Thursday, December 1, 2016

256. Hồ Đình Nghiêm Truyện ngắn Sông Dài


CHIM HẠC


tặng Trường Giang


Ngày ấy, thuở còn bé, ba tôi hay dẫn đứa con trai duy nhất của ông đi đó đây. Tôi theo ông, thường mệt mỏi nhưng bù lại được ông cho ăn quà bằng thích. Ông có lắm bạn, tuổi tác không đồng đều nhưng trẻ hay già đều thống nhất gọi ba tôi bằng hai chữ: Ông Tướng.

Người ngoài cuộc có thể nghĩ quàng xiên rằng ba tôi ưa làm trạng, ưa già mồm cãi chày cãi cối, ưa đặt điều nói thánh nói tướng. Tuy là con nít nhưng tôi có thể bảo vệ được ba tôi, tôi sẽ đính chính ngay, đó là tạo ra được thứ danh xưng ấy bởi vì ba tôi là một cao thủ về cờ tướng, giản dị có thế. Ông ít nói, tay chống cằm, mặt đăm chiêu nhìn xuống thành quách nửa trật tự nửa ngổn ngang của bao tướng sĩ tượng xe pháo ngựa mãi xao xác cuộc binh đao trong câm lặng. Trong địa bàn quận ông chưa hề bị ai “chiếu tướng”. Những kẻ ngã ngựa vui vẻ rời bàn cờ, họ bắt tay ba tôi và suýt nữa họ tôn ba tôi lên làm kỳ vương. Ba tôi nói ra một câu kiểu cách mà mãi tới giờ này tôi còn nhớ: Bạn chớ nên giết tôi kiểu ấy, bởi núi này cao thì sẽ có núi khác cao hơn; đi xa mới biết sông dài và sóng thì luôn xô đẩy từ sau lưng. Khi ấy, mọi con mắt đều chú mục tới tôi, có người xoa đầu tôi: Mãi đứng sau lưng bố, vậy con ắt là truyền nhân của người. Mặt mày mi sáng láng sau này làm sóng xô ông tướng xuống để đi những nước cờ hiểm hóc khó lường.

Ba tôi cười tiếng to, giọng sảng khoái và sau đó hai cha con tự vui hưởng thành tích bằng một chầu kéo ghế trong quán ăn do tôi chọn lựa. Tôi học kém lắm, học bạ luôn gặp hàng chữ đỏ của thầy cô phê: Ngoan, hiền nhưng sức học chưa thấy tiến bộ. Cần trau dồi thêm. Sĩ số trong lớp có 50 trò, thứ hạng tôi đứng ở lằn vạch 45. Nhưng nếu được cho phép thưa gửi chuyện bên lề, tôi sẽ dong tay: Dạ thưa cô, em dám cá với cô là toàn bộ nhân lực trong ngôi trường trung học này, kể cả gia đình ông cai, không một ai có thể “chiếu tướng” em.

Trước khi ba tôi mất khoảng mươi ngày, ông có gọi tôi ngồi sát sao, châu đầu lại mà khoảng cách giữa hai cha con là vuông bàn vừa bày những con cờ xanh đỏ, dưới cây trứng cá ở góc vườn vắng lặng. Ông chọn bên đỏ với dụng ý để tôi, phía xanh sẽ đi nước cờ đầu. Biên giới dùng phân định giữa hai bên người ta gọi là dòng sông và thường thì người ta ưa viết chữ “Hạ thủ bất hoàn” trên mặt con nước trừu tượng ấy. Chúng tôi câm lặng đắm chìm vào cuộc tỉ thí, chỉ có tiếng chim sẻ vừa chuyền cành trên cây trứng cá rung động, chỉ có tiếng đào bới của một con gà mái ở cuối vườn chen cùng sự nhốn nháo đáng yêu của bầy gà con mãi làm vướng chân mẹ. Một ván cờ trôi trong tịch mịch, qua bao canh giờ của chân đi mặt trời đang về với hoàng hôn. Gà sắp rút vào chuồng, lá cây trứng cá đang ủ mặt. Ba tôi còn một tướng một sĩ một tượng một pháo một mã và hai con tốt. Quân tôi còn một xe một mã một tướng một sĩ hai tượng và tôi vừa mang xe về chốt bên phía tường lạnh sụt lở của ba tôi. Chỉ đi hai nước nữa thôi bên quân đỏ sẽ cởi giáp qui hàng. Ba tôi thấy được hậu vận, nhìn ra cái chung cuộc chẳng tài nào cứu vãn được. Ông đứng lên, nói với tôi trong cơn ho vụt tới: Con đừng xoá nó, hãy để yên vậy. Vào chuẩn bị ăn cơm.

Khi tôi vượt biển đến Hồng Kông, ra đi với mạng không, nhẹ hẫng với duy bộ áo quần tơi tả bám thân nhưng lòng nặng có thể đắm thuyền. Đầu tôi lưu giữ nguyện vẹn dáng hình ba tôi, một ông Tướng và lời than lúc cuối đời: Đời là một ván cờ mà những hành xử của ta nhất nhất phải tuân theo một định luật “hạ thủ bất hoàn”. Những sai phạm chất đầy sẽ biến thành kinh nghiệm và thường nó mang ta tới sự dằn vặt khó thứ tha. Tôi chạm mặt với đời sống mới mà lòng hoài nghi về một nước cờ sẽ đi. Tôi nói thầm với ba tôi, đời không hẳn là bàn cờ tướng, dẫu ba có là kỳ vương đi chăng nữa, đời sẽ dồn ba vào thứ mệnh hệ chẳng thể suy tính phải lên sĩ xuống tượng điều binh khiển tướng như ý muốn. Hoặc đời này bày ra một ván cờ thế, sắp sẵn những bước khó giải, trình tự đi vào một lối mà muốn thoát thân ta phải nương nhờ đến tay chân nhiều hơn là đầu óc, một thứ hữu dõng vô mưu. Trầy vi tróc vảy tựa một con cá quen vẫy vùng trong sông hồ nay bị ném vào vùng biển mặn.

Đời xô tôi vào bờ, cuộc cờ sắp tôi nằm gần giường một ông già, già hơn cả ba tôi lúc lâm chung. Trong trại tị nạn xô bồ hỗn tạp, ông xem tôi là bạn, một cậu bạn trẻ. Ông là người Hoa, đi bán chính thức đôi phen nhưng bị lường gạt, cuối cùng bòn vét những lượng vàng cuối mang hạ sách đi chui. Là người Hoa, sang tới đây nên có đất dụng võ, hiểu ở mặt ngôn ngữ. Ông nói tiếng Quảng Đông như gió cuốn mây trôi, đọc Hớn Cỏn nhật báo thông suốt như nước chảy bèo dạt. Và dĩ nhiên ông thuộc hàng cao thủ về cờ tướng. Ông kể ở Đà Nẵng, một ngày ông chỉ uống tám chung trà Đài Loan, đó là dậm xà còn “xực dín”, ngộ hút nửa bao thuốc lá mà không thấy đói khi đối diện một tay thuộc dạng kỳ vương. “Mụ xực phàn” không ăn cơm lòng vẫn thống khoái vì phải có cơ duyên mới gặp được một người đồng điệu, bên tám lạng kẻ nửa cân. Con ông đi làm bên ngoài trại vẫn mua về cho tía đôi ba tờ tạp chí dành bốn trang vẽ ra những ván cờ hãn hữu trong thiên hạ. Ông chiêm nghiệm nó, sách gối đầu giường và chính ông, ông xúi tôi nghĩ tới ba tôi. Giá mà được đánh đổi, được thế vai, có lẽ ba tôi đã leo lên hàng đẳng cấp cỡ Đông Phương Bất Bại khi có học thêm chân kinh.

Tôi đi làm suốt tuần, chỉ nghỉ ngày chủ nhật, lao động nặng ngoài công trường xây cất chẳng quản ngại nắng mưa, trả lương ngày là năm chục bạc tiền tươi (ở hãng sản xuất áo quần thì được 30). Ông láng giềng tên Long thì đọc báo suốt sáu ngày để ngày còn lại trong tuần dụ khị tôi tìm nơi tiếng động ít vãng lai mong dựng một cuộc cờ, sát phạt cho qua ngày tháng tạm cư. Tôi thưa, giả tiếng như trong phim bộ: Tại hạ võ học sơ sài, xin thất lễ và mong lão trượng chỉ giáo. Ông bảo: Ngộ chắp nị một con xe, nào ta vào cuộc. Bàn cờ vì sản xuất đúng ổ nên trông đẹp mặt, ăn con nào, giáng xuống phủ đầu nghe tiếng đáp trả lóc cóc rầm rộ thật sướng tay. Mất khoảng hai tiếng, lão trượng tên Long bực dọc xoá thành trì xiêu vẹo, miệng rít: Hủ a! Hủ a! Nị quả khéo đóng kịch, ai ngờ ngộ gặp ngoạ hổ tàng long. Chắp một pháo, cũng thua. Chắp con mã, cũng bị vây khổn. Thôi, binh pháp có dạy chớ nên khinh địch, biết người biết ta trăm trận trăm thắng. Lần sau có đọ sức thì chớ có bổn cũ soạn lại.

Một ngày chủ nhật nắng ươm vàng Cửu Long, biển bên hướng Cảng Thơm thổi sang từng luồng gió mát. Gia đình người hàng xóm sắp lên máy bay đi định cư, họ phấn khởi mời tôi đi bát phố ăn cao lương mĩ vị, chè chén no say cả bọn kéo rốc vào xem phim rùng rợn cấm trẻ em dưới 18 tuổi. Ông Long nói thứ ấy chẳng hạp nhãn, tao cùng vị tiên sinh này rảo phố tìm mua hàng lưu niệm. Ông lôi đứa bạn trẻ liền khi làm như tôi vẫn còn vị thành niên. Ông dừng chân bên quầy bán áo thun kịp lúc có người đàn bà rao rát cổ: Xập mánh xám kiện. Dzời, rẻ quá ta. Ông Long nói, ba chiếc áo ngó tử tế là thế mà chúng bán có mười đồng. Ông tặng tôi một chiếc màu vàng có in hình con rồng đang giỡn nguyệt. Rồi giải thích, nghe cảm động: Rồng là hỗn danh của ngộ mà hổng chừng mai này nị soán ngôi để ghẹo gió vờn trăng. Có tròng nó xuống khỏi đầu thì nhớ tới thằng già này từng chung đụng một thời ở chốn  tạm bợ neo thân.

Tôi sang Gia Nã Đại sau ông Long đúng một tuần, xứ này mênh mông cô quạnh và với tuổi già, có thể ông cùng gia đình tìm về nơi ít giá băng để định cư. Tôi cũng đồ rằng ông sẽ ở gần cộng đồng người Hoa bởi chẳng có gì hạnh phúc cho bằng khi giao tiếp ngoài xã hội mình luôn được nói tiếng mẹ đẻ. Lớn tuổi như ông Long thật cực lòng nếu phải uốn lưỡi ấp úng diễn đạt tiếng Pháp tiếng Anh. Và điều quan trọng khác, ở gần chợ Tàu thế nào ông cũng gặp một đối thủ về cờ tướng. Suy cho cùng chẳng có phương cách nào hiệu nghiệm nhằm giết thời gian bằng cách vùi đầu vào bàn cờ luôn khiến mình phải suy tính về sự tồn vong thắng bại.

Ba tôi nói đời là một ván cờ đôi co dài lâu. Và đời khác thế cờ ở chỗ, nó bày ra những dàn xếp ngoài dự liệu, chẳng lường trước. Thông hiểu được điều đó, tôi có thể ví von cuộc đời là một giòng sông mãi miết trôi, nó xuôi chèo mát mái với người này nhưng gập ghềnh trắc trở với kẻ khác. Người ung dung bơi kẻ xắn quần lội đẫm ướt hình hài mãi chẳng trông ra bến bờ. Sông cũng buồn vui nắng đục mưa trong và người quá giang cũng tuỳ duyên phận về chuyện nông sâu khó lường đang ẩn mặt. Giòng sông dành cho tôi không thấy rong rêu hoặc hà bá thuỷ vương, chẳng thấy sóng cao nước cuồn cuộn chảy nhưng vô phúc xẩy tới bất ngờ tôi bị vọp bẻ. Vậy đó, một ai khuất mặt đã chiếu tướng, dồn tôi vào thế bí dù binh mã vẫn nguyên vẹn với thành quách vừa dong cờ trắng. Sông tấp tôi vào nhà thương và cuộc lữ thương tật đã hào sảng sắp cho tôi nằm gần bên một nhánh rong phiêu bạt. Người đàn ông trung niên đã thoát hạn kỳ một con cá ương, anh ta dưỡng thương đã hơn tuần và thần sắc đã đậu lại bến cũ trên gương mặt linh hoạt để chuẩn bị dong buồm ra khơi. Thoạt trông thấy người nằm chung phòng tôi nghĩ ngay đến chân dung những vị thiền giả trong sách cổ. Gầy ốm nhưng đầy nội lực tiềm ẩn bên trong, anh biết cách chế ngự lấy những cơn đau hoặc ít ra tôi chưa bao giờ ngó thấy ở anh chút yếu lòng. Dù là người địa phương nhưng cách anh quan niệm về đời sống gần trùng với triết lý của phương đông, có lẽ vì vậy anh chủ động lân la trò chuyện khi bắt gặp một thằng Á châu nằm ôm cứng hoạn nạn trong lạc lõng.

Thấy tôi tập đi quanh giường anh hỏi toa đủ sức đi xuống cafeteria với moa không? Chúng tôi dùng thang máy và khi anh nhấn số tầng trệt tôi nhìn ra tay anh đang cầm một cuốn sách. Anh hỏi tôi, những khi rảnh rỗi toa thường làm việc gì. Những con số thay nhau giảm dần. Xem TV, đọc sách, vọc máy tính… Có năng khiếu về một lĩnh vực nào không? Tôi trả lời, chẳng dấu gì toa, moa chơi cờ tướng khá giỏi. Thế nào thì được gọi là giỏi? Cửa thang máy mở, hương thơm mùi cà phê lẫn trốn đâu đó, tôi nói khi khó nhọc bước ra: Moa có thể nhìn thấy trước bốn năm bước đi của đối phương, moa có thể gài sẵn một cái bẫy sập để chủ động bắt đối phương dẫm chân vào tử địa. Ô-kê, anh ta nói, để moa trả tiền cà phê. Tôi cười gượng: Được, cho moa loại thường thôi, size medium.

Cuốn sách mà anh ta nắm ở tay là cuốn chỉ bày cách xếp giấy, nghệ thuật Origami, xuất bản ở Tokyo, từ giản đơn tới phức tạp. Anh cho hay ngày nay đã có lắm bệnh viện dùng origami để xem như một phương cách vật lý trị liệu và áp dụng thành công ở những con bệnh mang chứng trầm cảm. Cũng chẳng ngạc nhiên khi mà trước đây người ta thử dùng nhạc cổ điển của Mozart và Beethoven để ru trẻ con vào giấc ngủ say. Chỉ còn năm trang cuối là moa xong cuốn “thiền đạo tu tập” này, hy vọng khi ấy moa sẽ xuất viện. Anh ta đẩy cuốn sách tới trước mặt tôi: Có biết chơi món này không? Tôi hơi bần thần khi nhớ lại thời nhỏ được mạ tôi bày cách xếp tàu thuỷ với hai ống khói, chiếc thuyền có mui, chiếc phi cơ có chắp thêm đuôi và con thiên nga có lỗ hỗng phía dưới để thổi hơi vào cho bụng phình lên. Tất cả đều dùng một vuông giấy. Mạ tôi chỉ biết có bấy nhiêu đó, tôi được bà chỉ bày có ba chiêu và dĩ nhiên hai mạ con chẳng thể nắm được cuốn bí kíp tuyệt học này. Đi xa mới biết sông dài, đúng quá! Ba tôi chưa thấy qua sách dạy đánh cờ tướng, mạ tôi chưa hề biết trên cõi đời này hiện hữu một cuốn chỉ bày tường tận cách xếp giấy ra thiên hình vạn trạng cỏ hoa cùng muôn thú. Tất thảy đều tự học, tự mày mò để đến đời con, vẫn lệ thuộc vào năng khiếu mà hắn có. Nếu ba mạ tôi làm thầy cô lúc đó hẳn sẽ phê vào học bạ: Con có tiến bộ, tuy nhiên cần phải trau dồi thêm ngõ hầu leo lên thứ hạng nhất nhì lớp. Chẳng nhẽ món gì con cũng phải chịu đội sổ sao!

Anh bạn chung phòng xuất viện buổi trưa, y tá bác sĩ có làm bài trắc nghiệm và anh ta đạt yêu cầu, kể cả bắt anh ta đi bộ xuống hai tầng lầu rồi vòng ngược trở lên. Họ thăm dò sắc mặt, đo nhịp tim, đo huyết áp, cuối cùng phán: Mày là nhà vô địch! Cả ba bốn người cùng cất cao giọng cười sau câu nói đùa họ cho là thậm duyên dáng. Anh ta thay đổi áo quần, đeo lên vai cái túi vải chẳng mấy lớn y như sắp vượt biên. Anh đến bên giường tôi, ôm siết thân tôi một khoảng khắc. Chúc may mắn, anh nói. Hồi sáng moa có đổi tiền xu và photocopy cho toa cuốn origami, hãy đón nhận nó, nó là người bạn chân tình sẽ giúp toa đi qua bao chướng ngại trong thời gian úa người này. Moa rất tin về điều này, khi một kẻ chơi cờ như toa nhìn ra được những bước đi sắp tới thì kẻ đó cầm một vuông giấy trên mười ngón hắn sẽ lường trước những nếp gấp để sáng tạo ra một hình thể. Ô-rờ-voa. Gặp nhau đây rồi chia tay… Bọn sói con hướng đạo vẫn hồn nhiên ê a hát thế.

Tôi đứng bên thành cửa sổ nhón trông xuống sân ngập tuyết trắng để cố nhìn ra nhân dáng anh ta đổ người ra dòng sông lãnh đạm. Tôi nhớ lại dáng gầy của ông Long ngày còn ở Hong Kong, chiếc áo thun ông tặng và giờ này là xấp giấy đang thấm mềm mồ hôi tay tôi ứa ra. Tôi vẫn tin là bất kể dòng sông nào hẳn nó phải có riêng những bến đỗ. Dù tình cờ, tôi có được hai nơi tạm giúp mình tránh bớt những gió mưa làm ấm lòng.

Tôi xin người y tá một tờ giấy. Từ khổ hình chữ nhật tôi xé cho vuông vức để bắt đầu bài học tiên khởi: Một con hạc trắng. Mạ ơi, con ở phương này lạc bầy và nhớ bóng mạ ngày xưa tới chảy nước mắt. Con chim sắp thành tựu trong đôi tay run, khác dáng chim mạ bày. Ngoài kia sông dài vẫn thầm lặng trôi qua.

Hồ Đình Nghiêm
đầu tháng 12, 2016