Saturday, November 12, 2016

249. NGUYỄN MINH NỮU Thương quá Sài Gòn ngày trở lại (5)


Photo by Thanh Hà - Sài Gòn, tháng 9.2016



Buổi họp mặt mừng Quán Văn 5 tuổi được tổ chức tại quán cà phê Lọ Lem. Một buổi sinh hoạt đông vui và thú vị.

Thời điểm này 5 năm trước tôi đã bất ngờ được dự buổi ra mắt Quán Văn số 1, lúc đó ngoài Nguyên Minh và Đoàn Văn Khánh ra, tôi chưa  quen biết với ai, thế mà bây giờ đã trở thành bạn tâm giao với rất nhiều người - những người yêu quý văn chương, trân trọng chữ nghĩa. 

Lúc mới hình thành, Quán Văn có những cây bút nòng cốt: Trương văn Dân, Elena,  Đoàn Văn Khánh, Từ Sâm, Hiếu Tân, Cao Quảng Văn, Nguyễn Hòa, Nguyễn Sông Ba... Nhiều người trong họ vẫn còn viết đều đặn cho Quán Văn, và cũng có mặt trong buổi sinh hoạt kỷ niệm này. Từ nhiều năm nay, mỗi số Quán Văn thường dành một số trang  cho một chân dung văn học. Những số trước đã làm cho Nguyễn Mộng Giác, Đinh Cường, Lữ Quỳnh, Thân Trọng Minh.....và số Quán Văn kỳ niệm 5 năm này phần Chân Dung Văn Học dành giới thiệu tác giả Phạm Cao Hoàng.


Nguyễn Minh Nữu đang làm MC, điều hợp buổi họp mặt mừng Quán Văn 5 tuổi
Ảnh Thanh Hà - Sài Gòn, tháng 9.2016

Trương Văn Dân kể lại: lúc đầu khi mới quen nhà văn Nguyên Minh, anh hiểu được những trăn trở của một người thích làm báo mà chưa chưa thực hiện được ước mơ của mình nên đã bàn bạc cùng Nguyên Minh  thành lập Quán Văn và đồng hành cùng Nguyên Minh từ đó cho đến bây giờ. Trương Văn Dân vốn là người mê văn chương. Trước 1975 anh du học ở Ý, lập gia đình và định cư ở đó nhưng vẫn theo đuổi giấc mộng văn chương. Năm 2005, anh cùng vợ là Elena  về sống tại quê nhà. Hai năm sau, anh xuất bản tập truyện đầu tay " Hành Trang Ngày Trở Lại" .



Elena và Trương văn Dân đã được Hoàng Kim Oanh mô tả : "Đôi song ca Ý - Việt tuyệt vời là hạt nhân gắn kết nhiều thế hệ, nhiều đối tượng độc giả, tác giả QV...Chưa cặp đôi nào gắn bó thực sự đến như thế... Cả cuộc sống đời thường, cả vui buồn văn chương bè bạn, cả cách nhìn cùng một huớng và cách nghĩ về những vấn đề xã hội hôm nay!"

Suốt 5 năm qua, chưa bao giờ Trương Văn Dân và Elena vắng mặt trong các buổi gặp gỡ của Quán Văn. Trương Văn Dân chịu đọc, chịu kết bạn, và chịu viết. Truyện hay bài viết của Trương văn Dân thường hướng về phân tích nội tâm nhân vật, tạo chiều sâu cho tác phẩm ...

Từ Sâm ở Nha Trang vào Saigon dự cho được kỷ niệm 5 năm của Quán Văn. Anh nồng nhiệt bắt tay chào hỏi mọi người rồi vội vã bước lên  sân khấu nói lời chúc mừng và tạm biệt; anh phải về cho kịp chuyến xe chiều. Từ Sâm viết thường xuyên mỗi ngày trên trang của mình "Chuyện làng Nguyệt Tui" mà tôi được đọc cũng đã hơn 50 kỳ. Là người gốc Quảng Bình, anh không ngại đem chính giọng nói của quê mình vào văn chương, Từ Sâm viết giọng châm biếm, đưa những sự kiện nho nhỏ mắt thấy tai nghe thành thâm trầm một cách hài hước rất dễ gần. Một trong những truyện ngắn của anh tôi đọc một lần mà nhớ luôn trong đầu, có thể kể lại bất cứ lúc nào là truyện "Thằng Tít Rằn" được một nhà xuất bản đưa vào danh sách các truyện ngắn Mini đặc sắc.

Hiếu Tân ở Vũng Tàu,  về với Quán Văn lần này để kể lại bài viết anh đã tường thuật lần ra mắt Quán Văn số 1 hồi 5 năm về trước.

Nguyễn Hòa vcv, người chủ trương trang mạng Văn Chương Việt, đang nằm bệnh, không đến được. Cao Quảng Văn sức khỏe cũng không tốt, thỉnh thoảng mới đến với QV.

Quán Văn được biên tập bởi Nguyên Minh và một số anh em văn hữu, trình bày do Nguyễn Sông Ba, còn phát hành thì có hai cách: gửi tới các đại lý và thân hữu và phát hành trực tiếp trong các buổi sinh hoạt ra mắt sách. Những buổi ra mắt sách thường rất vui với  sự đóng góp công sức của nhiều người như Đoàn Văn Khánh, Đoàn Đình Thạch, Đặng Châu Long, Ngô thị Mỹ Lệ, Hoàng Kim Oanh, Quách Mạnh Kha... Sinh nhật 5 năm Quán Văn, Ngô thị Mỹ Lệ đem tới một cái bánh Sinh Nhật, trên mặt bánh là chữ Quán Văn, chung quanh ghi tên những nhân vật mà Mỹ Lệ vinh danh Mỹ Lệ khiêm tốn ghi tên mọi người mà không ghi tên chính mình.

Lần ra mắt nào cũng vẫn do một người điều hợp là nhà thơ Đoàn Văn Khánh. Đoàn Văn Khánh có giọng nói mạch lạc, lưu loát. Hôm đó, Đoàn Văn Khánh làm một việc ý nghĩa khi anh mời chị Lan - phu nhân của Nguyên Minh - lên sân khấu. Chị Lan là người thầm lặng bấy lâu, vừa là yểm trợ, vừa là nội tướng; là người thực sự tạo mọi điều kiện để Nguyên Minh thảnh thơi rong chơi cùng chữ nghĩa. Thế mà bây lâu nay chàng vẫn để nàng sau bức màn nhung!
  
Hỗ trợ đắc lực nhất cho Khánh là Đoàn Đình Thạch.  Đoàn Đình Thạch là nhạc sĩ, đã từng phổ bài thơ "Viết Trong Buổi Chiều Mưa " của Kim Tuấn thành ra ca khúc. Đoàn Đình Thạch khiêm nhường, ít nói, đàn hay và hát giỏi; bao giờ cũng chọn ví trí bên trái sân khấu, với cây guitar trên tay và đệm cho bất cứ ai lên hát, và hát bất cứ khi nào cần. 

Hoàng Kim Oanh có những đóng góp kiểu khác, có khi là một diễn giả giới thiệu tác phẩm, có khi là người trong Ban Biên Tập để kết nối Quán Văn với các người trẻ, và có khi bước lên sân khấu theo lời yêu cầu để hát một ca khúc giúp vui. Lần kỷ niệm năm năm này, dù đã mời và chưa nhận được lời từ chối để cùng làm MC cho chương trình nhưng Hoàng Kim Oanh đã... khéo léo đi trễ với lý do ... em tưởng các anh nói đùa, và sau đó tạ lỗi bằng cách lên hát liên tục hai ca khúc trữ tình rất hay. Hoàng Kim Oanh viết ít nhưng những bài của cô là những cảm xúc rất chân thành, thông minh và thật sâu lắng như một đoạn Hoàng Kim Oanh viết để cám ơn những cuốn sách được tặng:

" Sách là sách. Là giấy vàng giấy trắng. Là mực đen mực xanh với đủ sắc màu xanh đỏ tím vàng... Nhưng mỗi cuốn sách tôi cầm trên tay đây luôn nói trước tiên về những ân tình tôi đã nhận và mỗi khi giở ra, mỗi cuốn đều nhắc nhớ cùng năm tháng duyên do nào tôi được có bạn ấy trong tủ sách của tôi. Mỗi người bạn trò chuyện cùng tôi theo cách của họ... Mỗi cuốn sách cũng thì thầm cùng tôi qua ngập ngừng ám dụ bao thông điệp cuộc đời... "

Quán Văn giống như một cái quán thực sự. Biết bao nhiều bằng hữu gần xa ghé đến, dù chỉ ngồi chơi  chuyện trò, thăm hỏi. Hôm nào có mặt Đặng Châu Long anh đều ghi được những bức ảnh bất ngờ khá thú vị ... Và Trần Hữu Hội với tập thơ "Hạt mầm trót vay" là một người dễ mến, tổn thương về cơ thể, nhưng Hội lại được sống trong tình yêu thương đùm bọc của gia đình và sự quý mến chân thành của bằng hữu văn nghệ. Hôm đó, Hội ngồi với nụ cười hiền lành luôn có trên môi, phụ trách phần âm thanh cho buổi họp mặt.

Tôi không thể nói về tất cả những người tham dự . Chỉ thoáng qua để nhớ những người mà tôi biết mặt như Thân Trọng Minh, Lê Hồng Thái, Miên Đức Thắng, Nguyễn Phú Yên, Lê Ký Thương, Phan Văn Quang, Trần Thoại Nguyên, Trần Hữu Dũng, Vũ Trọng Quang, Nguyên Tâm, Nguyễn Như Mây, Đoàn thị Phú Yên, Trần Võ Thành Văn, Bích Ngân, Phạm Thành Châu, giáo sư Hoàng Hưng, Lại Quảng Nam, Cao Bá Hưng ,Trần Hoài Anh, Kiều Huệ, Trần Hương Giang ..v..v.  

Hai ngày nữa là rời Saigon rồi, rời khỏi Cà Phê Lọ Lem trong tiếng cười sảng khoái nhưng trong lòng tôi nặng trĩu những tiếc nhớ, sao chưa muốn chia tay. Cám ơn mọi người đã cho tôi những kỷ niệm đẹp của một chuyến đi ngắn ngày, Kết bài viết bằng một tin nhắn của Trần Thoại Nguyên: dù mới gặp nhau mà sao như thấy thân thiết từ lâu rồi.  Đúng vậy nhà thơ Trần Thoại Nguyên, tôi cũng nghĩ như anh, và tôi muốn nói thêm: ngay cả những người tôi chưa được biết tên, chỉ nhìn hình thôi đã như là bạn cũ.

Nguyễn Minh Nữu.
Tháng 11/2016