PHAN NI TẤN
Những Giấc Mơ Tôi Thiếu Nụ Cười
Dĩ nhiên trong những giấc mơ tôi, thỉnh thoảng tôi loáng thoáng bắt gặp cái tôi của tôi và bạn bè tôi trong những giấc mơ tôi của Lữ Quỳnh. Thì cũng chẳng có gì khác đâu, mà cũng chẳng có gì mới, nhưng không bao giờ cũ, ngoài những bóng dáng con người trôi nổi giữa dòng đời sống còn hay đã mất. Suốt tập thơ Những Giấc Mơ Tôi của Lữ Quỳnh cứ bàng bạc những con người đứng thẳng làm nên lịch sử, những con người văn chương tên tuổi, có cả những con người bất hạnh lẫn chất người lơ quơ, trật vuột. Ừ, thì cũng bạn bè xung quanh. Cũng cà phê, nước trà, thuốc lá. Cũng đàn hát. Cũng chai black label, chai chivas.Và rượu đế chấm thuốc rầy v.v...
Cũng vì chất cay ác liệt của men cay mà thơ của Lữ Quỳnh có những câu... cay xé lưỡi. Ví như có người đang chết khát thấy nước tưởng là nước vội tợp một ngụm cho đã khát hóa ra là rượu.Tôi biết không riêng gì tôi mà ai tợp phải hớp bất ngờ đó cũng phải nhăn mặt, phản ứng tự nhiên là phun ra phèo phèo. Nhưng lần này tôi nhăn mặt vì bị "ngộ độc" bởi tập thơ Những Giấc Mơ Tôi của Lữ Quỳnh.
Từ bài thơ mở đầu Giấc Mơ cho đến bài cuối, Một Ngày Mà Trăm Năm, tôi kiên nhẫn, tôi chờ đợi, tôi miệt mài, tôi cố gắng đi tìm, tìm hoài, tìm hủy, tìm đỏ con mắt họa hoằn lắm mới tìm ra một chút niềm vui. Những Giấc Mơ Tôi của Lữ Quỳnh hầu nhu không có nụ cười. Rõ ràng từ ngữ trong thi pháp Lữ Quỳnh diễn tả đều mang tâm trạng hoang mang trước nỗi đau của cuộc đời mỏng manh, vô hậu.
Tâm hồn Lữ Quỳnh bình dị. Ngôn ngữ và cử chỉ trong thi ca, cũng như giữa cuộc sống nhiểu nhương đều lộ ra vẻ điềm đạm, chân thực không riêng vì mình, mà còn vì người. Đìều này thể hiện ngay cả trong những giấc mơ:
thường có những giấc mơ
gặp gỡ bạn bè
những người bạn đã ra đi
nay kéo về
nói cười ấm áp (tr. 9)
Nói "ấm áp" là lối nói chơi, nói cho hả nỗi buồn chan chứa giữa hai bờ âm dương cách trở vốn hiện hữu thường ngày trong cuộc sống.
Dường như kỷ niệm trong thơ của Lữ Quỳnh khi gọi tên, nó có vẻ mơ hồ như giấc chiêm bao giữa đời thực:
tôi gọi thầm Amanda
mà sao cổ nghẹn
tôi gọi Amanda nhiều lần
mà âm thanh chỉ làm trái tim muốn vỡ...(tr. 20).
Ở một bài thơ khác, tác giả tặng Michico Joshii, tôi mừng tưởng thấy được chữ "vui", nhưng đọc kỹ vẫn chẳng thấy chút gì gọi là vui, dù là niềm vui ở ngoài đất nước:
đọc bản tin kèm ảnh Michiko
chưa kịp vui thì xẩy ra động đất sóng thần ở Nhật
thảm họa giáng xuống Fukushima
tôi không biết thành phố này
cách trường đại học Mie bao xa
Mie ở miền Trung Nhật Bản
nơi Michico dạy học
người đàn bà từng yêu Việt Nam
như yêu đất nước mình
đang trải qua những ngày tang tóc
cùng dân tộc vượt đau thương (tr. 24)
Michico Joshii và cây đàn guitar thì ta đều biết. Từ khi rời bỏ Việt Nam trở về quê nhà, Michico, người phụ nữ từng yêu Việt Nam như yêu quê hương Nhật Bản của mình, vẫn được bạn bè văn nghệ ở bên nhà thương yêu, nhắc nhớ. Ở đây, Lữ Quỳnh nhắc đến Michico cũng chỉ là sự nhắc nhớ tự nhiên mà thắm thía của nhà thơ vì tình người, lo lắng cho Michico và ngôi trường đại học Mie trước cơn hồng thủy của thế kỷ 21. Và Amanda? Và người chị mà ngày rất trẻ nhà thơ từng yêu? Những nhân dáng chẳng rõ nét được nhà thơ gọi tên bằng một vọng âm tê tái và rạn vỡ? Gởi chị bài thơ đang viết dở. Nhờ mây mượn gió cuốn trôi đi... Hay nhà thơ chỉ mượn danh xưng nào đó để phác họa cái đẹp của nết thơ. Có lẽ rồi cũng chỉ vậy thôi.
Chiến tranh là một bi kịch, hình ảnh của những vết thương loang lở trên thân thể và đọng lại rất lâu trong tâm hồn con người. Dưới đây là hình ảnh văn học có giá trị lịch sử được lưu truyền cho con cháu đời sau:
Tôi xin lỗi/ đã không nhớ hết tháng ngày/ bọn Tàu ô đánh chiếm Hoàng Sa/ với con số tổn thất/ của những anh hùng Việt Nam giữ đảo/ nhưng nhớ chắc một điều/ ngày 19 tháng giêng 1974/ quân cướp nước đã bất ngờ/ với tàu chiến biển người tràn lên đảo/ những người lính của ta đánh trả/ đến viên đạn cuối cùng/ thân xác các anh giữ thơm quê mẹ/ máu các anh tô hồng trang Việt sử (tr. 30)
Còn đây là cách lý luận của Lữ Quỳnh về bản chất cuộc chiến dù đã là một thời nhưng vẫn không ngừng mưa rơi:
nỗi nhớ chiều cuối năm
cánh đồng một thời bom đạn
giờ này trắng xóa mưa
bạn bè nghĩa địa đìu hiu
ôm đất trời sũng nước (tr. 16)
Bằng những câu súc tích, ngắn gọn đến nao lòng, bài thơ xoáy vào thân phận con người trong ba mươi năm chiến tranh, qua cái chết của bạn bè.
đã nhiều năm trôi qua
người lính buồn ở lại
người lính buồn nằm xuống
giấc ngủ ruộng đồng
mênh mông mây trắng
tiếng vỗ cánh
hư không (tr.48)
Trong thơ Lữ Quỳnh, tình bạn không có luật lệ giao thông; đang đi trên xa lộ nước Mỹ, lan man nhớ bạn mà cứ ngỡ như đang trên quốc lộ quê nhà. Trong mịt mù thời gian, bạn bè là cheo leo nỗi nhớ:
trên xa lộ từ bắc xuống nam/ hết 152 vào số 6/ sao cứ ngỡ đang trên quốc lộ 1/ qua Tuy Hòa Quy Nhơn Hải Vân/ qua mịt mù khói sóng/ mưa giăng đỉnh đèo/ gọi tên bạn bè/ đã ngủ suốt nhiều năm/ những Sơn, những Chỉ, những Văn... (tr. 67)
Một cái chết nữa, rất xanh:
bức điện tín màu xanh
đưa tin anh về đất
em đứng dưới tàn cây
ngoài kia trời dậy sóng
bão nổi và mưa tuông
lòng em mùa biển động
nước mưa hòa nước mắt
gió níu cành khăn tang
em bám bờ cát lạnh
một ngày mà trăm năm! (tr. 77)
Tôi nhận thấy thơ Lữ Quỳnh là thơ bằng hữu, dù ở hoàn cảnh nào, thời kỳ nào, trong hay ngoài nước, ông cũng luôn tha thiết với con người cũ. Trong thơ ông, tình bạn như những cơn gió quy nạp bao buồn vui nhân thế; dù gần hay xa ở tận cuối trời, khi ngồi lại đều làm dịu đi nỗi đau một thời của người còn kẻ mất.:
hãy ra chỗ Thúy Tân Định lấy chai Chivas
về quán Đò Đưa trên đường Trịnh Công Sơn
rửa bảng tên sơn còn ướt
cụng ly nhau mừng con đường mới (tr. 38)
Hoặc:
nhà tôi ở đi qua chiếc cầu gỗ
thêm một con hẻm dài
quanh nhà là ao hồ và đầm rau muống
một chiều mồng hai tết các anh đến thăm
đường còn trơn sau khi nước rút
La Quang Thanh bị trượt xuống hồ
anh em kéo lên cười nói
đầu năm té nước là hên lắm
Trịnh Công Sơn nói mình gầy nên an toàn (tr. 40)
Khi nói về hoa trong thơ văn, tôi nghe trong gió có tiếng hoa anh đào nở thầm lặng, loài hoa duy nhất mà Lữ Quỳnh đưa vào những giấc mơ.
Ở trang 27, bài Trường Sa, Fukushima, tác giả mượn hoa để nói về hai hòn đảo "chịu nỗi đau" này, đọc lên nghe vừa hãnh diện cho hoa như tinh thần võ sĩ đạo mà cũng tội cho hoa vô tình làm cho tác giả trở nên "hư không":
hoa anh đào ở dc, năm nay nở sớm
chưa tháng tư đã rộ sắc hồng
hoa không vội tàn mà nhạt màu tang tóc
nhìn hoa sao lòng hư không...
Với tôi, hoa là biểu tượng của vẻ đẹp có mùi thơm. Hoa không nở cho ai, vì ai. Hoa không biết hờn, không biết ghen như hoa của cụ Tiên Đìền: hoa ghen thua thắm. Hoa luôn luôn mang đến cho đời vẻ tươi thắm, rực rỡ lẫn an nhiên, tự tại. Có điều, ở đây không may cho hoa khi gặp phải tác giả Những Giấc Mơ Tôi. Chính tay ông tự đem hoa vào thơ rồi tưới cho nó "rộ sắc hồng" chớ chẳng có hoa nào muốn "nở" trong cái thế giới thơ nhầy nhụa khổ đau của ông, ít ra là trong tập thơ này. Vườn thơ của người ta trăm hoa đua sắc. Vườn thơ ông, ở đây, vỏn vẹn chỉ một loài hoa. Đã vậy, nhìn cái cách xử sự với hoa, cách nhìn vào hoa, đến cách hành sử ngôn từ với hoa sao mà "hư không" đến chán chường.
Tập thơ Những Giấc Mơ Tôi của Lữ Quỳnh là một không gian hoài niệm, được tác giả thu gọn trong 113 trang với 21 bài thơ, kể cả phụ lục, mục lục, phụ bản. Tập thơ được trình bày trang trọng và thẩm mỹ nhưng trong đó lại dấy lên những cơn đau thời thế, cũng chính vì vậy lại như một cánh cửa mở ra để thấy rằng tâm tình Lữ Quỳnh gởi gắm qua thơ là điều tự nhiên, nên có trước cuộc sống đầy biến động.
Thơ Lữ Quỳnh, một dòng thơ luôn luôn nuôi dưỡng những hình ảnh Quê Hương và Tình Yêu qua thân phận làm người, nó thấm thía vì lòng nhân đạo nên đẹp đến não nùng.
Phan Ni Tấn