Photo by PCH – October 2016
Ông trở dậy vào rạng sáng, sau một đêm mất ngủ hầu như không nguyên cớ, tự nhiên có cảm giác không khí trong căn nhà quá ngột ngạt khó chịu. Ông khoác áo rồi bước ra phố, cứ nhằm phía trước mà đi. Qua bốn, năm ngã tư thì ông nhìn thấy ngay trước mặt mình một tấm bảng hiệu kỳ lạ. Trên nền trắng, hiển hiện rất nhiều những chữ cái viết hoa, đủ màu sắc, nằm xen kẽ, không theo một trật tự nào. Ông dừng lại vừa khi người chủ quán mở rộng cánh cửa sơn màu xanh lá cây. Chủ quán mỉm cười nhìn ông như thể gặp một người quen cũ, hay ít ra cũng như hai người vẫn gặp nhau hàng ngày tại một công sở hoặc trên cầu thang, trong thang máy một chung cư nào đó. Nụ cười của chủ quán khiến ông tò mò, bước vào quán.
Quán nhỏ. Những chiếc bàn vuông màu nâu được xếp ngay ngắn, bên phải 2 dãy, bên trái 2 dãy, mỗi dãy 3 chiếc, vị chi có 12 chiếc, mỗi bàn 4 ghế, vị chi có 48 chỗ ngồi. Ông nhâm nhẩm tính, không biết để làm gì rồi bất chợt nhớ mình có nằm mơ, có lẽ trong một lúc chợp mắt nào đó vào đầu đêm hoặc trước khi trở dậy. Ông thấy mình đi đến một vùng núi, muốn leo lên nhưng tìm mãi mà không có lối mòn nào, toàn những cây rậm rịt, chằng chéo. Ông đi loanh quanh, tha thẩn, định quay về thì nhìn thấy một bóng người. Ông vội vã bước theo nhưng càng cố bước nhanh thì cái bóng càng xa rồi mất hút đâu đó trong khoảng không. Hình như ông có kêu lên câu gì đó, có lẽ là một tiếng hú thì đúng hơn…Phải rồi, một tiếng hú gọi, ông như còn nghe thấy âm thanh kéo dài, vang vọng của tiếng hú, khi ông đứng giữa những dãy bàn ghế sạch bong, xếp đặt ngay ngắn, phân vân không biết tại sao mình lạc bước vào nơi này. Rồi ông nghe thấy đau ran ran nơi ngực khi nhớ ra đây chính là giấc mơ ông từng gặp vào đêm mẹ ông ra đi…Ông nhìn khắp gian quán, tìm ra một chỗ ngồi. Ông cần một chỗ ngồi.
Ông có thói quen tìm một góc nào đó để ngồi giữa đám đông những hội nghị, hội thảo, nói chung là ở chốn đông người. Một cô gái cùng khóa học đã mê cái anh chàng “ngồi một góc” ấy. Nàng bảo trông ông cô độc thế nào ấy. Nàng thích những chàng trai cô độc. Vậy mà cuối cùng nàng đã lấy cái gã bắng nhắng, ầm ĩ, se sua nhất trong đám con trai. Và, nàng mãn nguyện, sinh ra 5 đứa trẻ giống hệt như gã. Ông bật cười, cơn đau như tan đi. Ông hít một hơi thật sâu rồi từ từ thở ra, ngồi xuống chiếc ghế bên góc trái, nơi có ô cửa sổ nhìn thấy một con đường khác.
Ông ngồi im, tay chống cằm, lơ đãng nhìn hàng cây với những chùm hoa vàng rực như những chiếc lồng đèn treo lơ lửng giữa khoảng không. Hình như trong giấc mơ ông cũng từng nhìn thấy một cây hoa vàng bên vách núi. Hình như đã nhiều lần ông mơ thấy cây hoa màu vàng này, lúc còn nhỏ, ở tuổi thanh niên, trong những giấc ngủ thanh thản, những giấc ngủ mê mệt, rồi cho đến đêm qua. Có lần, trên chuyến bay dài, ngồi buồn, ông tiện tay mở một tờ tạp chí được đặt trong chiếc túi ở lưng ghế người ngồi trước. Giữa những trang quảng cáo màu mè, ồn ã, ông nhìn thấy một truyện ngắn của X. Nhân vật trong chuyện là một nhà văn. Cố nhiên, cách này hay cách khác anh ta phải nói đến nghề của mình- một nghề chẳng liên quan gì đến ông. Ông chỉ để ý đến chi tiết anh ta nói về giấc mơ: “nhà văn hay viết về các giấc mơ vì nó dễ bịa, dễ tưởng tượng, dễ thêm thắt”. Thật thế chăng. Người ta có thể bịa ra một giấc mơ sao. Ông lăn tăn nghĩ ngợi một chút rồi quên, chỉ nhớ lại nhận xét ấy khi tình cờ gặp X trong phòng làm Hộ chiếu. Hắn ngồi bên ông, vui vẻ gợi chuyện, anh quê ở đâu, anh làm nghề gì, công việc có thú vị không, anh định đi đâu, chỉ quanh quẩn Đông Nam Á mình đã khối thứ để chiêm ngưỡng…Đến khi người ta gọi tên hắn ông mới biết đó là nhà văn X. Ông tin đó chính là X, kẻ đã viết nên thiên truyện ông từng đọc, khi bất chợt nhìn thấy ánh diễu cợt trong mắt hắn khi hắn lướt qua đám đông ngồi chen chúc, chờ đợi đến lượt của mình. Không hiểu sao, ông luôn cảm thấy đám văn nhân thi sĩ này có cái gì đó lạ lùng, có cái gì đó không bình thường. Lần nọ, ông ngồi café với người bạn, nghe mấy người bàn bên cạnh oang oang bàn chuyện văn chương, dẫn đủ tên những người vĩ đại, lại còn đọc cái gọi là trường ca gì gì đó. Bạn ông nháy mắt, toàn tay tổ đấy. Rõ chán. Ông nghĩ là mình đã nói to hai tiếng “rõ chán”, vội vàng nhìn quanh nhưng quán vắng hoe, chủ quán cũng trốn biệt.
Ông đứng dậy, định bụng sẽ rẽ về hướng con đường có rặng hoa vàng kia. Thế nhưng ông vấp ngay người chủ quán chỗ quầy tiếp tân. Hắn ngạc nhiên, nhếch một bên chân mày lên khá cao, bác về ạ. Ông ngần ngừ, sợ mất lòng, không, à chưa, à tôi… Người chủ quán đưa tay xoa trán, vẻ bối rối, dạ, bác thông cảm. Quán 8 giờ mới dọn hàng. Trời đất, 8 giờ mới bán đồ ăn sáng, hắn bán cho ai nhỉ, ông nghĩ thầm, mơ hồ cảm thấy nơi này có sự gì đó bất thường. Ông muốn thoát ra, vậy hả. Vậy tôi xin lỗi. Lúc khác tôi sẽ quay lại. Người chủ quán chắn ngang lối, dạ, không được ạ. Bác mở hàng cho chúng tôi, chúng tôi đâu dám thế. Xin bác đợi cho một chút. Ông ta ngoảnh vào trong, phát ra một âm thanh như tiếng gọi nhưng không phải một tên người. Nó giống như một ám hiệu chỉ người trong cuộc mới thấu hiểu. Gần như ngay lập tức, một chàng trai cao ráo, mặc áo thun xanh với vô số chữ cái in trên mặt áo, bưng ra chiếc khay gỗ nhỏ. Trên khay, một tô bún bò đang bốc mùi thơm lựng. Mọi việc diễn ra mau lẹ đến độ ông tưởng như chàng trai vừa làm một trò ảo thuật tuyệt khéo, vỗ tay 3 cái và tô bún hiện ra.
Chủ quán chốc chốc lại chạy đến, bác dùng có vừa miệng không ạ, gọi là bún bò Huế nhưng cũng có đôi chút thay đổi cho phù hợp với khẩu vị của dân địa phương đấy ạ, nước đây ạ, tăm đây ạ. Cuối cùng, hắn tuôn ra một hơi, thấy bác tôi mừng lắm, chỉ mong bác vào quán. Nhìn vẻ mặt đã biết bác là người hiền hòa, nhân hậu. Bác mà mở hàng là hôm nay quán đắt khách phải biết. Ông đỏ mặt, rút ví. Hắn đưa tay chặn khẽ trên tay ông, chỉ vừa đủ cho ông không thể rút tiền, không ạ, không ạ. Đặc điểm của quán là không nhận tiền của người khách đầu tiên trong ngày. Ông cười, nhìn tay chủ quán đang cúi mình nhún nhường, hôm nay có vẻ là một ngày khác thường với tôi. Tôi sẽ xin quay lại. Chủ quán nói như đọc chú, vinh hạnh, vinh hạnh, vinh hạnh.
Vậy mà đã gần 8 giờ sáng. Ngoài cửa, lác đác có người đến. Hình như họ đều là khách quen. Gã chủ quán đưa tay chào khắp lượt, mỗi lần, người lại hơi gập xuống. Ông vỗ nhẹ vào vai gã, thay cho câu chào, định đi về hướng con đường hoa vàng. Đúng lúc quay người thì ông nhìn thấy hắn. Hắn mặc một chiếc sơ mi hoa nhã nhặn, mang giày da đen, đội mũ vải mỏng, mắt đeo kính mát, lướt qua sát người ông, bước vào quán. Ông tựa lưng vào cánh cửa sắt màu xanh lá cây, cố chặn một tiếng kêu. Giá như hắn có chút ngượng nghịu, bối rối, hẳn ông đã bỏ đi.
Ông quay lại.
Hắn ngồi bên dãy bàn bên phải, quay lưng ra cửa. Ông cũng ngồi cùng chiều với hắn, tránh chạm mặt với chủ quán. Ông nghe người bên cạnh kêu, một café đen không đường. Ông lặp lại, một café đen không đường và ngay lập tức, ly café được đặt trên mặt bàn. Cái cảm giác có tà phép gì ở nơi này lại khiến ông cảm thấy bồn chồn. Ông cúi xuống, hít một hơi thật sâu mùi cà phê, mong tìm sự tỉnh táo nhưng trong một thoáng ông gần như bị mê đi, không biết vì sao mình lại ở nơi này. Chỉ đến khi ngẩng lên, nhìn thấy ngấn mỡ đùn lên sau gáy của kẻ chỉ ngồi cách mình hai dãy bàn ông mới sực tỉnh. Hắn vốn là một gã to béo. Có lẽ vì vậy mà ông đã luôn có cảm giác khó chịu khi nhìn một kẻ béo tốt nào đó. Có cái gì đó bất nhã, thậm chí bất nhẫn ở bọn họ. Lần nọ, ông đã gặp sự cố vì chính thành kiến của mình. Thấy hai đứa trẻ nhà hàng xóm đánh nhau, ông can chúng ra rồi phát vào mông thằng to béo một cái. Cách nào đó, ông đinh ninh chỉ có bọn to béo mới là những kẻ nhiễu sự.Thực ra thì người có lỗi là đứa gầy yếu, đen nhẻm kia. Thế là, bà mẹ đứa to béo đôi co, cãi vã, cật vấn ông cả buổi, còn đòi đưa ra tổ dân phố nữa. Chỉ đến khi người chồng ( một ông to béo)can thiệp bà ấy mới im lặng.
***
Ông và hắn học cùng chuyên ngành và cùng được tuyển chọn về một công ty. Công ty nhỏ nhưng điều kiện làm việc khá tốt. Một thời gian ngắn sau đó, ông nhận được suất đi Pháp tham quan và thực tập tại một viên nghiên cứu. Chỉ cách giờ khởi hành mươi ngày chuyến đi bị ách lại. Không ai biết thật sự điều gì đã xảy ra, giám đốc cũng chỉ có thể nói với ông, cậu cẩn thận trong lời ăn tiếng nói. Lời căn dặn dè dặt ấy đủ giúp ông hiểu rõ mọi việc. Hắn đã đem những bàn luận thế sự, những tiếu lâm chính trị của ông với đồng nghiệp trong văn phòng, ngoài quán nước làm bằng cớ cho quan điểm lập trường yếu kém của ông. Ông không nói, không tỏ thái độ nào rõ ràng nhưng hắn biết là ông biết. Như một tên trộm bị chủ nhà phát hiện, hắn tìm cách giết chủ nhà, bịt đầu mối. Thế là lý lịch của ông bị phòng tổ chức dò xét. Bố cậu làm việc ở Sở giây thép thời Pháp à? Vâng, tôi đã khai trong lý lịch. Bố cậu mất vì sao? Vì bệnh. Bệnh gì? Tôi không biết rõ vì lúc ấy tôi mới lên 10. Mẹ cậu lấy gì nuôi cậu ăn học. Bán hàng xén. Thế còn bố dượng? Ông ấy trông coi thư viện. Cũng là công chức lưu dụng à…Ông không đáp, quay ra cửa sổ, nơi một cành lá vú sữa đang lật qua lật lại trong gió, phơi hai màu xanh, đỏ. …Ông giật mình khi nghe thấy tay tổ chức dằn từng tiếng, mẹ cậu ốm thế nào. (Người ta không thể hỏi thăm một người ốm với cái giọng ghê rợn đó). Mẹ tôi…ông ngập ngừng một chút rồi đứng bật dậy, bỏ ra ngoài.
Khi rời khỏi công ty, ông nhìn thấy hắn nơi cửa phòng tổ chức. Ông vứt túi đồ đạc, xăm xăm bước tới, định cho hắn một cú trời giáng. Thế mà, chỉ cách hắn vài bước chân, một cơn nghẹn ngào bất chợt khiến ông tê cứng chân tay, nước mắt chỉ chực trào ra. Chết tiệt, ông rủa thầm. Khi ông tỉnh trí, hắn đã bỏ đi. Bao giờ mình cũng chậm hơn hắn, ông cay đắng nghĩ.
***
Ba mươi năm đã trôi qua.
Chàng trai hai mươi bốn tuổi bị hất ra khỏi công ty như một cây non bị bật rễ. Ông không về quê, cũng không gặp bất cứ người thân hay bè bạn nào. Ông loanh quanh tìm việc trong thành phố một thời gian rồi quyết định ra đi. Trên chuyến tàu Bắc-Nam chật chội, hôi hám, ông ngồi bó gối gặm bánh mì trong một góc toa. Đối diện với ông là một người trung niên, mặc áo quần bộ đội đã cũ, cũng đang ngồi ôm chiếc ba lô vào bụng và gặm bánh mì. Ông ta chìa chiếc bi đông về phía chàng trai, uống đi, ăn bánh mì mà không có nước là chết nghẹn đấy. Ông ta có vẻ khoái khi nhìn chàng trai tu gần hết bi đông nước của mình, này, nhịn đói dễ hơn nhịn khát đấy. Bọn tớ đi hành quân, lo nhất là không tìm thấy nguồn nước. Chàng trai đưa trả chiếc bi đông, thế chú là bộ đội à. Ừ, ông ta đáp gọn lỏn. Thế sao chú lại ở đây. Thế tớ phải ở đâu, ông ta vặn lại. Chàng trai lúng búng, thì ở cơ quan này, công ty nọ, kiểu như những người có công ấy. Ông ta cười, cậu rõ là viên chức nhà nước. Sao ạ, chàng trai không hiểu. Ông ta lại cười, đánh giặc xong rồi thì làm việc khác, đánh nhau đâu phài là một nghề. Thực ra thì tớ cũng có một chỗ làm. Ngồi gác kho quân nhu. Mở cửa, đóng cửa, cả ngày chỉ có thế, buồn nẫu người. Thế là xin ra quân, lên tàu, nam tiến. Chàng trai để ý đến tiếng cười sảng khoái, át cả tiếng ồn ào xung quanh của ông. Sau này, khi đã thân thiết, chàng trai có lần nói với ông, nhờ tiếng cười của chú mà cháu vững lòng, quyết đi theo chú đấy. Có lẽ cũng vì tiếng cười ấy mà trong đêm, giữa tiếng xình xịch của con tàu, chàng trai đã kể câu chuyện của mình cho người bạn vong niên. Ông ta vứt cái bi đông rỗng xuống sàn tàu, khốn kiếp, sao cậu không nện cho nó một trận. Chàng trai im lặng, không nhắc đến cơn nghẹn ngào bất thần của mình, mặt nóng bừng trong bóng tối. Tưởng ông ta đã ngủ, anh xoay mình, tìm một tư thế dễ chịu hơn, bất thần nghe thấy một cái đập mạnh vào vai, này, tớ cam đoan với cậu, cái thằng hại cậu ấy, đời nó rồi chẳng ra cái đếch gì đâu.
Suốt mấy năm lăn lộn tìm kế sinh nhai, cho đến khi hai chú cháu có được một cơ sở nhựa gia dụng tương đối khá, chú Diên- người lính ông gặp trên tàu Bắc-Nam, không lần nào nhắc đến câu chuyện cũ. Mãi đến năm ông ngoài 30, trong cuộc nhậu sau một hợp đồng vừa được ký kết, lúc ngà ngà say, chú chợt hỏi, này, cậu có còn thù oán cái thằng đã hại cậu không. Ông im lặng. Khi ngẩng lên, chú Diên nhìn thấy chàng trai tựa đầu vào cạnh tủ, mắt hơi ngước lên, như để ngăn một giọt nước mắt. Chú Diên đã vài lần nhìn thấy chàng trai trong tư thế ấy. Chú nói khẽ, chú xin lỗi, rồi dợm bước đi. Chàng trai bỗng đứng bật dậy, gọi to, chú ơi, chú nghe cháu này. Giọng chàng trai lạc đi như bị bạt gió, chú biết không, hồi đó, dù cháu vẫn chạy vạy lo tiền thuốc thang gửi về cho mẹ hàng tháng, không hiểu bằng cách nào bà vẫn biết cháu bị thôi việc. Đối với bà, chuyện đó lớn lắm. Bà coi như đời cháu tuyệt lộ rồi. Bà ốm nặng thêm rồi qua đời. Cha dượng cháu lo chạy chữa khắp nơi mà cũng đành thua. Ông ấy buồn lắm, viết cho cháu một bức thư dài, nhờ người bà con chuyển giúp. Ngay đêm mẹ cháu mất, cháu có một giấc mơ rất lạ. Cháu thấy mình đi đến một vùng núi. Cháu rất muốn leo lên ngọn núi nhưng không tìm thấy lối mòn nào, chỉ những cây là cây, rậm rịt, chằng chéo. Cháu đi loanh quanh, tha thẩn, định quay về thì nhìn thấy một bóng người. Cháu vội vã bước theo, hy vọng sẽ tìm ra một lối đi nhưng mình càng bước nhanh thì cái bóng càng xa rồi mất hút đâu đó trong khoảng không vắng lặng rợn người. Cháu kêu lên, cố kêu thật to rồi cháu gào hú lên nữa nhưng vô vọng…Cháu cứ đinh ninh bóng hình đó là mẹ cháu chú ạ. Chú có nhớ lần cháu xin về quê cả tuần lễ không. Cháu về chịu tang mẹ đấy. Mọi việc tang ma đã xong, cháu chỉ ra mộ mẹ, thắp được một nén hương thôi. Trời đất, chú Diên kêu lên, sao cháu gan lì dữ vậy. Chú cứ nghĩ cháu là đứa sống quá tình cảm, thậm chí mềm yếu nữa. Khi hai chú cháu im lặng đi bên nhau trên khoảng phố vắng, chàng trai bỗng bật cười khan, mà chú này, hắn cũng “ra cái đếch gì” lắm đấy.
Thỉnh thoảng, ông vẫn thấy tên hắn trong phái đoàn này, tổ công tác nọ của một Bộ lớn. Có lần, ông còn nhác thấy hắn trên TV, đứng sát cạnh một nhân vật có máu mặt. Sau ngần ấy tháng năm lăn lộn, vật vã, việc nhìn thấy hắn một cách gián tiếp như vậy có vẻ không gợi trong ông điều gì thật rõ ràng. Một cái lắc đầu, một tiếng chép miệng, cùng lắm là một câu lầu bầu không rõ lời, thế thôi. Vậy mà, vợ ông, một phụ nữ thuần hậu, có lần than thở với chú Diên, nhà cháu hiền lắm, chẳng khi nào nặng lời với vợ con nhưng không hiểu sao, thỉnh thoảng, anh ấy có những cơn giận rất bất ngờ, chẳng có nguyên cớ nào cả. Có khi anh ấy bỏ ra ngoài mãi đến khuya, có khi ngồi một mình trong phòng tối, không cho ai vào rồi đột nhiên nghe tiếng xô bàn ghế hoặc tiếng ném một vật nào đó xuống mặt sàn. Những lúc như vậy, mấy mẹ con cháu im như thóc, đợi đến khi anh ấy như tỉnh ra, đến xoa đầu bọn nhỏ, vẻ như hối lỗi, mọi người mới thở phào, cứ như anh ấy vừa tháo một kíp nổ vậy. Bị bất ngờ vì câu chuyện, người lính già bối rối, ừ, thì cũng như chú đây này. Mảnh đạn trong đầu chú không lấy ra được. Thường thì nó nằm yên như ngủ rồi một lúc nào đó, bất ngờ cựa quậy, đau đến nỗi chỉ muốn chết đi cho yên thân. Vợ con chú cũng rất sợ những lúc chú đau đớn, vật vã. Sau đó mọi việc lại đâu vào đó. Nhìn thấy vẻ ngơ ngác trên mặt cô gái trẻ, ông vội nói thêm, ai chẳng có một mảnh đạn nằm đâu đó trong cơ thể mình hả cháu. Vừa dứt lời, ông đã nhận thấy sai lầm của mình. Lời giải thích quá bí hiểm với cô gái. Cô nghẹn ngào, thật sao chú. Ông cười lớn, chú xin lỗi, chả biết hôm nay làm sao mà đầu óc chú mụ mị hết cả. Chú chỉ muốn nói rằng cháu đã may mắn gặp được người đàn ông tử tế nhất mà chú từng biết.
Mãi lâu sau này chú Diên mới biết đích xác mảnh đạn của người bạn vong niên là gì và nằm ở đâu. Nó không nằm trong đầu như ông, nó nằm trong tâm khảm của cậu ấy. Chú Diên nhớ lại những lần người bạn trẻ đến chỗ làm, mặt mũi bơ phờ, thất thần, không nói không cười, làm hùng hục như một gã mất trí. Đó là trạng thái sau những cơn đau.
***
Lẽ ra, những kẻ ác hơn hắn, những âm mưu, những toan tính kinh khủng hơn những toan tính của hắn mà ông từng gặp trên chặng đường sáu mươi năm qua đã có thể phủ lấp lên hình bóng của hắn, xóa mờ đi hình bóng của hắn, như lẽ thường. Nhưng hắn vẫn còn đó. Không sao xua đuổi. Không sao gạt bỏ. Không sao khỏa lấp. Cũng có lúc ông muốn tìm gặp hắn, đấm hắn một cú trời giáng, thét vào mặt hắn câu nói được ghim giữ trong tâm khảm: mày đã hại chết mẹ tao. Nhưng khốn thay, ông không đủ sức lực cho một đối diện. Ông sợ một cơn nghẹn ngào bất thần. Hắn không phải là đối thủ, hắn vốn là một người bạn. Ông tránh những nơi nào có hắn, có thể có hắn, như một cuộc gặp bạn học cũ chẳng hạn, một cuộc hội thảo chuyên ngành chẳng hạn…Mỗi lần như vậy, cơn đau lại bùng phát…Nhưng cuộc gặp này là sự sắp đặt của số phận, của trời đất. Ông thở dài, chăm chú khuấy tan đường trong ly cà phê, rồi nhấp từng thìa nhỏ, chuẩn bị cho cuộc đứng dậy, bước tới, giơ tay lên.
Cầm chặt ly cà phê như một thứ vũ khí, ông đứng bật dậy, bước tới. Nhưng chỉ cách hắn một bước chân, mắt ông bỗng tối sầm lại, không còn nhìn thấy đường đi, tay chân tê cứng, bất động. Ly cà phê rơi xuống sàn đá hoa, gây một tiếng động chát chúa. Khi ông mở mắt ra, chiếc bàn của hắn trống trơn. Ông nhìn chăm chăm vào mặt bàn sạch sẽ, trơn nhẵn, không hiểu vừa xảy ra điều gì.
Tay chủ quán xuất hiện ngay tắp lự, như thể gã chờ sẵn đâu đó cho sự cố này. Chỉ bằng vào một cái hất đầu rất khẽ của gã, cậu tiếp viên đã nhanh nhẹn dọn sạch chỗ cà phê và mảnh thủy tinh rơi vãi. Ông đưa tay vịn vào mép bàn, cố đứng vững, mắt hơi ngước lên, chặn một giọt nước mắt. Chủ quán tỏ ra ngạc nhiên, là bác ư. Rồi lập tức lấy lại vẻ thản nhiên, chắc bác quay lại dùng cà-phê. Ăn rồi thì phải uống mới đúng điệu bác nhỉ. Có cái gì giả dối, bỡn cợt trong giọng nói, trên vẻ mặt của gã khiến ông phát điên. Ông chỉ muốn chụp lấy gã, nện cho gã một cú. Gã nhận ra ngay nguy cơ nên hơi lùi lại, giọng ngọt ngào, bác ngồi đây để tôi lấy ly cà-phê khác. Rồi vừa bước đi vừa lẩm bẩm, sảy tay, sảy chân là chuyện thường mà.
Khi gã quay lại, ông đã bình tĩnh, tôi chỉ muốn hỏi tên quán thôi. Hắn cười to, tay xoa xoa lên trán, á à, bác là người đầu tiên đặt ra câu hỏi thú vị này. Thực ra thì, do tôi bí quá nên mới làm vậy. Bác cứ thoải mái ghép vần các chữ để tạo nên một tên quán cho mình. Hải Hà, Ngọc Hồi, Hà Thành, Vỹ Dạ, Phố Xưa, Chốn cũ, Hạnh ngộ, Biệt ly, Gió biển, Mưa ngàn, Hồng vàng, Cúc thắm…Còn nếu chẳng buồn mất thì giờ thì bác cứ gọi là Quán chữ cái.
Ông đáp, giọng mệt mỏi, thông minh lắm, hài hước lắm rồi đưa mắt nhìn quanh quán. Quán vắng hoe, yên tĩnh lạ thường, chỉ còn một người ngồi đúng chỗ ông từng ngồi, hình như cũng đang nhìn ra con đường có rất nhiều những chùm hoa vàng rực, tựa như những chiếc lồng đèn treo lơ lửng giữa khoảng không.
Ý NHI