PHẠM CAO HOÀNG
Quê người, một phận người
Trương Quang Mỹ - anh cả của Cúc Hoa
Anh
Trương Quang Mỹ sinh năm 1952 tại Đà Lạt, là anh cả trong một gia đình có 8 anh
chị em. Năm anh hai mươi tuổi, chiến tranh diễn ra ác liệt tại miền nam. Anh và
hàng ngàn thanh niên khác lên đường nhập ngũ để chiến đấu bảo vệ miền nam tự do.
Anh gia nhập binh chủng hải quân, đóng quân tại Sông Cầu thuộc tỉnh Phú Yên.
Ngày Sài Gòn thất thủ 30.4.1975, đơn vị của anh di tản khỏi Việt Nam và chỉ một
thời gian ngắn sau đó anh sang định cư tại Mỹ. Anh thuộc trong số những người
Việt Nam đầu tiên đến Mỹ sau khi chiến tranh kết thúc. Lúc ấy anh mới ngoài hai
mươi tuổi. Anh được một phụ nữ người Mỹ
tốt bụng nhận đỡ đầu và đưa anh về sống ở thành phố Bellingham, thuộc tiểu bang
Washington. Người phụ nữ đó - anh gọi là Bà Mom - nay cũng đã qua đời nhưng anh
vẫn được Charlene - con gái của Bà Mom - tiếp tục giúp đỡ cho đến ngày anh từ giã cõi
đời hôm 19 tháng 1 năm 2017. Có thể nói
gia đình Bà Mom là gia đình thứ hai của anh.
Bà Charlene - Ảnh PCH - Bellingham (WA), 23.1.2017
Trở
lại những ngày đầu ở Mỹ, một mình một thân nơi xứ lạ quê người, anh bôn
ba qua
nhiều tiểu bang, làm bất cứ việc để kiếm sống, để có tiền gửi về giúp bố
mẹ và
các em ở Việt Nam. Có thời gian anh làm trong nông trại nuôi gà, công
việc hàng
ngày là đi lượm trứng gà và lương được trả theo số giờ làm trong ngày.
Thời
gian khổ cực nhất của anh là thời anh làm nghề đánh bắt cá ở Alaska, nơi
đó mỗi
năm anh cùng đoàn tàu đánh cá lênh đênh ngoài biển khơi nhiều tháng để
mưu sinh trong cái lạnh cắt da cắt thịt nhiều khi dưới không
độ C. Sau gần 10 năm ở Alaska, anh trở về Bellingham làm việc trong các
xưởng
cưa cho đến ngày anh qua đời. Tính ra từ ngày anh rời ghế nhà trường cho
đến
ngày anh trở về với cát bụi, anh làm việc không ngừng; chỉ đến khi anh
trút hơi
thở cuối cùng thì đôi tay anh mới dừng lại, đôi chân anh mới khuỵu
xuống. Làm
việc nhiều như vậy nhưng suốt đời anh chẳng có gì cho riêng mình. Sự hy
sinh của
anh dành cho cha mẹ và các em là vô bờ bến. Anh có mặt trên cõi đời này
là để
lo cho cha mẹ và các em. Công lao lớn nhất của anh là đã bảo lãnh cha
mẹ, các
em, các cháu đưa sang Mỹ định cư tổng cộng gần 20 người. Đây quả là một
điều kỳ
diệu không phải ai cũng làm được. Anh thật thà, chơn chất, sống một
cuộc
đời đạm bạc, vô tư, không phiền hà ai. Anh yêu Đà Lạt và tiếng hát
Christophe. Thời trẻ anh là một thanh niên đẹp trai,
mê hội họa và âm nhạc và chọn cuộc sống độc
thân Đời
người ai cũng trải qua sinh, lão, bệnh, tử nhưng anh thì chỉ có sinh và tử,
không qua giai đoạn lão và bệnh. Một đồng nghiệp kể lại, “Anh đang đứng trước
chiếc máy cưa, một người nào đó gọi anh, anh quay lại rồi bỗng nhiên gục xuống.
Chúng tôi gọi 911 đưa anh vào bệnh viện nhưng hơi thở không còn. Hình như anh bị
nhồi máu cơ tim. Anh ra đi bất ngờ nhưng vô cùng nhẹ nhàng. Có mấy ai được ra
đi một cách nhẹ nhàng như anh! “
Mọi
người ngỡ ngàng trước sự ra đi đột ngột của anh. Không ai nghĩ là anh ra đi sớm
như vậy. Anh Trương Quang Mỹ ơi, giá như chúng tôi có một phép mầu, chúng tôi sẽ
làm cho anh sống lại. Nhưng chúng tôi chẳng làm được gì, chỉ biết cầu nguyện cho
linh hồn anh sớm yên nghỉ nơi cõi vĩnh hằng.
Cũng
đành thôi. Quê người, một phận người.
Anh
đã sống một cuộc đời rất đẹp. Anh là một trong những nhân vật tuyệt vời trong câu chuyện
về những người Việt tha phương lưu lạc nơi xứ người sau ngày chiến tranh kết thúc.
Vĩnh biệt anh.
Nhớ và thương anh!
Nhớ và thương anh!
Phạm Cao Hoàng
Seattle,
21.1.2017