Sunday, April 16, 2017

277. VĂN HỌC MIỀN NAM 1954-1975: BÙI GIÁNG - Sưu tầm và giới thiệu: HUỲNH ÁI TÔNG


VĂN HỌC MIỀN NAM 1954-1975

Sưu tầm và giới thiệu:
HUỲNH ÁI TÔNG
____________________________________________

BÙI GIÁNG

(1926-1998)



Chân dung bùi Giáng - dinhcuong




Bùi Giáng sinh ngày 17.12.1926 tại làng Thanh Châu thuộc xã Vĩnh Trinh, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam.

Thân phụ của ông là ông Bùi Thuyên, thuộc đời thứ 16 của dòng họ Bùi ở Quảng Nam. Do người vợ cả qua đời sớm nên ông lấy người vợ kế là bà Huỳnh Thị Kiền. Bùi Giáng là con thứ hai của ông Bùi Thuyên với bà Huỳnh Thị Kiền nhưng là con thứ 5 nếu tính tất cả các anh em. Do vậy bạn bè thuở nhỏ, gọi ông là Sáu Giáng.

Sau khi học xong bậc tiểu học ở Trường Bảo An tại huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, Bùi Giáng được gia đình cho ra Huế tiếp tục học ở Trường Trung học Thuận Hóa, đang học thì thế chiến thứ hai nổ ra, rồi cuộc Cách mạng mùa Thu năm 1945. Nhưng sau đó ông cũng kịp đậu bằng Thành Chung.

Năm 1944, Bùi Giáng cưới vợ là bà Phạm Thị Ninh nổi tiếng xinh đẹp, nhưng chỉ vài năm sau, bà bị bệnh, sinh non và cả 2 mẹ con cùng chết. Nhiều người cho rằng đây là một trong những lý do khiến Bùi Giáng bị điên từ lúc trẻ.

Rồi Bùi Giáng theo kháng chiến. Năm 1950, khi có kỳ thi tú tài đặc biệt do Liên khu V tổ chức, Bùi Giáng dự thi và đậu Tú tài 2 văn chương. Sao đó ông về đi chăn dê 15 năm ở Trung Phước.

Rồi Bùi Giáng chuyên tâm vào việc nghiên cứu, viết sách và sáng tác thơ văn, ông đã về quê bán tất cả ruộng vườn được thừa kế để lấy tiền in sách. Từ năm 1957, ông lần lượt cho ra đời một loạt sách giới thiệu về văn học Việt Nam như Truyện Kiều, Lục Vân Tiên, Chinh phụ ngâm...Ông nổi tiếng sáng tác nhanh: tập thơ Mười hai con mắt được ông sáng tác chỉ trong một đêm Noel năm 1992.

Từ năm 1962, Bùi Giáng liên tục cho ra đời nhiều đầu sách. Mỗi năm đều đều vài ba cuốn. Ông là một tác giả có tác phẩm in ra đứng vào hàng kỷ lục ở miền Nam Việt Nam trước 1975.

Năm 1969, do hỏa hoạn, tất cả sách vở cùng với nhà cửa của ông bị thiêu trụi. Ông bị sốc nặng, từ đó trở đi ông là bệnh nhân quen thuộc của bệnh viện Biên Hòa.

Sau 1975 ông vẫn tiếp tục sáng tác rất nhiều thơ, nhưng thời gian này ông bị bệnh tâm thần nặng. Ông thường rong chơi nghịch ngợm ngoài đường với bộ đồ rách rưới, dơ dáy.

Bùi Giáng chỉ có một vợ là bà Phạm Thị Ninh. Bà qua đời sớm, để lại cho ông nhiều đau khổ. Đó là lý do để trong thơ của ông sau này thường xuyên nhắc đến sự mất mát, sự chia ly, một hình bóng cũ.

Ngoài người vợ đầu, Bùi Giáng cũng có những đối tượng khác để yêu, để làm thơ. Ngoài mối tình đơn phương nổi tiếng dành cho nghệ sĩ Kim Cương, còn phải kể đến những mối tình đơn phương vượt không gian với những mỹ nhân Tây Phương như Marilyn Monroe, Brigitte Bardot. Ngoài ra trong thơ ông còn có hình bóng của ca sĩ Hà Thanh, Thái Thanh, ni cô Trí Hải  (dịch giả Phùng Khánh, ông gọi là Mẫu thân Phùng Khánh), hay cả những nhân vật tiểu thuyết Marguerite, A Châu, A Tử.

Riêng mối tình đơn phương đối với Kim Cương được cho là sâu đậm nhất, và đã để lại khá nhiều giai thoại.

Tháng 10 năm 1998, trong một lần đi chơi ông bị té và bị chấn thương sọ não. Bệnh viện Chợ Rẫy quyết định mổ cho ông, song ông đã qua đời vào ngày 7.10.1998.


Tác phẩm:

Thơ

    - Mưa nguồn (1962)
    - Lá hoa cồn (1963)
    - Màu hoa trên ngàn (1963)
    - Mười hai con mắt (1964)
    - Ngàn thu rớt hột (1967)
    - Rong rêu (1972)
    - Thơ vô tận vui (1987)
    - Mùa màng tháng tư (1987)
    - Mùi hương xuân sắc (1987)
    - Đêm ngắm trăng (1997)

Dịch thuật

    - Trăng châu thổ
    - Hoàng Tử Bé
    - Khung cửa hẹp
    - Hòa âm điền dã
    - Ngộ nhận
    - Cõi người ta
    - Nhà sư vướng luỵ

Nghiên cứu

    - Tư tưởng hiện đại (1962)
    - Martin Heidgger và tư tưởng hiện đại (1963)
    - Đi vào cõi thơ
    - Thi ca tư tưởng
    - Một vài nhận xét về bà Huyện Thanh Quan
    - Một vài nhận xét về Lục Vân Tiên, Chinh Phụ Ngâm, Quan Âm Thị Kính
    - Vài nhận xét về truyện Kiều và truyện Phan Trần
    - Sa mạc phát tiết (1965)
    - Sa mạc trường ca (1965)
    - Bài ca quần đảo (1969)
    - Mùa thu trong thi ca
    - Ngày tháng ngao du


Trích thơ:


Nỗi lòng Tô Vũ

(Kỷ niệm một đoạn đời 15 năm chăn dê ở núi đồi Trung Việt Nam Ngãi Bình Phú)

Đồi tăm tắp chạy về ôm chân núi
San sát đồi phủ phục quấn núi xanh
Chiều xuống rồi tơ lòng rộn ràng rối
Trời núi đồi ngây ngất nhảy dê nhanh

Thôi từ nay tha hồ em mặc sức
Nhảy múa tung sườn núi vút giòng khe
Thôi từ nay tha hồ em mặc sức
Vang vang lên đồi núi giọng be be

Những bận nào Trà Linh qua Đá Dừng Hòn Dựng
Dùi Chiêng về Phường Rạnh ngược Khe Rinh
Bao lần anh cùng chúng em lận đận
Bôn ba qua rú rậm luống rùng mình

Những bận nào Quế Sơn Rù Rì con suối ngược
Nước trôi nguồn nước lũ xuống phăng phăng
Những bận nào mịt mùng mưa gió ướt
Đẫm thân mình co rúm lạnh như băng

Em nhớ hay không? hồn hoa dại cỏ
Những ngậm ngùi đầu núi canh khuya
Vàng cao gót nai đầu truông hãi sợ
Gió cây rung trút lá mộng tan lìa

Nhưng từ nay Giáp Nam anh đóng trại
Cố định rồi - em khỏi ngại ngày đêm
Dưới nắng mưa tha phương du mục mãi
Cay đắng từng, bùi ngọt mặn mà thêm

Chiều hôm nay bên chó vàng chễm chện
Anh lặng nghe em bé hé bên sườn đồi
Khoanh mấy vòng tay anh thoăn thoắt bện
Vòng cho em từng chiếc sắp xong rồi

Chiều đã xuống em đà no nê chắc
Huýt tù và! em xúm xít lại anh đeo cho
Mỗi chúng em mỗi vòng mây mỗi sắc
Lại mau đây! to nhỏ cổ anh so

Này em Đen chiếc vòng vàng tươi lắm
Này em Vàng chiếc trắng há mờ đâu
Này em Trắng chiếc hồng càng lóng lánh
Này em Hoa Cà * hỡi! chiếc nâu

Ngẩng đầu lên! dê ơi anh thong thả
Đeo vòng vào em nghển cổ cong xinh
Ngẩng đầu lên! đây lòng anh vàng đá
Gửi gắm vào vòng mây nhuộm tơ duyên

Ngẩng đầu lên nhìn anh mờ mắt lệ
Từ lần đầu vòng ngọc tuổi hai mươi
Trao người em trăm năm lời ước thệ
Đây lần đầu cảm động nhất mà thôi **

Vòng em xong, vòng anh dành riêng chiếc
Dành riêng mình - dê hỡi hiểu vì sao
Vì lòng anh luống âm thầm tha thiết
Gán đời mình trọn kiếp với Dê Sao

Nhìn anh đây các em Vàng Đen Trắng
Tía Hoa Cà lổ đổ thấu lòng chưả
Từ từ đưa chiếc vòng lên thủng thẳng
Anh từ từ đưa xuống cổ đong đưa

Và giờ đây một lời thề đã thốt
Nghìn thu sau đồi núi chứng cho ta
Cao lời ca bê hê em cùng thốt
Hòa cùng lời anh nghẹn nỗi thiết tha

Và giờ đây hoàng hôn mờ chĩu nặng
Bốn bề tràn lan bóng mịt mùng sa
Xếp hàng ngay nhanh lên hàng ngũ thẳng
Rập ràng về bế hế rập ràng ca


Mây chiều nay

Chiều nay gặp lại chiều nào
Chiều vàng óng ả chiêm bao lan tràn
Chiều lộng lẫy mộng thênh thang
Màu vàng gợi nhớ huy hoàng nắng mai
Nắng vàng ôi! Nắng lung lay
Vàng thay nắng sớm! Vàng thay nắng tà!
Suối vàng ắt sẽ nhận ra
Màu vàng vô tận của ta nhìn mình
Những chiều say rượu lặng thinh
Nhìn mây vàng nhớ bóng hình những ai
Buông xuôi nửa tiếng thở dài
Những ai hình nhạt những ai bóng nhòa
Những người mộng tưởng thiết tha
Những người mất hút mây xa cuối trời
Chiều nay chẳng biết ai mời
Ly đầy rượu đỏ yêu đời hơn đau
Điên chơi cho bớt điên đầu
Điên đầu cho bớt điên rầu rĩ chơi



Thưa cô nương

Tại hạ ra biển
Phen này lần ấy
Để nhìn cô nương tắm
Lúc bấy giờ bỗng dưng
Tâm hồn tại hạ biến ra
Làm nước biển
Vậy xin cô nương dừng ngay cuộc tắm
Kẻo mà đau đớn tâm hồn tại hạ vô cùng.

(theo Mùa thu trong thi ca, An Tiêm xuất bản, Sài Gòn, 1970)


Kỷ niệm Biên Hòa bệnh viện

Nhe răng gấu mộng cập kỳ
Beo phiêu hốt gọi nhu mỳ hùm thiêng
Rằng nay ngôn ngữ vô duyên
Mở ra vô cố lời điên cập kè
Một thằng chập chững ngóng nghe
Vành tai nhị bội ai dè thế ru
Cô nương kiều diễm tạc thù
Tồn sinh lẽo đẽo sa mù đi quanh.


Ai đi tu

Trời sầu đất muộn thế ru
Ban đầu em đã đi tu vội vàng 
Chân trời oán hận tràn lan 
Lỗi từ phương trượng u hàn niềm hoa 
Bây giờ ngó lại người ta 
Gẫm rằng thiên hạ ai là đi tu.


Ăn mặc nâu sồng

Thấy nàng ăn mặc nâu sồng 
Bỗng mơ tưởng tới ruộng đồng hoang liêu 
Lầu xanh dứt nhịp phù kiều 
Tà xiêm bạo động tư triều dậy cơn 
Nâu sồng ăn mặc sớm hôm 
Ðêm nằm ngó nguyệt sáng dòm song the.


Anh em

Anh thương em như thương một bà trời 
Em thương anh như thương hại một ông trời bơ vơ 
Kể ra từ bấy tới giờ 
Tình yêu phảng phất như tờ giấy rung


Anh lùa bò vào đồi sim trái chín

Anh lùa bò vào đồi sim trái chín 
Cho bò ăn cỏ giữa rừng sim 
Anh nhìn lên trời xanh đỏ chín 
Anh ngó bốn bề cây lá gió rung rinh

Anh nằm xuống để nhìn lên cho thỏa 
Anh thấy lòng mở rộng đón trời xanh 
Chim ngây ngất vào trong đôi mắt lả 
Anh lim dim cho chết lịm hồn mình

Anh quên mất bò đương gặm cỏ 
Anh chỉ nghe tiếng cọ rì rào 
Có hay không? bò đương gặm đó? 
Hay là đây tiếng gió thì thào? 

Hay là đây tiếng suối lao xao 
Giữa dòng cỏ xuôi ghềnh chảy xuống?
Mùi thoang thoảng lách lau sương đượm 
Mùi gây gây gấy gấy của hương rừng 

Mùi lên men phủ ngập mông lung 
Không biết nữa mà cần chi biết nữa
Cây lá bốn bên song song từng lứa 
Sánh đôi nhau như ứa lệ ngàn ngàn 

Hạnh phúc trời với đất mang mang 
Với bò giữa rừng hoang đương gặm cỏ 
Với người ngó ngất ngây đương nằm đó 
Không biết trời đất có ngó mình không 

(Vĩnh Trinh - Thạch Bàn 1950)


Áo xanh

Lên mù sương, xuống mù sương 
Bước xa bờ cỏ xa đường thương yêu 
Tuổi thơ em có buồn nhiều 
Thì xin cứ để bóng chiều đi qua 
Biển dâu sực tỉnh giang hà 
Còn sơ nguyên mộng sau tà áo xanh


Bao giờ

Bằng bút chì đen 
Tôi chép bài thơ 
Trên tường vôi trắng
Bằng bút chì trắng 
Tôi chép bài thơ 
Trên lá lục hồng
Bằng cục than hồng 
Tôi đốt bài thơ 
Từng phút từng giờ
Tôi cười tôi khóc bâng quơ 
Người nghe người khóc có ngờ chi không


Bé con ơi

Rong rêu ngày tháng rong chơi 
Tìm xuân tinh thể chốn nơi nào là 
Sưu tầm túy vũ cuồng ca 
Hồn nhiên như thể như là hài nhi? 
Chiêm bao tóc thuận tơ tùy 
Tồn sinh nặng nhọc nhu mỳ ở đâu 
Ngữ ngôn khép kín mặc dầu 
Hùng tâm tim máu óc đầu mở ra 
Dịu dàng cuối lá đầu hoa 
Mười về châu lệ chín sa dòng dòng 
Miêu Cương mạc ngoại hoài mong 
Hồng hoang chín bệ tấm lòng đầu thai 
Mùa xuân hiện giữa ngàn mai 
Nguyên hình Nữ Chúa trên ngày phù du


Bờ lúa

Em chết trên bờ lúa 
Để lại trên đường mòn 
Một dấu chân bước của 
Một bàn chân bé con 

Anh qua miền cao nguyên 
Nhìn mây trời bữa nọ 
Đêm cuồng mưa khóc điên 
Trăng cuồng mưa trốn gió 

Mười năm sau xuống ruộng 
Đếm lại lúa bờ liền 
Máu trong mình mòn ruỗng 
Xương trong mình rã riêng 

Anh đi về đô hội 
Ngó phố thị mơ màng 
Anh vùi thân trong tội lỗi 
Chợt đêm nào gió bờ nọ bay sang


Bờ trần gian

Đường cong có cỏ mọc ven bờ 
Đứng trong vườn lá chuối tơ 
Chó sủa sớm chiều đi qua ngõ 
Gà con mất mẹ chạy bâng quơ

Cá ở ngoài khe có ít nhiều 
Cồn lau cỏ lách có hoang liêu 
Em về có hỏi răng ri rứa 
Nhắm mắt đưa chân có bận liều


Cây cỏ dậy thì

Em đi cây cỏ dậy thì 
Ngày xuân vô lượng cùng đi lên đường 
Trùng lại giây phút phố phường 
Niềm vui quá khứ phi thường hồi sinh


Chào em

Chào em? có lẽ chẳng nên 
Nói gì nữa cả? giữa đêm tối mò! 
Chào em tính mệnh so đo? 
Chào em tính thể tò mò tuyết vân?
Ấy xa xuôi?ấy gũi gần? 
Từ từ tự hỏi, tần ngần em sẽ thấy ra 
Đi về trong cõi người ta 
Người là người lạ ta là quá quen?
Anh từ thể dục dưỡng điên 
Thành thân thơ mộng thiên nhiên một giờ


Chiều

Em ngó buổi chiều buồn có phải 
Buồn cũng như buồn những buổi chiều xưa 
Tròng con mắt đã mỏi mòn có phải 
Sắc của trời hương của đất lưa thưa 

Những nhịp bước bên đường còn dội mãi 
Vang về đâu không vọng lại hồi âm 
Của réo rắt riêng một lần mãi mãi 
Gió phương trời ù mộng giữa hoa tâm 

Em hỏi mãi tuy biết lời đáp lại 
Chẳng bao giờ thoả đáng giữa đời câm 
Em ngó mãi những chiều về trở lại 
Mang những gì về trong cõi trăm năm

Mai Thảo viết về Bùi Giáng:

Bùi Giáng đã đem lại cho cuộc đời biết bao nhiêu châu ngọc.Bằng tài thơ trác tuyệt.Bằng cõi ngôn ngữ ảo diệu, không tiền khoáng hậu.Có ông, thi ca mới đích thực có biển có trời.Từ ấy, thi ca mới không cùng không tận.Ðọc lại Mưa Nguồn, đọc lại Ngàn Thu Rớt Hột, Bài Ca Quần Ðảo, tôi còn muốn bật cười với thơ Bùi Giáng.Vui thôi mà.Ðúng vậy, vui thôi, có khác gì đâu. Mất Bùi Giáng , thơ ta lại trở về với cái hữu hạn đời đời của thơ. Nhiều người bảo ông chỉ là một thằng điên. Tôi chỉ muốn nghĩ thầm cho tôi là nếu có thêm được ít người điên như Bùi Giáng, thơ ca ta văn học ta còn được lạ lùng được kỳ ảo biết bao nhiêu.

Tài liệu tham khảo:

- vi.wikipedia.org
- thica.net

 Huỳnh Ái Tông
sưu tầm và giới thiệu