Trong ảnh: Mang Viên Long
Photo by PCH – Quy Nhơn,
August 2016
Ngôi
nhà nằm thụt trong con hẻm ngắn trên đường được gọi là số 1, nhưng chỉ là đường
đất, có rải đá sỏi không đều, và là con đường vắng vẻ nhất của thị xã! Phía bên
kia đường, nhiều đoạn chưa có nhà cửa, là những bờ tre xanh, những bến ghe nhỏ
mở ra sông Chùa; yên tĩnh, lồng lộng gió. Lần đầu tiên theo Nguyễn đến xin ở
trọ nơi đây, Bích đã cảm thấy yên tâm, vui thích vì sự yên tĩnh của quang cảnh,
khi anh đã sống ở một thành phố náo nhiệt, xô bồ quá lâu. Chiến tranh đã dồn
người lên phố chợ, tạo thêm hỗn loạn, ồn ào. Con đường quạnh vắng nằm bên dòng
sông êm ả đã làm cho Bích càng yêu mến thêm cái thị xã còn nhiều nét dễ thương,
thơ mộng nầy.
Hai tuần đầu đến thị xã để nhận
nhiệm sở, Bích đã tạm trú nhà một người chú đồng hương trên đường phố chính
Trần Hưng Đạo nhộn nhịp, nên anh đã rất áy náy, mong tìm một nơi yên vắng, để
không làm phiền người chú đồng hương tốt bụng. Lòng tốt nhân thế bao giờ cũng
có giới hạn. Bước quá giới hạn ấy, là điều mà xưa nay Bích đã hết sức cố tránh.
Nỗi lo lắng của Bích được cộng thêm kể từ ngày cô con gái của người chú đồng
hương nọ từ Saigon trở về, vì đã xin được việc làm ở Ty Ngân khố. Thảo - tên cô
gái vừa tốt nghiệp trường tài chánh, lại được mẹ thu xếp ở ngay trên tầng lầu,
cạnh phòng của Bích! Hằng ngày lên xuống, ra vào, đều thấy mặt nhau…
Một hôm, đi dạy về, vừa mở cửa
phòng Bích đã thấy một chiếc lọ sành trắng muốt, cắm một nụ sen hồng tươi tắn,
trông rất gợi cảm. Bích biết là do bàn tay nào đã trang điểm cho chiếc bàn làm
việc của anh, nhưng không thể mở miệng nói lời nào, dầu chỉ là lời cảm ơn gọn
gàng. Lần đầu trong đời, Bích thấy rất khó xử. Tình yêu vẫn còn là một cái gì
mơ hồ, xa lạ với anh sinh viên nghèo vừa mới ra trường. Suốt những năm được đến
trừơng, Bích đều đã phải tự lực, chỉ biết cặm cụi đèn sách lúc được rảnh việc
kiếm ăn, bởi nếu chẳng may thi hỏng, thì sẽ tức khắc bước vào những ngõ cụt đã
đành sẵn cho tuổi trẻ như anh. Sau đợt thi tú tài toàn phần chỉ hai năm, Bích
kiểm lại, đã thiếu mất nhiều bạn bè! Họ đã chết tức tưởi ở tuổi 22, 25 - khi
chưa được biết yêu là gì!
Cho đến một buổi sáng chủ nhật,
Bích dậy trễ, vừa bước ra khỏi phòng đã gặp ngay Thảo. Nàng cúi chào - cười:
“Anh Bích ngủ nhà lạ có được không?” - “Rất ngon! Thảo không thấy anh luôn thức
dậy trễ, nhất là ngày chủ nhật sao?” - “Em thấy phòng anh thường bật đèn rất
khuya…” - “Thức để viết mấy cái vặt vãnh mà thời sinh viên chưa có thời gian,
cho vui thôi…”
- Anh
viết truyện sao?
- Anh
thích nhất là truyện ngắn…
Bất ngờ, Thảo hỏi:
-
Trong các loại hoa, anh Bích thích loại hoa nào nhất?
Ngẫm nghĩ giây lát, Bích cười:
- Anh cảm thấy loại hoa nào cũng đẹp…
- Nhưng anh Bích phải có…một loại hoa riêng cho
mình cơ chứ?
Hôm ấy, Bích đành trả lời bằng
nụ cười, và sự im lặng…
Anh đã mãi mãi không thể trả lời
Thảo, bởi ngay chiều hôm ấy Bích
đã dọn đến ở chung với Nguyễn - người bạn đồng nghiệp quê Phan Thiết đã tốt
nghiệp Quốc gia sư phạm trước Bích hai khóa, và Bùi đang làm việc ở Ty thông
tin, quê Nha Trang; nơi ngôi nhà nằm thụt trong con hẻm vắng đường số 1 ấy…
Bà chủ nhà trạc ngoài sáu mươi,
trông lùi xùi, nhưng rất tinh tế, cởi mở. Đang sống chung với bà là cậu con
trai, và cô con gái út là Ngọc. Ngôi nhà nằm trên nền cao, giữa khu vườn được
bao bọc bởi bức tường rêu xanh, loang lở; chia làm hai phần kề sát nhau: nhà
trên khá rộng là dãy bàn thờ đặt ở giữa, sát vách tường, bên trái kê bộ salon gỗ, bên phải là chiếc giường rộng. Nguyễn và Bùi nằm ở đó đã ba năm. Bích
là người mới, được bà cho mượn chiếc giường sắt cá nhân với tấm nệm mousse, để
gần bộ salon, sát vách phía trong bên trái, gần cửa sổ mở ra vườn sau. Ba mẹ
con bà chủ ở nhà dưới. Cậu con trai thi đậu Trung học, hai năm không đậu Tú tài
một, ở nhà rong chơi lang bang, tránh vào Đồng Đế. Ngọc đang học lớp 12 - chuẩn
bị thi Tú tài hai…
Ngày đầu, Nguyễn đưa Bích đến gặp
bà chủ - anh cười: “Má, con đưa thêm một đứa con nữa đến ở với má đây!”.
Bà vẫn nhìn xuống chiếc áo len
đang đan dở - nói:
- Tao
nhiều con rồi, không dám thêm, thời này nhiều con trai thêm nhiều khổ…
- Thằng
nầy hiền lắm má à!
Nguyễn
giới thiệu: “Nó vừa tốt nghiệp, về dạy cùng trường với con đấy!”.
Bà
ngước lên nhìn Bích - cười hiền: “Ngó bộ cũng cao ráo, đẹp trai hơn mày!”
- Làm
sao bằng con được, má?
- Chưa
biết nó ra sao, nhưng trông…thẳng thóm hơn mày…
- Vậy
là má đã kén được rể rồi sao?
Ngọc ngồi ở bàn học phía sau
võng, cắm cúi vào vở, nhưng có lẽ đã nghe hết. Cô bé im lặng, chẳng ngẩng đầu
lên, không nhúc nhích, nhưng chắc đang cảm nhận một nỗi gì bâng khuâng, là lạ, đang
nao nức xao xuyến trong lòng. Ngọc thường ngày vẫn liếng thoắn, cười nói như
trẻ con, nhưng sao lúc này lại tỏ ra lạnh lùng, chững chạc. Tình yêu đã dần dà làm
cho sự hồn nhiên trở nên đằm thắm, sâu kín chăng?
Một buổi sáng Bích đang ngồi một
mình ở bậc cấp trước hiên nhà, bà chủ đi chợ, còn cậu con trai đi rong đêm qua
không về, thì Ngọc đi đi vào ngõ! Áo dài xanh, huy hiệu, nón lá, tóc xõa ngang
vai, và chiếc cặp đen. Lúc Ngọc bước qua sân để về phòng riêng ở phần nhà dưới,
Bích ngẩng lên: “Sáng nay em về sớm vậy?”
Ngọc cười:
- Ông
thầy cưới vợ…
- Em
có được mời không?
- Làm
gì có? - Ngọc thoáng cười, Lớp có cử người đem hoa đến chúc mừng…
- Nếu
anh cưới vợ, em có đi dự không?
Ngọc
không trả lời câu Bích hỏi, mà hỏi lại:
- Có
phải cô gái…làm ở Ty Ngân khố thường ghé thăm anh không?
- Sao
em biết rõ vậy?
- Em
hỏi anh Nguyễn…
- Không
phải - Bích nhìn đứng lên khuôn mặt trắng hồng, bầu bĩnh, phúc hậu của Ngọc,
cười - một cô gái đang học cùng lớp với em đấy…Anh chờ cô ta thi xong, sẽ đi
hỏi!
- Ai
vậy, anh? - Giọng Ngọc trở nên lạ lẫm, gấp gáp, sao thầy lại…yêu học trò?
- Đâu
có gì lạ? - Bích lãng tránh, anh có nhiều người bạn đã chết rất sớm, khi chưa
được yêu thương…
Ngọc đứng yên trước mặt Bích như
bị cột chân. Bích đứng dậy, bất ngờ bước tới, ôm lấy khuôn mặt Ngọc, hôn.
Từ buổi sáng yên tĩnh trong sân
vườn một mình với Ngọc, Bích thấy Ngọc ý tứ, lặng lẽ hơn xưa. Ngọc càng im
lặng, Bích cảm thấy càng yêu quý Ngọc hơn. Có cái gì sâu kín trong sự hồn nhiên
trong trắng của Ngọc mà Bích luôn muốn được khám phá! Có cái gì quyến rũ đằm
thắm của Ngọc mà Bích luôn muốn được chia sẻ! Nụ hôn thoáng qua, bất chợt, ngay
cả chính anh cũng không hề nghĩ trước, có lẽ vẫn đang còn phảng phất hương nồng
sâu đậm? Bích nhớ lại lời dặn dò của người
chị khi anh về thăm, trước ngày đi nhận nhiệm sở: “Chị em mình mồ côi, phải
biết tự lo lấy thân, không ai lo giúp đâu. Em liệu coi có cô nào hiền lành, nên
cưới vợ cho rồi nhé!”. Bích mỉm cười, nghĩ đến một lá thư sẽ viết cho chị…
Bích
chỉ đi dạy được hai năm thì phải vào trường Đồng Đế cùng hàng ngàn người trẻ
khác. Bức thư chuẩn bị viết cho chị cũng đành xếp lại, như anh đã phải xếp lại
bao bản thảo đang viết dang dở. Xếp lại, và cất kỹ dưới đáy rương những ước mơ,
kể cả những niềm hy vọng của tuổi thanh xuân đang dạt dào niềm tin, sức sống.
Bích đang bước vào con đường khác, con dường gập ghềnh, gian truân, của cuộc
chiến tương tàn…
Ra trường Đồng Đế chỉ được mấy tháng,
là đến ngày 30 tháng 4 năm 1975, chưa nhận thêm một lần quân phục nào. Bộ đồ
dày cộm chật chội đã được cởi bỏ, nhưng, Bích đã lại phải mặc bộ áo quần rộng
thùng thình ở chốn rừng sâu đến gần hai năm! Về lại
quê, Bích cảm thấy mình nhẹ nhỏm, trần trụi, như thuở nhỏ còn sống lơ ngơ bên
chị sau ngày mẹ mất. Trở về như một tên lãng du trắng tay, mỏi mệt, nặng trĩu
ưu phiền.
Nhờ chiếc xe đạp cũ của chị, Bích đã tìm được
công việc làm hằng ngày để quên đi nỗi buồn trống trải: sáng giở theo mo cơm,
còng lưng đạp xe lên vùng núi An Trường, đốn củi! Chiều gò lưng chở về cho chị
bán. Than đang khan hiếm, không được phép đốt thêm. Dầu lửa như một nhiên liệu
quý hiếm. Củi của Bích mang về hằng ngày được bán hết. Sống nhờ những cây củi
khô mục trên rừng được một năm, thì anh phải chuyển nghề, vì các trạm kiểm lâm
vây bắt gay gắt hơn. Khi đốn củi, Bích đã để ý đến những bụi mây quanh rừng,
nên vẫn lên đường với mo cơm và bình nước, như mọi ngày! Mây anh bức được là
những sợi mây to, dài, có thể làm roi cày, hay chế biến hàng mây đan, nên đã
kiếm được miếng ăn, khá hơn trước. Sống với việc bức mây trong rừng sâu gian
khó, bầm trầy ấy được gần hai năm, Bích ngã bệnh sốt rét. Anh không gượng dậy
nổi để đạp xe vượt gần hai mươi cây số với nghề cũ, đành phải bày tiệm sửa xe
đạp trước hiên nhà, khi anh chưa hề biết tháo ráp xe, hay từng bộ phận của xe như
ổ líp, cổ xe, trục giữa lúc xe bị hỏng…Ban đầu, anh vá lớp xe là chính. Sau,
học thêm rồi trở thành người thợ có uy tín trong thị trấn.
Nhờ vào nghề vặt sửa xe đạp, Bích đã
gặp Nga - một cô giáo, khách hàng thường lui tới sửa xe ở tiệm của anh. Hằng
ngày, Nga phải đạp xe hơn 7 cây số về xã ngoại ô để đến trường. Xe được ráp
toàn đồ cũ, hay mới được sản xuất, nên vẫn thường gặp Bích hằng tuần! Xe đạp là
phương tiên di chuyển tiện lợi duy nhất lúc này, bởi hầu hết các loại xe máy
đều không có tiêu chuẩn mua xăng. Nếu xe của Nga bị hỏng nặng, phải thay thế,
anh mới nhận tiền công, Nếu hỏng nhẹ, anh làm giúp Nga như người thân. Có lẽ,
cảm kích tấm lòng tốt của anh thợ nhà nghèo, Nga đã yêu thương anh. Một lần
nàng ghé lại sửa xe, đã hỏi: “Sao em thấy nhà chỉ một mình anh, còn chị đâu
rồi?”
Bích cười:
- Chị nào?
- Chị nào?
- Thì
bà xã anh, chứ còn ai?
- Em
làm ơn giới thiệu cho anh một bà xã nhé!
- Thôi
đi! Nga lườm, để bà xã anh bẻ giò em!
- Em
tin anh đi - Bích ngước nhìn Nga, anh nói thật…
Nga đã tin Bích. Nửa năm sau, chị Bích
đã mang sính lễ đến nhà cô giáo Nga ở cuối phố xin lễ hỏi. Khoảng một tháng
sau, lễ cưới đơn giản đã được tổ chức ở hai gia đình. Một năm, Nga đã có thai.
Từ tháng thứ tư, buổi sáng Bích đã dậy sớm, đạp xe chở Nga đến trường, trưa lên
chở về. Tháng thứ sảu, Nga đã bị sẩy thai - một đứa con trai đã sớm ra đi…
Mãi ba năm sau, Nga vẫn không thể có
thai lần nữa - và Bích ngày càng nhận thấy Nga không muốn có con. Một hôm, Nga
nói: “Tôi với anh chắc là hết duyên nợ với nhau rồi!”
- Em
nói vậy, là sao?
- Hết
duyên thì chia tay thôi - Giong nàng khô khốc.
- Em
nghĩ đơn giản vậy sao?
- Có
gì mà không đơn giản, anh!
Im lặng một lát - Nga cười: “Chỉ tốn
một tờ giấy thôi anh…”.
Bích quay lại cắm cúi với công việc
đang làm, nhếch cười, nói thầm với mình: “Đơn giản là vậy…”.
Chia tay với Nga, vài tháng sau - Bích
từ giã chị để vào Saigon - miền đất lạ, náo nhiệt, bon chen nhưng chẳng ai muốn biết ai làm gì. Bích
nghĩ, Saigon sẽ rất thích hợp với đời sống lang thang của anh! Thà cứ dửng
dưng, mà ít phiền lụy, dễ thở, như Saigon một thuở anh đã sống, còn hơn cứ lấm
lét nhìn vào người khác…
Hơn
hai mươi năm sau, thật lạ, Bích tình cờ gặp lại Ngọc khi dĩ vãng dường như đã
phai mờ, tan mất trong trí nhớ nhập nhằng, cằn cỗi của anh, lúc đang đứng chờ để được ghi tên mua tấm vé về lại quê thăm chị
dịp Tết như đã hẹn, tại khu bến xe Miền Đông. Bích bước vội đến, cầm lấy bàn tay
Ngọc:
- Ngọc
ơi, em đang làm gì ở đây vậy?
- Em
chờ từ bốn giờ sáng để mua vé …
- Về
quê?
- Dạ!
- Vậy
lâu nay em ở đâu?
- Em
đang sống với con, xin làm việc ở xưởng may Thịnh Phát Tân Bình…
- Còn
bà má?
- Chết
rồi - Ngọc thở dài, đã mãn tang năm ngoái…
- Còn
Mẫn - anh trai em…
- Vượt
biển, mất tích lâu rồi…
Cả hai rời đám đông, tiến đến dãy lều
dọc bến xe, gọi hai ly café đá. Ngọc kể lại chuyện chồng con tan vỡ thương đau
hơn bốn năm qua, chuyện Nguyễn và Bùi sau ngày cuốn gói về quê đã trở lại thăm
mỗi người một lần, rồi mất hút, không biết đang trôi dạt nơi đâu, chuyện của
Thảo lập cốc ẩn tu, chuyện khu hẻm đường số 1 đổi thay nhộn nhịp…Bích hỏi:
- Vậy
em lập gia đình được mấy năm?
- Chỉ
hai năm - đôi mắt nàng rưng rưng, em chịu hết nổi anh ạ! Má đã ngăn cản em trước
ngày làm đám cưới, nhưng em cứ nghĩ ưng người lớn tuổi, quê kệch, họ sẽ
thương yêu mình nhiều hơn, nhưng ai dè…Đàn
ông mà đeo theo hỏi tiền lương của vợ từng đồng hàng tháng để giữ, rồi phát
tiền chợ hằng ngày - anh chưa được biết bao giờ!
Anh ấy nhận lương cao hơn em gấp hai lần, nhưng có bao giờ em hỏi đồng nào đâu, dầu là để lo cho con lúc đau bệnh…
- Rồi
em lấy gì để lo cho con và em?
- Hai
chị thương, thường gởi cho thêm…
Bích cảm thấy không nên hỏi thêm Ngọc
chuyện gì, anh đang nhớ đến bàn tay gầy ốm, khô ráp vừa cầm, và bàn tay thon
tròn trắng muốt của Ngọc buổi chiều ngồi bên nhau ngày nào - mà chạnh lòng. Bích
gượng cười: “Còn cô Thảo sao lại đi tu?”
Sau
ngày chi ấy bị biên chế cho nghỉ ở Ty Ngân khố hai năm, chị đã xin vào ở chùa,
hành điệu, làm Sa di Ni ba năm, là quay về nhà…
Ngọc
ngước lên, thoáng nhìn Bích:
- Chị Ngọc nói với em, vì chị “không đủ duyên
xuất gia”, nên phải quay về nhà lập “tịnh xá” tự tu hành…
Ngọc nhìn thẳng lên mắt Bích: “Em
nghe bạn em nói, chị Thảo bảo ở chùa ba năm, nhưng “mắt thấy tai nghe” nhiều
chuyện, nên đã tự quyết định xin về, tham cứu kinh sách mà tu tập ở nhà riêng…”.
Ngọc chờ đợi phản ứng của Bích - nhưng tuyệt nhiên Bích im lặng. Nàng hỏi: “Còn
anh thì sao?”
Bích như chợt tỉnh, đưa tay móc chiếc ví ở
túi quần sau, lấy một tờ giấy đã được
xếp làm tư, cờn cũ, đưa về phía Ngọc: “Em đọc nhé! Anh đã đọc nó không biết bao
nhiêu lần, mỗi khi buồn, muốn nhìn lại một chặng đời bất hạnh đã qua… ”. Ngọc cẩn
thận mở tấm giấy gần bị đứt rách theo đường xếp, chăm chú đọc. Nàng ngẩng lên, ngơ ngác nhìn Bích: “Sao lạ vậy
anh?”
Anh
cũng chẳng biết gì thêm, thì làm sao trả lời em! Bích thoáng cười, cuộc đời có
nhiều chuyện đến đi không ngờ như vậy, em ạ! Đơn giản và gọn gàng trong một
mảnh giấy…
Em
nghĩ, ai mà được anh yêu thương, thì sẽ hạnh phúc lắm chứ! Ngọc nói, như lời
thì thầm, lẽ ra anh phải được hạnh phúc, anh Bích à…
Có
vài người bạn cũng đã nghĩ như em, nhưng cuộc đời đâu phải “sòng phẳng” như
vậy? Im lặng giây lâu, Bích nhìn soi lên khuôn mặt xanh xao của Ngọc, cũng như
em - ngày xưa, anh đã từng làm “thầy bói” bảo em sau nầy sẽ rất sung sương, vì
khuôn mặt phúc hậu và dáng đi khoan thai nhẹ nhàng, em không nhớ sao?
Ngọc cúi đầu, im lặng.
Đám đông chờ đợi phía trước quầy bán vé mỗi
lúc một đông, dài thêm ra như không bao giờ dứt - Bích thở dài: “Kiểu nầy chắc
anh em mình phải ăn Tết xa quê rồi!”
- Hiện giờ anh đang ở đâu?
- Quận
tám, bên kia cầu chữ Y…
- Anh
thuê nhà trọ sao?
- Không,
anh mua được một ngôi nhà nhỏ - nhưng cũng có chỗ để dành cho mẹ con em, Ngọc à…
Tháng
12 - năm 2008