Saturday, October 8, 2016

242. NGÀY VĂN HỌC KHAI CHIẾN VỚI VĂN Ba Cận Thị tường trình từ mặt trận SG (1966)


NGÀY VĂN HỌC
KHAI CHIẾN VỚI VĂN
Ba Cận Thị tường trình từ mặt trận SG (1966)


Mặt trận xảy ra tại Saigon vào mùa hè năm 1966. Văn Học đứng đầu là nhà văn Duyên Anh (DA), đặt bản doanh là mục Chân Trời Văn Học. Tạp chí Văn với chủ soái là Mõ Làng Văn, đặt tổng hành dinh chỉ huy “Quét Sân Đình”. 


Bản doanh cùa Mõ Làng Văn

Bản địa của Duyên Anh

Khi Duyên Anh làm sập tiệm “Quét Sân Đình” của Văn

"Mõ Làng Văn" là một bút danh xuất hiện trên tạp chí Văn trước năm 1975 từng gây sóng gió trên văn đàn, từ năm 1964 đến giữa năm 1966 (Văn số 8 đến Văn số 57) qua mục lấy tên là “Quét Sân Đình”. Đây là một bút hiệu “tập thể”. Người viết mượn tên, đội lốt. Và chỉ có một người biết. Dĩ nhiên là Thư ký tòa soạn Trần Phong Giao.

Một ví dụ điển hình là ngay cả chuyện các nhà văn nổi tiếng bấy giờ tom góp các bài viết cũ rồi xuất bản thành tập bằng cách đánh số I, II, III như Võ Phiến với Tạp bút I, II..., Nguyễn văn Trung với Ca tụng thân xác I, II hay Thế Uyên với Thái Độ I, II... cũng bị Mõ Làng Văn xem là rác rưới để quét. Mõ ta cho rằng các vị ấy noi gương bắt chước theo hai ông J.P. Sartre, André Gide khi hai tác giả ngoại quốc này tom góp những bài viết của họ để xuất bản và đánh số I, II, III! (Văn số 51 ngày 1-2-1966).

Trong số các nhà văn bị làm rác bởi Mõ Làng Văn, có Duyên Anh (DA). Ông bị chổi của thằng Mõ quét sau khi bài viết “Một tác phong văn nghệ” của ông khen ngợi dịch giả Vân Mồng xuất hiện trên Văn Học số 56 ngày 15-3-1966. (Toàn bài “Một tác phong văn nghệ” được chúng tôi đánh máy và đăng ở phần phụ lục).

Ông DA ấm ức lắm. Ông muốn biết ai là tác giả bài viết này. Ông không thể trả đũa một bút hiệu mà ông gọi là “bút hiệu tập thể”. Ông là vua chửi, nhưng nếu chửi mà chẳng có đối tượng thì chửi làm gì. Bởi vậy ông công khai xin hai người mà ông nghi là Nguyễn Minh Hoàng và Trần Phong Giao (TPG) trên một bài báo xuất hiện ở Văn Học số 57 ngày 1-5-1966:


“Xin hai anh một điều có chê nhau, đừng ký Mõ Làng Văn nữa.”

(Toàn bài chúng tôi đánh máy đăng lại ở phần phụ đính)



Điều này chứng tỏ về cái chiêu quét của Văn là độc địa như “Ao Thả Vịt” với Kha Trấn Ác trên báo Sống của Chu Tử. Muốn quét ai hoặc muốn “làm rác” ai thì cứ lấy thằng Mõ Làng Văn  để mà đội lốt. Ai chửi lại thì có thằng Mõ nhận thế giùm. Khỏe ru. Khỏi mất lòng ai. Mà cũng chẳng ai biết mình là tác giả. Bởi nó là bút hiệu tập thể. Chả trách Duyên Anh phải “Xin hai anh một điều có chê nhau, đừng ký Mõ Làng Văn nữa.”

Nhưng lời xin (mang theo dọa dẫm) của nhà văn Duyên Anh không được Văn thỏa mãn. Ngay sau bài viết “Một tác phong văn nghệ” của ông đăng trên Văn Học được phổ biến thì trên Văn số 55, trên mục Quét Sân Đình đăng bài trả đũa nhan đề “Nhân một bài báo của nhà văn Duyên Anh”, tác giả vẫn ký tên là Mõ Làng Tân Nhuế.

Lập tức, Duyên Anh phản công. Trên Văn Học số 58, ông viết bài “Trả lời ông Nguyễn Minh Hoàng” mà ông nói là tác giả bài viết vì ông nghe chủ nhiệm tạp chí Văn Học tiết lộ:

“Tôi có thói quen, hễ cần viết hay nói một chuyện đứng đắn thuộc phạm vi văn nghệ với một người nào mà nhắc đích danh người đó, không bao giờ tôi dùng những bút hiệu khác ngoài bút hiệu Duyên Anh. Tôi cũng có thói quen, không thích nói chuyện với một người “nổi tiếng” như ông Nguyễn Minh Hoàng mà lại phải nói với bút hiệu “tập thể” của ông Mõ Làng Tân Nhuế. Sở dĩ, tôi biết người bảo tôi sai lầm trong bài báo của tôi đăng trong Văn Học số 56, là ông Nguyễn Minh Hoàng vì anh chủ nhiệm Văn Học tiết lộ rằng chính ông Trần Phong Giao nói nhỏ với anh mới đây tại quán Chùa.”

(Văn học số 58 ngày 15-5-66 - Toàn bài được đăng lại ở phần Phụ lục)

Để hỗ trợ cho bài phản công trên, ông cho đăng thêm một bản tin ngắn nhan đề “Phỏng vấn Dương Kiền” ngay dưới bài viết. Xin lưu ý Dương Kiền nguyên là chủ bút của tạp chí Văn Học (1962-1963):

“Tạp chí Văn số 56, ở mục “Quét Sân Đình”, ông Mõ Làng Tân Nhuế viết bài “Nhân một bài báo của nhà văn Duyên Anh”, đã khéo léo “kều” Dương Kiền vào cuộc và mỉa mai bằng một giọng rất cay cú: “khi dịch văn, dịch cuốn l’ Étranger của Albert Camus (Ngày Nay xuất bản, Saigon, 1965) thì ta thấy ông (Dương Kiền) thất bại hoàn toàn. Không cần đi sâu vào chi tiết, cứ nguyên cái việc ông Dương Kiền đem biến thiên truyện kể (récit) của Camus, bằng cách chặt câu xuống hàng lung tung, cũng đủ để cho, giá như Albert Camus có đội được mồ mà sống lại và giá như ông ta đọc được bản Việt dịch, cũng không tài nào nhận ra tác phẩm của ông nữa rồi!”

Kẻ ghi mục này có hỏi Dương Kiền:
- Cậu có trách tôi không? Họ không “đánh” tôi mà lại “cắn” cậu đau quá!

Dương Kiền không thèm trả lời nhưng Bùi Ngọc Dung nói:
- Ghen ăn đấy mà. Cùng dịch một cuốn, chậm chân mại không vô đâm ra cay cú! Lại còn xúi ông Khai Trí đem bản dịch của Dương Kiền đốt đi để xuất bản bản dịch của mình.

Bèn trố mắt:

- Ai đó?

Đáp gọn:
- Đầy tớ của ông Khai Trí, chứ ai!
(Văn Học số 58 ngày 15-5-1966)
  
Sau khi bài phản công của Duyên Anh được phổ biến trên Văn học số 58, thì trên Văn cùng một số, tức 58, lập tức có bài trả lời của ông Trần Phong Giao. Ông phủ nhận việc Duyên Anh bảo Trần Phong Giao gặp Phan Kim Thịnh ở quán Cái Chùa:

“Trước hết, đã hàng tháng nay tôi không ra quán Cái Chùa. Cũng đã một thời gian lâu rồi tôi không được gặp ông Phan Kim Thịnh. Phần khác, giá có gặp ông Thịnh, tôi cũng không có đủ thân tình để “nói nhỏ với ông về một điều mà tôi (cũng như ông Thịnh) bắt buộc phải giữ kín như một “bí mật thuộc về nghề nghiệp””.

Thứ đến là ông nói rõ thêm chuyện ông Bùi Ngọc Dung cáo buộc TPG là “ghen ăn” mà ông cho là DA “bịa đặt”:

“Khi cho tôi mượn Văn-Học số 58 (lúc tôi viết bài này chiều 10-5, báo Văn Học chưa có bán ngoài sạp) một anh bạn có cho biết là mới đây trong một bữa cơm thân mật tại nhà anh Phan-Kim-Thịnh, anh Bùi Ngọc Dung đã phàn nàn (trước mặt anh em) là anh không hề nói những điều mà ông Duyên-Anh đã viết trong bài “Phỏng vấn Dương Kiền” ... Tôi không có lý do gì để không tin lời anh bạn nọ. Vì vậy, tôi đành coi bài của ông Duyên-Anh như một sự bịa đặt.”

(Xin đọc ở phần phụ đính đăng toàn bài của Trần Phong Giao)

Tháng 5 dĩ nhiên là tháng nóng ở Saigon, nhưng chắc là không nóng sốt bằng cuộc chiến tranh tay đôi này.


Đến nỗi, nhà thơ trào lộng Tú Kếu đã làm bài thơ như sau:
  
TÚ KẾU
(Mục “chém treo ngành”)
 ĐÙA HAI THẰNG MÕ

(Duyên Anh trong bài “ tác phong văn nghệ” ở Văn Học “kê” các dịch giả xứ ta. Thằng Mõ báo Văn ức sừng bèn “quét” lại trong mục “quét sân đình” kỳ trước...)


Một thằng mõ văn, thằng mõ báo (*) 
Hai thằng cùng mõ, cùng nói láo, 
Dài hơi, cả tiếng tưởng hay ho 
Cãi nhau om sòm, điếc ráy lão!

Đôi co văn tàu, với văn ta
Lải nhải cứ như bọn đàn bà!
Văn dịch anh em mang mổ xẻ
Vạch vòi y hệt lúc chơi hоа!

Thằng Văn bới móc thằng Văn-Học
Hàng xóm mất ngủ vì bọn nhóc!
Bọn nhóc thừa giấy đem vẽ voi
Vẽ luôn giun dế, và nhái cóc!

“Tác phong văn nghệ”, khéo bày trò
Giống mõ nhà bay vốn miệng to
Danh giá bao nhiêu mà lớn họng?
Một mình một chiếu hẳn chưa no?

Cốc... cốc… ơ... ơ... giữ nghiệp nhà
Thôi đừng lí lắc kiểu bùn ma!
Nhắn hai thằng mõ: không siêng học
Làng tống ra ngoài chết bỏ cha!

“Vän nghệ văn ngỗng” nước non này
Ra quái gì đâu hở chúng bay!
Chọc cứt ngửi hoài sao chẳng chán
Riêng ông lợm giọng bấy lâu nay!

Mặc cha đứa dịch, đứa sáng tác
Đứa vồ, đứa thuổng, đứa ăn cắp!
Làng ông nó bẩn đã lâu rồi
Cần gì lũ mõ phải lắp bắp!
______
(*) Mõ Báo: bút hiệu của Duyên Anh ký trên Tin Báo trước đây.
_____
(Văn số 57)

Kết quả là Văn đại bại. Kể từ số 58, mục thường xuyên “Quét Sân Đình” bị dẹp bỏ sau hai năm tung hoành một mình một cõi. Bút hiệu Mõ Làng Văn không còn thấy xuất hiện, mãi đến một năm rưỡi sau, mới thấy tái hiện trên số 80, nhưng thay vì “Quét Sân Đình” nay sửa lại là “Chuyện Giải Buồn”. Người bị lên bàn mổ để giải buồn lần này là Vân Mồng  (bút hiệu của Bùi Giáng) với bản dịch “Khung cửa hẹp” của tác giả André Gide mà trước đó, Duyên Anh  ca ngợi hết mình trong bài “Một tác phong văn nghệ”.



Một âm mưu thâm độc???

Bài viết của Duyên Anh đã là một cú “knock-out” vào Văn khiến TPG phải tá hỏa! Bằng chứng là TPG khẩn cấp viết bài trần tình. Khẩn cấp đến độ “lúc tôi viết bài này chiều 10-5, báo Văn Học chưa có bán ngoài sạp” (Văn số 58). Sau đó, là gỡ cái bảng “Quét Sân Đình” kia xuống, để từ đấy cái đình làng kia phải đóng cửa vĩnh viễn! 


Chuyện này được chính Mõ Làng Văn thú nhận trên Văn số 80, sau một năm rưỡi kể từ khi cái bảng “Quét Sân Đình” bị gỡ xuống:

... Đã từ lâu Mõ tôi vắng mặt trên Văn. Bà con cô bác có nhiều người lo lắng, thăm hỏi. Nhờ Trời, Mõ tôi vẫn mạnh: vẫn cơm hai bữa, cà phê hai cữ, thuốc lào thuốc lá hút lai rai. Sự vắng mặt của Mõ tôi, nói có tòa soạn Văn làm chứng, hoàn toàn ngoài ý muốn.

Số là, đã lâu rồi, trong một phiên họp thượng đỉnh, trước toàn ban biên tập và các cộng tác viên của Văn, thư ký tòa soạn có lên tiếng kêu rên là các bài do Mõ tôi viết đã gây cho hắn ta quá nhiều sự hiểu lầm oan ức, và do đó, quá nhiều phiền phức lôi thôi (...) Nghe hắn nói xong, anh em biểu quyết và truyền lệnh Mõ tôi phải treo chổi.

(Văn số 80 ngày 15-4-1967)

Bạn thấy cái bài viết của Duyên Anh là thâm độc ghê gớm chưa? Chỉ việc phao tin ông Khai Trí xúi, và bảo Trần Phong Giao tỉ tê với Phan Kim Thịnh tại Quán Chùa về tác giả bài viết là Nguyễn Minh Hoàng là xong ngay. Nó tạo nên sự ly gián trong nội bộ của Văn hay của nhóm Mõ Làng Văn. Nó cũng gây phiền phức lôi thôi trong việc làm ăn với ông Khai Trí...


Lẽ ra, với thẩm quyền của một chủ nhiệm kiêm chủ bút, ông Phan Kim Thịnh phải ngưng không cho đăng hay có đôi lời đính chánh để tránh ngộ nhận nhưng ông ta vẫn để cho bài có DA xuất hiện. Nếu quả thật như vậy, thì đó là sự “đồng lõa ngầm” còn gì danh dự của một chủ nhiệm, chủ bút và tạp chí của mình?

Nhưng mà, đâu cần danh dự, miễn là mục đích đạt là được. Bài học lịch sử cuộc chiến miền Nam rành rành ra đó. 



 Vậy Mõ Làng Văn là ai?

Trên Văn số 80, ở mục mới là “Chuyện Giải Sầu”, Mõ Làng Văn cho biết thư ký Tòa Soạn Văn kêu rên các bài do Mõ Làng Văn viết đã gây cho ông “nhiều sự hiểu lầm oan ức”, “phiền phức lôi thôi”. Vậy thì, ngoài Trần Phong Giao ra, còn có ai đội lốt Mõ Làng Văn khiến TPG lại kêu rên như vậy?

Trước 1975, chúng ta không biết. Bởi lẽ ông TPG giấu, bảo là “bắt buộc phải giữ kín” vì nó là “bí mật của nghề nghiệp”. (chữ đậm là lời của TPG)


Nhưng sau 1975, chúng ta mới vỡ lẽ, do việc tự khai của chính người trong cuộc. Đó là dịch giả Trần Thiện Đạo.

Lời tự khai này được tìm thấy trong phần tiểu sử của TTĐ ở trên Mạng.

Ví dụ trong bài “Nói chuyện với dịch giả Trần Thiện Đạo” của Thụy Khuê, tác giả có viết vài dòng về tiểu sử TTĐ như sau:

Trần Thiện Ðạo (còn có bút hiệu khác là Trần Mai Lan, Mõ Làng Văn - tên chung với nhiều nhà văn khác) là một trong những cây bút chính của Tạp chí Văn.  

Đây là một chuyện lạ trong văn học. Bởi vì “job” chửi, bươi, quét có gì thích thú đâu để phải hãnh diện mà khoe chứ?



Rõ ràng, ở lĩnh vực nào của văn học, ông TTĐ cũng là số một, không ai có thể theo hay sánh kịp.

Từ việc giấu tông tích mượn lốt đội mũ Mõ Làng Văn đến việc nghĩa tử không là nghĩa tận! 

Tuy nhiên, trong cuộc nói chuyện với một thân hữu đặc phái viên TQBT tại SG vào cuối tháng 9-2016 vừa qua, thì dịch giả Nguyễn Minh Hoàng – người bị DA tố đích danh là tác giả bài viết – khẳng định ông Trần Thiện Đạo không phải là thành viên của Mõ Làng Văn (1).




● Khi Mõ Làng Văn tái xuất giang hồ trả thù lại Duyên Anh

Mãi đến một năm rưỡi sau từ ngày “Quét Đình Làng”  treo chổi, Mõ Làng Văn vẫn còn ấm ức với kẻ đã đánh mình nên thằng Mõ thẳng tay phê bình Vân Mồng vì Duyên Anh ca tụng hết lời Vân Mồng. Lần này “Quét Đình Làng” được thay bằng “Chuyện Giải Buồn”. Bài phê bình Vân Mồng (một bút hiệu của Bùi Giáng) được đăng trên Văn số 80:


Hai chữ “nhứt là” đã giúp tôi biết ngay tác giả bài viết ký tên Mõ Làng Văn này không thể là Trần Phong Giao (TPG) được. Bởi lẽ TPG là người Bắc. Mà người Bắc chỉ nói “nhất là” chứ không “nhứt là” . Nói có sách mách có chứng.  Đây là một đoạn dịch của Trần Phong Giao từ vở kịch Les justes của Albert Camus, ông dùng “nhất là” để dịch:

KALIAYEV, vẻ nhớn nhác - Tôi không thể đoán trước... Mấy đứa nhỏ, nhất là mấy đứa nhỏ...

(TPG: Những người trung thực dịch từ Les justes, Albert Camus, kịch, Giao Điểm, 1965).


Nay ông Trần Thiện Đạo tự khai ông còn sử dụng bút hiệu Mõ Làng Văn.  Mà ông TTĐ là dân Nam Kỳ rặt! Vậy thì ai trồng khoai đất này?

Chỉ tội cho ông Trần Phong Giao. Ai đó làm nhưng ông nhận tội. Ai đó đánh nhưng ông đưa lưng ra để đỡ giùm.  Hết Duyên Anh dùng Văn Học bắt ông phải khẩn cấp viết bài trần tình, rồi đến Nguyên Sa dùng báo Sống của Chu Tử ký tên Hư Trúc (2) đánh liên tiếp cả tháng, hay hai bà Nhã Ca, Túy Hồng mượn báo Khởi Hành (3) làm dữ với ông thề sẽ không bao giờ viết cho Văn, bắt ông phải viết hết trần tình này đến trần tình khác. 

Và có lẽ cũng tội cho ông Nguyễn Minh Hoàng nữa. Không biết ông NMH có lấy bút hiệu chung này không, sao lại được ông Duyên Anh chiếu cố,  chứ tôi chưa hề đọc một bài nào của NMH chê bai, hay phê bình ai. Ngay cả tiểu sử của ông NMH cũng không thấy, thật khó mà biết gốc gác của ông. Từ đó tôi nghĩ ông NMH thích sống thầm lặng, không muốn mắc vào những chuyện đánh đấm hay phê bình chỉ trích nhau. (4)

Chiến tranh nóng ở ngoài vòng đai. Chiến tranh lạnh ở Saigon. Giữa cuộc nội chiến ác liệt như vậy mà ông Trần Phong Giao vẫn gồng mình để lèo lái tạp chí Văn khiến nó trở thành một tạp chí văn học có tầm vóc lớn của miền Nam... Thương ông, phục ông là ở chỗ đó. 

Có phải vậy không?

Ba Cận Thị
_______________________
(1) Sau khi báo “lên khuôn”,  giờ chót chúng tôi nhận được bài nói chuyện với dịch giả Nguyễn Minh Hoàng của Ngọc Bút vào ngày 26-9-2016 tại SG, theo đó, Mõ Làng Văn chỉ có hai người là Trần Phong Giao và Nguyễn Minh Hoàng, không có Trần Thiện Đạo.  Và dịch giả NMH khẳng định ông không viết bài mà nhà văn DA nghi là tác giả. Mời đọc bài “Chuyện Muôn Năm Cũ” của Ngọc Bút trong phần Sống và Viết.  (Xin đọc TQBT số 72 tháng 10-2016).
(2) Trần Phong Giao: “Bông hồng hay bông cứt lợn” Văn số 92 ngày 15-10-67
(3) Xin đọc TQBT số 61 chủ đề hiện tượng nhà văn nữ.
(4) Xin xem chú thích (1)

Chú thích: Ba Cận Thị là bút hiệu của tác giả Trần Hoài Thư, biệt danh của ông khi làm trung đội trưởng thám kích. Ông vẫn hay quen sử dụng bút hiệu này khi viết về đề tài ngoài văn chương.

(nguồn: tạp chí Thư Quán Bản Thảo số 72 - Tháng 10.2016).