Thursday, October 13, 2016

244. NGÔ THẾ VINH KLCM: lấy máu của đất Thái Lan chuyển dòng lấy nước sông Mekong


NGÔ THẾ VINH
KLCM: lấy máu của đất Thái Lan
chuyển dòng lấy nước sông Mekong


Gửi Nhóm Bạn Cửu Long
và Ủy Ban Mekong Việt Nam


LÀM XANH CAO NGUYÊN ISAAN

Isaan là một vùng châu thổ rộng lớn trên cao nguyên Khorat trong lưu vực sông Mekong, bao gồm 20 tỉnh đông bắc Thái Lan, chiếm đến 1/3 toàn diện tích 514.000 km2 của Thái với hơn 20 triệu dân cũng chiếm khoảng 1/3 dân số Thái nhưng vẫn còn là một vùng nghèo và khô hạn, cho dù được bao quanh bởi con sông Mekong như một biên giới thiên nhiên giữa Thái – Lào. Do sự toa rập giữa thực dân Pháp và Anh, họ đã cắt một phần đất Lào sáp nhập vào Thái từ 1941, do đó cư dân Isaan đa số là người Lào còn được gọi là Thai Isaan, nói cùng ngôn ngữ, chủ yếu sống bằng nghề nông, tơ lụa và chài lưới. Còn phải kể tới một số không ít người Việt sinh sống lâu năm tại đây.

Vào những năm 1960s, để đáp ứng với cường độ chiến tranh gia tăng tại Việt Nam, đã lan rộng ra ba nước Đông Dương và cũng để ngăn chặn Cộng sản xâm nhập vào đất Thái, người Mỹ đã ồ ạt đổ tiền vào phát triển cao nguyên Isaan, mở mang hệ thống xa lộ tối tân, xây 4 phi trường quân sự chiến lược, nơi phát xuất các đoàn máy bay phản lực oanh kích Bắc Việt và cả những đoàn cấp cứu phi công Mỹ bị bắn rơi. Mỹ cũng giúp Thái xây các đập thủy điện trên phụ lưu sông Mekong, nhằm điện khí hóa nông thôn, cải thiện hệ thống dẫn thủy khiến mức sản xuất nông sản gia tăng.


Hình 1: cao nguyên Isaan (màu đỏ)

Thái Lan bấy lâu vẫn là quốc gia xuất cảng lúa gạo lớn nhất thế giới nên “Nước” luôn luôn là nhu cầu bức thiết để phục vụ nông nghiệp và cả kỹ nghệ. Isaan là vùng nông nghiệp nhưng khô hạn, do đó “Nước” là chiêu bài để các chính trị gia Thái tranh phiếu trong các cuộc bầu cử. Người dân sống trên cao nguyên Isaan luôn luôn được hứa hẹn sẽ có một cuộc sống sung túc hơn nếu có thêm nước trong mùa khô và để có được hai mùa gặt trong một năm. [Hình 1]




        VỚI HAI DỰ ÁN KCM VÀ KIN CHƯA HOÀN TẤT


Rất sớm, vào cuối thập niên 1980s, dưới thời chánh phủ quân phiệt với Thủ tướng Chatichai Choonhavan, để giải quyết nạn thiếu nước trên tầm vóc quốc gia, giới lãnh đạo Thái đã có “ý tưởng lớn” về một kế hoạch táo bạo chuyển dòng lấy nước từ sông Mekong. Dự án mang tên Kong-Chi-Mun đi kèm theo với khẩu hiệu “Làm Xanh Isaan / Greening Isaan”.

– Dự Án Kong-Chi-Mun:

Từ 1992, chánh phủ Thái đã chính thức tiết lộ một kế hoạch lớn lao với tổn phí lên tới 4 tỉ Mỹ kim để cứu vùng đất Isaan đông bắc Thái luôn luôn bị khô hạn. Đó là công trình Dẫn thủy KCM [Kong-Chi-Mun Irrigation Project] nhằm lấy nước từ khúc sông Mekong gần Nong Khai để chuyển về chuỗi những con đập trên hai sông Chi và sông Mun qua một hệ thống ống dẫn / aqueduct khổng lồ dài 200 km. (4)

Dự tính ban đầu chỉ lấy nước sông Mekong trong mùa mưa, nhưng sau đó Thái Lan quyết định lấy nước cả trong mùa khô với lưu lượng chuyển dòng lên tới 300 m3/ giây, trên lưu lượng trung bình 1600 m3/ giây mùa khô / nơi Đồng Bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL).
  
Hình 2: dự án Kong-Chi-Mun

Cho dù chính nhóm chuyên viên Thái có nhận định rằng sự lượng giá ảnh hưởng môi sinh / Environmental Impact Assessment (EIA) còn thiếu sót và tổn phí thì quá cao nhưng giai đoạn I của Dự án KCM vẫn cứ được thông qua. Hậu quả ban đầu của Dự án KCM khi mới triển khai đã đưa tới hủy hoại các khu rừng lũ [flooded forest], làm tăng nhiễm mặn các vùng trồng trọt đông bắc Thái, và gây những ảnh hưởng tiêu cực trên đời sống cư dân địa phương. [Hình 2]

       – 1994 Dự Án Kok-Ing-Nan


Chỉ hai năm sau, chánh phủ Thái Lan đã nói tới một kế hoạch lớn thứ hai: Dự án Kok-Ing-Nan. Đây là một dự án chuyển nước “xuyên lưu vực / transbasin diversion” hết sức táo bạo: lấy nước từ lưu vực sông Mekong chuyển sang lưu vực sông Chao Phraya, có quy mô rất lớn, tổn phí lên tới 1,5 tỉ Mỹ kim.

Đó là kế hoạch nhằm chuyển dòng nước từ hai phụ lưu lớn của sông Mekong là sông Kok và sông Ing ở vùng Chiang Rai bắc Thái cho chảy qua những đường hầm / tunnels khổng lồ dài hơn 100 km để chuyển nước vào sông Nan — sông Nan là một phụ lưu của sông Chao Phraya. [Hình 3]

Hình 3: dự án Kok-Ing-Nan

Sông Chao Phraya, như mạch sống của người dân Thái đang bị cạn dòng và nhiễm mặn. Lượng nước từ con sông Kok và sông Ing sẽ được tiếp cho con đập lớn Sirikit, quanh năm thiếu nước. Nước từ hồ chứa Sirikit không chỉ nhằm cung cấp nước tưới cho những cánh đồng bao la vùng châu thổ Chao Phraya bị khô hạn, mà cả cung ứng nước cho các khu kỹ nghệ đang phát triển và hàng chục triệu dân đang sống ở thủ đô Bangkok.

Chánh phủ Thái ở một vị trí đầy quyền lực để thực hiện Dự án Kok-Ing-Nan, vì cả hai phụ lưu sông Mekong nằm trong lãnh thổ Thái. Khi công trình hoàn tất, Thái Lan có khả năng chuyển 2.200 triệu mét khối nước/ năm [2,200 MCUM/ year] lấy từ lưu vực của con sông Mekong chuyển sang lưu vực sông Chao Phraya.

Do chưa có một Lượng Giá Ảnh Hưởng Môi Sinh EIA đầy đủ nên ngay từ con đập đầu tiên Rasi Salai trong Dự án KCM hoàn tất năm 1994 đã gây ngay những ảnh hưởng nghiêm trọng trên đời sống cư dân địa phương. Chỉ riêng hồ chứa của con đập này đã làm ngập lụt cả một vùng đất đai đang canh tác của hơn 15 ngàn dân làng mà đa số cho đến nay vẫn chưa được đền bù, không những thế con đập còn gây nạn nhiễm mặn khiến nguồn nước gia dụng không còn dùng được nữa. Và cư dân địa phương đã vận động đòi phá bỏ con đập này. (2)

Vì nhiều lý do khách quan: do quá tốn kém, và cả bị đa số cư dân địa phương chống đối mạnh mẽ nên Dự án Kong-Chi-Mun chỉ thực hiện được một phần giai đoạn I thì bị gác lại một thời gian.


       KLCM DỰ ÁN MỞ RỘNG: CƠN ÁC MỘNG TRỞ LẠI


Năm 2008, Nội các chánh phủ Thái Lan lại một lần nữa đưa ra bàn thảo kế hoạch lấy nước từ sông Mekong chuyển về cao nguyên Isaan. Dự án KCM / Kong-Chi-Mun nay lại được phục hoạt nhưng mở rộng với tăng cường thêm những đường dẫn nước mới, có tên là Dự án Kong-Loei-Chi-Mun / KLCM. Chi phí cho dự án KLCM vượt lên tới con số 17 tỉ — tức mười bảy ngàn triệu Mỹ Kim. Công trình KLCM dự trù hoàn tất trong 15 năm, kinh phí đầu  tư có thể lên tới 76,8 tỉ Mỹ Kim. (3)

Một câu hỏi được đặt ra: số tiền khổng lồ 76,8 tỉ MK này sẽ lấy từ đâu, và người ta không thể không nghĩ tới nguồn tài chánh vô hạn đến từ Trung Quốc. Nghi vấn ấy xem ra lại rất phù hợp với các bước chiến lược của đại kế hoạch One Belt One Road (OBOR) trong Khối Hợp tác Lancang-Mekong do Bắc Kinh thành lập mới đây, mà thực chất là âm mưu khống chế toàn lưu vực sông Mekong, và Việt Nam là quốc gia cuối nguồn sẽ phải quỳ gối khuất phục.

Sông Loei là tên một phụ lưu lớn khác của sông Mekong, bắt nguồn từ cao nguyên Phu Luang chảy về hướng nam rồi đông nam như ranh giới thiên nhiên giữa hai tỉnh Loei và Phetchabun, rồi lại chảy vòng lên hướng bắc qua huyện Chiang Khan trước khi đổ vào sông Mekong.

Từ tháng 4 năm 2016, Cục Thủy Lợi Hoàng Gia Thái [RID/ Royal Irrigation Department] đã bắt đầu bơm lấy nước từ sông Mekong, cùng lúc cho chuyển nước từ sông Loei tới cao nguyên Isaan, đi qua một “Cổng Lũ / Flood Gate Si Sin Rak”. Gọi là “Cổng Lũ” nhưng đó chính là một con đập được xây ngay nơi cửa sông Loei. Cư dân địa phương từ hai tỉnh Ban Klang và Chiang Khan chống đối mạnh mẽ dự án xây con đập Si Sin Rak này.

Trong một cuộc tụ họp, một phụ nữ trong làng đã lên tiếng: “Chúng tôi đã sống ở đây qua nhiều đời, và muốn được tiếp tục sống ở nơi đây chứ không muốn phải dời đi nơi khác chỉ để được đền bù.” Và dân làng cũng được biết là chưa hề có được một Lượng Giá Ảnh Hưởng Môi Sinh EIA trước khi xây con đập Si Sin Rak này. Trong khi đó thì Cục Thủy Lợi Hoàng Gia Thái bảo cho họ biết là Lượng Giá Ảnh Hưởng Môi Sinh EIA “không cần thiết vì chỉ có khoảng 500 gia đình chịu ảnh hưởng”. Nhưng hàng ngàn dân làng thuộc tỉnh Ban Klang vẫn nhất quyết yêu cầu chánh phủ thực hiện nghiêm chỉnh một EIA trước khi triển khai dự án đập này.


       CÁI GIÁ CỦA NGUỒN NƯỚC TỚI ISAAN


Với cư dân Isaan. Do KLCM là một dự án đầu tư nhằm sinh lợi. Cho dù với chiêu bài lấy nước để cải thiện mức sống cho nông dân nhưng nguồn nước ấy lại quá đắt với họ. Và chưa có câu trả lời rõ ràng từ Cục Thủy Lợi Hoàng Gia Thái là bằng cách nào nông dân có thể trả tiền điện để bơm lấy nước từ sông Mekong, trong khi giá lúa gạo mà họ sản xuất ra thì vẫn rẻ mạt so với giá thị trường. Sự thịnh vượng như hứa hẹn thì chưa tới đâu nhưng dự án ấy đã gây ra bao nhiêu phiền toái làm xáo trộn cuộc sống vốn đang an bình của cư dân địa phương.

Với cư dân Hạ nguồn. Cho dù ban đầu, Thái cho biết chỉ bơm lấy nước từ sông Mekong trong mùa mưa lũ (flooding / rainy season) nhưng rồi trong thực tế họ vẫn liên tục lấy nước sông Mekong cả trong mùa khô từ tháng 2 tới tháng 5. Đây là một chiến dịch liên tục lấy nước “thầm lặng” mà không có thông báo chính thức gì cho cộng đồng quốc tế và các quốc gia dưới nguồn.

Điều này phần nào giải thích được tại sao, mới đây vào mùa lũ đã không còn nguồn nước lũ đủ mạnh từ dòng chính sông Mekong chảy ngược từ con sông Tonle Sap vào Biển Hồ như trái tim của Cam Bốt đang thoi thóp; và ĐBSCL vào mùa mưa lũ đã không còn Mùa Nước Nổi và đến mùa khô thì nguồn nước cạn kiệt và cả một vùng châu thổ lâm cảnh đại hạn.

Những sự kiện được ghi nhận từ ĐBSCL năm nay 2016: mực nước hai con sông Tiền sông Hậu đã xuống tới mức thấp nhất từ 90 năm qua kể từ 1926 và mức độ nhiễm mặn thì trầm trọng hơn đã tiến sâu và rất xa tới gần sát biên giới Việt Nam và Cam Bốt.

       
       NGUỒN NƯỚC PHẢI ĐƯỢC CHIA XẺ CÔNG BẰNG


Việt Nam là một quốc gia cuối nguồn, và Ngoại trưởng Nguyễn Mạnh Cầm đại diện cho Việt Nam đã vi phạm một sai lầm chiến lược khi đặt bút ký Hiệp ước Sông Mekong 1995 là từ bỏ quyền phủ quyết / veto power. Nhưng điều ấy không có nghĩa là các quốc gia thành viên thuộc Ủy Hội Sông Mekong / Mekong River Commission [MRC] có toàn quyền khai thác nguồn nước sông Mekong chỉ để phục vụ cho quyền lợi của riêng mình. Bất cứ dự án nào như xây đập thủy điện, chuyển dòng lấy nước từ sông Mekong đều phải thông báo cho các quốc gia lân bang như Việt Nam, Cam Bốt và Lào. Do đó Dự án KLCM không thể chỉ đơn thuần là quyết định của Cục Thủy Lợi Hoàng Gia Thái nhưng đó còn là trách nhiệm của Ủy Ban Sông Mekong Thái Lan / Thái National Mekong Committee — là một trong 4 thành viên của MRC. Cũng vẫn theo Tinh thần của Hiệp ước Sông Mekong 1995, mọi kế hoạch khai thác tài nguyên sông Mekong phải là những bước Phát triển Bền vững / Sustainable Development trong bối cảnh toàn vùng, trong ý nghĩa đó thì phải có những bảo đảm nguồn nước sông Mekong phải được chia xẻ công bằng cho mỗi quốc gia trong lưu vực.

Điều 7 trong “Hiệp Ước Hợp Tác Phát Triển Bền Vững Lưu Vực Sông Mekong” 1995: Các quốc gia thành viên ký kết cùng đồng ý là “bằng mọi cố gắng phòng tránh, làm nhẹ hay giảm thiểu những hậu quả tác hại trên môi trường, đặc biệt là lượng và phẩm chất nước, những điều kiện của hệ thủy sinh học, và sự cân bằng sinh thái của dòng sông, do phát triển và sử dụng Lưu vực Sông Mekong.

Theo tinh thần đó, các dự án khai thác Sông Mekong vẫn phải trải qua thủ tục tham vấn PNPCA: thông báo, tham vấn trước, và chuẩn thuận — có nghĩa là được sự đồng ý của các nước thành viên trong Ủy Hội Sông Mekong MRC.

Nhưng trong thực tế hiện nay, như chúng ta đã thấy, trên nửa khúc sông Mekong thượng nguồn Bắc Kinh đã ngang ngược xây một chuỗi những con Đập Bậc Thềm Vân Nam, bất chấp mọi ảnh hưởng ra sao với các quốc gia dưới nguồn. Rồi tới hai nước nhỏ Hạ Lưu là Thái Lan và Lào cũng ngang ngược không thua gì Trung Quốc. Thái Lan vẫn liên tục chuyển dòng lấy nước từ sông Mekong, Lào thì vẫn không ngừng khai thác chuỗi 9 con đập dòng chính sông Mekong bất chấp mối quan tâm lo ngại của hai quốc gia dưới nguồn là Cam Bốt và Việt Nam.


        MỘT MẠNG LƯỚI TÙY VIÊN MÔI SINH


Trước nguy cơ một ĐBSCL – vốn là vùng châu thổ phì nhiêu, vựa lúa gạo của cả nước, đang có dấu hiệu bị tan rã và chết dần; ngoài một vài tiếng nói phản đối rất đơn lẻ và yếu ớt như một chiếu lệ, Việt Nam vẫn chưa hề có một chiến lược chỉ đạo bảo vệ nguồn tài nguyên sông Mekong nói chung và cũng là kế hoạch cứu nguy cho ĐBSCL nói riêng. Ủy Hội Sông Mekong MRC trong đó có Ủy Ban Mekong Việt Nam đã chứng tỏ là bất lực và hầu như vô hiệu.

Chúng ta chưa thể nào quên tấn bi hài kịch tháng 3, năm 2016 khi “Thủ tướng Việt Nam Cứu nguy ĐBSCL” bằng cách lên tiếng kêu gọi Trung Quốc gia ơn xả nước từ con Đập thủy điện Cảnh Hồng để cứu hạn cho ĐBSCL.Và kết quả ra sao thì câu trả lời là thảm cảnh một số nông dân miền Tây do thiếu nước đã phải bỏ ruộng đất ra đi lang thang để kiếm sống.
Với “cuộc chiến môi sinh” đang thầm lặng diễn ra, cho dù có muộn nhưng đây chính là lúc Việt Nam cần vận dụng toàn sức mạnh về chính trị, ngoại giao và cả quân sự nữa để cứu nguy cho cả một vùng đất đai trù phú của đất nước và một Nền Văn Minh Miệt Vườn đang đứng trước nguy cơ bị tiêu vong.

Hình 4: Cảnh khô hạn nơi Đồng Bằng Sông Cửu Long
[nguồn: VNExpress 11.03.2016]


Cách đây ngót hai thập niên, người viết đã đề nghị thành lập một Phân khoa Sông Mekong như một “think tank” nơi Đại học Cần Thơ, nhưng rồi được biết mọi quyết định đã bị “nghẽn mạch” ngay từ Hà Nội. Kế hoạch gì thì cũng phải xuất phát từ Hà Nội. [sic]

Hiện nay chúng ta, người dân Việt Nam biết rất ít những bước hủy hoại đang âm thầm diễn ra trên suốt dòng chảy Sông Mekong.

TS Lê Anh Tuấn thuộc Đại Học Cần Thơ, đã phản ảnh rất rõ tình trạng thiếu thông tin này khi trả lời cuộc phỏng vấn của ký giả Hoàng Hương, Tuần Việt Nam; ông nói: “Tôi đã tiếp xúc nhiều quan chức và nhà khoa học trong khu vực và ở Việt Nam, có nhiều dự án trên sông Mekong họ không được biết hoặc biết với thông tin rất mù mờ. Cộng đồng nông dân/ ngư dân thường là những đối tượng bị tác động trực tiếp, nhưng không ai đứng ra công bố rõ ràng và đầy đủ và lấy ý kiến tham vấn với họ.”

Vậy thì ai có khả năng thâu thập những thông tin ấy?  Tình cảnh một nhà báo tự do ở hải ngoại như Tưởng Năng Tiến, một giáo sư môi sinh từ Đại Học Cần Thơ như TS Lê Anh Tuấn, đã phải dùng từ ngữ “xâm nhập” khi tới thăm hiện trường xây đập con Don Sahong vì tới những nơi ấy không phải không có hiểm nguy, không được bảo vệ vì là vùng cấm.

Hình 5: TS Lê Anh Tuấn, trong chuyến du khảo 
trên sông Loei một phụ lưu Sông Mekong 
[nguồn: TuanVietnam.net]


Tình trạng thiếu minh bạch – no transparency, giấu giếm thông tin về các khu xây đập, khai thác nguồn nước sông Mekong từ Vân Nam Trung Quốc xuống tới Lào, những nơi ấy được bảo vệ như những trọng điểm chiến lược, như các căn cứ quân sự. Chính bản thân người viết đã trải qua kinh nghiệm này khi tới thăm con đập Manwan/ Mạn Loan trên Vân Nam, con đập dòng chính đầu tiên trên sông Mekong của Trung Quốc.

Vậy thì ai có quyền “đặc miễn” để có thể tiếp cận với những cứ điểm ấy nếu không phải là cấp tùy viên của các Tòa Đại sứ. Nếu đã có những tùy viên văn hóa, tùy viên quân sự, tại sao không có “tùy viên môi sinh” nơi 6 quốc gia trong lưu vực sông Mekong. Nhiệm vụ của mỗi tùy viên môi sinh ấy là tiếp cận, theo dõi và thu thập thông tin cập nhật về các bước khai thác trên suốt dọc sông Mekong. Họ phải là thành viên không thể thiếu trong Toán Đặc Nhiệm / Task Force liên bộ của Việt Nam trong nỗ lực bảo vệ sông Mekong và cứu nguy ĐBSCL. Đây như một đề nghị cấp thiết gửi tới Bộ Trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh, kiêm Phó Thủ tướng và cũng là Ủy viên Bộ Chính Trị, ông cũng từng đảm nhiệm chức Phó Chủ tịch Ủy ban Sông Mekong Việt Nam năm 2010.]

Ngô Thế Vinh
California, 10.10.2016


THAM KHẢO:

1/ $17 Billion Project Proposes Changing Course of Asia’s Mekong River, VOA’s Khmer Service, by Neou Vannarin, September 16, 2016 

2/ Water Diversion: A Re-emerging Threat to Mekong Water Security,by Hoang Duong, July 29/2016,  https://www.internationalrivers.org/blogs/259/water-diversion-a-re emerging-threat-to-mekong-water-security

3/ Diverting the Mekong River into Thailand: The Khong-Loei-Chi-Mun project. Mekong Commons. Environmental Justice, June 6, 2016

4/ Mekong – Cửu Long 2011, A Look Forward Into The Next Half Century, by Ngô Thế Vinh, Viet Ecology Foundation, http://vietecology.org/Article.aspx/Article/61#