Monday, March 21, 2016

214. TRƯƠNG VŨ Huy


 H U Y
bài viết của
Trương Vũ


Gặp bạn bè trên chiến trường xưa
sơn dầu trên bố, 18 x 24 in
Trương Vũ thực hiện năm 2010
sưu tập của Ông Bà Nguyễn Trường Khanh



Tôi gặp Cao Xuân Huy lần đầu tiên cách đây khoảng 40 năm khi Huy phục vụ tại một căn cứ huấn luyện quân nhân gốc Thượng ở Pleiku. Tôi còn nhớ vóc dáng và nét mặt Huy lúc đó. Cao, gầy, phảng phất chút thư sinh, chút buồn, và ít nói.

Hơn 15 năm sau, gặp lại ở hải ngoại, Huy vẫn ít nói nhưng bề ngoài thay đổi nhiều. Phong sương, dày dạn, ngang tàng. Tác phẩm Tháng Ba Gẫy Súng (TBGS) đến với tôi như một bất ngờ thú vị. Cho tới lúc đó tôi vẫn chỉ nghĩ đến Huy như một người lính thứ thiệt, hơn là một nhà văn. Huy viết ít, TBGS không nhiều chữ nhưng đủ để tạo cho nó một chỗ đứng riêng biệt và quan trọng trong văn học Việt Nam. Huy yêu quân đội, yêu binh chủng, yêu đồng đội vô cùng. Gần gũi Huy, ai cũng thấy rõ. Đọc TBGS, càng thấy rõ. Thế nhưng, cũng trong TBGS, chúng ta thấy Huy yêu sự thật và trân trọng với ngòi bút đến như thế nào.

Đối với rất nhiều người lớn lên trong chiến tranh, suốt hơn 35 năm qua, âm vang từ cuộc chiến chưa bao giờ dứt. Trong từng gặp gỡ, từng câu chuyện, từng tranh cãi gần như bất tận, những kinh nghiệm cá nhân khởi đi từ cuộc chiến, những hào hùng, những cuồng nộ, những bi phẫn, những thắt gan thắt ruột, được tuôn trào ra, luôn sôi nổi. Nhưng khi phải viết, thường chúng ta dừng tay lại. Hay, nếu không dừng lại, thường cũng chỉ viết… giống như ai ai. Trong TBGS, điều cần viết, có thắt ruột thắt gan đến như thế nào, Huy cũng viết. Thản nhiên, sống động, và văn chương. Không cường điệu. Không kịch tính. Không sử thi. Viết như thế đâu có dễ! Từ ngày tàn cuộc chiến đến nay, có bao nhiêu tác phẩm đạt được những giá trị này trong kho sách văn chương Việt Nam viết về chiến tranh? Dù rằng, những thảm kịch do cuộc chiến tranh này gây ra đến nay vẫn còn lãng đãng trong từng gia đình, len lỏi trong da thịt máu mủ từng con người.






Cao Xuân Huy mang trong thân phận mình hầu hết những thảm kịch của cuộc chiến cùng với tính phức tạp của nó. Gia đình chia cắt. Cha Bắc, mẹ Nam. Không sống với cả cha lẫn mẹ. Tuổi thơ cơ cực. Học xong trung học thì đi lính, và chọn một binh chủng dễ đưa mình vào cái chết. Rồi tù tội. Rồi vượt biển. Rồi sống lưu vong. Rồi, gần như làm bất cứ thứ nghề nào có thể làm được để sinh nhai, để giúp đỡ vợ con. Rồi… vẫn với tâm tư một người lính luôn tự hào với binh chủng, luôn xem đồng đội như gia đình, Huy trở thành một nhà văn, và sau đó, điều hành tờ Văn Học, một tạp chí văn học nổi tiếng ở hải ngoại. Huy điều hành tạp chí này một cách khá đặc biệt, có vẻ như lẫn lộn chuyện nhà binh với chuyện chữ nghĩa. Nhiều người không hài lòng nhưng ai cũng biết không ai khác có thể làm hơn được trong hoàn cảnh chợ chiều của văn chương trên giấy. Khi Huy kiệt sức, tạp chí chết. Dù sự nghiệp văn chương của Huy có thể không lớn nhưng rất nhiều nhà văn dù lớn hay bé, đặc biệt những nhà văn có liên hệ bài vở với tờ Văn Học, phải nợ nần Huy. Nợ nần chồng chất trong suốt thời gian khá dài Huy làm Tổng thư ký, rồi Tổng thư ký, rồi Tổng thư ký… rồi sau cùng, Chủ biên tờ tạp chí này.

Cùng lúc, cuộc đời Huy luôn chứa đựng nhiều mảnh khác nhau. Có những mảnh rõ ràng không ăn khớp. Thế nhưng, trong từng mảnh, Huy sống thật lòng, chơn chất, đôi lúc lặng lẽ nhưng luôn trắng đen rõ rệt. Cái trắng đen rõ rệt đó thường gây tranh cãi, bực dọc với cả những người thân, rất thân. Nhưng, khó ai ghét Huy được. Những ai gần gũi Huy đều biết Huy không hề hưởng ân sủng của may mắn nhưng lại được tình thân đặc biệt của nhiều người. Gia đình, bè bạn, đồng đội cũ. Rất nhiều trong số này khác tánh Huy, hay ít ra cũng từng “gây gổ” với Huy. Cái tình thân đặc biệt đó có được do chính con người Huy. Lầm lì. Thỉnh thoảng chửi thề. Thỉnh thoảng nở một nụ cười châm biếm. Thỉnh thoảng nói một câu rất ngắn nhưng đủ để “chọc tiết” người nghe. Tuy nhiên, người gần gũi Huy dù có thể buồn lòng đôi chút vẫn cảm thấy thoải mái, cảm thấy tin cậy. Bạn bè ở xa về chơi, khó có ai không muốn gặp Huy. Dù ít ai nghe Huy nói về vợ con nhưng những bạn bè rất thân đều biết Huy thương yêu vợ con vô cùng. Dù Huy không sống với cha mẹ từ bé nhưng Huy yêu cha mẹ cũng vô cùng. Đặc biệt là với cha. Tình cảm đó sâu đậm, mãnh liệt. Thế nhưng, những vết hằn của thân phận vẫn rõ nét trong tâm tư, khiến những biểu lộ tình cảm thường lững lờ. Với bạn bè cũng thế, với người thương yêu cũng thế. Có thể có người cho là hời hợt. Thật ra, không phải. Tôi muốn ghi lại đây chút tâm tình của Huy, trích từ tác phẩm Cây Tùng Trước Bão của Hoàng Khởi Phong. Chỉ một chút nói về cha, nhưng qua đó, ta có thể hiểu con người toàn diện của Huy như thế nào.

“… Ngày xa đất Bắc tôi mới có sáu bẩy tuổi gì đó, chưa gặp mặt cha. Cha con xa nhau gần ba mươi năm mới gặp lại lần đầu. Tôi từ nhà giam ở Bình Điền mò ra, năm năm trong câm nín, năm năm trong u hoài. Gần ba mươi năm… cha và con, cha và con. Tôi gặp lại bố tôi ở Huế, hai cha con đi ăn chè tại một quán chè bên bờ sông Hương. Con sông này mấy năm nay hình như con nước trôi cũng… chậm chạp, lững lờ hơn trước.Hai bố con đang ăn. Ông cụ buông thìa nhìn tôi hỏi:


“Chắc là mày ghét Việt Cộng lắm hay sao mà đi cái thứ lính ác ôn thế này?”
Tôi trả lời ngay lập tức:
“Ghét thì không ghét gì, nhưng mà bắn được thằng nào đỡ thằng ấy”.
Ông bố tôi trầm ngâm một chút rồi hỏi:
“Như vậy là mày bắn cả bố mày à?”
Tôi cũng trả lời ngay lập tức:
“Bắn chứ, ở ngoài mặt trận thì phải bắn để mà sống chứ, với lại có biết ai là bố đâu?”
Đó là lần duy nhất hai bố con gặp gỡ nói chuyện. Tính ra từ năm 54, tôi theo mẹ vào Nam cho tới khi xuống ghe vượt biên hai bố con nói được có vài câu lại chẳng ra làm sao cả… Tôi không phải không muốn dịu dàng với người đã sinh ra tôi. Bố tôi thì như bác đã biết, đã tham gia Nhân Văn Giai Phẩm thì chắc cũng chẳng ưa gì Cộng Sản. Nhưng cái hoàn cảnh gặp nhau nó kỳ cục quá. Chính tôi đã không được sửa soạn tâm lý, lại cộng với những năm tháng trong tù bề gì cũng đã ảnh hưởng tới phản ứng sốc nổi của tôi…”


Từ ngày bước vào cõi nhân sinh, trải qua bao thăng trầm, Huy luôn tỉnh bơ với cuộc đời. Vẫn tỉnh bơ khi biết một con bệnh quái ác đang chụp đến. Cách đây một năm, khi tôi về chơi Quận Cam mấy hôm, hầu như ngày nào tôi cũng đi ăn hay trò chuyện với Huy cùng với vài bạn thân khác. Huy vẫn tỉnh bơ về chuyện bệnh hoạn của mình. Tôi cứ ngỡ tình trạng chưa đến nỗi nào. Cách đây vài tuần, sau một chuyến đi xa về, tôi được tin Huy bệnh nặng, nặng lắm, y học bó tay rồi. Tôi liền gọi điện thoại cho Huy, chỉ nghe giọng thều thào. Tôi lặng người. Có bao giờ trong đời tôi nghe Huy thều thào. Tôi tìm cách thu xếp nhanh những việc riêng cần thiết để bay về Quận Cam. Hai ngày trước khi tôi lên đường, nhận được điện thoại của Trịnh Y Thư cho biết đúng 4 giờ 53 phút chiều Thứ Sáu 12 tháng 11, 2010, Cao Xuân Huy đã từ biệt vợ con và vài bạn bè thân nhất đang ở bên cạnh, bình thản đi vào nơi vô tận. Trịnh Y Thư nói Thư biết là Huy đau lắm, con bệnh quái ác đó hoành hành Huy dữ lắm, nhưng Huy vẫn dằn cơn đau để khỏi buồn vợ con, để như không có sao cả, để bình thản ra đi.

Khi đến Quận Cam, tôi chỉ được nhìn thấy thân xác Huy trong quan tài, trong quân phục Thủy Quân Lục Chiến. Huy ốm và già đi nhiều, nhưng vẫn giữ nét bình thản. Hai hôm sau, Huy được đưa vào lò thiêu. Khoảng sau 11 giờ trưa hôm đó, tức Thứ Năm 18 tháng 12, 2010, khói lò thiêu bốc lên. Bây giờ, Huy hoàn toàn trở về với tro bụi. Bây giờ, Huy có thể thảnh thơi trở lại các chiến trường xưa, thăm bạn bè cũ. Huy có thể vui đùa với họ thâu đêm suốt sáng. Chẳng cần phải ngâm câu Chinh Phụ… nào ai mạc mặt nào ai gọi hồn…, vì Huy đã ở nơi đó với họ rồi. Chẳng cần phải bắn ai, phải giết ai. Cũng chẳng phải lo nhìn thấy đứa bạn thân nào bất thần gục ngã máu trào lên bát cơm. Và, chẳng phải hận thù đứa nào.

Huy, hãy vui với ngàn thu đi! Hãy giúp mang bình an đến những người thân yêu còn lại. “Chị Hai” và các cháu Chúc Dung, Xuân Dung.

Trương Vũ
23.11.2010