Friday, April 28, 2017

282. ĐỨA CON Truyện ngắn Guy de Maupassant - Thân Trọng Sơn dịch và giới thiệu


     


Tên thật là Henri René Albert Guy de Maupassant, sinh ra trong một gia đình quý tộc bị phá sản. Vì cha mẹ bất hoà, ngay từ nhỏ Maupassant theo mẹ về sống tại Étretat, vùng quê cạnh biển, lớn lên trong tình yêu thiên nhiên. Khi tròn 13 tuổi, Maupassant được gởi đến học một trường dòng tại Yvetot nhưng vốn hiếu động và đa cảm, Maupassant tỏ ra không thích nghi với kỷ luật nghiêm khắc của nhà trường: trong giờ học thường hay vẽ viết bậy trên giấy và làm đầu têu nhiều trò nghịch ngợm. Bị đuổi học, Maupassant được gởi đến học ở trường trung học tại Rouen, rồi trường luật ở Caen.
        
Năm 20 tuổi, ông nhập ngũ, tham gia cuộc chiến tranh Pháp - Phổ ( 1970-1971 ). Sau đó ông làm viên chức ở Bộ Hải quân (1873) rồi Bộ Giáo dục (1878 ).
           
Được sự dìu dắt  tận tình của nhà văn Gustave Flaubert, một người bạn thân của mẹ ông, năm 1873, Maupassant bắt đầu viết văn. Nhưng mãi đến năm 1880, ông mới thực sự nổi tiếng với truyện ngắn Boule de suif, với bối cảnh cuộc chiến tranh Pháp - Phổ, trong đó, ông kịch liệt châm biếm, đả kích bọn quý tộc hèn nhát, bạc nhược, không hề tỏ ra chút dũng khí nào trước kẻ thù. Bên cạnh những người thuộc tầng lớp thượng lưu, nhân vật cô gái điếm, biệt danh là Boule de suif, lại tỏ ra lương thiện và tử tế nhất. ( Truyện này, khoảng 40 trang, đã được dịch sang tiếng Việt với nhan đề " Viên mỡ bò ". Trước đây, Nguyễn Hiến Lê dịch là Thùng nước lèo. ) Thành công lớn của tác phẩm này khiến ông quyết định từ bỏ cuộc sống viên chức và chuyển hẳn sang nghề viết văn. Ông cộng tác với nhiều tờ báo ( Le Figaro, Gil Blas, Le Gaulois, l'Écho de Paris... ) và ký nhiều bút danh khác nhau.
          
Văn nghiệp của ông chỉ vẻn vẹn mười năm ( 1881-1890 ) nhưng ông cũng để lại cho đời trên 300 truyện ngắn, 6 tiểu thuyết, 3 tập ký sự du lịch và một tuyển tập thơ.
             
Về tiểu thuyết, ông thành công nhất với tác phẩm Une vie ( Một cuộc đời ) mà ông đã bỏ ra 6 năm để hoàn thành (1883). Trong vòng một năm, tác phẩm đã phát hành được 25 ngàn bản và Lev Tolstoy không tiếc lời ca ngợi: "Đây là tác phẩm lớn nhất của văn học Pháp, sau Những kẻ khốn cùng. (1) ".
                
Đề tài trong các truyện ngắn của Maupassant rất phong phú, đa dạng, gắn liền với cuộc sống thường ngày của tầng lớp trung lưu và hạ lưu của xã hội đương thời. Maupassant là một trong những bậc thầy của thể loại truyện ngắn. Các tác phẩm của ông thể hiện tài quan sát chính xác, đi sâu vào bản chất sự vật, và nghệ thuật chọn lựa chi tiết điển hình làm nổi bật tâm lý và tính cách của nhân vật. Tất cả nội dung đó được diễn đạt bằng ngòi bút trong sáng, giản dị, tự nhiên, súc tích.
             
Những năm cuối đời, Maupassant mắc bệnh thần kinh, luôn bị ám ảnh bởi sự cô đơn và cái chết. Người đọc theo dõi các tác phẩm của Maupassant sẽ nhận ra rằng từ năm 1883, ông đã viết nhiều truyện ngắn về đề tài cái chết, hoặc liên quan đến cái chết: Auprès d'un mort ( Bên một người chết ), Suicide ( Tự sát ), Lettre trouvée sur un noyé ( Bức thư tìm thấy ở người chết đuối ), La tombe ( Ngôi mộ ), La morte ( Người đã khuất ), Le Noyė ( Người chết đuối ), Le condamnė  à mort ( Người bị kết án tử hình ) ...

Bệnh tình ngày càng trầm trọng, ông đã có lần tự sát nhưng không chết. Sau 18 tháng hầu như hôn mê hoàn toàn, năm 1893, ông từ trần trong một dưỡng trí viện ở Paris.

(1) Les misérables, tác phẩm của Victor Hugo.



    
Sau bữa ăn tối, mọi người bàn luận về vụ phá thai mới xẩy ra trong làng. Bà bá tước phẫn nộ:  Sao lại có chuyện như vậy được! Cô gái, bị anh hàng thịt quyến rũ, đã ném đứa con của mình vào trong hầm mỏ! Khủng khiếp quá! Người ta đã xác nhận là đứa bé chưa chết ngay được.
   
Ông thầy thuốc, tối hôm đó cũng đến lâu đài dùng bữa, đưa ra những chi tiết ghê rợn bằng một vẻ trầm tĩnh, ông tỏ ra thán phục sự can đảm của bà mẹ khốn khổ sau khi một mình sinh đẻ đã đi bộ cả hai cây số để sát hại đứa con. Ông nhắc đi nhắc lại: " Cô ấy vững như sắt thép! Và quả là phải có một nghị lực mãnh liệt để ban đêm băng rừng, ôm đứa con đang rên siết trong tay! Tôi thực sự thán phục trước những đau đớn tinh thần tương tự! Xin mọi người hãy nghĩ đến nỗi kinh hoàng của tâm hồn ấy, sự dày vò của con tim ấy! Cuộc đời sao bỉ ổi và khốn nạn quá! Những định kiến ghê người, vâng, thưa bà, định kiến ghê người, danh tiết trá hình, đáng tởm hơn cả tội ác, cả một loạt những tình cảm giả dối, tiếng tăm tệ hại, đã thúc đẩy cô gái tội nghiệp phải yếu đuối tuân phục cái luật lệ khắc nghiệt của cuộc sống mà phạm tội giết con. Thật xấu hổ cho loài người đã dựng lên một thứ đạo đức như thế và biến sự yêu đương tự do của hai con người trở thành tội lỗi! "
   
Bà bá tước tức giận tới tái người.
   
Bà phản bác: " Thưa bác sĩ, như vậy là ông đã đặt tính xấu lên trên đức hạnh, đặt gái lăng loàn đứng trước phụ nữ đoan chính! Cô gái buông thả theo những bản năng đáng hổ thẹn ông xem như ngang bằng với người vợ hoàn hảo làm tròn nghĩa vụ của mình với lương tâm liêm khiết! "
   
Người thầy thuốc, một ông già đã chạm tay vào nhiều vết thương, đứng dậy lớn giọng nói: " Vâng, thưa bà, bà cứ giữ cái tính bao dung, nhân từ, độ lượng, bà không biết đâu! Bất hạnh thay cho những người mà tạo hoá trớ trêu đã trao cho những nhục cảm không thể nguôi dịu được. Những người trầm tĩnh, sinh ra chẳng có bản năng mãnh liệt, vẫn sống lương thiện theo phép tắc. Những người không hề bị hành hạ bởi những ham muốn điên loạn thì rất dễ làm tròn nghĩa vụ. Tôi biết nhiều phụ nữ trưởng giả có tâm thái bình tĩnh, cư xử cứng nhắc, tinh thần ôn hoà, tâm hồn chừng mực, họ luôn tỏ ra tức giận khi nghe nói đến lỗi lầm của những phụ nữ sa ngã.
    
Nhưng, thưa bà, đối với những người vô tình sinh ra đã sa vào vòng đam mê thì những nhục cảm không dễ gì khuất phục. Bà có thể nào làm dịu cơn gió thổi, bà có thể nào ngăn được sóng biển dâng? Bà có thể nào ngăn được sức mạnh của thiên nhiên? Không! Nhục cảmcũng giống như sức mạnh của thiên nhiên, không đánh bại được, như sóng biển và cơn gió. Chúng nhấc bổng và lôi kéo con người, ném vào cơn khoái lạc mà không sao chống lại được sự mãnh liệt của ham muốn. Những người phụ nữ hoàn hảo là những người không ham muốn. Họ đông lắm. Tôi chẳng ca ngợi gì đức hạnh của họ vì họ không phải chống chọi gì. Nhưng, không bao giờ, bà hiểu chứ, không bao giờ một cô gái như Messaline (1), như Catherine (2) tỏ ra đứng đắn được. Cô ta không thể như thế được. Cô ta được tạo ra dành cho sự vuốt ve mãnh liệt. Những cơ quan của cô ta không giống như bà, da thịt cô ta khác hẳn, nhiều rung cảm hơn, nhạy cảm hơn với sự tiếp xúc nhẹ nhàng nhất với một da thịt khác, và dây thần kinh của cô ta hoạt động, làm cho cô ta rối loạn và ngã gục trong khi bà không cảm thấy gì. Bà cứ thử nuôi chim bồ cắt với những hạt nhỏ tròn mà bà cho con vẹt ăn xem sao! Ấy vậy mà cả hai loài chim này đều có chiếc mỏ nhọn cứng. Bản năng của chúng khác hẳn nhau.
    
Ôi! Nhục cảm! Giá mà bà hiểu được sức mạnh của chúng! Nhục cảm khiến ta hổn hển suốt đêm trường, da thịt nóng bừng, con tim rạo rực, tâm thần xao động bởi những hình ảnh tưởng tượng điên cuồng! Bà thấy không, thưa bà, những người chừng mực chỉ là những người lạnh lùng, ghen tuông vô vọng mà không hay biết.
    
Xin nghe tôi kể đây:   
   
Người mà tôi gọi là Hélène có nhiều nhục cảm. Ngay từ lúc còn rất nhỏ. Ở cô ta, nhục cảm đã trổi dậy ngay khi mới biết nói. Bà sẽ cho cô ta là con bệnh. Tại sao? Chẳng phải bà vốn thường yếu lòng? Cô ta được đưa đến tôi khi mới mười hai tuổi. Tôi nhận thấy là cô đã là phụ nữ, bị thôi thúc không ngừng bởi những cơn khát tình. Chỉ nhìn cô ta là nhận ra điều đó. Cô ta có đôi môi dày và cong, hé mở như những cánh hoa, cái cổ thẳng, làn da nóng rực, cái mũi lớn, hơi nở ra và phập phồng, đôi mắt to và sáng với tia nhìn đốt cháy đàn ông.
   
Vậy thì ai có thể làm dịu được nguồn máu hừng hực của con thú khao khát kia? Nhiều đêm cô ta khóc lóc vô cớ. Cô quằn quại vì thiếu giống đực.
    
Cuối cùng người ta cho cô lấy chồng ở tuổi mười lăm. Hai năm sau, anh chồng ho lao chết. Cô đã làm anh ta kiệt sức. Người chồng khác cũng cùng số phận sau mười tám tháng. Người thứ ba cầm cự được ba năm rồi cũng rời bỏ cô. Đến lúc phải như thế!
    
Trở lại sống một mình, cô cố tỏ ra đứng đắn. Đúng như  những định kiến của bà. Rồi một hôm bị khủng hoảng tinh thần, cô mời tôi đến. Tôi nhận ra ngay rằng cô sẽ chết vì hoàn cảnh goá bụa của mình. Tôi nói với cô điều đó. Thưa bà, đấy là một phụ nữ đàng hoàng, dù đang chịu hành hạ, cô vẫn không muốn nghe lời tôi khuyên là kiếm lấy một người tình.
     
Trong vùng, mọi người nói cô điên. Ban đêm cô ra khỏi nhà và hoảng hốt bỏ chạy cốt để làm nguội lạnh cơ thể nổi loạn của mình. Rồi cô ta rơi vào những triệu chứng dẫn đến những cơn co thắt dữ dội.
   
Cô sống một mình trong lâu đài ở gần lâu đài của bà mẹ và lâu đài của những người thân thích. Thỉnh thoảng tôi đến thăm cô mà không biết phải làm gì chống lại sự sắp đặt khắc nghiệt của tạo hoá hoặc chống lại ý nguyện của chính cô.
    
Một hôm, vào khoảng tám giờ tối, cô đến nhà tôi khi tôi vừa ăn xong. Ngay khi chúng tôi ngồi riêng với nhau cô nói:
   - Tôi thua rồi. Tôi đã có thai.
   
Tôi giật thót mình trên ghế.
    - Cô bảo sao?
    - Tôi có thai.
    - Cô?
    - Vâng, tôi.
    
Và đột nhiên, bằng một giọng ngắt quãng, cô nhìn thẳng vào mặt tôi và nói:
    - Có thai với anh làm vườn của tôi, thưa bác sĩ. Khi đi dạo trong vườn, tôi chớm bị ngất xỉu. Anh chàng thấy tôi ngã vội chạy đến ôm lấy tôi để dìu tôi đi. Tôi đã làm gì? Tôi cũng không biết nữa. Tôi đã ôm chặt anh ta, đã hôn anh ta? Có lẽ thế. Bác sĩ đã biết nỗi bất hạnh và xấu hổ của tôi. Cuối cùng anh ta đã chiếm đoạt tôi. Tôi là thủ phạm, bởi tôi còn dâng hiến cũng bằng cách như thế ngày hôm sau và nhiều lần khác nữa. Thế là hết! Tôi không cưỡng lại được!
    
Cô nấc nghẹn rồi tiếp tục với giọng đầy kiêu hãnh:
    - Tôi tự nguyện, tôi thích như thế, còn hơn là đi kiếm một người tình như bác sĩ đã khuyên tôi. Anh ta đã làm tôi mang thai. Ôi! Tôi xin thú nhận với bác sĩ điều này, không dè dặt, không ngần ngại. Tôi đã cố phá thai. Tôi tắm nước nóng, tôi cỡi lên những con ngựa cứng đầu, tôi đu xà treo, tôi dùng ma tuý, ngải đắng, nghệ, và nhiều thứ khác nữa. Nhưng không thành công. Bác sĩ biết cha tôi, các anh em tôi? Tôi thua rồi. Chị tôi kết hôn với một người danh giá. Sự ô nhục của tôi sẽ ảnh hưởng đến họ. Và còn bạn bè, hàng xóm, tên tuổi của gia đình, còn mẹ tôi...
    
Cô bắt đầu khóc nức nở. Tôi cầm lấy tay, hỏi han cô. Rồi tôi khuyên cô nên đi đâu đó thật xa để sinh con.
     
Cô đáp: " Vâng... vâng... vâng... chắc phải vậy..." mà chẳng có vẻ sẽ nghe lời.
    
Rồi cô bỏ đi.
     
Tôi còn gặp cô ta nhiều lần nữa. Cô phát điên lên rồi. Ý nghĩ về đứa con đang lớn dần trong bụng, về sự nhục nhã rõ rệt kia xuyên qua tâm hồn cô như một mũi tên nhọn. Cô không lúc nào dứt khỏi ý nghĩ đó, ban ngày không dám ra khỏi nhà, không gặp ai, sợ bị phát hiện bí mật kinh tởm kia. Tối đến cô đứng trước tủ kính, cởi quần áo và ngắm nhìn cạnh sườn đã biến dạng của mình, rồi cô lăn xuống đất, nhét khăn vào mồm để chặn tiếng khóc than. Có đến hai mươi lần cô đứng dậy, thắp nến lên và đến trước chiếc kính lớn phản chiếu hình ảnh căng phồng của tấm  thân trần. Cô điên loạn đấm vào bụng để giết đi cái sinh linh đang làm lụi bại cô. Giữa cô và nó là một cuộc đánh vật khủng khiếp. Nhưng nó không chết mà cứ cựa quậy mãi, chừng như đang tự vệ. Cô lăn xuống sàn nhà để chèn nó xuống đất, khi ngủ cô cố đè lên người bằng vật nặng để cho nó ngạt. Cô căm ghét nó như người ta căm ghét kẻ thù bướng bỉnh đang đe doạ cuộc sống.
    
Sau những vẫy vùng vô ích, những cố gắng bất lực để thoát khỏi nó như thế, cô bỏ đi ra đồng, mải miết chạy, phát điên lên vì đau đớn và hoảng sợ.
     
Một sáng kia, người ta bắt gặp cô đang nhúng chân vào dòng suối, đôi mắt thất thần, ai cũng nghĩ cô đang mắc phải một cơn khủng hoảng hoang tưởng gì đấy, nhưng cũng không phát hiện ra điều gì.
    
Một ý nghĩ không thay đổi bám lấy cô. Dứt bỏ đứa con tồi tệ kia khỏi cơ thể mình.
    
Có lần, buổi tối, bà mẹ cười nói với cô: "Hélène, dạo này con mập ra đấy, nếu con có chồng, mẹ nghĩ là con đang mang thai."
     
Câu nói làm cô chết điếng. Cô bỏ đi về nhà ngay.
    
Cô ta đã làm gì? Hẳn là cô đã nhìn thật lâu cái bụng to chướng lên của mình, hẳn là cô đã đấm nó, làm tổn thương nó, đập nó vào góc bàn góc tủ như cô vẫn làm hằng đêm. Thế rồi, cô đi chân trần xuống nhà bếp, mở tủ và lấy con dao chặt thịt ra. Cô đi lên nhà trên, thắp bốn ngọn nến lên, ngồi trên chiếc ghế mây, ngay trước tấm kính.
    
Lúc này đây, cô căm ghét tột độ cái bào thai lạ lẫm và ghê tởm kia, muốn bóc gỡ nó ra mà giết đi, cầm nó trong tay, bóp nghẹt nó và quẳng ra xa; cô ấn tay vào vị trí con ấu trùng kia đang cựa quậy, và bằng một nhát dao sắc gọn, cô tự xẻ bụng mình.
   
Ôi! Cô hành động thật nhanh và thật khéo, bởi cô đã nắm được nó, kẻ thù mà lâu nay cô chưa thể chộp bắt được. Cô tóm lấy một chân nó, kéo ra khỏi mình và muốn ném nó vào bếp lửa than. Nhưng mà nó cố cưỡng lại bằng những sợi dây mà cô chưa kịp cắt bỏ, và trước khi cô hiểu ra phải làm gì nữa để tách khỏi hắn thì cô đã ngã ra bất tỉnh đè lên đứa con ngập ngụa trong vũng máu.
    
Cô gái có phạm tội không, thưa bà?
     
Ông thầy thuốc im lặng, chờ đợi. Bà bá tước không trả lời.
  
----

1. Messaline: Tức là Valeria Messalina ( 25-48 ), vợ thứ ba của Hoàng đế La Mã Claudius, người đã đi vào lịch sử với tai tiếng là dâm loạn. Khi trở thành hoàng hậu, Messaline cho mở nhiều căn phòng bí mật để có thể quan hệ với nhiều người đàn ông khác nhằm thoả mãn dục tình vô độ của mình.

2. Catherine: Tức là Ekaterina, tiếng Nga : Екатерина II Великая ( 1729 - 1796 ), còn gọi là Ekaterina Đại đế, Nữ hoàng Nga, cai trị toàn bộ lãnh thổ đế quốc Nga từ 28/6/1762 cho đến khi qua đời. Cũng như Messaline, bà là người rất phóng đãng trong cuộc sống riêng tư. Từ khi lấy chồng năm 15 tuổi cho đến khi qua đời, bà có rất nhiều nhân tình, từ giới quý tộc đến kẻ tầm thường, có người kém bà gần 40 tuổi.
  
THÂN TRỌNG SƠN
dịch và giới thiệu
từ nguyên tác " l' Enfant ",  18 septembre 1883