TRUYỆN THỜI
CHIẾN TRANH (1973)
Chiếc
xe GMC dừng lại trước ngôi nhà vòm. Mái uốn cong hình bán nguyệt. Ngôi nhà đã
bỏ hoang từ khi quân đội Mỹ rút ra khỏi cao nguyên, cùng với nhiều doanh trại
khác trong căn cứ quân sự rộng lớn này, Hàm Rồng. Không thấy có đơn vị nào
khác, ngoài Bộ Chỉ Huy của một trung đoàn bộ binh, đóng trên một ngọn đồi thấp.
Người
sĩ quan đại diện phòng ba sư đoàn, xuống xe, chỉ cho tôi ngôi nhà, và nói: Toán
anh đóng quân nơi đây. Anh em trong toán lục đục mang hành lý xuống, sau khi
nghe người sĩ quan phòng ba nói. Mười bốn người, nay chỉ còn lại mười ba. Con
số chẳng tốt đẹp gì đối với những người hay tin vào vận may rủi. Sau khi một
trung sĩ trong toán chết vì đạn pháo của địch quân ở trên Non Nước. Mười ba
người: Tám sĩ quan và năm hạ sĩ quan. Tám khẩu súng colt và năm khẩu súng M16,
cùng với những thứ lỉnh kỉnh của một toán huấn luyện lưu động.
Ngôi
nhà có lẽ đã được sư đoàn cho dọn dẹp trước đó, cho nên nhìn vào chỗ nào cũng
thấy tươm tất, sạch sẽ. Anh em mỗi người chia nhau về mỗi phòng. Đám hạ sĩ quan
dành phòng cuối, nằm chung với nhau. Còn những anh em sĩ quan khác, đa số độc
thân chiếm những căn phòng phía trước cửa ra vào. Sau khi trút bỏ ba lô xuống
nền nhà, tôi đi rảo một vòng bên ngoài như thói quen của người lính. Trước và
sau hai cửa ra vào đều có những công sự phòng thủ. Những thùng phuy chứa đất
bên trong và bao cát bỏ hoang lâu ngày để cho những hạt cỏ từ đâu bay tới mọc
cô đơn trên những bao cát bạc màu thời gian. Hai bên hông của ngôi nhà cỏ mọc
lên khá cao, gần tới đầu gối. Người sĩ quan phòng ba vẫn đi bên cạnh tôi, hình
như ông ta chờ đợi một cái gì nơi tôi, muốn hỏi. Chẳng hạn như phòng thủ đêm
nay. Vì chắc hơn ai hết, ông biết tôi không đủ quân số để phòng thủ, nếu có sự
cố xảy ra. Mới mấy hôm trước thôi, toán còn đủ mười bốn người, trên Non Nước.
Nay chỉ còn lại mười ba con người. Phải tự mình lo cho mình. Có lẽ ông ta đoán
được ý tôi. Ông nói: Tôi cũng đã lo cho toán của anh rồi. Đơn vị bạn đóng trên
đồi đã biết có anh tới. Vòng ngoài có họ. Anh chỉ lo canh gác ban đêm, cho chính
anh thôi. Tôi nghĩ, đánh đấm gì được với bao nhiêu con người này. Khi
còn trên Non Nước, đang huấn luyện cho một đại đội, dù không đủ quân số, anh em
đang sửa soạn cho thực tập bài “Trung Đội Mở Đường “. Một trái pháo của địch từ
trong rừng bắn tới, trung sĩ Ngà chết ngay tại chỗ. Ngà mới đổi về Trung Tâm
chừng nửa năm, cũng từ sư đoàn này. Đánh giặc vài ba năm ngoài chiến trường
không chết. Nay mới đổi về hậu cứ vì hoàn cảnh gia đình thì ôm trái pháo trong
khi làm phụ tá cho huấn luyện viên.
Mười
bốn người, nay chỉ còn mười ba. Hằng ngày, bữa ăn nào, hạ sĩ nhất Minh
cũng vẫn dọn thêm một cái chén và đôi đũa cho Ngà, để đủ mười bốn người. Không
thiếu một ai.
Buổi
chiều, mới ba giờ mà trời như muốn ngã bóng nắng. Nhưng gió tháng ba trên miền
cao thổi mát lạnh. Hình như nơi đây, chiều xuống nhanh hơn dưới đồng bằng, ánh
nắng không gay gắt nhưng dìu dịu vì có hơi sương, phải mặc thêm cái jacket bên
ngoài. Những ngọn núi về phía Tây doanh trại cao vút, mờ mờ trong hơi sương,
vướng chút mây trời. Có đỉnh bằng như mái nhà của người Thượng. Đứng từ doanh
trại này, trong những ngày trời quang mây tạnh, có thể nhìn thấy Chư Bao. Con
đường xuyên qua núi. Một trở ngại lớn cho những lần di chuyển, quân cũng như
dân khi ngang qua con đường núi này. Có máu chảy và thây người.
oOo
Tháng
ba, những hoa dại mọc trên lối đi trong doanh trại vắng vẻ. Hoa cúc dại màu
vàng tươi, xen kẽ với những đóa hoa màu trắng, nhỏ li ti mọc đầy trên những đám
cỏ hoang, đong đưa trong gió. Những con bướm từ trong cánh rừng sau doanh trại
hay một nơi nào đó bay tới đùa với hoa, với những đôi cánh màu sặc sỡ. Nhìn
những con bướm với những đóa hoa cúc dại màu vàng như những hoa cải nhỏ li ti
trong vườn cải nhà chị Mân dạo nào, mà nhớ đến cô bé Hân. Tuổi trẻ đi qua rất
nhanh, để rồi ai cũng phải lăn vào cuộc chiến, bằng hai lối đi, không bên này hay
cũng bên kia. Cuộc chiến càng kéo dài lại càng kéo theo những sợi dây hệ lụy
trong mỗi gia đình, nhất là trong những vùng quê. Một đêm nào đó, trong ngôi
nhà của chị Mân, người đàn ông lại trở về trong đêm khuya sau nhiều năm vắng
mặt, rồi cũng âm thầm ra đi trong đêm tăm tối. Để sau này Hân cũng bỏ làng ra
đi, theo chân người cha lên rừng. Cô bé bên cạnh nhà, chỉ cách nhau một khoảng
vườn nhỏ, mỗi khi thấy tôi từ dưới phố về thăm nhà thường hay rủ tôi ra sau
vườn nhà chị Mân để rình bắt những con bướm đang vờn trên những đóa hoa cải.
Nhưng, những con bướm trong vườn nhà chị Mân không lớn bằng những con bướm ở
đây, thật to và nhiều màu sắc. Hay trên miền cao có nhiều hoa dại, và nhiều
rừng?
Những
con đường trải nhựa nằm dọc, nằm ngang trong doanh trại im ắng, không ồn ào như
ngày còn quân đội đồng minh trú đóng. Bên kia khoảng đất trống, thật lớn, hình
như là bãi đậu trực thăng, có những dãy nhà tôn, có lẽ là dãy nhà dành cho vợ
con binh sĩ. Tôi thấy vài bóng dáng đàn bà và trẻ con bên đó. Người sĩ quan
phòng ba, hình như đoán được ý tôi, ông nói: Bên đó là khu gia binh tạm thời
cho vợ con lính. Có bán cà phê, ăn sáng. Tối, qua đó nhâm nhi ly cà phê, nghe
vài ba bản nhạc lính, cũng đỡ buồn. Chứ ở đây nhìn mãi sương núi, chán lắm. Pleiku
gió núi mây mù mà. Nghe ông nói tôi nhớ đến mấy câu thơ của Vũ Hữu Định.
Ông nói xong rồi cho tôi hay: Các anh chờ tiểu đoàn về, ngày mai hay chậm
lắm là ngày mốt. Tiểu đoàn đóng đối diện với căn nhà của các anh đây. Có lính
về, các anh cũng đỡ buồn hơn. Mai tôi đưa anh đi một vòng sau doanh trại để anh
xem thế đất chọn bãi, cho những ngày sắp tới.
oOo
Những
ngày chờ tiểu đoàn về. Sáng nào cũng theo chiếc xe dogde ra phố. Sương núi ướt
đẫm lối đi, trên những đám cỏ ven đường. Từ căn cứ về thành phố, con đường lên
xuống nhiều dốc. Những căn nhà tôn bám đầy bụi đỏ dọc theo quốc lộ, buồn thiu.
Những chiếc xe nhà binh vẫn hối hả chạy. Không thấy có dấu hiệu gì là hòa bình.
Mặc dù hiệp định đã được bốn phe lâm chiến ký kết một hai tháng trước. Lính vẫn
chuyển quân về một nơi nào đó. Thành phố mang hình ảnh dể thấy nhất: Chiến
tranh. Thành phố của đủ mọi loại xe nhà binh và Quân Binh Chủng. Chỉ có những
người Thượng mang gùi từ một buôn làng nào đó, bên kia những ngọn đồi, đi về
hướng phố là bình thản.
Thành
phố “ Em Pleiku má đỏ môi hồng....” bài hát được phổ nhạc từ một bài thơ của
Định như gần gũi với những người lính, và người dân phố thị.
Tìm
một quán nào ngồi nhâm nhi ly cà phê buổi sáng với mấy anh em trong toán. Chờ
Minh đi chợ về. Ngồi thét cũng buồn. Nhìn hoài những con người, những gương mặt
chai lì trong chiến tranh và bom đạn. Chiếc xe biệt phái để đi chợ đậu nơi chỗ
hẹn, ngã ba đường lên Quân đoàn. Anh em hỏi Minh “ Hôm nay cho ăn cái gì thế,
đầu bếp? “. Rồi những tiếng nói, tiếng cười thật vô tư. Kệ. Tới đâu hay
tới đó. Thành phố vẫn mang một bộ mặt ồn ào bởi tiếng người và tiếng xe. Bụi đỏ
vẫn bám vào nhà cửa và con người. Chiếc xe lại đổ dốc trở về ngôi nhà vòm trong
căn cứ. “ Ông thầy ơi, cho em mượn lại Cô Gái Đồ Long đọc hôm nay đi ”. Có
tiếng Vinh Đen ở sau xe nói vọng tới. “ Ừ! Trên đầu nằm của tao đó ”.
Khi
xe dừng lại trước ngôi nhà vòm, tôi đã thấy người sĩ quan phòng ba ngồi chờ
trên chiếc xe jeep của ông, tôi hỏi:
”
Anh mới tới “.
”
Khoảng vài phút thì anh về. Pleiku có gì vui không?.” Ông hỏi.
”
Cũng vậy thôi. Ở đâu cũng thấy lính là lính. Nhưng nằm đọc chưởng hoài cũng
chán “.
”
Có lẽ mai tiểu đoàn về tới, không chừng tối nay. Kẹt cái chốt trên Chư Bao, nó
bắn rát quá. Phải diệt ”chốt “ mới qua được. Anh có làm gì không, sáng nay? “.
”
Không “.
”
Đi một vòng ra sau doanh trại tìm bãi cho toán của anh “.
Tôi
đồng ý. Chiếc xe jeep chạy chậm ra phía sau doanh trại. Rừng ngoài xa. Gần căn
cứ được khai hoang từ khi còn lính Mỹ đóng ở đây. Cây con bắt đầu mọc trở lại,
còn non, yếu ớt. Vài năm nữa thôi, những cây con này sẽ bắt kịp với cánh rừng
già bên ngoài. Những bãi cỏ xanh đậm. Những con đường mòn hun hút đất đỏ, dẫn
vào trong rừng, mất hút. Mở đường. Phục kích. Tấn công.
”
Có ngọn đồi nào gần đây không, “ Tôi hỏi?
”
Để làm gì “.
”
Cho lính tập tấn công đồi “.
” Quen lắm rồi. Tấn công lên Chư Bao gần bá thở, bạn
không thấy đó sao “.
” Thôi, tạo ra một mục tiêu giã để tấn công vậy “. Hai
đứa tôi cùng cười.
Lái xe ra hướng cổng chính. Con đường dẫn ra quốc lộ 14 về thị xã. Đất rộng, nhưng không bằng phẳng như cánh rừng sau doanh trại. Thế đất có chỗ cao, chỗ thấp, lại có nhiều đường thông thủy.
” Phản phục kích được đấy, bạn? Người sĩ quan phòng ba
nói.
” Dạ. Nghề của chàng mà ”.
Được rồi. Tạm xong cho công việc tìm bãi huấn luyện hôm nay. Nắng hanh nhẹ tháng ba. Gió mát thật dễ chịu. Đồn điền cà phê bên kia con đường nở đầy hoa trắng. Mùa xuân lại trở về trên mảnh đất có quá nhiều đau khổ bởi chiến tranh gây nên. Hiệp định đã ký. Trước còn dành đất, cắm cờ. Có dân hay không chẳng cần thiết. Sau hiệp định, phải nhổ cờ cho bằng được. Những con đường chia hai lằn ranh trong cái vô lý giữa một khu rừng mênh mông, hay trên một ngọn đồi vắng vẻ ở một nơi nào đó, chẳng ai nào biết. Chỉ có những người lính, không bên này thì bên kia, phải nhổ cờ, chiếm đất và súng nổ. Thế rồi tiếng súng hai bên lại nổ..... Hai đứa ngồi trên xe hút thuốc. Tôi nhìn những đám cỏ đầy hoa dại. Những cánh hoa trắng li ti, xen kẽ những hoa tim tím của loại cây mắc cỡ khép lá, mỗi khi có ai chạm đến. Tôi nhớ đến câu hát trong một bài hát “ Anh không phải là vua nên mộng ước thật bình thường “. Phải, tôi chỉ là người lính nên lúc nào cũng mơ ước có được một cuộc sống thật bình thường là hết chiến tranh, cho tất cả mọi người đều trở về. Tôi trở về lại ngôi nhà cũ ở vùng quê, để nhìn thấy cô bé Hân cũng từ một cánh rừng nào đó, cũng trở về như tôi. Hân không còn mang A.K và, tôi không còn mang M.16 nữa. Cho dù ở tuổi hôm nay không còn đuổi bướm hái hoa trong vườn nhà chị Mân. Nhưng cũng còn có nhiều điều để nói. Nhìn những loài hoa tím và trắng này trong rừng mọc nhiều, trên những bãi cỏ hoang. Hân có lẽ cũng bắt gặp nhiều những loài hoa này trên những lần chuyển quân, hay đã nằm im như loài hoa mắc cỡ, khép lá từ một cánh rừng nào đó, mênh mông, khi nhìn thấy xác của người cha nằm bên ngoài hàng rào phòng thủ của quận Hàm Thuận. Một người cha, mà một đêm đã trở về. Vài tháng sau khi người cha chết, Hân lại bỏ học lên rừng. Nghe tin Hân lên rừng, tôi bàng hoàng, và tiếc cho những buổi đuổi bướm sau vườn nhà chị Mân năm nào. Bây giờ tôi với cô bé đã trở thành hai kẻ thù với nhau. Không. Có thể Hân mang cả khối hận thù đối với chúng tôi, khi nhìn thấy xác người cha nằm chết thảm bên hàng rào phòng thủ của quận ngày nào? Còn đối với tôi không thể nào tạo thêm sự thù hận nữa, dù bạn bè của tôi cũng chết như người cha của Hân trên chiến trường.
Nhìn
những loài hoa dại mọc trên bãi hoang mà nhớ đến con bé ngày xưa lạ lùng. Hân
bảo đó là loài Hoa - Cô - Đơn. Loài hoa của chính Hân. Của chính con bé thường
hay đuổi bướm vào những ngày nghỉ học. Những cánh hoa thật cô đơn mọc từ nơi
cánh rừng nào đó mà Hân đã đi qua. Và, bây giờ, ngay bây giờ, nếu có gặp, cũng
chỉ nói chuyện bằng những viên đạn câm, đầy thù hận ở nơi cô bé, và đồng đội.
Đang nghĩ ngợi thì người sĩ quan phòng ba hỏi tôi:
” Vợ con anh ở Nha Trang? ”
”
Vâng. Còn anh?”
”
Gia đình ở Sài gòn. Tôi không cho lên đây. Rày đây mai đó hoài, con cái học
không được. Tụi mình lỡ mang cái nghiệp rồi, thôi để vợ con yên. Có điều nhớ
mấy đứa nhỏ mà chưa về thăm được.”
”
Thỉnh thoảng chị cũng lên thăm anh chứ?”
”
Một lần. Bị pháo kích, bà sợ tởn tới già.”
”
Thôi. Vậy mà khỏe.”
Tự nhiên tôi với người sĩ quan phòng ba trở thành thân nhau. Thỉnh thoảng rãnh việc trên Sư đoàn anh thường lái xe xuống thăm tôi, trong những tháng đi huấn luyện lưu động.
oOo
Nửa đêm có tiếng động ở bên kia đường vọng đến. Tiếng súng ống va chạm vào nhau.
Tiếng còi thổi tập họp. Anh em chúng tôi thức dậy. Lính về. Trong ánh sáng của
những ngọn đèn vàng không đủ nến, tỏa một vùng sáng mờ mờ, hình như những người
lính cũng đã quen với bóng đêm, tập họp rồi chia nhau về khu vực phòng thủ.
Sương đêm xuống lạnh. Những chiếc ba lô trên lưng được xóc lên, mệt mỏi. Những
đóm lửa của một vài điếu thuốc được lóe lên trong đôi mắt buồn ngủ. Họ cũng
chẳng để ý đến chúng tôi, một ít người đang thức dậy bên này con đường, đứng
phía sau những thùng phuy chứa đầy đất và cát, chờ họ trở về. Ở đâu cũng là
lính cả mà. Vinh Đen đứng bên cạnh tôi, hỏi:
”
Khi nào bắt đầu diễn tuồng, ông thầy? ”
”
Phải chờ lệnh của phòng ba xuống, có lẽ sáng nay, mới có chương trình.”
”
Để cho anh em nghỉ vài hôm đi, ông thầy. Họ cũng là lính như mình, nhưng sao
thấy họ cực quá. Trường hợp như em, chắc thèm một giấc ngủ.”
Sáng
sớm, người sĩ quan phòng ba đến.
”
Anh dùng cà phê? ” Tôi hỏi.
”
Cây nhà lá vườn? ”
”
Vâng. Cứ mỗi lần theo xe ra phố cũng phiền.”
”
Khi nào bắt đầu để cho đơn vị huấn luyện? ”. Người sĩ quan phòng ba hỏi tôi.
”
Chương trình thì có rồi. Chỉ viết ngày vô thôi. Nhưng theo tôi đề nghị để cho
họ nghỉ dưỡng quân một vài ngày. Mới thoát khỏi đèo Chư Bao, học sao vô.”
”
Chiến trường cần lắm đó, ông bạn. Ở trên cứ thúc sau đít.”
”
Đánh giặc nhiều ngày mà, có dịp dưỡng quân, cho anh em nghỉ ít hôm. Anh về đề
nghị với cấp trên.”
”
Tôi cũng đồng ý như vậy. Nhưng bạn nghĩ sau hiệp định đình chiến mà họ vẫn đánh
mạnh. Lúc đầu, án binh bất động, hai bên đối mặt nhau. Hiệp định chưa ráo mực
họ đã đánh rồi.”
” Nếu
không tôi với anh đâu có ngồi đây.”
Lại
vẫn nụ cười như mới lúc đầu quen biết, cảm thông. Tôi nói với người bạn phòng
ba sư đoàn: lính nghĩ dưỡng quân, anh em chúng tôi cũng được hưởng sái, sau một
lần mệt đừ kéo bầu đoàn thê tử từ trên Non Nước xuống, lại mất đi một người bạn
trong toán mà ngày nào hạ sĩ Minh cũng dọn bữa đầy đủ mười bốn cái chén và mười
bốn đôi đũa, như Ngà ngày nào còn sống, chẳng mất, sau khi ôm trọn trái bích
kích pháo từ đâu đó trong cánh rừng bên bắn ra.
Cuối
cùng rồi phòng ba cũng chấp nhận cho đơn vị được nghỉ dưỡng quân vài ngày trước
khi vào khóa học bổ túc tại chỗ. Buổi sáng, tôi đang lúi cúi vẽ lại cái sơ đồ
trên tờ giấy bìa cứng, bài “ Hành Quân Nhị Thức “ mà tôi chịu trách nhiệm, thì
nghe tiếng Vinh Đen ngồi chơi trước cửa phòng của ngôi nhà vòm, nói vọng vào:
”
Ông thầy ơi, có người hỏi thăm.”
Tôi nhìn ra cửa. Thằng Toàn. Thằng bạn học cùng lớp khi xưa với tôi. Mừng quá bỏ cây viết xuống bàn, đi ra bắt tay hắn. Cũng với giọng nói nhanh, hình như không muốn ngắt câu để nghỉ, sợ ai nói hết, cùng với nụ cười hiền khô như ngày nào còn học trung học mà đã lâu không gặp lại. Tôi hỏi:
”
Nghe nói mày đi đại học CTCT.”
”
Ừ. Ra trường về nắm Trung đội trưởng ở đây.”
” Sao lạ vậy. Còn chuyên nghiệp của mày đâu?”
” Đánh giặc mà chuyên nghiệp cái chó gì. Nhưng vui lắm
mày. Vừa đánh giặc bằng súng tao vừa đánh bằng mồm. Đánh cả hai.”
Gặp Toàn hai đứa thả bộ băng qua khu đất trống để về hướng dãy nhà tôn dùng làm khu gia binh cho lính của trung đoàn, tìm vài chai bia con cọp có trái thơm. Bạn bè lâu ngày không gặp, uống một bữa. Gặp Toàn, tôi mới biết thêm nhiều về chuyện của Hân. Toàn nói:
” Có lần Tiểu đoàn tao về tăng phái cho tiểu khu Bình
Thuận, đóng trên đồn Trinh Tường. Về quê đánh giặc cũng thú lắm. Nhưng đám tình
báo của Tiểu khu cho tụi tao hay về một con nữ cán bộ Hân. Tao lại nghĩ đến
mày. Đối với tụi mình không lạ gì về Hân. Con bé nhút nhát như chim sẻ. Nhưng
tình báo cho biết nó vào loại thứ dữ, không còn là con Hân của ngày nào.”
Nghe Toàn nói. Tôi ngồi dựa ngửa ra sau cái ghế đóng bằng những tấm ván của thùng đạn pháo binh, rít từng hơi thuốc dài. Lẽ nào Hân lại như thế? Sau cái chết của người cha bên hàng rào quận năm nào, mà bây giờ trở thành một nữ cán bộ lấy sự giết người không gớm tay để trả thù cho cha, làm nguồn vui??? Tôi nhớ có lần hai đứa đang rình bắt những con bướm đậu trên những cánh hoa cải, để cho Hân ép nó vào trong vỡ học, thì mẹ Hân la: “ Tụi bay đừng làm cái chuyện ác đó. Nó cũng cần có sự sống, sao ép khô nó làm gì? ”. Tôi như kẻ đồng lõa, để được gần gũi với nụ cười, với mái tóc dài ngát hương bồ kết của Hân. Ngỡ rằng chúng tôi không bao giờ xa nhau, cho dù cuộc chiến có nhiều hệ lụy cho cả hai gia đình. Nhưng, tôi hỏi Toàn:
”
Mầy đã đụng với đơn vị của Hân? ”
”
Chưa. Nhưng lúc nào tao cũng muốn đụng đơn vị của nó, để xem nó ra sao. Nếu cần
chiêu hồi nó về. Không thì chết như ông già nó ngày nào thôi. ”
”
Mầy tin là làm được với cái học của mày?.”
”
Tao nghĩ như vậy “. Rồi Toàn lại kể cho tôi nghe nhiều chuyện trước và sau hiệp
định Ba Lê. Nghe hiệp định ký thằng lính nào cũng mừng, nhất là đám tác chiến
như tụi tao. Chiếc ba lô trên lưng như nhẹ đi nhiều lắm. Hiệp định ký, lính tao
ở bên này con đường đất đỏ. Họ ở bên kia đường. Có lần tao đụng với thằng chính
trị viên đại đội của nó. Không chửi bới. Không hận thù. Tao gợi lên cho nó chút
tình cảm quê hương để dễ nói chuyện hơn, vì tao nghe nó nói giọng như tao. Nó
cho tao biết nó là dân Phan Thiết. Tao mừng, kêu nó bỏ súng trở về, vì tao cũng
là dân Phan Thiết. Nhưng nó lại kêu tao cũng bỏ súng trở về với nó. Để làm gì?
Tao nói: Tôi thắng hay anh thắng. Nó nói: Nó thắng. Tao không chấp nhận điều nó
nói. Dẫn chứng cho nó thấy chính nghĩa của nó không phải ở Việt Nam mà ở bên
Tàu. Nó cười. Tao mời thuốc lá, nó hút. Sau, tao đưa cả bao cho nó. Nó nói nó
thường thèm một điếu thuốc sau bữa ăn. Tao có hỏi nó: Anh học ở đâu khi còn
nhỏ? Hắn cười, Phan Bội Châu. Tao chưa thấy có thằng chính trị viên nào như
thằng này. Cười với tao nhiều hơn là nói. Nó tên Văn Công. Mầy biết?
”
Không.” Rồi sau đó?.
” Ngày hôm nay nó nói chuyện với tao.Tối hôm sau nó
đánh.”
” Ngày hôm sau mày tới gặp tao.”
” Có gì không.”
”
Chẳng có gì. Chỉ thêm cho mày cách “ Đột kích đêm “
Toàn cười. Thằng bạn sĩ quan CTCT không thể nào lấy “ Trí Nhân để thắng bạo tàn “. Tháng ba, đã hai tháng qua, sau ngày ký hiệp định mà Tiểu đoàn của mày không sao qua nổi Chư Bao, cũng như trung sĩ Ngà của tao chết trên Non Nước. Tháng ba, tháng của những loài hoa rừng nỡ rộ trên những bước chân của người lính, đã một thời vất vã, nay nghe hiệp định ký rồi, vui mừng đâu không thấy lại còn thấy bao nỗi vất vã hơn. Và, với tôi, không thể nào trở về trong cái mơ ước bình thường của một người lính, để nhìn cô bé Hân ngày nào, cũng trở về như tôi sau hiệp định. Hết rồi, như khi thằng Toàn nói cho tôi biết: “ Nó thuộc vào loại dữ ”.
Hôm sau, bài học chiến thuật đầu tiên chang hòa ánh nắng tháng ba. Nhìn những người lính ngồi ngay ngắn để ôn lại bài học đầu tiên, khi mới bước chân vào đời sống quân ngủ. Mà hôm nay, với họ, dù trên người mang nhiều thương tích, hay đã tiếp thêm những giòng nước mắt tuôn ra khóc cho những thằng bạn nằm xuống, thì bài học vỡ lòng trong đời binh nghiệp cũng là bài học đáng nhớ ngàn đời. Ôn ngày hôm nay, còn phải ôn ngày mai. Những gương mặt chưa kịp vui trong ngày đầu mùa xuân khi nghe hiệp định ký, thì có một chút gì đó làm cho tôi ngậm ngùi khi nghe người lính nói với một chuẩn úy: ông thầy cởi áo ra, em bắt rận cho.
Phạm
Văn Nhàn