Source: soha.vn
Thuở ấy, ở chợ Đông Ba thổi ra nguồn tin: Có nàng tiên cá thường xuất hiện mỗi sáng. Cô xoã tóc xách giỏ khép nép đi giữa những lối luôn lầy lội.
Mỗi sáng, tôi vẫn thường ngồi ở quán cà phê lộ thiên bên sông, dưới cầu Gia Hội. Tôi kiếm cơm bằng cách chạy xe thồ, bay tóc trán. Uống cốc cà phê đen đầu ngày cũng tựa như châm xăng vô bình. Động cơ xe máy phải cần xăng, chuyện đổ cà phê vào người cũng na ná, để lai tỉnh, khởi động.
Tôi ngồi, vác mặt ngó qua cái xô bồ bất tận bên hông chợ, để từ đó dồn đẩy về tôi những tiếng động tạp nhạp. Lời đồn đãi kia là một trong vô vàn thứ liên tu rậm rật rót vào tai kẻ luôn ngồi bần thần. Lạ chưa! Giữa cuộc đời bầm dập này sao đày đọa một nàng tiên cá sống trên mặt đất lao lung? Tôi tuyệt không để tâm tới những chuyện lạ. Tôi từng chở người vào Tây Lộc, họ trả tiền công khá bộn chỉ để tận mắt ngắm một cây chuối chen chúc trái đến lạ thường trong mảnh vườn mà dường như đêm qua có thứ hào quang từ cao xa phủ ập xuống. Khách rời khỏi xe, tôi cất tiền rồi quay đầu rồ máy, chẳng màng sự cố chuối chiếc “siêu khủng” chộn rộn sau lưng. Tôi từng thồ một người đàn bà cầm bình nhựa lớn lắc léo chạy quanh núi Ngự Bình tìm cho ra cái giếng linh để bà ấy khó nhọc mua được bốn lít nước chữa bá bệnh trong uống ngoài thoa. Người ta hỏi: Cậu tin không? Tôi nói: Bắt buộc, tin quá đi chớ. Và rồi tôi câm lặng, chẳng diễn nôm thêm. Một nàng tiên cá? Ừ, chớ hoài nghi, để cuộc sống có chút thi vị.
Có người truyền đạt kinh nghiệm: Cậu không nên ngồi mãi ở quán cà phê ấy, phải thay đổi địa điểm, trụ một chỗ có kẻ đâm dị nghị: E đứa ấy bỏ công quan sát địa hình ngầm mang âm mưu bất chính… Xét thấy chí lí, tôi nghe lời, tìm quán khác, rồi lại tìm quán khác. Tôi bắt đầu học thói bội bạc. Những ông bà cô bác chủ quán cũ sẽ có lời giải thích về sự vắng mặt của tôi, tùy vào tâm cảm: Ai? Hắn hả? Chắc vượt biển mất đất rồi! Cái cậu chạy xe ôm đó hả? Nó bị xe khách đụng, hiện nằm nhà thương, thập tử nhất sanh. Trời, lạ lùng gì, tin tui đi, hôm qua hắn bị công an trói ké dẫn vào đồn, láo chết!
Tôi vẫn còn chạy xe toát mồ hôi hột trong địa bàn thành phố tới ngoại ô bụi mờ, sáng tới khuya, mở mắt tới nhắm mắt. Tôi làm sao có điều kiện để xớn xác vượt biên, tôi chưa bị xe cán dẹp lép như con tép, chưa bị công an sờ nắn hỏi thăm sức khỏe; nhưng với tôi nhất nhật có khi là thiên thu, đời thường có khi hoang đường tựa mộng mị. Hôm ấy, một người con gái đã vẫy gọi tôi. Dáng ngại ngần, tóc xõa, có những lọn uốn cong và thú thật tôi chưa bao giờ thấy ai có nước da trắng ngần tựa thế, trắng đến hoang mang. Cô khoảng tuổi hai mươi hoặc hơn. Tôi tin chẳng một ai đoán được tuổi cô, khuôn mặt đó hiển lộ một thứ mà bạn không thể cắt nghĩa được, sự ngờ vực vừa hiện lên rồi tức thì nó chìm đắm rất nhanh và tâm bạn bị xao động bởi một điều gì thật huyễn hoặc. Chú chở con lên nhà ga. Cô nói, giọng nhẹ, trong. Và câu nói thiếu cái hệ trọng mà kẻ khác luôn xem là chính yếu: Bao nhiêu tiền? Nhà ga bao giờ cũng là sân khấu luôn phô diễn cảnh chia lìa, đoàn tụ. Cô đi mạng không, chẳng thể nhập vai kẻ bỏ xứ. Vậy thì cô đón người, chỉ có vậy thôi. Tôi câm lặng với một chút bồi hồi vây bọc. Xe chạy, gió trên cao lùa xới từng đám lá cây, xôn xao. Tiếng máy nổ và con đường thu ngắn dần. Chiều mát trời, những chân mây tím và hương mùi trên người cô gái luôn vấn vương sang tôi. Chú đợi cùng cháu ở sân ga có được không?
Tôi tắt máy xe, dựng chân chống lên để nghe lời cô tôi đi hỏi thăm tàu tới vào lúc mấy giờ. Bảy giờ, có thể trễ, khoảng bảy giờ mười lăm. Tôi lập lại nguyên câu trả lời kia với người con gái đứng bồn chồn bên xe. Chết, có gì trở ngại cho chú không? Tôi không hiểu. Cháu bao chú… Cô gái nói, thoáng đỏ mặt. À, như vậy nè, lát nữa chú sẽ chở cháu về, cứ cho là tám giờ tối đi, cháu sẽ trả cho chú nửa triệu. Được không chú? Chắc cô chưa bao giờ đi xe ôm? Sao chú biết? Nửa triệu, số tiền ấy không nhỏ đâu. Và dĩ nhiên là tôi đồng lòng. Cám ơn chú. Mình đứng đây có vẻ lộ liễu quá, vào quán nước ấy ngồi chờ đi chú.
Tôi dắt xe theo, nếu có một lời đề nghị thì câu tôi sẽ nói là cô nên đeo một cái khẩu trang. Đã có lắm cậu thanh niên nhìn cô với tất cả vẻ tọc mạch nằm trong những con mắt có đuôi. Kỳ lạ thay, cô như đọc được ý nghĩ của tôi. Chú có thừa cái mũ nào không? Sau rốt thì chúng tôi vào ngồi trong quán vừa mới bật sáng ngọn đèn néon tám tấc và chiếc nón tai bèo đã che bớt cái hào quang từ khuôn mặt cô luôn tỏa sự rạng ngời. Chiếc nón bèo nhèo, chẳng sạch sẽ gì, cô chẳng quan hoài và đối diện tôi là một kịch sĩ hóa trang rất vụng. Anh chị dùng gì? Cháu uống nước mía, còn chú? Cho tôi ly cà phê đen đá. Đợi người phục vụ quay lưng, cô rút từ lưng quần ra một phong bì. Cô lấy đi hai chục ngàn rồi đẩy cái bao thư màu vàng tới trước mặt tôi. Chú cất đi, trong ấy có thể hơn nửa triệu. Còn tiền này dùng để trả tiền nước, chú hút thuốc gì thì cứ gọi. Cà phê ở đây chua loét nhưng thực sự thì tôi không chỉ uống cà phê, tôi uống từng lời nói, uống không chừa cặn những chữ chú cháu thật ngọt ngào. Tôi mong bảy giờ chết tiệt kia sẽ nằm ụ trên đường rầy và tiếng hú còi tàu vẫn nghẹn cất dưới chân đèo Hải Vân, còn khuya mới tới. Trong quán có TV, đang phát chương trình ca nhạc, âm thanh kia thật đáng phàn nàn, không dưng chúng làm phá sóng những hoang tưởng của tôi. Chú có xem TV không? Tôi không thích coi, thêm nữa tôi thực sự không dư thời gian. Một tháng trước họ có trình chiếu bộ phim “Nàng Tiên Cá”, buồn cười, cháu đi chợ nghe người ta gán ghép đặt cho mỹ danh là nàng tiên cá. Tôi ngồi cứng đờ, như thể những viên đá trong ly cà phê đã làm tôi tê liệt hết các giác quan. Đơn giản chỉ vì cháu giống cô diễn viên ấy thôi. Nàng tiên, không dám đâu. Cá thì phải có vảy, có đuôi có vi, chú có sợ khi kề cận một người cá không? Mùi tanh của rong rêu nữa chứ! Tôi không biết, nhưng tôi thích ăn cá, canh chua nè, cá kho tộ nè, chá thu chiên nè. Nục, ngừ, hồng, mú, hanh, diếc, bạc má, bông lau… Tôi sẽ hỏi lại, ngồi gần kẻ thèm ăn cá cô có sợ không? Không trả lời, “nàng tiên cá” gầm mặt vào ly nước miá và cái ống hút từ môi cô đang làm cho mực nước xuống thấp gần cạn đáy. Tôi hiểu điều gì đang xảy ra, hồi còi tàu đang xẻ rách không gian, mang con tàu đi dần vào nhà ga. Nàng tiên cá đứng lên, tôi chẳng biết mình sẽ phải làm gì sắp tới. Khiên đồ đoàn của kẻ vừa đến? Thồ một kiện hàng cồng kềnh ngoài mức tưởng tượng?
Người, quang gánh, đồ đoàn, tiếng ơi ới, chân bước rậm rật túa ra chật sân, đánh dấu một dong duỗi đã kết thúc trong bình an. Những nụ cười hân hoan đón gặp. Chú thấy người đàn ông mặc áo xanh đang ôm eo cô gái áo trắng chuẩn bị lên xích lô không? Nàng tiên cá nói bên tai tôi. Chú chở cháu theo sau họ, dĩ nhiên là mình chạy thật chậm nhưng không để lạc lối. Trong túi quần tôi là chiếc phong bì chứa đựng nửa triệu, kề sát sau lưng tôi là một nàng tiên, như vậy thì không một ai ngu dại để khước từ mọi yêu cầu, và suy tính mà xem, yêu cầu ấy quá dễ chịu. Nỗi tò mò kích thích tôi, xúi tôi tham dự trò chơi chẳng có lề luật, cũng như không thể biết hồi nào thì nó thực sự buông màn. Đèn đường đã cháy đỏ hai hàng song song, cách khoảng bằng cái nhem nhuốc gần quánh đặc của màu đêm. Tôi tìm điểm dị dạng của chiếc xích lô để theo đuổi, rất thong dong. Chú thấy lạ không? Về chuyện gì? Giống như mình là kẻ tùy tùng đi sau nhằm bảo vệ họ. Cô gái nói, tay bấu chặt vào một hông áo tôi. Cũng lạ, lần đầu trong đời tôi chở khách đi với thứ tốc độ nhàn du như thế này. Thông lệ họ sẽ giục giã, chạy nhanh hơn, có được không? Vô tình, nàng tiên cá đã cho tôi cái cảm tưởng tôi không hề là đứa chạy xe ôm, tôi đã rũ bỏ mọi thứ phiền muộn để dọn lòng chở người tình đi hóng gió, đi giết thời gian.
Chiếc xích lô dừng lại ở một nhà nghỉ có bậc thềm hứng xanh đèn điện. Ánh sáng ăn ra tận lòng đường. Vũng màu ấy làm phát quang kẻ vừa rời xích lô. Chú có thích vào nhà nghỉ với cháu không? Để làm gì? Để ngủ qua đêm. Tôi đứng cúi đầu, mệt mề cùng bao dấu hỏi. Với áo xống lam lũ này nhất định sẽ gây cho nhân viên trong đó vô vàn ngờ vực. Mất nhiều thời gian không nếu chú về nhà tắm rửa và thay đổi áo quần? Thôi, nhiêu khê lắm, quên đi. Ừ, quên, chú đi đi. Cô gái xua đuổi, cô bước lên triền cỏ rồi dựa người vào một thân cây. Không về nhà? Tôi hỏi. Nàng tiên cá quyết liệt nói: Không.
Trước đây tôi chưa hề bước chân vào đồn công an. Giờ này nếu ai hỏi cảm tưởng thì tôi sẽ dễ dàng trình bày: Lòng dạ rối bời, hoang mang. Có thứ gì đấy làm đốt rất mau dưỡng khí, bạn chóng mệt mỏi. Miệng khô, nhịp tim đập không bình thường. Thời gian có vẻ đang đứng lại dù ánh sáng luôn thay đổi ngoài những chấn song. Người hỏi chuyện tôi còn trẻ, mặc đồng phục và thú thật khi nhìn lon lá găm ở cổ áo tôi chẳng tài nào biết hắn mang cấp bậc gì. Khoảng tám giờ tối hôm kia, anh ở đâu và đang làm chuyện chi? Tôi chạy xe thồ, giờ đó tôi chở một cô gái từ nhà ga về. Cô ấy tên gì, có biết không? Không. Ngang đâu thì anh bỏ cô ấy xuống? Ngang nhà nghỉ Dạ Hương. Tốt, anh nhận ra chiếc nón tai bèo này là của ai không? Của tôi, tôi cho cô ấy mượn. Chuyện gì đã xảy tới với cô ấy? Gã công an đốt thắp một điếu thuốc, hắn nhìn tôi qua cọng khói xanh, mắt nheo lại như gặp phải khói cay. Chia tay xong anh đi đâu? Tôi còn chở thêm hai người khách nữa thì về nhà. Anh vẫn đăng ký hộ khẩu ở phường Thuận Thành, không dời đổi. Vẫn ở chỗ ấy, đã tám năm nay. Được, tạm thời anh có thể về, có gì chúng tôi sẽ tìm gặp để làm việc thêm.
Trời chạng vạng khi tôi ra khỏi đồn. Tôi chạy xe ngơ ngáo như đứa chẳng thuộc địa hình. Tới chợ An Cựu tôi tấp vô quán cơm bụi đang mờ mịt khói thịt nướng gọi dĩa cơm sườn. Chỉ mất năm tiếng dành cho mục vấn đáp ở đồn bót, bụng dạ bạn sẽ đói cơm như tôi giờ này, đói như nhịn ăn đã hai hôm. Bàn bên cạnh có đám thanh niên đang nhậu, thỉnh thoảng nghe chúng hô: Vô, vô. Và luôn luôn chúng áp đặt chữ đù má trong mỗi câu nói, như thể thiếu chữ ấy buổi tợp bia phá mồi sẽ nhạt nhẽo vô cùng. Đù má, tao nói mọi chuyện đều có số phần cả, đúng không? Phận số thì luôn bày chuyện trái ngang, bọn bây có biết trên cõi ta bà này có một nàng tiên cá hiện hữu không? Mẹ kiếp, con nhỏ đó thật khờ dại, nó vào nhà nghỉ để rồi tự tử trước mặt người tình mang thói trăng hoa. Nó cực đẹp mà sao gã đàn ông kia lại ngoại tình đi ăn vụng, nghĩ không ra.
Ăn xong, dắt tăm cửa miệng tay cầm ly trà đá lò dò ba bước tôi đứng sát bàn bọn nhậu. Chuyện gì đại ca? Có đứa cà khịa. Tôi là người thân của nạn nhân xấu số, các bạn kể lại ngọn ngành sự việc cái chết của cô gái cho tôi nghe có được không? Bỏ đi đại ca, bọn này cũng nghe lời đồn thổi thôi ai đâu biết rõ nguồn cơn chân tướng, tui nghe công an nhập cuộc rồi đó, xem xét hiện trường họ nghi có kẻ dàn dựng ngụy tạo ra một vụ tự tử. Là sao ông thánh? Là có thể ai đó ra tay bức hại nàng tiên cá. Hổng phải tao nói à nghe, công an họ ngờ vậy. Rắc rối bỏ mẹ, vô cái này đi. Vô vô… Cả bọn chẳng thèm ngó ngàng tới tôi, sợ tôi giả bộ tạo cớ để lân la xin chút hơi men. Tôi bước lại trả tiền cơm, cô con gái bà chủ quán nói: Chú xạo phải không? Bà con kiểu gì kỳ khôi vậy? Sao cháu lại bảo thế, người ta quan tâm thật mà, cái chết ấy quả là mờ ám. Ai nói cô gái ấy chết? Nhân viên nhà nghỉ phát hiện sớm nên đã gọi xe cứu thương, hiện cô ấy nằm phòng hồi sinh bên bệnh viện trung ương.
Hỏi thăm và được chỉ bày, cuối cùng tôi tìm ra chỗ nàng tiên cá dại khờ nằm điều trị. Sau ba ngày, cô đã lai tỉnh, ánh mắt loáng chút sinh khí khi nhìn nhận ra tôi. Chú đó à? Giọng yếu, run, gãy gập; nhưng tai tôi phút đó thính như tai chó, rót vào rõ mồm một. Ừ, chú đây. Chú trông lạ, cứ bán tín bán nghi. Ừ, đi thăm người đau thì mình nên ăn vận ngó cho sạch sẽ thôi bụi bặm thường hằng. Một giọt nước mắt trườn ra khỏi hàng mi nhắm mở, một vệt ướt lăn đổ khỏi khóe. Bàn tay lạnh giá bò khỏi chăn đắp bấu chặt tay tôi. Phải mà đêm ấy chú vào nhà nghỉ với cháu thì… Năm ngón tay tôi bóp lấy sự mềm mại nuột nà. Chú xin lỗi, hãy đổ thừa mọi chuyện cho chú, và tốt nhất hãy cố quên đi. Một người mặc đồng phục của bệnh viện bước vào. Người nhà hả, có mang tiền theo đấy không? Tôi lôi cái phong bì màu vàng ra. Ông ta khởi sự đếm xấp giấy bạc. Nửa triệu, tôi viết biên nhận cho anh. Đúng một tuần, bệnh nhân sẽ xuất viện, anh đến đón và thanh toán phần còn thiếu, đúng không? Giờ thì nên ra về cho người nhà được tĩnh dưỡng. Nội quy, giờ giấc thăm nuôi ghi rõ ngoài cánh cửa. Tôi ra làm giấy tờ, cho anh nán ở năm phút nữa. Trên giấy nhập viện cháu mang tên Nguyệt, nhưng xin chú hãy gọi tên ở nhà, giờ đây cháu thích được gọi là Lọ Lem. Mai chú vào thăm không? Vào chứ, với cái lem luốc quen thuộc cho Lọ Lem dễ nhận. Cám ơn chú, cháu thiết tha được sống nếu có chú bên cạnh. Lọ Lem quay mặt đi như ánh đèn trên trần làm khó dễ đôi mắt. Tôi bước ra ngoài với đôi mắt cay.
Tôi đi quàng xiên tới chỗ gửi xe với chút cải lương hiện trong trí: Đôi khi dòng sống tình cờ đẩy mình tới những khúc quanh trắc trở khó lường. Đầu óc bạn hụt hẫng, rơi sai lạc như câu lục bát gieo lộn vần. Và bạn ơi, dẫu sao sự lầm đường nọ cũng có chút đáng yêu của nó. Chưa khi nào tôi ước được sống với mộng mị hoang đường như lúc này. Một nàng tiên đang phải lòng tôi. Ôi, thật quý hoá! Tôi chạy xe giữa phố đông chật, lòng thảnh thơi nhẹ nhàng như đang bơi trong biển rộng sông dài không rong rêu.