Bãi biển Ninh
Hòa – Nguồn: google image
Mồ
côi cha mẹ, được một người bà con nhận nuôi, từ bảy tuổi ba tôi đã đứng đồng,
chăn trâu. Và đến lúc có sức, cầm được cái cày thì ông bắt đầu cày cuốc, gieo
gặt, làm lụng quần quật trên đồng quanh năm.
Rồi ba má tôi gặp nhau, thương yêu nhau, tự sống chung dù không được sự đồng
tình của hai gia đình, bởi… không hạp tuổi. Đến đây, một nổi khổ mới xuất hiện,
bám riết lấy ba tôi: khổ vì con. Má tôi sinh ba người con đầu đều chết yểu, nên
khi sinh tôi ra, ba tôi chạy ngược chạy xuôi từ am này đến đền nọ, quỳ lạy mòn
gối tại nhà các thầy pháp, ông đồng bà cốt. Ông đặt cho tôi cái tên xấu xí, đeo
vào cổ tôi đủ loại vòng bạc, bùa phái… Tôi là con cầu tự nên được yêu quý,
nuông chiều cũng dễ hiểu.
Năm bảy tuổi, tôi đi học. Tôi học tạm được, dạng trung bình, “mỗi năm lên một
lớp.” Chỉ như thế cũng đã đủ để ba má tôi vui thích. Ba tôi rất quan tâm đến
việc học của tôi. Tháng nào ông cũng hỏi tôi được xếp thứ mấy, và trong số các
bạn trong làng tôi hơn đứa nào thua đứa nào. Có lần, gặp lúc vui ông hỏi:
“Những khi học bài không thuộc, thầy phạt cách nào?” – “Dạ, phạt quỳ úp mặt vào
tường, hay lấy thước kẽ quật lên tay.” – “Có đứa nào đau quá khóc không?” –
“Dạ, thường lắm ạ.” Ông cười: “Phạt như thế nhẹ hều, khóc là yếu. Nếu gặp ba
thì thầy cô đánh gãy thước ba cũng chẳng nhúc nhích!” Ngẫm nghĩ một lúc, ông
tiếp: “Hồi nhỏ ba cứ ao ước được đi học vài hôm cho biết.” Và ông bảo tôi: “Con
ráng, ba sẽ cố gắng cho con học xong ở đây rồi lên tỉnh… Ba không được đến
trường, con học luôn phần của ba.” Tuy không mặc áo học trò ngày nào nhưng ba
tôi cũng đọc được sách, biết làm bốn phép toán, nhờ mày mò tự học. Khi tôi lên
lớp nhì (lớp bốn) thì ông nói đến cái ước mơ lớn: “Con ốm yếu, không hợp với
nghề nông, nên chăm học để sau làm thầy giáo… Nghề dạy học khó giàu nhưng thơm
tho, nhàn nhã.”
Ba năm cuối bậc tiểu học, tôi lên học tại một trường tư ở thị trấn Vạn Giã,
cách nhà tám cây số. Đi với tôi còn có năm bạn khác cùng xóm. Chúng tôi đi xe
đạp, sáng lên chiều về, vì ngày học hai buổi. Ngày nào má tôi cũng dậy sớm, nấu
cơm cho tôi đem theo ăn trưa. Vào các tháng mùa đông mưa gió, trời mau tối,
chiều nào ba tôi cũng đi bộ ba cây số vào dốc Ké đứng đón tôi, bởi quãng đường
rừng đó vắng vẻ. Ba tôi không coi chuyện đưa đón là cực khổ… Ông thường nói với
má tôi: “Chiều đứng trước sân, dòm thấy cu Cọt đạp xe về là tôi sướng, bao nhiêu
nhọc mệt trong ngày tan biến hết.”
Đúng như ba tôi nhận định, càng lớn tôi học càng khá. Giữa năm 1970 tôi tốt
nghiệp tiểu học, hai tháng sau tôi đậu vào lớp sáu. Năm anh bạn cùng làng đều
nghỉ cả. Gia đình họ ngại lên tỉnh, đi xa, tốn kém… Vào được trường trung học ở
Thới Bình là điều vui mừng lớn. Có thể nói, tôi đã đạt hai mục tiêu: được học
trường công khỏi đóng học phí, và bước đầu thực hiện ước vọng của ba tôi: nhắm
đến cổng trường sư phạm.
Lên trọ học tại thành phố tôi sống chật vật vì nhà gởi cho tiền ít. Nhưng tôi
không buồn vì biết đây là toàn bộ sức lực, khả năng của cha mẹ.
Ở phố nhưng tôi nhớ nhà khôn nguôi. Nhiều lúc, vào xẩm tối, tôi nghĩ: giờ này ở
nhà chắc ba đang chuẩn bị đi biển soi cá, má lùa gà vào chuồng. Rạng sáng, tôi
đoán, chắc má đang nấu cháo heo, ba ôm rơm cho trâu ăn… Đi trên đường phố Thới
Bình thỉnh thoảng gặp những người đàn ông dưới quê mới lên – nhìn cách ăn mặc,
dáng đi của họ là biết – tôi lại thấy hiện ra trong đầu hình ảnh ba tôi gánh
bốn thúng cá hấp chạy trên đồi cát Đầm Môn. Trong những ngày rảnh việc đồng
(thường vào mùa nắng), ba tôi xuống các làng đảo mua cá hấp về bán. Công việc
này lời khá, nhưng vất vả. Mỗi chuyến đi mất ba ngày. Ba phải gánh bốn thúng cá
đầy ngộn, chạy trên những đồi cát thấp, xa khoảng sáu cây số, trên đầu nắng
gắt, dưới chân cát nóng… Về lại đất liền, ba tôi vào các làng xóm xa biển rao
bán. Ba tôi làm toàn những việc nặng nhọc.
Năm tôi học lớp tám, ba tôi lâm bệnh, một chứng bệnh ngặt nghèo. Mới vài tháng,
từ một người lực lưỡng, ông biến thành hình nộm gầy gò xanh bủng. Cây cột trụ
lung lay, nhà tôi rúng động. Nằm trên giường bệnh, ba tôi vẫn lo cho vợ con.
Ông than: “Lỡ tôi không mạnh lại thì tính sao đây? Bà chẳng quen làm nặng, lũ
nhỏ còn bé quá… nhà cửa ọp ẹp thế này… Chắc khó có tiền để thằng Cọt học… Ông
trời ác quá.” Má tôi sợ cuống nhưng bất lực, chỉ biết ngồi nhìn.
Ba tôi mất lúc mới 46 tuổi. Của cải quý nhất ông để lại là tám thửa ruộng một
vụ và bảy con trâu. Trước đó ông đã bàn với má tôi: “Ta tính một đàng ra một
nẻo. Giờ bà ráng xoay xở nuôi con. Ruộng mướn người ta cày, làm kiếm gạo. Trâu
thì bán, cất lại cái nhà cao ráo hơn một chút, và cho thằng Cọt học ít năm nữa…
tội nghiệp nó, chắc khó theo được đến thành thầy giáo.”
Sau ngày ba tôi qua đời, tôi học thêm hơn một năm nữa, rồi phải nghỉ. Chỉ nội
việc kiếm cho ba anh em tôi ăn no, má tôi đã đuối, nói chi tới chuyện cao hơn.
Việc học của tôi dở dang, tôi không được vào trường sư phạm như mơ ước của ba.
Nhưng nay chắc ba tôi vui lòng khi thấy tôi nằm trong số những người “có chữ
nghĩa” trong làng, và tôi ham đọc, biết mua sách báo như dân thành phố. Và còn
một điều đáng nói: giống như ba, tôi coi học vấn là chìa khóa giúp cho con
người bước vào ngôi nhà tri thức lộng lẫy, nên dù gia đình chỉ đủ ăn, hai con
tôi nay đã ngồi trên ghế giảng đường đại học ./.