Friday, May 19, 2017

288. Truyện ngắn PHẠM VĂN NHÀN: Đất khô người khổ





Sáng sớm, hai bên đường dẫn về ngôi trường xã, sương vẫn còn đọng trên lối đi mọc đầy cỏ dại. Mùa này ban đêm thường hay có những cơn mưa núi. Con đường đất độc nhất dọc theo dòng sông dẫn về ngôi trường vừa mới khô hôm qua, thì sáng hôm sau lầy lội trở lại. Nếu những đêm nào trời không mưa, thì sáng sớm lại có sương mù. Sương bao phủ mờ trên những ngọn cây, trên những hàng rào, hay trên những lối đi...... Từ khi có toán lính trên chi khu về đóng đồn ở xóm trên gần sát mé rừng và những ngọn đồi thì sáng nào con đường đất này cũng ồn ào tiếng nói, tiếng cười của những đứa trẻ trong xóm đi tới trường. Tiếng cười hồn nhiên đó như nghe quen thuộc của những ngày nào còn yên ổn, thanh bình.

Tiếng kẻng nhà trường đánh lên nghe sao gần gũi quá của một thời sông nước, xóm làng chưa có chiến tranh. Dạo này ngôi trường của xã được mở cửa lại, dù không thường xuyên lắm, nhưng cũng làm cho mấy bà mẹ vui vì con cái có chỗ để ngồi học, không còn giẫm trên những đám ruộng gần mé sông để bắt những con cua, con rạm.

Sáng hôm nay không như những hôm trước. Lũ trẻ không chịu tới trường mà đứng bu quanh tấm bảng xây bằng gạch dùng để xã ghi những thông báo, hay viết những câu khẩu hiệu. Tấm bảng được xây dựng bên vệ đường từ hồi còn nền đệ nhất công hòa. Hôm nay trên bảng thông báo đó có điều gì lạ đối với lũ trẻ, khi chúng thấy những nét chữ viết nguệch ngoạc bằng loại mực tím không ngay hàng thẳng lối như mọi hôm. Mặc dầu đối với lũ trẻ không lạ gì những lần thay đổi thông báo được ghi trên bảng. Có khi một câu khẩu hiệu sơn bằng loại sơn đỏ, đã đảo phía bên kia của chính quyền. Nhưng rồi cũng có khi câu khẩu hiệu này được cạo vội vàng, viết câu khẩu hiệu khác, đã đảo phía bên này. Những người dân sống hai bên đường đất dọc theo dòng sông thét rồi cũng quen đi, không ai dám nói với ai câu gì, dầu một lời hỏi han. Cứ làm lơ cho yên chuyện. Lâu lâu có lính từ trên chi khu xuống đóng trên những ngọn đồi, gần cánh rừng thì người dân thấy vui một chút. Chỉ vui âm thầm thôi không dám vui ra mặt, như những tiếng kẻng của ngôi trường đã bỏ hoang từ lâu nơi bến đò được đánh lên mỗi khi có lính tới, cũng chỉ để làm vui một chút cho những bà mẹ hối thúc con cái mau mau tới trường. 

Trong đám học trò ít ỏi của ngôi trường xã đang đứng xem bảng thông cáo rồi bàn ra tán vào đó, thằng Ân chen vào bên trong, đọc lí nhí, rồi đi ra nói nhỏ với thằng bạn của nó:
“ Thôi, đi về mày. Tao sợ có trận đánh thiệt .”
“ Tao cũng nghĩ vậy. Thế nào họ cũng đánh ”.

Tiếng kẻng từ trường học lại đánh lên chậm rãi, không vội vàng. Lũ học trò vẫn còn đứng bàn tán chưa chịu đi. Những người lính đi kích ở đâu đó trở về thấy lũ trẻ bàn tán trước tấm bảng của xã, hỏi:
 “ Tụi bây làm gì mà bu đông thế ? ”

Một đứa trong bọn nói:
“ Mấy chú xem , ai viết gì mà ghê vậy ”.

Người lính nạt lũ nhỏ dang ra, tới tấm bảng xem, rồi nói to:
“ Tụi bây tránh xa. Coi chừng mìn ”.

Lũ trẻ sống trong vùng bom đạn đã quen. Nhưng khi nghe người lính nói coi chừng mìn là chúng chạy giãn ra, đứng bên kia tấm bảng.

Thằng Ân nói với bạn nó:
“ Thôi, đi về ”.
“ Tao cũng vậy ”.
“ Mày cũng sợ như tao. ”

Bạn nó gật đầu. Hai đứa tách rời khỏi đám đông đi trở lại nhà. Mẹ thằng Ân đang cho heo ăn ở sau nhà, thấy nó về, bà hỏi:
“ Sao không tới trường mà về sớm vậy ?”
“ Họ sắp đánh nhau, mẹ ơi. Tụi con sợ . ”

Mẹ nó ngưng đổ cám vào máng cho heo ăn. Hỏi:
“ Sao tụi mày biết? Đừng có nói bậy, nói bạ ở tù đó nghe con. Khổ lắm, thời buổi...”

Nói tới đây, bà không nói nữa như sợ có cái gì đó.

Thằng Ân hỏi :
“ Thời buổi gì vậy mẹ? ”
“ Thôi, trở lại trường học đi. Tao nghe có kẻng đánh đó.”

Nó vẫn nói:
“ Mấy đứa bạn con thằng nào cũng về nhà hết rồi. Họ nói họ sẽ đánh nhau mà. Đứa nào cũng sợ. Lỡ như có đánh nhau thiệt biết trốn vào đâu. Mẹ thấy đó, trường lớp trống không, cửa sổ đã bị người ta gỡ mất hết rồi, đâu có hầm hố gì. Ở nhà mình còn có hầm dễ trốn hơn. ”
“ Mà sao tụi bây biết họ sắp đánh nhau. Nói bậy là vô tù đó? ”
“ Họ viết thông báo ngoài cổng kìa, mẹ ra xem. ”

Mẹ nó nghe nó nói, ngồi bệt xuống nền đất còn ẩm bởi cơn mưa đêm qua. Bà nghĩ lạ, làm gì có chuyện đánh nhau mà viết bảng thông báo? Từ lúc Tây còn chiếm đóng cho tới bây giờ, họ đánh thì đánh có thấy thông báo gì đâu. Mấy năm trước, trụ sở xã bị giựt sập , có thấy thông báo là họ sẽ giựt sập trụ sở đâu.

Chiếc cầu gỗ duy nhất bắt ngang qua dòng sông để về phố quận gần trường học cũng bị giựt sập. Sáng ra người dân bên này sông đi qua bên kia sông để về chợ quận, thì thấy cầu chỉ còn trơ lại những trụ cầu. Những tấm ván cầu còn trôi bềnh bồng trên mặt sông, có thấy ai thông báo là sẽ giựt sập cầu bao giờ. Sao hôm nay lại có thông báo cho dân biết có đánh nhau.

Bà chịu, không hiểu nổi. Phải chi có thông báo như hôm nay thì chồng bà đâu có chết khi trụ sở xã bị giựt sập. Sống nơi cái xã heo hút gần cánh rừng và những ngọn đồi này, bà hiểu nhiều chuyện lắm.

Tiếng kẻng lại được đánh lên từ trường học, như thúc dục. Bà nói vói thằng Ân:
“ Thôi đi học đi. Mày có nghe tiếng kẻng không? ”

Thằng Ân nghe mẹ dục phải đi học. Nó lấy vội cuốn vở nhét vào lưng quần ra đi. Một đỗi lâu, nó lại quay về cùng với mấy thằng bạn gần nhà. Mẹ nó ngồi trước cửa, hỏi:
“ Không có học thiệt sao? ”
“ Con đã nói với mẹ mà, cô thầy có ai dám qua sông đâu. ”
“ Sao tao nghe có tiếng kẻng đánh. ”
“ Ông Ba già vẫn đánh kẻng như ngày nào, mà cô thầy có ai chịu qua sông . ”

Mẹ nó ngồi nhìn ra trước sân. Ánh nắng ban mai còn vướng víu trên những nhánh cây trước sân nhà chưa làm tan hết lớp sương trên những đám cỏ dại. Con đường đất chạy dọc theo giòng sông để lên xã còn đọng lại những vũng nước mưa đêm, buồn bã.

Bên này sông, những ngọn đồi nối tiếp nhau cho đến tận xóm trên toàn cỏ tranh và lau lách. Thỉnh thoảng lính trên quận về khai hoang vào mùa khô, cỏ tranh cháy rần rần suốt mấy ngày đêm. Và, bên kia sông, con đường trải đá độc nhất nối liền với các quận miền núi được an toàn vài tháng, rồi đâu cũng vào đấy, mất an ninh.

Những đám cỏ tranh được khai hoang, những dãy đồi gần mé rừng được nhìn thấy rõ, quang đãng hơn. Rồi mùa mưa đến, cỏ tranh bắt đầu lú mầm, đêm đêm không nghe tiếng súng nổ mà lại nghe có tiếng man kêu, không biết thật hay giả, thằng Ân vẫn thấy lo khi nằm dưới hầm trên manh chiếu ẩm. Mỗi đêm như thế xuống hầm dù gì cũng an toàn hơn là nằm ngủ trên bộ ván ngựa còn lại trong nhà, kê bên cửa sổ.

Cái xã nơi mẹ con nó ở không được đông đúc lắm, chỉ có những ngôi nhà nằm trên con đường đất dọc theo dòng sông là còn có thể gọi là xóm, là nhà, còn lại thì thưa thớt. Nhiều khi mẹ nó nghĩ phải đưa nó qua bên kia sông, về sống với cậu nó nơi phố quận, may ra nó còn đi tới trường học đủ giờ đủ lớp được, chứ ở đây nay thế này mai thế khác, cứ lo âu từng phút từng giây, chẳng biết ngày mai.

Ý nghĩ đó, bà quyết định cho nó thôi học trường xã.

oOo

Con đường về quận chẳng xa bao nhiêu, từ bến đò bên cạnh ngôi trường. Người đi bộ khoảng hơn tiếng đồng hồ, nhưng hôm nay nó thấy sao xa quá. Đi bên cạnh mẹ, nó nhìn về phía bên kia sông, vùng đất có nhiều cỏ tranh và những ngọn đồi tiếp với cánh rừng xa xa. Nơi mà nó lớn lên. Nơi mà nó có những thằng bạn chân chất, đầu trần đạp đất, nếu không tới trường để ngồi học thì cũng ra ruộng ra đồng bắt cua, bắt rạm, hay ra sông câu cá. Cái xóm như gắn liền với nó từ khi nó biết chạy nhảy. Bây giờ phải xa, theo mẹ về phía phố quận. Về phố quận, học trường quận, mà nó nghe mẹ nó nói: an toàn hơn. Dòng sông như ngày nào vẫn chảy sau nhà nó, có khi mưa lũ, nước chảy mạnh xoáy vào phía bờ bên kia làm cho dòng nước đục ngầu. Dòng sông như gần gũi với nó hàng ngày.

Chiều nào cũng vậy, nó giúp mẹ nó gánh nước từ dưới sông đi lên. Bây giờ không có nó, mẹ nó phải cáng đáng hết mọi việc. Vừa đi, nó vừa hỏi mẹ nó:
“ Con đi, ai giúp mẹ gánh nước tắm heo? ”
“ Thì con cứ lo học đi, việc đó để cho mẹ lo. ”
“ Mẹ cẩn thận đó . Bậc cấp lên xuống bến sông dễ trơn lắm. Không có con ở nhà lo đâu. ”

Bà nghe nó nói, vừa đi vừa nhìn nó. Bà nghĩ: phải chi không có chiến tranh, có lẽ bà cũng có chút hạnh phúc trong cái xã nhỏ bé này. Chồng bà không chết khi trụ sở xã bị giựt sập. Bà nhớ, đêm đó một tiếng nổ làm cả xóm thức giấc, một ngọn lửa sáng lên từ phía bến đò, bà đã biết trụ sở đã bị phá sập. Ngày nào cũng vậy, sau buổi cơm chiều, chồng bà cùng vài người khác lại phải ôm mền đi ngủ. Chỉ có chỗ an toàn duy nhất là trụ sở xã, bao nhiêu người cũng về đó ngủ qua đêm. Không ai dám ngủ ở nhà vì sợ chết giống như ông Bảy Khang, cán bộ thông tin xã. Hôm đó ở nhà ông có đám giỗ, bạn bè trong xóm tới ăn nhậu, ông uống hơi nhiều rượu, tối mệt không ôm mền đi lên xã ngủ như mọi đêm. Vậy mà sáng hôm sau người trong xóm không thấy ông đâu. Đến khi thấy ông thì chỉ còn bộ xương bên cánh rừng. Vợ con đem xác ông về chôn trong khu đất. Chôn cất ông xong, một mảnh giấy dán trước cửa nhà, đe dọa. Gia đình ông Bảy Khang sợ quá đi qua bên kia sông, về phố quận.

Bây giờ tới phiên nó, mẹ nó cũng đưa nó qua bên kia sông để tìm chút an  toàn trong khu phố quận để cho nó học hành. Nhiều ý nghĩ lẩn quẩn trong đầu nó. Về phố quận có an toàn không? Tới đó nó sẽ gặp lại thằng bạn của nó, con bác Bảy Khang , thằng Trung mà ngày ngày hay đi bắt những con rạm ngoài đồng khi còn ở trong xóm với nó. 

Đang suy nghĩ thì nghe mẹ nó hối:
“ Đi lẹ lên con. Chỗ này vắng lắm. ”
“ Cuối tuần con về với mẹ được không? ”
“ Xem có lính không hãy về. Mà thôi, con cứ ở trên đó mà học. ”
“ Gần thôi mà, mẹ. ”
“ Xa, chứ gần gì. Cũng hơn hai cây số. ”
 “ Con chạy bộ được mà. ”
“ Nhưng phải xem có an ninh không đã. ”

Con đường về phố quận không xa. Nhưng hai mẹ con đi hoài chưa thấy tới.

oOo

Khác với những ngày nó ở xã, nó cùng với những đứa bạn đứng xem cái bảng thông báo là sẽ có đánh nhau. Nhưng rồi không thấy. Hôm nay, nó lại đứng nghe mấy ông tài xế xe lam nói về trận đánh hai hôm nay trên miệt Gò Bồi. Nó đứng xớ rớ không muốn đi để nghe nói về trận đánh lớn, mà đã hai ngày nay nhiều người bàn tán. Ngay cả ông cậu của nó cũng bàn ra bàn vô về hai ngày này. Chợ búa càng thêm ế ẩm, làm mợ nó không buôn bán gì được bao nhiêu.

Nhiều người nói về trận đánh trên miệt Gò Bồi đã cắt ngang con đường dẫn về quận làm cho mấy ông tài xế xe lam không thể chạy được, cũng như mấy gia đình có hàng quán bán ngoài chợ. Họ lo đủ thứ. Một ông tài xế thấy nó đứng nghe chăm chú, đưa tay véo lỗ tai nó, hỏi:
“ Mày làm gì đứng đây. Thằng nhóc. Lấy tin hả. ”
“ Dạ, đâu có. ”

Người tài xế khác nói:
“ Bắt nó giao cho cảnh sát. Tôi nghi cái lũ này. ”

Nó nghe nói, bắt giao cho cảnh sát, nó sợ bỏ chạy.

Một ông tài xế xe lam chạy theo bắt nó lại, nó sợ chạy luồn vô trong xóm, trốn về nhà. Về nhà nó nói lại cho cậu nó nghe. Cậu nó dặn:
“ Lần sau không có dại lẩn quẩn những nơi đó nữa.Họ tưởng mày làm nội thành cho những người trên rừng thì tàn đời. ”
Những sáng hôm sau đó, nó không dám đi ngang qua bến xe lam để tới trường. Nó phải đi vòng về phía sân vận động để tránh những ông tài xế nghi ngờ nó. Tới trường nó kể lại cho thằng Trung và mấy đứa bạn nó nghe. Có thằng rành việc người lớn, nói:
“ Thời buổi này dễ chết lắm. Chụp mũ là toi đời, nghe mậy. ”
Nhưng những tiếng súng trên miệt Gò Bồi vẫn vọng về phố quận, các cô thầy hình như cũng không muốn dạy. Sáng tới trường là bàn tán về trận đánh đó. Có lẽ hôm nay là trận đánh lớn hay sao, như dạo nào nó còn ở với mẹ nó bên kia sông đã thấy dán bảng thông báo. Từ khi nó qua bên này sông để về ở với cậu nó, có hơn 6,7 tháng rồi có nghe trận đánh nào lớn mà người dân phố quận cứ bàn tán mãi như hôm nay.

Buổi sáng như mọi ngày tới trường, đám bạn nó lại rủ nó đi về phía chợ tới nghe những ông tài xế xe lam nói về trận đánh . Ông nói thế này, ông nói thế khác, mà thế nào cũng nghe hay, chẳng khác nào như thuở nhỏ nó thích nghe mẹ nó kể chuyện Tấm Cám cho nó nghe. Nhưng nó lại sợ mấy ông tài xế thấy nó, rồi nghi ngờ nó. Thằng Trung bạn nó nói: mày đừng sợ, có tao. Rồi tụi nó lại bu quanh những ông tài xế xe lam. Nó nghe nói là xe bây giờ không chạy trên con hương lộ nửa mà phải chạy vòng qua con đường khác ngang qua Thánh Thất Cao Đài, nơi đó dễ bị bắn sẻ, nếu không có lính mở đường. Tụi bạn nó nghe nói chẳng biết Thánh Thất ở đâu, trên đường nào, nhưng nghe thì vẫn thấy thích nghe. Một ông tài xế lấy chân  đạp thằng bạn nó, rồi chửi thề:
“ Đ. M sao không đi học còn đứng đây. ”
“ Bộ lấy tin tức hả ? ”
“ Tao bẻ giò hết bây giờ, ở đó mà lấy tin. ”

Đám tài xế lại quay sang những đứa học trò chĩa mũi dùi chửi bới. Thằng bạn của nó bị đạp một cái quá đau. Nó quay lại cự nự:
“ Sao ông đạp tui. ”

Một ông tài xế khác, quay lại đám tụi nó, nói:
“ Thôi đi học đi mấy thằng nhóc. Nhất quỷ, nhì ma, thứ ba là tụi mày. ”

Khu phố quận bắt đầu ồn ào trên một đoạn ngắn phía trước chợ khi có những tiếng nổ làm rền vang khu phố. Tiếng nổ nghe rất gần. Có người nói:
“ B 52 tới ném bom tụi bay ơi. ”
“ Sao ông biết là B 52? ”
“ Nghe lính nói. Nó thả từng dây dài như rải đậu.
Kiểu này chắc Gò Bồi nát thành cám. ”

Để rồi chỗ nào cũng vậy, bàn tán nhiều cũng là mấy ông tài xế xe lam. Buổi sáng khu phố trước chợ ồn ào một đỗi cho đến khi chợ búa giãn dần sau 10 giờ sáng. Nhưng buổi chiều thì khác hẳn, mới khoảng 5 giờ chiều thôi thì những nhà trong khu phố lo đóng cửa im ỉm. Có vài ba nhà chỉ còn mở cửa he hé.

oOo

Mấy ngày nay nhà trường dùng làm nơi để cho những người từ Gò Bồi về tạm trú sau trận đánh . Thằng Ân xin phép cậu nó trở về bên kia sông thăm mẹ. Buổi sáng nó đi thật sớm để về kịp tới nhà khi mặt trời lên.

Đoạn đường dài khoảng hơn hai cây số vắng hoe. Nó lầm lũi đi dọc bờ sông , có cái gì lành lạnh sau cột xương sống. Nó đi cho nhanh không dám nhìn dòng sông hay những bụi bờ cỏ dại mọc bên đường. Nó mong cho mau tới bến đò, để chờ có đò về nhà sớm.

Bến đò chỉ có vài ba người chờ đợi. Đò còn bên kia sông, nó ngồi xuống trên thân cây dừa ngã đổ bên bờ sông nhìn những chân cầu nhô lên khỏi mặt nước sông buổi sáng, khẳng khiu trông thật cô quạnh. Nhìn qua bên kia sông, chẳng xa bao nhiêu, ngôi trường nơi bến đò mà trước đó nó cùng với bạn bè tới học, mỗi khi có lính lên. Bây giờ bỏ hoang, sân trường  như muốn chìm trong lớp cỏ tranh mọc cao tới đầu gối. Hình như chẳng có ai ngó ngàng tới. Buổi sáng, ngồi nơi bến sông chờ đò ngang, nó nghe thấy một chút gì yên ổn lạ lùng.

Phải chi xã có an ninh, nó ở bên mẹ nó. Những ngày rồi cũng qua đi. Trường quận cũng trả lại cho trường quận. Những người dân tạm cư trên miệt Gò Bồi không còn tạm trú trong ngôi trường nữa. Họ đã được về sống trong khu định cư mới thành lập bên cạnh sân vận động. Những dãy nhà tôn ngang dọc, sáng lấp lánh mái tôn mới toanh dưới ánh nắng mặt trời. Sinh hoạt trong khu phố quận trở lại bình thường. An ninh có phần tương đối. Cuối tuần nào, nó cũng về thăm mẹ nó nơi cái xã ven rừng, bên kia sông.

Buổi sáng, thức dậy sớm, nó nghe có những tiếng ồn ào từ khu phố chợ. Người lớn và lũ trẻ con đang bu quanh thành một đám đông trên khu đất trống trước chợ. Nơi thường hay có những người đi bán thuốc dạo “ sơn đông mãi võ ” tới bán thuốc cho dân trong quận. Họ thường hay làm những trò mà người lớn cũng như con nít đều ưa thích. Nhất là trò múa võ, hay con khỉ biết đánh trống , đu dây, cầm nón đi xin tiền. Những lần như thế họ đánh trống, đánh phèn la inh ỏi, liên hồi, như thôi thúc người dân trong khu phố quận tới cho đông. Nhưng sáng hôm nay, không có những tiếng trống, tiếng phèn la đó, mà lại có nhiều người tới, vây quanh. Nó lẻn vào đám đông thì nhìn thấy hai cái xác người được lính kéo về bỏ trên mảnh đất đó tự khi nào, có lẽ từ tảng sáng sớm. Hai cái xác như chết từ đầu hôm, bị bắn banh ngực: một lớn, một nhỏ. Trên người chỉ có một cái quần cụt ngắn. Nó nhìn cái xác chết nhỏ nó muốn la lên, nhưng rồi nó kịp im lặng. Cái xác chết đó là thằng bạn nó, khi nó còn ở bên kia sông học chung với nó một trường. Thằng Thìn, chẳng lẽ nó là du kích?

Đám người một lúc một đông thêm. Họ đứng vòng trong vòng ngoài bàn tán. Những tiếng vo ve của những con ruồi xanh đánh hơi nghe thấy mùi máu tanh, bay đến trên hai cái xác đó.

Mặt trời lên, rọi những tia nắng xuống trên hai cái xác chết cứng khô. Có người nói:
“ Có ai làm ơn làm phước đem đi chôn đi. Để đó xem sao đặng. ”


Thằng Ân ra khỏi đám đông. Nó suy nghĩ: thằng Thìn, cái thằng hiền khô mà lại là du kích. Ở đằng góc chợ, nơi trước cổng trường học của nó, chiếc xe lam phóng thanh của quận đang phát thanh một bài hát về lính. Tiếng hát được phóng đại qua hai cái “ haut parleur ” đặt trên mui xe. Nó nghe rõ tiếng hát: “ Anh là lính đa tình.... ” Rồi nó lầm lũi đi về phía những dãy nhà tôn mới cất, ở gần sân vận động ./.

Phạm Văn Nhàn