Friday, December 25, 2015

190. TRẦN HUIỀN ÂN Cây cỏ trong ca dao (3. CÂY CỎ DO CON NGƯỜI TRỒNG )


Photo by PCH  (2015)


3.
CÂY CỎ DO CON NGƯỜI TRỒNG



Con người đã lựa chọn một số cây cỏ quan trọng để trồng trọt trên ruộng, thổ, vườn, rẫy, soi… Dần dần lai tạo làm cho nó phát triển cao xa hơn bà con của nó còn đang đứng nơi bờ bãi. Tùy theo đời sống của mỗi loại cây và thổ nghi, khí hậu phù hợp nên mỗi vùng miền có một số loại cây riêng, từ cây lương thực, thực phẩm đến cây sử dụng trong công nghiệp, cây dùng để trang trí v.v… Cây được con người quý trọng và công lao của người trồng cây luôn luôn được ghi nhớ. Sự nghiệp lập quốc của Hùng Vương được so sánh với công lao trồng cây và khơi nguồn sông nước:
                  
Cây kia ăn quả ai trồng                  
Suối kia uống nước hỏi dòng từ đâu?


Cây lương thực – thực phẩm:
         
Xã hội ta ngày trước rất kính trọng giới sĩ. Nhất sĩ nhì nông. Nhưng người ta vẫn không quên trong sách lược an dân “dĩ thực vi thiên” nên trên thực tế có lời phản biện vui vẻ rằng: Hết gạo chạy rông, nhất nông nhì sĩ.
         
Cơm là món ăn chính nên cây lúa đứng hàng đầu trong danh sách cây cỏ được trồng, hạt gạo đứng hàng đầu trong bảng kê lương thực, đồng thời tạo ra một nền văn hóa, có người gọi là “văn minh lúa nước”.
         
Người ta nói đến cây mạ, cây lúa một cách thân mật dịu dàng, trong đó có gửi gắm tình cảm và hi vọng:
                  
Mạ non mà cấy đất biền
Mưa hòa, gió thuận , có tiền cưới em
                  
.  .  .
                  
Gió đông là chồng lúa chiêm                  
Gió bắc là duyên lúa mùa
                  
.  .  .
                  
Lúa chiêm nép ở đầu bờ                  
Hễ nghe sấm động phất cờ mà lên
                  
.  .  .
                  
Nữa mai lúa chín đầy đồng                  
Gặt về đập sảy bõ công cấy cày
                  
.  .  .
                  
Bao giờ cho đến tháng mười                 
Lúa thóc bời bời nhà đủ người no
                 
.  .  .
                  
Đôi ta như lúa phơi màu                  
Đẹp duyên thì lấy ham giàu làm chi
         
Lúa với bắp là chị em. Người ta nói đến cái ngon của trái bắp non, đồng thời nói đến cái khó trong cách nướng (bắp non mềm, đầy chất sữa, nếu vụng nướng sẽ cháy hết, không còn gì, bắp già nếu lỡ bị cháy, gạt bỏ chỗ than đen phần còn lại cũng kha khá), cũng như cái khó đến tán tỉnh cô lái đò trên sông Thủ Thiêm:
                  
Bắp non mà nướng lửa lò                  
Đố ai ve được con đò Thủ Thiêm.
         
(Ve : tán tỉnh. Ngày xưa nói “ve gái” cũng như bây giờ ta nói “tán gái”).
         
Các loại tuy gọi là “hoa màu phụ” cũng không hề bị “phụ bạc”.
                  
Được mùa chớ phụ ngô khoai                  
Những năm đói khó lấy ai bạn cùng.
         
Mà còn được trẻ con mong đợi:
                  
Cu kêu ba tiếng cu kêu                  
Cho mau tới tết dựng nêu ăn chè                  
Chè gì? Chè đỗ chè khoai                  
Bắt anh giã nếp canh hai chưa về…
         
Tuy lúa bắp khoai đậu đều phải “trồng” cả, cũng nói trồng lúa, trồng bắp, trồng đậu, trồng khoai, nhưng khi đề cập đến khái niệm “cây trồng” người ta nghĩ ngay đến các loại cây ăn quả (quả tương đối lớn, động tác “trồng” cụ thể và thường do thế hệ ông cha ngày trước trồng để lại), nhắc nhở về bổn phận nhớ ơn:
                  
Ăn quả nhớ kể trồng cây                  
Biết chữ phải nhớ ơn thầy bảo ban
         
Trong các loại cây ăn trái quả ngắn ngày (một cây thì ngắn ngày, nhưng cả bụi do cây ấy nhảy con ra thì không phải là ngắn), nhà nào cũng có một vài cây chuối trồng ngay sau nhà, bên hàng rào, nên nó được nhắc đến nhiều nhất. Hình ảnh người mẹ già:
                  
Mẹ già như chuối ba hương                  
Như xôi nếp mật như đường mía lau
                 
.  .  .
                  
Mẹ già như chuối chín cây                  
Gió lay mẹ rụng con rày mồ côi
         
Và nhiều hoàn cảnh khác nhau, dẫn tới những suy nghĩ khác nhau: thương cảm, trách móc, chê cười:
                  
Anh về trồng chuối bực bầu                  
Trái ăn, lá rọc, bỏ tau bơ vơ
                 
.  .  .
                  
Gió đưa tàu chuối qua mương                  
Bóng trăng em tưởng người thương em về
                  
.  .  .
                  
Ai đem con kéc vô vườn                  
Cho nên con kéc ăn buồng chuối tiêu
                  
.  .  .
                  
Gió đưa bụi chuối sau hè                  
Lăm le con chị, ai dè con em
         
Hoặc:
                  
Gió đưa bụi chuối sau hè                  
Lăm le con chị, dò dè con em
         
Vân vân…
         
Cây cam, cây chanh, cây bưởi trồng trong vườn cũng chiếm nhiều cảm tình của con người trong nhiều mặt nhìn, nhiều cách ghi nhận:
                  
Ăn cam ngồi gốc cây cam                 
Lấy anh về bắc về nam cũng về
                 
.  .  .
                  
Bóng cam bóng quít sau nhà                  
Bóng trăng dọi lại (anh) tưởng là bóng em
                 
.  .  .
                 
Anh về chẳng có chi đưa                 
Quả cam đang nhỏ, quả dừa đang non
                 
.  .  .
                  
Tai nghe quan huyện đòi hầu                 
Mua chanh mua khế gội đầu cho thơm
                 
.  .  .
                  
Ở chi hai dạ ba lòng                  
Dạ cam thì ngọt dạ bòng thì chua
                  
.  .  .
                  
Chợ chiều nhiều khế ế chanh                  
Nhiều con gái lứa nên anh chàng ràng
         
Và còn nhiều nữa…
         
Trên Cửu Đỉnh, cuốn sách “địa phương chí” với hoài bão tồn tại lâu dài, bên cạnh  những danh mộc các loại cây nhỏ bé như cây hành, cây hẹ, tía tô, cải bẹ… cũng được chạm khắc, thì trong ca dao các loại cây nhỏ bé, các loại thân dây cũng không thiếu vắng. Người ta mượn nó cho những câu chuyện của cuộc đời:
                  
Thò tay mà ngắt ngọn ngò                  
Thương anh da diết giả đò làm ngơ
                 
.  .  .
                  
Chim chuyền bụi ớt líu lo                  
Lòng thương quân tử ốm o gầy mòn
                  
.  .  .
                  
Một mai cút lủi bụi cà                  
Cậu Ba đòi vợ sao bà không lo?      
                 
.  .  .
                  
Hai tay cầm bốn trái dưa                  
Trái ăn, trái để, trái đưa cho chàng
                  
.  .  .
                 
Chim quyên ăn trái khổ qua                  
Nuốt vô sợ đắng, nhả ra bạn cười
                  
.  .  .
                  
Vân vân…
         
Trong số đó có một câu có lẽ phổ biến rộng rãi hơn hết và thường được dùng cho những lời kêu gọi:
                  
Bầu ơi thương lấy bí cùng                  
Tuy rằng khác giống ở chung một giàn.
         
Mỗi vùng miền có một số sản vật, ở vùng đồng bằng, ven biển khác, ở vùng núi rừng, cao nguyên khác. Dân chúng đã đem trao đổi với nhau, như được ghi nhận trong câu dưới đây:
                  
Ai về nhắn với nậu nguồn                  
Mít non gởi xuống cá chuồn gởi lên
         
Nậu là một nhóm người, những người… Thời chúa Nguyễn Hoàng mới vào kiêm trấn Quảng Nam, nậu là một đơn vị hành chánh cơ sở, ở vùng hẻo lánh xa xôi. Dưới cấp huyện có các tổng và thuộc, thuộc chia ra thôn, phường lớn hơn và nậu, man nhỏ hơn.

Sản vật vùng ven biển có cá chuồn. Sản vật trên nguồn có mít non (hoặc măng le, thơm chua – tùy nơi nên câu ca dao có 3 bản nói khác nhau). Mít non, hoặc măng le, thơm chua kho với cá chuồn thành một món ăn tổng hợp giữa nguồn và biển. Ở đây thấy được sự liên hệ thường xuyên và gắn bó giữa dân chúng hai vùng miền. Người ta coi nhau như anh em một nhà, nói “ai về” chứ không nói “ai lên” và chưa thấy nên phải “nhắn”, tức là vừa thông tin vừa nhắc. Từ “nhắn” biểu lộ sự thân tình. Nếu nói: “Ai lên bảo với nậu  nguồn. Mít non đưa xuống, cá chuồn đưa lên…” thì tình cảm sẽ khác hẳn, có phần khô cứng của việc buôn bán. Hơn nữa đây không phải là buôn bán “thẳng rẵng” như sau này, mà đổi chác hiện vật với nhau – một hình thức “buôn bán” từ trước khi có đồng tiền, giấy bạc làm vật trung gian. Và không hẳn phải gặp trực tiếp, một đàng “gởi xuống”, một đàng “gởi lên”. Cách đổi chác diễn ra thật thoải mái, có phần vô tư, không đặt vấn đề giá cả thấp cao, bao nhiêu mít (hay măng, thơm) với bao nhiêu cá, không sợ bị lừa đảo, bị mất của.


Cây công nghiệp:
         
Gọi “cây công nghiệp” là một cách gọi khiên cưỡng. Nhưng ở đời nhiều khi chuyện sai lặp đi lặp lại tới một lúc nào đó người ta coi là đúng. Cho nên, chúng tôi cũng tạm chấp nhận từ ấy để nói về những loại cây sau đây: Có loại cây chỉ khai thác để chế biến các loại dụng cụ. Có loại cây vừa làm thực phẩm vừa dùng trong công nghiệp. Có loại cây thân gỗ, trồng lâu năm mới đến kỳ sử dụng, có loại cây thân thảo, ngắn ngày, mỗi năm một hoặc hai vụ mùa.
         
Trước hết phải nói đến tre là loại cây tối cần. Tre mọc hoang ngoài rừng thuộc loại tre gai, cây nhỏ, ruột đặc, cứng và chắc. Tre trồng ở ven xóm, quanh xóm, của chung cộng đồng gọi là tre làng, thuộc loại tre mỡ nhưng do thiếu chăm sóc nên không lớn cây bằng tre mỡ của tư nhân trồng trên đất riêng. Người thanh niên đang yêu bày tỏ nỗi lòng:
                  
Trồng tre trước ngõ ngay hàng                  
Tre bao nhiêu lá thương nàng bấy nhiêu
         
Người nuôi mối hận thù nhắm mục đích khác:
                  
Thù này thù hãy còn lâu                  
Trồng tre nên gậy gặp đâu đánh què!
         
Nghe xong ta thở phào! Trồng tre chỉ cần nên gậy thì không lâu lắm và gặp đâu đánh què cũng không đến nỗi nào. Không gây ra án mạng. Què chân chưa hẳn là thân tàn ma dại. Vậy có thể coi đây là một lời hù dọa, cảnh cáo, nên cẩn thận đề phòng đôi chân với cái chước cuối cùng “tẩu vi thượng sách”. Dùng chân để giữ chân là hữu hiệu.
         
Chặt tre là một việc khó: Thứ nhất chặt tre, thứ nhì ve gái.
         
Tre đã chặt còn lại phần gốc, mắt tre lõm vào, rễ tre cứng ngắc, thiên hạ đưa vào câu đố:
                  
Ông già ổng chết đà lâu                  
Con mắt thom lỏm, chòm râu hãy còn
         
Dừa trồng nhiều ở các làng ven biển, đi trên quốc lộ 1A có những đoạn trông thấy “dừa là dừa”. Người ta đi trong vườn dừa, trẻ con chơi đùa dưới gốc dừa, thỉnh thoảng có trái dừa khô rơi xuống nhưng không bao giờ trúng ai, do đó thiên hạ nói “dừa có mắt”. Ông Tây cai trị A. Laborde làm Công sứ mấy tỉnh Trung Kỳ khi viết địa chí tỉnh Phú Yên (năm 1929) có vẻ cũng tin như vậy. Ở nơi cao nguyên, miền núi mỗi xóm vẫn có vài ba cây dừa, đủ cung cấp trái và lá cho dân chúng khi cần. Cây dừa còn cho người bóng mát để ngồi bên nhau tâm sự:
                  
Ăn dừa ngồi gốc cây dừa                  
Cho em ngồi với cho vừa một đôi

Vùng Tam Quan tỉnh Bình Định nổi tiếng là nhiều dừa:
                  
Công đâu công uổng công thừa                  
Công đâu gánh nước tưới dừa Tam Quan
         
Nhiều dừa, thêm món bánh tráng dừa.
         
Trẻ con đố nhau: Ngoài da xanh, trong da đá, bá da trắng, bắn nước ra. Giải là trái dừa.
         
Cây mía cũng rất gần gũi với mọi người. Mía trồng cả đám để làm đường, đến mùa đường khắp nơi trong làng xóm thơm ngát vị đường. Buổi chiều tan học về, năm ba đứa học trò nhỏ xin một vài bó mía ra bờ ruộng ngồi xiết. Mía còn được trồng vài bụi bên hè, trong sân, gần ang nước. Khi cần chặt vài cây tặng nhau đem về cho cháu nhỏ. Người con gái mượn hình ảnh cây mía khi nói lời từ chối:
                  
Chuồn chuồn đậu ngọn mía mưng                  
Em đà có chốn anh đừng vãng lai
         
Hoặc:                  
Nhà em có bụi mía mưng
                  
Có con chó dữ anh đừng vãng lai
         
Trong khi đứa em mong chờ:
                  
Chừng nào cho mía trổ bông                  
Cho chị có chồng em gặm đuôi heo.
         
Nhưng mía ngoài đám người ta không để cho nó trổ bông. Mía trổ bông bị “chạy chè”, chất đường bị giảm bớt, bởi phải đem lên nuôi bông, nên phải chặt sớm, chặt xong cũng không nên để lâu mà phải ép ngay..
         
Cây thuốc lá được đặt tên theo từng loại đất. Thuốc trồng trên đất ba-dan màu nâu (đất trân) gọi là thuốc trân, khói thơm đậm đà. Thuốc cát trồng trên đất cát, lạt hơn. Thuốc trồng trên rẫy gọi là thuốc rẫy. Thuốc trồng trên chỗ trước đó là chuồng trâu bò, gọi là thuốc nền chuồng, ngon hơn hết. Có người tức cảnh:
                  
Chim chìa vôi bay qua rẫy thuốc                  
Cá bã trầu lội dưới mương cau
         
Cây bông vải và cây gai (lấy sợi) ít được nhắc đến trong ca dao, mặc dù công dụng của nó rất lớn. Có thể vì cái “lớn” đó nó thành xa cách. Người ta thường nói đến công việc tạo ra sản phẩm hơn, như chuyện bắn bông kéo vải, xe chỉ tiếp gai… Người con gái vùng nông nghiệp trách chàng trai bỏ làng quê theo về vùng biển giã:
                  
Anh về làm rể dưới Đăng                 
Bỏ em kéo vải sáng trăng một mình!
         
Tìm hiểu nguyên nhân mới vỡ lẽ:
                  
Anh về làm rể dưới Đăng                 
Ăn cơm bát bịt tôm rằn kho tiêu.
         
Làm khách đông sàng như vậy ai không thích?
         
Cây đậu phụng cũng được đưa vào câu đố dân gian:
                  
Trên dương trần có bông không trái                 
Dưới âm phủ có trái không bông
         
Khi cả đám đậu phụng nở hoa, trông như một tấm thảm đẹp trải trên mặt đất. Lúc này lá đậu phụng còn xanh, những cụm hoa nổi lên, màu đỏ màu vàng tương phản. Đào và mót khoai đậu là công việc của những đôi vợ chồng nghèo khó phải đi xa làm ăn. Lúc đầu tuy khổ sở họ sống thật hạnh phúc:
                  
Khoai lang Suối Mít                  
Đậu phụng Hòn Vung                  
Chàng đào thiếp mót đổ chung một gùi.
         
Nhiều nơi có Suối Mít, Hòn Vung. Ông này bảo: Suối Mít Hòn Vung ở Bình Định, ông kia nói ở Phú Yên, có ông cho rằng ở Quảng Nam. Thôi thì thuộc tỉnh nào cũng được. Trên đất nước ta biết bao nhiêu địa danh trùng lặp. Suối có cây mít, trảng mít (mít rừng) là Suối Mít, núi giống như chiếc vung úp là Hòn Vung. Sự việc ở đây là sau một lúc đào đào mót mót có lẽ do nhọc nhằn quá mà kết quả không ra sao, đôi vợ chồng nọ trở thành quạu quọ cáu kỉnh với nhau:
                  
Vì đâu duyên nợ sụt sùi                  
Chàng giận chàng đá cái gùi chàng đi                  
Chim kêu dưới suối Từ Bi                  
Nghĩa nhơn còn bỏ huống chi cái gùi!
         
Đi tìm suối Từ Bi để xác định Suối Mít Hòn Vung thì cũng không ít nơi có suối Từ Bi. Từ bi là một loại cây thấp, người ta dùng trái có hương thơm phơi khô xay nhỏ làm bột nhang.


Trầu cau:
         
Cứ như cổ tích thì chuyện dùng trầu cau trong lễ tục bắt đầu từ thượng cổ thời đại, đời Hùng Vương. Các sách lịch sử viết về 3 tục xưa của dân ta là vẽ mình, nhuộm răng, ăn trầu. Tục vẽ mình bỏ từ đời vua Anh Tông nhà Trần. Chuyện nhuộm răng, ăn trầu gần đây vẫn còn, là chuyện thật, trong khi việc người chết hóa ra dây trầu, cây cau, đá vôi là chuyện ảo. Vậy nhìn theo con mắt khoa học chúng ta có quyền không tin cổ tích, chỉ xem cổ tích là sáng tác để giải thích tục lệ. Tục lệ phải có trước cổ tích.
         
Miền Bắc nói “nhai trầu”, Miền Nam nói “ăn trầu”. Đúng ra là nhai, nhưng không phải nhai suông, có khi hữu ý, có khi vô tình người ta nuốt vào một tí nước trầu, và người ta nhai bằng thái độ vui vẻ sảng khoái, nên nói “ăn trầu” nghe tình cảm hơn.
         
Miếng trầu dùng trong nghi lễ, trong giao tế, gặp nhau mời nhau. Một mình thì dùng giải cơn buồn ngủ, dùng lấp khoảng thời gian trống trải, các bà già thèm trầu ngồi ngáp lên ngáp xuống, ngáp dài, có miếng trầu là tươi tỉnh ngay.
         
Thành phần trong một miếng trầu có: lá trầu, vôi, trái cau bửa ra, vỏ cây rễ phơi khô cắt đoạn ngắn và lá thuốc phơi khô xắt nhỏ dùng đánh răng. Cây cỏ chiếm phần quan trọng.

Cây rễ khai thác từ rừng thưa, nó mọc xen với những lùm bụi thấp nhỏ nơi giồng đồi tranh đế. Cây rễ còn một tên nữa là rễ hòn mang. Có hai loại, hòn mang cái lớn hơn, hòn mang thia nhỏ hơn. Chặt cây rễ xuống, thui qua lửa rồi lột vỏ, phơi khô. Lá rễ hòn mang cái hình ngũ giác, hớn hơn cái dĩa bàn, trẻ con chăn trâu chăn bò dùng nó đựng thức ăn cho bữa trưa nơi gò đồi (khoai lang, đậu phụng luộc, sắn hầm, sắn quết… đều từ cây cỏ).

Dây trầu, cây cau, cây thuốc lá đều phải trồng. Có làng trồng cả vườn trầu vườn cau. Ở Nam Bộ có mười tám thôn vườn trầu (thập bát phù viên). Thông thường thì ở thôn quê mỗi xóm có ít nhất một nhà có bụi trầu (gọi là nọc trầu – vì dây trầu bò lên một cây nọc, thường dùng cây cốc, một loại cây khá cao, thân tròn và suông, hoặc cây vông), có vài ba cây cau đứng nơi sân trước hoặc bên ngoài hàng hiên. Trầu vườn thơm và giòn. Trầu nguồn từ vùng cao đưa về, lá nhọn, hơi dai, không thơm bằng. Trầu lẹt là trầu mọc hoang nơi ẩm ướt có con suối nhỏ, cực chẳng đã khi không có mới hái về tạm dùng. 

Trồng cau ít chăm sóc, thỉnh thoảng lên “làm cỏ”, tức là dọn sạch những rác rến nơi ngọn cây, trồng trầu phải chăm sóc kỹ, luôn luôn tưới nước, hái trầu cũng cẩn thận, không để kẻ lạ tay mó vào. Cây cau cũng rất đắc dụng. Ngoài việc dùng ăn trầu các bộ phận khác đều không bỏ: xác cau, mo cau, tàu cau, thân cau. Hoa cau nở thơm ngát. Những đêm trăng sáng trải chiếu trong nong ngồi giữa sân, ngửi lấy mùi hương cau tỏa đầy trong gió, nhìn những tàu cau lắt lay, bóng cau đổ dài rồi thu dần ngắn lại. Nghe tiếng con chim kéo vải kêu khi gần khi xa. Bây giờ cái không khí “thái bình” ấy hiếm lắm.

Ca dao nói về trầu cau không ít.
         
Têm trầu mà giắt mái rui         
Cúi đầu lạy mẹ làm sui chỗ gần
         
.   .   .
                 
Anh Ba đi cưới chị Ba                  
Mâm trầu hũ rượu hết ba mươi đồng
                 
.  .  .
                  
Trồng trầu chớ lộn dây tiêu                  
Con đi đò dọc mẹ liều hư con
                  
.  .  .
                  
Trồng trầu thì phải khai mương                  
Làm trai hai vợ phải thương cho đều
                  .  .
Trồng trầu tưới nước cho vông
Cảm thương cây chuối đứng không một mình
.  .  .
Trồng trầu tưới nước cho vông
Mấy đời cháu ngoại giỗ ông bao giờ

.  .  .
                  
Bắc thang mang giỏ hái trầu                  
Hỏi thăm lê lựu mang cầu chín chưa
                  
.  .  .
                  
Có trầu mà chẳng có cau                  
Làm sao cho đỏ miệng nhau thì làm
                 
.  .  .
                  
Một mình lo bảy lo ba                  
Lo cau trỗ miộn lo già hết duyên
                 
.  .  .
                  
Thương nhau cau sáu bửa ba                  
Ghét nhau cau sáu bửa ra làm mười…

Vân vân…

TRẦN HUIỀN ÂN  
(Còn tiếp...)