Saturday, December 19, 2015

189. TRẦN HIUIỀN ÂN Cây cỏ trong ca dao (2. CÂY CỎ TRONG THIÊN NHIÊN )


Photo by PCH  (2015)


2.
CÂY CỎ TRONG THIÊN NHIÊN



Sơn lâm hùng vĩ:
       
Phần lớn cây cỏ sống giữa thiên nhiên, thường là chốn núi non, nên  nơi ấy gọi là rừng núi, là sơn lâm. Cũng là nơi đầu nguồn của khe suối, nên gọi là sơn khê (núi khe), lâm tuyền (rừng suối). Phải là nhiều cây mới thành rừng núi được:
              
Một cây làm chẳng nên non              
Ba cây chụm lại thành hòn núi cao
       
Số 1, số 3 ở đây không phải là số 1 và số 3 thực (danh số) cũng không phải là ảo (hư số) mà tượng trưng cho ít (1) và nhiều (3), tượng trưng cho sự yếu đuối và sự mạnh mẽ, dẫn đến việc cần phải có sự đoàn kết cộng đồng:
              
Muốn cho có đó cùng đây              
Sơn lâm chưa dễ một cây nên rừng

Trong truyện Lục Vân Tiên cụ Nguyễn Đình Chiểu cũng viết:
              
Nên rừng há dễ một cây              
Muốn cho có đó cùng đây luôn vần
       
Rừng nhiều cổ thụ, có khi hàng mấy trăm năm nên gọi là rừng già, nhiều cây cao vút gọi là rừng cao, rừng xa hun hút, đi vào sâu thăm thẳm gọi là rừng sâu, bát ngát một màu xanh gọi là rừng xanh.
       
Thiên hạ thách nhau:
              
Đố ai biết núi mấy cây              
Biết sông mấy nước, biết mây mấy từng?             
.  .  .              
Đố ai quét sạch lá rừng              
Để ta bảo gió gió đừng rung cây…
       
Bởi nhiều cây, tranh nhau sống, tranh nhau lớn, cứ phải vươn cao để đón ánh nắng, ánh sáng, nếu nấp dưới thấp sẽ bị cằn cỗi nên cây rừng già thường thẳng suôn, khác với cây rừng thưa, thấp nhỏ, nhiều cành nhánh. Thiên hạ đem sự phát triển tự nhiên ấy so sanh với con người, ngầm hỏi: Sao (nó) tối dạ vậy?
              
Chim rừng ai dạy mà khôn.              
Cây suôn ai uốn, trái tròn ai vo?
       
Đây chỉ là một mặt thôi. Thực tế, chim rừng không khôn lắm, thường mắc bẫy mắc giò, rừng không ít cây cong vạy, không ít loại trái chẳng tròn.
       
Thử tưởng tượng ông Tây ba-lô Yersin thám hiểm khám phá cao nguyên Lang Biang, trèo non lội suối, một tai nghe tiếng chim, một tai nghe tiếng gió, vất vả nhưng thú vị biết bao nhiêu khi tìm ra một vùng đất chưa ai biết đến. Hoặc cảnh cụ Cử Doanh điền sứ Nguyễn Thông qua trạm Hòa Mã:
              
Minh triêu bì mã hoang sơn lý              
Hựu thính viên thanh quá Thạch Thành
       
Buổi sáng, ngựa mệt, trong dặm hoang sơn, lại nghe tiếng vượn qua Thạch Thành. Ta có cảm tưởng ngựa mệt nhưng cụ không mệt tí nào, cụ nhận ra nét phong quang của hoang sơn, ta nghĩ cụ hiểu tiếng vượn ấy không phải buồn rầu thương tiếc mà tiếng vượn gọi bầy vui vẻ khi chuyền cành hái trái. Cũng thú vị biết bao!
       
Đi trên Đường Tùng lên thăm Yên Tử, những cây thông cao vút, ngước nhìn không thấy ngọn, như trong cổ thi:
              
Thạch thượng thanh tùng bách xích trường              
Phi hoa mãn động thủy sinh hương              
Đinh ninh tiều tử hưu khinh phạt              
Lưu thủ tha niên tác đống lương              
(Trên đá thông xanh trăm thước trường              
Hoa bay đầy động nước sinh hương              
Chặt bừa nhắn nhủ anh tiều chớ              
Dành để sau này dựng đống lương).
       
Đâu phải chỉ ở Đường Tùng. Những nơi khác khi ta có vị thế cao hơn ngọn cây cao, nhìn thấy từng cụm tròn trịa nối liền nhau bát ngát, rừng già thoai thoải chạy dài, rừng già đổ dốc xuống vực thẳm nguồn sâu, ta nghe như có mùi hương của trời đất, của lâm tuyền, đại mộc lan tỏa khắp nơi, đúng là “hoa bay đầy động nước sinh hương”.
       
Rừng cao núi hiểm cũng gọi là ngàn. Người lính thú ngày xưa đồn trú nơi biên ải, chấp nhận gian nan khi làm nhiệm vụ:
              
Đốn tre đẵn gỗ trên ngàn              
Hữu thân hữu khổ phàn nàn cùng ai
       
Núi Vụ Quang hiểm hóc ở Hà Tĩnh, nơi cụ Phan Đình Phùng đặt căn cứ, tổ chức lực lượng ứng nghĩa Cần Vương có tên nôm là Ngàn Trươi. Núi Hồng Lĩnh có tên nôm là Ngàn Hống, với câu ca dao nói về họ Nguyễn Tiên Điền:
              
Bao giờ Ngàn Hống hết cây              
Sông Rum hết nước họ này hết quan.
       
Rừng già có nhiều danh mộc, có loại cây cứng hơn sắt thép dùng trong việc xây dựng, có loại cây cho ta trái ngọt hoa thơm, có loại cây cho ta dược liệu, đồng thời cũng là chỗ dựa “tinh thần” cho những người tự hào về sự vững chải của mình:
              
Dù ai nói đông nói tây              
Thì ta vẫn vững như cây giữa rừng
       
Tuy nhiên, không có gì là hoàn hảo trọn vẹn. Người ta nhắc nhở:
              
Ai ơi, chớ vội cười nhau              
Cây nào là chẳng có sâu chạm cành.
       
Nhưng, nhiều khi sâu chạm cành mà không làm hư hại cây. Chẳng hạn như cây gió, khi bị thương tích chất nhựa tiết ra thành trầm hương, kỳ nam vô cùng quý giá:
              
Gió lâu năm gió thành kỳ              
Đá kia lăn lóc có khi thành vàng.
       
Ngày trước có các quy định phân chia lâm phần quốc gia và lâm phần hương thôn (địa phương). Lâm phần quốc gia là rừng cấm, loại rừng sâu núi thẳm không ai được tự quyền khai thác, đồng thời là nơi ngự trị của đại cầm ác thú. Bước chân vào đó, trong sự im lặng bí ẩn, chỉ trừ một ít người can đảm, còn đa số mất hết tự tin, tràn ngập nỗi sợ. Hình như chúa sơn lâm ẩn hiện đâu đây khiến cho vạn vật, kể cả cây cỏ, cũng không dám thở mạnh.

Nhiều nơi ở Miền Nam Trung Bộ mỗi khu rừng (dù là lâm phần địa phương) có một hay nhiều “cửa rừng” là lối đi của những người khai thác lâm sản. Cuối năm, cửa rừng đóng lại. Thật ra, nói là “cửa” nhưng chỉ là lối đi, mốc định là một cây cổ thụ hay một bãi gò, không có chòi canh, cánh cửa, nói “đóng” có nghĩa là mọi người tự nguyện không ra vào theo lối ấy. Mồng bảy hạ nêu, hết tết, mồng tám lễ khai sơn cúng bái long trọng. Một cái đầu heo (thịt sống) được để lại nơi gốc cây là phần dành cho chúa sơn lâm. Sau khi cúng khai sơn người ta mới vào rừng chặt cây, bứt mây v.v…


Rừng thưa – Thảo nguyên:
       
Thảo nguyên là đồng cỏ. Nước ta không có những đồng cỏ như bên Âu Mỹ, chỉ có những gò đồi với nhiều loại cây thấp làm thành rừng thưa và nhiều loại cỏ xen lẫn bên nhau.
       
Chính dạng “rừng thưa” này gần gũi với con người hơn. Trước hết vì nó ở liền kề làng mạc, từ nhà ra rừng không bao xa. Thứ nữa nó là lâm phần hương thôn (địa phương) không bị ngăn cấm như lâm phần quốc gia. Trong rừng cây cỏ hỗn sinh này rất nhiều thứ cây, mọc liền nhau, sát nhau hoặc cách nhau. Nào là cây ổi, cây trâm, chà rang, lành ngạnh, cây giấy… nó cung cấp cho con người mọi thứ, từ thức ăn uống được như các loại trái, củ, thân, hoa… đến chất đốt (củi, than…) và không thể kể hết… dùng nhiều như cỏ tranh lợp nhà, dùng ít như cây nhỏ làm cán rựa, cán dao, cây lớn hơn như cây làm trụ giàn, lại thêm đủ loại dây cột buộc.  
       
Người lính thú đời xưa:
              
Miệng ăn măng trúc măng mai              
Những dang cùng nứa lấy ai bạn cùng
       
Người con hiếu thảo thương mẹ:
              
Đói lòng ăn hột chà là              
Để cơm nuôi mẹ mẹ già yếu răng       

Người bạn đời chung thủy:              

Đói lòng ăn nửa trái sim              
Uống lưng bát nước đi tìm người thương

Trong rừng còn rất nhiều loại dây, dây lớn như cổ rùa, dây tràm… dây nhỏ như dây mối, dây dang… Dây leo theo cây, luồn lách theo lùm bụi. Liên hệ sự hỗn sinh này với việc xây dựng nhà cửa và rộng hơn là việc tạo dựng cơ nghiệp lâu dài, người ta nói:
              
Có cây dây mới leo, có cột có kèo mới thả đòn tay.
       
Cuộc hỗn sinh đó tạo ra mối quan hệ chằng chịt, nên khi ta bứt sợi dây mây hay dây kim cang, dây mò tró… phải dần dần đi theo nó, và khi rút dây thì nhiều lùm bụi xào xạc rung chuyển theo, khiến cho lũ chim nhỏ hoảng hốt bay tránh và nhiều khi tổ chim bị rơi, trứng chim bị vỡ, chim con phải chết. Thật là:

Rút dây động rừng –Bứt dây động rừng –Bứt mây động rừng…

Gò cỏ là nơi chăn thả gia súc. Cỏ trên gò thường bị trâu bò ngựa ăn đến sát gốc, còn lại đúng là một tấm thảm xanh. Nhưng ngày này qua ngày khác chúng vẫn gặm và cỏ cũng kịp ra cho chúng gặm. Cao hơn một chút là những đám cỏ tai bèo và cỏ may. Cỏ tai bèo với những cánh lá tròn trịa, cộng hoa mong manh yếu đuối. Cỏ may cứng cáp hơn, hoa thường găm vào ống quần, gây khó chịu và mất công nhổ ra. Người ta đố nhau: Chỗ nào không phải chợ mà đông (đó là trường học), chỗ nào không phải sông mà lội (đó là gò cỏ may). Cỏ may tượng trưng cho sự nhỏ bé thấp hèn, như lời trách:
              
Chim quyên dại lắm không khôn              
Núi liên sơn không đậu, đậu cồn cỏ may.
       
Những gò cỏ này không phải toàn cỏ mà có xen vào đó những chòm cây như ở rừng thưa: cây sim, cây mua, cây lót, cây chân bầu… vân vân. Thỉnh thoảng có một vài bụi vươn cao lên như cây bút, cây mét. Và thỉnh thoảng có một cây đa đứng trên đỉnh gò, từ nơi thật xa thấy nhô lên một khối  in rõ nét vào chân trời.
       
Một loại “thảo nguyên” nữa là giồng đồi, chiếm phần lớn là tranh đế lau sậy. Đồi là từ dùng khi viết, ở Miền Nam Trung Bộ khi nói, những nơi thế đất không cao lắm, trải dài hay rộng người ta gọi là giồng, những nơi  chân tròn, đỉnh hơi nhọn gọi là hòn. Bông tranh nở trắng mịn màng, bông đế màu tím đậm, có phần khô cứng hơn, bông lau bông sậy vươn lên đùa với nắng gió. Ai đó than trách:
              
Anh về Giồng Dứa qua truông              
Gió day bông sậy để buồn cho em
       
Thật đã tả đúng cái cảnh bông sậy trước cơn gió nhẹ. Nó không lắc lay, chỉ run run nhẹ.
       
Bông lau, may mắn nhờ một sự kiện lịch sử nó được đổi đời. Nếu không, nó chỉ tượng trưng cho cảnh hoang vu:
              
Đường đi cả lách với lau              
Cả tràm với chổi, bỏ nhau sao đành!
       
Ông Đinh Bộ Lĩnh thuở nhỏ chăn trâu, chia phe đánh lộn, bẻ bông lau cầm tay chạy nhảy phất phơ… thắng được rồi bắt “bên nó” cung tay làm kiệu khiêng ta đi…chuyện đó không có gì đáng nói hết. Nhưng trời đất xui khiến, lớn lên ông dẹp yên các sứ quân, làm vua. Bấy giờ các sử quan mới thăng hoa thành đề tài “cờ lau tập trận”. Bông lau chẳng thèm run run trước gió như bông sậy, đường đường chính chính đi vào lịch sử, vào văn học, vào nhà trường, vào âm nhạc. Các tác giả Đại Nam quốc sử diễn ca viết về Đinh Bộ Lĩnh, coi đó như chơn mạng đế vương:
              
Khác thường từ thuở còn thơ              
Rủ đòn mục thụ mở cờ bông lau              
Dập dìu kẻ trước người sau              
Trần ai đã thấy vương hầu uy dung
       
Trước tháng 4-1975, học trò tiểu học ở Miền Nam, theo tổ chức “hàng đội tự trị”, mỗi lớp là một liên đội mang tên danh nhân, liên đội Đinh Bộ Lĩnh, hô tiếng reo ”chiến thắng”, khi vừa vào lớp hát bài đội ca: “Anh hùng xưa nhớ hồi là hồi niên thiếu. Dấy binh lấy lau làm cờ…”. Hát xong mới ngồi xuống - Con người có số thì bông sậy bông lau cũng có số vậy.

Người dân miền cao nguyên, miền núi, sống bên cây rừng, gắn bó với cây rừng khác nào tâm trạng lũ chim trời. Bậc trưởng thượng đem chuyện thiên nhiên nói với con cháu:
              
Chim khôn lựa nhánh nó chuyền              
Cá khôn lựa vực, bạn hiền lựa đôi.
       
Đôi nam nữ đậm đà tình cảm bảo nhau:
              
Thương nhau đám cỏ cũng ngồi              
Đám tranh cũng lội, rừng chồi cũng băng.
       
Khi phải xa cách, người ta nghĩ thân phận mình thật đáng buồn, chẳng khác con chim xa rừng:
              
Chim xa rừng còn thương cây nhớ cội              
Người xa người tội lắm người ơi!


Dược liệu – Trăm hoa:
       
Phần nhiều trong các loại dược liệu được khai thác từ rừng thưa và thảo nguyên, như sâm nam, cam thảo nam, hà thủ ô, mã tiền, sa nhân, phụng vĩ, trái tràm, bạch đậu khấu… Cây tô hạp và cây gió trầm cũng không phải ở hẳn nơi rừng cao, có khi là nơi tiếp giáp giữa rừng thưa và rừng cao. Người dân vùng cao nguyên cho rằng khai thác các thứ cây thuốc nam dạng củ và rễ như sâm nam, phụng vĩ… không dùng vật dụng kim khí. Kim khí làm biến đổi dược chất, không còn đủ hay (hiệu nghiệm). Họ không dùng lưỡi rựa, lưỡi cuôc, lưỡi xuổng (tất nhiên là nhanh hơn, gọn hơn). Họ vạt nhọn một đoạn cây như cái xuổng để đào, dùng cật tre vót thành con dao nhỏ cắt tỉa. Ngày trước, cho dẫu khai thác để bán họ cũng làm như vậy, sai lệch đi sẽ thất đức. Nếu nói không ai biết việc thất đức chưa hẳn đã đúng, vì ít nhất cũng ta biết, gia đình biết, trời biết, đất biết. Bây giờ chuyện gì cũng đại trà, cũng công nghiệp, không mấy ai tìm bới các loại dược liệu này và nếu còn tìm chẳng biết còn ai giữ được cái “đức” như xưa?
       
Cũng chính rừng thưa cung cấp trăm hoa. Không nói các loài hoa ta dùng làm thức ăn như hoa bông giờ, hay hoa sẽ kết trái rồi ta dùng trái làm thức ăn như hoa sim, hoa ổi, hoa giấy, hoa trâm, hoa chòi mòi vân vân… Có nhiều loài hoa, nói chung là hoa dại, có tên và không có tên, đến mùa đua nở làm cho cả cánh rừng đẹp dễ và thơm ngát. Hoa cổ rùa tím nhạt nhỏ nhoi, hoa găng vàng ngời rực rỡ, hoa nhím nồng gắt, hoa mằng lăng nở tận trên cành cao, khác hẳn với hoa dáy thấp lè tè trên mặt đất. Có loại hoa màu đỏ tươi thật đẹp, hình dáng cũng cân xứng nhưng ác thay, người ta đặt cho nó cái tên không đẹp tí nào cho nên nó nở đầy rừng vẫn không ai ngó ngàng đến, nói chi hái về cắm vào bình. Nhưng mặc kệ, nó nào đâu biết, đến mùa cứ nở, lá thật xanh, hoa thật đỏ, tưng bừng khắp nẻo sơn khê, chẳng bận tâm điều tiếng thị phi.
       
Một loài hoa xuất thân là kẻ ăn bám ở nhờ, sống trên sự sống của thảo mộc khác, dân gian gọi là “tầm gửi”, nhưng nhờ nó đẹp và nó ở trên cao, ăn nắng uống sương, không vấy chút bùn đất được thiên hạ cho là thanh cao với cái tên chung “phong lan”. Một thời, ông Nhất Linh ẩn tu nơi suối Đa Mê ở Đa Lạt ngày ngày dạo rừng tìm được nhiều thứ phong lan, đặt cho nó những tên vương giả đài các, nào là nhất điểm hồng, nhất điểm hoàng, thanh ngọc, hồ điệp vân vân. Hạ sơn, xuống Sài Gòn quay về với sinh hoạt văn học, xuất bản tạp chí Văn Hóa ngày nay số nào ông cũng in tranh hoa lan (do ông vẽ) ở bìa 1, bên trong in nhiều bài thơ nói về hoa lan, của ông và các thi sĩ khác, như Bùi Khánh Đản.
       
Theo thiển ý, có hai loại hoa được coi như đặc trưng của núi rừng là hoa mai và hoa múi dẻ (dủ dẻ).
       
Người già, ít nhất là người đứng tuổi thích hoa mai – hoa mai núi (sơn mai), không phải hoa mai trồng trong vườn. Đến tiết tháng chạp, người ta lên núi chặt về. Không phải là núi cao. Rừng mai cũng nằm trong dạng rừng thưa cây thấp. Cây mai đứng trên đất khô cằn, thân gốc xù xì mốc thếch màu trắng màu nâu. Có người thích cành thật nhiều hoa, ngày tết nở vàng, tượng trưng cho sự thịnh vượng. Có người thích cành khẳng khiu, hoa lưa thưa, còn một số búp, để có cảm tưởng như ta đang sống trong hiện tại mà hướng về tương lai, tức là tìm cho mình một ý nghĩa sâu xa hơn.
       
Con nít thì thích hoa múi dẻ. Hoa màu vàng đất, cánh hoa dày dặn. Hái bỏ trong túi, lúc xâm xẩm hoa tiết ra mùi thơm nồng đậm, nhưng không gay gắt như hoa ngọc lan. Ta đi chơi trong xóm, mùi hoa đi trước giây phút như báo tin cho bạn bè. Đó là cái vui thời thơ ấu vụng dại.
       
Tôi muốn mượn lời thơ Tô Thùy Tên (trong bài thơ dài, bài Ta Về, được nhiều người khen chuộng) để nói với trăm thức hoa rừng, kể cả những loài hoa vô danh, chịu chung một số phận gọi là hoa dại – dẫu biết rằng hoa rừng chẳng nở vì ai:
              
Cám ơn hoa đã vì ta nở              
Thế giới vui từ mỗi lẻ loi.


Bềnh bồng sông nước

Cây cỏ sống nhờ đất, cắm rễ xuống đất hút lấy chất dinh dưỡng nuôi phần thân cành lá, tất nhiên là nuôi cả rễ nữa. Đất ấy phải có nước đủ độ ướt, độ ẩm, không có nước cây cỏ chết, nhiều nước quá có khi cây cỏ cũng chết. Tuy vậy có loại cây cỏ thiếu đất hay không có đất vẫn sống được. Nó sống trên mặt nước, thả rễ trong lòng nước, trôi nổi theo dòng nước, bồng bềnh làm một khách phiêu bạc giang hồ.
       
Đó là những đám bèo sống nơi ao hồ, liên kết với nhau thành cả một vùng rộng lớn. Thân phận bèo gần gũi với những người nghèo khổ, làm thuê, ở mướn, những người cam bề lẽ mọn, phải thức khuya dậy sớm thái khoai đâm bèo. Oái oăm thay, bên cạnh bèo là sen, một loại cây đắc dụng. Lá sen, hoa sen, ngó sen, tim sen, hạt sen đều quý cả. Người đời ca ngợi vẻ sang trọng thanh cao của sen:

Trong đầm gì đẹp bằng sen
Lá xanh bông trắng lại chen nhị vàng

Truyền tụng mãi rồi thiên hạ nhập tâm bảo rằng hoa sen đẹp lắm, xứng đáng được tôn làm vào quốc hoa. Các đại gia văn chương cả Ta và Tàu, tận thời Đường thi, có cả các bậc tu sĩ, đều làm thơ ca ngợi hoa sen. Người bình dân cũng thật lãng mạn tình tứ:
       
Hôm qua tát nước đầu đình       
Bỏ quên chiếc áo trên cành hoa sen       
Em được thì cho anh xin       
Hay là em để làm tin trong nhà…

Đồng ý là hoa sen đẹp, nhưng khó lý giải đẹp hơn các loài hoa khác ở chỗ nào. Xem kỹ thì có phần thô tháp. Tác giả câu ca dao còn gán cho sen cái tính hợm mình, vô ơn.

Nhị vàng bông trắng lá xanh
Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn.

Không sống gần bùn thì ai nuôi sen lớn, không có mùi bùn hôi tanh lấy đâu sen có lá xanh bông trắng nhị vàng?
Bèo nhìn sen buồn tủi, không thoát được cái mặc cảm tự ti. Như thi hào Tiên Điền viết trong Truyện Kiều:
       
Phận bèo bao quản nước sa       
Lênh đênh đâu nữa cũng là lênh đênh!

Mà thường thường tự ti hay sinh ra tự tôn, như anh chàng 

A.Q của Lỗ Tấn, có khi chỉ thầm kín trong lòng, có khi bày tỏ thành lời, mong đợi một dịp nào đó coi như đổi đời, rửa hận:

Thân anh như cành hoa sen
Thêm em như thể bèo hèn trong ao
Vái trời cho cả mưa rào 
Cho sen chìm xuống bèo trèo lên sen.

Trèo lên cỡi đầu cỡi cổ sen rồi làm gì nữa? Chuyện này khác nào cảnh:

Trời làm một trận lăng nhăng
Ông hóa ra thằng, thằng hóa ra ông!

Đến một thời nào đó, có giống bèo từ phương xa đưa về. Người này gọi là bèo Tây, người kia gọi là bèo Nhật. Tây và Nhật thì ăn đứt Ta rồi. Do  cuống lá phình lên giống lọ lộc bình, nó mang thêm cái tên đẹp: lục bình. Một tên nữa là phù bình, nổi trên mặt nước – bèo nào mà không nổi? Lá lục bình màu xanh, hoa tím nhạt, điểm chấm màu lam, đứng thẳng vươn cao.

Lục bình phát triển rất nhanh trên sông nước. Những đoạn ngày hai buổi thủy triều nó theo đó mà lên lên xuống xuống, có khi lênh đênh giữa dòng, có khi tấp vào bờ. Mây bay từ trời cao xanh, bóng mây dưới đáy nước cũng bay, song hành với lục bình, tạo ra cảnh sắc thú vị “bèo dạt mây trôi”. Nói như vậy hay hơn và đúng hơn “bèo dạt hoa trôi”. Bèo dạt, bèo vẫn sống còn, hoa trôi là hoa đã chết, lìa cành rã cánh. Mây bay khắp bốn phương trời, khi tụ khi tan, lục bình chỉ quanh quẩn trong một phạm vi hẹp, cũng được nương theo để mang cái ý tưởng lãng mạn: phiêu bạc giang hồ.

Đại gia Huy Cận viết trong bài Tràng giang: Bèo dạt về đâu hàng nối hàng… Đã dạt còn gì kỷ cương, trật tự để hàng nối hàng ngay ngắn. Chỉ có từng mảng, lớn nhỏ không đều nhau, xô đẩy chen lấn.

Ở nơi đồng nội, gần bờ gần góc những ao nước nhỏ, có cây rau chóc, rau mác. Rau chóc, chắc do cái tên có phần xấu xí nên chẳng thấy ai khen chê, có điều thấy nó thì người nông dân chặt lá, dứt gốc, quăng lên bờ, không cho nó lấn lướt cây mạ. Rau mác thì hình như luôn có cái ước vọng được lên bờ, được ca dao nhắc đến:
       
Chờ em (anh) đã quá sức chờ       
Chờ cho rau mác lên bờ trổ bông

Và trong thơ của thi sĩ Tô Thùy Yên sau mười năm khổ nạn (vẫn bài Ta Về):
       
Ta về như tiếng kêu đồng vọng       
Rau mác lên bờ đã trổ bông

Còn hoa súng nữa. Nó cũng phần nào hữu ích, nhưng trong dân gian tịnh không nghe điều tiếng khen chê. Lá súng trải sát trên mặt nước, đến khi hoa nở thì lá đã héo rữa, chỉ còn hoa đơn lập nhô lên. Vẻ đẹp của hoa súng trông hiền hậu, nhu mì, dáng dấp có phần nào ngơ ngác, ngây thơ. Trên tạp chí Thanh Nghị (xuất bản tại Hà Nội trước năm 1945) ông Đinh Gia Trinh đã hết lời ca ngợi hoa súng, cho rằng nếu sen là hoa «quân tử» thì phải gọi hoa súng là hoa «tiên tử», bởi nó nở một cách bình thản, lặng lẽ, nhẹ nhàng, không rủ rê thêm loài hoa nào, không đón chào ong bướm, không khiến con người để mắt ngoái nhìn.  Đồng ruộng đã qua mùa thu hoạch, gốc rạ thân rơm nằm rạp, vài con cò lặng lẽ từng bước đi nghe ngóng thăm dò, thỉnh thoảng ngẩng nhìn mấy bông súng tím, đỏ, vàng, lam... gió nhẹ rung rung trong ao nhỏ... Rõ ràng đó là bức tranh đậm đà màu sắc thái bình của non nước vùng quê, trong đó hoa súng là điểm chính.

Trần Huiền Ân
(Còn tiếp...)