Ảnh PCH - 2015
Phần
2: NHẤT – NHÌ
Một cặp vị thứ nhất/nhì thường được đưa ra trong câu tục ngữ ngắn
gọn, gồm 2 vế tiểu đối, có ý nhấn mạnh khiến cho người nghe dễ nhớ. Số câu theo
thể lục bát. Nội dung tương đối phong phú, phản ánh nhiều mặt của cuộc sống.
-Nói về đất nước – con người
21- Thứ nhất Kinh Kỳ, thứ nhì Phố Hiến.
Kể về sự dân cư đông đúc, mua
bán tấp nập, nhất là có nhiều nhà buôn ngoại quốc vào thế kỉ XVI, XVII thì thứ
nhất là kinh kỳ: Kinh đô Thăng Long (Hà Nội ngày nay), thứ nhì là Phố Hiến,
tỉnh lỵ Hưng Yên , nơi có xây Hiến Nam cố cung. Tại đây có thương gia Hòa Lan
đến mở thương cuộc trước nhất vào năm 1637 (Theo LVĐ/VNTĐ, quyển .hạ, phần II, tr. 343 và phần III, tr.200)
22-
Nhất Đồng Nai, nhì hai huyện
Đồng Nai: Còn gọi là Nông Nại và Lộc Dã, nguyên là đất Chân Lạp do
vua Nặc Ông Chân dâng Chúa Hiền năm 1658, nay là tỉnh Biên Hòa, cũng có nghĩa
rộng là Miền Đông Nam Bộ gồm Bà Rịa, Biên Hòa, Gia Định, Sài Gòn (LVĐ/VNTĐ-quyển thượng, phần III, tr.62).
Thời ấy, Đồng Nai thật xa xôi cách trở, đối với Miền Trung (như Phú Yên) thì đó
là một đầu của đất nước (đầu kia là kinh đô Phú Xuân), chính là nơi cho những
kẻ làm trai thỏa mộng giang hồ:
-Rồng chầu ngoài Huế, ngựa tế Đồng Nai
-Làm trai cho đáng nên trai
Phú Xuân đã
trải, Đồng Nai đã từng
-Nhà Bè nước chảy chia hai
Ai về Gia Định,
Đồng Nai thì về…
Nhưng nhờ đất đai rộng rãi và màu mỡ, phần nhiều đã thành thục,
không phải nặng công khai vỡ như Miền Tây Nam Bộ nên Đồng Nai phát triển nhanh,
dân cư đông đúc, làm ăn giàu có, được coi là nhất.
Đồng Nai cũng là tên một
con sông. Còn gọi là Phước Long giang, sông Cam Lộ, sông Hòa Quý, từ cao nguyên
Trung Bộ chảy qua Biên Hòa ra cửa Sói Rạp. Trước tháng 8/1945 một tỉnh đầu
nguồn mang tên Đồng Nai Thượng (người Pháp viết Haut Donnai), sau nhập với Lâm
Viên thành Lâm Đồng.
Hai huyện: Kể về ruộng đất phì nhiêu thì hạng nhất là xứ Đồng Nai,
tức Miền Nam Việt Nam kế đó là hai huyện Phong Đăng và Phong Lộc tức huyện Lệ
Thủy và huyện Quảng Ninh ngày nay thuộc tỉnh Quảng Bình Miền Trung Việt Nam (LVĐ/VNTĐ - quyển hạ, phần II, tr.266).
Huyện Lệ Thủy (Phong Đăng) có dòng sông Kiến Giang, có tổ khúc hò khoan độc
đáo, có đền thờ Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh, người có công mở đất Gia Định,
miếu thờ Dương Văn An, tác giả Ô Châu cận lục. Huyện Quảng Ninh (Phong Lộc) có
núi Đâu Mâu, núi Thần Định, trong thời nam bắc phân tranh có lũy Trường Dực do
Đào Duy Từ chủ trương thiết kế và chỉ huy xây dựng năm 1630 từ chân núi Trường
Sơn đến bãi cát Động Hải.
Vậy Đồng Nai và hai huyện nêu trên là hai nơi giàu có nhất/nhì
trong phạm vi lãnh thổ do Chúa Nguyễn cai trị (cũng gọi là xứ Nam Hà, xứ Đàng
Trong), một ở phía nam và một ở phía bắc.
23- Hiểm nhất Lũy
Thầy, thứ nhì đồng lầy Võ Xá
Lũy Thầy: Người dân Đàng Trong gọi hệ thống thành lũy
phía nam sông Gianh là Lũy Thầy để tỏ lòng tôn kính Đào Duy Từ như bậc thầy của
vua của chúa. Hệ thống này gồm 4 tòa lũy. Đích thân thầy xây 2 lũy Nhật Lệ và
Trường Dục (1630-1631) còn 2 lũy kia do học trò của thầy là danh tướng Nguyễn
Hữu Dật thực hiện (1634-1661). Lũy Nhật Lệ (còn gọi là lũy Đồng Hới) dài 12km,
cao 6m, phía ngoài kè gỗ lim, mặt lũy đắp đất, voi ngựa có thể đi bên trên, lại
có nhiều pháo đài đặt súng quả sơn (loại pháo cổ bắn cầu vồng). Cách đó 20km về
phía nam là lũy Trường Dục dài tới 20km cao 3m chân lũy rộng 6 đến 8m. Hai trăm
năm sau Đào Duy Từ, vua Thiệu Trị hành hương qua hệ thống Lũy Thầy hùng vĩ này,
xúc động đặt cho nó cái tên mới là Định Bắc trường thành để nhớ ơn tổ tiên đã
giữ vững cõi Nam - Võ Xá: thuộc huyện Quảng Ninh tỉnh Quảng Bình, ruộng bùn lầy
rất độc hại. Trước đây khi Trịnh Nguyễn phân tranh lần đại chiến thứ 4 (1648)
quân Trịnh bị quân Nguyễn tập kích tại vùng này, thiệt hại rất nặng nề (Lê Văn Hảo - Việt Nam văn hiến ngàn năm, thời tiền Nguyễn – đọc qua internet).
Như vậy Lũy Thầy và Võ Xá là hai nơi hiểm yếu đã giúp Chúa Nguyễn
chống lại Chúa Trịnh trong thế kỉ XVII.
Một câu ca dao khác:
Khôn ngoan qua cửa Sông La
Dễ ai có cánh bay qua Lũy Thầy
Sông La : ở Hà Tĩnh.
24- Thứ nhất là hội Dóng,
Dâu
Thứ nhì Vó, Bưởi không đâu
vui bằng
Hội Dóng ở huyện Gia Lâm, Hà Nội, hội chùa Dâu ở huyện Thuận Thành,
tỉnh Bắc Ninh, hội làng Vó (tức Quảng Bố) ở xã Quảng Phú, huyện Lương Tài, tỉnh
Bắc Ninh, hội làng Bưởi (tức Đại Bái) ở huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh (Nguyễn Xuân Kính chủ biên, Kho tàng tục ngữ
Việt Nam, NXXB Văn Hóa Thông Tin
2002, trang 2594 - Từ đây sách này ghi tắt NXK-KTTN)
25- Thứ nhất là đình Đông
Khang
Thứ nhì Đình Bảng, vẻ vang dình Diềm
Đình xã Đình Bảng huyện Tiên Sơn, Hà Bắc. Nguyễn Thạc Lượng, Trấn
thủ Thanh Hóa khi cáo quan về làng đứng ra xây dựng đình vào năm 1736, trên thế
đất lưng con nhện ôm bọc cả làng, nhìn xuống con ngòi dấu tích của dòng sông
Tương. Bên ngoài các đao đình đồ sộ, cong như cánh sen. Lòng đình có 7 gian
chính, 2 gian chái, tất cả có 60 cột gỗ lim dựng chân trên tảng đá xanh. Bên
trong nghệ thuật chạm khắc đặc sắc với hàng trăm hình rồng phượng, long mã…
Đình thờ thần Núi (Cao Sơn), thần Nước (Thủy Ba), thần Đât (Bạch Lê) và lục tổ
phục hưng lại làng. Đình Đông Khang nay không còn. Đình Bảng nổi lên hàng đầu
(Theo Từ điển văn hóa cổ truyền Việt Nam, Hữu Ngọc chủ biên, NXB Thế
Giới HN 1995, tr.231-232). Sách này không nói gì về đình Diềm (?).
26- Thứ nhất thành Tây
Giai, thứ hai thành Yên Mỗ
Thành Tây Giai thường gọi là thành Nhà Hồ, ở huyện Vĩnh Lộc, là một
công trình kiến trúc bằng đá khối rất đồ sộ (những thành khác trong nước đều là
thành đất), cửa Nam và cửa Bắc lớn hơn, cửa Đông và Tây hẹp hơn, do Hồ Quý Ly
chủ trương xây dựng làm kinh đô nước Đại Ngu, nên còn gọi là Tây Đô (Đông Đô là
Thăng Long). Thành Yên Mỗ ở huyện Nông Cống do tướng quân Nguyễn Chích xây dựng
để chống quân Minh xâm lược. Cả hai thành đều thuộc tỉnh Thanh Hóa.
27- Nhất gái La Hai, nhì
trai Đồng Nghệ
La Hai: Nay là thị trấn huyện lỵ huyện Đồng Xuân, trong vùng tây
bắc tỉnh Phú Yên. Ban đầu thuộc địa phận tổng Hạ huyện Đồng Xuân, từ năm 1832
thuộc tổng Xuân Sơn huyện Đồng Xuân, từ năm 1899 thuộc tổng Xuân Phong huyện
Đồng Xuân, từ năm 1949 thuộc xã Xuân Long huyện Đồng Xuân, từ năm 1975 là thị
trấn La Hai. Ngày xưa gọi là La Thai, thời chiến tranh giữa hai nhà Nguyễn là
cứ điểm quan trọng, xảy ra nhiều trận đánh lớn, với hai tên tuổi gắn liền là
Long Vân hầu Nguyễn Long (tướng của Nguyễn vương) và Tham đốc Phạm Văn Điềm
(tướng của nhà Tây Sơn) - Đồng Nghệ: thuộc xã Xuân Sơn Nam huyện Đồng Xuân.
Câu này phía bắc Phú Yên có bản khác là: Nhất gái La Hai, nhì trai
Đồng Ké. Đồng Ké cũng thuộc xã Xuân Sơn Nam huyện Đồng Xuân. Phía nam Phú Yên
có bản khác là: Nhất gái La Hai, nhì trai Đồng Cọ. Đồng Cọ thuộc xã Hòa Thịnh
huyện Tây Hòa.
Nhiều khi người ta chỉ nói Gái
La Hai, trai Đồng Nghệ (Đồng Ké, Đồng Cọ). Tương tự như: “Trai Ngũ Thạch,
gái Bàu Hương – Trai An Thái, gái An Vinh – Trai Cầu Vồng, Yên Thế, gái Nội
Duệ, Cầu Lim…”. Chúng tôi nghĩ như vậy có lẽ đúng hơn, hai tiếng “nhất, nhì”
chắc là về sau do thuận miệng thêm vào.
Con gái La Hai đẹp, con trai Đồng Nghệ (Đông Ké, Đồng Cọ) khỏe
mạnh, con trai Đồng Nghệ còn giỏi võ nữa. Thế nhưng khi nói câu này người ta
ngầm hiểu là bên cạnh cái đẹp, cái khỏe ấy có nghĩa hiểu ngầm là đa tình, dục
tính cao. Việc này cũng bình thường, nhưng thiên hạ không muốn nhận, không muốn
nói ra.
28- Thứ nhât là tội đeo
gông
Thứ nhì vùng Bưởi nằm
không có màn
Vùng Bưởi: Chỉ chung mấy xã thuộc tổng Trung huyện Vĩnh Thuận
trước thời kỳ thuộc Pháp có 2 nghề nổi tiếng là nghề làm giấy (làng Hồ Khẩu,
làng Yên Thái) và nghề dệt lãnh (làng Bái Ân, làng Trích Sài). (Theo NXK+PĐN/KTCD tr.280). Phải chăng vùng
Bưởi nhiều muỗi? Yên Thái với nghề làm giấy gợi nhớ câu:
Mịt mù khói tỏa ngàn sương
Nhịp chày Yên Thái nước gương Tây Hồ.
29- Thứ nhất ông Cai, thứ
hai ông Đề
Ông Cai, tức Cai Kinh, tên đầy đủ là Hoàng Đình Kinh, quê ở huyện
Hữu Lũng, đời Lê thuộc trấn Kinh Bắc, nay thuộc tỉnh Lạng Sơn, lãnh đạo nhân dân
chống Pháp cuối thế kỉ XIX. Ông Đề tức Đề Thám, tên đầy đủ là Hoàng Hoa Thám, lãnh
tụ cuộc khởi nghĩa Yên Thế (tỉnh Bắc Giang) chống Pháp cuối thế kỉ XI X đầu thế
kỉ XX (NXK-KTTN tr. 2597).
30- Thứ nhất Ba Giai, thứ
hai Tú Xuất
Hai nhân vật sinh vào thời Tự Đức, nổi tiếng thông minh, giỏi về
thơ trào phúng, là cặp bài trùng chọc phá thiên hạ để làm trò cười. Ca dao có
nói:
Hễ ai mà nói dối ai
Thì mồng một tết Ba Giai
đến nhà.
Tên đầy đủ của Ba Giai là Nguyễn Văn Giai, người làng Hồ Khẩu huyện
Vĩnh Thuận, sau là huyện Hoàn Long tỉnh Hà Đông, nay là quận Ba Đình thành phố
Hà Nội, tác giả Hà Thành chính khí ca. Tú Xuất, trong
NXK-KTTN tr. 2585 ghi: “ … chưa
rõ họ tên. Theo Trương Vĩnh Ký, Tú Xuất quê ở Chương Đức nay thuộc tỉnh Hà Tây”.
Có lẽ phải thêm: Nay thuộc Hà Nội.
31- Nhất quế nhị lan
Nhất xinh nhất lịch khôn ngoan trăm chiều
Người ngoan ai chả nâng niu
Hoa thơm ai chả chắt chiu trên cành
Là thú hữu tình
Vì huê nên phải lánh mình tìm huê
Cho trọn một bề
Câu hát quan họ Bắc Ninh. Trích từ NXK+PĐN/KTCD tr.1648.
Quế: Cây có vỏ cay dùng làm vị thuốc. Thần thoại Trung Quốc cho
rằng trên cung trăng có cây quế, nơi Hằng Nga ở, hiểu rộng ra là nơi các nữ
nhân quý phái ở, gọi là thềm quế. Lan:
Một thứ cỏ quý trồng làm cảnh, hoa nở về mùa xuân. Nói về một ngôi nhà đẹp hoặc
ta tôn quý gọi là nhà lan. – Một thứ cây tên là mộc lan cao lớn, lá hình quả trứng,
hoa bên ngoài sắc tím đậm, bên trong tím lạt. Theo Bửu Kế trong Tầm nguyên từ điển NXB Khai Trí SG 1978 tr. 287 thì tại sông Tầm
Dương (Trung Quốc) có rất nhiều cây mộc lan do ngày xưa vua Ngô Hạp Lư cho
trồng để lấy gỗ làm cung điện. Lỗ Ban đẽo gỗ mộc lan làm thành chiếc đò, gọi là
lan châu. Lại có từ “quế trạo lan tương” chỉ mái chèo làm bằng cây quế và cây
mộc lan.
Trong câu này nhất quế nhị lan là để so sánh với nhất xinh, nhất
lịch của người nữ nói đến ở dưới, nên có thể hiểu theo nhiều nghĩa dẫn trên:
cây quế/hoa lan, cây quế/cây mộc lan, quế trạo/lan châu, quế trạo/lan tương…
đều thấy hợp lý.
32- Thứ nhất sự kẻ anh
hùng
Thứ nhì sợ kẻ bần cùng khố dây
(Bản khác: Thứ nhì sợ kẻ cố
cùng liều thân)
Thật vậy! Vì:
Ở đâu cũng có anh hùng
Ở đâu cũng có thằng khùng thằng điên.
Kẻ bần cùng khố dây thì có gì để mất đâu, nên chẳng nể vì ai, sẵn
sàng liều thân, đáng sợ lắm chứ!
-Phong
tục - Tướng mạo
33- Nhất sĩ nhì nông
Theo sự sắp đặt trong xã hội Đông Phương ngày trước thì kẻ sĩ (trí
thức) là nhất, sau đó đến nhà nông. Nhưng kinh tế rất quan trọng, nên bên cạnh
có câu:
Nhất sĩ nhì nông, hết gạo chạy rông nhất nông nhì sĩ
34- Nhất
cận thị, nhị cận giang
Trong việc chọn nơi ở thì một là gần chợ, hai là gần sông. Ngày
trước, việc giao thông đường bộ chưa thuận tiện lắm nên chợ cũng thường gần
sông để việc vận chuyển hàng hóa dễ dàng.
Một câu ca dao Miền Bắc:
Sơn Đồng - Kẻ Gốm không xa
Cách một cái quán cách ba quãng đồng
Bên dưới có sông
Bên trên có chợ
Ta lấy mình làm vợ nên chăng?
Tre gìà để gốc cho măng…
Theo Toan Ánh thì: Xã Sơn Đồng thuộc tỉnh Sơn Tây cách xã Gốm
huyện Lập Thạch tỉnh Vĩnh Yên không xa. (Tạp
chí Bách Khoa SG - số 315 ngày
15/2/1970 tr.25). Bên dưới có
sông, bên trên có chợ, đúng là cả cận giang và cận thị.
35- Nhất trưởng nam, nhì
con út
Theo phong tục Miền Nam thì các con trong gia đình trưởng nam có
bổn phận chính, giữ vai trò số một, thứ nhì là con út. Việc thụ hưởng tài sản
được phân bổ cũng vậy. Quyền lợi đi đôi với nghĩa vụ. Nhà giàu thì đã hẳn, nhưng
nhà nghèo con út còn gì, tuy vậy vẫn phải gánh trách nhiệm này, cho nên lại có
câu an ủi về mặt tình cảm:
Giàu út ăn, khó út chịu
36- Thứ nhất đẻ con trai, thứ hai đỗ ông Nghè
Ngày xưa, trong ba tội bất hiếu,
vô hậu (tuyệt tự = không có người nối tiếp dòng dõi) là tội lớn hơn cả, bất hiếu
hữu tam, vô hậu vi đại, nên sinh con trai là hạnh phúc nhất, sau đó đến việc đỗ
ông Nghè, danh vọng rạng rỡ, đẹp cả họ hàng, làng xã.
37- Nhất gái hơn hai, nhì trai hơn một
Trong hôn nhân người ta cho rằng đẹp đôi nhất là con gái hơn con
trai hai tuổi, thứ đến là con trai hơn con gái một tuổi. Không rõ căn cứ vào
đâu để có nhận định này. Hay chỉ nhằm mục đích bào chữa cho những cuộc hôn nhân
con gái lớn hơn con trai. Tuy vậy cũng giới hạn sự chênh lệch, sợ nếu cách nhau
nhiều quá sau này người vợ chóng già sẽ mất đi sự cân xứng nên đưa ra khoảng cách
hai tuổi, bảo rằng con gái lớn hơn hai là tốt nhất.
38-
Nhất góc ao. nhì giao đình
Cất nhà nên tránh trước nhất là ngay góc ao, kế đó là ngay giao kỷ
(chỗ nóc giáp với cái chái) chính một ngôi đình (LVĐ-VNTĐ, quyển hạ, phần II,
tr.266).
Người ta cũng không cho đòn dông nhà này thẳng với đòn dông nhà
kia, đâm đòn dông vào nhau là điều kiêng kị. Nhà ở thôn quê thoạt nhìn tưởng như
thẳng hàng nhưng xem rõ thì có trồi sụt trước sau để cho đòn dông không dâm
nhau.
39- Thứ nhất khoa thi, thứ
nhì bọc đỗ
Bọc đỗ là một hình thức săn hổ phổ biến ở nhiều địa phương tỉnh Phú
Thọ cũ. Khi biết có hổ về, người ta chọn một khu rừng hổ thường lui tới, rào vây
lại, trong đó nhốt một con lợn, hổ vào bắt mồi, cửa rào sập xuống. Người phường
săn đứng trên thang cao ném cây và bắn xuống con hổ. Mọi người vây quanh hò
reo, khua chiêng trống, gõ mõ để uy hiếp con thú, xỉa giáo mác qua rào. Khi con
thú đã mệt người tra quăng lưới chụp bắt. Bọc đỗ có khi kéo dài ba bốn năm ngày.
(NXK-KTTN tr. 2592). Trên tạp chí Tân Văn - SG, số Xuân Giáp Dần 1974
Nguyễn Văn Xuân cũng có thuật chuyện tương tự ở Quảng Nam, gọi là “vây hội”.
Trong dịp vây hội (bắt hổ) hàng quán dựng bên ngoài hàng rào, mọi người đến xem
ăn uống say sưa. Những hành động chòng ghẹo, đùa cợt của nam giới với nữ giới nếu
có quá trớn cũng được tha thứ. Tác giả kể, lần ấy có một chàng trai phấn khích
quá, vác bà huyện (còn trẻ) chạy một vòng mà không bị trách mắng gì cả. Vậy thì,
bọc đỗ = vây hội, cũng đáng là hội vui và trong đó phong tục dễ thương.
40- Nhất thủ nhì vĩ
Nhất là đầu, nhì là đuôi. Trong lễ cúng, phẩm vật dâng tế có khi
là một con heo, có khi đơn giản hơn thay thế bằng đầu heo và đuôi heo (thủ vĩ).
Đuôi heo tuy nhỏ nhưng không có thì không đủ lễ.
Người ta thường đem câu này áp dụng khi có một tập họp năm bảy
người, lớn nhất coi như là thủ, nhỏ nhất coi như là vĩ, được xếp vào hàng cần
thiết, có vai trò quan trọng nhất/nhì. Bây
giờ cũng vậy, người lớn tuổi nhất được kính trọng, người nhỏ tuổi nhất được yêu
mến.
41- Nhất chứng phi, nhì
chứng quả
Một người chứng thì còn nghi ngờ, e là không phải, hai người chứng
thì được coi là đã chắn chắn, quả quyết rồi.
42- Nhất tội, nhì nợ
Ở đời, hai việc này nên tránh. Một là phải tội, bị tù, bị gông
cùm, đày ải, lao dịch, xa nhà cửa vợ con. Hai là mắc nợ, phải chạy ngược chạy
xuôi, bị kêu réo, mắng nhiếc xấu hổ, có khi phải trốn lánh.
43- Thứ nhất quan sai, thứ
hai nợ đòi
Quan sai đi việc công, chuyện nhà cửa của ta phải gác lại, nhiều
khi trễ nãi, thật khổ hơn nợ đòi, vì nợ đòi có khi còn hẹn lại được.
44- Thứ nhất tờ sai, thứ
hai nhà nợ
Tờ sai là tờ trát quan đòi. Bị quan đòi, không biết lành dữ thế nào,
lành ít dữ nhiều, thường bị nạt nộ, chửi bới, đánh đập, nên người dân rất sợ. Thấy đem tờ sai đến sợ hơn thấy chủ nợ.
45- Thứ nhất tờ sai, thứ
hai nhà vợ
Những chàng trai khi làm rể phải giữ gìn lời ăn tiếng nói, ra vào
trình thưa theo khuôn phép, phải lo nhiều công việc, dễ bị bắt bẻ, nỗi sợ gần
như khi đến cửa quan.
46- Nhất voi một ngà, nhì
người ta một mắt
Theo tự nhiên thì việc gì thiếu quân bình sẽ sinh ra khác tính.
Con voi phải đủ hai ngà, con người phải đủ hai mắt. Từ đó, thiên hạ cho rằng
voi một ngà hung dữ hơn voi hai ngà, heo rừng một nanh cũng vậy. Lại cho rằng
người một mắt hung dữ hơn người đủ hai mắt. Có thể do bị tiếng đời chế nhạo, xỏ
xiên, họ phải chống lại rồi trái nết chăng? Thực tế thấy nhiều người một mắt
rất hiền. Hay là do một mắt trông có vẻ dị tướng rồi gán ghép cho họ tính hung
dữ? Câu này có khi chỉ vào phụ nữ:
Nhất voi một ngà, nhì đàn bà một mắt.
Vì một mắt, nhan sắc bị khiếm khuyết, tư cách bị hạ giá, thật đáng
thương cho họ. Và đáng trách dư luận.
47- Nhất lé, nhì lùn
Đây là những người dị tật. Người lé mắt không nhìn thẳng được,
người lùn thiếu vẻ phong độ, thiên hạ vẫn nghĩ là dị tật thì dị tánh. Cho nên,
nếu những người này có làm điều gì khác đời một chút hay có khuyết điểm gì, có
hành động không hay, hành động xấu, dư luận lại vin vào đó mà chê bai, dè bỉu
hay ít nhất cũng là mỉa mai!
48- Nhất ruồi sa, nhì xà
chắn
Đang ăn cơm mà có con ruồi sa vào chén (hay trước mặt?) hoặc vừa
ra khỏi nhà để đi công việc mà gặp rắn bò ngang là hai điềm lành, sẽ gặp may
mắn. Về việc gặp rắn này, còn có câu:
Gặp rắn thì đi, gặp quy thì về.
Rắn báo điềm lành, rùa báo điềm không may, ít nhất do chữ Hán, quy
có nghĩa là về.
-Đối nhân xử thế
Nói về đối nhân xứ thế, trước hết phải là trong gia đình, đối với
cha mẹ, rồi ra học đường, thầy và bạn, tình làng nghĩa xóm, tiếp theo là xã hội
rộng lớn.
49- Thứ nhất cha già, thứ nhì nhà ở
Tục ngữ còn nói: Con có cha
như nhà có nóc. Còn cha già và có nhà ở là hai điều quan trọng trong cuộc sống.
Cũng là hai việc mà phận làm người phải lo lắng.
50- Thứ nhất chọn thầy,
thứ nhì chọn bạn
Là hai điều quan trọng để ta vào đời, chọn thầy để học được nhiều điều
hay, lẽ phải, kiến thức, chọn bạn mà chơi bởi gần mực thì đen, gần đèn thì sáng
và học thầy không tày học bạn.
51- Nhất cận thân, nhì cận lân
Trong cuộc sống thứ nhất là phải sống gần gũi, đối xử tốt với
người thân thích họ hàng, tiếp theo là sống gần gũi, đối xử tốt với người láng
giềng, người trong xóm. Ngày ngày tiếp xúc, vui buồn chia sẻ, lúc tối lửa tắt
đèn, gặp khó khăn hoạn nạn láng giềng là người giúp đỡ ta sớm nhất. Bổ sung cho
câu này, láng giềng được đánh giá cao qua câu:
-Bán bà con xa mua láng giềng gần
-Bà con ở xa không qua láng giềng ở gần
52- Nhất cận nhì viễn
Tuy là bà con hay quen thuộc cả, nhưng lẽ thường người ở gần vẫn
được trước do thuận tiện hơn, người xa chịu phần sau do cách trở hơn, cả trong
việc thăm viếng nhau, cũng như khi có món quà biếu tặng. Điều này ai cũng chấp
nhận.
53- Nhất có râu, nhì bầu
bụng
Có râu là người già nua tuổi tác. Bầu bụng là phụ nữ mang thai.
Đây là những người phải được kính trọng, thương mến. Trong gia đình cũng như
ngoài cộng đồng tất cả phải giúp đỡ họ, không để họ làm việc nặng, nên nhịn
lời, nhường bước, dành cho họ mọi sự ưu tiên, các tiện nghi tốt nhất, không
giành giật, chen lấn. Việc kính trọng người già còn hàm ý mai sau ta cũng sẽ
già như họ:
Kính già, già để tuổi cho
-Công việc
54- Nhất phá sơn lâm, nhì
đâm Hà Bá
Hai việc khó khăn của một thời lưu dân khai hoang vỡ hoá. Xẻ núi
chặt rừng để tạo ra ruộng đất: phá sơn lâm - khai mở sông nước, đào ao, đắp đập
để trồng trọt lúa bắp, hoa màu: đâm Hà Bá. Thông thường, người lãnh đạo một
cộng đồng muốn thành công trong việc phá sơn lâm đâm hà bá phải biết tính toán
kế hoạch, am hiểu địa hình, thủy thổ, có tài chỉ huy, đạo cao đức dày, cương
quyết và độ lượng, nghiêm nghị và thân ái, được tất cả kính trọng và thương mến
mới có thể hoàn thành được.
Câu này cũng có thể chỉ nói “Phá sơn lâm, đâm Hà Bá” cũng để chỉ
hai việc quan trọng, đòi hỏi phải có đầu óc tổ chức, chỉ huy, sự cương quyết,
can đảm, nhưng thêm “nhất/nhì” tạo một ấn tượng mạnh mẽ hơn. Cũng là trường hợp
thường gặp ở một số câu khác.
55- Nhất tạo gia, nhì ca
xướng
Hai việc khó khăn, vất vả và tốn kém nhiều trong thời cuộc sống đã
ổn định. Tạo gia là làm nhà, phải có kế hoạch trước, có tiền bạc mua sắm vật
liệu, ngày xưa tìm đủ một nét gỗ không phải dễ, nếu là gỗ quý càng khó, rồi
rước thợ, coi sóc, đôn đốc, giải quyết những chuyện phát sinh nữa. Sau đó mừng
tân gia, cúng ba năm…thật nhiêu khê. Ca xướng tức là tổ chức hát bội, để mừng việc gì thành đạt hay tạ ơn đất
nước ông bà, cũng phải có kế hoạch, lo tiền bạc để mua vật dụng, trả công thuê
mướn, và nhờ vả bà con trong xóm trong làng, chọn gánh hát, chọn tuồng diễn,
chọn người có uy tín mời họ đến cầm chầu khai tiên, lo việc cất rạp, mời khách
xa gần và bà con đến dự, ngã heo gà làm cỗ bàn đãi đằng v.v… lại lo cho mọi sự không
có gì sơ xuất, thất thoát, suốt thời gian hát được yên ổn chu toàn.
56- Thứ nhất làm văn cho
hay, thứ nhì cầm cày cho vững
Làm văn cho hay thì đậu đạt nên danh, cầm cày cho vững thì thu hoạch
nhiều lúa nhiều khoai, gia đình no ấm, sung túc. Đây cũng là quan niệm nhất sĩ
nhì nông và nhất nghệ tinh nhất thân vinh.
57- Nhất cày ải, nhì rải
phân
Kinh nghiệm của người làm nghề nông. Ở Phú Yên cày ruộng đất lần
thứ nhất gọi là cày vỡ, lần thứ hai gọi là cày trở, lần thứ ba, thứ tư gọi là
cày ải hay cày thục, cho đất thật ải, thật thục, nghĩa là mềm nhuyễn, không còn
tảng, không còn sệt để hạt dễ nảy mầm, cây dễ sống. Tiếp theo là việc rải phân
thúc cho cây lớn nhanh, đủ sức kết quả. Đất thật ải thì việc rải phân càng tốt
hơn, phân dễ thấm đều vào lòng đất, dễ đến với rễ cây.
Có nơi đọc là: Thứ nhất cày nỏ, thứ nhì bỏ phân.
58- Nhất thì, nhì thục
Thì: thời, thời vụ. Thục: chín, thành thuộc. Đây cũng là kinh
nghiệm nhà nông. Trồng trọt phải đúng thì: theo thời tiết, mưa nắng, nóng lạnh,
tính toán thời vụ cho phù hợp. Ruộng đất phải cày bừa cho thành thuộc (như đã
nói ở câu cày ải trên đây). Làm đúng hai điều ấy thì sẽ có vụ mùa thành công.
59- Thứ nhất tốt mồi, thứ
nhì ngồi dai
Kinh nghiệm của những người câu cá. Trước hết là phải có mồi thơm,
mồi thích hợp với cá. Sau nữa, nếu đã chọn đúng địa điểm, phải có sự bền chí
chờ đợi. Như vậy mới câu được nhiều cá.
Câu này còn được hiểu với nghĩa bóng, muốn “câu” ai - một người
đẹp chẳng hạn -, muốn nhờ vả, cầu cạnh một việc khó thì phải có lễ vật tốt,
phải bỏ công sức đi lại mòn đường chết cỏ, năn nỉ dai dẳng mới được.
60- Thứ nhất thả cá, thứ
nhì gá bạc
Theo Lê Văn Đức trong VNTĐ
quyển hạ, phần I, tr.1494 thả cá có hai nghĩa là: bỏ cá xuống ao xuống hồ
để nuôi hay thả xuống sông để làm phước (LVĐ nêu ví dụ bằng tục ngữ này) và
thách cá, cá độ. Gá bạc: chứa cờ bạc lấy xâu, cho vay ngắn hạn mà lời nhiều (LVĐ/VNTĐ, quyển thượng, phần I, tr.514).
Nếu hiểu thả cá theo nghĩa phóng sinh thì không thể đi đôi
nhất/nhì với gá bạc. Hiểu theo nghĩa nuôi cá thì đây là một cách làm ăn chân
chính, liệu có nắm chắc thu nhập như lấy xâu cờ bạc và cho vay không? Hiểu theo
nghĩa cá độ thì việc này cũng may rủi bấp bênh lắm, so sánh với việc chứa bạc
và cho vay, cũng có thể bị chạy làng chăng?
61- Nhất chập choạng, nhì
rạng đông
Đây là lúc giao thời giữa ngày và đêm, tranh tối tranh sáng, cảnh
vật nhìn chưa thấy rõ. Câu này được dùng trong nhiều trường hợp, bao gồm cả
khen, chê và nhìn nhận vô tư. Vào các thời điểm ấy có những việc nên làm, có
những việc không nên làm, có những việc của kẻ sáng trí biết tranh thủ, có
những việc của kẻ mưu mẹo biết lợi dụng.
-Ẩm thực
62- Nhất bì, nhì cốt
Nói về việc ăn thịt gà. Ngon nhất là da, thứ nhì là xương. Người
trẻ hay có tuổi mà răng còn chắc thích ăn xương gà, nhai hai đầu xương, hút
tủy, coi là ngon hơn ăn thịt. Miền Nam luộc thịt gà rồi xé ra chứ không chặt.
Khi dọn ăn thường người ta sắp thành 2 dĩa, một dĩa thịt, một dĩa xương để thực
khách tiện dùng.
63- Nhất phao câu, nhì đầu
cánh
Cũng chuyện ăn thịt gà. Phao câu là nhất rồi đến đầu cánh, phần
gắn liền cánh với thân mình, không phải chót cánh bên ngoài. Có người gọi đó là
âu cánh (Nhất phao câu, nhì âu cánh). Tuy vậy cũng có người chê phao câu béo
quá! Có người nói đầu cánh là đầu gà và cánh gà. Đầu gà ngon nhờ tủy não. Giá
trị của nó được xác định trong câu sau đây:
Dồng dộc lót ổ toòng teng
Lấy chống thầy thủy chóc
chen ngầy ngà
Ngầy ngà thì mược ngầy ngà
Ngày mai tui có đầu gà tui
nhai
Chóc chen: tiếng thầy gõ tang lúc cúng kính. Ngầy ngà: có nghĩa là ồn ào, không phải là
rầy la. Mược: mặc, mặc kệ. Một câu khác nói đến các thầy, trong đó có chuyện
đầu gà của thầy thủy như sau:
Thầy chùa lùa bánh cúng.
Thầy thủy chỉ đầu gà.
64- Thứ nhất gạo lúa can,
thứ nhì gan cá bống
Lúa can : (?) Chưa rõ là giống lúa gì. Cá bống: Cá nước ngọt, nhỏ,
có nhiều loại: cá bống trứng (dài độ 2cm,), cá bống dừa (dài độ 15cm), cá bống
mú (dài độ 30cm), cá bống kèo, cá bống tượng, cá bống thệ…
65- Nhất bồ câu ra ràng,
nhì bắp rang rưới muối
Bồ câu thì người ta chỉ ăn thịt bồ câu ra ràng thôi. Nhiều câu ca
dao nói về cái ngon của chim ra ràng. Trong tiểu thuyết Lan và Hữu xuất bản trước năm 1945, Nhượng Tống có dẫn bài thơ tức
sự khi nhân vật xưng tôi được bạn của ông nội khen học giỏi và bảo làm bài thơ
vịnh tổ chim di, đã ứng khẩu đọc, có nhắc tới chim ra ràng:
Một tổ chim di được bốn
con
Chưa lông chưa cánh hãy
còn non
Bao giờ cho nó ra ràng nhỉ?
Gắp chả mời ông nhắm rượu
ngon
Bắp rang rưới muối là món ăn dân dã ở nhà quê, vào ngày mùa đông
quây quần quanh bếp lửa ấm, rang bắp ăn và trò chuyện. Khi bắp chín, đổ ra rổ,
đưa lên lửa hơ và rưới nước muối, sàng qua sàng lại. Sức nóng làm cho nước muối
khô, thấm vào hạt bắp, ăn giòn giòn mặn mặn. Bây giờ cái ngon của món này chỉ
còn lại trong trí tưởng những người lớn tuổi xa quê ra sống ở thành thị, mỗi
lúc buồn buồn nhớ lại thời trai trẻ.
66- Thứ nhất lạc rang, thứ
nhì khoai lang nướng
Hai món ăn dân dã có hương vị thơm, giòn, bùi rất thú vị, nhất là
vào những ngày đông lạnh, ngồi sưởi ấm quanh bếp lửa hồng.
67- Thứ nhất môi cá chép,
thứ nhì mép cá trê
68- Thứ nhất môi cá khóa,
thứ nhì má cá lăng
Môi cá chép, mép cá trê, môi cá khóa, má cá lăng đều mỏng dính cả.
Vì ít nên cho là ngon chăng? Hay chỉ là nói vui về những món khó có để thưởng
thức đủ một miếng.
-Như nói đùa mà thật
Những câu dưới đây vốn là nói vui, đùa với nhau, nhưng trong đó
mang một sự thật, sự thật như đùa, được nhiều người đồng ý.
69- Nhất vợ, nhì trời
Ai cũng coi trời là nhất, cầu trời, vái trời, kêu trời, nhưng ai
cũng dám qua mặt trời, bởi trời vô hình quá, xa xôi quá. Ai cũng sợ vợ, ít nhất
là nể vợ - chỉ trừ đôi kẻ vũ phu - người trí thức càng nể vợ, sợ vợ vì e ngại
tai tiếng ầm ĩ. Cho nên vợ là nhất. Ông nào cũng nghe lời vợ:
Lệnh ông không bằng cồng
bà!
70- Thứ nhất chặt tre, thứ
nhì ve gái
Chặt tre rất khó, nhất là chặt một cây tre giữa bụi. Phải làm sao
ta không bị gai cào, tre ngã đúng hướng, không làm hư hao những cây khác chung
quanh, phải rong, dọn trước, chặt xong phải dẹp hết nhánh ngọn thừa v.v… Người
chặt tre cần nhiều kinh nghiệm trong việc này.
Ve là tán tỉnh. Ve gái được coi là việc khó gần như chặt tre, cũng
phải rong dọn loại bỏ những trở ngại trước, phải tính toán định hướng để không
bị phản ứng bất lợi, đạt được kết quả.
71- Nhất gái một con, nhì
thuốc ngon nửa điếu
Người phụ nữ qua một lần sinh nở cơ thể phát triền hoàn toàn đầy
đủ, lúc này đẹp một cách hấp dẫn hơn tuổi con gái. Thuốc hút được nửa điếu có
một phần nhựa đọng bên trong thành ra đậm đà hơn. Đây là một lời thú nhận của
cánh nam nhi trước nhan sắc phụ nữ một con, cũng là để bào chữa nếu chàng trai
bị chê là mê đắm người đã một lần là sản phụ.
72- Thứ nhất cu ra ràng,
thứ nhì nàng hết cữ
Cu ra ràng là bồ câu ra ràng, như đã nêu ở câu 65. Nàng hết cữ là
người phụ nữ sau khi sinh nở đã trở lại nhịp sống bình thường, cơ thể có sức
hấp dẫn. Câu này và câu trên (71) gần như nhau.
73- Thứ nhất thịt bò tái,
thứ nhì gái đương tơ
Thịt bò tái ngon mềm, gái đương tơ trẻ đẹp dễ gây cảm xúc. (NXK-KTTN tr. 2604 ghi là dẫn của Vũ
Dung - Từ điển thành ngữ tục ngữ Việt Nam)
Chúng tôi xếp các câu 71, 72, 73 và mục “nói như đùa” vì đã đem người
phụ nữ ghép với thuốc lá và món ăn, có phần dung tục. Quan niệm coi thường nữ
giới đó ngày nay bị phản bác, tuy rằng bên trong ở “phút nói thật” không ít người
tán đồng.
74- Nhất hay chữ, nhì dữ
đòn
Nói về việc gởi con em đi học. Một là chọn ông thầy hay chữ, tức
là hiểu biết nhiều và có phương pháp giáo dục tốt. Hai là chọn ông thầy dữ đòn
(ngày xưa thầy thường đánh học trò) để cho đứa trẻ sợ mà lo học. Đây là hai
cách ông bà ta cho là hiệu nghiệm để trẻ
học giỏi, với quan niệm cha mẹ dạy con, thầy dạy trò: Thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho ngào. Sợ sự ngọt ngào làm cho đứa trẻ hư, người ta nói:
Thương để trong bụng, đừng cho biết.
75- Nhất hay chữ, nhì giữ
ăn
Một là mình hay chữ, học giỏi, làm thầy thiên hạ, được thiên hạ
mang lộc đến cho. Nếu không thì hai là lo thủ phận, giữ lấy của mà ăn, đừng
tính chuyện ơn nghĩa thành ra phí phạm. Một ý tưởng thực dụng.
76- Nhất đẹp trai, nhì
chai mặt
Châm ngôn của những người gọi là đi tán gái. Điều thuận tiện thứ
nhất là đẹp trai, dễ được các cô mê. Nếu không thì áp dụng chiến thuật thứ hai,
tuy có phần hạ cấp, đó là chai mặt, cứ tới, tới hoài, ngồi dai, lân la mãi, bị
xua đuổi cũng bám theo trò chuyện, rồi cũng có ngày cái cây ta cưa phải đổ,
người con gái xiêu lòng chấp thuận.
Một câu ca dao khác cùng ý tưởng thực dụng này:
Rộng đồng thì gió thổi
luôn
Gái khôn trai dỗ lâu buồn
cũng xiêu.
77- Nhất chơi tiên, nhì
giỡn tiền
Thú của kẻ ăn chơi trác táng. Tiên được hiểu là người đẹp, các kỹ
nữ, các người sống bằng nghề son phấn. Giỡn tiền là đánh bạc. Câu này cũng có ý
nói hai việc nhất/nhì ấy dễ đi đến tiêu tan danh vọng, khuynh gia bại sản.
78- Nhất Kiểm lâm, nhì
Khâm sứ
Khâm sứ là quan Tây thời Pháp thuộc cai trị cả Trung Kỳ bảo hộ,
chỉ huy các Công sứ các tỉnh, quyết định mọi việc trong xứ, dưới Toàn quyền
Đông Dương, trên cả vua An Nam. Thế nhưng thiên hạ cho rằng anh Kiểm lâm còn
hơn quan Khâm sứ một bậc, đủ biết ở nơi rừng núi quyền hạn anh ta đến mức nào!
79- Thứ nhất quận công,
thứ nhì không nhà
Quận công là một tước lớn thời trước, ở dưới tước công, sống một
cuộc đời sung sướng, chẳng bận tâm lo nghĩ gì. Người không nhà tự cho là mình
có kém chăng là kém quận công một bậc thôi, vì đâu có nhà cửa gì để phải bận
tâm lo nghĩ nữa.
Cũng có người hiểu “không nhà” chẳng phải là hạng nghèo mạt, mà là
hạng làm quan, thuyên chuyển nơi này nơi khác, sẵn tư thất nhà nước dành cho,
việc gì phải cất nhà. Ở Huế, các họ Thân, Đặng, Hà là đại gia, không ai có nhà,
vì toàn ở tư thất, không ai làm dân, vì toàn làm quan, nên có câu:
Thân Đặng Hà thiên hạ vô
gia
Hà Đặng Thân thiên hạ vô
dân
80- Thứ nhất quận công,
thứ nhì iả đồng
Ở thôn quê ngày trước không có nhà cầu, mọi người đi tiêu ngoài
đồng ruộng, bờ bụi, bãi sông (gọi là đi đồng, đi bụi, đi sông…). Ngồi nhìn ngắm
trời mây cây cỏ, có thể là lúc phương đông ửng hồng, lúc bóng chiều đã ngã hay
lúc trăng thanh gió mát, để làm công việc đệ tứ khoái cũng rất thú vị, nên có
người nói coi là sướng gần bằng bậc quận công:
81- Thứ nhất quận công,
thứ nhì không khố!
Khố rách áo ôm là hạng bần hàn cơ cực. Không khố lại cho là sung sướng
chỉ kém hàng quận công, chắc là do…mát mẻ.