Hồ Đình Nghiêm – Photo by PCH – January, 2016
1.
Tôi bỏ học ngày thứ hai. Có thể luôn thứ ba tư năm. Tuần trước, tôi là kẻ gây nhiều tiếng động trong lớp vì những cơn ho khan. Một người bị ho, cơn bệnh ấy đôi khi dây dưa kéo dài đôi ba tuần lễ là lẽ thường. Và tôi nghĩ, dầu sao mình cũng có được lý do bệnh hoạn để trả lời khi trở lại lớp học. Nga luôn nói với tôi chẳng có sự gian dối nào đáng yêu cả và người ta sẽ phải đối mặt với hối hận, có khi đeo mãi suốt đời niềm dằn vặt khôn nguôi. Có thể Nga nói đúng, nhưng tùy thuộc vào mức độ dối gian mà người ta ngụy tạo, tôi bỏ học một hai hôm, điều đó đâu có nghĩa lý gì khi Nga sẽ phải đi xa; giả như biểu tôi trốn nhà trường đi theo Nga cả năm tháng dài thì tôi chẳng có lòng hối hận nào để đối mặt cả. Tôi không sợ ông hiệu trưởng, mấy vị giáo sư, cùng những kỷ luật buộc họ phải nghiêm khắc đối với kẻ tự tiện bỏ học. Mấy thứ ấy chẳng ngán bằng nỗi trống vắng mà sắp sửa Nga sẽ vất lại cho tôi ôm.
Huế đang co mình lại trong mưa. Mùa đông, Nga ơi, bây giờ cái thời tiết ấy nó giá lạnh biết bao! Nó đang cau có đi tới và Nga sẽ bỏ nó lại sau lưng. Chuyến xe lửa đầu tuần hôm nay mang Nga đi sâu vào phía trong, xa cách. Ở đó là nắng đầy, là phố phường chật cứng tiếng động, rậm rật như chẳng bao giờ mệt mỏi ngưng đọng. Ở đây, chỉ có cóc nhái ễnh ương kêu ca suốt trong đêm mưa rồi sau đó, tôi sẽ buồn thối ruột nát gan. Đêm qua, bọn chúng sớm tụ tập ngoài vườn tối hát hò sướt mướt, cái tiết tấu giàu nhạc điệu của chúng phát ra như dùng để đệm cho một đoạn phim thật nghèo nàn chiếu tới lui trong đầu tôi duy nhất một hình ảnh: Nga sửa soạn hành lý. Nga ra sân ga. Nga đứng ló mặt bên ô cửa kính đục màu thời gian và qua nhiều những sự di chuyển. Mặt gương đọng chảy nước mưa, lệ của trần mây xám cứ sụt sùi tuôn đổ vây quanh tôi, chôn tôi đứng giữa sân xi-măng có nhiều vũng nước đang lấm tấm rỗ mặt những nỗi buồn im tiếng. Cái khăn quàng cổ màu xanh của Nga mờ dần, hình như có bàn tay Nga vẫy, hoa mắt. Tiếng còi tàu nghe nhỏ lại và Nga xa khuất, mất hút.
Buối sáng, tôi thức giấc vì tiếng đập cánh của con gà trống đi loanh quanh trốn mưa ở hàng hiên. Mặt trời không có nên nó chẳng buồn gân cổ lên gáy. Cái đồng hồ báo thức cũng chẳng làm tròn nhiệm vụ, nó đã già nua và hơn một lần nó đã bị từ chối dưới tay một con mẹ đứng bán ở chợ trời. Đêm qua tôi đã cho nó quá nhiều mạch sống, sững người vặn hoài hủy cái chià khóa nhỏ đằng sau lưng và có lẽ điều này khiến những giây thiều giây tóc đã tê cứng chết tiệt. May mà tôi đã bừng con mắt, mở cửa sổ nhìn trời ngó đất bần thần thay đổi áo quần. Cặp bồ câu đứng trên chuồng cao ở ngoài sân đang âu yếm rù quến thứ ngôn ngữ ấm cúng cho nhau nghe. Chúng có vẻ luôn hạnh phúc, kể cả trường hợp vẫn thường xảy ra là cái thằng người nuôi chúng đãng trí quên mang lại thức ăn. Cũng dễ hiểu và chẳng có gì đáng phàn nàn, đúng không? Ai cho tôi sống với Nga, giam đói tôi một hai hôm thì tôi cũng vui vẻ đứng gật gù bên Nga chăm chỉ rỉa lông rỉa cánh.
Nga đi chuyến mười giờ. Tôi lười biếng không đánh răng rửa mặt. Tôi dành thời gian đó để bọc ny-lông món quà nhỏ và vội vàng nhảy thót lên yên chiếc xe đạp. Vấn đề vệ sinh? Nó chả là cái quái gì cả để buộc tôi phải chấp hành nghiêm chỉnh ngăn ngừa nạn sâu răng. Tôi là một trong số những đôi tình nhân buồn rầu nhất thế giới, rằng đó là kẻ yêu một người mà chẳng bao giờ biết môi hôn là gì cả. Là một nhắm mắt cụng đầu và đồng thời ở ngực đón nhận một bàn tay Nga lạnh nhạt đẩy xô ra. Sự từ khước làm tôi tự giải thích trong câm nín, chắc tình yêu chưa chin mùi? Chưa có mùi, nên tôi giận lẫy lơ là việc tốn kém thời giờ mỗi sáng tối. Nếu như công ty chuyên sản xuất bàn chải đánh răng hoặc kem Pepsodent, Colgate hùm bà lằng chi đó một hôm phải đóng cửa giải nghệ thì phải hiểu rằng ngoài thị trường bấy giờ lúc nhúc một bọn thất tình cô đơn. Trời ơi, cái bọn đau khổ mạt hạng kia đâu có rảnh mà súc miệng với rửa mặt chớ. Thiếu chi việc quan trọng hơn phải làm. Ngồi nhăn nhó ủ dột suốt ngày trong quán cà phê chẳng hạn… Tôi thấy thèm cà phê nên thắng đứng xe ngay một quán cóc vỉa hè ẩm ướt. Cho tôi tách cà phê đen với ba điếu thuốc lẻ. Tôi gọi ông chủ đang lui cui sau một đống lu hủ ám tối. Ấm nước bắt trên lò và củi lửa làm sáng tỏ, chiếu đọng sắc màu trên những khuôn mặt còn ngái ngủ. Có ngay. Ông nói. Những cái răng cáu bẩn hiện ra. Độ tuổi ông thì đã mang hia bảy dặm bỏ lại tình yêu từ khuya. Suy ra: Những kẻ ham buôn bán, mê muội với đồng tiền e có thể làm đồng minh với bọn thất tình? Đôi môi nức nẻ kia suốt cả cuộc đời nào biết gì về một môi hôn!
Tôi bọc tách cà phê bằng hai bàn tay lạnh những ngón. Tôi mượn khói bốc từ chất nước sóng sánh đen để hơ vào đôi mắt vừa thoát qua một đêm mộng mị. Nga có lần vui miệng quở mắt tôi buồn, hai hột nhãn màu nâu như hai hạt cà phê nướng cháy. Lời bình phẩm chẳng mấy thuyết phục. Buồn là hồi nào ngóng trông người mà hổng thấy, mắt đục câm đóng vảy hoặc tròng trắng toát tợ kẻ mù lòa. Mắt nâu là do bởi nhãn tuyến ấy còn thu cất hình dáng người tình đang kề cận. Nó thoáng gợn chút buồn là vì môi miệng chẳng được hôn, giản dị có thế thôi.
Có một thằng bạn đã trông thấy tôi. Tên tôi được xướng lên, như hai kẻ lạc nhau giữa sân ga chộn rộn, thảng thốt, mừng vui chẳng che dấu.
- Còn ngồi nhâm nhi. Không sợ trễ học hả mi?
- Không.
- Còn tiền không?
- Hết rồi.
- Tính cúp cua hả?
Hắn ngồi xuống bên tôi. Hơi lạnh từ người hắn mon men qua làm tôi tỉnh táo.
- Mấy giờ rồi?
- Tám. Hôm nay là ngày khởi đầu buổi học mới.
- Thì đã sao?
- Thì phấn khởi vì bắt đầu được vọc sơn dầu. Mày có sẵn khung bố chưa?
- Chưa. Tao quên…
- Quên?
Hắn cười với cái dấu hỏi vừa đặt ra. Hắn ôm vai tôi lắc mạnh như một cảnh tỉnh muộn màng, và tay kia với lấy một điếu thuốc đặt trên dĩa. Hắn uống chung tách cà phê của tôi làm khẩu phần “điểm tâm” của tôi vốn chẳng giàu có đâm hao hụt một cách đáng phàn nàn. Tôi tránh nhìn xuống mặt bàn, đưa mắt dõi trông phố xá tuồng vẫn muốn ngủ nán. Bên kia đường, trước một cánh cửa đóng kín, có người bán bún gánh ngồi chăm chỉ quạt than và khói của nồi nước quyện bay dưới mái hiên nhà rỏ nước từng hàng. Có chiếc xích lô đạp ngang và người đàn ông điều khiển xe đưa tay cầm cái vật bắt giữa háng kéo ngược lên. Ai nghĩ ra chiếc xích lô để thiết kế bắt một cái thắng xe vào chỗ cắc cớ ấy? Thằng bạn tôi đang ngồi đây đã có lần nham nhở đùa trong lớp: Hôm nay tao cầm lộn cây cọ những hai lần. Giọng cười sống sượng trong khi cô người mẫu ngồi trên bục gỗ nhẹ nhàng khép lại đôi chân. Nga từng hỏi tôi, một câu hỏi rất… đàn bà: Đứng trước người mẫu khỏa thân toàn phần cảm giác của tôi như thế nào? Tôi trả lời, cũng rất đàn ông: Mê đắm và nóng mặt, nhưng chẳng được lâu dài cho lắm. Nếu đó là người mình thương thì vấn đề sẽ khác. Khi ấy tôi định hôn Nga và cô đã đẩy tôi ra. Câu chuyện giữa chúng tôi thường bế tắc một cách bâng quơ như vậy. Nó không đi hết đường, ngã ngũ thỏa đáng cho bất kỳ một nghi vấn nào cả. Thật vu vơ và thật con nít. Nga có vẻ ghen tức với việc học của tôi là quen nhìn những vùng da thịt kín đáo của kẻ khác phái luôn phô bày…
- Mi đem cái bao ny-lông chi đó?
Tôi giật mình giằng lại món quà tặng Nga khỏi tay kẻ tò mò.
- Mấy giờ rồi?
- Đã trễ, nếu còn quan tâm tới chuyện học.
- Sao mi còn ngồi đây?
- Tao sẽ vào trường xin nghỉ để đi điều chỉnh lại giấy tờ.
- Chuyện chi?
- Thẻ hoãn dịch của tao họ ghi lộn. Thay vì hoãn dịch vì lý do gia cảnh họ lại đánh máy là lý do học vấn. Một mẹ già, một con côi mà mi!
- Ừ. Quan trọng thế thì chạy u đi cho rồi.
- Công chức họ làm việc khác với giờ học sinh đến trường. Còn sớm nhăn.
- Có vào trường đừng nói gặp tao ở đây.
- Im lặng là vàng?
- Ừ, là vàng… Mà nếu chuyện trò ồn ào là kim cương thì mày bảo gặp tao ở cổng bệnh viện.
- Yên tâm đi. Mi có vẻ là người đang mang bệnh thật đó.
Tôi hít một hơi thuốc thật đầy. Tôi nghĩ là cổ họng sẽ phản ứng bằng một chuỗi ho hen. Thật lạ lùng như phương ngôn của mấy ngài thầy thuốc cổ điển: Dĩ độc trị độc. Tôi đã thông đàm, buồng phổi ngon lành chẳng có gì vướng mắc ngứa ngáy. Người bạn gọi một bình trà, tự tiện múc muỗng đường khuấy trong ly. Những xác trà quay như vụ đằng sau lớp thủy tinh chợt vẹt. Nga đã từng là cái muỗng và tôi là xác trà chóng mặt lao đao. Tôi nói, tình yêu của tôi không thể cầm chân Nga ở lại đến sang năm? Nga cúi đầu làm thinh, chỉ hành động bằng cách cho tôi xem lá thư của người chị ở tận Sài-gòn gửi ra: “… tùy em quyết định, nhưng chị tin là vì việc học của em, em sẽ có một ý nghĩ sáng suốt. Ngoài Huế thật có lắm tai ương biến động, vì lẽ đó mà ba mạ viết thư gửi gấm…” Tôi muốn ôm lấy Nga. Căn nhà lúc ấy chìm trong quạnh quẽ. Mạ Nga đi chợ chưa về. Ba Nga đi gặp những người quen để lo giấy tờ thuyên chuyển trường ốc cho Nga. Cái đồng hồ quả lắc đi lui tới với bước chân tuần hành đều đặn, lặng lẽ êm thắm hơn nhịp tim rộn ràng trong người tôi. Tôi sẽ đi theo Nga cho có bạn đường. Nga dẫy nẩy lên với lời đề nghị đó. Đừng, việc học quan trọng hơn. Bỏ học thì phải đi lính. Và vào trong kia, có quen biết ai đâu mà mạo hiểm? Tôi yêu chữ mạo hiểm Nga dùng chi lạ. Tôi rụt rè ôm giữ bàn tay ấm áp của Nga. Tôi sẽ tới mấy rạp chiếu bóng, mấy gánh hát cải lương xin làm nghề vẽ poster, trang trí phông màn bích chương biểu ngữ cờ quạt các thứ. Hoặc giả tôi sẽ làm thợ vẽ, phóng đại ảnh chụp của những kẻ vắn số cho thân bằng quyến thuộc mang về dựng trang trọng trên bàn thờ mà khói hương thờ phượng. Tôi sẽ kham được những khó khăn, nếu khó khăn ấy là chông gai muốn đo lường tấm lòng tôi mãi mong gần kề bên Nga. Nga rụt tay về và nói một câu đáng ghét: “Đừng có điên!”. Tôi ủ rũ cúi mặt nhìn con ốc sên bò chậm chạp ở bậc tam cấp đọng nhiều rêu xanh. Phim ảnh, tiểu thuyết ngoại quốc, tình yêu lãng mạn… Tôi thật không hiểu, đâm hoài nghi về những gì đã đọc, đã xem. Con ốc sên khi bò đã để lại đằng sau nó một đường ướt run rẩy. Việc Nga đi học phương xa, tôi linh cảm như đó là một hòn sỏi ném xuống giếng sâu, mặt nước loang sóng đồng tâm rồi chẳng lâu, nó khép đóng lại nỗi an nhiên phẳng lặng. Khi ta ngẩn ngơ cúi nhìn, chỉ bắt gặp bóng mình chao đảo lung linh trên tấm gương soi diệu vợi. Và hết. Viên sỏi ngủ yên dưới bùn lầy giếng nước. Cái gầu hoen rỉ như vết tích thời gian, những xác lá mục rữa tựa chứng nghiệm về sự lãng quên, rằng nỗi hằng cửu của tình yêu chỉ là một cợt nhã chẳng hề có trong đời sống. Nga biểu tôi về, trời khi ấy chẳng có dấu hiệu một cơn mưa sẽ thịnh nộ trút xuống. Để làm sáng tỏ câu trước, Nga thêm thắt: Giờ này ba sắp đến nhà. Tôi đứng lên, nhẹ hẫng như mặt đất chẳng còn trọng lực sức hút. Tóc tôi để dài, đôi khi nhờ tấm thẻ Sinh viên trường Cao đẳng Mỹ thuật cứu nguy khi ngang qua những trạm kiểm soát của cảnh sát làm nút chặn đột ngột trong thứ chiến dịch họ gọi là làm đẹp thành phố (?). Nhưng tôi biết nó muôn đời vô giá trị dưới tia nhìn nghiêm khắc của ba Nga. Ở thời điểm tôi sinh sống, giá trị nhân phẩm của con người được nhìn nhận qua vỏ bọc bên ngoài và những người “thầy bói” sắc sảo kiểu đó thì nhiều vô số kể, nhiều tới độ ngột ngạt. Họ luôn cổ vũ cho cái luận cứ bắt hình dong để nghiệm ra lòng dạ. Ba Nga có thể nghĩ tôi là thằng con trai có cõi lòng bê bối rối rắm luộm thuộm dơ dáy như tướng tá hình hài đói cơm hắn mãi khoác vào người. Tôi bước xuống thềm. Con ốc sên đã lặng lẽ rời đi mất biệt. Đôi giày bata bằng vải thô của tôi đề lại trên nền đất ẩm những bước chân không đều khoảng cách. Nga nói đuổi theo: Nếu ưa thì tụi mình sẽ gặp mặt lần cuối ở sân ga. Nga đi chuyến mười giờ. Sáng thứ hai.
2.
Tôi bỏ làm ngày thứ hai. Thứ sáu tuần trước, tôi man khai với Mike: Cho tôi nghỉ việc đầu tuần nghe. Tôi phải đi tuyên thệ nhập tịch làm thằng điên. Ca-na-điên. Mike, đại diện chủ, quyền hành rất mực đang đứng rửa tay nơi cái lavabo dơ bẩn mực in cười cười không nói. Dòng nước nóng từ vòi mở lớn tuôn chảy xè xè. Tôi nhìn trong gương để thấy mặt mình như có đeo mặt nạ, trân tráo ngó Mike. Sau cùng hắn rảy đôi bàn tay hộ pháp, ô-kê không thành vấn đề. Mấy năm rồi? Sao chóng thành dân điên thế? Tôi còng lưng xuống rửa tay, những ngón lấm lem một công việc chẳng bao giờ ưng ý. Cũng là màu sơn, nhưng không nặn ra trên palette mà đổ đầy trong chậu để cho mấy cái rouleaux nó quay rần rần và rồi thì nhả ra từng chồng giấy quảng cáo. Những Hamada, những Multilith offset 3, 4 màu. Chỗ này gà bán sale 99 xu một cân. Chỗ nọ vente 1.49 cả tá quần lót đàn bà. Cực rẻ, không nhanh chân, không giỏi tay e bù trất giá hiếm có. Mike bỏ quên cái đồng hồ nên lật đật trở lui. Tao quên chúc mừng mày được vào quốc tịch. Cuối tuần tốt đẹp nhé.
Cuối tuần, quả có tốt đẹp thật. Đường dây điện thoại viễn liên từ chốn xa gọi về nhắc nhở và xin cố gắng giữ tròn lời tới phút cuối. Tôi nhủ thầm, ừ, bằng mọi giá, ba vạn cũng bỏ. Hỏi: Đi bằng gì? Tới mấy giờ để sắp xếp việc đón tiếp. Tôi vui và bàng hoàng như phút giây đó chẳng nằm giữa thực tại. Có vẻ mơ hồ, xa vắng. Không gian là Việt-nam. Thời gian là những tháng ngày cũ của một người từ Sài-gòn gọi về ù ù tai nghe một xúc cảm đằm thắm. Nga. Cuối cùng là Nga. Giọng nói ấy chẳng hề suy suyển hao mòn một phân ly. Tôi thử nhìn ra bầu trời chớm thu bên ngoài xem có cơn mưa nào bất chợt đổ? Không. Huế của tôi đã chết. Đã chìm rồi những cơn mưa bay nghiêng. Sự trầm mặc nơi chân dung nó mang đã như người đóng tuồng mệt mỏi lui về hậu trường cởi bỏ son phấn, đoạn tuyệt đèn màu và kịch bản. Tôi mang ác cảm về mưa từ hôm Nga bước chân lên tàu. Tôi sẽ bước chân lên xe đò nhưng giờ đây lòng thầm mong có sự can dự đầy ướt át do mưa giăng bủa. Một kẻ lữ thứ lầm lũi tới chốn lạ, không tơi không nón chẳng áo ngự hàn. Hắn vuốt đầu tóc đã cắt cụt, gần như một tân binh và giữa nhạt nhòa của màn mưa, hình dáng người bạn thuở đầu đời sẽ từ tốn hiện ra, nhỏ tới lớn, từ xa thu lại cận kề.
Tôi mua một ly cà phê trong khi chờ chuyến xe khởi hành. Tôi tin là ở bất cứ bến xe nào cà phê cũng đều ngon miệng đậm đà trước mỗi một lên đường. Bến xe Huế, bến xe Nha Trang, bến xe Đà Lạt chẳng hạn. Tôi lầm, cà phê ở bến xe Montréal là thứ dở nhất thiên hạ, uống chẳng hết. 3 đô một ly giấy có chạy hàng chữ: Coi chừng, nóng phỏng tay. Tôi ngờ vực, chẳng lẽ Nga của một cuối đường chờ đợi đã khiến tôi đảo lộn những vị giác, thính giác, xúc giác, thị giác… Hai ba hôm nữa thằng Mike sẽ đến chỗ làm, hắn sẽ giải thích với đám thợ về sự vắng mặt của tôi, rằng cái thằng người mà bọn bây luôn ngộ nhận là Tàu biết kung-fu ấy đang cà lăm ấp úng tuyên thệ rồi nhóp nhép mồm miệng hát bài quốc ca: Oh Canada… Thật khờ khạo cả tin, tôi làm dân “điên” đã lâu rồi. Và tôi đang chìa tấm thẻ bọc nhựa đó để trình cho nhân viên kiểm soát: Đi đâu vậy? Đi Boston. Ở nhà ai? Địa chỉ? Ở nhà người vợ cũ. Tôi đùa, đưa mẫu giấy ghi vội cái chốn Nga ngụ mà cô đã đánh vần chậm rãi trong điện thoại. Mặt tôi tỉnh queo. Và tôi nghĩ một thằng Ca-na-điên có quyền trân tráo như thế. Tính đi bao lâu? Hai ba hôm, cùng lắm chỉ một tuần. Đang làm việc chi? Công nhân, điều khiển máy in. Người mặc đồng phục màu xanh nước biển vẫy tay cho tôi qua. Tôi không rõ Nga đi diện đoàn tụ gia đình hay cũng vượt biển? Ba Nga đã thôi đời công chức mẫu mực và tôi đã hết một thời ngông nghênh tóc dài học đòi nghệ sĩ. Tất cả bị xua đuổi về một thiên đường hoang lạnh có thật nhiều trái cấm, và điều này khiến người ta sẽ thân ái hơn, cởi mở hơn, cảm thông và độ lượng khi mặt đất mà mình đang đứng không còn nỗi nghiệt ngã tranh giành máu thịt của anh em. Tôi có lạc quan? Hay người ta vẫn còn nghi kỵ để đưa ra những câu hỏi trần trụi: Qua năm nào? Ở tiểu bang nào? Học xong chưa hay đang làm hãng xưởng? Lương khá không? Mua nhà rồi chứ? Mẹ kiếp, xứ này hái ra tiền mà…
Những cánh đồng trơ trụi lướt qua, lạ mặt. Những ruộng bắp vàng hoe. Những con chim đen bay từng đàn, lặng lẽ như mũi tên chưa tìm ra đích cắm. Một vừng trời hừng đông và lá đỏ đuổi theo tôi suốt cả con đường đi gặp Nga.
3.
Nga hỏi, giọng ân cần: Đi có mệt không? Nga quan sát tôi, hơn cả tia nhìn đầy tra vấn của người bảo vệ giữa lằn ranh biên giới. Không thay đổi gì nhiều. Thấy Nga ra sao? Chẳng đợi một nhận xét đưa ra, Nga kéo tay tôi lôi tới bên một chiếc xe màu đỏ. Cửa mở, đóng. Nga như đang đối mặt với vô vàn xúc cảm, và thường thì nó sẽ khiến bạn đâm vụng về, lóng cóng. Xe chạy ra con đường sáng ánh đèn. Tôi nhẫm đọc tên đường, hình như đó là danh xưng của người nhạc sĩ nổi tiếng. Những tác phẩm được thai nghén và chào đời trong quá trình ông ấy bị tình phụ tưởng có thể chết đi được. Vẫn còn vẽ vời? Nga hỏi. Tôi thành thật: Không. Đã lâu rồi… Có thể nói từ khi Nga bỏ đi. Nga đạp thắng trước khi đèn chuyển màu đỏ. Một ngã tư nhiều gió. Tôi cũng từng bị thất tình, và tôi thất học sau đó. Mà nếu tôi giữ được sự thủy chung với hội họa, những đứa con nghệ thuật kia cũng sẽ chết cháy chết chìm trôi nổi theo sự phiêu bạt của tôi từ khuya. Vượt biên hà? Nga ngó tôi, vẫn là lối nói trống không, chẳng ngôi thứ. Tôi thích nghe như vậy, trước sau như nhất. Ngày cũ và hôm nay, giờ đây ở xứ lạ. Ừ, vượt biển, có giấy chứng nhận: thuyền nhân. Thuyền nhân, ai đặt tên thật hay ho, lâm ly bi đát! Con đường bỗng trở nên dằn xóc một hồi. Sự rung động đi kèm với bóng tối đậm đặc. Quanh co, váng vất từng chùm lá cây đen thẩm như cọ quẹt vào xe, và rồi xe thắng lại, một cuối đường. Nga mở cửa xe, tôi bắt chước làm theo. Có tiếng kẽo kẹt của chiếc xích đu ai đang ngồi đong đưa trong vuờn tối. Tôi lạnh, chẳng nhìn rõ cảnh vật. Tới rồi, đi theo Nga. Chiếc áo ấm màu vàng nhạt của Nga lay động dẫn lối, nó như bị lấm lem bùn đất khi ánh sáng ở đâu đó chiếu lướt lên, in loang loáng từng cụm lá đen nâu. Tiếng rên rỉ của chiếc xích đu đã không còn. Ngọn đèn vàng trước cửa nhà bật sáng, hắt ra sân cỏ cái dáng đứng khẳng khiu như sẵn sàng ngã qụy của bóng đen nào chờ chực. Đi chi mà lâu… Đã gặp chưa? Tôi nhìn lên, bỏng điện chẳng chói lòa nhưng hoa mắt. Một đầu tóc bối cao, đặt để trên nhân dạng ốm, thấp. Giọng Huế khan, yếu, có vẻ trách móc. Gặp rồi mạ. Tôi bước theo Nga lên hai bậc gỗ và tần ngần đứng ở bậc thang thứ ba. Người đàn bà nghiêng người để nhìn cho rõ mặt kẻ vừa mới tới. Mặt tôi hứng đầy ánh sáng. Tôi thấy hai ba con vật bay chập chờn quanh ngọn đèn vàng. Tôi ngửi được mùi dầu nóng và sau cùng là khuôn mặt xanh xao. Ừ, đúng rồi. Đừng khinh đôi mắt người già nghe. Bác cũng còn nhớ mà. Mấy mươi năm? Tôi luôn mỏi mệt với những con số, tôi sợ một sự hồi tưởng. Tôi chẳng tài nào nhận ra mạ Nga nếu giả sử người ta vất tôi vào một nhà dưỡng lão để đi nhận diện từng khuôn mặt có nhiều nét thất thường tựa nhau. Tại sao mạ Nga lại có được một ký ức kinh khiếp như vậy? Mạ còn ngồi ngoài sân làm chi cho lạnh? Mạ ở trong bếp cứ bị xe của thiên hạ đánh lừa hoài nên trở ra ngồi ngó chừng. Cứ sợ hai đứa không tìm thấy nhau… Tôi thoáng nghe cảm động. Tôi dằn nó xuống để đón chờ cái ló đầu của ba Nga. Căn nhà yên ả ở phía trong, mùi thơm của một thức ăn dâng ra, tỏa nhẹ. Nga đứng ở cửa rộng mở với tư thế đợi khách vào. Lòng tôi bồi hồi, cánh cửa đóng ập sau lưng để tôi bị vây bọc trước một cảnh sắc ấm áp lạ thường. Tôi để cái xách tay xuống nền nhà có trải thảm, nếu có một đứa học sinh trọ học phương xa mỗi năm chỉ cho phép về thăm nhà trong dịp Tết thì nỗi niềm mà nó mang chắc cũng ngập đầy như tôi giờ này.
Nga hỏi tôi có cần rửa mặt rửa tay chi không? Mạ Nga góp tiếng: Cứ tự nhiên, xem như con cháu trong nhà, rửa mặt cho tỉnh táo rồi bác sẽ dọn cơm. Tôi không nghe lời, đôi chân tôi bỗng dưng mỏi. Xúc cảm thường làm biến tướng cơ thể, nó khiến anh trở nên hùng dũng, nó cũng xúi anh rũ liệt tựa ốm đau và tôi đi nhẹ tới bàn ngồi xuống ghế bằng tất cả sự cẩn trọng. Hơi ấm từ bếp điện đặt gần đó từ tốn đến vây tôi. Tôi nhìn hai cái ghế trống còn lại, màu sơn trắng của chúng khiến tôi hình dung rằng, ở mặt bàn này đã từng diễn ra những bữa ăn tẻ nhạt im tiếng. Mạ Nga già đi trông thấy và Nga ốm xanh hơn những ngày cũ, điều này có nhằm chứng minh cho sự suy diễn của tôi? Tôi tính nói lên một đôi lời cho căn phòng ồn ào chút đỉnh nhưng chưa biết sẽ nói điều gì trước tiên. Nỗi niềm gì đã vây khổn tôi? Lý ra mình đang là kẻ hạnh phúc, và điều này khiến mình sẽ cười nói huyên thuyên…
- Mạ có cần con phụ một tay không?
- Không. Ngồi nói chuyện đi. Mạ làm hết rồi, chỉ cần hâm nóng lên thôi.
Nga cũng vậy nữa, chẳng hỏi han gì tới tôi cả. Vụng về qua lại, lăng xăng một cách không chính đáng. Sau cùng thì Nga đến cúi người nhấc lên cái túi xách của tôi rồi biến mất sau một cánh cửa. Căn phòng thủy chung vẫn o ép sự tĩnh lặng.
- Thiệt tội nghiệp…
- Dạ thưa chuyện chi?
- Bác rót nước cho uống hí? Có khát không?
- Dạ không.
- Nó coi báo bổ chi đó, biết con có viết truyện gửi đăng nên lật đật xin xỏ người ta dọ hỏi cho ra địa chỉ của con. Con cũng oai hè, dạo ni viết lách như rứa chắc thu được khá nhiều huê lợi?
Tôi cúi đầu, cảm thấy hổ thẹn. Cuộc sống luôn đẻ sinh những ngộ nhận. Có ngộ nhận làm mình bức rức đớn đau, có ngộ nhận làm mình chỉ biết cười trong câm lặng. Và suốt đời, tôi là kẻ bất lực không biết cách giải bày, minh oan trước những ngộ nhận kia.
- Răng mà làm thinh làm tịnh như rứa?
- Dạ… Cũng nhờ trời.
- Chuyện chi mà nhờ trời?
- Dạ, thì nhờ vậy mới có ngày này, được gặp lại bác và Nga.
- Nói cũng phải!
Mạ của Nga rót cho tôi tách nước trà. Thơm, đậm đà. Đắng và ngọt. Cái tách men có vẽ những cánh hoa xanh tím nhỏ nhắn đan liên kết quanh vòng tròn liền lạc. Tôi xoay cái tách trông quen thuộc rồi chợt nhớ sực lại ngày xưa mạ tôi cũng có đủ một bộ giống hệt thế dùng đãi khách.
- Chớ bây giờ ở với ai?
- Dạ một mình.
- Hai bác còn bên nhà hay răng?
- Dạ mất lâu rồi.
Tôi đón nghe một tiếng thở dài trong khi tôi lẩn thẩn tự hỏi, chẳng biết những cái tách của mạ tôi đã vỡ tan hay đang lưu lạc trong tay kẻ khác? Những kẻ lạ mặt đi chiếm đoạt nhà người ta với cả một sự ngông nghênh quyền thế. Hệt như họ đã chiến thắng và những của cải từng đánh đổi bao mồ hôi nước mắt của chúng sinh thua cuộc ấy tựa như phần thưởng tự trời cao rơi xuống nhằm trả công cho họ. Cuộc xâm lược thần thánh kia cho tôi ý niệm sâu sắc thế nào là lòng thù hận. Đó là thứ kinh nghiệm buồn rầu vô tả. Nó đến muộn màng và nó tước đoạt tất cả một đời hồn nhiên của thằng học sinh vô sản. Tôi chẳng có gì để phàn nàn, người có đủ điều kiện để ta thán là ba mạ tôi và giờ này, họ đã xuôi tay thực sự dưới vùng đất khô cằn, kề cận một công trường làm thủy lợi chẳng bao giờ khơi mở một mạch nước. Những con quạ đen về đậu trên cây trụi lá kêu khản tiếng và ngày cuối cùng tôi lên thăm mộ song thân có cơn gió Lào thổi về xoắn bụi đỏ lên cao làm tôi chảy nước mắt.
- Tứ cố vô thân như vậy mà không biết buồn hay răng?
- Dạ, thì nhờ trời từ từ cũng quen.
Mạ của Nga cười. Một hai cái răng sún trong miệng phụ họa làm tiếng cười nghe vui tai.
- Nói nghe hay quá, chuyện chi cũng nhờ trời! Răng không thử nhờ trời kiếm cho ra một mụ vợ.
Tôi có ý đợi Nga trở ra. Có lẽ Nga bận sửa soạn chỗ nằm cho tôi, có thể Nga đang tắm rửa thay đổi áo xống trước khi dùng cơm tối? Tôi hỏi:
- Con hút thuốc được không?
- Được. Để bác mở hé cánh cửa cho thoáng khí. Ừ, có sẵn bật lửa cho bác thắp nhờ cây nhang. Con Nga đã kể lể nhiều chuyện chưa?
Sau bức vách ngăn chia giữa hai phòng có bắt cái trang thờ. Tôi cầm bật lửa đi theo mạ Nga. Một đĩa trái cây, một tách nước trà, ba cái chung nhỏ đựng nước lạnh, hai ngọn nến giả tạo sáng tù mù bóng điện yếu watt và đằng sau những thứ đó, dựng đứng khung ảnh giam chật khuôn mặt nghiêm nghị của ba Nga. Người đàn bà nói thì thầm điều gì với người khuất mặt. Tôi bật nắp cái zippo và cứ để ngọn lửa bỏng cháy trên tay run. Mùi khói hương xông lên, nó lạ lùng và nó quen thuộc đến độ không hiểu nổi. Nó được thắp lên, chẳng hề nhắc nhở điều gì cả nhưng buộc người ta phải cúi mặt nghe lòng rưng rưng buồn.
- Hai bác mất bên nhà là có phước đó. Ba con Nga thì thê thảm hơn, bị chôn thây ngoài trùng khơi. Ông bà ơi! Cái bọn chi mà thiệt ác ôn rùng rợn… Làm cha thì ai mà không ra sức bảo vệ con gái chứ?
Tôi thấy một đôi mắt long lanh. Hai bàn tay da nhăn đang khó nhọc cắm đứng cây hương cho ngay trên trang thờ.
- Từ khi Nga bắt được liên lạc với con nó có vẻ vui tươi trở lại. Cố ở đây trò chuyện với nó cho dài ngày một chút nghe. Trời Phật ạ! Răng mà nhà bác gặp toàn chuyện đau khổ chi mô. Bởi vì lòng đoái thương tới bác côi cút chứ không con Nga e cũng quyên sinh theo ba nó mất rồi!
Mạ Nga lấy tay áo để chấm nước mắt. Tôi đứng chết lặng hết nhìn bà xong đến ngước trông tấm ảnh trắng đen. Ngày xưa tôi từng khóc vì những cuốn phim có kết cuộc sầu thảm, sao bây giờ mắt tôi ráo hoảnh và miệng tôi bị khóa cứng, hết xuýt xoa. Hoang phí làm sao những giọt lệ tuổi xuân thì! Tôi nghe chân đi của Nga lần ra và tôi cố tập, chuẩn bị một gượng cười.
4.
Buổi tối, tôi không ngủ được. Tôi đi nhẹ nhàng ra mở cửa và ngồi xuống bậc cấp ẩm lạnh đốt thuốc hút. Đêm vẫn có sự dịu dàng đi lặng lẽ băng qua những vườn cây rung nhẹ lá. Một vài con đom đóm làm tín hiệu hẹn hò cho nhau sáng lập lòe dưới bãi cỏ mềm sương. Đầu óc tôi căng ra dù cố không hình dung về hình ảnh một chiếc ghe bị bạo hành dã man trên biển cả, mà chỉ nói riêng tới sóng cuồng nộ thôi, nó đã là một hiểm họa luôn muốn vồ chụp những kẻ thất thế… Tôi ném mạnh điếu thuốc vào bãi cỏ, bực dọc nghĩ tới những gì liên quan tới số phận. Nghĩ suy và thật sự choáng váng: Tôi chẳng biết làm gì, sẽ nói những gì với Nga suốt thời gian cố kéo dài bên nhau? Tôi đi vào nhà, tìm tới nơi đặt để khung ảnh ba Nga. Tôi moi túi quần lấy bật lửa để đốt cho ông một cây hương. Tại sao vậy bác? Hồi nãy vào phòng tìm hành lý để thay đổi áo quần bất chợt tôi đã bàng hoàng khi ngó thấy bức tranh màu nước treo trên vách. Đó là món quà hôm nào tôi trao cho Nga trước một di dời uể oải của con tàu chuẩn bị rời đi khỏi sân ga Huế. Bản vẽ xấu, vụng về, tuyệt chẳng mang một giá trị nào cả và giờ này thì nó đã xỉn màu, đã vàng phai, đã oằn cong, đã dâu bể. Nga giữ nó mà làm chi? Tại sao lại nhọc lòng mang nó theo, dập dìu, vướng bận thêm ở mỗi bước chân lưu lạc? Trong khi… trong khi cả một đời con gái, Nga chẳng tài nào giữ được. Và bác cũng vậy, bác chẳng chịu lượng sức mình. Bác đừng có nóng nảy biện hộ, rằng một con gà nó còn biết xù lông xòe cánh che chở bảo vệ đàn con dưới bụng huống chi làm người… Tại sao? Bức tranh non yếu của một đầu đời đã mười mấy năm chảy vội. Nó được lồng trong khung gương, ưu ái treo bên chỗ nằm, trong khi dưới nó Nga co quắp với một hư hao muôn đời không thể bù đắp. Tại sao? Tại sao???
5.
Tôi sẽ bỏ làm ngày thứ hai ba tư năm sáu. Và có thể tôi bỏ việc suốt tháng năm dài. Tôi đã lơ là cây cọ từ lâu nhưng tôi cố sẽ vẽ cho Nga một bức tranh mới, hy vọng hoàn chỉnh để thế chỗ cái vuông giấy lem luốc kia. Ngày dài tháng rộng? Tạm thời chỉ có vậy thôi. Tôi biết làm gì hơn? Tôi biết nói những gì khác nữa? Đêm đã khuya, đã tàn lạnh. Vườn mù sương vẫn còn đốm sáng lân tinh ma mị của đôi đom đóm hẹn hò, sáng tối thì thầm. Có ai đốt lửa thắp giùm cho linh hồn tôi một cây nhang?
Hồ Đình Nghiêm