Potomac River – Oil on gessoed paper - 5” x 7”
Elizabeth Floyd
Ngồi trên chiếc máy bay của hãng Eva suốt mười mấy tiếng đồng hồ, tôi không thể nào chợp mắt được, dù một giấc ngủ ngắn như các bạn khác cùng tôi đang ngồi bên cạnh trong một chuyến qua Mỹ lần thứ hai, mắt đang nhắm nghiền, thiếp đi. Tôi đợi chờ những buổi ăn sáng tôi được phục vụ trên chuyến bay này. Chắc chắn không phải vì những món ăn ngon lạ miệng được những bàn tay nhỏ nhắn, trắng muốt của những cô nàng tiếp viên hàng không xinh đẹp cầm từng chiếc khay nhựa đặt đầy những hộp thức ăn nóng hổi cùng những ly tách để không. Sau đó, một nàng thiếu nữ tóc cắt ngắn trong bộ váy đồng phục, tay cầm một chiếc bình, bước nhẹ qua lối đi nhỏ hẹp, cất tiếng rao, mời khách, giọng nói nhỏ nhẹ, êm ái: Coffee or tea.
Chỉ có tiếng rao coffee or tea sao lòng tôi bỗng nghẹn ngào, nó như một chiếc chìa khóa mở bật chiếc rương trong đó chứa đầy những ký ức của một thời về gia đình người chị kế mà suốt đời tôi không bao giờ quên được.
Chị cùng chồng và ba đứa con nhỏ phải rời bỏ Sài Gòn sau những năm sôi sục, đánh tư sản mại bản, để khỏi phải bị đi kinh tế mới, gia đình chị kéo nhau về một thị xã nhỏ thuộc tỉnh Sông Bé. Căn nhà nhỏ trong một khu vườn chỉ lưa thưa vài cây mít, vài cây điều xơ xác. Để tránh người ta gắn cho gia đình chị là tư sản mặc dù chị chỉ là người giữ hộ nhà in với máy móc tối tân đồ sộ của người chị đầu đã bỏ ra nước ngoài. Chị làm một cái chuồng heo đơn sơ sát gian nhà bếp, bỏ vào cặp heo mọi, mà thức ăn có khi là những hạt điều, trộn hạt mít cùng một ít cám. Các con của chị, đứa con gái đầu lòng mới phát mã, xinh gái, tóc đen mượt và dài xõa ngang vai, đôi ngực lú lên như hai trái cau. Đứa em kế là con trai, ốm yếu và nước da ngăm đen, suốt ngày ở trần trùi trụi. Cô em út vừa mới lên ba.
Tôi vẫn thường lên thăm anh chị mỗi lần tôi có dịp vào Sài Gòn, trúng những lần sân vận động sau khu gia cư nhà chị tổ chức giải bóng đá toàn tỉnh, tiếng reo hò, la hét cổ động từ xa vẫn vang vọng về. Vợ chồng chị xúm nhau, chồng chụm củi bắc ấm nước sôi, vợ bỏ vào một nắm trà quốc doanh, vội vàng đưa cho đứa con gái còn ngơ ngẩn đứng chờ, bên cạnh thằng em trai lanh lẹ kéo chị theo. Tôi còn ngơ ngác, chị giải thích: “Các cháu đã một thời sống trong nhung lụa, giờ phải lao động cũng như anh chị phải kiếm sống để người ta gỡ cho mình cái “mạc” không tốt.” Tôi cũng tâm sự với chị:
“Khi về nông thôn để sống, vợ em cũng từng hái rau mọc lan trong những khu vườn trong xóm, mang ra chợ bán, kiếm từng bạc cắc. Người ta thầm thì “tư sản” giả vờ đói.”
Sau năm 1980, tôi trở lại ngôi nhà đó, mới thấy bảng niêm phong, bật ngửa mới biết gia đình chị đã âm thầm ra đi. Về sau tôi nhận được tin từ người chị đầu ở Mỹ cho biết chị kế tôi và hai cháu gái đã bị mất tích hoặc đã làm mồi cho cá mập. Chỉ riêng anh rể tôi và thằng cháu đã đến quê người an toàn.
Hơn ba mươi lăm năm. Tôi qua Mỹ lần đầu tiên, gặp lại thằng cháu nay đã thành người trung niên, to lớn. Hắn kể lại với giọng buồn bã về tuổi thơ của mình. Về hình ảnh người Mẹ quá hiền hậu. Về người chị ngây thơ hồn nhiên giữa rừng người. Tiếng rao hàng, nhỏ nhẹ: “Trà nóng đây! Trà nóng đây!”. Một vài thanh niên mặt bừng bừng thua cá độ, cầm ly nước trà uống vội, hơi nóng hừng hừng làm họ chưa kịp nuốt, vội vàng phun ra, bắn vào khuôn ngực đứa con gái tuổi “ô mai”. Chị giật mình, không nói một lời, chỉ biết kéo tay thằng em đang trợn mắt sừng sỏ, bỏ đi về nhà.
Chỉ chừng đó thôi. Một tiếng rao Trà nóng đây đã làm lòng tôi đau đớn.
Bao nhiêu hình ảnh về cô cháu nhỏ chưa biết gì cảnh đời ô trọc của một thời.
Bây giờ, quanh tôi là những người khá giả, trên một chuyến bay qua bên kia nửa trái đất, tôi ám ảnh về một tiếng rao hàng.
Chuyến qua Mỹ lần này, tôi dành thời gian gặp gỡ những người thân yêu trong đại gia đình. Chị đầu, người đã từng thương yêu và gầy dựng cơ nghiệp cho tôi những năm trước 1975, vừa qua cơn phẫu thuật trong cái tuổi trên tám mươi, gần đất xa trời. Người em gái kế đã từng ham mê về âm nhạc, trời phú cho cô có một giọng hát truyền cảm. Cậu em trai say sưa với công việc thiết kế xây dựng. Tôi và vợ chồng Trương Văn Dân - Elena được sống cùng chung trong những ngôi nhà người thân đó.
Từ San José đến Sacramento. Từ nhà cô em gái đến nhà người chị đầu mất cả hai tiếng đồng hồ đi xe. Có thêm Lữ Quỳnh, Lữ Kiều, là hai người bạn thân từ thời học Quốc học của tôi và đã từng được chị tôi thương mến.
Anh chị đãi chúng tôi một buổi buffet trong casino. Sau một thủ tục nhiêu khê để được cấp một thẻ ăn và mua hàng giảm giá. Tôi và cậu em từ một thành phố nhỏ ở Việt Nam qua, ngao ngán trước những cái xa lạ của cuộc chơi này. Riêng tôi, chỉ cần lấy một chén súp nhỏ là đủ rồi. Đâu cần phái đi vòng lỉnh kỉnh mang nhiều món ăn như người khác. Ăn nhiều cho “bõ ghét”.
Tôi biết ý định của chị muốn cho chúng tôi biết thế nào là đời sống ở Mỹ. Xếp hàng. Tự phục vụ mình.
Những lần chúng tôi vào những nhà hàng của người Việt Nam, nhìn những tô phở quá to, những dĩa cơm sườn quá lớn… Ăn không hết thì “To go” bỏ vào hộp nhựa mang về. Tính tiền tại quầy rồi lấy tăm cho mọi người xỉa răng. Nhớ bỏ lên bàn tiền bo. Như một điều tất nhiên.
Sau gia đình mới đến bạn bè. Mà bạn bè ở đất nước này chúng tôi chỉ có những người làm văn chương và độc giả của Quán Văn mà thôi.
Từ San José chúng tôi đi xe đò Hoàng, mất 6 tiếng đồng hồ trên xe. Đường sá rộng rãi nhiều line, bằng phẳng, sạch sẽ. Xe chạy tốc độ trên 100 cây số mà êm ru. Đến Nam Cali, chỉ có tôi và vợ chồng Trương Văn Dân. Những ngày ở nhà Phong, ngồi nơi hiên sau nhà, một khoảng không gian nhỏ, một dãy chậu kiểng sát tường đầy những bông hoa, và đặc biệt thoang thoảng mùi thơm ổi chín trên cành cây nặng trĩu những trái. Phong châm những tách trà độc ẩm bằng đất nung, nhỏ xíu, hớp từng ngụm trà đặc quánh, nói với nhau những ước mơ về một nền văn hóa mang đầy dân tộc tính.
Chẳng cần gọi điện hẹn hò gì, cứ ra quán cà phê thì sẽ gặp nhau thôi. Đâu có nhiều gì như ở Sài Gòn. Trịnh Cung ngồi đó, một mình. Đốt thời gian. Đợi chờ cuối tuần đón vợ con qua. Thành Tôn mang mấy tập thơ “Miếu đền…” của Mai Thảo, sách viết về Võ Phiến. Nguyễn Đình Thuần đi photo những bài viết của Du Tử Lê và vài anh em khác viết bài về các phòng tranh của anh đưa cho Quán Văn qua tôi.
Những buổi tiệc mừng nơi nhà Trần Yên Hòa. Nâng ly rượu, ngày hội ngộ lần thứ hai, sau ba năm gặp lại. Quán Văn với trên 30 đầu báo. Anh Trần Văn Nam, chuyên viết tiểu luận và phê bình văn học ở hải ngoại, ở xa phải mất hơn một tiếng đồng hồ mới đến, các bạn khác gần hơn như Trần Văn Sơn, Thành Tôn, Nguyễn Đình Thuần, Đặng Phú Phong mang theo rượu , vài món gỏi tự biến nấu. Tiếng cười giòn tan. Cùng cầm ly cụng vào nhau. Miệng hô: Zô. Zô theo giọng nói lờ lợ của người bạn Ý Elena.
Ra về cả bọn đều mang sách tặng, những tác phẩm văn học được xuất bản trong và ngoài nước. Những đứa con tinh thần của người này được người kia nâng niu như một món quà quí giá.
Riêng cặp vợ chồng Lê Hạ Vĩnh và Thu Vân, chúng tôi phải gọi điện hẹn trước. Gặp nhau tại báo. Chị Thu Vân ôm choàng lấy tôi, vui mừng. Làm sao nghĩ được có ngày sau gần bốn mươi năm chúng tôi lại giáp mặt nhau. Thu Vân là bạn của chị kế tôi. Trần Thy Nhã Ca là người rủ tôi bỏ Huế vào Sài Gòn làm báo với chị. Tôi nghe lời, vào Sài Gòn, mới bật ngửa, chị cùng Trần Dạ Từ sống trong một phòng nhỏ của một buiding. Trần Dạ Từ nói với tôi: Tụi mình là đàn ông, ngủ dưới đất, nhường cái giường độc nhất cho bà Nhã nhé. Tôi nhắc lại kỷ niệm đó với mọi người. Trần Dạ Từ đưa tay vỗ vai tôi như phân bua: Nguyên Minh với bà Nhã như chị em, nhưng với Trần Dạ Từ này là bạn bè.
Đúng vậy. Sau đó vài năm. Chính nhờ cặp vợ chồng này tôi mới khởi nghiệp về báo chí, xuất bản. Tôi học nghề in tại một nhà in riêng của họ trước khi tôi trông nom một nhà in tối tân bằng những máy offset của người chị đầu đầu tư. Tôi thực hiện tạp chí Ý Thức khổ vuông cũng từ ý tưởng của Trần Dạ Từ.
Tôi không biết làm thơ. Tôi không thuộc thơ ai bao giờ ngoài mấy câu của Trần Thy Nhã Ca đăng trên tạp chí Hiện Đại năm 1960.
Tôi làm con gái
Buồn như lá cây
Chút hồn thơ dại
Xanh xao tháng ngày.
Tôi lại không đồng ý câu thơ của Trần Dạ Từ: Người đi qua đời tôi, không nhớ gì sao người. Với tôi: người sống mãi đời tôi. Nên làm sao tôi quên được người. Vui thôi nhé! Trần Dạ Từ.
Trước khi từ giã miền Nam Cali, tôi và vợ chồng Trương Văn Dân - Elena còn gặp Du Tử Lê, Nguyễn Lương Vỵ, Nguyễn Thị Ngọc Lan tại một quán cà phê người Việt hứa hẹn gặp nhau trong buổi ra mắt Quán Văn tại Sài Gòn trong một ngày không lâu.
Về lại San José, nghỉ vài hôm, tôi và vợ chồng Trương Văn Dân lại lên máy bay qua Washington DC. Có Phạm Cao Hoàng và Nguyễn Minh Nữu đón. Buổi sáng trời se lạnh. Hai bên đường là rừng cây khoe đủ sắc màu, xanh, tím, vàng, đỏ. Tôi mải mê nhìn cảnh rừng mùa thu ở Thủ đô nước Mỹ. Lạ lẫm.
Ngày hôm sau, Đoàn Văn Khánh từ Utah mới bay qua, đúng hẹn cho buổi họp mặt anh em văn nghệ vùng Virginia tại nhà họa sĩ Trương Vũ.
Tại đây, trong một biệt thự rộng lớn, sang trọng, bề thế, dưới một tầng hầm rộng rãi treo đầy tranh hội họa của chủ nhân. Khách mời, có người chúng tôi quen biết thân tình đã lâu, có người chúng tôi chỉ biết qua những tác phẩm văn học từ những mấy mươi năm trước hoặc mới xuất hiện trên những trang mạng văn chương. Nguyễn Minh Nữu với giọng nói ấm áp và truyền cảm giới thiệu từng khuôn mặt đã từng đóng góp cho văn học trong cũng như ngoài nước. Không khí buổi họp mặt trở nên thân mật, ấm cúng, đầy tình nghĩa anh em sau khi tôi nói như một lời tâm sự. Quán Văn là tâm huyết của những người lỡ mê văn chương, xem như một cái nghiệp phải trả. Thế thôi.
Gặp gỡ bên dòng sông Potomac
Studio Trương Vũ, Virginia, 24.10.2015
Đã qua được nước Mỹ, đã qua được Virginia mà chưa đi về New Jersey để thăm vợ chồng Trần Hoài Thư thì trong lòng tôi ray rứt, khó chịu. Phạm Cao Hoàng và Nguyễn Minh Nữu hiểu được tình cảm sâu xa giữa chúng tôi nên bỏ một ngày Chủ Nhật, chị Kim Mai, vợ của Nữu cùng chồng thay phiên nhau lái xe. Sáng đi tối về phải mất 12 tiếng đồng hồ.
Đến nhà Trần Hoài Thư trước giờ hẹn một tiếng. Nhìn chiếc xe đậu trong sân tôi nhận ra ngay vì cách đây 3 năm vợ chồng Trần Hoài Thư đã từng chở tôi đi đây đi đó. Nhìn vào trong xe vẫn thấy những tập báo Thư Quán Bản Thảo vất bừa sau hàng ghế như báo hiệu chủ nhân đang có mặt trong nhà.
Mở cánh cửa không khóa, bước vào nhà, tôi như đang trở về ngôi nhà thân yêu của mình, tôi gọi to: Thư ơi. Tao về đây. Không ai trả lời. Tôi đi vội vàng, bước xuống căn hầm ngổn ngang máy móc, đèn vẫn sáng chói. Máy vi tính vẫn mở. Máy in vẫn hoạt động. Tôi đâm hoảng, leo lên tầng trên, vào căn phòng mà ngày nào tôi với Trần Hoài Thư đã từng trùm chăn ngủ ấm. Mền gối vất tung. Nhìn vẻ lo lắng thể hiện trên đôi mắt tôi, Nguyễn Minh Nữu hốt hoảng kéo mọi người ra khỏi nhà, vội vàng lên xe chạy đến một nơi nào đó. Theo Nữu cho biết, ở Mỹ không như ở Việt Nam. Coi chừng bị khép vào tội xâm nhập gia cư bất hợp pháp.
Gọi lại điện thoại cho Trần Hoài Thư vẫn không ai bắt máy. Để lại tin nhắn vẫn không hồi âm. Tôi phải gọi về Phạm Cao Hoàng nói rõ sự tình.
Một tiếng đồng hồ, anh em chúng tôi lang thang quanh ngôi nhà thờ, không khí trở lạnh, Phạm Cao Hoàng mới báo tin. Trần Hoài Thư mới về nhà sau buổi trưa, đúng giờ chăm sóc bệnh nhân. Y. người vợ yêu dấu của Trần Hoài Thư sau những lần tai biến đang nằm trong một viện chăm sóc người già.
Mới 3 năm gặp lại, tôi nhìn thân xác anh bây giờ, tiều tụy, tóc bạc phơ, đôi mắt không mang kính leo nheo, răng cỏ rụng hết chỉ còn lưa thưa. Anh không còn đủ sức lo cho bản thân mình.
Gặp tôi, anh khoe những công trình in ấn cũng như về những số chủ đề về văn học miền Nam của một thời vang bóng. Tôi cũng khoe với anh những tập Quán Văn đầy màu sắc được in ra từ những máy móc đơn sơ. Mấy anh em, đặc biệt là Trương Văn Dân, Elena cùng chia sẻ về niềm đam mê về báo chí văn học và ngành in ấn của hai chúng tôi.
Có những sự việc mà tôi không bao giờ nghĩ ra. Làm sao tôi có thể biết được một người mà ngày xưa chỉ biết viết văn trên những trang giấy trắng sau buổi hành quân xa, trong buổi gặp anh em trong một quán cà phê bên đường, sau một cơn say, ngà ngà nguệch ngoạc viết vài câu thơ trên bao thuốc lá. Ngày đó anh phục lăn khi nhìn chúng tôi chăm lo tờ Ý Thức từ bài vở đến trang in. Vừa chủ báo. Vừa đứng máy làm thợ chạy máy in. Vừa đóng gói từng kiện chở đi phát hành. Anh chỉ biết nhìn. Bây giờ tôi nghiêng mình phục anh. Chỉ một mình, đơn thân độc mã, với những cái máy in cá nhân đã cũ mua từ cửa hàng bán đồ cũ, mang về tự sửa chữa. Suốt ngày anh lục đục đứng máy, vừa chăm lo tập san Thư Quán Bản Thảo mà khởi đầu từ năm 2000 chúng tôi gởi qua tặng anh số báo Ý Thức Bản Thảo (chỉ giới hạn trong thân hữu) đã gợi ý cho anh thực hiện một tập san văn học cùng một nhà xuất bản tự in và phát hành.
Đứng trước giường bệnh, nhìn chị Y. Nằm bất động, trên phủ tấm chăn, nhưng chị vẫn còn nở nụ cười dù không tươi lắm, miệng vẫn còn đọc được mấy câu thơ, như chào mừng chúng tôi.
Trên đường đến New York, tôi kể cho các bạn nghe về nhân duyên giữa Trần Hoài Thư và Ngọc Yến. Đám cưới của họ mà nhà trai đại diện là Tạp chí Ý Thức và nhà gái đại diện tạp chí Bách Khoa. Cách đây ba năm, sau mấy chục năm xa cách, chính vợ chồng Trần Hoài Thư bay từ New Jersey qua San Jose đón tôi về nơi anh sống. Trong một chuyến ghé thăm một casino, ngồi ngoài hiên, lộ thiên, trước mặt chúng tôi là bãi biển rộng bao la, gió lạnh từ ngoài khơi thổi vào làm tôi đủ run rẩy, co ro. Những con chim bồ câu hiền lành, dạn dĩ, thản nhiên dạo quanh dưới chân chúng tôi, mổ từng mảnh vụn thức ăn thừa rơi rớt. Trần Hoài Thư đưa tôi một phần bánh pizza mà anh mới mua từ quầy hàng bên trong. Tôi đặt lên chiếc bàn sắt nhỏ, chưa kịp xắn ra từng miếng nhỏ, bỗng đâu từ ngoài biển kia cả chục con hải âu bay vào sà xuống đậu trên bàn rồi chụm đầu thi nhau mổ lia lịa phần bánh của tôi. Chúng không sợ gì chủ nhân, như một gã người khổng lồ, trong cái thân xác nhỏ nhoi của loài chim chúng nó. Lạ lùng thay, những con chim bồ câu, hiền lành kia, con người đã từng gắn cho danh nghĩa biểu tượng của hòa bình, vội vàng phóng lên bàn của tôi, cùng nhau mổ tới tấp vào đầu mấy con hải âu làm chúng trở tay không kịp, nhưng cũng phản ứng lại, sau một hồi cắn đá nhau, lũ hải âu tan tác, bay ra ngoài biển lại. Tôi cứ tưởng phần ăn còn lại lũ bồ câu sẽ tiếp tục hưởng xái. Nhưng không, chúng bay xuống đất, thanh thản, tiếp tục tìm mồi. Chị Yến đang cầm chiếc máy ảnh vội vàng chụp lại cảnh tượng đó. Rồi chị cười thích thú. Trần Hoài Thư ví von giữa chim và người. Tôi nghĩ đến: Chiến tranh và hòa bình.
Những ngày sống ở miền Đông nước Mỹ tôi mới nhận ra giữa thiên nhiên và con người hòa hợp như thế nào. Khi tôi ngồi viết những dòng chữ này tôi vẫn còn mang niềm cảm xúc những cảnh vật từ đó đã để lại trong tôi.
Những rừng cây bao quanh những ngôi nhà gỗ. Những thảm cỏ xanh thẫm trước nhà. Những lá vàng rơi đầy nằm la liệt như những cánh bướm trên nền xanh của cỏ non. Những màu đỏ cam, đỏ bầm, tím rịm của rừng cây đổ lá.
Một buổi chiều chúng tôi đứng ngoài hiên nhà của Phạm Cao Hoàng, sát nhà anh là khu rừng bao la. Tôi quấn lại chiếc foulard vào cổ chặt hơn cho đủ ấm. Trên đầu phải đội chiếc kết nỉ, tay chống lên cằm, tựa vào thành lan can. Đôi mắt tôi chăm bẵm nhìn về phía dưới đồi, lá rụng từ lâu đã thành màu nâu, rũ mục, rừng cây chi chít, một khe suối nhỏ chạy dài. Tiếng nhạc hòa tấu từ một laptop ngoài sân, những bản tình ca bất hủ của Trịnh Công Sơn. Chiếc lá thu phai. Sao bỗng dưng tôi xúc động, khi tôi nhận ra những con nai vàng đang ngơ ngác, bước từ bụi rậm, đạp trên lá vàng, đến khe suối, cúi đầu xuống uống nước. Anh Đặng Đình Khiết, người bạn tôi mới quen, vội vã đưa mấy ảnh chụp cảnh tôi đứng phía xa có cặp nai vàng.
Trên đường nhựa tôi thấy vài nơi có gắn tấm bảng nhỏ hình con nai. Nguyễn Minh Nữu cho biết khu rừng này có rất nhiều bầy nai đang sống. Thỉnh thoảng vẫn xảy tai nạn, những con nai bị xe cán nằm bên vệ đường, chỉ chờ xe kiểm lâm xúc đi mà thôi.
Những hồ ao, nước trong xanh, giữa rừng hoặc ngay thành phố, những bầy thiên nga, như trong chuyện cổ tích, từ đâu bay về vẫn thản nhiên đáp xuống, tung tăng bơi lội giữa dòng nước trong xanh. Tôi nhìn những đàn cá vung vẩy búng lên mặt nước như trẻ con đang đùa giỡn.
Một hình ảnh khác về một con chó nhỏ xinh xắn của nhà ai đó chạy lạc ngay giữa đường cái mà xe cộ đang chạy vùn vụt, Về lại Sài Gòn, tôi kể lại cho vợ tôi nghe. Nàng cứ thấp thỏm hỏi tôi kết quả con chó đó có bị tai nạn gì không. Chính tôi cũng hồi hộp vô cùng, con chó nhỏ cứ ngơ ngác chạy qua chạy lại giữa vạch đường làm Nữu lái xe phải tránh né mới vượt qua nó. Tôi cứ nhìn lui, cầu mong cho nó thoát cơn hoạn nạn. Trên xe Nữu để âm thanh dĩa nhạc lớn lên một chút lại càng làm tôi xúc động. Những bản nhạc kinh Nam Mô A Di Đà Phật. Hình ảnh đó lại làm vợ tôi thao thức, trong đêm khuya thanh vắng tôi nghe tiếng thở dài. Bấy giờ tôi chợt hiểu nàng nhớ lại chuyện cũ. Về một con chó kiểng. Trời sinh ra nàng có một tấm lòng thương yêu loài vật. Con chó được mang về từ nhà một người bạn thân của tôi. Con chó có lông màu xám, nhỏ nhắn, được vợ tôi chăm sóc, nâng niu, như một đứa con. Để giữ một mối liên hệ tình cảm với một sui gia ở cạnh nhà, chặt đứt cái cớ để mỗi lần uống rượu say sưa ông ta cứ chửi cha mẹ chồng của con gái mình là không biết nuôi chó để nó cứ sủa inh ỏi mỗi lần thấy ông ta đang nghiêng ngửa, xiêu vẹo trong cơn say. Vợ tôi đành nghe lời khuyên của tôi, đem nó cho một người bạn khác. Tưởng đã dứt tiếng chửi bới đó, nhưng vẫn còn bởi những lý do khác. Những ngày thiếu vắng con Mina – tên vợ tôi đặt – vợ tôi buồn rầu, đôi mắt nàng cứ rơm rớm, những đêm mất ngủ. Cuối cùng tôi chìu theo ý nàng, gọi điện người bạn xin lại. Anh ta chở con Mina trả về chủ cũ, với lời kể lại. Con Mina suốt mấy ngày không ăn uống gì cả dù anh tìm mọi cách. Nó cứ tìm một góc xó, nằm ủ rũ, và nước mắt cứ chảy ra. Lần đầu tiên anh ta mới thấy một con vật biết khóc. Gặp lại vợ tôi, con Mina mừng rỡ, cứ quấn quít bên chân nàng. Còn vợ tôi nàng vui hẳn lên. Nhưng đến một ngày con Mina bị mất tích. Không biết có phải một trong những người thợ đang sửa chửa ngôi nhà của chúng tôi bắt đi, hay con chó hoảng sợ vì bị họ xua đuổi mà hoảng hốt phóng từ cái khoảng trống sau nhà rơi xuống đất của bãi đáp phi trường. Cả vợ tôi và các con thi nhau tìm kiếm. Vẫn bặt tăm. Sáng nào vợ tôi cứ ngồi bên cửa sổ nhìn xuống như tìm lại một vật gì quý giá.
Cuộc hội ngộ nào rồi cũng đến lúc phải chia tay. Trong bùi ngùi. Trong nghẹn ngào. Để rồi ngồi nhớ lại những kỷ niệm đã qua. Và, cũng chính từ kỷ niệm đó đã nuôi nấng tâm hồn mình đẹp hơn, phải không các bạn tôi. Đinh Cường. Dù phải đi hóa trị, tóc không còn một sợi, trọc lóc như một thầy tu, thân xác đau đớn. Ê chề nhưng sau đó anh vẫn làm thơ mỗi ngày, vẫn có mặt trong những buổi họp mặt, chiêu đãi chúng tôi ở nhà hàng, nhà các bạn Trương Vũ, Phạm Cao Hoàng, Nguyễn Quang, ngồi hàng ghế cao trong quán cà phê nước Mỹ. Món quà anh tặng tôi là một chiếc foulard với lời nhắn nhủ: Thỉnh thoảng ông thay vào chiếc của T. đang quấn quanh cổ chiếc foulard này như để nhớ về một người bạn.
Trước khi về lại Việt Nam, T. đãi tôi một bữa cơm chay tại một nhà hàng. Có thêm vài người bạn khác nữa. T. nhắc nhỏ tôi: Thôi anh đừng viết về em nữa nghe. T. trong văn chương, như một nhân vật huyền thoại. Nửa hư. Nửa thực.
Với tôi không có ranh giới giữa tình yêu, nghĩa vợ chồng và bạn hữu. Mỗi thứ tình đều thiêng liêng, hòa lẫn với nhau.
Tôi cảm ơn đời đã cho tôi những thứ tình yêu đó.
Như một hạnh phúc.
Về đến Sài Gòn tôi bắt tay làm Quán Văn số đặc biệt: Bên dòng sông Potomac, như trả nợ những ân tình mà anh em, bạn bè dành cho chúng tôi. Chúng tôi đều mang một hoài bão. Phải có một nền văn học nhân bản. Không còn biên giới./.
Nguyên Minh
Tháng 12.2015