Bánh tráng cuốn thịt luộc Bình Định - Ảnh: google image
Ngôi nhà từ đường
của gia đình chú Tám Tiến nằm trong một khu vườn rộng, được bao bọc bởi hàng
rào kẻm gai, dây leo đã phủ rợp xanh um từ thuở nào, nhưng lọt sâu trong xóm.
Chú Tám - Tiến nói với Kha: “Cháu coi thu xếp về đây ở với chú cho vui, hiện
thời mầy là cháu đích tôn, sẽ thừa hưởng khu vườn và ngôi nhà nầy, không còn
đứa nào nữa cả!”. Kha cười: “Thằng Minh không chịu về sao, chú?” - “Ôi, đừng
nhắc tới thằng đó. Nó là trưởng nam của chú, nhưng cứ ưa ở…ngoài đường thôi!”.
Kha nghĩ Minh không về giữ ngôi nhà
từ đường này cũng là phải: Nhà ở sâu trong xóm vắng, cách đường bê tông liên
xã, vợ con nó sẽ làm ăn thế nào khi về chui đụt ở đây? Chẳng lẽ đi học, nhận
bằng cử nhân khoa văn, rồi về nhà lãnh hai sào ruộng cho hai vợ chồng, với khu
vườn trồng rau, trồng cây ăn trái, và mấy con heo, con gà như chú Tám Tiến,
mà rung đùi làm thơ miết được sao? Kha nghĩ, chưa có thời nào lãng phí bằng cấp
như lúc nầy, và cũng chưa có thời nào bằng cấp hạ giá như lúc nầy! Có lần Kha
đã nghe Minh tâm sự: “Thời nay, nơi nào sống được thì ở, đất lành chim đậu;
nghề nào kiếm ăn được thì làm, chứ ôm giữ cái “quê nhà” quạnh hiu nầy, thì sống
sao nổi? Một năm, vợ chồng con cái em về thăm hai lần, vào dịp lẽ Vu Lan và
Tết, là vui rồi!”.
Nhưng Kha đã đến ở với chú Tám Tiến được hơn hai tuần lễ nay, như một sự trôi dạt, cùng đường. Cánh bèo trôi
theo dòng nước xoáy, tấp vào đâu, mà chẳng được - Khang thường nghĩ vậy để nhắc
nhở, an ủi mình. Cha Kha là trai trưởng của dòng họ, gồm có ba trai và bốn gái.
Con gái được xếp “ngoại tôc”, đã có chồng ra riêng, một trai đã chết trận năm
68 - còn lại cha Kha và chú Tám. Cả hai
cũng chỉ có một người con trai nhưng Minh thì đã có vợ con đang bươn chải ở
Saigon, còn lại Kha đang “lỡ thầy lỡ thợ”, trở về…
Một hôm, Kha đạp xe lên khu chợ Gò
của xã, để dạo chơi cho vui, nhưng lúc quẹo vào khu chợ bên trong, chợt nhìn
thấy cô hàng bán bánh tráng trông rất sáng lán, bảnh bao. Chợ quê hẻo lánh,
thưa thớt người, mà có một cô gái trông xinh xắn vậy, cũng là một điều lạ. Một
đóa hoa hoang dại quý hiếm ven đường, Kha thầm nghĩ. Người ta thường sính hoa
Mai, hoa Hồng, hoa Lan trong chậu kiểng cao sang, ít ai chịu để mắt đến những
cánh hoa nhỏ ven đường…
Anh
dựng xe, ghé lai: “Bánh tráng bao nhiêu một ràng vậy cô?” - “Nhiều loại, anh
mua loại nào mới nói giá được chứ?”
Loại
nầy - Kha chỉ tay vào chồng bánh tráng mỏng.
- Hai
mươi hai ngàn một ràng…
- Không
bớt đồng nào sao?
- Ở
đây không nói thách…
- Anh
cũng thích vậy - Kha cười, liếc nhìn nét mặt cô gái, muốn bán bao nhiêu thì
nói, thách thức nhau mà làm gì - phải không cô?
Cầm
ràng bánh tráng lên, Kha săm soi:
- Cô
lựa cho anh ràng nào bánh tráng đều, không bị rách, không có chỗ dày mỏng nhé?
- Anh
xòe bàn tay ra coi. Cô gái nhăn mặt, bàn tay cũng có ngón ngắn ngón dài chứ…
- Cô
bán cho …loại ngón dài - Kha cười.
Cô
gái ngồi im. Kha đặt ràng bánh xuống chỗ cũ: “Bánh cô tráng ở nhà hay mua lại
vậy?” - “Tráng ở nhà…”.
- Cô
nên lướt vá cán bột chung quanh đều tay một chút nhé!
- Anh
giỏi thiệt - Cô gái lườm Kha, ai ưng anh chắc là sướng lắm đây….
- Vậy
mà chẳng có ai ưng, mới khổ vầy!
- Đàn
ông mà kỹ quá ai mà dám ưng? - Cô gái khẽ cười.
- Cô
dám không? Kha nhìn lên đôi mắt có chút dịu dàng sau cái nhăn mặt bảo anh xòe
bàn tay ra coi.
- Không
dám…
Kha mua hai ràng, nghĩ sẽ biếu cho chú
Tám một ràng, hẹn khi hết sẽ ghé mua vì “bánh tráng của em chắc là thơm ngon
lắm đây!”. Cô gái nhận tiền, mà mắt cứ lườm nhìn Kha, có lẽ xưa nay cô chưa hề
gặp ông bạn hàng nào ăn nói lạ lùng như thế chăng?
Chú
Tám hỏi:
- Cháu
mua bánh ở quán nào vậy?
- Ở
chợ. Ngay khúc quẹo vào…
- À!
Vậy là bánh của con Sương, cháu ông Hương Kiểm, con ông xã Lê…
- Ô!
Chú biết rõ vậy sao?
- Trời
ơi, chú ở đây từ nhỏ, nhà nào, mặt nào, không biết, mà hỏi! - chú Tám cười hiền
khô, quanh năm đi ăn giỗ mòn răng mà cháu!
- Chú
kể cháu nghe về cô Sương ấy đi, chú?
- Mày
cũng mê con nhỏ hoa khôi của xã nầy rồi sao? Chú Tám nhìn vào mặt Kha như dò
xét, cười ưng bụng.
- Đâu
có, chú…
- Cháu
đừng hòng qua mặt chú! - Chú Tám cười ha hả, không “mê” sao tự dưng hỏi chuyện của
“người ta” để làm gì cho mất thời gian?
- Cháu
chịu chú rồi. Nhưng chú kể nhanh đi….
- Chú
cũng muốn con Sương cột chân cháu lại ở đây lâu hơn, chứ chân cẳng của cháu
giống như của thằng Minh nhà chú, cứ chạy lông bông ngoài đường hoài, mệt!- Giọng
chú hứng khởi, chỉ có con Sương mới giữ chân cháu lại được thôi, “L’homme sans l’amour comme l’auto sans
buggi”, cháu không nghe thấy sao? - Chú Tám cười rộng, khoe mấy cái răng
vàng…
Năm 80, học xong lớp 12, Sương nộp đơn xin
thi vào Trường đại học Qui Nhơn, ngành Sư phạm, nhưng hội đồng xét duyệt hồ sơ
huyện không thuận, yêu cầu làm lại hồ sơ để thi vào ngành khác, trường khác.
Thi vào trường Nông nghiệp thì Sương không thích, còn ba má Sương kêu không có
tiền chi phí cho con gái học xa tận Thủ Đức. Thế là Sương ở nhà phụ mẹ tráng
bánh tráng hằng ngày…Sương đã một lần lỡ duyên vì sắc đẹp của mình với anh
chàng thị thành bảnh bao bởi sau lễ hỏi, nàng phát hiện vị hôn phu của mình đã
có vợ, một con, nhưng đã bỏ mặc vợ con nheo nhóc. Sau lễ hỏi, dù chưa làm đám
cưới, Sương cũng phải chịu tiếng là đã lỡ “qua một đời” chồng! Từ dạo đó đến
nay, đã hơn bốn năm, ong bướm lượn quanh la đà thì nhiều, mà chẳng dám đậu! Kha
nghĩ đến cuộc đời mình, cũng một lần lỡ “qua một đời vợ”, cảm thấy thương Sương
nhiều hơn. Sương đã “lỡ” vì bị lừa dối, còn Kha đã “lỡ” vì bị mù quáng. Lỡ làng
của bất cứ cảnh đời nào, lý do nào, Kha nghĩ, cũng cần phải được chia sẻ, cảm
thông cả!
Khoảng một tuần sau, Kha lại đạp xe lên
chợ Gò vào buổi sáng sớm. Anh nhìn thấy chỗ ngồi của Sương còn trống, nên ghé
vào quán café Dễm Xưa bên hông chợ, ngồi nhâm nhi ly café đen, chờ. Lúc cô gái chủ quán mang café và ly trà đá to đến, Kha
bắt chuyện: “Nhà còn trà nóng không cháu?” - “Dạ có!” – “Cháu cho chú bình trà
nóng, thật đậm, nhé!” - “Dạ!”. Khi cô gái mang bình trà nhỏ và tách trà đến -
Kha cười: “Quán còn vắng, cháu ngồi chơi chút được không?”. Cô gái sẻ sàng ngồi
xuống chiếc ghế đối diện, hai bàn tay nắm vào nhau e ngại, chắc cô cũng nhận ra
khuôn mặt lạ, đĩnh đạt, của người khách phương xa chăng?.
Cô gái ngước nhìn Kha, khẽ cười: “Ba
cháu cũng thường uống trà đậm buổi sáng!”.
- Chú
giống ba cháu - Kha cười, nhưng trà phải ngon…
- Dạ,
trà cháu xin của ba cháu đấy - cô cười, ly café có mấy ngàn, mà pha trà ngon
vậy, làm sao có đồng lời? - Cô cười, có nhiều khách uống ly café mà ngồi chơi
cả buổi, uống hết bình trà đá to …
- Không
sao - chú chỉ ngồi một lát thôi, uống hết ba tách trà và ly cafe, là chú đi…
Không
phải cháu nói chú - cô gái ngập ngừng, chú ngồi chơi đã…
- Chú
biết - Kha lại nhìn trìu mến lên gương mặt nhu hiền của cô chủ quán, thường ở
các quán café khác, chú gọi thêm bình trà ngon nóng, là chú sẽ gởi tiền…
- Ở
đây khác - cô che miệng cười, trà nầy của ba, cháu mời chú mà…
Vừa nghe câu “trà nầy của ba, cháu mời chú”, Kha cảm thấy sao mà ngọt ngào đến
vậy; lòng bâng khuâng, quyến luyến. Người xưa đã có nói “lời mời thơm hơn mùi
rượu”, nhắc Kha nhớ lại hương vị tách trà từ bàn tay cô gái mang lại; nghĩ - ba
cô bé chắc cũng là một tay sành trà lắm đây.
- Chú
xin lỗi nhé, ba cháu năm nay bao nhiêu tuổi, đang làm nghề gì vậy?
- Ba
cháu sáu mươi, dạy học, nhưng bị biên chế cho về nghỉ hưu lâu rồi…
- Vậy
là ba cháu lớn hơn chú đúng một giáp - Kha cười…
- Dạ…
Kha nhìn bộ áo quần vải hoa mầu tím
đơn giản, mái tóc kẹp sau lưng, khuôn mặt trắng hồng, bờ ngực căng tròn tự
nhiên; nghĩ đến sự chơn phác của một cánh lan rừng đồng nội ngát hương hiếm hoi
đang ẩn dấu. Lúc nầy, các cô gái quê đã biết làm quen với son phấn, áo quần,
tóc tai kiểu cọ rồi, sao nàng vẫn giữ mãi dáng quê? Đành rằng áo quần không làm
nên con người, nhưng áo quần làm nên nên tính cách, Kha vui với ý nghĩ ấy chợt
đến trong đầu khi từ giã cô gái.
Nhìn qua góc chợ, Kha thấy Sương đang bày
từng chồng bánh trên chiếc kệ gỗ cao khoảng nửa mét. Anh gởi tiền cho cô gái,
cảm ơn, hẹn: “Chú sẽ ghé thăm cháu, uống café nhé!”, rồi vội vàng bước ra hiên…
- Cô
Sương hôm nay dọn hàng sớm nhỉ?
- Ủa,
sao anh biết tên em? - Giọng nàng cao, rõ.
-Mình
đồng hương mà em…
- Em
vẫn thường ra chợ dọn hàng lúc gần 6 giờ, đến hơn 10 giờ chợ tan, về nhà phơi
bánh…Giong Sương vẫn còn nỗi nghi ngại, e dè lúc đầu.
- Anh
ghé để mua một ràng bánh…
- Hai
ràng hôm trước anh ăn hết nhanh vậy sao?
- Anh
ăn bánh tráng thay cơm mà em - Kha cười thân tình.
- Anh
đừng có phỉnh em - Sương cúi xuống với công việc thu xếp chỗ ngồi, làm như
không mấy để ý, nhưng giọng đượm buồn, có chút gì hờn trách.
- Anh
nói thiêt mà, em - Kha cười, anh lười biếng nấu cơm, lại có tính hay “ăn vặt”
nên mau hết thôi…
Bất ngờ, Sương hỏi: “Anh là cháu của chú
Tám - Tiến ở đội ba, phải không?”
- Phải,
em giỏi thiệt! Kha cười hồn nhiên, lòng nghĩ đến câu nói của chú Tám hôm nọ “không “mê” sao tự dưng hỏi chuyện của
“người ta” để làm gì cho mất thời gian?”.
- Đâu
có giỏi gì, anh? Sương ngẩng lên nhìn Kha, cái nhìn khiến Kha có cảm giác khác
lạ với những ánh nhìn hôm đầu tiên - thôn nầy chỉ có một nhúm nhà, bà con nhau
hết…
- Vậy là anh cũng là bà con với em nhé!
Kha
tự tay lấy ràng bánh tráng mỏng, để vào giỏ xe phía trước - gởi tiền ràng bánh
trên kệ gỗ. Sương ngồi im không trả lời, cũng không đưa tay nhận tiền. Nàng
lặng lẽ như một nỗi buồn ẩn kín. Một nỗi tiếc thương xa xôi…
Lúc
chào Sương để quay xe trở về - nghĩ sao, Kha dừng lại, móc ở túi áo lấy ra một
tấm danh thiếp, đặt bên chồng bánh phía trước: “Hôm nào em cần người phơi bánh
giúp, thì gọi anh nhé, anh chờ em…”.
Tháng
Giêng, 2000