Sunday, May 21, 2017

290. ÔNG CỤ MILON Truyện ngắn Guy de Maupassant - Bản dịch của THÂN TRỌNG SƠN





       Từ một tháng nay, mặt trời to lớn đổ xuống cánh đồng ánh nắng như thiêu như đốt. Cuộc sống rạng rỡ nở bừng dưới trận mưa lửa đó. Mặt đất là một mảng xanh mênh mông ngút ngàn.Bầu trời xanh thẳm tít tận đường chân trời. Các nông trại vùng Normandie rải rác trên cánh đồng nhìn từ xa trông như những cánh rừng nhỏ, vây quanh bởi hàng rào cây dẻ gai cao vút. Tới gần, khi mở tấm rào bị mọt ruỗng, tưởng chừng như nhìn thấy một khu vườn khổng lồ, vì tất cả những cây táo cổ thụ, cũng khẳng khiu như những nông dân, đều đua nhau trổ hoa. Những thân cây đen già cỗi, cong queo, vặn vẹo, chạy thẳng hàng dọc theo sân, bày ra dưới trời xanh vòm hoa rực rỡ, trắng hồng. Mùi hương dễ chịu của hoa nở  quyện vào mùi gây gây của những chuồng bò mở ngỏ và quyện vào hơi đống phân đang dậy mùi, với bầy gà mái bên trên.
       Bấy giờ là giữa trưa. Cả gia đình đang dùng bữa dưới bóng cây lê trồng trước cửa: ông bố, bà mẹ, bốn  đứa con, hai chị giúp việc, ba người đầy tớ trai. Không ai nói gì với nhau. Mọi người ăn xúp, rồi mở nắp đĩa đựng món hầm đầy khoai tây nấu mỡ.
      Thỉnh thoảng một chị giúp việc đứng dậy đi vào hầm rượu rót đầy hũ rượu táo.
       Chủ nhân, một gã cao to trạc tứ tuần, ngắm nghía một cây nho trơ trụi, trồng sát nhà, và chạy vằn vèo như con rắn, dưới các cửa sổ, suốt dọc men tường. Cuối cùng, ông nói: " Cây nho của cha năm nay ra lộc sớm. Chắc sẽ sai quả đấy! "
       Bà vợ cũng quay lại nhìn, không nói gì.
       Cây nho này trồng đúng vào chỗ ông cụ đã bị bắn chết.

       Chuyện xảy ra vào thời chiến tranh 1870 (1). Quân Phổ chiếm cả nước.  Tướng Faidherbe, với binh đoàn phương Bắc, đương đầu với bọn chúng.
       Bấy giờ, bộ tham mưu quân Phổ đóng ở nông trại này. Người nông dân chủ trại, cụ Pierre Milon, đã tiếp nhận chúng và cố thu dọn chỗ ở cho chúng.
       Từ một tháng nay, đội tiền quân của Đức dò xét tình hình trong làng. Quân Pháp bất động ở cách đó 10 dặm (2), vậy mà đêm đêm vẫn có những kỵ binh xung kích mất tích.
       Tất cả những trinh sát lẻ, bọn được phái đi tuần, mỗi lần đi nhóm hai hay ba tên thì chẳng bao giờ thấy trở về. Sáng ra, người ta nhặt được xác chúng trong cánh đồng, sát rìa sân hay dưới hào. Ngay những con ngựa của chúng cũng nằm phơi thây dọc đường cái, cổ họng bị chém đứt. Những cuộc sát hại này dường như do   cùng một số người làm mà không sao phát hiện được là ai.
       Cả vùng bị khủng bố. Chúng đem bắn những nông dân qua lời tố cáo suông, chúng bắt giam các phụ nữ, chúng muốn hăm doạ trẻ em cho khiếp sợ mà nói ra. Nhưng chúng vẫn không khám phá được gì.
       Thế rồi một buổi sáng, người ta tìm thấy ông cụ Milon nằm sóng sượt trong chuồng ngựa, mặt bị chém một vết dài.
       Hai tên kỵ binh xung kích bị đâm thủng bụng được tìm thấy cách nông trại 3 km. Một trong hai tên còn cầm trong tay thanh gươm dính máu. Hắn đã chống cự.
       Ngay lập tức một toà án quân sự được thành lập ở ngoài trời, trước nông trại, ông cụ  bị dẫn tới.
       Ông đã 68 tuổi.  Người nhỏ bé, gầy gò, hơi vẹo, hai bàn tay to giống như hai càng cua. Tóc ông nhàn nhạt, thưa thớt và phất phơ như lông tơ vịt non, để lộ da thịt trên đầu. Nước da xám và nhăn ở cổ lộ ra những mạch máu lớn chạy ẩn vào dưới quai hàm rồi lại hiện ra ở thái dương. Trong làng ai cũng cho là ông hà tiện và tính toán trong làm ăn.
       Chúng để ông đứng giữa bốn tên lính, trước cái bàn lấy từ trong bếp ra. Năm tên sĩ quan và tên đại tá ngồi trước mặt ông.
       Tên đại tá cất giọng nói, bằng tiếng Pháp:
       - Cụ Milon, từ khi chúng tôi đến nơi đây, chúng tôi luôn thấy hài lòng về cụ. Cụ lúc nào cũng tỏ ra hay giúp đỡ và rất chu đáo với chúng tôi. Nhưng hôm nay cụ bị cáo buộc một chuyện ghê gớm lắm và mọi việc cần phải sáng tỏ. Vết thương trên mặt cụ là do đâu vậy?
      Người nông dân không trả lời.
      -  Sự im lặng là lời buộc tội cụ đấy, cụ Milon ạ! Nhưng tôi muốn cụ trả lời, cụ nghe rõ chưa? Cụ có biết ai đã giết hai người kỵ binh mà sáng nay người ta tìm thấy gần đồi Thánh giá không?
       Ông lão trả lời rành rọt:  
       - Chính tôi!
       Tên đại tá, sững sờ, nín thinh một giây, chăm chú nhìn người tù. Ông cụ Milon tỏ ra thản nhiên, vẻ ngây dại nhà quê, mắt cúi nhìn xuống như khi nói chuyện với cha xứ. Chỉ có một điều cho thấy sự bối rối bên trong là ông cứ nuốt nước bọt liên tiếp, với sự gắng sức thấy rõ, tuồng như cuống họng đang bị bóp nghẹt.
        Gia đình ông cụ, Jean con trai, con dâu, hai đứa cháu nhỏ, đứng lùi sau mười bước, kinh hãi, rụng rời.
       Tên đại tá lại nói:
       - Cụ có biết ai đã giết tất cả các trinh sát của chúng tôi mà từ một tháng nay cứ sáng đến mới tìm thấy xác ngoài đồng không?
       Ông cụ trả lời, vẫn với cái vẻ thản nhiên ngây dại:
      - Tôi đấy!
      - Cụ đã giết tất cả?
      - Tất cả, phải, chính tôi.
      - Một mình cụ?
      - Một mình tôi.
      - Cụ hãy nói cho tôi biết làm sao mà cụ giết được?
       Lần này ông cụ tỏ ra xúc động, ông lúng túng vì cần phải nói dài. Ông ấp úng:
      - Tôi biết sao được? Việc đến thế nào tôi cứ vậy mà làm thôi.
       Tên đại tá lại nói:
      - Tôi báo cho cụ biết là cụ phải kể hết cho tôi nghe. Tốt nhất là cụ quyết định ngay đi. Cụ bắt đầu thế nào?
      Ông cụ đưa mắt ái ngại nhìn gia đình đang chăm chú nghe đằng sau. Ông do dự một lát rồi bất chợt quyết định: 
      - Một buổi sáng tôi trở về nhà, lúc đó chừng đã mười giờ, sau hôm các ông đến đây. Ông, rồi binh lính của ông, đã lấy của tôi hơn năm mươi đồng cỏ khô với con bò cái và hai con cừu. Tôi tự nhủ:  Chúng mày lấy của tao bao nhiêu lần hai mươi đồng, tao sẽ buộc chúng mày trả lại chừng ấy mạng cho mà xem! Và rồi tôi còn nhiều chuyện khác nữa, tôi sẽ nói cho ông nghe. Thế rồi tôi thấy một anh lính kỵ mã của các ông đang rít tẩu thuốc trên bờ hào, sau vựa cỏ của tôi. Tôi đi lấy cái lưỡi hái và rón rén trở lại phía sau, hắn chẳng nghe thấy gì. Và tôi chém đứt đầu hắn, chỉ một nhát thôi, như phát một bông lúa, hắn không kịp kêu được tiếng "ối " nào. Ông cứ tìm dưới ao, ông sẽ thấy xác  hắn trong cái túi than, với một tảng đá lấy ở chỗ rào chắn.
      Tôi đã có ý định trước. Tôi lấy hết tư trang của hắn , từ ủng đến mũ, đem giấu kín trong lò thạch cao nơi khu rừng Martin, đằng sau sân.
       Ông già im tiếng. Những tên sĩ quan sững sờ nhìn nhau. Cuộc thẩm vấn lại tiếp tục, và đây là những gì chúng biết được:
       Sau khi hạ sát tên lính xong, ông già sống với ý nghĩ: " Giết bọn Phổ ". Ông căm thù chúng với lòng căm thù ngấm ngầm và mãnh liệt của người nông dân tham lam và yêu nước nữa. Ông đã có ý định của mình như ông nói. Ông chờ thêm vài ngày.
       Ông được  chúng cho  tự do đi lại, vào ra tuỳ thích vì lâu nay vẫn tỏ ra nhún nhường đối với những kẻ thắng trận , phục tùng và hay chiều ý. Ông thấy cứ tối tối là những tên lính liên lạc ra đi, và một tối, ông cũng đi, sau khi nghe được tên cái làng nơi các kỵ binh sẽ tới, trong khi giao dịch với bọn lính ông đã học được một vài tiếng Đức cần dùng.
      Ông ra khỏi làng, lẻn vào rừng, đến lò thạch cao, đi sâu vào con đường hầm và tìm lại bộ quần áo của tên lính chết, ông lấy mặc vào.
      Thế rồi ông bắt đầu đi rình rập qua các cánh đồng, bò men theo bờ dốc để ẩn mình, lắng nghe những tiếng động nhỏ nhất, hồi hộp như người đi săn bắt trộm.
       Khi ông cảm thấy đã đến giờ, ông tiến gần ra đường cái và nấp trong một bụi rậm. Ông chờ đợi. Cuối cùng, khoảng nửa đêm, có tiếng vó ngựa nện trên nền đất cứng. Ông áp tai xuống đất để biết chắc chỉ có một kỵ binh đang đi tới gần và ông chuẩn bị.             
       Tên kỵ binh xung kích  đi lấy công văn về đang phi nước đại.  Y đi tới, mắt trông chừng, tai nghe động tĩnh. Ngay khi y chỉ còn cách mười bước, ông cụ Milon lê ngay ra giữa đường và rên rỉ" Hilfe! Hilfe!  Giúp tôi với! Giúp tôi với!" Tên kỵ binh dừng lại, nhận ra một người Đức bị ngã ngựa, nghĩ là ông ta bị thương, nhảy xuống bước lại gần chẳng chút ngờ vực. Và ngay khi y cúi mình xuống người lạ mặt, y bị lưỡi kiếm dài đâm vào bụng. Y gục xuống, không kịp hấp hối, chỉ giẫy lên vài cái.
      Lúc đó, ông già người Normandie, hớn hở một nỗi vui mừng kín đáo của người nông dân già, bèn đứng dậy, và để thoả ý thích, ông cắt cổ xác chết, lôi nó đến rảnh và đẩy xuống.
      Con ngựa lặng lẽ đợi chủ. Ông cụ Milon nhảy lên yên và phóng nước đại qua cánh đồng.
      Một giờ sau, ông cụ còn thấy hai tên kỵ binh xung kích đi hàng đôi trở về doanh trại. Ông tiến thẳng tới chúng, miệng lại kêu: " Hilfe! Hilfe! " . Bọn Phổ để ông tới gần, nhận ra bộ quân phục, chẳng ngờ vực gì. Và ông cụ, nhanh như viên đạn vút qua hai tên lính, hạ sát cả hai bằng gươm và súng.
       Rồi ông cắt cổ những con ngựa, những con ngựa Đức. Ông lặng lẽ trở về lò thạch cao, giấu con ngựa ở cuối đường hầm tối tăm. Ông cởi bỏ quân phục, mặc lại bộ quần áo rách rưới rồi trở về giường đánh một giấc tới sáng.
      Trong bốn hôm ông không ra khỏi nhà, chờ cho cuộc điều tra kết thúc, nhưng sang ngày thứ năm, ông lại đi và giết thêm hai tên lính nữa cũng bằng mưu kế ấy. Từ đó ông không dừng lại nữa. Đêm đêm ông rình rập, lang thang đây đó, hạ sát những tên Phổ chỗ này, chỗ kia, phóng nước đại qua những cánh đồng hoang, dưới ánh trăng, làm tên kỵ binh xung kích lạc lối, kẻ đi săn người. Rồi khi xong việc, bỏ lại đằng sau những xác chết nằm dọc đường, tay kỵ sĩ già trở về giấu kín con ngựa và bộ quân phục ở phía bên trong cùng lò thạch cao.
      Khoảng giữa trưa, ông bình tĩnh đem lúa mạch và nước uống cho con ngựa ở trong đường hầm, ông nuôi nó tận tình vì cần nó làm việc nhiều.
      Nhưng hôm qua, một trong những tên bị ông tấn công đã thủ thế và chém một nhát vào mặt ông. Tuy nhiên ông cũng đã giết được cả hai tên.
      Ông lại trở về, giấu con ngựa và lấy lại bộ quần áo tồi tàn của mình, nhưng rồi trên đường về, ông bị đuối sức, cố lết về chuồng ngựa và không sao về đến nhà.
      Người ta đã tìm thấy ông như thế, người bê bết máu, nằm trên đống rơm.
      Kể xong chuyện, ông chợt ngẩng cao đầu kiêu hãnh nhìn đám sĩ qua Phổ.
      Tên đại tá vuốt râu mép hỏi ông:
      - Cụ không còn gì để nói nữa chứ?
      - Không, chả còn gì, tính toán sòng phẳng rồi đấy, tôi giết cả thảy 16 tên, không hơn, không kém.
      - Cụ có biết sắp phải chết không?
      - Thì tôi có xin các ông tha đâu!      
      - Trước đây cụ có đi lính không?
       - Có, hồi xưa, tôi có ra trận. Và rồi, chính các ông đã giết cha tôi là lính của Hoàng đế đệ nhất. Chưa kể là các ông đã giết François, con thứ của tôi, mới tháng trước đây, ở gần Eineux. Tôi đã mắc nợ các ông, nay tôi đã trả rồi. Thế là chúng ta thanh toán xong nợ nần.
      Bọn sĩ quan nhìn nhau.
      Ông già nói tiếp:
      - Tám đứa cho cha tôi, tám đứa cho con tôi, thế là xong nợ. Tôi đây, tôi không đi tìm các ông để gây sự! Tôi không biết các ông là ai! Thế mà các ông đến ở nhà tôi, ra lệnh y như đang ở nhà các ông vậy. Tôi đã trả thù vào các đứa khác. Tôi không ân hận gì.
      Và, ưỡn thẳng thân hình còn đau ê ẩm, ông già khoanh tay trong tư thế một người anh hùng bình dị.
      Bọn Phổ nói nhỏ với nhau hồi lâu. Một tên đại uý mới mất con trai tháng trước bênh vực ông lão nghèo khổ cao cả ấy.
      Tên đại tá đứng dậy, tiến gần đến cụ Milon, hạ giọng:
      - Này, ông già, có lẽ chỉ còn một cách giúp ông thoát chết, đó là...
      Nhưng ông cụ không thèm nghe, mắt nhìn thẳng tên sĩ quan thắng trận, trong khi gió phất phơ những sợi lông tơ trên đầu, ông nhăn mặt một cách ghê sợ khiến khuôn mặt gầy gò đang còn vết chém co rúm lại, và rồi, căng phồng ngực, ông lấy hơi nhổ thẳng vào mặt tên Phổ.
      Tên đại tá kinh hoảng giơ tay lên và ông cụ lại nhổ vào mặt hắn lần thứ hai.
      Tất cả bọn sĩ quan đứng hẳn dậy và đồng loạt ra lệnh.
      Chưa tới một phút sau, ông cụ, vẫn bình thản, bị áp sát vào tường và bị bắn, trong khi vẫn mỉm cười với Jean, con trai đầu, với con dâu và hai đứa cháu nhỏ, tất cả đang đứng nhìn, kinh hoàng.
   
THÂN TRỌNG SƠN dịch
nguyên tác : Le père Milon.
__________________________

(1) Tức là Chiến tranh Pháp - Phổ ( 19 tháng 7 năm 1870 - 10 tháng 5 năm 1871 ). Ngày 19-7-1870 là ngày Pháp chính thức tuyên chiến với Phổ. Ngày 10-5-1871 là ngày ký Hiệp định Franfurt, kết thúc chiến tranh. Chế độ quân chủ Pháp cáo chung ( Đế chế II ), nền Đệ tam Cộng hoà ra đời.

   Maupassant có tham gia cuộc chiến tranh Pháp - Phổ, sauđó có viết nhiều truyện ngắn về đề tài này ( Boule de suif, Mademoiselle Fifi, Deux amis ... ), trong đó, ông lên án bọn xâm lược, đồng thời phê phán tầng lớp thượng lưu, quý tộc, chỉ biết quyền lợi riêng, không quan tâm đến số phận dân tộc.

(2) Lieue, đơn vị chiều dài cũ, bằng 4.444 m.