Wednesday, January 21, 2015

103. Du Tử Lê Nhật ký đời sống trong thơ, văn Trần Yên Hòa



DU TỬ LÊ
Nhật ký đời sống
trong thơ, văn Trần Yên Hòa

Theo ghi nhận của nhiều người thì cõi giới thơ cũng như văn của Trần Yên Hòa, luôn là những cảnh đời thực, tựa những trang nhật ký của đời ông. (*) Bên cạnh đó, dư luận cũng ghi nhận Trần Yên Hòa có sức viết mạnh mẽ, đều đặn. Trung bình mỗi năm, gần như ông đều gởi tới độc giả của mình, một sáng tác mới. Nếu không kể số bản thảo chưa được ấn hành thì, trong vòng trên dưới mười năm trở lại đây, Trần Yên Hòa đã xuất bản trên dưới mười tác phẩm. (Mà), tác phẩm mới nhất của họ Trần là tập truyện có tựa đề “Rớt xuống tuổi thơ, tôi”, đã được bạn đọc nồng nhiệt đón nhận.

Tùy từng góc độ, thời gian và điểm đứng trên lộ trình nhân thế, khi họ Trần gửi tới những độc giả của ông, năm, tháng quê nhà: Những ngày niên thiếu. Giai đoạn trưởng thành. Những năm tháng tù đầy trong nhà giam, là “trại cải tạo”… Khi là những năm, tháng quê người khập khiễng… Cùng những rung động tình yêu. Những được / mất, những thành / bại của một con người, sống như một mũi tên bắn thẳng về phía trước - Mà, thương yêu cuộc đời, luôn là ngọn hải đăng soi đường cho Trần Yên Hòa trước cũng như sau, mọi thất lỡ…

Ở mặt nào của quá khứ hay hiện tại, thơ, văn Trần Yên Hòa cũng cho thấy tính nồng nàn, tha thiết, chân thực với từng cảnh đời. Có người cho rằng, Trần Yên Hòa không chủ tâm làm văn chương, hiểu theo nghĩa không hề tô vẽ thêm cho mọi trạng huống đời sống ông kinh qua - - Luôn cả những phân cảnh hư cấu, cho thấy, ông giống như một người ngoài cuộc... Bởi vì căn bản, văn chương của ông, là những trang nhật ký, viết riêng cho mình, trước nhất. (luôn cả .

Chính từ chất “mộc” kia, mà thơ, văn Trần Yên Hòa đã được nhiều độc giả đón nhận, như qua “Lời bạt” của tập truyện mới nhất, “Rớt xuống tuổi thơ, tôi”, họ Trần viết:   

 “Ai cũng có một nơi chốn sinh ra. Dù ở nhà quê hay phố thị, thì đó là nơi cất dấu những kỷ niệm của đời mình nhiều nhất.

“Có thể thời gian qua đi, ta quay quắt sống với cuộc đời, với xã hội, ta bon chen với cơm áo gạo tiền nên những hình ảnh cũ tạm thời lắng xuống lòng mình. Đến một lúc, những vật lộn với cuộc đời đã qua, nằm gát tay lên trán trong những đêm trằn trọc ngủ không được, mới thấy nổi nhớ nhung khôn nguôi về một thời thơ ấu. Bây giờ thì quá xa, có với tay níu bắt cũng không được nữa rồi, nó trở thành những bóng hình của ký ức.

“Tôi đã có một thời ấu thơ như thế.
“Ký ức là những mảnh vụn, có lúc rời rạc, có lúc nối kết thành một xâu chuổi trong tâm thức tôi, đánh động tôi viết nên những giòng này, như tri ân một quê hương đã mất, đã mù xa.

“Tôi xa quê năm mười sáu tuổi. Thật ra thì chiến tranh và cuộc sống xô đuổi tôi đi. Chiến tranh thì ai không sợ, mà chiến tranh đã xuất phát từ vùng quê. Một đêm tối trời đang ngủ ngon giấc với giấc ngủ trẻ thơ, bỗng có tiếng đập cửa, tiếng nhiều người hét lớn, “mở cửa, mau mở cửa.” Mẹ tôi quýnh quáng thức dậy thắp ngọn đèn dầu, rồi ra mở cửa. Những bóng đen nói, “ai có trong nhà thì thức dậy hết để kiểm tra”. Chúng tôi phải bước ra khỏi giường, phải sắp hàng ngồi dưới đất để  nghe những lời thuyết giảng. Rồi cha tôi bị bắt đi sau đó.

“Sau đó là những tiếng súng nổ, tiếng hô xung phong. Mẹ tôi đã khóc ngất, tôi đã khóc ngất. May mà cha tôi được trở về, nhưng đó là lần đầu tiên tôi biết về chiến tranh, về tiếng nổ của súng và lựu đạn, về những tiếng la hét của những người trong bóng đêm. Tôi đã sợ hãi nên những năm sau đó phải rời xa quê.

“Cho nên trong tập truyện này, tôi cố viết về chuyện trẻ con, về tuổi ấu thơ, nhưng dù cố gắng bao nhiêu đi nữa cũng mắc vào cái nhìn của người lớn, là tròng vào đầu trẻ con những suy nghĩ người lớn. Tuy nhiên, là những truyện có chút thật bên trong, nên tôi nghĩ mình cũng chưa đi quá đà.

“Con nít hồi xưa khác xa con nít bây giờ. Con nít ngày xưa ở quê tôi tìm không ra quả bóng “tơ nít” bỏ đi, để đem ra đồng đá bóng, mà phải kết quả bóng bằng lá chuối khô, hay lấy quả “bòng” nướng lên cho dẽo, để đá khỏi bể. Đồ chơi trẻ con không có, chỉ tự tạo, được cái gì chơi cái đó, như tự làm ná cao su bắn chim, lấy đất sét làm tượng con trâu, con bò, con chim, con cá…

“Bây giờ thì ê hề, trẻ con muốn gì thì cha mẹ sắm cho cái đó. Tuy nhiên, suy cho cùng, trong cái thiếu thốn đó cũng có những cái thú vị, đi chân đất cũng thú vị, để đầu trần dang nắng giữa trưa cũng thú vị, hái ổi trộm cũng thú vị lắm chứ sao không?

“Đây là thời kỳ còn non tơ, tươi rói, chưa biết yêu là gì, chỉ có những rung động đơn phương nho nhỏ như dây đàn bung lên nhè nhẹ, rồi thôi, nhưng là thời kỳ đáng nhớ nhất, đẹp nhất của cuộc đời (…)

 “Vì là một truyện kể, như là đang ngồi với một người bạn, người cùng quê, cùng xóm, cùng làng năm xưa, bên tách nước chè, tách trà, tách cà phê…hay nhậu lai rai ba sợi… kể lại cho nhau những chuyện nho nhỏ nơi miền quê mình đã sống, chuyện thuở ấy, xa tít tắp, năm, sáu mươi năm…Kể lại, rồi mình như đã bị rớt xuống quá khứ, rớt về quá khứ…Như anh với tôi, chị với tôi, em với tôi, ngồi đối diện nhau…nhìn lại một thời...”

Tính chân thật nền tảng của văn chương Trần Yên Hòa, không chỉ hiển lộ nơi tập truyện vừa kể, mà, ngay trong truyện dài “Đi Mỹ” của mình, ấn hành đã lâu, tác giả cũng đã “Mở” vào tác phẩm của ông như sau:

“ ‘Ngày ấy’ với ‘hôm nay’ đã lâu lắm rồi. Ngày ấy là những ngày, những tháng, những năm, của thế kỷ trước. Nói thì lâu lắc lắm vậy, nhưng thật ra, cũng chỉ mười chín, hai mươi năm thôi. Hôm Nay, mỗi khi nhớ lại quãng thời gian đó, tôi vẫn thấy lòng mình có một nỗi chua xót, đắng cay, bàng hoàng, xúc động.

“Chuyện dài ‘Đi Mỹ’ thì có trăm hình vạn trạng. Mỗi người, mỗi gia đình có một hoàn cảnh riêng. Ở đây tôi chỉ ghi lại một vài chuyện nhỏ trong muôn hình vạn trạng kia thôi.
“Dĩ nhiên là hư cấu.

1.
“Buổi sáng trời Sài Gòn nóng. Cái nóng muôn đời của miền nhiệt đới. Xe cộ chạy rồi ùn tắc. Từng đợt, từng đợt. Đứng lại, đạp thắng chân hay bóp thắng tay. Hai bàn tay đen đủi của Ngàn nổi lên những đường gân xanh xám. Có lẽ, cuộc kiếm tìm miếng ăn đã làm cả thân xác anh khô quắt đi. Đôi cánh tay sạm nắng. Chiếc mobilette như con ngựa già rít lên từng chặp rồi lếch thếch kéo lê thân xác Ngàn cùng một “giỏ” cần-xé đầy hàng phụ tùng xe đạp, đi suốt ngày, trên những chặng đường nắng cháy da.

“Buổi sáng thức dậy lúc 5 giờ, đánh răng, vệ sinh qua quít rồi dắt xe ra đường. Một ngày anh đi hơn một trăm cây số, đến các hãng sản xuất phụ tùng xe đạp ở các ngõ ngách của Chợ Lớn, lấy những món hàng mà các tiệm bán phụ tùng đã đặt anh hôm qua, rồi nếu không đủ hàng, anh phải len lỏi vào chợ Tân Thành lấy thêm hàng bổ sung. Một ngày. Chạy xe qua lại trên những con đường quen thuộc với những người chủ hãng quen thuộc, đến những bạn hàng quen thuộc, anh loay hoay như con gà mắc đẻ, đến chỗ này, tấp chỗ kia. Một ngày, lại một ngày và nhiều ngày như thế....

“Từ khi ở trại tập trung ra, lúc đó anh vui sướng và hạnh phúc bao nhiêu khi dệt trong đầu mình những ước vọng nhỏ. Ước vọng “nhỏ”chứ làm sao có ước vọng lớn được, khi anh trở về với cái ‘Giấy Ra Trại’ và cái mức quản chế lên đến một năm. Ước vọng nhỏ đó là một cuộc sống bình yên với gia đình và anh sẽ làm một nghề gì đó, có thể là bằng trí óc, như sẽ xin đi dạy ở một trường cấp một, anh sẽ đứng trên bục giảng để giảng cho lớp trẻ những bài về Toán hay Việt văn. Anh lúc nào cũng lạc quan vì anh đã hạ cuộc sống mình đến mức thấp nhất. Với mấy chứng chỉ đại học, anh nghĩ mình có thể thực hiện điều đó dễ dàng. Nhưng đó là cái lạc quan tếu, thật tếu, tếu nhất. Anh đã nghĩ về chế độ mới bằng một cái nhìn cầu an và dung dị. Cuộc sống cứ cho anh những lạc quan mà sự thật bi quan, lúc nào cũng chờ chực đẩy anh xuống miệng hố đen ngòm.

“Anh làm sao xin đi dạy với cái bản án trên vai - sĩ quan ngụy - sáu năm tập trung cải tạo. Sự thật đã làm những giấc mơ xanh rờn nhỏ nhoi cũng vụt bay biến. Anh nhìn rõ hiện thực hơn và đầu óc anh cũng hiện thực hơn. Anh không thể làm một nghề gì bằng trí óc cả. Cái chất xám của bảy năm trung học, bốn năm đại học, là một hiểm họa hơn là hạnh phúc. Cho nên anh phải bước xuống đời bằng hai cánh tay và đôi chân. Từ đó, anh trải qua biết bao nhiêu nghề một cách chật vật, bán bánh bò bánh tiêu, vá xe đạp lề đường, chẻ củi thuê, chạy xích lô đạp...”

Nếu trên, là “chân diện mục” Trần Yên Hòa, qua văn xuôi thì, dưới đây, vẫn là “chân diện mục” Trần Yên Hòa, nhưng qua thi ca vậy:

Khan Cổ Gọi Tình, Về


Từ em, bỏ cội bỏ nguồn

Bỏ con sông nước đứng buồn nhìn theo
Nhánh sông chảy miết qua đèo
Anh heo hút đợi, chèo queo một mình
Cũng đành thôi một cánh chim
Bay xa, bay mãi hút chìm nơi đâu?
Bớ em, mưa rớt thấm đầu
Bớ em, vô lượng ngàn sau có về
Bớ em, rời khỏi u mê
Anh khan cổ gọi, em về cùng anh
Có con chim nhỏ trên cành
Líu lo hót đợi mùa xanh hoa vàng 

Đợi em, bên vườn địa đàng

Xin em hãy ghé cài tràng hạt xưa.

Gởi Khổ Lụy Một Thời


Ta gồng mình đứng im, tay vuốt mặt

Giọt mồ hôi chảy rịm khắp châu thân
Chiều đứng gió bờ cao và lũng thấp
Bóng tà dương chập choạng nỗi căn phần
Thân phận bay trên từng bờ đá nhọn
Ngày xích lô đêm ngủ bụi ngủ bờ
Thốt chợt thấy mình mang thân du mục
Lang thang trong thành phố cù bơ… 

Ngày tháng đó trong đời ta đã dựng

Một căn phần cát bụi ủ ê thôi
Mưa gió chướng giạt trên triền đất lỡ
Tràn qua tim máu chảy - máu luân hồi
Ta lạc loài như một dải mây trôi
Bay chấp chới giữa vô cùng lạnh giá
Ngày tháng đó một mình ta mệt lả
Một mình ta thân phận trớ trêu đời
Em đi rồi ta làm kẻ mồ côi
Nuôi trong lòng niềm cô đơn ruỗng mục 

Ta rong mãi những đường dài khổ nhục

Bờ tre xưa gốc rạ cũ đâu rồi
Ta dãi dầu cùng mưa nắng ta thôi
Xin em cứ ngoảnh đi và lặng lẽ
Ta hú gọi khan chờ em mọi nẻo
Nhưng bờ môi thắm thiết biệt tăm hơi
Những vong thân những cay đắng một thời
Đừng vực dâỵ em ơi, đừng vực dậy
Ta chiếc lá khô - cọng rêu - trôi nổi mãi…
Trần Yên Hòa

(*) Căn cứ vào cuộc nói chuyện giữa nhà văn Phạm Phú Minh và Trần Yên Hòa trên đài phát thanh VNCR năm 2004 thì: Trần Yên Hòa tên thật là Trần Văn Hòa, viết văn, làm thơ lấy bút hiệu là Trần Yên Hòa. Ông sinh ngày 20 tháng 12 năm 1947 tại xã Kỳ Mỹ, quận Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam. Theo học trường Trung Học Trần Cao Vân trong suốt thời gian Trung Học. Đậu tú tài phần 2 niên khóa 65-66. Vào Sài Gòn học tại Đại Học Luật Khoa. Sau đó đi dạy tại trường Trung Học Mộ Đức, Quảng Ngãi và tại trường Lý Tín, Quảng Tín. Cuối năm 1968, ông tình nguyện thi vào trường Đại Học Chiến Tranh Chính Trị Đà Lạt, khóa 2 SVSQ, ra trường ngày 19/2/1971. Khi ra trường, đổi về sư đoàn 2, trung đoàn 6 bộ binh, về đại đội lẻ tác chiến. Đến năm 1973, ông được thuyên chuyển về làm sĩ quan Thanh Tra tại Văn phòng Tổng Thanh tra Quân Đoàn I và Quân khu 1 tại Đà Nẵng. Sau 30/4/75 đi tù, về năm 1981, ông đi kinh tế mới ở Tân Biên, Tây Ninh, sau về Sài Gòn làm đủ mọi nghề, vá sửa xe đạp lề đường, bán bánh bò bánh tiêu, đạp xe xích lô, bỏ hàng phụ tùng xe đạp…Ông qua Mỹ tháng 3/1995, làm công nhân hãng Mỹ... (Nguồn Wikipedia-mở)
Du Tử Lê