ĐỖ HỒNG NGỌC
“Một cốt cách ở đời”
(Vài
cảm nghĩ khi đọc Cuối Cùng của Võ Phiến,
NXB Thế kỷ 21, 2009)
Cuối
Cùng của Võ Phiến là sự Mộc Mạc.
Suốt một đời người đeo đẳng văn chương chữ nghĩa, chẻ sợi tóc làm tư, lặn lội
vào những nẻo u uẩn ngóc ngách của lòng người, bỗng dưng cuối cùng hiện ra trước
mắt một vầng sáng: Mộc Mạc.
Phải, Mộc Mạc. Đó là tựa của một bài Thơ đặt ở trang cuối cùng của cuốn Cuối
Cùng, như một khép lại: Những hẹn hò từ nay khép lại. Thân nhẹ nhàng như
mây… Chút nắng vàng giờ đây cũng vội… (Trịnh Công Sơn). Với tôi, Cuối Cùng
là bài thơ, một bài thơ Thiền. Nhiều người tưởng Võ Phiến là một nhà văn, hóa
ra ông là một nhà thơ. Đọc kỹ đi rồi thấy. Có người mắt tinh đời sớm nhận ra điều
đó: “Võ Phiến là thi sĩ. Mà là thi sĩ của trần gian nữa. Dù có khi anh viết
bằng văn xuôi”. (Đặng Tiến).
Cuối
Cùng của Võ Phiến là một tập sách trang nhã. Bìa cứng cổ điển. Nhưng bìa bọc
ngoài lại là một mầu trời xanh và mây trắng với những cái bóng của Võ Phiến.
Không phải hình, mà bóng. Một cái lõi, xưa cũ, cứng cáp bên trong; một cái vỏ,
bay bổng, tuyệt mù… bên ngoài.
Trang
cuối không đánh số trang của Cuối Cùng như đã nói là một bài thơ. Mộc Mạc là
tên bài thơ đó. Một sự trở về. Về với mộc mạc, với chân phác. Đi đâu loanh
quanh cho đời mỏi mệt (Trịnh Công Sơn). Chắc vậy rồi. Với Võ Phiến, chốn về
đó là xóm là làng, có con trâu, con chó, con gà, đàn cò, lũ sẻ, bà con cô bác…
Xưa
từng có xóm có làng
Bà con cô bác họ hàng gần xa
Con trâu, con chó, con gà
Đàn cò, lũ sẻ, đều là cố tri.
(Mộc Mạc)
“Đều
là cố tri”. Họ thân thiết nhau quá, gần gũi nhau quá mà! Đi sao nỡ. Xa sao
đành. Chẳng qua gặp thời thế thế thời thôi. Một người như Võ Phiến hẳn “chân
bước đi mặt còn ngoảnh lại, từ cái mái nhà cái thềm nhà cho đến bụi cây khóm cỏ…:”
(Quốc văn giáo khoa thư). Rứt sao ra.
Rồi
Võ Phiến viết tiếp sau khi ngậm ngùi nhớ những “cố tri” đó của mình:
Múa
may mãi chẳng ra gì
Mỗi lâu thêm một cách ly rã rời.
( Mộc Mạc)
Ra
gì là ra gì? “Múa may” coi cũng được quá đó chứ! Mọi người đều nhìn nhận Võ Phiến,
dù không nói ra mà ai cũng phải gật gù. Đông Hồ khen “nhất” miền Nam. Nguyễn Hiến
Lê khen tùy bút sâu sắc, tự nhiên, dí dỏm, đa dạng… Đặng Tiến bảo tác giả hàng
đầu, Nguyễn Hưng Quốc kêu nhà văn của thế kỷ… Vậy mà múa may mãi chẳng ra gì
sao? Tới bây giờ, nhớ Đêm xuân trăng sáng hay Thác đổ sau nhà của
ông đọc từ hồi còn trẻ, tôi vẫn còn như nghe nhột nhột ở đùi trong…
Tuyệt
vời nhất ở hai chữ: mỗi lâu. Vừa mộc mạc vừa sâu thẳm. Sao lại “mỗi lâu”? Ấy là
bởi ông đã đợi chờ, đã nghe ngóng, đã mong mỏi nó “rụp rụp” cho rồi, ai dè nó cứ
dùng dằng dủng dẳng, bực cả mình. Rụp rụp như cái dao phay chặt thịt mà ông từng
thấy ở một người đàn ông mặc áo thun, bán hủ tiếu, quơ dao múa may mấy cái rồi
rụp rụp ngon lành. Đầu này nó cứ đủng đỉnh, cứ lằng nhằng. Nó càng đủng đỉnh,
càng lằng nhằng ông càng bẽn lẽn vì đã có đôi lần ông làm thơ “giã biệt” gởi
cho “những người ở lại’ rồi, thế mà, chính ông lại ở lại. “Quê” quá chứ phải
không? Nhưng mỗi lâu rồi thì sao? Thì, khổ thay, cứ mỗi lâu nó lại thêm một
cách ly, rã rời! Cách ly? Rã rời? Ông thấy hình như mọi người đâu đó đã sẵn
sàng cả rồi, hồi hộp chờ đợi cả rồi, vậy mà chuyện lại không tới. Tẽn tò, tản
ra, xa dần, quên lãng… ? Tự ông, ông cảm thấy “ngượng ngập vu vơ”. Ngượng ngập.
Vu vơ. Văn viết không ra, chỉ có thơ mới “nói lên” được: mỗi lâu thêm một cách
ly rã rời…
Thân
tàn đất lạ chơi vơi
Trông lên chỉ gặp bầu trời là quen.
(Mộc Mạc)
Người
ta thì gần đất xa trời, ông thì gần trời xa đất. Đất lạ, trời quen. Với người
xa xứ “lạc loài đến đây” như ông thì cách ly với con trâu, con chó, con gà, đàn
cò, lũ sẻ đã đành là khổ, mà cách ly với những thân tình càng khổ hơn: “Gần
đây nhiều lần nghe những trao đổi tưng bừng về các hướng thơ văn cũ mới, bị
không khí sôi nổi lôi cuốn mạnh, tôi xun xoe nhấp nhỏm. Bỗng chợt buồn, tặc lưỡi:
Mình còn được bao nhiêu ngày tháng? Những chuyện… như thế… trên đời… ối dào!
(Người ơi người ở dài dài, tr. 45)”. Mãn Giác thiền sư chẳng đã từng than “Sự
trục nhãn tiền quá/ Lão đầu tùng thượng lai…” đó sao? Còn “rã rời”. Làm sao mà
không rã rời cơ chứ? Có cái gì gắn với cái gì đâu. Toàn tạm bợ, lắp ráp cả đó
chứ. Ngũ uẩn giai không mà! Bài thơ “Cũng Hợp” – lại Thơ – mở đầu cho cuốn Cuối
Cùng, ông chẳng bảo “lắp ráp” xài chơi, lâu ngày chầy tháng thấy “cũng hợp”,
cũng OK. Rồi đến một lúc nghĩ hay là ta… ở lại trần gian luôn chừng nghìn năm nữa
cũng được. Để rồi giật mình: đã lắp ráp thì hẳn có lúc phải rời ra. Một câu hỏi
đặt ra: Lắp ráp để chi? Để “trưa nào cũng bay” ( tr. 139) chớ chi. Hoàn thành
nhiệm vụ rồi thì rã. Rã rồi lại ráp không chừng. “Cả năm uẩn chúng quấy ta là
thế” (Cũng Hợp). Võ Phiến hiện nguyên hình thành một… thiền sư!
Dặn
lòng lòng vẫn nao nao
Ta đi mây ở, trưa nào cũng bay
Nhưng
thiền sư mà có cái chuyện dặn lòng này mới lạ! Dù sao thì cũng chỉ nao nao
thôi. Nao nao khác với bừng bừng. Đó là khi ông nhìn những phút “ân tình” của
chim câu: “…cái đuôi con chim mái, vẹt qua một phía…”. Xong. Rồi bay. Trưa nào
cũng bay. Ông thấy “nao nao”. Nao nao quá chớ. Nó đến nó đi hờ hững thản nhiên.
Sao trời nỡ đọa đày nhau đến thế? (Cũng Hợp, tr 17).
*
“Cái
còn lại của một cốt cách: ít ỏi quá, mong manh quá”. (Hình bóng cũ, tr.
32).
Không
đâu. Cái cốt cách ở đời của Võ Phiến theo tôi không ít ỏi quá, cũng chẳng mong
manh quá. Nó đáng cho ta ngả mũ chào. Với một nụ cười tủm tỉm, hân hoan.
Đỗ
Hồng Ngọc
(2010)
………..
(*) Hình bóng cũ, Võ Phiến.
………..
(*) Hình bóng cũ, Võ Phiến.