùng nhau kẻo mà

Trích theo NXK+PĐN/KTCD-tr.1647. Sách này không có chú thích các địa danh Lam Điền, Tó, Từ Trung. Ở đây tuy là khen mía Lam Điền ngon nhất nhưng thành ra thể hứng để nói về đôi lứa trai khôn gái hiền ở 2 nơi gần nhau. Bởi cách một dỏng sông, nên tuy cùng chung một cầu vẫn vận dụng điển tích chim thước. Ô thước: chim quạ và chim khách. Hai loại chim này cùng có bộ lông màu đen. Tích xưa có vị công chúa nhà trời là Chức Nữ (chuyên nghề dệt vải), được gả cho Ngưu Lang (chuyên nghê chăn trâu), hai người mải mê tình yêu, xao lảng công việc, bị Ngọc Hoàng phạt, đày ra hai bên sông Ngân Hà, mỗi năm chỉ được gặp nhau một lần vào ngày mồng 7 tháng 7, hôm ấy cả bầy ô thước cùng bắc cầu cho hai người đến với nhau. Có câu ca dao:

Khi xưa ai biết ai đâu
Vì chim ô thước bắc cầu sông Ngân.
              
11- Nhất vui là hội chùa Thầy                    
Vui thì vui vậy, sao tày đôi ta
              
NXK+PĐN/KTCD-tr.1649 nêu thêm các bản khác, có câu lục là: Nhất vui thì hội Chùa Thầy, các câu bát là: Vui thì vui vậy chẳng tày Giã La - Vui thời vui vậy chẳng tày vui em. Cũng sách này, nêu hai bản khác không nói nhất vui:

-Bơi Đăm rước hội chùa Thầy
Vui thì vui vậy chẳng tày hội La
-Bơi Đăm, rước Giá, hội Thầy
Vui thì vui vậy chẳng tày rã La.

Và chú thích: Chùa Thầy: Ở chân núi Sài Sơn huyện Quốc Oai, Hà Tây, là nơi Từ Đạo Hạnh tu hành. Trên núi có hang Thánh Hóa, tục truyền là chỗ Từ Đạo Hạnh hóa thân. Chùa Thầy còn có tên là Thiên Phúc Tự, là công trình kiến trúc và điêu khắc có giá trị thế kỉ XVII. Hội Chùa Thầy tổ chức hàng năm vào ngày mồng 7 tháng 3 âm lịch (tr.294) - Vũ Ngọc Phan chú thích: Đăm là làng Tây Tựu, Giá là làng Yên Sở, La là làng La Khê, La Cả đều thuộc Hà Tây (Tục ngữ ca dao Việt Nam, NXB KHXH, Hà Nội 1971, tr.119).

Trong câu này hội Chùa Thầy tuy là nhất vui nhưng vô hình trung đã bị hạ xuống hạng nhì, vì không bằng cái vui của đôi ta. 
              
12- Nhất vui là cuộc hôm nay                   
 Vui thì vui vậy, sao tày đủ đôi
       
Giống như câu 10. Cái nhất đã bị giảm xuống. Cuộc hôm nay là cuộc vui nhất, cuộc vui của hiện tại, có thể áp dụng vào bất cứ lúc nào. Nhưng hôm nay dẫu vui đến mấy, tuy là nhất vui, vẫn không bằng chuyện đủ đôi.

-Sinh hoạt xã hội trong phong cảnh thiên nhiên
              
13- Nhất cao là ngọn núi Vồng                 
Nhất rộng làng Quyển, nhất đông chợ Giầ                    
Nhất đẹp con gái Bù Nâu                    
Cứng cỏi Đanh Xá, cơ cầu Quyển Sơn

Núi Vồng: ngọn núi rất cao ở phía bắc xã Thi Sơn, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam. Làng Quyển: làng Quyển Sơn thuộc tỉnh Hà Nam, đất rộng người đông. Chợ Giầu: thuộc xã Tương Linh huyện Kim Bảng tỉnh Hà Nam. Bù Nâu: thôn Bù Nâu thuộc Ứng Hòa, Hà Tây. Đanh Xá: tức Đinh Xá thuộc huyện Kim Bảng tỉnh Hà Nam. Nơi đây có chùa Bà Đanh (NXK+PĐN/KTCD-tr.1646). Thời chống Pháp, truyện Làng của Kim Lân viết về làng Chợ Dầu. Không biết có phải là Chợ Giầu này chăng?

Câu này trước hết khen ngợi phong cảnh thiên nhiên, ngọn núi Vồng cao nhất. Từ cái nhất ấy liên tưởng đến những cái nhất của cuộc đời, trong một phạm vi có nhiều người cùng biết, làng Quyển rộng nhất, chợ Giầu đông nhất, con gái Bù Nâu đẹp nhất, do số tiếng trong câu cuối hạn chế theo thể thơ vị thứ cứng cỏi nhất và đanh đá nhất được hiểu ngầm.
              
14- Nhất cao là núi Tản Viên                    
Anh còn vượt được lọ duyên cô mình                    
Nhất cao là núi ba tầng                    
Anh còn vượt đươc lọ rừng cỏ may
       
Núi Tản Viên: xem câu 2. Ở đây nói đến độ cao nhất của núi Tản Viên để so sánh với duyên cô mình làm cao. Như vậy có nghĩa là cô mình không cao. Còn núi ba tầng và rừng cỏ may chỉ là nói chung cao và thấp để thấy rằng không có gì trở ngại khi cần vượt qua.
              
15- Nhất cao là núi Ba Vì                    
Chị còn vượt được kể gò cỏ may                    
Nhất giỏi là trai Sơn Tây                   
Chị còn địch được nữa dây bìm bìm

Núi Ba Vì tức là núi Tản Viên. Sơn Tây thuộc Hà Tây. Nay về Hà Nội? Câu này với câu 14 trên là hai mặt của vấn đề, một là phát ngôn của người nam và một là phát ngôn của người nữ. Đều lấy núi Tản Viên (Ba Vì) làm đối tượng cao nhất, vẫn vượt qua được. Người nữ còn kéo thêm chàng trai Sơn Tây vào cuộc để ví với ai đó chỉ là hạng dây bìm bìm, một loại dây nhỏ nơi giồng đồi.
              
16- Nhất cao là núi Tản Viên                    
Nhất lịch nhất sắc là tiên trên trời                    
Cố nhân tìm cố nhân chơi                    
Sao cố nhân chẳng nhớ lời cố nhân

Núi Tản Viên cao nhất, tiên trên trời lịch nhất, sắc nhất. Điều này đã hẳn. Nhưng nói về cố nhân có nhất chăng không thấy xác định. Có thể hiểu là những chuyện nhất ấy của thiên nhiên, của cõi tiên, ở đây cố nhân đi tìm cố nhân mà chẳng nhớ lời nhau. Một dạng thể hứng, dùng cảnh trí gợi mở tình cảm.

Ca dao đồng bằng Bắc Bộ nhiều câu nói đến Tản Viên, Ba Vì… đủ thấy đây là ngọn núi hữu danh một vùng văn hóa rộng lớn.
              
17- Nhất cao là núi Chóp Chài                    
Nhất rộng là bể, nhất dài là sông                    
Nhất giang hồ là kẻ đàn ông                    
Bồng bềnh một chiếc thuyền giong hải hà

Núi Chóp Chài: một ngọn núi thuộc huyện Tĩnh Gia tỉnh Thanh Hóa (không phải núi Chóp Chài ở Miền Nam Trung Bộ). (NXK+PĐN/KTCD-tr.1644). Núi Chóp Chài cao nhất (trong huyện Tĩnh Gia?) được xác định, nhưng biển rộng sông dài chỉ là nói chung để chuyển mạch vào ý tưởng coi người đàn ông phải là kẻ đệ nhất giang hồ.

Ở Phú Yên có núi Chóp Chài tại thành phố Tuy Hòa, tên chữ Hán là Nựu Sơn, người Pháp viết La montagne de l’epervier. Dân chúng địa phương ghép núi này cùng với Hòn Yến, núi Đá Bia, Vũng Rô vào một  hệ thống phong vũ biểu thiên nhiên báo hiệu mưa gió, như trong những câu ca dao:
                     
-Chóp Chài đội mũ                     
Mây phủ Đá Bia                     
Ếch nhái kêu lia                         
Trời mưa như đổ
              
-Lập lòe trời chớp Vũng Rô              
Mây che Hòn Yến, gió vô Chóp Chài

Tuy chỉ có 391m nhưng nằm giữa đồng bằng nên núi trông rất đường bệ và được xem là cao lắm:
              
Ngọn Chóp Chài cao lắm bấy              
Trông hũy trông hoài chẳng thấy người thương

18- Em ơi chị bảo em này      
Nhất mặn là muối, nhất cay là gừng      
Nhất cao là núi Tam Từng      
Chị còn đạp đổ nữa rừng cỏ may     
Nhất đẹp là núi Sơn Tây      
Chị còn chả tiếc nữa dây bìm bìm

Trích theo NXK+PĐN-tr.969. Tuy có nói đên phong cảnh thiên nhiên và gừng cay muối mặn, nhưng là để nói về tâm trạng và phản ứng trước cuộc sống.

19- Nhất cao là núi Đan Nê      
Nhất đông chợ Bản, nhất vui chợ Chùa      
Vải chợ chùa năm quan một tấm      
Em mua về dãi phẩm cho tươi      
Một năm được mấy tháng vui     
Tháng sáu là một, tháng mười là hai.

Câu này trích từ NXK+PĐN/KTCD-tr.1644, nhưng sách không có chú thích các địa danh núi Đan Nê, chợ Bản, chợ Chùa.

Quan: đơn vị tiền tệ ngày xưa, có 10 tiền hay 600 đồng. - Phẩm: bột màu. Hiện nay nhiều người có dùng lầm lẫn tiếng “mực”, như gọi “mực đỏ”. Ngày xưa phân biệt: son = màu đỏ, mực = màu đen, (không thể nói “mực đỏ” được vì mực đen/son đỏ), phẩm là các loại bột màu xanh, vàng, tím, ngại (màu lục).
              
20- Nhất cao là núi Tản Viên                    
Thanh nhàn vô sự là tiên trên đời                    
Tiếng ai như tiếng xứ Đoài                    
Ăn cơm thì ít ăn khoai thì nhiều                    
Mừng nay có chúa Thuấn Nghiêu                    
Gió mưa nhân đức tưới đều muôn dân                    
Sông Lô một dải trắng ngần                    
Thảnh thơi ta rũ bụi trần cũng nên                    
Sông Thao nước đục người đen                    
Ai lên phố Ẻn cũng quên ngày về.

NXK+PĐN/KTCD-tr.1645 có nêu các câu trong những bản khác, như: Gió ơn mưa huệ khắp đều muôn dân - Sông Lô một dải trong ngần – Ai lên phố Ẻn cũng quên đường về…Và chú thích: Thuấn Nghiêu: hai ông vua hiền đức trong lịch sử ở thời kỳ truyền thuyết của Trung Quốc (khoảng thế kỷ 23-24 trước Công nguyên) được coi là các vị vua cai trị một xã hội thái bình (tr.102) – Sông Thao: tức sông Hồng quãng phía trên Bạch Hạc (tr.201) -        Sông Lô: Con sông bắt nguồn từ Vân Nam (Trung Quốc) theo hướng bắc-nam chảy từ Hà Giang xuống Tuyên Quang hợp lưu với sông Gâm, đến Phú Thọ hợp lưu với sông Chảy mà đổ vào Hồng Hà (Theo Lê Văn Đức - Việt Nam tự điển, NXB Khai Trí – SG 1970 – quyển hạ, phần III, tr. 212- Sau đây sẽ viết tắt: LVĐ/VNTĐ).  – Đoài: phương tây. - Xứ Đoài: Xứ Đoài cùng với Xứ Đông, Xứ Nam, Xứ Bắc là tên gọi theo phương vị của bốn trấn Sơn Tây, Hải Dương, Sơn Nam, Kinh Bắc nằm kề cận xung quanh kinh đô Thăng Long. Trong số đó trấn Sơn Tây theo Dư địa chí của Nguyễn Trãi, là trấn thứ hai trong bốn “kinh trấn” và là trấn đứng phên giậu phía tây Thượng Kinh thời Lê… Hồi cuối thế kỉ XIX về trước tên gọi Xứ Đoài hàm nghĩa chỉ một địa vực rộng lớn, tức là bao gồm cả các tỉnh Sơn Tây, Vĩnh Yên, Phú Thọ. Như cương vực đã được hoạch định từ đầu thế kỉ XX này thì cái tên Xứ Đoài chỉ là tỉnh Sơn Tây. (Theo Kiều Thu Hoạch - Xứ Đoài, NXB Văn Hóa Dân Tộc - Hà Nội 2000 – tr.7 và 9).

Trần Huiền Ân
(Còn tiếp…)