T.Vấn
Nhà thơ Thành Tôn
và những quyển sách thủ công
THÀNH TÔN
(Ảnh Lưu Na - California, 2012)
1.
Thế
là tôi lại có mặt tại quận Cam của Cali vào một ngày tháng 5, với vài cuộc vui
xum họp gia đình và bạn hữu từ mái quân trường xưa ở một thành phố miền cao
nguyên Việt Nam. Tất nhiên, tôi đã không bỏ lỡ cơ hội gặp mặt những bằng hữu
thân quen của trang mạng TV&BH. Buổi gặp gỡ được hẹn tại một quán cà phê.
LN bảo sẽ có mặt tác giả “Thắp Tình”(1969), nhà thơ Thành Tôn.
Vợ
chồng tôi đến hơi sớm, loay hoay tìm một nơi vừa đủ ngồi cho nhiều người, vừa
tránh những cơn gió khó chịu của tháng 5 Cali. Ở một góc quán, có một vị quá
trung niên (thượng niên chăng?), ăn mặc rất nghiêm chỉnh, áo sơ mi dài tay cài
nút gọn ghẽ, mặt vuông chữ điền, mắt sáng tia ấm áp, chiếu những ánh dò hỏi về
phía vợ chồng tôi. Có lẽ chúng tôi quen nhau đâu đó trong khoảng thời gian mấy
chục năm đoạn trường vừa qua chăng? Bạn học? bạn lính? bạn tù? Tôi cố moi trong
trí nhớ ánh mắt ấm áp đó. Nhưng chịu. Tên mình và ngày tháng năm sinh đôi khi
còn phải ngừng lại vài giây suy nghĩ trước khi trả lời người đối diện thì làm
sao nhớ được một ánh mắt của nhiều năm trước, nhiều kiếp trước.
Khi người bạn trẻ LN, nhà thơ Nguyễn Đình Toàn và chị
Hồng Ngọc xuất hiện trước cửa quán thì tôi thấy vị trung (thượng) niên mặt
vuông chữ điền đứng dậy bắt tay chào hỏi. Tôi đoán hẳn phải là trung (thượng)
niên thi sĩ Thành Tôn mà LN đã nói trước. Quả đúng thế. Tác giả “Thắp tình”, bằng
cái giọng Quảng Nam sang sảng, vừa cười vừa đáp lại lời giới thiệu của người bạn
trẻ LN rằng ông đã nhận ra tôi từ lúc vợ chồng tôi đang loay hoay tìm chỗ ngồi.
Chỉ có điều ông tế nhị không nói ra là nhìn cái điệu bộ lúng ta lúng túng và
khép nép ngờ nghệch kiểu “Tư Ếch đi Xè Gòong” kia thì ai chẳng biết đó là gã
nhà quê xứ khỉ ho cò gáy vừa lên tỉnh như thông báo của LN.
2.
Thành
Tôn là một cái tên không hẳn là xa lạ với những người đọc các tạp chí Bách
Khoa, Văn Học, Văn, Hành Trình… của văn học miền Nam trước 1975. Tập thơ “Thắp
Tình” của ông xuất bản tháng 8 năm 1969, mà theo một người bạn của ông kể lại,
“là một tập thơ rất đặc biệt trong công việc ấn
loát. Tác giả của nó đã bỏ tâm huyết và công sức một cách trọn vẹn vào các
khâu: trình bày bìa, sắp chữ, đạp máy in, đóng, cắt và phát hành. Công việt thật
nhiêu khê, tỉ mỉ như vậy, tôi tin chắc chưa có một nhà thơ Việt Nam nào đủ chân
tình và khả năng để thực hiện…” (Thắp Tình Thành Tôn – Hà Khánh
Quân).
Như
những người cùng trang lứa, sau tháng tư năm 1975, Thành Tôn cũng đã mất gần
tám năm tuổi trẻ trong các trại cải tạo. Cùng với gia đình, ông định cư tại Mỹ
từ năm 1996, nhưng không còn thấy thơ (văn) mang tên Thành Tôn xuất hiện trên
các tạp chí văn học hải ngoại, dù là báo in hay báo mạng. Về chi tiết này, nhà
văn Trần Yên Hòa, một người cùng quê với ông đã viết : “Thành Tôn dạo sau này không làm thơ nữa. Anh vẫn
nói: “Làm thơ như vậy đủ rồi. Bây giờ mình thấy làm thơ không hay, thôi không
làm thơ nữa”. Tôi biết Thành Tôn muốn người đọc hãy đọc những bài thơ của anh
ngày cũ trong Thắp Tình, để thấy một vóc dáng thơ Thành Tôn. Như người đàn bà đẹp
chỉ muốn người ta nhìn ngắm nhan sắc mình khi còn tuổi xuân thì phơi phới…”
(Thành Tôn: Một thời làm thơ, một đời mê sách-Trần Yên Hòa).
Với
riêng tôi, tập thơ “Thắp Tình” của Thành Tôn ra đời năm tôi chưa biết vị đắng,
vị ngọt của yêu đương, của nụ hôn đầu đời như thế nào, nên cũng không có dịp đọc
tập thơ. Mặt khác, thuở ấy, cái tên Thành Tôn cũng chỉ thoáng ẩn thoáng hiện
qua những bài thơ đăng rải rác trên các tạp chí văn học Sài Gòn mà tôi đọc
nhưng dấu ấn của chúng không ở lại lâu. Có lẽ lúc ấy, con ma chiến tranh lớn quá,
khủng khiếp quá, nên nó đã chi phối trọn vẹn đời sống – cả tinh thần lẫn vật chất
– của thế hệ chúng tôi vừa mới chân ướt chân ráo bước vào đời, nên tâm trí đâu
dành cho những con chữ vốn bị người đời coi như “sách vở ích gì cho buổi ấy“.
Ngày
ấy, không ai trong chúng tôi nghĩ mình sẽ sống sót qua cuộc chiến tranh, cũng
không hề có trong đầu viễn tượng mình sẽ phải sống qua một thời tù đày, rồi bỏ
xứ ra đi sống trên mảnh đất xa lạ như hôm nay.
Nói
gì đến thơ, đến chữ, đến sách, đến vở…
3.
Giờ
đây, ngồi trước mặt Thành Tôn, trong trí tôi không có một chút vốn liếng thơ
văn nào của ông để mở đầu câu chuyện làm quà, ngoài tên tập thơ còn nhớ được đã
là may mắn lắm rồi. Không đồng hương đồng khói. Không đồng học đồng tù. Nhưng
tôi đã không phải bận tâm lâu hơn khoảng thời gian vừa đủ để nhấp một ngụm cà
phê của buổi trưa Cali hanh gió.
Cái
giọng Quảng Nam sang sảng, cởi mở, vào chuyện tự nhiên như thể đây không phải
là lần thứ nhất chúng tôi ngồi bên nhau chuyện trò. Và từ đôi mắt chiếu những
tia ấm áp, chân tình kia, tôi đánh mất ngay cảm giác nhà quê lên tỉnh của anh
chàng Tư Ếch tội nghiệp.
Chưa
hết. Bằng một vẻ trịnh trọng như chính vẻ ngoài nghiêm túc trịnh trọng của nhà
thơ, Thành Tôn mở túi xách bên cạnh ông, lấy ra quyển sách nhỏ, mỏng, mang hình
dáng một tập thơ. Ông đưa cho tôi và bảo đây là món quà tri ngộ tặng người mới
quen. Rồi ông thao thao bất tuyệt nói về sự mù tịt kỹ thuật máy tính của mình
nhưng lại khéo tay khéo chân trong việc tái tạo những quyển sách có số tuổi già
hằng nửa thế kỷ. Như tập thơ ông vừa tặng tôi. Nó ra đời năm 1962 tại Sài Gòn.
Ban đầu tôi tưởng đây là một bản sao tập thơ “Thắp Tình” của Thành Tôn. Nhưng lại
là bản sao tập thơ “Mật Đắng” của nhà thơ Nguyễn Đình Toàn đang ngồi tủm tỉm cười
bên kia bàn. Bản chính lần thứ nhất xuất bản năm 1962 của tập thơ , Thành Tôn
mua lại được trong những lần lục lọi chồng sách cũ của Sài Gòn sau khi được tha
về từ trại cải tạo. Ông đã tìm mọi cách mang tập thơ qua Mỹ khi lên đường đi định
cư, và trân trọng trao lại cho tác giả để “châu về hiệp phố”. Quả là cử chỉ
nghĩa hiệp của một người yêu chữ, yêu sách. Tập thơ Mật Đắng của nhà thơ Nguyễn
Đình Toàn không phải là trường hợp đầu tiên của châu về hiệp phố mà Thành
Tôn đã thực hiện.
Theo
nhà thơ Trần Yên Hòa : “Có thể
nói anh là một người có đầy đủ sách nhất. Điều này tôi chỉ biết qua nhận xét của
tôi thôi. Anh mua đủ loại sách, dù có những quyển sách anh không thích nhưng
anh vẫn mua về để làm tài liệu. Những sách cũ của các tác giả xuất bản ở VN truớc
1975, qua cuộc đổi đời 75, khi ra đi không mang theo đuợc. Thế mà hỏi Thành
Tôn, anh lại có, như những tập thơ của Du Tử Lê chẳng hạn. Khi Du Tử Lê in toàn
tập thơ Du Tử Lê, Thành Tôn đã cung cấp cho Du Tử Lê những tập thơ cũ mà Du Tử
Lê không còn. Hay bây giờ, nếu một bạn văn nào đó cần tài liệu cũ, Thành Tôn đều
có và cho mượn ngay. Đến nhà anh, anh cho xem những tác phẩm của các nhà xuất bản
An Tiêm, Ca Dao, Lá Bối… mà anh đã đem theo và còn cất giữ, mới thấy được hết tấm
lòng của Thành Tôn đối với chữ nghĩa, sách vở. Anh kể, khi anh đi Mỹ, quan trọng
nhất là 2 thùng sách anh mang theo, sau đó mới là những vật dụng cá nhân cho
gia đình.
… Nhà
thơ Thành Tôn còn cho thấy, ông luôn sẵn sàng chia sẻ, cho đi, những gì ông có.
Dù đó là những cuốn sách mà ông sưu tầm, nâng niu, như những đứa con quý báu nhất
của ông” (Thành Tôn: Một thời làm thơ, một đời mê sách –
Trần Yên Hòa).
Cầm
tập thơ phó bản “Mật Đắng” của nhà thơ Nguyễn Đình Toàn trên tay, lần giở từng
trang và đọc lại những bài thơ kỷ niệm của một thời, tôi thấy vị Trung (thượng)
niên thi sĩ ngồi bên cạnh tôi quả thực thật đáng yêu vì những gì ông đã làm. Với
tôi, đây là bài thơ đầy ý nghĩa của một người yêu sách yêu chữ hết lòng hết sức,
chỉ biết cho đi làm niềm vui lúc nào cũng lấp lánh trong đôi mắt đầy những tia
nắng ấm áp kia.
Vậy
thì Thành Tôn đâu cần phải tiếp tục làm thơ mới được người đời … tiếp tục gọi
là thi sĩ.
Hơn
nửa thế kỷ trước, nhà thơ đã tự mình “trình
bày bìa, sắp chữ, đạp máy in, đóng, cắt và phát hành” cho tập thơ đầu
đời của mình. Nay, bất chấp thế giới kỹ thuật đang chi phối mọi lãnh vực đời sống
ngoài kia, nhà thơ của chúng ta vẫn miệt mài với chụp, cắt, dán, đóng những
trang sách cũ bằng đôi tay khéo léo của mình. Chỉ để mang niềm vui đến cho anh
em bằng hữu thân sơ.
Chẳng
phải đó cũng là ước muốn của thi nhân khi chau chuốt từng vần thơ gởi đến cho đời
hay sao?