Sunday, February 19, 2017

268. LÊ VĂN THIỆN Truyện ngắn CHẬP CHỜN

Source: khohinhnen.com




          Yên chơi thân với Hạt, Lưu từ thời trung học, ở Đà Lạt. Về sau, lớn lên, anh trôi giạt từ Trung vô Nam, rồi quay ngược ra. Nay Yên trở lại Đà Lạt một mình, trong vai du khách. Anh ăn uống ở các quán hạng trung, ngủ trong một khách sạn be bé. Sang ngày thứ hai, tình cờ, may mắn, Yên gặp Lưu. Qua Lưu anh nối lại sợi dây thân tình với Hạt… Trước khi đến thăm vợ chồng Hạt, Yên ở nhà Lưu ba ngày.
        Trang trại của Hạt nằm trong xó núi Tiên Hà, cách thị trấn Tam Dương hơn mười cây số. Đây là vùng mới khai phá trong đợt di dân năm 1982. Trên khu rừng rộng, rậm rạp, chỉ có tám mươi nóc nhà, trong đó có ba mươi hộ người Raglai. Gia đình Hạt, bốn người, ở trong hai ngôi nhà lớn, còn mới. Sáu người làm công – chuyên trồng rau cải, chăm sóc cà phê – và một chị chăn bò, sống trong căn nhà mái tôn vách gỗ, cách nhà chủ chừng trăm mét.
        Đất vườn rộng, có nhiều người giúp việc, trông Hạt ra dáng ông chủ… Tám giờ tối, Hạt và Yên uống cà phê. “Tối qua, giấc này, mình và Lưu dạo phố”, Yên nói. “Đi những đâu?”, Hạt hỏi. “Từ Võ Tánh xuống rạp xi-nê cũ, xuống Bùi Thị Xuân, vòng qua Phan Đình Phùng… Nay phố lớn, đường rộng, người đông”. “Đông hơn xưa bảy lần”. Yên lặng vài phút. “Đổi mới hay ăn xổi?”. Nghĩ suy khá lâu. “Nó mang cả hai bản mặt đó… nhưng mặc nó, tìm đâu cho ra sự hoàn hảo trên cõi đời ô trược này”. “Ô gì”. “Ô trược!”. Hạt cười ha hả. “Dạo chơi, đi chậm, nhìn ngắm, nhớ lại thời trước”. “Xưa kia, ngày cũ, hồi đó… lớn tuổi thường quẩn quanh với chùm quá khứ, dĩ vãng, lắm lúc nó khiến ta bải hoải, mệt nhoài”. “Không nhớ thì làm gì.” Đà Lạt là núi đồi và thông. Thông mất nhiều, còn chừng phân nửa. Có người nhớ nó. Giới bô lão lẩn thẩn tiếc thương nó. Bọn trẻ chắc không biết, chẳng để ý. Bụng để ngoài da, chúng chỉ quan tâm máy móc, xe cộ, điện thoại… “Đi thế này mình nhớ Thái Phương, liên tưởng vụ sóng thần Thái Lan”, Yên nói. Ngày 26 tháng 12 năm nào du khách quốc tế cũng đổ về Thái đốt nến, thắp nhang trên các bãi biển, tưởng niệm những thân nhân của họ đã chết trong trận sóng thần tai ác năm 2004. Qua chuyện này, ta thấy dân Tây không khô khan, lớt phớt. Xa xôi như thế mà lặn lội đến để khóc, tưởng nhớ… Con người nhỏ bé, cõi đời bảng lảng, chênh vênh.
        Mới đó mà hơn ba mươi năm. Từ Đà Lạt lên hốc núi Tiên Hà này chỉ tám chục cây số, nhưng đã khá lâu Hạt không gặp Lưu. Cuộc sống của hai người khác nhau xa. Mối thâm tình của tuổi mộng mơ ngày càng lợt, nhòa. “Chuyện vợ chồng Lưu xộc xệch lắm”, Hạt nói. Nghe vậy, biết vậy, Yên chưa hề gặp Ngộ, vợ Lưu. Hạt nhận xét: Ngộ mang trong người dòng máu nghệ sĩ. Con nhà giàu, nghề nghiệp sáng rỡ, lại ôm anh chàng lêu bêu, chẳng có một nét nổi bật nào, không nghệ sĩ là gì? Nay anh chị vẫn còn là vợ chồng, nhưng sống riêng, làm ăn riêng, bề ngoài nom có vẻ bình lặng, yên ổn, nhưng nhìn kỹ sẽ thấy có những vết xám bất thường bao quanh họ. “Con cái thì sao”, Yên hỏi. “Một trai chừng mười tuổi, sống với ông bà ngoại”. “Nay Lưu làm gì”, Hạt hỏi. “Không rõ, anh ấy đi suốt ngày, tối mới về. Ở nhà chỉ có ông già và chị ôsin”. “Có dạo Lưu buôn bán gỗ, rồi vào Bạc Liêu nằm lì mấy năm, nuôi tôm làm muối”. Vậy thì, Lưu mới là nghệ sĩ, không phải Ngộ.
        Trời đẹp, Lưu – Yên thả bộ suốt hai tiếng. Đi, nhìn, ngó quanh quất, thấy sướng. Lưu nói, lâu nay anh không đi thế này, hễ ra khỏi nhà là lên xe. Đi, ôn lại cảnh cũ trong đầu, nhớ những hàng thông, những triền đồi rợp vàng hoa cúc dại… Xưa, Yên hay tắm nước nóng ở một tiệm nhỏ, không tên, gần cà phê Tùng, nay tiệm không còn. Nhà giặt ủi đông khách kế bùng binh, gần chợ cũng không còn. Mất cũng phải, lâu quá, hơn ba mươi năm. Có lẽ đó không phải mất, nó tiến hóa? Hai nhà sách Khải Minh, Tuyên Đức chiều nào Yên cũng ghé vào mua báo, đã qui tiên. Hai khách sạn Thanh ngọc, Vinh Quang trước rạp xinê vẫn còn, cao to hơn trước, giờ mang tên mới… Có những thứ nhỏ, vụn vặt nhưng cũng có hồn cốt, khiến người ta khó quên, như tiệm giặt ủi, nhà tắm nước nóng. Tắm nước nóng, dịch vụ độc đáo, đặc sản Đà Lạt. “Chiều xẩm, bỏ chiếc khăn nhỏ, cục xà bông thơm trong túi áo jacket, tạt vào nhà tắm quen, tẩy trần hai chục phút, sạch sẽ thơm tho, trước khi ăn cơm, dạo phố”, Yên nói. Lưu cười. “Hàng bánh xèo bên hông rạp xinê, trước tụi mình thường ăn, còn không”, Yên hỏi. “Còn, nay người khác bán”… Đi loanh quanh, nghĩ vẩn vơ, mỏi chân, hai bạn tấp vào một quán cà phê vỉa hè. Cà phê không nhạc, có hai bàn cờ tướng, một nhóm người trẻ đánh cờ. Hai ly đen đá. “Hai đen đá, cô chủ!”. Một câu thường, quen thân, nhưng có chút gì đó làm ta xốn xang.
        Yên nói: “Tôi còn nhớ tên mấy khách sạn: Việt Nam, Mimosa, Cao Nguyên… các hiệu ảnh Ngọc Dung, Đại Việt”. Lưu khen: “Tài, anh nhớ giỏi. Khách sạn còn có Thanh Tùng, Phú Hòa, Sài Gòn… Thế, quên các nhà sách Khai Trí, Hòa Bình, Văn Hóa, Liên Thanh rồi sao?”… Nói đến cà phê không thể bỏ qua quán Tùng. Cà phê Tùng như người tiên, không già. Nhược điểm của nó là nhỏ hẹp, nằm chỗ ồn ào, nhưng lớp người cũ vẫn nhớ nó. Chủ quán hiện giờ là con ông chủ cũ. Nhiều người khen, anh này được lắm, có máu văn nghệ. Anh vui mừng khi tiếp đón các vị khách xưa. Những người đó bước vào, anh nhận ra ngay. Anh bảo, trông cách ngắm nghía, dáng ngồi, kiểu uống của họ, mình biết, không lầm… Ngay tối đầu tiên lên đây, Yên ghé lại Tùng, một mình. Quán thưa khách, còn sớm, nhạc mở nhỏ, phảng phất dư âm cũ. Cái gì rồi cũng qua. Ai rồi cũng sẽ già. Núi còn mòn nói chi người. Còn biết yêu thiên nhiên, nhớ thương những nét đẹp, những hương vị ấm nồng một thời là mừng. Yên nhớ lại, cố nhớ tên những bản nhạc mình thường nghe tại quán này, trước đây. Một cô tiếp viên đến, hỏi mấy câu, Yên đáp qua loa, cô bé bỏ đi.

*  *

        Chị Xoa lên hỏi, khuya có ăn gì không. Xoa, vợ Hạt, dân gốc Phan Thiết nhưng giống hệt người miền núi. Nếu gặp ngoài đường, nghe giới thiệu: “Đây là cô H’Pan ở huyện Kon Plong mới ra”, Yên cũng tin. Xoa đô con, đen, mặt lạnh tanh. Chị nói nhỏ, không nhìn ai, không hỏi cười xã giao. “Thôi, không ăn, còn no”, Hạt nói. Xoa xuống bếp, không hỏi thêm. “Xưa giờ bà ấy ở quê, chưa đi xa, không biết Bạc Liêu, Cần Thơ, Huế, Đà Nẵng… Yên cứ ở đây chơi, bao lâu cũng được, đừng ngại. Lâu rồi, chúng tôi chẳng được ai thăm”. Hạt lấy điện thoại gọi, nói cười năm phút. Anh mời một ông bạn, ở cùng buôn, tới chơi. Anh bảo bạn, nhớ đem cây đàn theo. Đó là Đông, anh chàng nửa núi nửa đồng, rất tếu. “Cái chúng mình cần lúc này là vui, thoải mái, phải không”, Hạt hỏi.
        Đông tới, cắp cây guitar cũ bên nách. Thêm ly cà phê. Hạt giới thiệu hai bên, ngắn gọn. Đông hút thuốc. Hai con chó sủa vang sau nhà. Xoa nói lớn mấy câu với những người giúp việc. Đông hỏi Yên, anh thấy cái khác rõ nhất giữa Đà Lạt nay và xưa là gì… Mấy mươi năm, khác, đổi thay là tất nhiên, nhưng khác gì có lẽ còn tùy cách nhìn của mỗi người. Người 50 tuổi thấy, nghĩ không giống người 70, Nam khác Bắc… Yên nhớ lại đêm văn nghệ bỏ túi ở một tiệm tạp hóa, một ngày cuối năm lạnh buốt. “Anh còn nhớ đêm nhạc Đỗ Bá Chức ở quán Phú Quý, tụi mình dự cùng Lưu, Thái Phương không?”. “Nhớ… Có một thời như thế, không ma túy, không cướp giật, sống cứ như bơi trên sông”. “Như bơi trong mây… nay Thái Phương ở đâu?” Yên lắc đầu: “Chịu, có thể ở Đức, Mỹ, Canada, hay vẫn còn nằm bên một con suối nào đấy gần Củng Sơn, Phú Túc (tỉnh Phú Yên). Thái Phương dân Đà Lạt, sau dời lên Pleiku… Dạo đó Đỗ Bá Chức còn trẻ, mới tập viết nhạc, nhưng anh đã cho ra đời nhiều ca khúc nóng rực, thơm ngát, khiến đám trai trẻ say mê. Đó cũng là tình yêu, chiến tranh, đời phù du, thế giới điên đảo, nhưng không giống Vũ Thành An, Ngô Thụy Miên, Nguyễn Đức Quang, nó nhẹ, đằm, phiêu hơn. “Đêm đó Chức hát bảy, tám bài, Nam Giang hát khản tiếng”. Bá Chức có nhiều tình ca hay, nhưng chưa được quần chúng biết nhiều, có lẽ do khâu tiếp thị, quảng bá yếu. Anh ấy nói, được anh em thích là mừng rồi.
        Đông hút thuốc, nhả khói mù mịt. “Bà vợ đáng kính luôn mồm bảo tôi, đừng hút nữa, để sống tới 90. Phải, tôi sẽ bỏ thuốc, nhưng giờ nên hít vài hơi, lấy sức để hát”. Đông đàn, hát. Núi đồi, sông suối, bò rừng, đàn voi, công múa. Sau này, qua lời Hạt, Yên biết đôi điều về Đông, thấy đời anh chàng khá hay, ngộ. Mỗi người có một đời riêng, chẳng ai giống ai, đấy là điểm thú vị là sự sáng tạo phong phú của thượng đế… Đông có hai vợ, sống riêng, một chị ở Đà Lạt, một ở đây. Xưa nay, nếu đếm kỹ, sẽ thấy Đông đã làm bảy nghề, mỗi nghề vài năm. Hiện giờ anh nuôi bò, trồng nấm. “Tôi là trung gia” anh khoe, tự hào. “Tuy sống có vẻ chông chênh, nhảy từ ngành này qua nghề khác, nhưng chỗ nào tôi cũng moi được tiền, đúng không, anh Hạt?” Hạt gật. “Này, chơi ở đây chán, anh sang bên nhà tôi, nghỉ ngơi ít hôm… Trước lạ sau quen, trên này thiếu bạn bè trầm trọng. Anh biết không, ngày nào cũng có cả trăm xe chạy ngang nhà mình, nhưng không xe nào dừng lại”, Đông nói với Yên, xong hát tiếp. Anh hát điệu nghệ, nửa như Nhật Trường, nửa Sĩ Phú. Hết hai bài, Đông uống cà phê. “Chiều mai tôi đưa hai anh lên Kon H’ring chơi, hay lắm, đi không”, Đông hỏi. “Trên đó có gì?” “Có H’Nhi, một cô gái, bạn mới của tôi, lạ, đã đời!” “Hấp dẫn đấy”, nhưng Hạt do dự, “Hãy tả thêm vài nét, nàng lạ thế nào?” “Em người Kinh, H’Nhi là nghệ danh. Nửa Âu nửa Á, biết nói chuyện chính trị thế giới, hát hay, dù chăn dê đã mười năm”. “Trời, như huyền thoại!”. Nhưng Hạt không đi được, bởi phải lo sắp xếp công việc để mốt đi Dak Lak gặp đối tác làm ăn.
        Hạt nói với Đông: “Hồi trẻ tôi và Yên quen thân với một chị, ở Pleiku. Khi cuộc chiến trôi về điểm cuối, sôi bỏng, đạn bom mù trời, chị ấy nhập vào dòng người chạy từ Pleiku về Nha Trang. Số người đó, hầu hết, vào được Sài Gòn, riêng chị Phương (chị tên Thái Phương) mất hút. Chuyện cũ, không hiểu nay còn ai nhớ chị ấy… Có bài hát nào buồn nhẹ, nói về một tình cảnh chơi vơi, lềnh bềnh như thế?” “Chị Phương làm nghề gì?” “Buôn bán nhỏ và y sĩ… nay chị đã lão, nếu còn sống”. Đông dạo lướt vài đoạn nhạc, ngẫm nghĩ. “Nếu chị ấy còn, anh muốn chị ở đâu?” “Hỏi khó, muốn sao được… nhưng nếu buộc phải nói, tôi mong Phương ở Na Uy”. “Na Uy, tại sao?”. “Nghe đâu đàn bà xứ ấy ít đẻ, họ quý trọng con người”.
        Đông hát “Phố buồn” của Phạm Duy, “Thu vàng” của Cung Tiến. Cũng là cà phê, nhưng uống cà phê ban đêm, vào mùa lạnh, ở Pleiku, KonTum khoái đã hơn các phố dưới đồng bằng nóng bức. Cũng là nhạc, nhưng nghe ở nơi thoáng đãng, với bạn bè hợp cạ thích hơn các chỗ khác, phải vậy không… Yên quay lại nói về Thái Phương: “Hôm nào mình sẽ đến thăm ngôi chùa ở phường 2. Xưa, có lần mình và Phương lạy Phật ở đó”. “Chùa Linh Sơn?”. “Ờ, Linh Sơn”. Một địa danh, một tên đường, một sự kiện lâu nay chìm sâu trong đầu bỗng nhiên cựa quậy, chồm dậy. “Lạ là, mình với Phương không yêu nhau… Không yêu, vẫn nhớ”.
        Hôm đó, ở chùa ra, trên đường về anh chị tạt vào nhà sách Liên Thanh, Yên mua sáu cuốn sách. Phương đùa bảo, anh tặng em một cuốn, làm kỷ niệm. Yên đưa cả sáu cuốn, “em giữ lấy, bữa nào anh mua lại”. “Ôi, đùa chút mà”, Thái Phương cười giòn. “Anh nói thật, em cứ cầm cả gói”. “Sao vậy”, Phương phân vân. Yên giải thích, hơi dài, để nàng yên tâm. Anh muốn có một cột mốc, một thứ gì hay hay, để nhớ cuộc dạo chơi này. “Em hiểu”, Thái Phương nói, giọng không mạnh lắm, “coi như em hiểu!”. Đó là lần cuối anh chị gặp nhau… “Yên có vẻ sùng đạo”, Hạt nói, như hỏi. Yên xua tay “không hẵng vậy đâu, có thể chỉ là lớp vỏ bọc, biểu hiện bên ngoài… Tôi luôn động viên mình nên siêng năng hơn, thành tâm hơn trong khâu tâm linh, thờ cúng. Nếu cứ ngoác mồm bài bác, báng bổ, không tin gì cả, dễ thành heo lợn lắm, người ta nói vậy.

*  *

        Chị Xoa bưng lên hai tô thịt. Chị cười tươi rói, “thịt nhím, tôi biết các anh thích”. Thịt này ngon, hiếm. Mấy anh công nhân bắt được con nhím trong rẫy xa, lúc này họ đang nhậu, tưng bừng như liên hoan. “Tôi tặng họ hai thùng bia”, Xoa khoe. Đông ôm đàn đứng dậy, anh nói phải qua hát tặng anh em lao động chân tay vài bản, đáp lễ, họ rất mến anh… Hạt đi lấy bia. Món này bất ngờ, độc đáo. “Tụi mình uống tới sáng, nghe… Chắc còn lâu mới gặp lại nhau”. “Buôn này khuất nẻo, mà sao anh giạt vào đây?” Hạt không đáp ngay. “Khó biết tại sao, chắc do số phận đưa đẩy, như thiên hạ thường nói… Yên định chừng nào quay lại Đà Lạt?”. Thịt ngon. Loài nhím có nằm trong sách đỏ, được bảo vệ không? Nếu để ý sẽ thấy, có những con vật, ba mươi năm gần đây bỗng nhiên biến mất, như công, diều hâu, nai, sơn ca, quạ, bò rừng. Người đông, tràn lên bung ra xâm lấn, chúng nó co cụm hoặc chạy trốn. “Trở lại, tôi chưa nghĩ đến, có lẽ năm bảy năm nữa”. “Lâu quá, lúc đó biết mình còn sống không”. Cười xòa. Cười thôi, chớ nói chuyện xui xẻo!… Điều lạ là, cùng thuộc dạng “tiến lên phía trước” nhưng giai đoạn từ trẻ đến già thì trông giống tiến hóa, từ già đến chết thì như gãy đỗ! Lại cười. Dzô, loài nhím quý hiếm, khó kiếm! “Yên thấy, xó núi này hẻo lánh, quá hẻo, nhưng còn lắm nơi heo hút hơn nữa. Năm kia tôi làm một chuyến đi Kon Tum, tìm mua thuốc Nam. Dạo đó nổi lên phong trào mua rễ củ cây lá, dược liệu, để bán cho thương lái Tàu. Anh biết không, chuyến đi mười ngày đó vui cực kỳ… Cái vùng Dak Krong, Mang Tak ấy nằm phía tây bắc Kon Tum, chỉ cách biên giới Lào bốn cây số…Nói về nó sao đây? Có thể xếp nó nằm trong danh sách những nơi khỉ ho cò hát nhất nước. Sau về, nhớ lại tôi luôn nghĩ, tội nghiệp, sao những người ở đó lại có thể sống tại một nơi như thế, suốt đời?… Nói rõ, nó cũng không man mọi quá, vẫn có chợ, có trường học, nhưng cái chất rừng rú, chiếc áo choàng hoang sơ phủ trùm lên nó quá dày, rộng, thùng thình”. Uống, thong thả uống, Đông vẫn chưa về. Mai kia, về xuôi, Yên sẽ nghĩ về góc buôn này thế nào?”. Yên bá vai Hạt, “Đời mà, chúng mình đã qua thời trẻ, đã gặp nhiều, biết lắm, thấy nhiều, phải không… Có lẽ đừng nên nghĩ xa quá, để khỏi trở thành triết gia thế kỷ 22, thành gã dở hơi… Này, mai đây tôi sẽ chọn cho mình một tên mới, nghệ danh, để luôn nhớ anh và Lưu, để trưng ra với anh em trong các cuộc nhậu… nên lấy tên gì, Y Liê, được chăng?”.

Lê Văn Thiện
Nguồn: Blog DangTuanHoang – nơi lưu trữ tác phẩm của nhà văn Lê Văn Thiện