Tuesday, April 4, 2017

271. TRẦN HOÀI THƯ: HÀNH TRÌNH TÌNH THƯƠNG


TRẦN HOÀI THƯ

HÀNH TRÌNH TÌNH THƯƠNG





Lời Giới Thiệu

Nhà văn Trần Hoài Thư, sĩ quan Thám kích Sư đoàn 22 Bộ binh, rồi Phóng viên chiến trường 3 lần bị thương năm nào, sau những năm tù đầy, từ ngày vượt biển rồi sang định cư tại Hoa Kỳ, anh Trần Hoài Thư từ 2001 đã cùng với các bạn văn bền bỉ âm thầm làm việc trong bao nhiêu năm nhằm phục hồi di sản Văn học Miền Nam 54-75 đang bị phá huỷ.

Nói tới sinh hoạt Văn Học Miền Nam 54-75, cũng phải kể tới các phong trào báo chí sinh viên nở rộ từ các phân khoa Đại học Miền Nam thời bấy giờ. Riêng trường Y khoa Sài Gòn, có tờ Nguyệt san với manchette Tình Thương: “cơ quan tranh đấu văn hoá xã hội của sinh viên Y khoa”, tờ báo đã hoạt động mạnh mẽ được ngót 4 năm, với số ra mắt tháng 01.1964 và số cuối cùng 08.1967 báo bị đình bản. 

Đúng 50 năm kể từ số báo cuối cùng của Tình Thương, một tin vui đến từ Thư Quán Bản Thảo, trong một nỗ lực phải nói là phi thường, qua hệ thống interlibrary loan, anh Trần Hoài Thư đã hy sinh rất nhiều công sức và cả tốn kém tiền bạc để có thể sưu tập lại được gần trọn bộ báo Tình Thương, đồng thời cũng qua bộ Tình Thương, 11 chương sách tác phẩm Nuôi Sẹo của nhà văn Triều Sơn đã được phục hồi.

Được tham gia sinh hoạt làm báo Tình Thương từ số đầu tiên cho tới khi báo đình bản, tôi thay mặt các anh em trong nhóm Tình Thương, các đồng môn Y khoa cám ơn nỗ lực của Thư Quán Bản Thảo và trân trọng giới thiệu bài viết HÀNH TRÌNH TÌNH THƯƠNG của nhà văn Trần Hoài Thư, như một cái nhìn từ bên ngoài đối với Tình Thương, một tờ báo của Sinh viên Y khoa từ hơn nửa thế kỷ trước. (Ngô Thế Vinh)

[Với độc giả muốn có được số báo Thư Quán Bản Thảo 74 chủ đề đặc biệt về Nguyệt San Tình Thương, có thể liên lạc với nhà văn Trần Hoài Thư:

eMail:         tranhoaithu16@gmail.com 
hay địa chỉ: 719 Coolidge Street; Plainfield, NJ 07062]




Bìa Tình Thương số ra mắt tháng 1-1964


Nguyệt san Tình Thương số đầu tiên được ra đời vào đầu năm 1964, sau một cuộc hội thảo sôi nổi của khoảng 50 sinh viên y khoa, thể theo lời kêu gọi của sinh viên y khoa năm thứ 6 Trần Xuân Ninh. Cuộc họp này được ghi đầy đủ bởi Trần Xuân Dũng, nguyên là thư ký tờ báo. Bài đăng trên tập san Y Sĩ số 184 tháng 1-2010 do Hội Y sĩ Việt Nam tại Canada chủ trương chủ đề giới thiệu nguyệt san Tình Thương được chúng tôi đăng lại ở phần sau.

Có thể nói cuộc hội thảo này là một cái mốc quan trọng, chẳng những dẫn đến sự hình thành một tờ báo của sinh viên y khoa mà còn nói về một sự lên đường nhập cuộc của giới mà khi nhắc đến ít ai có thể ngờ:

… sinh viên y khoa vốn thường được người ngoài coi là chăm chỉ hạt bột, có khi cù lần, luôn luôn bận bịu học tập chứ không văn nghệ như các bạn văn khoa khác, vì họ sống trong một thế giới khác biệt chỉ biết có đau khổ và bệnh tật, mà nay lại ra khỏi ngưỡng cửa của Y Khoa để làm báo một cách rất trách nhiệm và dân chủ…
(Nghiêm Đạo Đại: Tập san Y sĩ 184)

Trang đầu của số đầu, nhóm chủ trương – dưới tựa đề “Dựng” – ví sự có mặt của Tình Thương như ngọn lửa:

(…) Ngọn lửa đầu tiên đã thành hình, nhỏ bé và lung linh. Ước nguyện thiết tha của chúng tôi là lửa sẽ không tàn mà càng ngày càng lớn mạnh, và tất cả mọi người sẽ đem lại sinh lực cho nó.

Tình Thương với hình thức trang báo khổ lớn (Khổ tờ Văn Nghệ Tiền Phong), số trang thay đổi bất thường, trung bình 60 đến 80 trang, với nhiều quảng cáo mà thân chủ cỡ “bự” như Catinat Hotel, các hãng bào chế hay dược phòng, ngân hàng v.v… cho ta thấy tờ tạp chí rất được ưu đãi về phần quảng cáo so với những tạp chí khác. Về nội bộ tổ chức, số 1 ghi Chủ nhiệm: Phạm Đình Vy, Chủ bút: Nguyễn Vĩnh Đức, Tổng thư ký: Trần Xuân Dũng, Thư ký: Nghiêm Sỹ Tuấn, Quản lý: Phạm Như Bách.

Cần ghi nhận là cứ mỗi niên học là có sự thay đổi ít nhiều trong tòa soạn, trị sự cũng như ban biên tập. Lý do một số người ra trường, ra làm y sĩ ở các đơn vị.

Để giúp quí bạn hình dung về lề lối tổ chức nội bộ Tình Thương, chúng tôi xin chụp và đăng lại hai bản tin về cuộc họp khoáng đại chọn những người phụ trách và bộ biên tập Tình Thương. Phải nói đây là một sự sinh hoạt thể hiện tinh thần dân chủ và trách nhiệm khó tìm thấy trong làng báo ở VN.

Đây là bản tin về cuộc họp sau khi Tình Thương có mặt được 9 số:






Dưới đây là cuộc họp khi Tình Thương bước vào năm thứ ba:





Những số đầu, qua những chủ đề đặc biệt về y khoa như “Niềm đau nỗi khổ”… (số 3-4 tháng 3-4,1964), đối thoại trong y học (số 5), Tình Thương thường đề cập đến những vấn đề liên quan đến giáo dục văn hóa, đặc biệt là ngành y khoa. Ví dụ:

– Tại sao sinh viên có quyền và có bổn phận trình bày ý kiến về những vấn đề giáo dục?
– Giáo dục y khoa ở Việt Nam đi về đâu?
– Bao giờ tiếng Việt được dùng để giảng dạy ở trường Y khoa đại học?
– Thế nào là vai trò căn bản của người y học trong xã hội?
– Làm thế nào để thích ứng y học tây phương vào văn minh và văn hóa VN?
– Đối thoại giữa bệnh nhân và người y học.

Người y khoa nghĩ gì trước những vấn đề y học liên quan đến đạo đức xã hội: giáo dục sinh lý, kiểm soát sinh sản, phòng ngừa thụ thai, sự phá thai?




Bìa Tình Thương số 6 (tháng 6, 1964)


Kể từ số 6, nội dung Tình Thương bắt đầu chuyển vào con đường đấu tranh chính trị với bài viết: Bức thư ngỏ kính gởi ông R.M. Namara, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa kỳ của Phạm Đình Vy… Từ đây, những bài có tính cách đấu tranh xuất hiện, càng lúc càng quyết liệt, càng nặng ký, trong khi Saigon càng ngày càng sôi sục tiếng đả đảo hoan hô và khói lựu đạn cay… Cao điểm là những cuộc biểu tình của sinh viên vào tháng 8, 9, 10, 11 phản đối chánh phủ Trần văn Hương, đòi hủy bỏ Hiến Chương Vũng Tàu của Nguyễn Khánh. Từ những số báo của năm 1964 trang giấy ít thấy bôi đen, thì bước vào năm thứ hai – 1965 – càng lúc càng bị những trận mưa “bom chì” trải thảm rớt xuống trên những trang Quan điểm, Nhận định, Sổ tay, Phóng sự tạo nên những “ hố bom” cày nát lỗ chỗ màu đen, có khi thưa có khi dày đặc…

Ngay cả trang đầu với bài viết ăn mừng ngày sinh nhật một tuổi cũng bị trải thảm “bom bi”:





Để giúp quí bạn có thể hiểu tại sao Tình Thương lại được chiếu cố tận tình như vậy, sau đây là những chủ đề hoặc những vấn đề mà TT đề cập trong năm 1965, 1966:

Số 15: Khả năng viện trợ Mỹ và tình trạng chậm tiến của VN
Số 16: Hòa bình hay chủ bại
Số 17: Những vấn đề thanh niên
Số 18: Thanh niên hướng về nông thôn. Chính trị và dân chủ. Nền tự trị đại học…
Số 20: Kỷ niệm năm thứ hai Ngày Tranh đấu của sinh viên thanh niên.
Số 21: Những vấn đề trọng đại của quốc gia
Số 22: Quân đội và chính trường
Số 23: Viễn ảnh chính trị miền Nam
Số 24: Số đặc biệt Đại Hàn: Chiến tranh và hòa bình
Bước vào năm 1966, những chủ đề của Tình Thương càng nặng ký hơn:
Số 25: Vấn đề chủ quyền VN – những sự thật về Fulro
Số 28: Nông thôn Việt Nam và công thức Kibbutz Do Thái
Số 29: 96 phút với Thượng tọa Trí Quang

Những cái “nổi bật nhất” của Tình Thương…

– Là tạp chí duy nhất đăng truyện dài Nuôi Sẹo (mời đọc đoạn triển khai “Tình Thương và giá trị văn học” ở phần sau)
– Là tờ báo đi bài thơ tình của Lý thị Kim Xương mà theo ý của chúng tôi, đây là bài thơ tình rất hay trong số những bài thơ tình của miền Nam. Không phải riêng tôi mà còn có cả một vị bác sĩ “mê” bài thơ này đến nỗi phải thuộc lòng, để nửa thế kỷ sau, vẫn còn nhớ rành rành chép lại để thiên hạ cùng đọc. Nếu nhớ thơ của Huy Cận, Xuân Diệu, Nguyên Sa, Vũ Hoàng Chương … thì không nói làm gì, nhưng đây lại là bài thơ của người học trò 17 tuổi !.. (Xin đọc bài hồi ký của bác sĩ Đỗ Hữu Tước đăng ở phần sau).

Trên Tình Thương không đăng hình của Lý thị Kim Xương, nay chúng tôi có được, xin được đăng để các cựu sinh viên y khoa từng “mê” thơ Lý thị Kim Xương ngày xưa thấy được dung nhan của một nhà thơ nữ tài hoa nhưng bạc mệnh. (Nhà thơ nữ Lý thị Kim Xương từ giã cõi đời khi tuổi nàng còn xuân sắc!)





Tấm hình chân dung này được in cùng với bài thơ XIN EM NHÌN VỀ QUÊ HƯƠNG trên tạp chí VĂN NGHỆ MIỀN TÂY số ra Mùa Xuân 1968 tại Cần Thơ. Tạp chí nầy do NGŨ LANG chủ biên và HUYỀN VÂN THANH làm Tổng Thư Ký tòa soạn.

Cám ơn Tình Thương đã đăng một bài thơ hay.

Thư cho anh

Về NG. NG. TH,


S.V.Y.K

Anh nghĩ gì khi người ta nói yêu em?
Khi trời mưa người ta đưa em đến trường?
người ta bảo người ta thường hay khóc
vì em nhìn người ta quá dửng dưng.

Chủ nhật người ta đi xem lễ
anh nghĩ gì khi người ta ngồi gần em?
người ta đọc kinh khe khẽ
em nghe người ta đọc tên em.

Mai nhớ về thăm em nghe anh!
cho người ta hiểu em không sống một mình
nếu người ta yêu thì phải yêu hai đứa.
(yêu em và yêu anh).

Người ta yêu em anh có buồn không?
nhỡ một mai em gọi người ta bằng chồng
anh có còn yêu em không nhỉ?
(chết ! – người ta đang nhìn em ngoài song)

LÝ THỊ KIM XƯƠNG

(bức số 2 trong “Những bức thư không gửi”)

(NS Tình Thương số 13 tháng 1-1965)


– Không có một tờ báo nào ở SG trước 1975 lại được tướng Nguyễn Ngọc Loan – bấy giờ là cục trưởng cục An Ninh – ưu ái nhiều như nguyệt san Tình Thương: sự ưu ái này được biểu lộ bằng cách kê nòng súng vào màng tang của một sinh viên trong nhóm chủ trương (mời đọc bài hồi ký của Vũ Thiện Đạm) hoặc được phe biểu tình (Hố Nai) – phe nổi lửa đốt trụ sở Tổng hội sinh viên SG ở đường Duy Tân – chiếu cố khiến “anh em phải đóng cửa sắt tránh đối đầu đám đông giận dữ” (Mời đọc bài của Đỗ Hữu Tước).

– Không có tờ báo nào “cao ngạo” xem chính quyền là “ne pas” như tờ báo Tình Thương. Ngay cả ông tổng trưởng cũng coi chẳng ra gì như lời cáo lỗi dưới đây:



– Không có tờ báo sinh viên nào lại có tòa soạn riêng, và được bày bán trên sạp báo, được đón nhận nồng nhiệt bởi quần chúng như Nguyệt san Tình Thương và Phụ bản Tình Thương.
– Là tạp chí duy nhất đăng bài phỏng vấn Thượng tọa Trí Quang (số 29), Nguyễn Chánh Thi (số 19), tuy nhiên Tình Thương công khai chống lập trường của Hội Đồng Nhân Dân Cứu Quốc (Tình Thương số 10)… Qua bài phỏng vấn Thượng tọa Trí Quang, chúng ta được biết thêm là trước khi tổ chức bất cứ cuộc biểu tình nào, Thượng tọa Trí Quang đều đến gặp đại sứ Cabot Lodge.




(TT số 29)



Bìa Tình Thương số 29 (phỏng vấn TT. Trí Quang)


– Dù là báo sinh viên nhưng tầm mức của nó có thể ngang hàng với tờ báo chuyên nghiệp ngoại quốc. Những chủ đề thời sự nóng hổi như FULRO, hay Phật giáo miền Trung được tòa soạn cử phái viên đến tận nơi, để tìm hiểu cặn kẽ… Ngay cả có mặt trong Kibbutz Do Thái cả tháng làm phu hái cam để viết bài cho chủ đề “Nông thôn VN và công thức Kibbutz” (Đường Thiện Đồng: Bốn tuần trong Kibbutz – Tình Thương số 28)


Bìa Tình Thương số 28 (Nông thôn Kitbutz Do Thái)


– Không có tạp chí nào mà những người trong nhóm chủ trương hay trong ban biên tập, khi làm báo là chống đối chánh quyền mạnh mẽ nhưng khi ra trường Y khoa lại chọn những binh chủng dữ nhất mà đầu quân như Lực lượng đặc biệt, Nhảy Dù, Thủy quân lục chiến, Biệt động quân. Trong số những người này có Nghiêm Sỹ Tuấn – nguyên thư ký Tòa soạn. Y sỹ Nghiêm Sỹ Tuấn chọn binh chủng Dù, và tử trận sau khi ra trường chưa được bao lâu. (Mời đọc hồi ký của Trang Châu, Ngô Thế Vinh, Đỗ Hữu Tước, Bùi Khiết… đăng ở phần sau).

Chích”

Dĩ nhiên, nghề y đòi hỏi phải biết chích. Khi thì vào cánh tay, khi thì vai, khi thì mông đít… Có lẽ vì quá quen đến công việc chích này nên những biên tập viên phải ngứa tay khi cầm ngòi viết chăng…Và cái chích của họ “đau” thiệt.

Sự kiện này được một thành viên của Tình Thương kể lại như sau:

Trong một bài luận cứ “Tính dục trong sinh hoạt tôn giáo” (chúng tôi đánh máy bài này và đăng ở phần sau – Tòa soạn Thư Quán Bản Thảo ghi chú), anh Bùi Thế mang phân tâm học của Sigmund Freud để bàn về hiện tượng các cô nữ sinh thích đi nghe các thầy giảng và sinh hoạt. Bài viết gây chống đối rất nhiều, nhất là với các cô bị tạm giam ở thành Ô Ma trong biến động Phật giáo. Anh em Tình Thương bị gọi là giáo gian. Thế nhưng không phải phía Phật giáo mà Công giáo trong cuộc biểu tình từ Hố Nai chống hiến chương Vũng Tầu cũng đến bao vây tòa báo vì bài viết của anh Hoành và Quỳnh. Khiến anh em phải đóng cửa sắt tránh đối đầu đám đông giận dữ. (Đỗ Hữu Tước: Tình thương ngày tháng cũ, Tập san Y Sĩ số184 tháng 1-2010)
Trên đây chỉ về mặt tôn giáo, còn về phía chính quyền thì càng “dữ dội” hơn. Người chủ trương bị kêu lên Cục An Ninh và bị kê nòng súng vào màng tang:

Một buổi chiều cuối thu 1964, Sài Gòn sau Cách mạng 11/1963, lá ngoài đường không rụng nhiều và trên không cũng chẳng có những đám mây bàng bạc như trong truyện Quê Mẹ của Thanh Tịnh, tôi và anh Đức đang ngồi trong tòa soạn, bỗng có một chiếc xe cảnh sát mà người dân Sài Gòn gọi là “xe cây” đỗ xịch trước cửa Tòa soạn. Hai tên công an mặc thường  phục bước vào cửa rồi lớn tiếng hỏi ai là Vũ Thiện Đạm và Nguyễn Vĩnh Đức. Chúng tôi ngạc nhiên nhưng cũng điềm tĩnh trả lời. Một tên nói: “ Các anh theo tôi về Cục An Ninh có việc “ Chúng tôi hỏi: “Việc gì?” Tên thứ hai trả lời một cách hỗn xược: “Đến đó thì biết, đừng có nhiều lời”. Chúng tôi theo chúng lên xe cây để về Cục An Ninh, không cách xa tòa soạn lắm, ngay trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, gần Sở thú Sài Gòn. Chúng tôi ngồi đợi ở phòng dưới nhà, lẳng lặng không nói với nhau một lời vì có những tên công an khác đi quanh canh chừng. Một lúc sau, một tên công an từ trên gác xuống gọi chúng tôi lên trình diện ông Tướng An Ninh. Cửa phòng mở, ông Tướng đã chờ sẵn, ông dáng người gầy ốm, mặc quân phục với Jacket chống đạn. Ông Tướng ngồi trên ghế bành, hai chân với bottes de saut gác lên bàn, với khẩu súng lục nòng ngắn quay chung quanh ngón tay trỏ phải kiểu cao bồi. Ông ta cho biết là báo Tình Thương đã có nhiều bài viết không đúng đường lối cách mạng và ra lệnh cho chúng tôi từ nay phải sửa lại đường lối viết lách cho hợp với đường lối của chính phủ đương thời, nếu không ông bắn bỏ thì hối cũng không kịp.

Cũng nên nhắc lại là ông Tướng tuy là người Việt nhưng lại dùng toàn“tiếng Đức” của “các tay anh chị” khi nói với chúng tôi.

Và để cho thêm phần “uy tín”, ông ta lấy khẩu súng lục nòng ngắn dí vào màng tang của anh Đức và tôi và dặn: “nhớ nghe con”.

Có lẽ bốn năm sau (1968), khẩu súng này đã được dùng để kết liễu đời của tên đặc công Cộng sản với hai tay bị trói ra đằng sau. Hình ảnh cuộc hành quyết này đã được một phóng viên Mỹ ghi lại và phổ biến khắp thế giới và đã làm dư luận quần chúng Mỹ cũng như dư luận thế giới có ý kiến bất lợi cho cuộc chiến tranh Việt Nam.

Cho đến bây giờ tôi mới được biết là hai anh Ngô Thế Vinh và Phạm Đình Vy cũng được diện kiến ông Tướng An Ninh trong hoàn cảnh tương tự. (Vũ Thiện Đạm)

Đọc đoạn hồi ký trên, chúng ta sẽ đặt câu hỏi tại sao ông tướng An Ninh trên lại đặc biệt quan tâm đến tờ Tình Thương như vậy? Cái việc này do Sở Kiểm duyệt lo giùm cho ông mà. Nhưng nếu đọc kỹ trên số báo 20, trong bài Đối thoại với chính quyền, ta thấy cái “chích” của các anh bác sĩ tương lai này quả là “đau” và “thấm” hết chỗ nói khi anh ta “lên lớp”:




Câu hỏi: “Vậy ai để râu đây?” Chỉ có tướng Kỳ chứ ai trồng khoai đất này!

Thêm một cái “chích” nữa. Không phải râu mà là … gạo:





Ngay cả cụ Thủ tướng Hương cũng bị Tình Thương mang ra mà "chích", trách gì tờ phụ bản này bị cảnh sát rảo khắp cá sạp báo tịch thu là phải! Nhưng TQBT lại có nó, xin đăng để bà con thấy cái "chích" này:




Người dân miền Trung: ông Thủ Tướng Hư…Ương…ôi!
Thủ Tướng H.: Khoan! Khoan! Để Qua diệt cái tụi Sanh viên này đã!
(Tòa soạn TQBT ghi chú: Phụ bản này bị hốt trọn. TQBT may mắn có được nên chụp nguyên trang bìa để cống hiến quí bạn.)

Sự thành công của Tình Thương:

Báo Tình Thương được hình thành không phải do từ một nguồn tài trợ hay bảo trợ nào như tạp chí Sáng Tạo (từ Phòng Thông Tin Hoa Kỳ), Hiện Đại (từ BS Trần Kim Tuyến), Nghệ Thuật (từ Phó Tổng thống Nguyễn Cao Kỳ), mà do từ sự tự lực, tự cường của những người trẻ chủ trương. Họ đi tìm nguồn quảng cáo. Họ mang báo đi bán ở các trường học. Họ cải tiến không ngừng biến tờ báo mang tiếng là của sinh viên y khoa nhưng thật ra dành cho cả giới thanh niên sinh viên và những người thao thức đến vận mệnh của đất nước. Họ áp dụng tinh thần dân chủ trong việc điều khiển tờ báo. Mỗi năm, tòa soạn họp khoáng đại để bầu lại ban chủ trương và ban biên tập cho nhiệm kỳ mới. Tòa soạn thường xuyên tổ chức những buổi sinh hoạt nội bộ để những người cộng tác có thể gặp gỡ thân mật, cởi mở. “Chính sự sinh hoạt tập thể đã làm trơn tru cá nhân trước khi họ được ném vào guồng máy nhịp nhàng đồng đội” (xin xem bản tin tường thuật buổi họp Tình Thương vào năm thứ hai, thứ ba chúng tôi vừa trích ở phần trên).

Ngoài xã hội, tình hình chính trị thì rối ren, hàng ngũ sinh viên thì phân tán, đại học thì đóng cửa bãi khóa, dĩ nhiên trong nội bộ của báo Tình Thương cũng bị ảnh hưởng không ít thì nhiều. Nhà văn Ngô Thế Vinh nói về sự dị biệt này và giải thích tại sao Tình Thương lại vượt qua :

… Ngay trong nội bộ tòa soạn, mặc dầu có nhiều khuynh hướng rất khác nhau đôi khi cả đối nghịch nữa, đưa tới những cuộc tranh luận gay gắt kể cả bút chiến công khai tưởng như có thể gây đổ vỡ nhưng do nơi ý thức trách nhiệm đối với sự sống còn của tờ báo, biểu tượng cho sinh hoạt dân chủ nên cuối cùng thì chúng tôi vẫn đi tới được sự dung hợp với một mẫu số chung rộng rãi: tờ báo luôn luôn như một “open forum/ diễn đàn tự do” của những quan điểm khác nhau về mọi vấn đề chính trị, giáo dục và xã hội. (Ngô Thế Vinh)

Đó là lý do tờ báo không phải chết vì hết tiền như Sáng Tạo, Hiện Đại, Nghệ Thuật, hay Khởi Hành mà chết vì bị rút giấy phép, trong khi số lượng phát hành càng ngày càng cao, đến nỗi phải xin phép biến tờ báo từ nguyệt san thành bán nguyệt san (nhưng đơn xin phép bị chìm xuồng mà không một lời giải thích!)

Tình Thương và giá trị văn học hiếm quí

Nguyệt san Tình Thương có một truyện dài đăng nhiều kỳ. Đó là “Nuôi Sẹo”. Nhà văn Ngô Thế Vinh giới thiệu truyện này như sau:

… Riêng tiểu thuyết Nuôi Sẹo thì còn ở dạng bản thảo, báo Tình Thương đăng chưa hết thì bị đình bản và bản thảo duy nhất viết tay ấy thì nay đã bị thất lạc. Triều Sơn chết rất trẻ ở cái tuổi 33 [1921- 1954]. Hy vọng qua số báo chủ đề của Tập San Y Sĩ, với những số báo Tình Thương còn tìm thấy, từng trang sách tiểu thuyết Nuôi Sẹo sẽ được nối kết lại – cho dù chỉ còn là một tác phẩm dở dang nhưng đó vẫn là một mảng văn học độc nhất vô nhị của một thời kỳ biến động nhất của đất nước.

Trên Văn số 34 chủ đề Truy niệm Triều Sơn, phát hành vào ngày 15-5-1965, Nuôi Sẹo được nhắc nhở trong phần tiểu sử:

Tác phẩm căn bản là Nuôi Sẹo. Viết lần thứ nhứt trong không khí sắt lửa, tiểu thuyết đã in ra theo thể thức phơi-dơ-tông(feuilleton), trong tờ Kháng-chiến (1947). Năm 1949, viết lại theo một quan niệm khác,  vài chương đã được đăng trong tập Nhà Văn hiện đại. Sang Paris Nuôi Sẹo lại “bị viết lại” ba lần nữa. Một lần theo thể tài “bích họa” như bộ Chiến-tranh và Hòa bình của Tolstoi. Một lần theo thể tài của Colomba của nhà văn Pháp Prosper Mérimée. Và một lần thứ ba dụng những kỹ thuật tiểu thuyết mới nhứt của Âu-Mỹ. (Huân Phong, tạp chí Văn số 34 ngày 15-5-1965 số đặc biệt truy niệm Triều Sơn)

“Ngoài cái mộng triết học, anh còn có cái mộng văn nghệ. “Nuôi Sẹo” đã được anh ấp ủ từ lúc còn ở thế giới bên kia, anh mang nó về Hà Nội và nó theo anh từ Bắc vô Nam, từ Nam sang Pháp sang Phi Châu rồi trở về Pháp. Anh dùng nhân vật chính : một tên khố rách trong một làng ở Bắc Việt để tả cái xã hội phong kiến thực dân lúc Pháp tàn tạ và cho thấy một quan niệm về cuộc đời.”

“Anh thận trọng đến nỗi viết đi viết lại, bỏ, sửa, bớt, thêm từ gần 1000 trang rút lại độ 500, rồi còn cho là dài, đang sửa gọt cho còn 300 trang mới cho xuất bản. Nhưng cơn bịnh ngặt nghèo đã không cho phép anh làm xong !”.

… Để các bạn biết anh “nuôi” “Nuôi Sẹo” như thế nào, tôi có lần vào thăm nơi anh ở, thấy những chữ “Nuôi Sẹo” đầy cả tường và đủ các lối chữ! Đó là một lối nhắc mình chẳng thể quên, một lối nằm gai nếm mật  mới.”


“Thế mà mộng viết: “Triết lý triết học” (La philosophie des philosophies) đành tan vỡ, mà cái mộng hoàn thành “Nuôi Sẹo” cũng dở dang”. (Nguiễn Ngu-Í, hí Văn số 34 ngày 15-5-1965 số đặc biệt truy niệm Triều Sơn)

Với một nhà văn “lớn lao” (theo Đặng Tiến) như vậy, nhưng có mấy ai nhắc sau khi ông chết tại Paris? Có mấy ai chịu khó sưu tầm những di cảo bị thất lạc hay đăng rải rác trên các báo? Tháng 5, 1965, tạp chí Văn có làm một số đặc biệt về Triều Sơn, có nhắc đến Nuôi Sẹo như là một tác phẩm để đời nhưng không có một trang – dù chỉ một trang Nuôi Sẹo. Chỉ có tờ Tình Thương là tạp chí duy nhất đăng truyện dài Nuôi Sẹo (dù không đầy đủ).

Hiện nay, theo nhà văn Ngô Thế Vinh cho biết, ông chỉ có mỗi một số Tình Thương (số 9) để dùng làm văn liệu cho chủ đề Tình Thương nhân bản của tập san Y sĩ tại Canada, trong đó có một chương của Nuôi Sẹo.

[Chúng tôi hiện đã sưu tập được 11 chương của Nuôi Sẹo. Hy vọng TQBT số tới chúng tôi sẽ phổ biến cùng lúc với TQBT chủ đề Triều Sơn.]

Tình Thương và người lính VNCH

Đối với người lính VNCH, Tình Thương luôn luôn bày tỏ lòng biết ơn. Điều này được thể hiện qua nhiều bài vở từ nhận định hay qua hai lá thư đăng trên hai số báo dưới tựa đề “Lá thư gởi ra tiền tuyến” ký bởi Tình Thương:

… Lớp người thanh niên ấy từng giờ từng phút đang chiến đấu và hy sinh. Chúng tôi muốn nói đến các anh, những chiến binh đang xông pha ngoài mặt trận. Chúng tôi đã gặp các anh không phải ở những buổi hành quân các anh hăng say giết giặc cũng không phải những lúc các anh về hiên ngang vòng hoa chiến thắng mà chúng tôi gặp các anh quằn quại, rên xiết ở các bệnh viện Chợ Rẫy, Cộng Hòa với những vết thương lở lói bê bết máu. Chúng tôi đã từng đau lòng cắt bỏ từng cánh tay, từng khúc chân để biến các anh thành những phế nhân vĩnh viễn. Chúng tôi cũng đã từng ngậm ngùi, bất lực nhìn một số các anh bị tử thần cướp mang đi. Tình Thương số 14 tháng 2-1965)

Trong thư thứ hai, Tình Thương viết:

… Xương máu của các bạn đã đổ ra quá nhiều để gìn giữ mảnh đất tự do này, đáng lẽ sự hy sinh to tát ấy phải được đền bù bằng một sự cảm phục, lòng biết ơn thì một lớp người tay sai của bọn Cộng Sản đã có hành động phủ nhận công lao chiến đấu của các bạn … (Tình Thương số 16 tháng 4-1965)

Sự tri ân, nỗi đau đớn này được biểu lộ qua những lời phân ưu đầy thống thiết:






Hay qua bài viết đầy cảm động “Nhớ anh Đỗ Vinh” của Phạm Bá Lương đăng trên Tình Thương số 17:

Nhớ Anh ĐỖ VINH

La guerre, ce n’est pas l’acceptation du risque, Ce n’est pas l’acceptation du combat. C’est, à certaines heures, pour le combattant, l’acceptation pure et simple de la mort.
A. de SAINT EXUPERY (Pilote de guerre)

Tôi được tin Anh chết vào một buổi sáng qua mục “Tin Buồn” của một tờ báo.



Tôi ngỡ ngàng và nghi ngờ. Nhưng không, mấy dòng chữ… Cố Y sĩ Đại úy Đỗ… thật rõ ràng và khủng khiếp. Hay nhà báo in sai? Vì lẽ nào được, tôi vẫn tin – có thể vì ích kỷ – rằng tai họa chỉ gieo xuống cho ai kia xa lạ chứ. Rồi trong một hành động vô thức, tôi làm dấu và cầu nguyện cho Anh, dù vẫn biết: Anh không cùng tôn giáo với tôi. Nhưng giờ phút này tôi làm gì hơn được cho Anh? Đau đớn và kinh hoàng quá! Tôi tìm ông đơn vị trưởng, xin phép về gặp Anh lần chót. Đề nghị của tôi được thỏa mãn. Về tới nơi, tôi cũng chẳng còn may mắn hơn thầy Anh. Anh đã nằm yên trong lòng đất.

oOo

Mới một ngày nào không xa, Anh và tôi chia tay nhau. Tôi khoác áo chiến của người bộ binh. Còn Anh, gia nhập đoàn quân mũ đỏ cho thỏa ước nguyện hải hồ. Anh thường nói Anh ưa thích những xê dịch liên tục và không định hướng. Nay Cà Mau, mai Bến Hải. Anh và các bạn Anh có mặt khắp nơi, ở những vùng an ninh bị đe dọa nhất để tìm địch, diệt địch. Tôi ở đây, nơi tiền đồn, cũng không thiếu gì pháo kích, bắn sẻ hay ám sát. Rủi ro rình rập chúng mình từng giây từng phút, nhiều khi sống chết chỉ còn trong gang tấc, nhưng chưa bao giờ tôi quên nghĩ tới Anh, theo rõi bước Anh đi qua những lá thư viết vội.

Tôi vẫn nhớ trong những buổi nói chuyện của bọn mình, Anh và tôi có thể có những bất đồng về nhiều điểm, nhưng đứng trước cuộc chiến tranh này thì chúng mình luôn luôn có chung một ý kiến: phải chiến đấu và chiến thắng. Chúng mình không có quyền chạy trốn lịch sử. Chúng mình không thể di cư một lần thứ hai. Tôi tiếc cho Anh, vào lúc cuộc đọ sức  giữa ta và địch tới giai đoạn quyết liệt mà thành công đã ló sáng thì Anh vội vã ra đi, theo bước một Đoàn Mạnh Hoạch, một Trương Bá Hân. Máu Anh đã đổ, chứng tỏ sự có mặt của bọn mình trong những khó khăn của ngày hôm nay. Sự kiện ấy cũng nói lên cho mọi người biết những người trai lớp tuổi chúng mình nhất quyết nhập cuộc và say sưa làm tròn bổn phận. Định mệnh thật quá trớ trêu, cướp đi ở Anh sự vui tươi ham sống trong lúc tuổi tác chưa đè nặng trên vai Anh. Mảnh đạn vô tình quên đi rằng sự có mặt của Anh là cần thiết cho người khác. Trước sau bàn tay Anh có bao giờ làm nổi một tội ác. Cho tới phút chót, Anh gục ngã trong lúc đang săn sóc thoa dịu đau thương cho một đồng đội. Với những người như Anh, chỉ lấy yêu thương đổi lại với oán thù bất cứ từ đâu tới. Nhưng kẻ địch của Anh nào biết thế. Họ làm tất cả vì mọi phương tiện đều tốt. – Anh chết đi, các đồng đội anh tiếc nhớ Anh, chúng tôi thương khóc Anh, một vì sao vừa tắt…

oOo

Tôi tìm gặp Anh trong một chiều nhạt nắng, không phải dưới mái trường xưa, cũng không phải trong một dạ hội, mà nghĩa địa chiều nay, hoang lạnh quá. Những vòng hoa cuối cùng bắt đầu tàn úa, Anh và tôi cách biệt nhau bằng một lớp đất. Những hình ảnh về Anh trở về tâm tư tôi rõ ràng nhất. Bao năm tháng dài trong cùng một giảng đường, những ngày hè Vũng Tàu hay những chiều đông Đà Lạt, bao giờ anh cũng đến với tôi qua nụ cười cởi mở và những mẩu chuyện đằm thắm. Nhưng bây giờ sự mất mát thật to lớn và trọn vẹn. Không còn gì ngoài một sự thật phũ phàng. Đó là sự chấp nhận giản dị và hiển nhiên của cái chết ở nơi anh…

Bến Cát ngày 11-4-1965
PHẠM BÁ LƯONG
(Tình Thương số 17)

 Không ngờ chỉ 3 tháng sau, quân y sĩ Phạm Bá Lương cũng theo bạn anh mà ra đi. Trên nguyệt san Tình Thương số 20 chúng tôi thấy Tin Buồn báo tin Y sĩ Phạm Bá Lương đền nợ nước:



Trên Tình Thương, chúng tôi cũng gặp được những sáng tác của hai nhà thơ ngoài y khoa, cũng tử trận như trường hợp bác sĩ Phạm Bá Lương. Đó là những di cảo hiếm quí mà chúng tôi cố công tìm bấy lâu nay. Hai nhà thơ ấy là: Phan Huy Mộng và Nguyễn Phương Loan. Bài thơ Người chết ở Pleime của Phan Huy Mộng đăng trên Tình Thương số 28 tháng 4-1966 và trên Văn được bạn bè anh rất yêu thích:

Thằng vũ chết rồi trong trận pleime đó em
khủng khiếp và khốc liệt nhất
những lần về phép sau này ra cửa đón anh
em sẽ không bao giờ thấy nó
nó chết rồi
chết trong trận pleime cho quê hương
đó – nó nằm đó – nó ngồi đó
những tràng súng do chính nó bóp cò, địch bóp cò…
cho tất cả chúng ta cùng chết trong trận giặc chúng ta…

Giống như y sĩ Phạm Bá Lương khóc y sĩ Đỗ Vinh sau đó ít lâu thì tử trận, nhà thơ Phan Huy Mộng cũng vậy. Sau khi anh khóc bạn anh chưa được ít lâu, anh cũng theo bạn mà ra đi…

Còn nhà thơ Nguyễn Phương Loan thì tử trận trên căn cứ hỏa lực ở Pleime. Anh làm thơ rất nhiều nhưng ít chịu đăng thơ trên báo. Tình Thương là một trường hợp ngoại lệ. Có đến ba bài thơ của anh. Nhà văn Kinh Dương Vương viết về anh, như sau:

…Dáng anh cao lớn và oai nghiêm, thoạt trông trẻ con hoảng sợ. Nhưng rồi chúng đến vây quanh anh thân ái, khi chúng nhìn thấy đôi mắt hiền, buồn như mắt của một nghé tơ và giọng nói nhẹ dịu lòng. “Các cháu lại đây với chú. Nào, lại đây với chú”

Anh hãy còn độc thân. Anh yêu một người con gái, nhưng nàng không yêu anh, đã từ lâu, và anh còn yêu nàng mãi… Anh vẫn viết thư thường xuyên cho nàng, những bức thư là những bài thơ tình tuyệt vời không bao giờ có hồi âm.

Bạn tôi, anh là lính trận, nhưng cũng là một thi sĩ. Tôi nghĩ rằng anh chỉ là một thi sĩ. Anh viết những bài thơ trong bụi rậm, trên quyển sổ tay nhỏ, giấy bao thuốc lá hay những mảnh giấy vụn. Những bài lục bát  không bao giờ xuất hiện trên mặt báo. Nhưng cây lá, những cỏ mọn hoa hèn và côn trùng – những chú dế nhỏ, cào cào, sâu bọ – biết qua giọng ngâm gợi cảm của anh. Và vài người bạn thiết nhận được những bài thơ của anh từ những vùng hành quân xa xôi.

Anh liên miên đi từ chiến trường này đến chiến trường khác…

Giữa mùa thu:

Tôi được tin anh đã trở lại chiến trường Pleime, nơi đó anh bị thương. Một mảnh thép đã len vào thân thể anh, nằm trong phổi khiến máu anh chảy ra nhiều cùng với những chiếc bong bóng màu hồng. Việc tản thương chậm chạp và anh đã bất tỉnh. Anh vào nằm bệnh viện và qua một cuộc giải phẫu.

Người bạn anh nhờ mang sách về cho tôi kể chuyện:

Buổi sáng, anh tỉnh dậy sau cơn mê man suốt đêm. Anh đã ngồi lên được và anh hút thuốc – thú vui duy nhất của anh đó mà. Buổi trưa anh cảm thấy mệt nhiều. Anh đã nói với người bạn nhờ nhắn lại cho gia đình tôi biết, nếu anh mệnh hệ nào. Đúng nửa đêm hôm đó… (Kinh Dương Vương – Bài thơ cho bạn tôi, nguồn: Internet)

Trong khi tờ báo của sinh viên bày tỏ thái độ quyết liệt đối với những kẻ phủ nhận công lao chiến đấu của người lính miền Nam, cúi đầu thương cảm những người thương binh Bắc cũng như Nam phải bị cưa tay, cưa chân ở bệnh viện, ngậm ngùi những người mà họ không thể cứu được thì trên tạp chí Vấn Đề do hai tên tuổi được xem như nhà văn “chống Cộng” hàng đầu chủ trương (Mai Thảo, Vũ Khắc Khoan) lại đăng liên tiếp những truyện bôi nhọ thậm tệ màu áo người lính miền Nam của Ngụy Ngữ, xem những người thương binh là “bọn què quặt hết thời”, tả mỗi lần lính “rằn ri” về phố là cửa đóng then cài, ngay cả mang người chết là đại úy dù Nguyễn văn Đương ra mà bỡn cợt! Trong số những truyện này có truyện “Những con thú tật nguyền” của Nguyễn văn Ngữ tức Ngụy Ngữ (đăng trên Vấn Đề số 18) được dựng thành phim sau 1975!

… Thành phố đang sinh hoạt bình thường. Chợt có tin lính rằn ri đổ đến, tất cả nhốn nháo sợ hãi và những cánh cửa tiếp theo nhau khép nhanh lại, chợ tan, người thưa thớt tới lui khép nép, khắp các đường lớn đường nhỏ không còn một bóng gái trai… (Ngụy Ngữ: Phố miền Nam – Vấn Đề 50 tháng 9-71).

Hoặc như truyện “chị Hà” cũng của Ngụy Ngữ, ca ngợi hết mình người chị “phe giải phóng”, xem những người thương phế binh mà Tình Thương bày tỏ lòng cảm phục vô biên là:

“bọn lính què cụt hết thời đi cắm cọc chiếm đất”:
… Ở đó, với vô số máy thu thanh lảm nhảm từng ngày bây giờ, chị Hà được kể vào hàng ngũ những người lầm đường theo giặc …
Chị Hà, như người cha và anh cả tôi, đã mất tích.
Chị Hà đã mất tích, đã lẫn mù vào đời sống quay múa điệp trùng, đang ra sao ở một nơi nào đó. Có phải chị còn bên kia biên giới Việt Lào, còn bên kia giòng phân chia Nam Bắc, đang răng cà tai căng đứng ca hát trước đám dân Thượng, đang ngồi họp giữa những hội nghị cấp cao, súng chạy băng băng theo một viên đạn vừa bắn ngay chóc vào thân tàu giặc ngang trời, đang thoi thóp u ơ trong bệnh xá biên khu; hay đang khuất lấp hèn mọn giữa cái miền nam tự do chen chúc mỹ hời này, còn bồng con ngồi ru hát đêm ngày chờ tin dữ của người chồng vằn vện đang lăn lóc trên chiến trường Đông dương, còn mặc áo đại tang đi đòi quyền sống, còn theo bọn lính què cụt hết thời đi cắm cọc chiếm đất, hay đã ngã sấp xuống trong những vụ thảm sát máu me, đang ghẻ lở trong các chuồng cọp chuồng beo… (Ngụy Ngữ: Chị Hà – tạp chí Vấn Đề số 44)

– Ngay cả người sĩ quan Dù miền Nam mở chốt lựu đạn tự sát trên đồi máu sau khi đồi bị tràn ngập thì cũng bị Ngụy Ngữ đem ra mai mỉa bỡn cợt “anh chưa chết đâu anh”.

… Không. Vâng, không phải người ta quay lại cảnh khốn nạn đó để đám thanh niên Nam Việt sợ không dám đầu quân đi lính để chết mất xác bên Miên bên Lào hoặc để lên án cuộc chiến tranh phi nhân đang thiêu sống cả một thế hệ thanh niên trên khắp bán đảo Đông Dương này, mà trái lại, là đang hỗ trợ thêm cho chiến tranh, đang vẽ thêm một lớp sơn bóng ngời trên cái vóc dáng biệt kích của bọn lính Nam Việt, ve vuốt vào cái kiêu hãnh bệnh hoạn của chúng, kéo chúng ở lại trong hàng ngũ để bảo vệ cái dải đất tăm tối hời mỹ này khỏi rơi vào “vòng nô lệ của Cộng Sản”.

… Chuyện kể lại cái chết của một tên sĩ quan dù tại mặt trận Hạ Lào, nhắc lại thuở y còn là một thiếu úy, thiếu úy dù đi xe gắn máy chồng ba bốn mạng một xe chạy giữa phố Sài Gòn, tông nhằm một cô gái, cô gái nhận làm em gái hậu phương đi ca hát gì đó cho lính nghe rồi nhận làm vợ tên thiếu úy luôn, tên thiếu úy lên đại úy, tên đại úy đi trận sang Lào và mở lựu đạn chết khi căn cứ bị tràn ngập, chết xong chưa yên chuyện lại còn hiện hồn mang mặt máu về đứng hát anh chưa chết đâu em. (Vấn Đề số 52 tháng 11-71)

Sự bôi nhọ rủa xả này nếu đến từ những tạp chí thiên tả như Đối Diện, Trình Bầy, Tự Quyết v.v… thì không nói làm gì, nhưng những tờ báo trên chỉ chống Mỹ, chống chính quyền chứ chưa hề có một bài nào bôi xấu người lính miền Nam, chỉ có duy nhất là mỗi một tờ Vấn Đề mới đăng loại truyện như vậy. Mặt khác nếu Ngụy Ngữ là văn công thì không nói làm gì, đằng này y mang đồng phục lính miền Nam, được ưu đãi không ra trận một ngày!

Nghĩ mà tội cho thế hệ trẻ hôm qua. Họ không có tiếng nói. Nhất là những người cầm súng chiến đấu ngoài vòng đai SG.

May mà còn có Tình Thương.

Cuối cùng, một câu hỏi, với những hy sinh lớn lao như vậy, làm cách gì để được đọc tác phẩm của họ, hay những di cảo của họ? Làm cách gì để biết tiểu sử của họ, và sự đóng góp lớn lao của họ vào nền văn chương thời chiến, giúp cho những tạp chí có tầm cỡ như VănKhởi HànhThời Tập sống mạnh, sống vững? Làm thế nào để tham khảo mảng văn học chiến tranh kéo dài từ 1964 đến 1975?

Cách dễ nhất là mở bộ Văn Học Tổng Quan Miền Nam của Võ Phiến để tham khảo. Hoàn toàn tôi không tìm thấy.

Kết luận

Không có một tạp chí nào mà nửa thế kỷ sau, người nguyên là chủ nhiệm lại thổn thức khi nhớ đến một người bạn đứng sau lưng để giúp đỡ hỗ trợ báo Tình Thương mà ông gọi là cảm tình viên, như thế này:

“… Trời ở Lyon Pháp bây giờ sang Thu làm tôi nhớ Sài Gòn Nov 63, cây cối bắt đầu trụi lá buồn thênh thang, nhớ quê hương yêu dấu đã vĩnh viễn xa rời gần 35 năm qua, hình ảnh Phạm Văn Lương đã hiện về trong tâm khảm tôi, nước mắt trào lên mắt tôi, niềm cảm xúc quá mạnh tôi thổn thức khiến vợ tôi trên lầu chạy xuống và âu yếm nói: “Mon Vy, pourquoi tu pleures, je reste à côté de toi, le passé et les souvenirs sont toujours difficile à supporter”. Ma pauvre Sylvienne ơi! La vie n’est pas plus simple comme çà, laisses moi pleurer pour mes “disparus”. Ngàn lần vĩnh biệt Phạm Văn Lương.” (*)

(*) Sau năm 1975, Phạm Văn Lương tuẫn tiết trong trại khổ sai.

Vì sao?

Vì nó không phải là của riêng ai, hay của nhóm hay thế lực nào. Nó là của chung. Nó có một trái tim rất lớn là trái tim tuổi trẻ, một tuổi trẻ trí thức nhập cuộc và dấn thân. Nó là một mái nhà chung cho một đại gia đình. Nó là một nơi qui tụ những người biết mình phải làm gì. Tôi không hiểu với những người áo trắng ấy, một đêm có khi bị lôi dậy năm, mười lần, hay bận bịu phải lo những kỳ thi, thực tập, bài vở chất đống, vậy mà có thì giờ đâu để mà bồi dựng tờ báo đến 4 năm như thế. Vậy mà họ đã làm. Và thành công. Và họ hãnh diện. Như nhà văn/ nhà thơ Trang Châu đã hãnh diện về cái “lò” Tình Thương của ông:

Riêng tôi, ngồi viết lại kỷ niệm của thời làm báo Tình Thương, tôi có thể nói mà không sợ người đọc cho rằng tôi giả bộ khiêm nhường, rằng nếu không có hai năm viết lách hăng say trên tờ Tình Thương, không chắc gì tôi còn theo đuổi nghiệp văn chương cho đến ngày hôm nay. (tập san Y Sỹ số 184)

Trần Hoài Thư
New Jersey 03.2017