Ảnh PCH - 2015
Phần 3: NHẤT – NHÌ – BA
Cũng
gồm các nội dung: nói về đất nước - con người, phong tục, công việc, thực tế
cuộc sống, giao tiếp…
82- Nhất cao là núi Ba Vì
Thứ ba Tam Đảo, thứ nhì Độc Tôn
Ba
Vì: tức núi Tản Viên đã chú thích ở câu 2. Tam Đảo: Dãy núi ở phía bắc Vĩnh Yên
và Phúc Yên (Bắc Bộ), cao 1.800m, chạy song song với sông Đáy (LVĐ/VNTĐ quyển
hạ phần III tr. 216). Độc Tôn: (?)
83- Hà Nội băm sáu phố phường
Hàng Mật, Hàng Đường, Hàng Muối trắng xoa
Thứ nhất là hội Hàng Hoa
Thứ nhì Hàng Mã, thứ ba Hàng Vàng
Trắng
xoa: Nghe như thơ Bút Tre. Hàng Hoa: Hàng Bông, vì phải ép vần với trắng xoa.
Một câu khác tuy không sắp xếp thứ bậc nhất nhì nhưng chỉnh hơn và nghe hay
hơn:
Hà Nội băm sáu phố phường
Hàng
gạo, hàng đường, hàng muối trắng tinh
84- Thứ nhất Cổ Bi, thứ nhì Cổ Loa, thứ
ba Cổ Pháp
Xã
Cổ Bi nay thuộc huyện Gia Lâm, Hà Nội, trước đây nổi tiếng là có kiểu đất đế vương.
Xã Cổ Loa nay thuộc huyện Đông Anh, Hà Nội, là kinh đô nước ta thời An Dương vương
khoảng nửa sau thế kỉ thứ III trước Công nguyên, hiện còn di tích. Cổ Pháp nay
là xã Đình Bảng, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, là quê của Lý Công Uẩn, cũng là nơi
có lăng tẩm tám vua Lý ( Theo NXK-KTTN tr. 2587)
85- Thứ nhất là chùa Đức La
Thứ nhì
chùa Bổ, thứ ba chùa Dền
Ba
thắng cảnh ở tỉnh Bắc Giang. Chùa Đức La còn gọi là Vĩnh Nghiêm tự, nay thuộc
huyện Yên Dũng, vào thời Trần là trung tâm của Phật giáo Việt Nam. Chùa Bổ Đà xây
dựng dưới triều Lê trung hưng , qua nhiều
lần trùng tu, là quần thể kiến trúc đẹp ở huyện Việt Yên. Chùa Dền thuộc tổng
Thọ Xương cũ, nay thuộc thị xã Bắc Giang, đầu thế kỉ XX bị tháo dỡ, dời xuống cạnh
thành Dền (Theo NXK-KTTN tr.2593).
86- Thứ nhất là đồng Quảng La
Thứ nhì đồng Biển, thứ ba đồng Sầy
Ba
cánh đồng thuộc xã Biển Động, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang, có tiếng là rộng
và bằng phẳng. (NXK-KTTN tr.2594).
87- Thứ nhất là vực Tam Soa
Thứ hai vực Phố, thứ ba vực Nầm
Ba
vực trên sông La và sông Ngàn Phố tỉnh Hã Tĩnh có nhiều cá to, ngon. (NXK-KTTN
tr.2596)
88- Nhất canh trì
Nhì canh viên
Tam canh điền
Trì:
ao, viên: vườn, điền: ruộng. Đào ao nuôi cá, trồng cây lập vườn và canh tác
trên đồng ruộng là ba việc làm của nhà quê. Đây nói về sự gia công, tỉ lệ
nghịch với diện tích, ao nhỏ hơn vườn, vườn hẹp hơn ruộng, nhưng việc chăm sóc
thường xuyên tỉ mỉ thì theo thứ tự trên.
89- Nhất duyên, nhì phận, tam phong
thổ
Nói
về việc xuất giá của người phụ nữ. Đồng thời là việc cư trú của nói chung nhiều
người. Một là phải có duyên với nơi ấy để gặp gỡ, hai là phải có phận để gắn bó
và ba phải là nơi hợp phong thổ để có thể ở lại lâu dài và có điều kiện phát
triển.
90- Nhất mẹ, nhì cha, thứ ba bà ngọai
Tình
yêu thương tự nhiên của một con người. Trước hết là yêu thương mẹ cha, tiếp
theo là bà ngoại vì trong hàng ông bà thì bà ngoại gần gũi với cháu nhất, cưng
chiều cháu nhất.
91- Thứ nhất là tu tại gia
Thứ nhì tu chợ, thứ ba tu chùa
Tu
tại gia, không nhất thiết phải làm cư sĩ, mà là hiếu thảo với ông bà cha mẹ,
thân thiết với anh em bà con họ hàng, yêu thương con cháu, không làm điều gì hổ
danh tổ tiên, việc tuy đơn giản mà khó. Việc buôn bán, cách giao tế nơi chợ búa
phải đúng đắn, không gian lận, không xô bồ ồn ào, biết nhường nhịn nhau, đó là
tu chợ, cũng là việc khó. Còn như tu ở chùa, mọi việc đã ổn định, sẵn sàng, lo
chuyên chú kinh kệ, đời sống không bị quấy rầy, xét ra dễ dàng hơn tu nhà và tu
chợ.
92- Nhất thì bộ Lại, bộ Binh
Nhì thì bộ Hộ, bộ Hình cũng xong
Thứ ba thì được bộ Công
Nhược bằng bộ Lễ, lạy ông xin về
Sáu
bộ trong nội các của triều đình ngày xưa. Bộ Lại: nội vụ, bộ Binh: quốc phòng,
bộ Hộ: tài chánh, bộ Hình: tư pháp, bộ Công: công chánh, bộ Lễ: ngoại giao,
giáo dục. Câu này hàm ý việc kiếm chác quyền lợi qua chức vụ đảm trách ở triều
đình. Như bây giờ khi được nhận vào làm việc người ta hay hỏi: Làm chỗ đó “có
ăn” không? Cho bộ Lễ thì lạy ông xin về, chứng tỏ ngày xưa việc ngoại giao và
giáo dục không kiếm chác được gì. Đi sứ nước ngoài đâu có mua hàng ngoại mang
về, cũng không đổi tiền đô, trong khi đó chỉ đạo và quản lý việc dạy học không
nghiêm, sẽ bị trị tội.
93- Thứ nhất gần mẹ gần cha
Thứ nhì gần giếng thứ ba gần đình
Gần
mẹ gần cha để được nhờ cậy, gần giếng đỡ công đi gánh nước xa. Còn gần đình,
tiện lợi hay không tiện lợi e khó rõ ràng!
94- Thứ nhất thì đỗ Thám hoa
Thứ nhì vợ đẹp, thứ ba ỉa đồng
Thám
hoa: Đậu thứ ba trong đệ nhất giáp của
kỳ thi đình: 1-Trạng nguyên, 2-Bảng nhãn, 3-Thám hoa. Thám hoa là đệ nhất giáp
tiến sĩ đệ tam danh.
Câu
này có ý giống như phần phụ câu 80.
95- Thứ nhất thì đỗ thủ khoa
Thứ nhì vợ đẹp, thứ ba ỉa đồng
Thủ
khoa: đậu đầu khoa thi. Các cụ Buì Hữu Nghĩa, Nguyễn Hữu Huân được gọi là Thủ
khoa Nghĩa, Thủ khoa Huân. Vợ đẹp ai cũng thích, còn điều thứ ba: Sao các cụ
khoái ỉa đồng thế?
96- Thứ nhất Thái Đức gan gà
Thứ nhì Lưu Bội, thứ ba Mạnh Thần
Gan
gà: màu men giống như màu gan gà nấu chín. Thái Đức, Lưu Bội, Mạnh Thần: tên ba
loại bình chén xưa có tiếng, dùng pha trà, được ưa chuộng vì giữ được hương vị,
độ ấm.
Nhiều
người không quen, khi uống trà đậm đi tiểu suốt đêm, bảo đùa là uống trà “Thái
Đức” (nói lái = thức đái).
97- Nhất thời đom đóm vô nhà
Nhì thời chuột túc, thứ ba bông đèn
Ba
điều người ta cho là điềm lành báo trước sự tốt đẹp. Đom đóm từ ngoài sân ngoài
vườn bay vô nhà, chuột túc và tim đèn cháy nở ra giống như nụ hoa.
Khi
đom đóm vào nhà người ta không cho trẻ con bắt. Bảo rằng bắt đom đóm sẽ đánh vỡ
(làm bể) chén dĩa. Thật khó kiểm chứng đúng sai, vì trẻ con không bắt đom đóm
cũng thường đánh vỡ chén dĩa.
98- Thứ nhất thì quản voi già
Thứ nhì trầu miếng, thứ ba sãi
đò
Voi
già đã được huấn luyện thành thục, người nài dễ điều khiển, trầu miếng đã được
têm sẵn, lúc cần ăn (nhai trầu) có ngay. Đó là hai điều thoải mái. Còn sãi đò?
Có người nói “sải đò”, tức là khi đò đi thuận dòng, ông lái chống những sải
dài, thật thong thả nhàn nhã. Phải vậy chăng?
99- Nhất thời vợ dại trong nhà
Nhì thời nhà dột, thứ ba nợ đòi
Ba
điều khổ, đáng buồn. Tục ngữ có những câu như:
Chồng
cái đó vợ cái toi - Của chồng công vợ …
nhưng
vợ dại tức là không biết làm ăn, không biết chăm lo gia đình con cái, không
biết bảo quản tài sản, thật là điều bất hạnh lớn cho người chồng. Nhà dột, chỗ
nào cũng nước, chỗ nào cũng ướt, hứng chỗ này dột chỗ kia, khổ lắm,. Và nợ đòi,
như đã nói ở câu trên: Nhất tội nhì nợ.
Câu
này được dùng mở đầu một bài vè, tiếp theo là:
Suy
đi tính lại mà coi
Nhà
dột không sợ, nợ đòi không ghê
Chỉ
lo một nỗi hiền thê
Khờ
khờ dại dại trăm bề khổ thay
(tiếp
theo kể những chuyện dại dột của vợ)
100- Thứ nhất vợ dại trong nhà
Thứ hai nhà dột, thứ ba rựa cùn.
Ai
đã làm nhà quê, đi rừng, đi rẫy thì biết nỗi khổ khi dùng rựa cùn. Chặt cây
không được, bứt dây không xong, chỉ muốn quăng đi mà thôi!
101- Thứ nhất vợ dại trong nhà
Thứ nhì trâu chậm, thứ ba dao cùn
Cả
ba câu đều cho rằng vợ dại là việc khổ nhất của người đàn ông, vì người vợ quán
xuyến hết mọi việc trong nhà để đàn ông lo việc đồng áng hoặc công vụ. Bởi vậy
mới gọi vợ là nội tướng. Cũng nghe đã có
những câu đưa ra giải đáp:
-Trâu
chậm thời anh bán đi
Dao
cùn đánh lại, vợ thì làm sao ?
-Vợ
dại thời đẻ con khôn
Trâu
chậm chắc bước, dao cùn dễ băm
-Vợ
dại thời đẻ con khôn
Trâu
chậm lắm thịt, dao cùn chịu băm
102- Thứ nhất thì mồ côi cha
Thứ hai gánh vã, thứ ba buôn thuyền
Ba
nỗi vất vả của đời người. Về việc mồ côi cha, có câu khác như:
Còn cha gót đỏ như son
Đến khi cha chết gót con đen sì
Gánh
vã là lao động thể xác cực nhọc, buôn thuyền phải tính toán lao tâm, ngày đêm lênh
đênh cùng sông nước, cùng được đưa kế tiếp vào nỗi khổ sau chuyện mồ côi cha.
103- Nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò
Ba
hạng phá phách nhất, đáng sợ nhất ngày xưa. Học trò đây là những người lớn,
chưa thi cử đỗ đạt, chứ không phải đám nhóc con thò lò mũi xanh. Bây giờ người
ta cũng dùng để chỉ đám học trò tiểu học, tức là lũ nhóc con, tuy không còn thò
lò mũi xanh.
Trước
năm 1975 ở Miền Nam học sinh tư thục hoang đàng hơn học sinh công lập, câu này
thành ra: Nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò tư thục.
Rồi
sinh viên trường nào quậy nhất thì gắn tên trường vào, như: Nhất quỷ, nhì ma,
thứ ba học trò xây dựng (hoặc sư phạm, kiến trúc v.v…).
104- Nhất lý, nhì lì, thứ ba liều mạng
Một
cách “khôn” trong việc ứng xử. Một là đúng lý, sống và làm việc theo pháp luật,
có việc gì nhờ cơ quan công quyền quyết định theo pháp luật. Không được thì
chuyển sang bước hai là lì, có việc gì cần cứ đeo đuổi mãi, lúc nào được mới
thôi, ai mắc nợ ta ta đòi cho kỳ được, ta mắc nợ ai cứ ì ra đó khoan trả, có
khi họ chịu thua, bỏ qua. Thứ ba là liều mạng, ta hay nói liều mạng trành, thí
mạng cùi, đem cái mạng không ra sao của ta ra đối chọi với cái mạng của người
khác họ cho là quý báu, rốt cuộc họ phải nhân nhượng, phần thắng về ta.
105- Thứ nhất thì tội hàng hoa
Thứ nhì hang mã, thứ ba hàng vàng
Đây
là những món hàng kể vào hạng xa xỉ, tạo cho con ngừa tánh ưa se sua, chưng
diện, có thể đưa đến điều không hay.
Phần 4: NHẤT – NHÌ
– TAM - TỨ và…
106- Nhất sĩ, nhì nông, tam công, tứ
cổ
Bảng
sắp hạng thứ bậc sang hèn trong xã hội xưa. Nhất sĩ: hạng trí thức, nhì nông:
người làm nghề nông, tam công: người làm thợ, tứ cổ (thương): người buôn bán. Nhưng
cũng có câu nói lại đã nêu ở các phần trước, đặt cao giá trị một nghề tinh xảo:
-Nhất
nghệ tinh nhất thân vinh
Hoặc
thứ tự bị đảo ngược khi hoàn cảnh thay đổi:
-Nhất
sĩ nhì nông hết gạo chạy rông nhất nông nhì sĩ
107- Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ
giống
Bốn
điều quan trọng trong nghề nông: một là phải đủ nước tưới để hạt nẩy mầm, sống
và tăng trưởng, hai là phải đủ phân bón để cây trái sum sê, ba là phải cần cù
siêng năng chăm bón, và sau hết phải chọn giống tốt mới được mùa.
108- Nhất bạch, nhì thanh, tam huỳnh,
tứ hắc
Cách
xếp hạng kỳ nam theo tính chất, màu sắc. Nhất: bạch kỳ nam, trắng mềm, nhiều
chất dầu, nhì: thanh kỳ nam, màu xanh, đúng dầu thì mềm, chưa đúng dầu thì
cứng, ba: huỳnh kỳ nam: màu vàng, cứng, để lâu khô dầu trở nên nhẹ, bốn: hắc kỳ
nam: màu đen, cứng luôn luôn như trầm kiến (LVĐ/VNTĐ quyển hạ, phần II, tr. 266).
Lê
Quý Đôn viết: “Kỳ lam hương xuất tự đầu núi các xã thuộc hai phủ Bình Khang và
Diên Khánh xứ Quảng Nam là thứ tốt nhất, xuất tự Phú Yên và Qui Nhơn là thứ
hai. Hương ấy là do ở một cây gió kết thành. Gió có 3 loại: gió lưỡi trâu thì
thành khổ trầm, gió niệt thì thành trầm hương, gió bầu thì thành kỳ lam hương.
Người ta thấy cây già lá vàng mà nhỏ, thân cây nhiều u bướu, biết ngay là có
hương, chặt mổ để lấy. Sắc sáp trắng là tốt nhất, sắc xanh đầu vịt là thứ hai,
sắc sáp xanh là kém nữa, sắc sáp vàng lại kém nữa, sắc như vằn hổ là kém nhất,
lấy chất mềm như phấn đông có thể cắt thành miếng là hạng tốt nhất, bền rắn là
hạng xấu. Tục ngữ nói: Nhất bạch, nhì thanh, tam hoàng, tứ hắc…” (Phủ biên tạp
lục, quyển 6: Vật sản, phong tục - Đỗ Mộng Khương, Nguyễn Trọng Hân, Nguyễn
Ngọc Tĩnh dịch, NXB Khoa Học, HN 1964, tr.331-332)
109- Nhất điểu, nhì ngư, tam xà, tứ
tượng
Nói
về sự lanh lẹ của các loài vật trên thế gian, phân loại thượng cầm hạ thú: nhất
là loài chim, nhì là loài cá, thứ ba là loài rắn, thứ tư là loài voi. Tượng là
con vật lớn nhất coi như tượng trưng cho hạ thú. Thật ra tính chung thì loài có
vú chạy bằng bốn chân vẫn là chậm hơn chim bay, cá lội, rắn bò.
110- Nhất Liệu, nhì Hanh, tam Hoành,
tứ Hiến
Thường
gọi là Quảng Nam tứ hùng. Bốn vị học giỏi nổi tiếng ở Quảng Nam thời kỳ chữ Hán
thay nhau đỗ thủ khoa ở các khoa thi hương: Phạm Liệu, Huỳnh Hanh, Võ Hoành,
Nguyễn Đình Hiến.
Phạm
Liệu, quê làng Trường Giang huyện Điện Bàn, đậu giải nguyên (thủ khoa Cử nhân)
năm 1894 lúc 22 tuổi, Tiến sĩ năm 1898, một trong “ngũ phụng tề phi” của Quảng
Nam (năm ấy Quảng Nam có 5 vị đậu đại khoa, 3 Tiến sĩ: Phạm Liệu, Phan Tuấn,
Phan Quang, 2 Phó bảng: Ngô Chuân, Dương Hiển Tiến, được vua Thành Thái ban cho
4 chữ này thêu trên một tấm biển với hình 5 chim phụng cùng bay), làm quan đến
Thượng thư bộ Binh, được phong tước Trường Giang nam. Một trong “năm cụ hồi
hưu” năm 1933 (cùng lúc với các Thượng thư Nguyễn Hữu Bài - bộ Lại, Võ Liêm -
bộ Lễ, Tôn Thất Đàn - bộ Hình, Vương Tứ Đại - bộ Công).
Huỳnh
Hanh tức Huỳnh Thúc Kháng, hiệu Mính Viên, quê làng Thạnh Bình huyện Tiên
Phước, đậu giải nguyên năm 1900 lúc 25 tuổi, hội nguyên tiến sĩ năm 1904. Hoạt
động trong phong trào Đông du, chống thuế bị đày Côn Đảo năm 1908, năm 1921
được trả tự do, năm 1926 đắc cử Trung Kỳ dân biểu và được bầu làm Viện trưởng,
sau đó từ chức để phản đối Khâm sứ Pháp Jabouille, năm 1227 chủ trương báo
Tiếng Dân tại Huế, làm chủ nhiệm kiêm chủ bút báo này (báo bị đình bản năm
1943). Năm 1946 làm Bộ trưởng bộ Nội vụ, Chủ tịch hội Liên hiệp quốc dân Việt
Nam (Liên Việt), quyền Chủ tịch chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa khi Chủ
tịch Hồ Chí Minh cùng phái đoàn sang Pháp điều đình. Mất ngày 24/4/1947 tại
làng Hành Phong huyện Nghĩa Hành tỉnh Quảng Ngãi. An táng tại núi Thiên Ấn. Để
lại nhiều tác phẩm có giá trị chữ Hán, chữ nôm và quốc ngữ.
Võ
Hoành, quê làng Long Phước huyện Duy Xuyên, đậu giải nguyên năm 1903 lúc 22
tuổi, đậu Phó bảng năm 1910, làm quan đến Tri huyện, chưa rõ sau thăng có chức
gì.
Nguyễn
Đình Hiến, quê làng Trung Lộc Đông huyện Quế Sơn, á khoa Cử nhân năm 1900 lúc
29 tuổi, đậu Phó bảng năm 1910, làm quan đến Thị lang bộ Lại, năm 1919 làm chủ
khảo khoa thi hội cuối cùng. Là thầy dạy địa lý cho vua Khải Định, cũng là
người chọn nơi xây lăng Khải Định.
111- Nhất Đạc, nhì Ke, tam Ma, tứ Bích
Bốn
Công sứ bạo ngược nhất ở Bắc Kỳ thời Pháp thuộc, gọi là tứ hung: nhất Đạc
(Darles), nhì Ke (Eckert), tam Ma (Delamarre), tứ Bích (Bride). (Theo LVĐ/VNTĐ
quyển ha, phần II, tr. 266).
112- Nhất Sĩ, nhì Khinh, tam Vinh, tứ
Trác
Câu
này trong phạm vi tỉnh Phú Yên, thời kháng chiến chống Pháp. Khi các chức vụ
đầu ngành chưa phải là đảng viên đảng Cộng sản, có 4 vị trí thức là đối tượng
được chú ý để tuyên truyền kết nạp: một là ông Trần Sĩ, Hiệu trưởng trường
trung học Lương Văn Chánh, hai là ông Huỳnh Khinh, Trưởng ty Bưu điện, ba là
ông Trương Đình Vinh, Trưởng ty Thuế vụ, bốn là bác sĩ Phạm Như Trác, Trưởng ty
Y tế. Kết quả bốn vị ấy đều vào đảng, nhưng chỉ có bác sĩ Trác đi tập kết ra
Miền Bắc. Ở lại Miền Nam, ông Trần Sĩ tiếp tục dạy trường tư, ông Huỳnh Khinh hồi
ngạch bưu điện (có làm thơ Đường luật với bút hiệu Hồng Khanh), không rõ ông Trương
Đình Vinh thế nào.
113- Nhất Thắng, nhì Thanh, tam Chinh,
tứ Trưởng
Câu
này chỉ phổ biến ở Miền Nam trước năm 1975. Khi ấy nạn tham nhũng hoành hành,
trong quân đội nhiều tướng được dân gian tặng cho các danh hiệu, loại hỗn danh,
không mấy đẹp dẽ, riêng có 4 tướng được coi là “tướng sạch” (không nghe dư luận
kết tội tham nhũng) đó là: 1. Nguyễn Đức Thắng – 2. Nguyễn Viết Thanh – 3 Phan
Trọng Chinh – 4. Ngô Quang Trưởng.
114- Nhất lé, nhì lùn, tam hô, tứ rỗ
Một
câu loại coi tướng, căn cứ vào dị tật của người ấy: mắt lé, thân lùn, răng hô,
mặt rỗ, cho là người gian xảo, không đứng đắn. Hễ những người có dị tật như
trên làm điều gì không hay, người ta nhắc câu này, coi như hành động của họ đã
được báo trước qua hình dáng rồi.
115- Nhất bạch, nhì khoang, tam hoàng,
tứ đốm (vện)
Một
số người ăn thịt chó xếp hạng thịt ngon dở theo màu lông con vật: một là chó
trắng, hai là chó khoang, ba là chó vàng, bốn là chó đốm (hoặc vện). Có thể
thuận miệng nói cho vui, như thêm câu dưới đây.
116- Nhất mực, nhì vàng, tam khoang,
tứ đốm (vện)
Lại
chuyện ăn thịt chó.
Một
là thịt chó mực, hai là thịt chó vàng, ba là thịt chó khoang, bốn là thịt chó
đốm (hoặc chó vện).
Thử
hỏi vị thứ trong câu nào đúng hơn, bạch là nhất hay mực là nhất?
117- Thứ nhất bà chúa Thanh Hoa
Thứ nhì bà Bối, thứ ba Thạch Sùng
Thứ tư Hà Nội Cống Sùng
Thứ năm cô Đỏ giàu vùng Đông An .
Thạch
Sùng: Tên một người giàu nổi tiếng đời Tấn bên Tring Quốc. Ông cùng với Vương Khải, Dương Tú kết bạn.
Thạch Sùng sống rất xa hoa. Về sau, do Tôn Tú gièm pha, Sùng bị Triệu Vương Luân
giết giữa chợ. Tương truyền sau khi chết Sùng hóa kiếp thành con thằn lằn (con
mối) vì tiếc của nên tắc lưỡi mãi. Vì vậy con thằn lằn (mối) cũng gọi là thạch
sùng. (Theo NXK+PĐN/KTCD tr. 159). Ở Miền Nam, trong dân gian có chuyện Thạch
Sùng thi giàu, ông thua đối thủ vì không có cái mẻ kho (trã bể kho cá) nên bị
chiếm mất hết gia tài, liền tự tử, hóa thành con thằn lằn. Phê phán những kẻ
khoe giàu, người ta hay nói: “Thạch Sùng còn thiếu mẻ kho. Như vậy đâu đã giàu
mà lên mặt”. Câu này mới nghe sẽ không hiểu nhất nhì về điểm gì. Nhưng nhờ tên
tuổi Thạch Sùng và với dòng 4, ta biết là nhất nhì về giàu có.
118- Thứ nhất là gỗ vàng tâm
Thứ hai gỗ nghiến, thứ năm bạch đàn
Gỗ
vàng tâm: loại gỗ có lõi màu vàng. Gỗ nghiến: loại gỗ cứng, thường dùng làm thớt.
Bạch đàn: Loại gỗ màu trắng, khí nóng, vị cay, mùi thơm, không độc, dùng chế
thuốc và lấy gỗ.
119- Nhất con, nhì cháu, thứ sáu người
dưng
Hai
câu này biệt lệ. Không phải nhẩt/nhì/ba mà nhất/nhì xong xuống thứ năm/sáu. Lẽ
thường ở đời ai cũng thương con cháu trước, sau đó mới dành tình cảm cho bạn bè
thân thiết rồi người quen biết không có quan hệ huyết thống tức là người dưng.
Người dưng không thể sắp hàng liền theo con cháu nên cho vào bậc thứ sáu. Một
phần do vần của câu “cháu/sáu”. Xét về mặt kỹ thuật cũng hay vì từ nhì đến sáu
cách ba đơn vị, đã đủ coi là xa.
120- Thứ nhất đếm cát
Thứ hai tát bể
Thứ ba kể sao
Thứ tư đào sông
Thứ năm trồng cây
Thứ sáu xây núi
Những
việc khó khăn trên đời, ba việc đầu hoàn toàn mang tính chất ảo, ba việc sau có một phần thật nhưng so với sức
người ngày xưa cũng là ảo, như là đào sông, trồng cây (có nghĩa là trồng cả khu
rừng) đòi hỏi một tập hợp đông đảo và có
người thiết kế chỉ huy tài ba như Thoại Ngọc hầu mới làm được.
121- Nhất ông đếm cát
Nhì ông tát bể
Ba ông kể sao
Bốn ông đào sông
Năm ông trồng cây
Sáu ông xây rú
Bảy ông trụ trời
Những người đáng nể nếu làm được những việc khó
nêu ở câu 120, mang tính chất nói đùa
vui với ngoa ngữ. Vì vậy thứ tự nhất nhì
không chính xác lắm, chẳng hạn như ông ttrụ trời đứng thứ bảy, dưới ông trồng cây
đứng thứ năm.
NHÌN LẠI
Điểm qua việc đánh
giá các sự việc và sắp xếp thứ bậc nhất nhì từ ca dao, thì thấy những nhận xét
trong các câu ấy:
-Rất
đa dạng, bao trùm lên mọi mặt từ phong cảnh đất nước quê hương đến đời sống con
người, phong tục tập quán, cách ứng xử, chuyện ăn uống, ngoài ra còn mang tính
thời sự, khen và chê một số việc, một số người.
-Có
cái nhìn từ bao quát chiếu trên bình diện rộng, phản ảnh thực tại cả nước, cả
xã hội Việt Nam nhất là nông thôn, đến giới hạn trong phạm vi địa phương, tập
tục ấy, nhân vật ấy chỉ được biết trong một vùng đất, một tỉnh, một huyện…hoặc
chỉ trong khoảng thời gian nào đó, về sau ít người nhớ lại.
-Phần
lớn những đánh giá này là đúng trên căn bản, có tính cách khoa học, vì đây là
kinh nghiệm được đúc kết và sàng lọc qua nhiều thế hệ mới đủ độ bền để truyền
khẩu tồn tại. Tuy vậy cũng có những đánh giá dựa theo cảm tính bộc phát nhất
thời, chỉ đúng trong một chừng mực, nhưng vẫn được ghi nhớ để khi gặp trường
hợp tương tự người ta đưa ra dẫn chứng. Có những nhận xét đặt dưới lối nói vui,
biểu hiệu sự dí dỏm, trào lộng, song không thiếu chính xác.
-Điều
nổi bật hơn hết là phong cách dân gian, bao hàm tính nhân bản của xã hội đồng
quê. Sự khâm phục, kính nể, khen ngợi như biểu lộ qua nét mặt rạng rỡ làm ai
nấy cũng đều vui vẻ. Sự phê phán, chê trách ẩn hiện qua nụ cười hiền hậu làm
giảm bớt không khí chỉ trích nặng nề căng thẳng để mọi người gần gũi, không thù
oán ghét bỏ nhau.