Wednesday, March 29, 2017

269. NGÔ THẾ VINH Trả lời ba câu hỏi của Phùng Nguyễn


NGÔ THẾ VINH
Trả lời ba câu hỏi của Phùng Nguyễn



Phùng Nguyễn sinh năm 1950, mất ngày 17 tháng 11 năm 2015. Bàng hoàng với cái chết đột ngột của Phùng Nguyễn ở cái tuổi đang sung mãn nhất về sinh hoạt trí tuệ và sáng tạo, tôi đã viết bài tưởng niệm "Phùng Nguyễn, Như Chưa Hề Giã Biệt" (1), nay nhớ tới Anh, có dịp đọc lại bài viết, mới nhận ra là còn nợ Anh "Ba Câu Hỏi", mang món nợ ấy cũng đã hai năm, nay là lúc tôi phải trang trải, và cũng là thay cho nén nhang tưởng nhớ Phùng Nguyễn. Ngô Thế Vinh
  
Chân dung Phùng Nguyễn
[photo by Ngô Thế Vinh 05.2015]

1.  Sông Mê Kông, mối tình lớn
Sẽ không xa lắm với sự thật nếu cho rằng ai cũng có một mối tình lớn. Nhà văn Ngô Thế Vinh cũng không ngoại lệ. Người tình của nhà văn đến từ một vùng hẻo lánh của cao nguyên Tây Tạng (Tibetan plateau) với một độ cao hơn 5000 mét tính từ mặt biển.  Bắt đầu bằng những bước dò dẫm từ vùng núi non thuộc tỉnh Thanh Hải, nàng lượn lờ suốt chiều dài tỉnh Vân Nam miền Nam Trung Quốc trước khi lần lượt băng qua biên giới các quốc gia Miến Điện, Lào, Thái Lan, Cambodia, và cuối cùng Việt Nam, nơi nàng kết thúc cuộc hành trình dài hơn 4800 km và hòa nhập vào Biển Đông ở các cửa Sông Tiền và Sông Hậu. Nàng được gọi bằng nhiều cái tên, Dza Chu, Lan Thương, Mea Nam Khong, Tonglé Thom, Cửu Long… Tuy nhiên nàng được biết đến nhiều nhất dưới cái tên Mekong.
Sông Mekong là nguồn cảm hứng của tiểu thuyết dữ kiện nổi tiếng “Cửu Long Cạn Dòng, Biển Đông Dậy Sóng” và ký sự “Mekong Dòng Sông Nghẽn Mạch” cũng như hàng chục bài biên khảo, nghiên cứu giá trị về những biến đổi của hệ sinh thái của Sông Mekong trong những thập niên vừa qua của nhà văn Ngô Thế Vinh. Nguồn cảm hứng này đã, qua năm tháng, biến nhà văn Ngô Thế Vinh thành một chuyên gia về dòng sông quan trọng bậc nhất của vùng Đông Nam Á.
Bởi vì giá trị kinh tế cũng như những nội hàm nghiêm trọng của những biến đổi hệ sinh thái của dòng Sông Mekong dọc con đường ra biển lớn, quan hệ ngoại giao giữa các quốc gia lên hệ trở nên rối rắm hơn, đặc biệt khi những con đập thủy điện lớn nhỏ được dựng lên ở thượng nguồn lẫn hạ lưu Sông Mekong. Việt Nam gặp nhiều khó khăn về các mặt kinh tế và ngoại giao hơn bất cứ quốc gia nào khác trong vùng khi phải đối phó với những vấn đề nhức đầu liên quan đến những thay đổi bất lợi của hệ sinh thái Sông Mekong và trong cùng lúc, âm mưu bành trướng của Bắc Kinh ở Biển Đông.
Thưa nhà văn Ngô Thế Vinh, điều gì ở dòng Mekong đã làm anh say đắm? Ở vị trí của một người am hiểu tình hình, anh có thể chia sẻ với người đọc viễn kiến của anh về những thay đổi hệ sinh thái của sông Mekong và hậu quả của chúng trong một tương lai có thể nhìn thấy được?

1. Ngô Thế Vinh
Năm 1995, tôi có kỷ niệm về một ngày rất khó quên với nhà báo Như Phong Lê Văn Tiến nơi thủ đô tỵ nạn Little Saigon. Ðó vào sáng thứ Bảy của một ngày tiết Thu nắng đẹp miền Nam California,anh Như Phong hôm ấy rủ tôi tới gặp mấy người bạn trẻ thuộc Nhóm Bạn Cửu Long mà tôi chưa hề quen biết nhân có buổi mạn đàm đầu tiên tại Phòng Sinh Hoạt nhật báo Người Việt. Trên bàn thuyết trình hôm đó có kỹ sư Phạm Phan Long, tiến sĩ Phạm Văn Hải và nhà báo Ðỗ Quý Toàn. KS Phạm Phan Long có thể nói là người đầu tiên ở hải ngoại lên tiếng báo động về những hiểm họa sắp xảy đến cho dòng Sông Mekong khi Trung Quốc có kế hoạch xây một chuỗi những con đập Bậc thềm Vân Nam; tuy lúc đó chỉ mới có một con đập dòng chính đầu tiên Manwan/Mạn Loan 1,500 MW vừa được xây xong (1993) trên sông Lancang - tên Trung Quốc của con Sông Mekong.      
Ngày hôm ấy với tôi quả là mối “duyên khởi” bởi vì đây cũng là lần đầu tiên tôi tiếp cận với một vấn nạn mới mẻ của đất nước: đó là những bước phát triển “không bền vững/non-sustainable development” của con Sông Mekong mà Việt Nam / Đồng Bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) là quốc gia cuối nguồn. Cũng từ đó tôi được làm quen với những người bạn mới như KS Phạm Phan Long, KS Ngô Minh Triết, KS Nguyễn Hữu Chung và rồi thêm những người bạn khác của Mekong Forum, tiền thân của Hội Sinh Thái Việt/ Viet Ecology Foundation về sau này.      
Rồi phải kể tới một bài báo đăng trên tờ báo Tuổi Trẻ trong nước số Chủ Nhật (03-11-1996): "Khai thác sông Mekong: nhìn từ góc độ Việt Nam" tuy đứng tên Phạm Phan Long nhưng là do 4 người viết, họ đều là những chuyên gia từ hải ngoại: TS Phạm Văn Hải (Mỹ), KS Nguyễn Hữu Chung (Canada), TS Bình An Sơn (Úc), KS Phạm Phan Long (Mỹ). Nội dung bài viết ấy cho tới nay vẫn còn nguyên tính thời sự. Và riêng tôi, ý thức ngay được đây là một vấn đề nghiêm trọng, lâu dài liên quan tới con Sông Mekong, ĐBSCL cũng là vựa lúa của cả nước.      
Năm 1999, một Hội nghị Mekong mở rộng do Mekong Forum và Vietnamese American Science & Technology Society đồng tổ chức tại Nam California với chủ đề: “Hội thảo về Sông Mekong trước Nguy cơ, Ảnh hưởng Phát triển trên Dòng sông, Ðồng Bằng Sông Cửu Long và Cư dân” với sự tham dự của liên hội Tiền Giang và Hậu Giang, TS Sin Meng Srun Hội người Cam Bốt tại Mỹ, và Aviva Imhof thuộc tổ chức Mạng lưới Sông Quốc tế/ International Rivers Network. Kết thúc hội nghị là một bản Tuyên Cáo “The 1999 Mekong River Declaration” được gửi tới Uỷ Hội Sông Mekong /MRC/Mekong River Commission và nhiều tổ chức liên hệ khác.
Nhà báo Như Phong, cho đến ngày anh mất, vẫn cùng chúng tôi tham gia sinh hoạt của Nhóm Bạn Cửu Long với tầm nhìn “địa dư chính trị/geopolitics” rộng mở trước những nan đề của Sông Mekong gắn liền với vận mệnh của đất nước.      
Cũng trong khoảng thời gian ấy, tôi đã thực hiện những chuyến đi quan sát thực địa từ Vân Nam Trung Quốc xuống các quốc gia Lào, Thái Lan, Cam Bốt và ĐBSCL Việt Nam. Qua các chuyến đi ấy, cũng để thấy rằng sự suy thoái của con Sông Mekong là hậu quả dây chuyền của những bước khai thác tự huỷ, tàn phá sinh cảnh, làm cạn kiệt nguồn tài nguyên, gây ô nhiễm môi trường... tất cả những hiện tượng tiêu cực ấy đã và đang diễn ra nhanh hơn dự kiến của nhiều người.      
Và cho tới nay 1995-2017, cũng đã 22 trôi năm qua rồi, tôi vẫn là người bạn đồng hành bền bỉ với Nhóm Bạn Cửu Long, như những con chim “báo bão” về những bước khai thác huỷ hoại từ các quốc gia thượng nguồn Sông Mekong mà con chủ bài thực sự vẫn là nước lớn Trung Quốc.
Cũng để thấy rằng cho đến nay, nói chung ngót 20 triệu dân sống nơi ĐBSCL thì vẫn "mù thông tin", vẫn không nghĩ rằng họ có quyền có tiếng nói bảo vệ những dòng sông lớn nhỏ như mạch sống của mình, nếu không muốn nói là phó mặc hay buông xuôi. 
Theo lượng giá 2010 của Toán Đặc Nhiệm Lượng Giá Môi Sinh Chiến Lược / Strategic Environmental Assessment thuộc International Center for Environmental Management / ICEM [Úc] thì ngoài những con đập Bậc thềm Vân Nam, những con đập dòng chính Hạ lưu sẽ gây ra những tác hại dây chuyền nghiêm trọng như: (1) Làm biến đổi dòng chảy; (2) Gây nguy hại tới nguồn cá và an toàn thực phẩm; (3) Đe doạ tính đa dạng của hệ thuỷ sinh; (4) Thay đổi toàn hệ sinh thái của dòng sông; (5) Giảm trữ lượng phù sa làm mất cân bằng dòng chảy, gây sạt lở bờ sông, các vùng ven biển; (6) Ảnh hưởng sút giảm trong sản xuất nông nghiệp nhất là cho hai vùng châu thổ Tonlé Sap, ĐBSCL; (7) Làm tổn hại vĩnh viễn nếp sống văn hóa cổ truyền dân cư Mekong trong vòng mấy thập niên tới.

Không phải chỉ có sự huỷ hoại từ những con đập thuỷ điện, còn phải kể tới kế hoạch chuyển dòng lấy nước từ Sông Mekong của Thái Lan, kế hoạch đặt mìn phá đá các khúc ghềnh thác của con Sông Mekong của Trung Quốc và Thái Lan để mở rộng thuỷ lộ giao thông... với thời gian đó là những bước huỷ hoại tích lũy không thể đảo nghịch.

Có thể nhắc lại vài hậu quả nhãn tiền: những năm gần đây, ngay cả Mùa Mưa, con Sông Tonlé Sap không còn đủ sức tiếp nước cho Biển Hồ - như trái tim của Cam Bốt thì đang cạn dần; năm 2016 vừa qua ĐBSCL đã không còn Mùa Nước Nổi và bị hạn hán khốc liệt... Sự kiện Thủ tướng Việt Nam ông Nguyễn Tấn Dũng phải kêu gọi Trung Quốc xả nước từ hồ chứa con đập Cảnh Hồng/ Jinhong để cứu hạn cho ĐBSCL đã là một tín hiệu rất bi đát.
Điều gì đáng lo ngại nhất hiện nay? Rõ ràng Việt Nam đã mất cảnh giác và thiếu chuẩn bị trong cuộc chiến môi sinh “không tuyên chiến” của Trung Quốc. Lẽ ra giới lãnh đạo phải tiên liệu nguy cơ này từ nhiều năm trước. Nay lại thêm 9 dự án đập dòng chính hạ lưu của Lào và 2 của Cam Bốt sẽ khiến bài toán cứu nguy ĐBSCL khó khăn và phức tạp hơn nhiều, mà Việt Nam thì chưa có một chiến lược đối phó.      
Với tầm nhìn địa dư chính trị trên toàn vùng, chúng ta đang phải chứng kiến một con Sông Mekong-Cửu Long cạn dòng, một Biển Đông đang dậy sóng, mạch sống của dân tộc đang bị chiếm đoạt và vắt kiệt do một Trung Quốc rất hung hăng và không ngừng tham vọng bành trướng.      
SarDesai khi nghiên cứu về Việt Nam đã nhận định rất đúng là trong suốt dòng lịch sử, hai yếu tố vừa phá huỷ vừa tạo dựng xã hội Việt Nam đó là: vừa phải đối đầu với cường địch Phương Bắc và vừa chống chỏi với khắc nghiệt của thiên nhiên và thay đổi khí hậu/ climate change như hiện nay; Việt Nam thì vẫn kẹt cứng trong vòng kim cô ấy.
Việt Nam khi bị mất Hoàng Sa, Giáo sư Hoàng Xuân Hãn đã viết trên tạp chí Sử Địa 1974: "Một gương sáng lịch sử là mỗi khi thế nước suy hèn vì chia rẽ và nội loạn thì mỗi khi lân bang lấn cõi... Ngày nay vụ Hoàng Sa, [14 năm sau, 1988 thêm vụ Trường Sa, ghi chú của người viết] bị chiếm là triệu chứng cụ thể gây nên bởi sự bất hoà của dân ta... tuy rằng nhiều chứng xưa nay, trong ngoài bảo rằng đó là đất Việt."Và cũng để thấy rằng, nguyên nhân của một thế nước suy hèn và chia rẽ dân tộc hiện nay là do đảng Cộng sản Việt Nam rất lệ thuộc Trung Quốc.
Chỉ có dân chủ hoá đất nước mới có cơ hội đoàn kết và phục hồi nội lực của dân tộc; như yếu tố thiết yếu để sống còn.

2.  Ra tòa vì “Mặt trận ở Sài Gòn” năm 1972
Năm 1972, tạp chí Bách Khoa Sài Gòn thực hiện buổi phỏng vấn nhà văn Ngô Thế Vinh nhân việc tác giả “Mặt trận ở Sài Gòn” phải ra hầu tòa. Trong Lời Tòa soạn, tạp chí Bách Khoa giới thiệu tác giả và sự kiện như sau:
Nhà văn Ngô Thế Vinh, tác giả truyện dài Vòng Đai Xanh vừa nhận được giải thưởng bộ môn Văn trong Giải Văn học Nghệ thuật Toàn quốc 1971 trước Tết, thì sau Tết lại nhận được trát gọi ra tòa về bài "Mặt trận ở Sài Gòn" trên tạp chí Trình Bày số 34, có "luận điệu phương hại trật tự công cộng và làm suy giảm kỷ luật, tinh thần chiến đấu của quân đội." Nếu giải Văn trao cho Vòng Đai Xanh không gây dư luận sôi nổi như giải Thơ thì trái lại vụ án Ngô Thế Vinh đã là đề tài cho rất nhiều anh em cầm bút trên các nhật báo cũng như tuần báo, tạp chí, trên báo dân sự cũng như báo quân đội và dư luận đã nhất trí bênh vực nhà văn quân đội mà ngày lĩnh giải thưởng văn chương vẫn còn lận đận hành quân ở Cao nguyên. Do đó mà có cuộc đàm thoại sau đây để độc giả Bách Khoa biết rõ tác phẩm trúng giải Vòng Đai Xanh đã được thai nghén hình thành ra sao, và tác giả Vòng Đai Xanh đã quan niệm vụ án của anh thế nào.
Cũng xin ghi lại: Ngô Thế Vinh sinh năm 1941 ở Thanh Hóa, Anh đã là chủ bút báo Tình Thương, cơ quan tranh đấu văn hóa xã hội của Sinh viên Y khoa 63-67. Tốt nghiệp y khoa năm 1968, anh gia nhập quân y, phục vụ tại Lực lượng Đặc biệt và đã giữ chức vụ y sĩ trưởng Liên đoàn 81 Biệt Cách Dù. Tác phẩm đã xuất bản: các tiểu thuyết Mây Bão (1963), Bóng Đêm (1964), Gió Mùa (1965) và Vòng Đai Xanh (1970).
Trong bài phỏng vấn nói trên, nhà văn Ngô Thế Vinh thảo luận về một loạt các vấn đề mà xã hội Miền Nam phải đối diện trong những năm đầu tiên của thập kỷ 1970, từ phong trào đòi tự trị của đồng bào thiểu số ở Tây Nguyên cho đến chế độ kiểm duyệt áp đặt lên báo chí và tác phẩm văn học.  Để có một cái nhìn rõ hơn về những khía cạnh được nhà văn Ngô Thế Vinh đề cập, mời các bạn đọc toàn bộ bài phỏng vấn của tạp chí Bách Khoa ở đây.(2)
Thưa anh Ngô Thế Vinh, vụ án “Mặt trận ở Sài Gòn” cho thấy chế độ kiểm duyệt ở miền Nam vào thời điểm phiên tòa diễn ra cũng khắc nghiệt không kém gì chế độ kiểm duyệt của chính quyền CS Hà nội. Cũng tịch thu, cũng đục bỏ, cũng trừng phạt, thậm chí đưa người viết ra tòa. Là người trong cuộc, anh có những nhận xét nào về chế độ kiểm duyệt ở hai miền? Có công bằng hay không khi cho rằng chế độ kiểm duyệt của miền Nam “tốt” hơn hoặc “tử tế” hơn của miền Bắc?

2. Ngô Thế Vinh      
Trước khi đi vào cuộc thảo luận chi tiết, tôi có thể trả lời ngay anh Phùng Nguyễn rằng, về "bản chất" chế độ chính trị hai Miền Nam Bắc hoàn toàn khác nhau, nên khi nói về "chế độ kiểm duyệt" bất cứ một so sánh nào cũng khập khễnh và khiên cưỡng vì đã khôngcó cùng một hệ thống giá trị quy chiếu.      
Với đảng cộng sản, bản chất là chuyên chính;không có tự do tư tưởng, không có tự do học thuật; sự tàn nhẫn của đối với trí thức và văn nghệ sĩ Miền Bắc là một chính sách nhất quán: đó là sự cưỡng chế thô bạo,bắt họ phải khuất phục và trở thành công cụ vô điều kiện của đảng. Nếu không thế, họ đương nhiên trở thành kẻ thù của đảng, nhưng với vỏ bọc là kẻ thù của nhân dân. Họ hoặc bịtiêu diệt bằng khổ sai tù đầy mà không bao giờ được công khai xét xử,hoặc nếu không thìcũng bị cô lập,đầy đoạ đói khát vàvô hiệu hoá cho đến chết, chưa nói tới gia đình người thân của họ cũng bị trù dập và liên luỵ.
Miền Bắc chính thức "không có bộ phận kiểm duyệt" nhưng tinh vi hơn thế nữa là do cả một guồng máy đàn áp đưa tới sự khiếp sợ khiến "kiểm duyệt" đã nằm ngay trong đầu mỗi nhà văn nhà báo và trở thành một thứ quán tính trong phản xạ vô thức, họ đã khắt khe "tự kiểm duyệt trong khi viết", chính sách ấy hiểm độc và tàn ác hơn nhiều vì nó đã phá huỷ con người và triệt tiêu mọi tiềm năng sáng tạo. Vụ án Nhân văn Giai phẩmnhư một điển hình nhưng cũng để thấy rằng đó chỉ là phần nổi thấy được của khối băng hà / Tip of the Icebergtrải dài trong suốt hơn 70 năm lịch sử chuyên chính của đảng cộng sản Việt Nam.
Trở lại với Văn học Miền Nam 54-75, phải nói ngay rằng không có văn nghệ sĩ sáng tạo nào mà không có "dị ứng" khi nói tới kiểm duyệt. Không bênh vực nó nhưng chúng ta cần đặt mình trong bối cảnh đất nước lúc đó, với cuộc chiến quốc cộng đang diễn ra khốc liệt, cộng sản nằm vùng hiện diện cùng khắp, họ cũng nhân danh tranh đấu cho tự do dân chủ nhưng thực chất là cố tạo một hậu phương mất ổn định,cả gây rối loạn làm suy yếu nền Cộng Hoà non trẻ của Miền Nam mới bước ra từ một chế độ phong kiến. Và đó cũng là lý do tồn tại một hệ thống kiểm duyệt nhằm ngăn chặn xâm nhập của cộng sản.
Rồi còn phải kể tới sự cần thiết của một mặt trận chống "gian thương văn hoá" từ giới Ba Tàu Chợ Lớn rất vô luân, nguỵ trang số kiểm duyệt in lậu và phát hành tràn lan các sách khiêu dâm đồi truỵ và nguy hại hơn nữa là in các sách báo nhi đồng nhảm nhí với hậu quả là đầu độc giới trẻ thanh thiếu niên. (5)      
Hồi tưởng lại bối cảnh sinh hoạt ở hậu phương Miền Nam lúc đó, điển hình là hai thành phố lớn Sài Gòn và Huế. Trong lúc khắp chiến trường đang sôi động thì ngay tại các thành phố cũng không hề có yên tĩnh và đang diễn ra một cuộc chiến tranh khác. Riêng tại Sài Gòn, tôi muốn đề cập các vụ ám sát sinh viên, giáo sư và nhà báo do Thành đoàn Cộng sản chủ trương.Khi ấy tôi đang là sinh viên, trong ban biên tậprồi là Chủ bút Nguyệt san Tình Thường của sinh viên Y khoa Sài gòn (1964-1967),tôi có thể nói như là một trong những nhân chứng sống của giai đoạn sôi động này:

“Cũng nên ghi lại một số sự kiện nay đã thuộc về lịch sử: chỉ riêng với trường Y khoa, đã có hai giáo sư bị sát hại [Gs Trần Anh, Cơ Thể học và Gs Lê Minh Trí chuyên khoa Tai Mũi Họng], rồi đến sinh viên Y khoa II Trần Quốc Chương [con của Thẩm phán Trần Thúc Linh] có một giai đoạn vào bưng, sau trở về học lại thì bị trói tay bịt miệng ném từ lầu ba xuống đất ngay trong vòng thành trường Y khoa trên đường Hồng Bàng, một cái chết rất thảm khốc. Sinh viên Luật khoa Lê Khắc Sinh Nhật cũng bị bắn chết. Hai sinh viên khác bên Văn Khoa cũng bị nhóm Biệt Động Thành bắn trọng thương nhưng may mắn sống sót là Ngô Vương Toại (đã mất ở Mỹ 03.4.2014) và Bùi Hồng Sĩ (hiện đang sống ở Mỹ).

Riêng tôi, khi ấy đang là sinh viên Y khoa, trong Ban Đại Diện trường Y khoa và cũng là chủ bút báo Sinh viên Tình Thương cùng các bạn đồng môn tranh đấu cho nền tự trị đại học, cả với nỗ lực ngăn chặn sự xâm nhập của cộng sản nên cũng đã bị Thành đoàn CS ghi vào “sổ bìa đen”của đội quyết tử cảnh cáo cùng với 17 sinh viên thuộc các phân khoa khác. (4)

Rõ ràng có một cái giá phải trả của giới làm báo kể cả làm báo sinh viên trong suốt giai đoạn đó [nói tới sinh hoạt báo chí của Miền Nam 1954- 1975, không thể không nhắc tới sự hy sinh của các nhà báo như Từ Chung ký giả nhật báo Chính Luận [1965], một nạn nhân nổi tiếng khác bị ám sát nhưng thoát chết là nhà văn Chu Tử, chủ nhiệm nhật báo Sống [1966],” (3)
Sau khi ra trường, tôi tình nguyện về binh chủng Lực Lượng Đặc Biệt, phục vụ tại Liên đoàn 81 Biệt cách Dù; với địa bàn hoạt động chủ yếu là Tây Nguyên, tôi vẫn tiếp tục viết như một người lính: Vòng Đai Xanh 1970 và Mặt Trận ở Sài Gòn 1972 được hoàn tất trong giai đoạn quân ngũ này.      
Nay nếu nhìn lại, phải nói rằng hệ thống kiểm duyệt ở Miền Nam lúc đó khá cục bộ và cũng do trình độ yếu kém của bộ phận kiểm duyệt, nên dẫn tới cấm đoán một vài tác phẩm giá trị của những tác giả sáng tác trong tự do nhưng rồi mỗi tác giả ấy vẫn có cơ hội để đối thoại với sở phối hợp văn học nghệ thuật của Bộ Thông Tin.
Và khi làm báo Sinh viên Tình Thương, cho dù đôi lần phải đối đầu với tướng an ninh quân đội Nguyễn Ngọc Loan nhưng sau đó đã không có trù dập theo dõi của bộ phận cảnh sát hay an ninh quân đội chỉ vì tờ báo có quan điểm đối lập hay do các tác phẩm bị cấm kỵ. Tưởng cũng nên nhắc lại ở đây là trong giai đoạn 54-75, vẫn có những cây bút được biết là nằm vùng như Vũ Hạnh, Nguyễn Ngọc Lương vẫn được công khai hoạt động viết sách và cả ra báo.

Phùng Nguyễn, Ngô Thế Vinh – Duke's Huntington Beach, May 2015      
Tôi cũng muốn ghi lại ở đây một số kinh nghiệm bản thân như một người viết ở Miền Nam trong giai đoạn đó:cuốn tiểu thuyết đầu tay Mây Bão1963, ban đầu không được giấy phép của hội đồng kiểm duyệt. Tôi lên Bộ Thông tin để khiếu nại, năm ấy tôi đang là sinh viên Y khoa mới 22 tuổi. Tôi đã được ông Giám Đốc Thông Tin Phạm Xuân Thái tiếp, ông ấy rất trí tuệ và hoà nhã. Ông cho biết chưa đọc cuốn sách nhưng theo tường trình của ban kiểm duyệt thì cuốn sách có nội dung phản ánh quá nhiều nét tiêu cực của xã hội lúc bấy giờ. Ông trao đổi với tôi về quan niệm thiên chức của nhà văn: cần phản ánh cả phần chính diện của xã hội thay vì chỉ có phản diện; và rồi theo yêu cầu của tôi, ông đồng ý giao cho một nhân viên khác trong hội đồng kiểm duyệt đọc lại Mây Bão. Người đọc thứ hai ấy là Nguyễn Thanh Đàm, không ai khác lại chính là nhà thơ Song Hồ. Anh ấy rất thích Mây Bão và nói rằng tác phẩm đầu tay của tôi có nét của một tác phẩm lớn trong tương lai. Sách được giấy phép xuất bản, nhà thơ Song Hồ trở thành bạn văn của tôi những năm sau này cho đến ngày anh mất ở Mỹ năm 2009.
Rồi tới cuốn Vòng Đai Xanh 1970, một tiểu thuyết tư liệu viết về cuộc chiến tranh bị lãng quên trong cuộc Chiến tranh Việt Nam đang diễn ra lúc đó. Các sắc dân Thượng nổi dậy vớiphong trào FULRO/ Front Unifié de Lutte des Races Opprimées đòi quyền tư trị cho vùng Tây Nguyên. Vòng Đai Xanh cũngbị cấm đoán lúc ban đầu nhưng đã được nhà văn quân đội Thế Uyên, chủ trương Nhà xuất bản Thái Độ kiên trì đối thoại với Bộ Thông Tin, và sách được xuất bản và cả được trao giải văn học sau đó.
Hiện tượng "cũng tịch thu, cũng đục bỏ, cũng trừng phạt, thậm chí đưa người viết ra tòa"theo tôi đó chỉ là phản ứng theo hoàn cảnh, rất nhất thời, và cũng do trình độ nhận thức rất khác nhau của các thành phần nhân sự trong hội đồng kiểm duyệt. Các biện pháp chế tài trừng phạt, kể cả ra toà mang nặng tính hình thức của trò chơi dân chủ, và những tình huống xem có vẻ như cực đoan ấy kết cục có thể so sánh với những trận bão trong ly trà/ storm in a teacup, và để rồi sau đó mọi sự trở lại sinh hoạtgần như bình thường.
Thêm một ví dụ, năm 1972, khi ấy nhà văn Nguyễn-Xuân Hoàng đang ở Sài Gòn làm báo và dạy học, tôi thì theo đơn vị hành quân trên Tây nguyên; nhưng cả hai cùng trải qua một kinh nghiệm tưởng cũng nên ghi lại. Do truyện ngắn Mặt Trận ở Sài Gòn đăngtrên tạp chí Trình Bầy tôi nhận được trát ra hầu toà với tội danh "dùng báo chí phổ biến luận điệu phương hại trật tự công cộng và làm suy giảm kỷ luật tinh thần chiến đấu của quân đội", mà chính tôi đang là một thành phần trong đó. Khi về Sài Gòn để ra hầu toà, gặp Nguyễn Xuân Hoàngtôi được biết anh cũng nhận được trát toà vì một truyện ngắn Cha và anh trên tờ báo Vấn Đề của nhà văn Vũ Khắc Khoan, trong đó Hoàng có nhắc tới bài hát Bà mẹ Gio Linh của Phạm Duy.
Tôi và Hoàng đều ra toà, đều có những luật sư bạn tình nguyện biện hộ. Kết thúc bằng hai bản án mang tính tượng trưng. Nguyễn Xuân Hoàng sau đó vẫn trở lại dậy học và làm báo, riêng tôi thì trở về với đơn vị hành quân và không lâu sau đó vẫn được đi tu nghiệp chuyên môn ngành Y khoa Phục hồi ở San Francisco, Hoa Kỳ. Tôi và Hoàng vẫn có sách xuất bản. Và đời sống thì vẫn không ngừng chảy, nói theo ngôn từ Nguyễn-Xuân Hoàng. Đây là điều không thể nào hiểu được đối với giới văn nghệ sĩ sống trong chế độ cộng sản ở Miền Bắc và rồi cả ở Miền Nam sau 1975.
Trong bối cảnh ngoài tiền tuyến thì đầy máu lửa, và một hậu phương cũng không kém sôi động nóng bỏng như thế, nhưng nói chung các văn nghệ sĩ Miền Nam trong một chừng mực nào đó vẫn có một không gian cho tự do sáng tác. Cứ nhìn lại số lượng đồ sộ và đa dạng của những tác phẩm của 20 năm Văn học Miền Nam 54-75 đã chứng minh điều đó.
Là người viết, chưa bao giờ lên tiếng bênh vực cho sự hiện hữu của một hệ thống kiểm duyệt nhưng rồi có khoảng cách thời gian để nhìn lại, có thể coi đây như những "tổn thất phụ/ collateral damages" trong cuộc đấu tranh quốc cộng mà văn hoá và truyền thông báo chí là một trận tuyến khác. 

3.  Chân dung văn nghệ sĩ
Tháng 11 năm 2010, tạp chí Da Màu ấn hành bài viết “Một Cao Xuân Huy Khác” của Ngô Thế Vinh để tưởng nhớ tác giả  “Tháng Ba Gãy Súng” trong một cách thế rất khác thường. Bài viết bắt đầu với phần giới thiệu và giải thích Melanoma, một căn bệnh ung thư hiếm hoi mà nhà văn Cao Xuân Huy đã bất hạnh vướng phải và đành chia tay với trần gian một cách vội vã. Tháng 6 năm 2014, cũng trên tạp chí Da Màu, nhà văn Ngô Thế Vinh gửi đến bạn đọc “Nguyễn-Xuân Hoàng trên con dốc Tử Sinh.” Không giống như bài viết về Cao Xuân Huy, “Nguyễn Xuân Hoàng trên con dốc Tử Sinh” là một cái nhìn khá cân bằng của tác giả dành cho nhà văn Nguyễn-Xuân Hoàng về các mặt con người, văn chương, và bệnh lý. Theo người viết, chính là ở thời điểm này, nhà văn Ngô Thế Vinh bắt đầu song hành với bác sĩ Ngô Thế Vinh, cựu y sĩ trưởng Liên đoàn 81 Biệt Cách Dù, trên cuộc hành trình tạo dựng [lại] diện mạo của các nhà văn, nhà thơ, nghệ sĩ thân thuộc của ông. Sau Cao Xuân Huy, Nguyễn-Xuân Hoàng là Nghiêu Đề, Dương Nghiễm Mậu, Thanh Tâm Tuyền. Rồi Võ Phiến, Mặc Đỗ, Linh Bảo, Nguyễn Đình Toàn, Nhật Tiến. Và gần đây nhất, Đinh Cường. Người viết, đồng thời là người đọc trung thành, ước mong nhà văn Ngô Thế Vinh tiếp tục cuộc hành trình kỳ thú này.
Một nhận xét được nhiều người chia sẻ: Tuy thành phần văn nghệ sĩ được nhà văn Ngô Thế Vinh chọn để vẽ chân dung thì đa dạng, nhưng có một đặc điểm chung, họ hoặc đã qua đời, hoặc, trong vòng quay Sinh Lão Bệnh Tử, ở vào buổi chiều tà bóng xế của đời người. Bạn đọc băn khoăn: Liệu đây có phải là một trong những yếu tố quan trọng để nhà văn Ngô Thế Vinh chọn đưa vào loạt bài chân dung văn nghệ sĩ?

Quá [sinh tử] quan này gánh chân dung
Nửa bầu y sĩ, nửa thùng văn gia!

Có bao nhiều phần văn chương, bao nhiêu phần y học ở mỗi bức chân dung, thưa anh Ngô Thế Vinh?

3. Ngô Thế Vinh
Loạt bài chân dung văn nghệ sĩ đến với tôi như một sự "tình cờ". Khởi đi từ một bài viết "Nhớ về người bạn Tấm Cám Nghiêu Đề"; hoạ sĩ Nghiêu Đề là một cố tri từ tuổi rất thanh xuân, sau bài viết đó, tôi nhận được feedbacks từ mấy người bạn cũ của Nghiêu Đề; trong số đó có Đinh Cường, tỏ ra rất tâm đắc với bài viết và đã đưa ra nhận định: không thể viết về Nghiêu Đề hay hơn Ngô Thế Vinh nên Đinh Cường có đề nghị sẽ đưa vào cuốn sách Đi Vào Cõi Tạo Hình IIsắp xuất bản viết về những hoạ sĩ cùng thời từ 1957 đến 1966, năm thành lập Hội Hoạ Sĩ Trẻ Việt Nam. Với tôi, thì đề nghị của Đinh Cường là một niềm vui. Rồi phải kể tới những khích lệ của các bạn văn như anh Phạm Phú Minh Diễn Đàn Thế Kỷ, anh Phùng Nguyễn chủ biên Da Màu, nhà thơ Thành Tôn... mỗi khi đọc một bài mới chân dung văn nghệ sĩ.
Bác sĩ Hà Ngọc Thuần một bạn đồng môn, hiện sống ở Úc từng làm báo sinh viên Y khoa Tình Thương với tôi từ 1964 - 1967, được coi là một trong những cây bút academic của SVYK Sài Gòn lúc bấy giờ, trong một eMail mới đây anh viết: "Với những bài trên Web của Ngô Thế Vinh chúng ta đã đọc, anh thật-sự đã thành công trong loại essai biographique.  Với những dòng ngắn gọn, những nét chấm phá, vài mẩu chuyện tâmtình, giớithiệu con người và tácphẩm của nghệsĩ, với những chitiết đặcbiệt khiến cho người đọc làm quen và lập tức có cảm tình với người nghệsĩ. Và muốn biết thêm nhiều hơn nữa.
Với loại "web-essay" của thời đại tiến bộ kỹ thuật, chúng ta có những bài ngắn mà cô đọng hơn, nhiều hình ảnh hơn, và rất có thể, có những đoạn phim sống-động với tiếng nói và âm-nhạc... Như bài viết về Nguyễn Đình Toàn, chúng ta có thể nghe CD Nhạc Chủ Đề từ hơn nửa thế kỷ trước, về Hoàng Ngọc Biên, chúng ta có thể nghe bản nhạc Hồ Thu do ca sĩ Ngọc Mai hát và rất ít ai biết Hoàng Ngọc Biên còn là một nhạc sĩ. Với bài viết về các hoạ sĩ, chúng ta được thưởng thức nhiều những bức tranh full color mà với kỹ thuật ấn loát cổ điển rất khó mà có thể thực hiện được".
Anh Phạm Phú Minh, tác giả Hà Nội Trong Mắt Tôi, chủ bút Diễn Đàn Thế Kỷ, một hôm anh bất chợt nói với tôi: "Bây giờ thì tôi có một cái nhìn khác về anh Vinh..." câu nói của anh khiến tôi hơi ngạc nhiên, anh Minh giải thích: "từ trước đến nay, tôi vẫn nghĩ anh là một người nghiên cứu về Sông Mekong, nhưng nay tôi lại nghĩ khác, anh Vinh bây giờ là một ngòi bút viết về chân dung các văn nghệ sĩ Việt Nam ở hải ngoại."
Vẫn anh Phạm Phú Minh, trong một dịp phát biểu khác khi anh đọc bài viết Những Năm Ảo Vọng, GS Phạm Hoàng Hộ và bộ sách Cây Cỏ Việt Nam:"Nếu tôi nói bài của anh Vinh viết về Phạm Hoàng Hộ là rất hay, thì hình như tôi chưa nói gì cả. Chữ "hay" thông thường ấy quá tổng quát, không nói lên được gì về tính chất các bài viết của anh. Phải nói một bài như bài này nó có tính chất bác học, rộng khắp. Mà lãnh vực nào anh cũng đạt tới trình độ rộng khắp như vậy: những tình cảm sâu xa của một nhà văn, vấn đề chuyên môn của một nhà khoa học, sự đe dọa tương lai của một dòng sông... đề tài nào anh cũng đề cập tới với tất cả các khía cạnh cần biểu đạt của nó."

Nghiên cứu về Sông Mekong là một dự án tôi đã và đang theo đuổi hơn 20 năm qua, nhưng viết về chân dung các văn nghệ sĩ, thì tôi chưa hề có một dự án như vậy. Mỗi lần có dịp viết về một bạn văn nghệ, một khuôn mặt văn hoá, ghi lại một chặng đường, một đoạn đời của một thời kỳ từng sống và chia sẻphải được kể là khoảnh khắc rất hạnh phúc.
Câu hỏi của anh Phùng Nguyễn, rằng yếu tố nào đã khiến tôi chọn nhân vật đưa vào loạt bài chân dung văn nghệ sĩ: rất tình cờ thôi. Không phải, như Anh nói là vì họ "đã qua đời, đã bước vào buổi chiều tà bóng xế của đời người hay đang lao đao trong vòng quay Sinh Lão Bệnh Tử", nhưng yếu tố quan trọng nhất là do tôi đã có mối liên hệ quen biết và thân thiết trước đó; và cũng từ đó tôi đã có thể dễ dàng tiếp cận với nguồn tư liệu cá nhân và cả những điều khá riêng tư.      
Có lần tôi nói chuyện với Nguyễn Đình Toàn, khi ấy tôi chưa viết về anh, là như một nguyên tắc khi viết, trong đó có loạt bài chân dung văn học,tôi quan niệm là bài viết có thể thiếu nhưng phần tư liệu thì cần chính xác và không thể sai.
Và rồi với câu hỏi, có bao nhiều phần văn chương, bao nhiêu phần y học ở mỗi bức chân dung?
Không phải ở mỗi chân dung đương nhiên là có phần y học, phần y học chỉ là tình huống rất cá biệt, như trường hợp Cao Xuân Huy, Nguyễn-Xuân Hoàng, Đinh Cường... Làm sao không quan tâm tới phần y khoa khi chính bạn mình bị ngã bệnh và đang cheo leo trên con dốc tử sinh và cũng không phải người bệnh nào cũng dễ dàng chấp nhận thực trạng bệnh của mình. Và cũng không dễ dàng gì để mà đào sâu vào phần y học ấy khi niềm đau của bạn cũng như niềm đau của chính người viết.
Còn một khía cạnh nữa thuộc lãnh vực medical ethics/ đạo đức y khoa, đó là quyền "riêng tư" của bệnh nhân mà người thầy thuốc phải tôn trọng. Do đó, không phải cứ sinh hoạt trong lãnh vực chuyên môn y khoa mà muốn viết gì thì viết và tôi đã rất tôn trọng nguyên tắc y đức ấy. Như với Cao Xuân Huy, người bạn văn đã mất, dù đã có tình bằng hữu nhiều năm với Huy, nhưng tôi chỉ có thể viết về khía cạnh y khoa căn bệnh của Huy khi có được sự đồng ý của chị Cao Xuân Huy và hai con gái đã trưởng thành của Anh.
Nếu là những người bạn còn sống, họ đều được đọc trước bản thảo và có toàn quyền chấp nhận hay không phần y khoa ấy. Nguyễn-Xuân Hoàng thì chấp nhận toàn bản thảo viết về tiến trình căn bệnh sarcomamà anh vướng phải. Nguyễn Đình Toàn thì có bày tỏ: "Vinh ơi, sáng nay đọc bài của bạn, thấy lạ, hình như là chuyện của một người nào khác, dù mọi điều đều gần đúng như sự thật, tựa coi lại một cuốn phim. Cũng may, những cái thật ấy nay đã thành giả rồi, [đã qua rồi] nên đỡ sợ."     
Riêng với Đinh Cường, ban đầu anh chấp nhận bản thảo bài viết nhưng sau đó cho biết: "Đọc bài Vinh thấy sợ" và yêu cầu tôi giản lược tối đa phần y khoa và cả thay thế tấm hình autoportrait 04.2015 mà Đinh Cường gửi tặng tôi sau đợt hoá trị/ chemo để cho bài viết được nhẹ nhàng hơn và dĩ nhiên tiếng nói cuối cùng vẫn là bạn mình và tôi tuyệt đối tôn trọng.
Với 18 chân dung văn học đã hoàn tất, tôi nhận được nhiều gợi ý nên cho xuất bản như một tuyển tập, nếu có một cuốn sách "tạo dựng [lại] diện mạo của các nhà văn, nhà thơ, nghệ sĩ" như vậy, sẽ có một trang sách riêng đề tặng dành cho Phùng Nguyễn. 

THAY CHO KẾT TỪ
Chỉ với ba câu hỏi của Phùng Nguyễn gửi Nhã Thuyên, Trần Mộng Tú, Hoàng Hưng... chứng tỏ Anh đã đọc rất kỹ và thấu tâm can của mỗi người viết mà Anh tiếp cận. Với nội dung từng câu hỏi tới phần trả lời của mỗi đối tượng, tôi thấy như manh nha cho dự án một tác phẩm văn học rất lạ và rất mới của Phùng Nguyễn mà tôi chưa biết Anh sẽ đặt tên là gì. Có lẽ đây là một trong những công trình dở dang như chính cuộc đời dở dang "đứt gánh giữa đường" của Phùng Nguyễn.
      
Tôi sẽ rất phụ Anh nếu chỉ trả lời sơ sài các câu hỏi,với tôi mỗi câu hỏi của Phùng Nguyễn có tính thách đố như đề cương cho một bài luận văn. Cho dù Anh không còn nữa, nhưng với lòng quý mến Phùng Nguyễn và với tất cả tâm cảm, tôi vẫn hoàn tất phần trả lời cả ba câu hỏi để gửi tới Anh, đồng thời cũng là gửi tới lớp người trẻ, các thế hệ sinh sau 1975 sau cuộc chiến tranh Việt Nam, như bước tìm lại một khoảng thời gian đã mất.


PHÙNG NGUYỄN, Virginia 03.2015    
NGÔ THẾ VINH, California 03.2017

Ghi Chú:
(1)Phùng Nguyễn, Như Chưa hề Giã Biệt, Ngô Thế Vinh.Diễn Đàn Thế Kỷ
(2)Lê Ngộ Châu. Tạp chí Bách Khoa đàm thoại với Ngô Thế Vinh: từ Vòng Đai Xanh tới Mặt trận ở Sài Gòn. http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=11606&rb=0102
(3) Ngô Thế Vinh. Nguyệt San Tình Thương 1963 – 1967; Một Thời Nhân Bản. Tập san Y Sĩ, số 184, 01.2010 . Diễn đàn Cựu Sinh viên Quân Y. http://www.svqy.org
(4) Nguyễn Văn Trung. Đôi điều trao đổi với nhà văn Mai Kim Ngọc. Văn Học số 124, Hoa Kỳ. trang 68; Gs. Nguyễn Văn Trung kể lại: “Tôi vẫn còn giữ một danh sách của đội quyết tử cảnh cáo một số sinh viên thuộc các phân khoa như Ngô Thế Vinh, Y khoa”.
(5) Nhật Tiến. Vấn đề Kiểm duyệt. Một Tuần lễ ở Toà soạn Thiếu Nhi. Tuần báo Thiếu Nhi số 91, ngày 27.05.1973