Tuesday, March 22, 2016

215 a. TRẦN HUIỀN ÂN Phú Yên, dọc đường ca dao Kỳ 1)


Sông Đà Rằng (Tuy Hòa, Phú Yên) – Nguồn: lendang.vn



Xuôi theo vạn lý… Hướng về nam…
Ai đã qua đèo Ngang, đã sang Ba Đồn, với dòng sông Gianh, biết danh Lũy Thầy…

Rồi… Thiên Mụ - Cửa Hàn – Trà Khúc – Thị Nại… Từ Bình Định vượt Cù Mông vào Phú Yên. Từ Phú Yên vượt Đèo Cả vào Khánh Hòa.

Một số câu ca dao dưới đây đã được trích dẫn rải rác ở các phần trước. Trong phần này xin tập họp lại đầy đủ và hệ thống theo con đường cái quan bắc-nam đi qua Phú Yên, có những đoạn rẽ lên phía tây, hình dung đó là con đường thời xa xưa Lương Văn Chánh đưa lưu dân vào đây lập nghiệp.
         
         Tiếng ai than khóc nỉ non
         Là vợ chú lính trèo hòn Cù Mông
         Công tôi gánh gánh gồng gồng
         Trở ra theo chồng bảy bị còn ba
         (hai câu sau có bản khác)
         Xa xa em đứng em trông
         Thấy đoàn lính thú hỏi chồng em đâu

-Cù Mông: Dãy núi giữa hai tỉnh Bình Định và Phú Yên, có ngọn đèo cao 245m. Nghe tiếng hát buồn làm sao không thử hỏi: Người lính trèo hòn Cù Mông đã tòng ngũ từ thời Chúa Nguyễn, hay về sau, trong quân đội của nhà Tây Sơn hoặc của Nguyễn Vương? Giai đoạn chiến tranh giữa hai họ Nguyễn, Phú Yên là chiến trường đỏ lửa, người dân nơi đây phải đi lính, nộp thuế, sưu dịch, đóng góp của cải và sinh mạng cho cả hai bên. Nỗi đau thương đè nặng lên đôi vai gầy, đôi chân yếu của người phụ nữ, gánh gạo theo chồng hoặc chỉ dám đứng nhìn khuất nẻo  xa xa .  

       Cá ngon là cá Cù Mông
       Gạo ngon là gạo ở đồng Phú Lương

-Phú Lương: Một làng trong vùng đồng bằng Đà Nông, nằm bên sông Bàn Thạch, thuộc xã Hòa Tân Đông huyện Đông Hòa, nơi sản xuất nhiều gạo ngon.

       Thương anh em cũng muốn vong
       Hiềm vì một nỗi Cù Mông khó trèo

       Hồi xa cách vách cũng xa
       Hồi gần Gò Duối, Hòa Đa cũng gần

(câu sau có bản khác, nói chung chung)
Hồi gần cách huyện cách nha cũng gần

-Gò Duối: Thuộc thôn Chánh Lộc xã Xuân Lộc thị xã Sông Cầu. Ngày trước là nơi sản xuất lụa lãnh có tiếng.
-Hòa Đa: Thôn thuộc xã An Mỹ huyện Tuy An. Trước năm 1975 nuôi nhiều ngựa đi buôn lên miền núi, có nhiều xe ngựa. Nghề bánh tráng ở đây rất nổi tiếng, nay vẫn còn.
-Gò Duối và Hòa Đa tuy nằm trên trục đường thiên lý, nhưng khác phủ, huyện, Gò Duối ở phía bắc, nay thuộc thị xã Sông Cầu, Hòa Đa phía nam, nay thuộc huyện Tuy An, hai nơi cách nhau khoảng 60km.
-Nhiều nơi có câu ca dao theo dạng này: Hồi xa… Hồi gần.
         
       Chiều chiều quạ nói với diều
       Ở trong Quán Đế thiệt nhiều gà con

-Quán Đế: Một xóm trong thôn Bình Thạnh, nằm trên quốc lộ 1A, nay thuộc xã Xuân Bình thị xã Sông Cầu.

       Ngó vô Quán Đảnh lao xao
       Ham mê lá liễu quên chào bạn xưa 

-Quán Đảnh: Không rõ bây giờ là nơi nào. Lá liễu, trong quân bài chòi còn có tên tục là lá l…. Chắc Quán Đảnh là nơi có phần ô hợp, nên ở đây ngụ ý lời chê trách, vì ham mê “lá liễu”  mà quên người cũ.

       Bình Định tỉnh Phú Yên cũng tỉnh
       Long Bình thôn Phước Lý cũng thôn
       Đố ông gì mà chết không chôn
       Đem ra mà bỏ chim chồn không ăn

-Long BìnhPhước Lý: Long Bình là tỉnh lỵ Sông Cầu từ năm 1899 đến năm 1945. Phước Lý sát phía bắc Long Bình. Nay Long Bình thuộc phường Xuân Phú, Phước Lý thuộc phường Xuân Yên cùng  thị xã Sông Cầu.
-Đây là một câu đố, theo thể hứng.
-Hai câu đầu còn ngụ ý tự tôn, Bình Định là tỉnh lớn, Phú Yên là tỉnh nhỏ, tuy rằng lớn nhỏ, nhưng hai bên cũngtỉnh, chẳng có gì khác nhau. Long Bình là tỉnh lỵ (Phú Yên), Phước Lý không phải tỉnh lỵ, nhưng hai nơi cũngthôn, chẳng có gì khác nhau. Một bản khác câu này là: Gò Chàm thôn Gò Duối cũng thôn. Gò Chàm thuộc Bình Định, Gò Duối thuộc Phú Yên, tuy khác tỉnh, tỉnh lớn tỉnh nhỏ, đều cùng xứ Gò, cũngthôn, có khác gì đâu.
-Hai câu sau giải là “ông bình vôi” hoặc “ông táo”, chết (hết dùng được) không chôn, đem bỏ nơi gốc cây lớn, chim chồn không ăn.

       Nước ròng chảy thấu Tam Giang
       Sầu đâu chín rụng sao chàng bặt tin 

-Tam Giang: Một trong 4 sông chính của Phú Yên. Sông Tam Giang ở phía đông bắc tỉnh, trong phạm vi thị xã Sông Cầu, từ dãy Cù Mông chảy xuống vịnh Xuân Đài, qua nội thị Sông Cầu, tỉnh lỵ Phú Yên từ 1899 đến 1945.
-Chảy thấu : chảy đến tận… Sầu đâu: Cây sầu đông, cây soan.
-Câu này ở Nam Bộ là: Nước ròng chảy thấu Nam Vang.
         
       Cầu Tam Giang nhiều nhịp
       Em qua không kịp, té xuống cái ầm
       Nhờ người quân tử nhắc bồng em lên
       Mai sau ăn đặng làm nên
       Ơn đền nghĩa trả không quên công chàng

-Cầu Tam Giang: Cầu sông Tam Giang (cầu phía nam) tại phường Xuân Phú thị xã Sông Cầu, cầu phía bắc là cầu Thị Thạc. Sông Tam Giang hẹp nên hai cầu đều ngắn.  

       Ngó ra Vũng Lấm, Sông Cầu
       Cù lao Ông Xá đứng hầu ngoài khơi

-Vũng Lấm: Hay Vũng Lắm. Còn có tên Ao Xóm Lưới, vũng nhỏ trong vịnh Xuân Đài thuộc thôn Tân Thạnh, nay là phường Xuân Đài thị xã Sông Cầu. Thời Chúa Nguyễn, Vũng Lấm từng là quân cảng, thương cảng. Năm 1888-1889 Tân Thạnh là tỉnh lỵ Phú Yên.  
-Sông Cầu: Xưa là các thôn Long Bình, Long Hải tổng Xuân Bình huyện Đồng Xuân, tỉnh lỵ Phú Yên từ năm 1899 đến năm 1945. Nay thuộc các phường Xuân Phú, Xuân Yên  thị xã Sông Cầu.
-Cù lao Ông Xá: Cù lao trong vịnh Xuân Đài thị xã Sông Cầu, nằm đối diện với Vũng Lấm.

       Vũng La, vũng Sứ, vũng Chào
       Vũng Dông, vũng Lấm… chỗ nào cũng thương

-Đây là các vũng nhỏ nằm trong vịnh Xuân Đài thị xã Sông Cầu. Chính nhờ có nhiều vũng nhỏ quây quần theo quanh bờ vịnh mà Xuân Đài là một hải cảng tốt.

       Rủ lên Đá Trắng ăn xoài
       Muốn ăn tương ngọt Thiên Thai thiếu gì

-Đá Trắng: Ngôi chùa tại thôn Cần Lương xã An Dân huyện Tuy An, có  tên chữ là chùa Linh Quang, được ban sắc tứ là chùa Từ Quang. Thời nhà Nguyễn xoài Đá Trắng là xoài tiến.  
-Thiên Thai: Ngôi chùa tại thôn Long Phước xã Xuân Lâm thị xã Sông Cầu. Ngày trước có món tương ngon .

       Ngó ra ngoài đảnh Xuân Đài
       Thấy hai ông súng nằm dài giữa truông

-Đảnh Xuân Đài: Đỉnh dốc Xuân Đài trên đường thị xã Sông Cầu vào Tuy An (đường cũ). Thời đầu nhà Nguyễn có đặt các khẩu đại bác phòng ngự mặt biển, dân gian tôn kính gọi là ông súng. Khi Pháp thuộc các khẩu súng này bị bỏ phế, hành khách đi qua trông thấy ngậm ngùi.

       Đèo nào cao bằng đèo Phú Cốc
       Dốc nào ngược bằng dốc Xuân Đài
       Đèo cao dốc ngược đường dài
       Anh còn qua được huống chi vài lạch  sông

-Đèo Phú Cốc: Đoạn đèo trên đường đi qua thôn Phú Cốc, vùng cận sơn trước thuộc huyện Tuy An. Năm 1949 Phú Cốc nhập nhập với Cự Liên thành thôn Phú Liên. Nay thôn Phú Liên thuộc xã An Phú thành phố Tuy Hòa.
-Dốc Xuân Đài : Xem đảnh Xuân Đài ở trên.

       Chim bay về núi Sơn Chà
       Chồng nam vợ bắc ai mà muốn đâu

-Sơn Chà: Núi nhỏ, cây cối thưa và thấp, nằm trong đồng bằng Sông Cái, thuộc xã An Ninh Tây  huyện Tuy An.

       Anh về làm rể dưới Đăng
       Ăn cơm bát bịt tôm rằn kho tiêu

-Đăng: Xóm ven biển nơi cửa sông Cái, thôn Phú Sơn xã An Ninh Đông  huyện Tuy An, làm nghề đánh bắt cá bằng đăng. Đặc sản ở đây là tôm rằn. Đời sống dân chúng khá giả, nhiều gia đình giàu có.
-Bát bịt: Loại chén bát sứ loại quý, có bịt một vành hợp kim nhỏ màu đồng sáng nơi miệng, vừa tăng vẻ đẹp vừa để giữ gìn cho được lâu bền hơn.

       Anh về làm rể dưới Đăng
       Bỏ em kéo vải sáng trăng một mình

-Câu này có lẽ là tâm sự của các cô gái vùng trồng bông hai bên sông Cái, nay thuộc các xã Xuân Sơn Bắc, Xuân Sơn Nam (huyện Đồng Xuân), An Định, An Nghiệp (huyện Tuy An), trách chàng trai thích cuộc sống sung sướng, bỏ vùng nông thôn theo vùng biển giả, để được «ăn cơm bát bịt tôm rằn kho tiêu».

       Chợ Sen, chợ Giã, chợ Đèo
       Chợ phiên Thành cũ đi theo một đò

-Các chợ ở đồng bằng và ven biển huyện Tuy An. Chợ Sen (còn gọi chợ Bà Sen) ở thôn Định Trung, chợ Đèo ở thôn Phong Niên, hai thôn cùng xã An Định, Chợ Giã ở thôn Xuân Phu xã An Ninh Tây, chợ Thành ở thôn An Thổ xã An Dân. Thời nhà Nguyễn từ triều Minh Mạng cho đến triều  Thành Thái tỉnh thành đóng ở An Thổ nên chợ An Thổ có tên là chợ Thành. Đây là hành trình của những người buôn bán theo đò dọc từ sông Kỳ Lộ xuống sông Cái chung một chuyến, về đây mới chia ra đi từng chợ.

       Sông Kỳ Lộ vừa sâu vừa hẹp
       Nước Kỳ Lộ vừa mát vừa trong
       Thuyền anh xuôi ngược dòng sông
       Tìm em cho thỏa tấm lòng nhớ thương

-Sông Kỳ Lộ: Đọan sông Cái ở tây bắc huyện Đồng Xuân, do suối La Hiên và suối Cà Tơn hợp dòng. Sông Kỳ Lộ tiếp nhận thêm lượng nước của sông Trà Bương thành sông Cái chảy qua thị trấn La Hai tiếp nhận thêm sông Cô chảy xuống huyện Tuy An.

       Mau mau đến bến Bà Bang
       Đến đồng Bà Sứ thở than đôi lời
     
-Bến Bà Bang, đồng Bà Sứ: Bến nước  và cánh đồng bên sông Kỳ Lộ. Ngày trước đây là điểm dừng của đò dọc từ hạ bạn lên, mua bán, đổi chác sản vật. Do đó thành nơi hẹn hò gặp gỡ của bạn bè và đôi lứa. Không rõ «Bà» là từ gốc Chăm (như Bà Đài, Bà Diễn, Bà Nông…) hay từ chỉ  người phụ nữ ?

       Chiều chiều mượn ngựa ông Đô
       Mượn kiều chú lính đưa cô tôi về
       Cô về chẳng lẽ về không
       Ngựa ô đi trước ngựa hồng đi sau
       Ngựa ô đi tới Quán Cau
       Ngựa hồng thủng thỉnh đi sau Gò Điều

-Quán Cau: Đèo Quán Cau thuộc thôn Mỹ Phú, chợ Quán Cau thuộc thôn Phong Phú, cùng xã An Hiệp huyện Tuy An, nằm trên quốc lộ 1A. Đây là nơi trước kia nuôi nhiều ngựa tốt.
-Gò Điều: Xóm thuộc thôn Phú Điềm xã An Hòa huyện Tuy An, trên quốc lộ 1A, ở phía nam chợ Quán Cau độ cây số.

       Ngó ra ngoài mả Cao Biền
       Thấy đôi chim liễu đang chuyền nhành mai
       Cây oằng vì bởi trái sai
       Xa em vì bởi ông mai ít lời

-Mả Cao Biền: Cồn cát cao ở phía đông đầm Ô Loan thuộc xã An Hải huyện Tuy An.  
-Câu sau, có khi đọc xa anh (thay cho xa em) hoặc lắm lời (thay cho ít lời).

Cao Biền chết tại Đồng Môn
Trên sơn dưới thủy trời chôn Cao Biền
-Cao Biền: Theo chính sử, Cao Biền là tướng nhà Đường, làm Tiết độ sứ Tĩnh Hải (tức An Nam đô hộ phủ) đắp thành Đại La làm bản doanh (sau vua Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư về đây, đổi là Thăng Long). Theo dân gian Cao Biền là một thầy Tàu, có tài về địa lý, phong thủy, thường cỡi con diều giấy đi các nơi trấn ếm nhân tài nước ta. Khi diều bay qua Đồng Môn nay thuộc xã Án Hải huyện Tuy An thì trời nổi cơn thịnh nộ, gây ra gió to bão lớn, con diều rớt xuống, Cao Biền bị chôn tại đây. Dấu tích con diều còn nhìn thấy trong đầm Ô Loan với phần đầu rất rõ, hai cánh đã bị vùi lấp dưới lòng đất giờ là đồi núi cỏ cây. Trong Việt Nam sử lược, Trần Trọng Kim viết: «Tục lại truyền rằng Cao Biền thấy bên Giao Châu ta lắm đất đế vương, thường cứ cỡi diều giấy bay đi yểm đất, phá những chỗ sơn thủy đẹp, và hại mất nhiều long mạch. Những chuyện ấy là chuyện ngoa ngôn, không có lẽ gì mà tin được».
         
       Ô Loan nước lặng như tờ
       Thương người chí sĩ dựng cờ Cần Vương
       Trai bao gối đất nằm sương
       Một lòng vì nước nêu gương anh hùng

-Ô Loan: Đầm nước lợ thuộc huyện Tuy An, nằm chính giữa và thuộc địa phận các xã An Cư, An Hiệp, An Hòa, An Hải, An Ninh, An Thạch, thị trấn Chí Thạnh,  đứng trên quốc lộ 1A tại đèo Quán Cau nhìn xuống thấy rất rõ.  
-Người chí sĩ dựng cờ Cần Vương: Tức Lê Thành Phương, thường gọi Tú Phương, người lãnh đạo cuộc chống Pháp tại Phú Yên năm 1885-1887, bị thực dân Pháp và Nam triều xử tử năm 1887.    
                  
       Anh về làm rể Cào Cào         
       Ăn cơm bắp đập dọn rào khom lưng

-Cào Cào: Xứ đồng thuộc thôn Phước Hậu xã An Hiệp huyện Tuy An, nằm phía tây quốc lộ 1A, từ chợ Quán Cau và chợ Phiên Thứ đều có đường đi lên. Nơi đây ít ruộng, người dân làm rẫy và đất thổ, ngày trước mức sống thấp, sản phẩm chính là bắp. Người ta dùng «đá đập» đập vỡ các hạt bắp, sàng dừng thành những mảnh nhỏ bằng hạt gạo, nấu chung với gạo, gọi là cơm bắp. Đá đập có hai viên, viên lớn hình hơi vuông, cạnh độ 2 tấc rưỡi, 3 tấc, mặt trên bằng phẳng, đặt trong lòng thúng hay nia, viên nhỏ hình bầu dục, hai mặt bằng phẳng, bỏ một ít hạt bắp lên mặt đá lớn, dùng đá nhỏ đập cho bể ra, văng xuống thúng nia, hứng lấy mà sàng dừng. Những mảnh hạt bắp nhỏ ấy gọi là bắp đập.

       Ngó ra Hòn Yến ba lần
       Thấy anh ở trần trong bụng xót xa
       Em muốn lộn về mua lụa đậu ba
       May áo cổ giữa đem tra nút vàng
       Không ai mà gởi cho chàng
       Đêm khuya chàng mặc kẻo cơ hàn nắng mưa

-Hòn Yến: Khối đá nhỏ sát bờ biển thuộc xã An Hòa huyện Tuy An. Xóm trong bờ thuộc thôn Nhơn Sơn là Xóm Yến, thường gọi tắt là Yến, chợ tại đây là chợ Yến.  
-Lộn về: quay về, trở về. Đậu: chắp lại. Lụa đậu ba là lụa chắp ba sợi tơ thành một cho chắc.

       Hồi nào gạo trắng Quán Cau
       Cá thu chợ Yến anh lắc đầu chê hôi
       Bây giờ đáng kiếp anh ơi
       Một phần khoai hai phần đỗ anh thôi kén lừa
         
       Ngó lên dốc Mụt chùa Lầu
       Cảm thương người bạn buổi đầu thâm ân
       Kể từ qua lại mấy lần
       Nào ai khỏa lấp sông Ngân suối Vàng
       Ngẫm trong kim cổ kỳ quan
       Bước vô vườn liễu bông hoa tàn vì ai
       Nhìn xem nguyệt xế non đoài
       Bóng trăng lờ lợt biết ai nương cùng
       Tận xưa rày nhơn nghĩa bịt bùng
       Xuống lên không đặng tỏ cùng anh hay
       Mưu kia kế nọ ai bày
       Làm cho chàng thiếp mỗi ngày mỗi xa

-Chùa Lầu: Từ quốc lộ 1A tại thôn Mỹ Phú xã An Hiệp huyện Tuy An đi lên phía tây, qua Chợ Thứ, chợ Lẫm đến chùa Lầu, tên chữ là Phước Lâm tự thuộc thôn Tuy Dương xã An Hiệp.
-Dốc Mụt: Dốc nằm phía sau Chùa Lầu khoảng 50m, hai bên dốc có những mô đất nhỏ giống mụt măng tre nên có tên này. Cũng có người gọi là dốc Một (?).
         
       Ngó ra Hòn Dứa tăm tăm
       Thấy anh kéo lưới bịt khăn đầu rìu
       Thương anh em cũng muốn liều
       Sợ vì một nỗi sớm chiều buồn tênh

-Hòn Dứa: Đảo nhỏ, gần bờ, thuộc thôn Mỹ Quang xã An Chấn, gần đó có Hòn Chùa, Hòn Than, từ Mỹ Quang và Long Thủy  nhìn ra đều trông thấy rất rõ.

       Chim kêu dưới suối Chà Rang
       Anh đi làm rể xa đàng dỡ cơm

-Suối Chà Rang: Tại xã An Hiệp huyện Tuy An có núi Chà Rang, là căn cứ của Châu Văn Tiếp khi từ Bình Định kéo quân vô theo Nguyễn Vương. Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim viết theo chữ Hán là Trà Lang. Phải chăng suối Chà Rang ở tại núi Chà Rang (Trà Lang) này?

       Nước mắm ngon dằm con cá gúng
       Để anh về Bàu Súng mua rau

-Bàu Súng: Bàu nước ngọt thuộc thôn Phú Long xã An Mỹ huyện Tuy An, có nhiều cá ngon. Chợ Phú Long ngày trước mang tên chợ Bàu Súng, nay theo tên xã là chợ An Mỹ.  

       Lấy chồng Phú Cốc sợ beo
       Lấy chồng Mỹ Á hồn treo cột buồm

-Mỹ Á: Làng ven biền, còn có tên là Long Thủy, thuộc xã An Phú thành phố Tuy Hòa, ở phía bắc trung tâm thành phố cách 15km, ở phía đông quốc lộ 1A cách độ vài cây số. Khí hậu tốt. Sản phẩm ở đây là cá, mắm, nước mắm và dừa.  

       Đèo nào cao bằng đèo Phú Cốc
       Dốc nào ngược bằng dốc Lỗ Chài
       Đèo cao dốc ngược trong ngoài
       Anh còn qua được huống chi vài đường truông

-Lỗ Chài: Dốc khá dài trên đường núi từ xã Hòa Quang Bắc huyện Phú Hòa qua xã An Thọ huyện Tuy An lên xã Sơn Long huyện Sơn Hòa. Đường đi nhiều đoạn quanh co nên có câu: Dốc Lỗ Chài mười hai cái quẹo.

       Muốn về Mỹ Á ăn dừa
       Sợ con sóng lớn nó đừa lộn ra

-Đừa: Đẩy mạnh, có ý không thích, không ưng thuận. Tùy theo vị trí, có khi nói là “đừa lộn vô”.
         
       Anh về Mỹ Á chi lâu
       Để em ôm chiếc thuyền câu một mình
        
       Anh ngồi đầm Ô
       Ngó vô cửa Mỹ
       Thấy miệng em cười mủ mỉ anh thương
       Ngọn trầu bò dưới đất là ngọn trầu lương
       Hồi này mới biết nẫu không thương mình rồi
       Đêm năm canh không ngủ còn ngồi
       Bi chưng thương bạn bồi hồi ruột gan

-Đầm Ô: đầm Ô Loan. 
-Cửa Mỹ: cửa Mỹ Á. 

       Ma Liên là ma liên tiên
       Đi chợ đem tiền có kẻ theo bưng
       Bán rồi bỏ nước xem chừng
       Tiền nổi thì chớ chỉ ưng tiền chìm

-Ma Liên: Thôn ven biển, còn có tên Mỹ Quang, thuộc xã An Chấn huyện Tuy An, giáp phía bắc Mỹ Á, nên người ta thường nói chung «Mỹ Á – Ma Liên» cũng như «Phú Điền – Phú Cốc»… Tương truyền nơi đây ngày xưa có chợ chung cho hai cõi âm dương. Các phu nhân cõi âm đi chợ có người hầu bưng rổ tiền. Những người bán hàng đặt sắn chậu nước một bên, khi nhận tiền bỏ vào thử, tiền chìm là tiền dương, nhận lấy, tiền nổi là tiền âm, nên từ chối, vì sau khi  đem về nhà sẽ hóa thành tờ vàng mã hoặc giấy in tiền ta đốt khi cúng.

       Chóp Chài đội mũ
       Mây phủ Đá Bia
       Ếch nhái kêu kia
       Trời mưa như đổ

(Một bản khác, tiếp theo là các câu sau đây)

       Thân em nghèo khổ
       Tìm chỗ sang giàu
       Khác nào Lưu Bị đi cầu Khổng Minh

-Chóp Chài: Tên chữ là Nựu Sơn. Núi tại trung tâm thành phố Tuy Hòa, sát bên đường Nguyễn Tất Thành (đoạn quốc lộ 1A cũ đi qua nội thành Tuy Hòa). Có nhiều liên hệ mật thiết với dân chúng tại đây.  
-Đá Bia: Tên chữ là Thạch Bi Sơn. Núi ở xã Hòa Tâm góc đông nam huyện Đông Hòa, thuộc dãy Đèo Cả, có nhiều giai thoại lịch s .
-Lưu Bị: Có tên là Lưu Huyền Đức, tôn thất nhà Hán, kết nghĩa anh em với Quan Vân Trường và Trương Phi, làm vua Tây Thục thời Tam Quốc, chống đối Tào Tháo và Tôn Quyền.
-Khổng Minh : Quân sư của Lưu Bị. Lưu Bị phải khổ công cầu hiền mới mời được Khổng Minh.

       Mai sau mượn ngọn Chóp Chài
       Làm bia chiến sĩ cho người xa trông

-Tác giả là nhà thơ Nhật Tĩnh, viết nhiều ca dao phổ biến rộng rãi trong thời gian 1946-1949, nay nhiều người còn nhớ,
         
       Lẻ loi như cụm Núi Sầm
       Thảnh nhiên như mặt nước đầm Ô Loan

-Núi Sầm: Một ngọn đồi nhỏ, thấp tại thôn Phụng Tường 1 xã Hòa Trị huyện Phú Hòa, thời chiến tranh thường có đồn quân. Câu này phổ biến từ năm 1946 đến nay, có người nói tác giả là  nhà thơ Nhật Tĩnh (Nguyễn Trọng Thuật), có người nói là của nhà giáo Đà Giang (Trần Sĩ).
         
       Lập lòe trời chớp Vũng Rô
       Mây che Hòn Yến gió vô Chóp Chài

-Vũng Rô : Vũng biển ở xã Hòa Tâm  góc đông nam huyện Đông Hòa, dưới chân Đèo Cả. Chữ Hán viết là Ô Sô đàm. Cũng gọi là vũng Ô Rô, các nhà nho dùng câu «Xô cô vô Ô Rô» hạn vận khi xướng họa Đường luật.    
         
       Ngọn Chóp Chài cao lắm bấy
       Trông hũy trông hoài chẳng thấy người thương
       Hay là lưu lạc hà phương?
       Hay là liệt chiếu liệt giường nơi đâu?
       Giả đò dạo xóm mua dầu
       Hỏi thăm người bạn nhức đầu nhẹ chưa?
         
       Phù Già dậy giặc thình lình
       Hời kia còn có tháp Dinh rõ ràng

-Phù Già: Tức Phù Nghĩa hầu Lương Văn Chánh, người nhận lệnh Chúa Nguyễn Hoàng bạt phá Thành Hồ (nay thuộc xã Hòa Định Đông huyện Phú Hòa) năm 1578 và đưa lưu dân vào lập nghiệp tại Phú Yên năm 1597.    

       Nước còn non cũng còn đây
       Tháp còn sao lại người xây không còn?

-Lòng cám cảnh của quần chúng khi đng nhìn Tháp Nhạn nghĩ đến người xưa xây tháp. Ai? Vào đời nào? Bây giờ anh linh họ ở đâu?

       Sông Dinh ai bới ai đào
       Để cho con nước chảy vào vòng cung

-Sông Dinh: Nội thành Tuy Hòa trước năm 1945 có tên là Dinh. Sông Dinh là phụ lưu nhỏ chảy qua đây, nhập vào sông Chùa, khoảng rạp Hưng Đạo (phường 3), nay đã tắt dòng, không còn dấu vết gì, chỉ nghe những lời truyền. Các câu dưới đây đều nói về sông Dinh này.

       Nước nào trong bằng nước sông Dinh
       Đố ai ăn ở chung tình bằng em?

       Cũng vì ngọn nước sông Dinh
       Nay trừng mai rặt điệu chung tình nổi trôi

-Trừng: nước lên theo thủy triều, nước lớn. -  Rặt: nước xuống, nước rút.

       Nước nào ngon bằng nước sông Dinh
       Trà ô long đủ vị súc bình còn thơm

       Đố anh con rít mấy chưn
       Cầu Ô mấy nhịp chợ Dinh mấy người

-Chợ Dinh: Tên xưa của chợ Tuy Hòa, thuộc làng Năng Tịnh tổng Hòa Bình phủ Tuy Hòa, ngay phía trước đình Năng Tịnh, hướng nam, gần sông Chùa, gần  núi Nhạn Tháp. Sau gọi là chợ Năng Tịnh. Năm 1954 dời đến khu đất nằm giữa 4 con đường Trần Hưng Đạo (đường số 2) – Phan Đình Phùng (đường Phủ Cũ) – Lê Thánh Tôn (đường số 3)  – Cao Thắng, và ngay trên đường Phan Bội Châu hiện nay (lúc ấy chưa thành đường), thuộc phường 1. Rồi dời xuống chỗ hiện nay nằm giữa 4 con đường Trần Hưng Đạo – Lương Văn Chánh – Lê Lợi – Nguyễn Trãi, thuộc phường 4, gọi là chợ trung tâm  thành phố Tuy Hòa. Phía tây nam chợ Dinh có một bia Chăm khắc trên đá núi Nhạn Tháp, các nhà khảo cổ gọi là bia Chợ Dinh.

       Đỗi đàng ở dưới lên đây
       Tôi không biết thứ chị em bày tôi kêu
       Gá lời kêu chị Bốn, chị Ba
       Chị Năm, chị Sáu bỏ giọng qua cho đều
       Chợ phiên Dinh nẫu họp buổi chiều
       Cũng lắm người bán cũng nhiều người mua

(Câu cuối có bản khác)

       Nào ai có bỏ hàng lều ở không

-Đỗi đàng: Đi một đoạn đường xa,đi mất thời gian khá lâu. Một đỗi là một lúc lâu.
-Chợ Phiên Dinh: Tức Chợ Dinh nói trên. Họp hàng ngày, nhưng mỗi tháng có 3 ngày phiên là mồng 4, 14, 24 người buôn bán từ các vùng xa cùng đến, đông đảo hơn rất nhiều.

       Ngó lên chùa Cát cao lầu
       Biệt ly em hỡi để sầu cho anh
       Sầu này không biết sầu ai
       Cơm ăn không đặng đã hai tháng trời

-Chùa Cát: Tên chữ là chùa Bảo Tịnh (Bửu Tịnh) tại phưng 2 thành phố Tuy Hòa. Chùa được Tổ Liễu Quán đời thứ 35 phái Lâm Tế khai sơn từ cuối thế kỉ thứ XVII. Các tổ kế thừa tiếp theo là: Hòa thượng Khánh Viên (Tế Hẩu), Hòa thượng Hưng Long (Đại Càn). Chùa có đại hồng chung cao 1,2m, đường kính 0,8m do An Nam Phật học hội Tuy Hòa đúc năm 1944. Chùa được trùng tu năm 1963, hiện nay đã phá và đang xây dựng lại (2010-2011).

       Muốn ăn hột nếp Vườn Trầu
       Sợ e tát nước giở gàu không lên

-Vườn Trầu: Cánh đồng thuộc thôn Liên Trì xã Bình Kiến thành phố Tuy Hòa, có các loại nếp rất ngon, như nếp chân bàu, nếp sục sạc (sột soạt?), nếp tượng.

       Anh về Thọ Vức
       Bứt củ roi mây
       Lùa trâu xuống ruộng anh cày
       Đôi ta cày cấy đợi ngày ấm no

-Thọ Vức: Thôn thuộc xã Hòa Kiến thành phố Tuy Hòa. Tên xưa là Thanh Vực, sau đổi là Thọ Vực và quen gọi Thọ Vức. Đây là vùng cận sơn, gần giáp chân núi đường qua huyện Tuy An lên huyện Sơn Hòa.
-Củ roi mây: Lúc cày bừa phải dùng cây roi dài để điều khiển trâu bò. Cán roi là một cành tre nhỏ, cứng, ngọn roi là một đoạn mây rắt, đào lấy cả củ, chắp vào, củ mây ở đầu roi, gọi là roi củ.
            
       Muốn về Soi Bún ăn dưa
       Sợ e Soi Bún đãi đưa nhiều lời

-Soi Bún: Còn gọi là Soi Búng, vùng đất soi nằm giữa sông Chùa và sông Đà Rằng, thôn Ngọc Lãng xã Bình Ngọc thành phố Tuy Hòa. (Xem bài Muốn về Soi Bún ăn dưa phần 2)

       Sơn Triều nhiều ruộng nhiều cau
       Để cho chị Bốn làm dâu Sơn Triều
       Làm dâu coi trước coi sau
       Coi nhà mấy cột coi cau mấy hàng

(Câu đầu  có bản khác)

       Sơn Triều nhiều ruộng nhiều trâu

-Sơn Triều: Làng nông nghiệp thuộc xã Hòa Kiến thành phố Tuy Hòa, từ xưa đã vào hàng trù phú, có chợ Sơn Triều là nơi trung chuyển hàng hóa giữa vùng đồng bằng Tuy Hòa và cao nguyên Vân Hòa huyện Sơn Hòa. Sơn Triều nhiều ruộng, ngày trước nhiều vườn trầu cau. Cũng nuôi nhiều trâu. Dị bản câu cuối có ý nói rằng đây là vùng giàu, “ruộng sâu trâu bầy”. “Coi nhà mấy cột, coi cau mấy hàng”, cột nhà không lẽ ai đến dỡ đi, cau vườn không lẽ ai đến chặt đi, mà có nghĩa là bổn phận người phụ nữ ở đây lo quán xuyến gia đình, “coi trước coi sau” từ trong ra ngoài, từ nhà cửa đến vườn tược, chứ không phải vất vả chân lấm tay bùn. Bởi vậy mới mong “chị Bốn làm dâu Sơn Triều”.

TRẦN HUIỀN ÂN  
(Còn 1 kỳ nữa)