NGÔ
THẾ VINH
Giữa
hai thế kỷ
55
năm hội họa Nguyên Khai
và
chất thơ ngày ấy
Hình 1- Chân dung Nguyên Khai
TIỂU SỬ NGUYÊN KHAI
Tên
thật Nguyễn Phước Bửu Khải, sinh ngày 01.09.1940 tại Huế. Nguyên Khai theo học hai năm đầu tại trường Cao Đẳng Mỹ
Thuật Huế (1960-1961), chuyển vào học năm thứ ba và thứ tư trường Cao Đẳng Mỹ
Thuật Gia Định (1962-1963). Huy chương Đồng Triển lãm Mùa Xuân Saigon 1963,
cũng là năm Nguyên Khai tốt nghiệp tại trường này.
Là một trong những thành viên sáng lập và là khuôn mặt nổi bật của Hội Họa sĩ
Trẻ Việt Nam từ 1966. Nguyên Khai hầu
như tham dự tất cả những cuộc triển lãm hàng năm do Hội Họa sĩ Trẻ tổ chức
(1965-1975) cùng với các cuộc triển lãm tranh khác của Alliance Française 24
Gia Long Saigon, Centre Culturel Français trên đường Đồn Đất, Goethe Institute đường
Phan Đình Phùng (1968-1975).
Nhà phê bình hội họa người Pháp Marc Planchon, người rất gắn bó với những
khuôn mặt tài năng của Hội Họa sĩ Trẻ Việt Nam, trên trang báo Journal d'
Extrême Orient 01.10.1964 đã viết về Nguyên Khai cách đây 52 năm [1964]:
"Anh vừa đúng 24 tuổi và thân hình mảnh
mai như thiếu ăn, với cái nhìn nóng bỏng ấy trên một khuôn mặt gầy guộc khiến
người ta nghĩ tới những sinh viên thời Trung cổ, ở thời kỳ triết học kinh viện,
được nuôi dưỡng bằng những ý tưởng thăng hoa hơn là ham muốn, trong nỗ lực hướng
tới tri thức, thấy hạnh phúc xây dựng luận lý trên những tiền đề tưởng tượng,
hơn là chỉ chú trọng vào sự kiện vật chất trong thực tế phẳng lì của nó."
"Il a tout juste vingt-quatre ans
et, d'apparence, cette maigreur famélique, et ce regard brûlant dans un visage
emacié qui font songer à ces écoliers moyenâgeux,
des temps scholastique, plus nourris d' idées effervescentes que de bonne
chair, dans leur effort vers la connaissance, plus heureux de constructions
logiques sur des prémises imaginaires, que de considérer simplement le fait
matériel dans sa plate réalité."
Hình 2- Một Nguyên Khai mảnh mai thư sinh
trong cuộc triển lãm tranh chung ở Sài Gòn 1965
Hơn nửa thế kỷ sau, Marc Planchon nếu có
gặp lại Nguyên Khai, thì vẫn là một Nguyên Khai mảnh mai của ngày nào, chỉ có
thêm là rất nhiều những vết hằn sâu của thời gian.
Hình 3- Bài phê bình hội họa của Marc Planchon
trên Journal d' Extrême Orient 01.10.1964 về cuộc triển lãm
tại Phòng Thông Tin Đô Thành Sài Gòn với nhan đề:
"Tác phẩm Nguyên Khai là tranh? hay thi họa?
Sau 1975, gia đình Nguyên Khai kẹt lại Việt Nam 6 năm. Là thuyền nhân rời
Việt Nam 1981, định cư tại Nam California. Nguyên Khai tiếp tục sáng tác, và
triển lãm tranh.
Năm 2003, có thể coi là dấu mốc quan trọng trong hành trình sáng tạo của
Nguyên Khai qua cuộc triển lãm tại hội trường Nhật báo Viễn Đông, Little Saigon.
Nguyên Khai đã táo bạo sử dụng những con chips từ các computer phế thải, gắn
vào những bức tranh tuy là chất liệu hỗn hợp/ mixed media, nhưng vẫn giữ được vẻ
đẹp hài hòa và thơ mộng của tranh Nguyên Khai. Có thể nói đây là bước tiên
phong cách tân của nghệ thuật Nguyên Khai, một hội nhập vào thế kỷ của nhân loại
với những tiến bộ kỳ diệu trong lãnh vực điện toán / Mankind and Computers.
Nhưng sớm hơn trước đó, năm 1998 Nguyên Khai đã có một cuộc triển lãm thành
công ở Los Angeles Artcore. Nhà phê bình hội họa
Collette Chattopadhyay có một Review về Nguyên
Khai, trích đoạn: "Những tác phẩm của
Khai tinh tế và phức tạp chuyển biến cách nhìn từ nghệ thuật cung đình Á châu với
các biểu tượng toàn hảo như mặt trời, mặt trăng và bốn mùa bước qua những hình ảnh
hiện đại của máy móc với các bộ phận computer, đồng hồ chỉ thời gian. Như gửi
tín hiệu cho một thiên niên kỷ mới sắp tới, các tác phẩm ấy như một nhìn lại những
giá trị văn hóa - xã hội của cuối thế kỷ 20, với trân trọng thành tựu quá khứ
nhưng đồng thời là bước vươn tới lãnh vực khoa học kỹ thuật của thời hiện đại."
[Nguyên Khai at L.A. Artcore, 1998]
Tác phẩm của Nguyên Khai đa dạng về thể loại: sơn dầu/ oil painting, chất
liệu hỗn hợp/ mixed media, sơn mài/ lacquery, tranh độc bản / monoprint và một
số tượng và phù điêu / bas-relief và cả vẽ bằng men sứ / ceramics; phong phú về
nội dung: từ tranh biểu hiện / expressionism tới tranh trừu tượng / abstract. Đã
không có phân định rõ về từng thời kỳ sáng tạo của Nguyên Khai, nhưng anh thì vẫn
cứ làm việc bền bỉ và không ngừng tìm kiếm, cho tới nay cho dù đã bước qua tuổi
cổ lai hy, khả năng vận dụng chất liệu, những gammes màu của Nguyên Khai ngày
càng điêu luyện.
Cuộc triển lãm mới nhất gần đây tại Little Saigon 06.2016 đánh dấu 55
Năm Hội Họa Nguyên Khai (1961-2016). Khoảng thời gian ấy tính ra là đã hơn nửa
đời người, nhưng có lẽ không có tuổi tác cho nghệ sĩ khi vẫn còn nung nấu ngọn
lửa sáng tạo.
NHỮNG CUỘC TRIỂN LÃM
2016 Viet Bao Gallery, Westminster,
California
2015 Viet Bao Gallery, Westminster,
California
2012 Viet Art Gallery, Houston, Texas
2007 Palette Art Gallery, Houston, Texas
2006 Viet Bao Kinh Te Gallery, Garden Grove,
California
2005 Viet Art Gallery, Houston, Texas
2004 Hoa Mai Gallery, Paris, France
2003 "40 Years of Artistry," Vien
Dong Gallery, California
2002 Vinh Loi Gallery, Saigon, Vietnam
2001 Old Courthouse Museum, California
2000 L.A. Artcore Center,
California
1998 Cuttress Gallery, Pomona, California
1997 "Salt & Pepper," Inst. of
Contemporary Art Gallery, San Jose, California
1996 Pacific Asian Museum, Pasadena,
California
1995 Smithsonian
Institute Traveling Exhibition
1995 Ryal Gallery, Boca Raton, Florida
1994 "East & West," Wignall
Museum, California
1987 UCLA Art Gallery, Burbank, California
1982 UC Irvine Gallery of Art, California
1969 The Sao Paulo Biennial, Brazil
1968 The New Delhi Biennial, India
1967 The Tokyo Biennial, Japan
1965 The Paris
Biennial, France
Hình 4a - Lan Phương: người bạn đời, bà Tú Xương thời hiện đại,
cũng là nguồn cảm hứng và chất thơ của Nguyên Khai 2005
Hình 4b - Nguyên Khai đang uống nước Cam Lồ,
một khoảnh khắc rất hạnh phúc
Hình 5- Bức tranh Nhà thờ 1965 vẽ trong thời gian Nguyên
Khai
sống ẩn náu như trong một ốc đảo
Hình 6 - Bài báo
giới thiệu gia đình Nguyên Khai trên
Los Angeles
Times, 30-05-1998
NHỮNG NHẬN ĐỊNH VỀ NGUYÊN
KHAI
Tuy
gồm nhiều thể loại, nhưng các tác phẩm chính của Nguyên Khai chủ yếu là tranh sơn
dầu / oil painting, từ tượng hình / figurative sang trừu tượng / abstract xen lẫn
nhau qua các giai đoạn. Dù thể loại nào, chất thơ mộng, sang trọng và vương giả
trong tranh Nguyên Khai chính là vẻ đẹp tinh khôi của chất liệu / matière, với
những gammes màu như ẩn hiện đan vào
nhau mà anh có khả năng sử dụng rất nhuần nhuyễn.
Nhà phê bình hội họa Huỳnh Hữu Ủy trong tác phẩm Nghệ Thuật Tạo Hình Việt Nam Hiện Đại 2008 đã nhận định: "Tranh của Nguyên Khai là thơ được dựng
lại bằng sắc màu trên nền vải. Đó là một thế giới vô cùng thơ mộng và quý phái
như phong cách đã định hình ngay từ những bước đầu... Nghệ thuật của anh là một
bắt nhịp ra ngoài cái hiện tiền."
Hãy để Hoàng Ngọc Biên, nhà văn tiên
phong của phong trào tiểu thuyết mới miền Nam trước 1975 cũng là bạn hàng xóm
viết về người bạn của mình: "Nguyên
Khai xưa nay là người trầm tĩnh – trong chuyện sống cũng như chuyện sáng
tác. Thời ở Tân Định Saigon, anh sống một mình và vẽ tranh gần như lặng
lẽ trong một căn phòng tương đối rộng, ít tiếp xúc với bên ngoài... Khai
bạn bè nhiều nhưng có vẻ không mất thì giờ đàn đúm: thì giờ anh gần như
dành hết cho việc tìm cái mới trong nghệ thuật. Sài Gòn thời ấy bừng
bừng không khí Modigliani và Chagall, Nguyên Khai không phải đã thoát ra
được cái kích thước quyến rũ ấy, nhưng cuộc trò chuyện của Khai với
trăng, sao, bầu trời và con người là bất tận. Tranh Nguyên Khai, kể cả
khi anh bước qua một kỹ thuật mới, luôn mang một bố cục khác, một thứ
ánh sáng phi thường. Nhưng
cũng chính cái lối âm thầm làm việc ấy khiến khi anh phản ứng trước các
ồn ào của thế sự, anh là một người triệt để."
Nhà văn nhà thơ Nguyễn Đình Toàn đã nhận
xét rất tinh tế khi xem tranh Nguyên Khai: "Cái
chất thơ mộng lãng mạn của tâm hồn Nguyên Khai hình như lúc nào cũng chìm lẩn
dưới màu sắc, dưới những đường nét. Có vẻ như ông muốn giấu
bớt chúng đi chứ không phơi bày ra."
Hoạ
sĩ Đinh Cường, cũng là thành viên của Hội Họa sĩ Trẻ nhận định: "Nguyên Khai là một họa sĩ đã định hình,
với thế giới tranh sang trọng và thơ mộng mang âm hưởng Huế, nơi anh đã sống
cùng gia đình trong một phủ xưa bên Gia Hội. Những thiếu nữ trong tranh anh
mang hình dáng quý phái, đặc biệt có những chân dung hai mặt rất Nguyên Khai."
Thêm một Trịnh Cung phát
biểu về Nguyên Khai: "Trong suốt hơn nửa thế kỷ làm nghệ thuật của Nguyên Khai, với
tôi, anh là một con ong trong thầm lặng và bền bỉ, bay khắp vùng hoa lạ tìm mật
cho mình và cho đời. Chúng ta hãy ngắm nhìn tranh Nguyên Khai đã vẽ lúc còn
trai trẻ cho đến hôm nay, dù là sơn dầu hay với đa chất liệu, cái đẹp hiện đại vẫn
luôn ứa chảy sự ngọt ngào, sự dịu dàng vô tận của thi ca khiến ta cảm thấy mình
được nhấc bổng khỏi những ràng buộc tăm tối, khắc nghiệt của đời thường."
Khi trả lời câu hỏi của nhà thơ Trịnh Y Thư: "Tương quan giữa hội họa
và thực tại là gì?" Nguyên Khai phát biểu: "Hội họa không quay lưng lại thực tại, nhưng nó không minh họa thực
tại. Hội họa cho chúng ta cái nhìn khác, cái nhìn phi thực tại, để từ đó những
khả thể của chân thiện mỹ được biểu đạt."
Hình như các nghệ sĩ tài năng đều có điểm hội tụ và gặp nhau ở quan điểm
nghệ thuật này. Nghiêu Đề, cũng là thành viên nổi
trội của Hội Họa sĩ Trẻ khi nói về quan niệm
hội họa cũng cho rằng đó không phải là một
sao chép từ cuộc sống, và Nghiêu Đề đã đưa ra một hình tượng ví von:“họa sĩ là người tìm được một nét đúng giữa
hai nét sai của thực tại.”
CÂU CHUYỆN BỨC TƯỢNG THỜI
GIAN
Bức tượng
Thời Gian, tác phẩm độc nhất của Nguyên Khai trên đảo Galang Indonesia
1981, tượng làm bằng đá san hô lượm được trên bờ biển, dụng cụ lúc đó chỉ có một
con dao phay để đục đẽo.
Vĩnh Thăng, con trai Nguyên Khai lúc tới đảo
mới có 7 tuổi, sau này khi đã trưởng thành ở Mỹ, hồi tưởng viết về bức tượng Thời Gian ấy:
"Ban đầu với tôi bức tượng là một vô nghĩa, tuy nhiên qua thời
gian, tôi thấy được nhiều điều kỳ diệu ẩn tàng trong đó. Trước đây tôi nghĩ bức
tượng là thể hiện giấc mơ đang chết dần của cha tôi, nhưng sau đó tôi thấy là
mình sai. Cha tôi và tôi có cách nhìn khác nhau về sự thành đạt / achievement,
cha theo quan niệm Đông phương, theo ông thành tựu không phải là sự giàu có và
nổi tiếng, mà là sự hiện hữu và lớn lên từ nội tâm / inner growth and
existence. Tôi lớn lên ở Mỹ, có một lối suy nghĩ Tây phương hơn. Nhưng rồi nghĩ
lại thời gian đã mất của cha tôi không hẳn là đã mất; cha tôi đã cống hiến toàn
thời gian cho sáng tạo, cho nghệ thuật mà ông yêu mến.
Hình
16 - Phải: Những ngày gia đình Nguyên Khai trên Đảo Galang;
Trái:
Bức tượng Thời Gian 1981, tác phẩm duy nhất của Nguyên Khai
trên
đảo Galang Indonesia, làm bằng đá san hô lượm trên bờ biển,
chỉ
có con dao phay để đục đẽo.
Cha tôi đã tạc bức tượng này trên đảo Galang khi gia đình tôi vừa đào
thoát khỏi Việt Nam. Nó là gia tài duy nhất chúng tôi mang vào nước Mỹ. Không dễ
dàng gì để mang bức tượng đó theo. Tôi còn nhớ rất rõ những gì diễn ra ngày hôm
đó. Khi nhập cảnh, họ khám xét các túi hành lý. Tôi còn thấy được vẻ sợ hãi
trong ánh mắt cha tôi, chuông báo động réo lên khi túi xách có bức tượng đi qua
màn hình phát hiện kim loại. Giọng cha tôi run lên với mấy chữ tiếng Anh rời rạc:
"Art mine, please I keep OK?" Thật là may mắn, chúng tôi còn giữ được
bức tượng ấy tới nay. Bức tượng được đặt giữa phòng khách, quay mặt về hướng
nam.
Bức tượng trông thì đẹp nhưng không có ý nghĩa gì với tôi lúc đó... Tượng
màu cát biển tạc chân dung một cô gái Á châu với dáng sang cả, vương giả. Có lần
cha tôi bảo bức tượng ấy không chỉ là tượng trưng cho hy vọng và ước mơ mà còn
nhiều hơn thế nữa. Là một nghệ sĩ, bị tước đoạt tự do sau khi cộng sản cưỡng
chiếm miền Nam, gia đình chúng tôi đã đào thoát với ước mơ đi tìm cuộc sống tự
do. Cha tôi không chỉ có ước mơ cho chúng tôi mà cho chính ông nữa. Tất cả mong
ước là ông được tự do sáng tạo và phát triển cuộc sống tâm linh.
Ban đầu tôi đã lầm khi nghĩ rằng giấc mơ của cha là trở thành một nghệ
sĩ nổi tiếng và giàu có. Rồi tôi hiểu rằng chẳng dễ gì để ông có thể nổi tiếng
trên đất Mỹ, và ông phải khởi sự lại từ bước đầu. Nước Mỹ là vùng đất mới và rất
khác, và chỉ có mỗi con đường phía trước là thời gian, và bức tượng được mang
tên "thời gian". [Lược trích, The Time, Vĩnh Thăng, The Writers Post, July 1999]
ĐẾN VỚI CĂN NHÀ MƠ ƯỚC
Những lần tới nhà Nguyên
Khai, thường là cùng đi với vợ chồng Đổ Hoàng, bạn đồng môn Y khoa, nhưng Đường
Thiện Đồng lại là bạn từ thời để chỏm với Bửu Khải với những ngày thơ ấu nơi
trường tiểu học bên phủ Gia Hội. Nhà Đổ Hoàng có bộ sưu tập khá nhiều tranh Nguyên
Khai và tôi vẫn gọi đùa đó là một Nguyên Khai's mini-museum. Tôi thì quen
Nguyên Khai vào thập niên 60 có lẽ cùng thời với người bạn Tấm Cám Nghiêu Đề.
Nơi phòng khách, nhà trên để Lan Phương -
chị Nguyên Khai và cũng là bà Tú Xương thời hiện đại tiếp bạn. Riêng tôi mỗi lần
tới Nguyên Khai thì lại thích xuống thăm xưởng vẽ của anh. Gọi là xưởng vẽ chứ
đó chỉ là một garage nhỏ, thiếu ánh sáng và ban ngày làm việc đôi khi cũng phải
cần có thêm vài ngọn đèn.
Nguyễn Đình Toàn cũng phải ngạc nhiên viết:
"Đối với con mắt bình thường, người
ta không khỏi thắc mắc tự hỏi, làm thế nào có thể vẽ trong điều kiện như vậy?"
Tranh Nguyên Khai không chỉ đẹp mà ở một
số bức còn mang nét man mác buồn của tình hoài hương / Nostalgia. Cho dù đang
đi giữa những tòa nhà chọc trời của New York, Nguyên Khai vẫn nhìn thấy đâu đó ẩn
hiện một nóc Nhà thờ Đức Bà của Sài Gòn trong trí tưởng ngày nào. [Cũng có Nhà thờ Đức Bà ở New York
2009]
Hình 7- Trong garage, một bức tranh dở dang
còn treo trên giá vẽ
Nếu nhà trên ngăn nắp bao nhiêu, thì nơi
đây trong xưởng vẽ chỉ có ngổn ngang những khung tranh, ống màu và các cây cọ hoặc
còn ướt hay đã khô cứng còn vấy màu lem luốc; tất cả như không chừa chỗ cho có một
lối đi. Rồi cả chồng những bức tranh cũ mới xếp bên nhau. Có những bức đã xem,
có đôi bức tranh mới, và cả một bức tranh dở dang còn đứng trên giá vẽ.
Nguyên Khai thì bao giờ cũng thú vị khi
nói về bức tranh đang hình thành. Ý niệm của bước kết thúc ra sao, có thể còn
có những bất ngờ đẹp hơn mà có lẽ người họa sĩ cũng chưa được biết rõ. Tình cờ
trong hội họa có lẽ cũng thú vị như sự đột biến trong các bước cấu trúc của một
tác phẩm văn chương.
Hình 8 - Tình hoài hương trong tranh Nguyên Khai:
"Cũng có nhà thờ Đức Bà ở New York" 2009
Sau garage tranh ấy là khu vườn nhỏ, một khoảng
không gian yên tĩnh khác mà tôi muốn lui tới. Diện tích mảnh vườn rất nhỏ thôi,
ngoài mấy chậu Bonsai do chính tay Nguyên Khai chăm sóc cắt tỉa, khoảnh đất còn
lại có đủ hoa trái bốn mùa: ổi, hồng giòn, cam chanh bưởi, một giàn lựu đỏ trĩu trái bên tường và rất hiếm là có cả một cây khế chua
sai trái. Cũng phải tin là Nguyên Khai có tay trồng cây; cũng cây ấy trồng ở một
nơi khác nhiều năm không ra trái, nhưng khi đưa về đây, chỉ năm sau cây trái đã
lại sum suê.
Được xem tranh, ngắm mấy cụm Bonsai, và màu
sắc cây trái thật sự là những phút thư giãn. Trời đổ tối, bước vào nhà bao giờ
cũng là bữa ăn ngon, khi ra về không bao giờ tay không, nếu không là một túi
cây trái tự hái, thì cũng là một gói xôi vò - món thuần bắc, chắc chắn không phải
là do "Mệ Bửu Khải" trổ tài nội trợ.
Hình 9 - Tranh số 24 Nguyên Khai 1967, mới tìm thấy
trong sưu tập của một gallery ở Arizona
Hình 10 - Tranh Ngựa Nguyên Khai 1993
Hình 11- Hoàng Thành, tranh sơn mài Nguyên Khai 1987
Hình 12 - Chim và Nguyệt Thực, tranh sơn mài Nguyên Khai 1987
Hình 14 - Từ trái: Trà Sớm Trà Muộn, tranh tĩnh vật Nguyên
Khai 2001,
với bộ đồ trà của mẹ, tưởng nhớ ngày mẹ mất
Hình 13 - "Thời hiện đại và computer" 1992,
"Mạch Dẫn" 1995
chất liệu hỗn hợp / mixed media
Hình 17- Nụ cười Đức Phật 2006, phù
điêu / bas-relief Nguyên Khai:
[sưu tập Đổ Hoàng, Newport Beach]
Hình 15 - Nguyệt Thực Nguyên Khai 2016 trong cuộc triển lãm
55 Năm Hội Họa Nguyên Khai 1961-2016
Hình 18a - Cuộc triển lãm cuối cùng của "Hội Họa Sĩ Trẻ"
tại Sài Gòn trước 1975;
từ trái: Đinh Cường, Mai Chửng, Dương Nghiễm Mậu, Hoàng Ngọc
Biên,
Nguyên Khai, Nguyễn Trung, Hồ Thành Đức, Nguyễn Đồng
[tư liệu Hội Họa Sĩ Trẻ]
Hình 18b - Từ Saigon 1975 tới Houston 2005,
bảy thành viên "Hội Họa Sĩ Trẻ" hội ngộ 30 năm
sau;
từ trái: Đinh Cường, Nguyễn Phước, Nguyên Khai, Nguyễn Lâm,
Nguyễn Trung, Hồ Hữu Thủ, Trịnh Cung
Hình 19a - Triển lãm tranh Nguyên Khai 2016:
từ phải Nguyên
Khai và Ngô Thế Vinh
Hình 19b - Triển lãm tranh Nguyên Khai 2016
từ trái: vợ chồng Nguyên Khai Lan Phương, Ngô Thế Vinh và Trịnh
Cung
MỘT NÉT VĂN HÓA LITTLE
SAIGON
Gia đình Nguyên Khai từ nhiều năm sống êm ả
trong một căn nhà nhỏ nơi vùng Tustin. Khi lần đầu tiên tới thăm, Trịnh Cung đã
thốt lên: đó là căn nhà của mơ ước.
Hình 20 - Trái: nghệ thuật Bonsai Nguyên Khai
Phải: vẽ bằng men sứ trên bình trà hai vòi
HÌNH 21 - Đầu tường lựu đỏ, hồng, khế, bưởi, ổi...
bốn mùa cây trái trong vườn nhà Nguyên Khai
Nhớ lại khi Mai Thảo vừa mất, Đỗ Ngọc Yến có ý tưởng lập một giải văn
chương Mai Thảo. Tôi nói với Yến, trước khi nói tới một giải văn chương mang
tên Mai Thảo, việc nên làm ngay là giữ lại chiếc bàn viết lữ thứ của anh ấy,
như một nét văn hóa của Little Saigon. Khó có thể tưởng tượng cảnh sống đạm bạc
của Mai Thảo trên đất Mỹ. Chỉ là một căn phòng rất nhỏ trên lầu 2 của một chung
cư dành cho người cao niên ngay phía sau nhà hàng Song Long. Chỉ có một bàn viết,
chiếc giường đơn, một kệ sách, và trên vách là tấm hình Mai Thảo ngồi với Vũ
Hoàng Chương trên bậc thềm nhà. Nhưng rồi cả không gian sống của Mai Thảo, cuối
cùng chỉ đủ xếp vào hai chiếc thùng giấy. Và đã không còn đâu dấu vết chiếc bàn
viết lữ thứ của một nhà văn lưu vong có tên Mai Thảo.
Người Việt phiêu bạt từ khắp năm châu, khi hành hương tới thủ đô tỵ nạn
không lẽ chỉ để thấy một khu Phước Lộc Thọ, chỉ có một tiệm sách Văn Khoa thì nay
cũng không còn nữa. Một người bạn cùng gia đình và đàn con thế hệ thứ hai đến từ
xứ tuyết Toronto, nhận định là tới Little Saigon không lẽ chỉ để dẫn chúng nó vào
những tiệm phở, ngắm bảng hiệu mấy văn phòng bác sĩ hay luật sư. Anh ấy muốn
nói tới một Công Viên Văn Hóa Việt Nam.
Mong ước, rồi ra ngoài một Gallery Nguyên Khai trên không gian ảo
www.nguyenkhaiart.com, căn
nhà nhỏ mơ ước của Nguyên Khai - chữ của
Trịnh Cung, nơi thị trấn Tustin, Orange County California và một số tranh
tượng ấy sẽ được giữ lại như thêm một nét văn hóa Việt nơi thủ đô tỵ nạn của một
thế hệ di dân thứ nhất.
NGÔ THẾ VINH