Wednesday, November 23, 2016

254. NGUYỄN THỊ HUẾ XƯA Truyện ngắn ĐỂ TƯỞNG NHỚ VIỆT





Tôi ngừng hẳn xe lại ngay giữa đường, con đường trong khu xóm gần nhà rất nhỏ nên mặc dù chạy rất chậm tôi cũng không thể nào tránh khỏi mấy cô cậu gà sao đang hiên ngang băng qua đường trong ánh nắng nhạt nhoà của buổi chiều cuối tháng mười một. Một đàn gà sao, con trắng, con màu ngà, con màu nâu, mỗi con đều lấm tấm những chấm như chấm đồi mồi trên mình với cái mỏ nho nhỏ, nhọn trắng và cái mào đỏ rất ngộ nghĩnh. Chiều nào cũng vậy, mỗi lần đi làm về ngang qua con đường này là tôi cũng phải ngừng xe và thích thú nhường con đường cho những chú gà đang thong thả rong chơi trong khu xóm đó.  Hôm nay cũng như mọi ngày, đám gà đã lần lượt băng qua phía bên kia đường, chỉ còn một chú nhỏ con hơn cả bọn là còn đứng ngơ ngẩn một mình còn lại. Tôi kiên nhẫn chờ đợi, cũng may là phía sau không có chiếc xe nào đang chờ. Một vài phút thấy chú gà tội nghiệp đó ngơ ngáo không biết phải làm sao, tôi đành phải tấp xe vào bờ lề, bước xuống kiếm một nhánh cây khô trên cỏ rồi từ từ hướng dẫn chú ta qua đường trong khi đám gà sao kia đã lao nhao bay lên những nhánh cây gần đó.  Bây giờ thì đến phiên tôi ngẩn ngơ vì tôi chưa từng nghĩ là loài gà có thể bay cao như thế.  Đang nhìn mê say đám gà thì bỗng dưng tôi giật mình với một giọng nói dường như thì thầm sau lưng tôi:

“Cute, Ain’t it? (dễ thương quá phải không?)”

Tôi xoay nguời lại rồi ngỡ ngàng khi nhìn thấy trước mặt tôi là một người đàn bà ốm nhom như một người bù nhìn. Bà ta chắc cao chừng 4’8 và nặng chừng 80 pounds. Hai cánh tay và hai ống chân khẳng khiu như những khúc củi khô đét lòng thòng qua cái áo T-shirt vàng vàng không biết vì dơ hay vì đó là màu vàng lợt, cái quần Capri dài lưng lửng màu đen sẫm với những bệt đất dơ trên ống quần. Có lẽ cái “mập mạp” nhất trên người bà ta phải nói là cái đầu đầy một vùi tóc rậm màu muối tiêu rối bời quấn quanh khuôn mặt choi choắt. Nét mặt của người đàn bà nhăn nheo, già nua đến độ tôi không tài nào có thể diễn tả được sự già nua nào hơn nữa. Trên khuôn mặt già nua, cằn cỗi đó tôi bắt gặp đôi mắt còn nâu biếc và một sự lạnh lùng xa vắng. Tôi mỉm cười:

“Dễ thương thật bà ạ! Cháu không ngờ là chúng nó biết bay.”
       
Bà ta cũng cười, nụ cười hóm hém vì không còn một cái răng nào cả:

“Chúng nó bay lên cây hai lần,sáng và chiều. Tôi thấy chúng nó mỗi ngày.”

Nói xong bà ta chỉ thẳng đến một cái ghế bằng nhựa màu xanh đậm đã gãy đi cái lưng dựa phía sau, cái ghế nằm khuất một bên hiên nhà bên cạnh những lùm cây. À, thì ra đây là người hay ngồi bên hiên nhà mà mỗi lần tôi lái xe đi ngang vẫn thấy nhưng không bao giờ chú ý tới. Tôi nhìn kỹ, căn nhà hai tầng lầu sơn màu xanh lá cây như màu cái ghế và cũng cũ kỹ, hư nát như cái ghế. Một bên hàng rào nhà đã xiêu vẹo và bên cạnh là những chậu hoa cúc vàng nằm ngang ngửa bừa bãi.  Tôi tò mò hỏi:

“Bà ở một mình à?”

Giọng bà lão tự dưng cáu kỉnh:

“Không đâu, thôi tôi về đây.”

Nói xong bà ta lửng thửng đi về nhà ngồi lại trên chiếc ghế đổ nát đó. Dường như có một cái gì rất đặc biệt về người đàn bà này nên ngày hôm sau, nhằm ngày cuối tuần, thay vì chạy bộ trong xóm, tôi cố tình chạy qua xóm bên cạnh mong gặp lại người đàn bà lạ lùng hôm qua.

Quả nhiên như tôi ước muốn, người đàn bà còm cõi đó đang ngồi co ro trên chiếc ghế xiêu vẹo. Bà ta đang mặc một cái áo len rộng thùng thình như cái mền, trên đầu đội một cái nón len màu đất sét. Có lẽ cái thân thể ốm yếu đó không chịu nổi cái lạnh dù chưa se sắt lắm của tháng mười một. 

Khi chạy ngang qua chỗ bà ta ngồi tôi cố ý chạy chậm lại và vẫy chào. Bà lão đưa tay ra dấu cho tôi ngừng lại và dịu dàng hỏi:

“Cháu chạy như vậy chắc mệt lắm?”

Nói xong bà chỉ cái ghế bên cạnh cũng xiêu vẹo, méo mó như cái ghế bà đang ngồi rồi mời tôi ngồi. Tôi từ chối và hỏi chuyện:

“Sáng nay mấy con gà sao ra chơi chưa hả bà?”

Bà lão nhìn qua bên kia đường và trả lời:

“Hôm nay lạnh chúng nó ra muộn. Ừ, mà cháu từ đâu đến?”

Tôi nói với bà ta tôi là người Việt Nam và bỗng dưng đôi mất nâu kia có một chút reo vui:

“Thuở trước chồng tôi cũng đi “Nam” và đưa Việt về.”

Tôi nghe bà lão nói thì nghĩ là bà ta hơi lẫn nên nói lung tung, nhưng bà ta nói tiếp:

“Tới Thanksgiving này là ngày giỗ thứ hai mươi của Việt.”

Tôi càng nghe càng tò mò nên cẩn thận ngồi xuống chiếc ghế ọp ẹp bên cạnh và hỏi liều:

“Việt là ai hả bà?”

Đôi mắt màu nâu sụ xuống buồn bã:

“Việt là con trai của chúng tôi đem từ “Nam” về.”

Tôi ngẫm nghĩ ra và la lên:

“Cháu hiểu rồi, bà đem Việt về từ Việt Nam?”

Bà lão mỉm cười và dường như đây là cơ hội cho bà thố lộ nỗi tâm tư đã ấp ủ tự bao năm qua nên bỗng dưng bà nói huyên thuyên, và đôi mắt trở nên linh động theo từng lời nói.

“Chồng tôi đem thằng bé Việt về vào dịp lễ Tạ Ơn và đó là món qùa quá qúi báu cho sinh nhật của Cyn.”

Tôi thắc mắc:

“Cyn?”

Bà lão hảnh diện chỉ vào ngực mình:

“Cyn là tên của tôi gọi tắt từ Cynthiana. Cháu có thể gọi tôi là Cyn.”

Theo lời Cyn kể thì chồng của bà lúc đó là đại uý và ở Việt Nam cho tới lúc gần thất thủ. Trước khi ông về lại Mỹ, ông có đánh điện cho bà hay là ông sẽ mang một đứa bé năm tuổi từ viện cô nhi về nuôi. Năm đó ngày sinh nhật của Cyn lại nhằm ngày lễ Tạ Ơn cho nên Cyn cho đó là món qùa sinh nhật có ý nghĩa nhất đối với bà.  Đôi mắt của Cyn như đang mỉm cười khi bà nói về đứa bé:

“Vừa thấy thằng bé là tôi đã thấy yêu thương nó ngay (I fell in love with him instantly). Tuy rằng nó không được lành lặn như những đứa bé khác nhưng đối với tôi, nó là đứa bé thật toàn vẹn.”
       
Cyn cho biết vì đứa bé mang từ Việt Nam về nên hai vợ chồng đặt tên nó là Việt để kỷ niệm và để nhắc nhở cho nó biết về nguồn gốc của nó sau này. Bé Việt bị bệnh bại não (cerebral palsy) từ lúc sanh ra nên nó bị hất hủi trong viện mồ côi, chồng của Cyn trong một chuyến viếng thăm thấy quá tội nên quyết định xin thằng bé về nuôi. Cyn tiếp tục kể:

“Tôi nghiệp thằng bé lắm cháu à, mặc dù cơ thể của nó không di động bình thường nhưng Việt rất thông minh, nó hiểu rõ đời hơn những đứa bé cùng trang lứa.”
       
Tôi biết Cyn muốn nói gì vì tôi đã từng làm việc với những em bé cũng như người lớn bị bệnh bại não này. Bệnh này ảnh hưởng đến những giây thần kinh trong đầu nên cơ thể của họ di động rất khó khăn vì họ không tự chủ được khi những bắp thịt co giãn không ăn khớp nhau. Phần nhiều những người bị bệnh này đều di chuyển bằng những chiếc xe lăn bằng điện, khả năng nói chuyện là cả một khó khăn, họ có thể dùng tấm bảng viết chỉ lên những chữ vần hoặc những hình vẽ sẵn để cho biết những thiết cần giản dị trong đời sống. Những người có phương tiện thì dùng tới những dụng cụ tối tân hơn để có thể “nói” như xử dụng electronic speech synthesizers. Tuy nhiên, tùy theo não bộ bị ảnh hưởng nhiều hay ít, speech therapist có thể luyện tập cho họ nói được những câu ngắn thông thường. Tôi hỏi Cyn:

“Việt lúc đó có nói chuyện được không bà?”
       
Cyn gật đầu:

“Thằng bé nói được chút xíu thôi nhưng lúc đầu tôi không hiểu vì Việt nói tiếng Việt Nam, lúc mới đến nó chỉ khóc thôi vì cái gì đối với nó cũng xa lạ hết, ngay cả chúng tôi là những khuôn mặt không thân quen với nó. Việt đến với gia đình tôi vào dịp lễ Tạ Ơn nên lúc nào tôi cũng nghĩ cuộc hành trình viễn lưu của Việt từ “Nam” qua đây chẳng khác chi cuộc hành trình của những người pilgrims tới từ một nơi chốn xa xôi và phải đương đầu với những thử thách, khó khăn trước mặt.”
       
Câu nói văn hoa của Cyn khiến tôi nghĩ tới đoàn người Pilgrims bỏ xứ Anh Quốc năm 1608, lưu lạc qua tới Hoà Lan vì niềm tin tôn giáo của họ. Chỉ một thời gian sau đó họ lại bị trở ngại ở Hoà Lan, đành trở về lại Anh Quốc với ý định tìm cách qua tới Mỹ Quốc.  Một đoàn gồm 102 người hành hương rời bỏ South Hampton trên hai chiếc thuyền Speedwell và Mayflower, rồi sau đó cơ thời sóng gió, chiếc Speedwell bị vỡ và tất cả gom trên chiếc tàu Mayflower rời Plymouth với hy vọng đến Virginia để lập địa. Nhưng sau 66 ngày lênh đênh trên biển cả với những thách thức khủng khiếp của tạo hoá, cuối cùng họ đến được Cape Cod, Massachusetts để khai thiên, lập địa.
       
Đúng như Cyn nói, thằng bé Việt đã rời một nơi chốn không thể nào đáp ứng được một chu toàn cho đời sống vì sự tàn tật của nó.  Ngoài hình hài khác thường và trí óc phát triển chậm chạp của nó, nó đã phải bỡ ngỡ với cuộc sống trong một xã hội hoàn toàn khác biệt. Nhưng với tôi, sự thử thách lớn lao và sự hy sinh vô bờ bến của Cyn để lo lắng cho một đứa bé tật nguyền mới đáng so sánh với cuộc hành trình đầy gian khổ của những người tha hương đó.
       
Tiếng cười của Cyn cắt đứt dòng tư tưởng của tôi:

“Cháu biết không thằng bé Việt ngộ lắm, mặc dù không nói được nhiều nhưng nó hay chỉ những hình vẽ trên tấm bảng để nói nó yêu tôi và chồng tôi. Chúng tôi thật là may mắn được đón nhận nó vào cuộc đời của chúng tôi.”
       
Càng nghe Cyn nói chuyện tôi càng cảm thấy mến chuộng bà và tự trách mình là đã “trông mặt mà bắt hình dong”, nhìn bề ngoài của Cyn và cứ nghĩ Cyn là một người đàn bà tầm thường và hơi bị mất trí nhưng thật sự thì hoàn toàn trái ngược.  Việc Cyn và gia đình đón nuôi Việt, một đứa bé tàn tật từ một dân tộc khác đã chứng tỏ tấm lòng bác ái bao la của Cyn.  Cyn còn cho biết là bà đã không đi làm, ở nhà chăm sóc cho Việt, đưa thằng bé đi học những chương trình đặc biệt dành cho trẻ em tàn tật, và thì giờ rảnh thì hai mẹ con thường ra trước đường ngắm những con gà sao qua lại mỗi chiều. Theo lời Cyn kể thì đoàn gà sao này ở đây khá lâu, chủ nhà là người ở đối diện phiá bên kia đường của nhà Cyn, căn nhà không có hàng rào nên mấy chú gà tha h ồđi rong chơi. Tôi nhìn theo tay chỉ của Cyn thì thấy trước cửa nhà có đề chữ “ Guineas Crossing” như nhắc nhở cho xe cộ phải đi chậm lại. Với một giọng rất vui Cyn tiếp tục kể:

“Từ lúc Việt lớn khôn, chúng tôi không dám ăn thịt gà tây vào dịp lễ Tạ Ơn vì Việt hay khóc, nói rằng ăn thịt gà tây chẳng khắc nào ăn thịt mấy con gà sao là bạn của Việt. Mỗi năm tôi đều dựng một cái bảng trước cổng nhà và mỗi lần nhìn tấm bảng này là thằng bé cười ngặt nghẽo.”

Tôi nhìn kỹ trước nhà của Cyn và qủa thật, chen lẫn trong những chậu cúc vàng trước cửa nhà, một tấm bảng rất cũ kỹ có hình một chú gà tây đang cười hóm hình đưa tay chỉ qua một mũi tên có dòng chữ “Eat Ham This Year” (Năm nay ăn thịt heo nhé). Tôi bật cười và đùa với Cyn:

“May mà bà không cho Việt nhìn mấy chú heo con, không thôi thì bà sẽ không được ăn thịt gì cả trong mùa lễ Tạ Ơn.”
Một lần nữa giọng Cyn tha thiết:

“Cháu biết mà, ngày xưa những pilgrims ăn mừng để tạ ơn trời đã cho họ được thắng lợi mùa màng. Tôi và chồng tôi thì tạ ơn trên đã cho chúng tôi có được một đứa con rất đặc biệt để yêu thương đó là bé Việt.”

Qủa thật như vậy, theo lịch sử, năm 1621, lần đầu tiên những người tha hương tổ chức buổi lễ để tạ ơn trên đã cho họ đạt được sự thịnh vượng trên vùng đất mới. Thức ăn của họ có bắp, thịt, rau cải và bí. Chính những người mọi (Indians) đã tiếp đãi họ lúc mới dừng chân trên đất lạ cũng được mời tới tham dự. Có phải chăng vì thế mà mỗi năm nhằm ngày lễ này tất cả mọi người trong gia đình đều tụ họp nhau để ăn mừng và cám ơn thượng đế đã cho họ một đời sống bình yên đầy đủ chăng?

Bây giờ thì những chú gà sao đã thức dậy, gà mẹ, gà con đang lần lượt đi qua đường. Cyn nhìn đám gà và giọng trầm buồn:

 “Tre già măng mọc, con gà này chết thì có đàn gà con khác thế, chỉ có tôi là còm cõi một mình.”
       
Tôi ngập ngừng lập lại câu hỏi từ hôm qua:

“Bà ở một mình à?”

Cyn thong thả lắc đầu:

“Tôi ở với hai người cháu nhưng năm nay chúng nó đi thăm con chúng nó ở tiểu bang khác rồi.”
       
Cyn không ngần ngại kể thêm là chồng bà mất cách đây hai mươi lăm năm để lại bà và Việt bơ vơ. Trong khoé mắt của Cyn dường như đang rưng rưng lệ:

“Tôi không thể nào quên đưọc hình ảnh Việt oằn oại trên chiếc xe lăn, hai cánh tay quơ quàng trước mặt, khóc nức nở và cố gắng thều thào được hai tiếng “daddy” khi Edward, ba của nó qua đời. Tuy trí óc nó khờ khạo nhưng nó cũng biết tình thương vô bờ bến mà ba nó dành cho nó. Edward là một người đàn ông tuyệt vời cháu ạ.”
       
Bây giờ thì tới phiên tôi rơm rớm nước mắt khi nghe Cyn kể chuyện. Qua cái hình hài đơn sơ mộc mạc đó, người đàn bà trước mặt tôi là người có trái tim rất bao la. Tôi biết thêm là chỉ năm năm sau thì Việt cũng bỏ Cyn ra đi vào một ngày lễ Tạ Ơn. Cyn đưa tay áo quệt  nước mắt:

“Ngày xưa sáng sớm vào ngày lễ Tạ Ơn, tôi và Việt hay mặc áo quần đẹp, trên xe lăn của Việt có cắm một ngọn cờ USA, tôi và thằng bé đi giữa hàng gà sao mà chúng tôi gọi là đi “parade” để mừng ngày lễ. Việt như một vì sao sáng, nó vô tư và hay cười nứt nẻ khi nhìn thấy những chú gà sao rượt nhau bay lên cây. Món ăn mà Việt thích nhất vào dịp lễ này vẫn là món pumpkin pie bất hủ của tôi làm. Mấy năm nay tôi yếu nên chỉ mua thôi, không làm. Tuy nhiên, mỗi năm để tưởng nhớ tới Việt tôi vẫn ra đây đi giữa đàn gà nhưng sao tôi thấy cô đơn quá. Cháu có thấy tấm bảng đặc biệt tôi làm cho Việt để trước cửa nhà không?”

       
Trên cánh cửa nhà đổ nát, một vòng hoa (wreath) được trang hoàng với những nhánh lá vàng khô mùa thu, những qủa acorns và những qủa bí nho nhỏ.  Ngay chính giữa vòng hoa đó có một mảnh vải thêu với dòng chữ đậm “In Memory of Viet”.
       
Cyn khoe:

“Tôi mới treo nó hôm qua thôi vì chỉ còn vài ngày nữa là đến ngày lễ Tạ Ơn rồi. Năm nay chắc không có bánh pie và tôi cũng sẽ không đi parade một mình, buồn lắm cháu à.”
       
Khi hỏi ra thì tôi mới biết vì hai người cháu vắng nhà cả hơn hai tuần rồi nên chi sẽ không có ai mua sắm gì giùm Cyn. Bây giờ thì tôi mới hiểu tại sao Cyn ăn mặc luộm thuộm, dơ bẩn vì có lẽ bà ta đang chán đời khi ở trong căn nhà trống vắng đơn côi một mình.
       
Tôi nói với Cyn:

“Bà ơi, ngày lễ Tạ Ơn, cháu sẽ đem pumpkin pie, thịt ham đến và sẽ mặc áo quần thật đẹp cùng bà đi parade với đàn gà sao để tưởng nhớ đến Việt nhé.”
       
Cyn cầm tay tôi rồi nói rất ngây ngô:

“Thật vậy hả cháu? Cám ơn cháu nhé, nhớ mặc đồ thật đẹp và đừng chạy bộ tới đây vì như thế cháu sẽ không còn sức đi parade đâu.”
       
Tôi nhủ thầm, không đâu, tôi xin cám ơn Cyn vì gần bốn chục năm qua, ngày lễ Tạ Ơn đối với tôi chỉ là một ngày nghỉ ngơi ăn uống và vui chơi với bạn bè và gia đình. Có lẽ, năm nay là năm đầu tiên tôi mới hiểu được cái ý nghĩa tạ ơn về tình người,về những lành lặn hữu toàn trong đời sống mà tôi đang có. For I wondered and wondered long, If somehow it could be, That I have given half so much, As Cyn has given to me.
       
Tôi đưa tay chào Cyn, dậm chân bắt đầu lấy trớn chạy về nhà và nhìn thấy Cyn đang gửi đến tôi nụ “hôn gió” trong tiếng cười dòn dã.

Nguyễn Thị Huế Xưa
November 2012