Gửi Nhóm Bạn Cửu Long
Khi mà cố đô Luang Prabang có thêm một
cây cầu, một nhà ga và một giang cảng "Made in China" thì khu Di Sản
Thế Giới ấy sẽ mau chóng trở thành một "Phố Tàu - China Town" và thêm
con Domino đổ xuống với cái giá phải trả là một nước Lào bị Hán hóa.
MƯỜNG LUÔNG KHU DI SẢN VĂN HOÁ
Cách đây 75 năm, nữ sĩ Vân Đài (1903-1964), trong một tập
bút ký Sang Lào đã có nét hoạ chấm phá về Mường Luông - Luang Prabang, cố đô
vương quốc Lào qua bốn câu thơ:
Chuông chiều ngân trong gió
Tháp núi ẩn màn sương
Lầu vua thu bóng nhỏ
Chùa bụt lạnh hơi sương...
[Vân Đài, 1942]
[Vân Đài, 1942]
Luang Prabang bao gồm rất nhiều cảnh quan văn hoá và lịch sử
của Lào, thu gọn trên một khu đồi núi phủ cây xanh như một bán đảo nơi giao
nhau của hai con sông: sông Mekong và sông Nam Khan, một phụ lưu lớn của con
Sông Mekong, nơi có ngôi mộ Henri Mouhot (1826-1861) người tái phát hiện khu đền
đài Angkor và cũng là người Pháp đầu tiên tới kinh đô Luang Prabang được Vua
Lào Tiantha tiếp đón trọng hậu. Cố đô Luang Prabang cách thủ đô Vạn Tượng 425 km về phía Bắc. [Hình 2a]
Hình 1a: Luang Prabang với Hoàng Cung
xưa
trên con đường Phothisaratvà nay là Viện
Bảo tàng Quốc gia Lào
[photo by Ngô Thế Vinh]
Được chọn là khu Di Sản Thế Giới / World Heritage site từ
1995, cố đô Luang Prabang đã được bảo vệ bằng những quy định khá khắt khe của
UNESCO, trước trào lưu đổi mới và kinh tế thị trường đang diễn ra trên toàn nước
Lào.
Khác xa với thủ đô Vạn Tượng ở phía nam đang mau chóng bị đô
thị hoá, cố đô Luang Prabang chưa bị tràn ngập và nhấn chìm bởi những bảng hiệu
quảng cáo và các khách sạn cao tầng.
Nhưng di sản văn hoá quý giá ấy còn tồn tại được bao lâu nữa
khi đang phải đối đầu với các dự án thương mại của Trung Quốc trên Sông Mekong:
song song với kế hoạch phá đá phá các khúc sông ghềnh thác, Trung Quốc có dự án
xây dựng một giang cảng nơi cố đô Luang Prabang.
Cho đến nay,
Luang Prabang là nơi tương đối còn bảo tồn được một cảnh quan lịch sử có tính
cách hài hoà của cả hai thời kỳ: văn hoá truyền thống cổ xưa của Vương quốc Lào
và văn hoá thuộc địa từ thế kỷ 19 với các công trình kiến trúc từ thời Pháp,
nên là một tụ điểm du lịch hấp dẫn của đất nước Lào. [Hình 1b]
Chỉ ít năm gần đây thôi, như một hiện tượng là lượng khách
du lịch người Tàu ngày càng đông tràn xuống các nước hạ lưu Mekong: Việt Nam,
Miến Điện, Thái Lan, Cam Bốt, và đông nhất là vào xứ Lào.
Qua chuyến viếng thăm Luang Prabang mới đây,
nhà văn Tưởng Năng Tiến đã bén nhạy ghi lại một hoạt cảnh: "Người Tầu bây giờ có
kiểu du lịch lạ lắm. Từ Vân Nam, họ đi xe van có trang bị lò nấu ăn, mền
gối và bô đi cầu. Sáng sớm nhìn du khách Tầu thản nhiên đứng đánh răng, và
cho con nít ngồi bô giữa công viên... Em cầm máy hình, ngần ngừ một lát
rồi lặng lẽ bỏ đi mà lòng buồn muốn khóc, anh à. Bên cạnh nhà trọ của
em là một tiệm rượu của một gia đình Việt Nam. Bà chủ than phiền là người
Tầu đang làm hỏng thành phố này." [Email Tưởng Năng Tiến 11.06.2017]
Hình 1b: Văn hoá thuộc địa thế kỷ 19 với
các công trình kiến trúc
từ thời Pháp vẫn tồn tại hài hoà với
nét văn hoá cổ xưa
của Lào nơi cố đô Luang Prabang. [nguồn:internet]
GIANG CẢNG LUANG PRABANGMADE IN CHINA
Tiếp theo Dự án Cải thiện
Thuỷ lộ Thượng nguồn sông Mekong (2001) và rồi tới Dự án Mười Năm Phát triển Thuỷ vận Quốc tế trên Sông Lancang-Mekong
(2015-2025); Trung Quốc nay có thêm kế hoạch xây dựng một giang cảng thương
mại trên khúc Sông Mekong nơi cố đô Luang Prabang, nơi sẽ có khả năng đón nhận
những con tàu hàng lớn từ các giang cảng Tư Mao / Simao, Cảnh Hồng / Jinhong
Vân Nam có trọng tải 500 tới 700 tấn.
Còn phải kể thêm một dự án đường sắt dài 420 km đã được khởi
công từ tháng 12 năm 2016 nối liền các thành phố tây nam Trung Quốc, từ Vân Nam
xuống tới Luang Prabang, và xuống xa tới thủ đô Vạn Tượng, dự trù hoàn tất vào
năm 2021 tổn phí 6 tỉ MK với 70% là sở hữu của Công ty Đường sắt nhà nước TQ,
cũng để phục vụ nhu cầu gia tăng chuyên chở hàng hoá và hành khách từ TQ đổ xuống
phương nam, được xem là nhanh hơn cả đường sông. (1)
Hình 2a: Luang Prabang nơi giao nhau của
sông Mekong
và sông Nam Khan, một phụ lưu lớn của
con Sông Mekong,
[nguồn:Laos Footprint Handbook]
Hình 2b: Ban Phanom cách Luang Prabang
5 km về hướng đông,
bên bờ sông Nam Khan có ngôi mộ Henri
Mouhot (1826-1861)
người Pháp đầu tiên tới Luang Prabang
được Vua Lào Tiantha tiếp đón trọng hậu.
[nguồn: tư liệu Ngô Thế Vinh]
Hình 2c: Cố đô Luang Prabang, được tổ
chức UNESCO chọn là
khu Di Sản Thế Giới / World Heritage
site từ 1995:
trong vòng tím là khu bảo tồn, vòng đỏ
ngoài là khu đệm.
[nguồn: tài liệu UNESCO]
Thử tìm hiểu về dự án giang cảng Luang Prabang ấy ra sao?
Như từ bao giờ,
Trung Quốc luôn luôn không có sự minh bạch / transparency về bất cứ dự án nào với
các quốc gia Mekong láng giềng. Một ví dụ: TQ đã từng dấu nhẹm thông tin về các
con đập thuỷ điện bậc thềm Vân Nam trên khúc Sông Lancang-Mekong thượng nguồn.
Vẫn là "bài học chưa học / unlearned
lessons" với 7 quốc gia trong lưu vực. [Tây Tạng phải được kể là một
quốc gia trong lưu vực sông Mekong.]
Khi mà cố đô Luang Prabang có thêm một cây cầu, một nhà ga
và một giang cảng Made in China thì
khu Di Sản Thế Giới ấy sẽ mau chóng trở thành một "Phố Tàu - China Town" và con Domino đổ xuống với cái giá
phải trả là một nước Lào bị Hán hóa / 漢化
Trong tương lai
Luang Prabang có thể bị mất danh hiệu là Khu
Di sản Thế giới theo Công ước của Liên Hiệp Quốc 1972 [World Heritage
Convention] khi mà khu bảo tồn được coi như "thánh địa lịch sử văn
hoá" của Lào bị xoá sạch và thay thế bởi những khu phố thương mại chồng chất
những bảng hiệu tiếng Tàu với đông đảo cộng đồng người Hoa đổ tới mang theo cả
những kiến trúc đậm nét văn hoá Tàu.
MỞ MỘT THUỶ LỘ TRÊN SÔNG MEKONG
Cách đây 151 năm,
thời còn hoang dã một đoàn Thám hiểm Pháp/ Mekong Expédition do Doudart De
Lagrée và Francis Garnier khởi hành từ bến Cảng Sài Gòn [1866-1868] ngược dòng
sông Mekong trong một cuộc hành trình gian khổ 2 năm 24 ngày nhằm đi tìm một thuỷ
lộ giao thương với Vân Nam nhưng đã gặp những khúc sông quá nhiều ghềnh thác
nên phải đi tới kết luận: Sông Mekong không thể là thuỷ lộ giao thương với
Trung Hoa.
Ngót hai thế kỷ
sau thất bại của đoàn Thám hiểm Pháp, Trung Quốc lại vực dậy "ý tưởng lớn" của Francis
Garnier với kế hoạch táo bạo phá đá phá các khúc sông ghềnh thác trên sông
Mekong với quyết tâm mở một thuỷ lộ Mekong đi về phương nam.
Hình 3: Đoàn Thám Hiểm Pháp [1866-1868]
khi ngược dòng Mekong
luôn luôn gặp phải những khúc sông ghềnh
thác khiến họ tiêu tan hy vọng
dùng con sông Mekong như một thuỷ lộ giao
thương với Trung Hoa.
[nguồn: Voyage d'exploration en
Indo-Chine, Francis Garnier, Paris1885]
Giai đoạn Một 2001:
TQ đã rất liều lĩnh dùng nhiều mìn và
chất nổ để phá những khối đá trên 21 đoạn ghềnh thác cùng với các cù lao và cồn
bãi / shoals trên khúc Sông Mekong thượng nguồn từ Vân Nam xuống tới ranh giới
Miến Điện - Lào và Lào - Thái nhằm thực hiện "Dự
Án Cải Thiện Thuỷ Lộ Thượng Nguồn Sông Mekong / Navigation Channel Improvement Project
on the Upper Mekong River" khai thông lòng sông cho những con tàu trọng
tải từ 500 tới 700 tấn chở đầy hàng hoá TQ có thể xuống tới Chiang Khong,
Chiang Sean Bắc Thái Lan và Lào.
Dự án được ký kết
vào tháng 4 năm 2001 giữa 4 nước Trung Quốc, Miến Điện, Thái Lan và Lào; riêng
Cam Bốt và Việt Nam là hai quốc gia cuối nguồn thì không được đếm xỉa tới.
Theo mô hình của
dự án thì có hàng trăm tấn đá, các cồn bãi trên sông sau khi bị chất nổ phá vỡ
sẽ được các con tàu vét / backhoes dồn xuống những hố sâu dưới lòng sông mà ai
cũng biết những vũng sâu này là nơi trú ẩn có tầm quan trọng sống còn đối với
vô số loài cá và cũng là nơi lưới cá của ngư dân trong mùa khô. Lấp hết các
vũng sông sâu bằng những khối đá vụn sẽ gây ảnh hưởng huỷ diệt ra sao trên cá
và đời sống kinh tế và xã hội của ngư dân là điều không được nhóm Lượng Giá ảnh
hưởng môi sinh / EIA thực sự quan tâm tới.
Và như từ bao giờ, "Kết quả lượng giá ảnh hưởng môi
sinh / EIA / Environment Impact Assessment của dự án phá đá ấy được xem là
không đáng kể." Và dĩ nhiên đã không có phần nghiên cứu ảnh hưởng xuyên biên giới / transboundary
xuống xa tới các quốc gia hạ nguồn như Cam Bốt và Việt Nam.
Theo báo Watershed, một Diễn đàn Môi sinh của cư dân 5 quốc
gia [Miến Điện, Thái Lan, Lào, Cam Bốt, Việt Nam] thuộc lưu vực sông Mekong xuất
bản ở Thái Lan số tháng 11/ 2002 đã phải đưa ra nhận định: "Họ chỉ căn cứ trên có 2 ngày khảo sát thực địa / fieldtrips... rồi
đi tới kết luận rằng Dự án phá đá phá ghềnh thác sẽ không có ảnh hưởng dài hạn
nào trên nguồn cá và ngư nghiệp của cư dân sống hai bên bờ sông Mekong."
Và trước mắt thì quốc gia hưởng lợi nhất từ Dự án này vẫn là nước lớn Trung Quốc
nhưng với cái giá rất đắt phải trả vẫn là cư dân 5 nước hạ lưu sông
Mekong.
Theo tiến sĩ Chris Cocklin và Monique Hain thuộc Viện Đại học
Monash Úc thì bảng lượng giá ảnh hưởng môi sinh / EIA của Dự Án Cải Thiện Thuỷ
Lộ Thượng Nguồn Sông Mekong:"thực chất
là thiếu sót / substantively inadequate và cơ bản là sai trái / fundamentally
flawed." (4)
Thiếu Sót: vì không dựa trên đánh
giá toàn thể và không có phần lượng định ảnh hưởng dài hạn của dự án mà phần tối
quan trọng là ảnh hưởng trên hệ thủy học / hydrology, hệ sinh thái / ecology
của con sông và cả ảnh hưởng do gia tăng số lượng tàu bè lưu thông trên dòng
sông ấy.
Một ví dụ về hệ quả dây chuyền do dự án cải
thiện thủy lộ, sẽ đưa tới gia tăng trao đổi hàng hóa, tạo thuận cho kỹ nghệ
phát triển và hậu quả là gây thêm ô nhiễm. Ảnh hưởng dài hạn ấy ra sao với sức
khỏe của cư dân các quốc gia cuối nguồn là hoàn toàn không được quan tâm tới.
Sai Trái: vì các phân tích chỉ dựa
trên sự phỏng đoán / speculation, với kết luận chủ quan và hoàn toàn thiếu
những bước nghiên cứu có thực chất để rồi vẫn đi tới khẳng định là: “Dự án sẽ
có ảnh hưởng tích cực về kinh tế trong các bước phát triển bền vững của Lưu vực
sông Mekong". Đó chỉ là một kết luận vu
vơ mà không đưa ra được các dữ kiện hay phân tích thuyết phục nào.
HẬU QUẢ NHÃN TIỀN NGAY
GIAI ĐOẠN MỘT
Ngay giai đoạn đầu thực hiện kế hoạch khai
thông sông Mekong, hậu quả tức thời là đã có một số tác hại môi sinh giáng trên
đầu các cư dân sống trong lưu vực. Trong Mùa Mưa năm 2002, tại quận Chiang
Khong tỉnh Chang Rai Thái Lan có nhiều khúc bờ sông vốn bền vững trong bao năm,
nay bị sụp lở. Chỉ riêng làng Pak Ing đã mất đi một mẫu đất do nạn xói mòn này.
Ba ngôi làng kế cận cũng mất 9 mẫu đất cùng với nhiều căn nhà bị trôi xuống
sông. Phía tả ngạn bên Lào, hơn 100 gia đình thuộc làng Don Sawan tỉnh Bokeo phải
di tản vì nguy cơ sụp lở càng lan rộng.
Niwat Roykaek thuộc Nhóm Bảo Tồn tỉnh Chiang
Khong nhận định: “Dân trong vùng sống bằng cá lưới từ sông Mekong và cả sống
bằng hoa màu trồng dọc theo hai bên bờ sông ấy. Con sông là mạch sống của họ
nên cần phải khảo sát thật kỹ càng trước khi khai thác.” (5)
Các nhà hoạt động môi sinh bắc Miến Điện đã
yêu cầu ngưng ngay kế hoạch phá đá trên khúc sông Mekong dài 234 km chảy dọc
theo biên giới phía đông bắc Miến vì khúc sông này vốn là nguồn sống của các sắc
tộc Lahu, Shan, Loi La và En. (2) Và cũng đã có 52 tổ chức phi chính phủ [NGO/ Non
Governmental Organizations] lên tiếng phản đối Dự án Phá Ghềnh Thác sông
Mekong do những tác hại không thể chấp nhận được đối với ngư nghiệp, hệ sinh
thái của con sông như một toàn thể và ảnh hưởng trên cư dân sống dọc con sông.
Họ yêu cầu phải ngưng ngay dự án phá đá khai thông mở rộng dòng sông cho tới
khi nào hoàn tất được các bước lượng giá đúng mức về “hậu quả môi sinh và xã
hội” trên các cộng đồng cư dân sống trong lưu vực.
Giữa hai tháng 03 và 04, 2002 hai khúc ghềnh
đá Tang Ao và Tang Luang đã bị triệt hạ và dân chúng Miến Điện sống trong khu vực
thì hoàn toàn không được thông báo. Họ chỉ được biết khi thấy vô số cá bị chết,
nồi dềnh, trôi giạt và thối rữa không còn ăn được. Ngoài cá, dân địa phương còn
sống bằng nguồn lợi tức của rong tảo (riverweed / kai) mọc trên các ghềnh
đá và nay thì cũng không còn nữa. Vẫn theo kế hoạch trên, thì sẽ có thêm 16 đoạn
ghềnh thác nữa thuộc khu vực bang Shan Bắc Miến Điện và Lào sẽ bị phá hủy vào đầu
năm tới. (2)
Tưởng cũng nên nhắc tới ở đây một khía cạnh
khá mỉa mai là không phải do chính quyền Hà Nội hay Nam Vang, nhưng chính mấy
chục tổ chức nhỏ bé của cư dân Miến Điện chưa hẳn có tự do ấy lại lên tiếng đòi
hỏi quyền sống cho hai nước láng giềng rất xa họ: “Kế hoạch phải có được sự
đồng thuận của tất cả các quốc gia nơi có con sông Mekong chảy qua bao gồm cả
Cam Bốt và Việt Nam”.
TÁC HẠI TẦM XA TRÊN
CAM BỐT VÀ VIỆT NAM
Dự án phá đá, phá các khúc ghềnh thác có những
hậu quả ra sao trước hết là đối với 4 quốc gia thượng nguồn (Trung Quốc, Miến
Điện, Thái Lan và Lào) rồi sau đó là 2 nước hạ nguồn (Cam Bốt và Việt Nam) là
những vấn nạn chưa có lời giải đáp.
Do
cải thiện giao thông đường sông không chỉ giúp gia tăng xuất cảng hàng hóa thặng
dư của TQ đồng thời tạo thuận cho việc khai thác các nguồn tài nguyên của các
quốc gia hạ nguồn.
“Nhưng câu hỏi quan trọng nhất được đặt ra
là những lợi lộc kinh tế ấy và cả cái giá phải trả sẽ được phân phối ra sao đối
với các quốc gia trong lưu vực?” (5)
Trước mắt thì quốc gia hưởng lợi nhất vẫn là
Trung Quốc:
hàng hóa Trung quốc sẽ tràn ngập đổ xuống các tiểu quốc phương Nam, cũng những
con tàu 700 tấn ấy sẽ chuyên trở về Trung Quốc những tài nguyên thiên nhiên từ
Miến Điện Lào Thái Lan để phục vụ cho nền kỹ nghệ đang rất phát triển do có
thêm dồi dào nguồn thủy điện từ những con đập bậc thềm khổng lồ Vân Nam cũng từ
nguồn nước con sông Mekong.
Tây Tạng là nơi phát nguồn con sông Mekong, Trung
Quốc là nước xa nhất trên phía thượng nguồn nên rất ít bị ảnh hưởng do kế hoạch
phá đá phá các khúc ghềnh thác trên sông Mekong. Nhưng kế hoạch đó đã có tác hại
ngay trước mắt trên sinh cảnh và đời sống cư dân của các nước hạ nguồn như Miến
Điện, Thái Lan và Lào, dĩ nhiên còn có ảnh hưởng dây chuyền trên đời sống cư
dân của hai nước ở dưới xa là Cam Bốt và Việt Nam. Sự thay đổi đột ngột nhịp độ
dòng chảy thiên nhiên của con sông Mekong gây hậu quả xói mòn và cả sụp lở bờ
sông, hủy diệt nguồn cá như nguồn protein chính của cư dân sống trong lưu vực.
Đứng trước những tai ương có thể xảy ra, đến
bao giờ thì người dân Việt Nam và Cam Bốt mới được thông báo một cách đầy đủ và
cả quyền được tham gia ý kiến? (4)
Vì gặp phải quá
nhiều chống đối của cư dân địa phương và các tổ chức bảo vệ môi sinh Bắc Thái
Lan nên Dự án Giai đoạn Một đã phải dừng
lại một thời gian.
Giai đoạn Hai 2015:
Nhưng để rồi 14 năm sau, đến tháng 12, 2015 Trung Quốc lại tiếp
tục triển khai kế hoạch phá đá phá ghềnh thác trên sông Mekong, và nay có tên Dự
án Mười Năm Phát triển Thuỷ vận Quốc tế
trên Sông Lancang-Mekong / Development
Plan for International Navigation on the Lancang-Mekong River (2015-2025).
Đây không chỉ nhằm
gia tăng trao đổi thương mại mà Bắc Kinh còn có tham vọng củng cố thêm ảnh hưởng bao
trùm lên toàn vùng với sáng kiến chiến lược "Một Vòng Đai, Một Con Đường /
One Border One Road / OBOR Initiative".
Và Dự án vẫn chỉ được tham khảo giữa 4 quốc gia thượng nguồn:
Trung Quốc, Lào, Thái Lan, Miến Điện trong khi quốc gia hạ nguồn là Cam Bốt và cuối
nguồn là Việt Nam thì không được đếm xỉa tới cho dù bị ảnh hưởng nặng nề nhất và
vẫn chưa thấy tiếng nói phản đối mạnh mẽ lẽ ra phải có từ hai quốc gia Việt Nam
và Cam Bốt.
Hình 4: Ngày 19.04.2017, các kỹ sư địa
chất Trung Quốc
trên con tàu khảo sát cho Dự án phá đá
Giai đoạn Hai,
khai thông khúc sông Mekong giữa biên
giới Lào-Thái.
[nguồn: Reuters/ JorgeSilva]
Vào ngày
19.04.2017, chỉ mới đây thôi, 60 kỹ sư Đại Hán trên 3 con tàu từ Trung Quốc đã thực
hiện cuộc khảo sát Giai đoạn Hai Dự án 10
Năm Phát triển Thuỷ vận Quốc tế trên Sông Lancang-Mekong sẽ tiếp tục phá hết
các khối đá trên các khúc sông ghềnh thác trên suốt 890 km đường sông từ giang
cảng Tư Mao Vân Nam xuống Chiang San, Chiang Khong Bắc Thái, xuống xa tới cố đô
Luang Prabang của Lào.
Một viên kỹ sư Tàu không muốn nêu tên cho biết: công việc của
họ nằm trong đại dự án "Một Vòng Đai
Một Con Đường / One Belt One Road" nhưng trên thực tế thì kế hoạch phá
đá phá ghềnh thác trên Sông Mekong đã có trước đó. (2)
Thực chất với
TQ, thì kế hoạch khai thông sông ngòi, xây dựng cầu đường và những hạ tầng cơ sở
khác chỉ nhằm ưu tiên phục vụ cho quyền lợi của TQ, và các nước nhỏ lân bang chỉ
được xem như những tiện nghi chánh trị của Bắc Kinh.
Cho dù vẫn phải gặp
lại sự chống đối mạnh mẽ của cư dân Thái và hàng trăm tổ chức bảo vệ môi sinh NGOs
vùng Bắc Thái Lan [Chiangkhong Conservation Group and Save the Mekong Campaign],
nhưng xem ra chánh quyền quân nhân Thái và nhà nước toàn trị Lào luôn luôn có
chính sách mở cửa đón nhận những khoản đầu tư khổng lồ đến từ Trung Quốc. Làm
ăn với các thể chế "toàn trị và tham nhũng" luôn luôn là quyền lực mềm
/ soft power của chính quyền Bắc Kinh. [Hình 5]
Có thêm phương
tiện giao thông và chuyên chở, những hàng hoá rẻ tiền thặng dư của TQ từ đồ điện
tử tới các đồ plastics gia dụng sẽ đổ vào các nước láng giềng đã giết chết các
nền công nghệ nhỏ địa phương. Không chỉ có thế, TQ còn xuất cảng đủ các loại
nông phẩm cũng với rẻ mạt sẽ giết chết cả nền nông nghiệp trồng trọt tại các quốc
gia lân bang, biến họ thành một tầng lớp tiệu thụ không sản xuất và càng ngày
càng lệ thuộc vào Phương Bắc.
Hình 5: Tháng 2, 2017 hơn 500 cư dân tỉnh Chiang Khong Bắc Tháiđã
tụ họp phản đối kế hoạch khai thông sông Mekong của Trung Quốc với biểu ngữ:
"Sông Mekong không thể đem bán:ngưng ngay dự án phá ghềnh thác."Tong
Phun là nhà thơ Thái Lan nằm giữa tấm biểu ngữ lớn; các phong trào bảo vệ môi
sinh luôn luôn được sự tham gia của giới văn chương nghệ thuật Thái. Liệu đến
bao giờ thì "hình ảnh mơ ước" ấy mới có thể xuất hiện ở Việt
Nam? [nguồn: EarthRights International, 02.13.2017]
Thongpho
Vongsriprasom, nguyên Bộ trưởng Canh nông Lào đã lên tiếng báo động là kế hoạch
phá đá / rocks phá ghềnh thác / rapids trên sông Mekong sẽ làm tăng vận tốc
dòng chảy và cộng thêm với sóng lớn / waves của các con tàu hàng sẽ huỷ hoại
các bờ sông, vốn là vùng canh tác rất màu mỡ của người dân Lào, trong khi chỉ
có 4% diện tích nước Lào phù hợp cho nông nghiệp. (1)
Hình 6: Khúc sông Mekong nơi cố đô
Luang Prabang,
vẫn có một nguồn thực phẩm nông sản hoa
màu
ven sông với lớp đất phù sa màu mỡ.
[photo by Ngô Thế Vinh]
Theo ước tính của MRC / Uỷ Hội Sông Mekong thì vận tải đường
sông tuy dài hơn (từ Tư Mao tới Luang Prabang là 890 km, trong khi khoảng cách
đường bộ chỉ có 510 km) nhưng vẫn giảm thiểu được 20% tổn phí vận chuyển; nhưng
liệu các "chuyên gia công chức" của MRC có đủ tầm nhìn xa để đánh giá
những thiệt hại trên toàn hệ sinh thái và các tổn thất kinh tế xã hội lâu dài
trên các cộng đồng cư dân địa phương?
Theo Viện Nghiên
cứu Phát triển Thái/ TDRI / Thailand Development Research Intitute cho rằng khi
Thái quyết định hợp tác với Trung Quốc trong kế hoạch phá đá khai thông sông
Mekong cho các con tàu lớn lưu thông, thì Thái Lan chỉ có "mất nhiều hơn
là được"từ dự án này.
Wiroon Kampilo
nguyên chủ tịch Phòng Thương Mại Chiang Rai Bắc Thái đưa ra nhận định với báo
giới địa phương rằng: "Doanh nghiệp Thái chẳng được lợi lộc gì từ Dự án Phát triển Thuỷ vận Quốc tế trên Sông
Lancang-Mekong vì chúng ta có rất ít hàng hoá cần vận chuyển qua đường sông
để bán sang Tàu và chỉ có Trung Quốc sẽ thực sự được hưởng lợi" (2)
Hình 7: Trung Quốc dùng mìn và chất nổ
phá đá
phá các ghềnh thác trên khúc sông
Mekong nơi biên giới
giữa Bắc Thái Lan và Lào.
[nguồn: Chiang Rai Times, Jan 17, 2017]
Tác hại từ những
con đập bậc thềm Vân Nam còn đó, cộng thêm với dự án 12 con đập hạ lưu trên đất
Lào và Cam Bốt, nay lại thêm bước tái khởi động kế hoạch mở rộng phá đá phá các
khu ghềnh thác trên sông Mekong, hậu quả sẽ là những tác hại tích luỹ. Hậu quả
tác hại trước mắt trên các cộng đồng cư dân nghèo trong lưu vực là mất nguồn cá
và mất nguồn nông sản trồng trọt ven sông và trực tiếp đe doạ an ninh thực phẩm
của họ. Tất cả những bước phát triển không bền vững ấy / unsustainaible
development, khiến cả một hệ sinh thái phong phú của con sông Mekong chỉ đứng
thứ hai sau con sông Amazon đang chết dần.
Hình 8: Những con tàu lớn Trung Quốc từ
các giang cảng Tư Mao/ Simao và
Cảnh Hồng / Jinhong, Vân Nam chở đầy
hàng hoá Made in China
đang xuôi dòng đổ xuống các tỉnh Bắc Thái Lan.
[photo by Ngô Thế Vinh]
Từ Sáng Kiến Hành Lang Kinh Tế Bắc
Nam Lưu Vực Lớn Sông Mekong: Greater Mekong Subregion/ GMS North-South Economic
Corridor Flagship Initiativetớisáng kiến dự án chiến lược toàn cầu Một Vòng Đai Một Con Đường/ One Belt One
RoadInitiative mới đây của Trung Quốc, thì một quốc gia nhỏ bé như nước Lào
chỉ với 7 triệu dân [ít hơn so với dân số Sài Gòn 8.5 triệu], trên một diện
tích 235,800 km2 mật độ dân số 31/ km2 cho tới nay trong suốt dòng lịch sử, vẫn
đúng như nhận định của Bernard Fall: "Nước
Lào không được coi là một thực thể địa dư, chủng tộc hay xã hội mà thuần chỉ là
một tiện nghi chính trị. / Laos at the time was neither a geographical nor an
ethnic or social entity, but merely a political convenience."
Không phải chỉ có Lào, mà toàn lưu vực sông Mekong cũng đang là tiện
nghi chính trị và kinh tế của Trung Quốc, đã và đang bị Bắc Kinh khai thác một
cách huỷ hoại và không bền vững /
destructive and unsustainable developmentvới ưu tiên cho mục tiêu đem lợi
nhuận cho Trung Quốc, nhưng với những cái giá rất cao phải trả về suy thoái phẩm
chất cuộc sống của hàng bao nhiêu triệu cư dân nơi hạ nguồn.
NGÔ THẾ VINH
California, 12.06.2017
THAM KHẢO:
1/ Lao cultural treasure faces river trade dilemma. By Tom Faw
Fawthrop; Luang Prabang, May 16, 2017 http://www.atimes.com/article/lao-cultural-treasure-faces-river-trade-dilemma/
2/ Thai
resistance to China’s downstream ambitions. By Tom Fawthrop; Chiang Khong, May
16, 2017http://www.atimes.com/article/thai-resistance-chinas-downstream-ambitions/
3/
Thai Military Government Approves Plan for Blasting Mekong River Rapids in
Chiang Rai. Chiang Rai Times, Jan 17,
2017http://www.chiangraitimes.com/thai-military-government-approves-plan-for-blasting-mekong-river-rapids-in-chiang-rai.html
4/
Monash Environment Institute. Evaluation of the EIA for the Proposed Upper
Mekong Navigation Improvement Project. Chris Cocklin, Monique Hain. MEI, Monash
University, Australia. December 2001.